Những năm qua bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan hành chính chưa nghiêm; tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm và xử lý chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng nể nang, bao che...Những tồn tại, hạn chế trên đã ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính và hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước của tỉnh.
Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau
a) Tổ chức quán triệt ngay các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị tới các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị.
b) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các kế hoạch của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết nêu trên gắn với việc thực hiện tinh giản đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015.
c) Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng biên chế viên chức, công chức và số lượng người làm việc. Chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về tuyển dụng công chức, viên chức, thuyên chuyển viên chức, công chức theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện việc điều chuyển, luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng trong nội bộ cơ quan, trong hệ thống cơ quan cấp sở với cấp huyện, ưu tiên đối với các lĩnh vực tiếp xúc nhiều với công dân như: xây dựng, nhà đất, tài chính, cán bộ, tài nguyên...
d) Tiếp tục rà soát, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; xem xét hợp nhất, sáp nhập các đơn vị cùng ngành, lĩnh vực và hoạt động trên cùng một địa bàn; chuyển các đơn vị sự nghiệp hoạt động có nguồn thu sang loại hình tự chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động; đẩy mạnh xã hội hóa để giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp; chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đang hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ sang loại hình công ty cổ phần khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
e) Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt được hiệu quả thực chất hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo phương châm "4 không 1 có" "Làm việc không giấy tờ - Hội họp không tập trung - Dịch vụ công không gặp mặt - Thanh toán không dùng tiền mặt" và 1 có "Dữ liệu có chuyển đổi số"; thực hiện thí điểm chứng thực điện tử tại cấp xã, phường.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.
g) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; đôn đốc, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, vi phạm quy tắc ứng xử trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký hộ khẩu, cấp lý lịch tư pháp, tuyển dụng, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh, lao động - thương binh và xã hội....
Bố trí nguồn kinh phí bảo đảm dịch vụ bưu chính công ích, mua sắm trang thiết bị phù hợp để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên thực hiện đầu tư, nâng cấp đường truyền, máy tính, thiết bị cho các đơn vị cấp xã.
h) Thực hiện việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; xây dựng và tổ chức triển khai đánh giá, xếp loại hàng quý, năm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị. Loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức không đủ phẩm chất, năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm; nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
i) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
a) Chấp hành nghiêm túc Chỉ thị này và Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính tổ chức, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Thực hiện nghiêm túc công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công.
c) Thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy định trong văn hóa hội họp. Nghiêm cấm sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được đánh bạc dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật và không xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng có cán bộ, công chức vi phạm.
3. Sở Nội vụ
a) Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác về kiểm tra công vụ do Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng .
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động các gương “Điển hình tiên tiến”, “Người tốt, việc tốt”, các sáng kiến, giải pháp, cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong công việc của các cá nhân, tổ chức, đơn vị; phát hiện, phản ánh kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 25/8/2018; Chỉ thị số 28/CT-UBND 30/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.