Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 25/12/2020
Ngày cập nhật 25/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  ‘Xài chùa’ tài nguyên nước, đầu độc môi trường bằng chất thải trại lợn

Qua kiểm tra của công an, cơ sở chăn nuôi thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Chăn nuôi Trí Dũng (TT-Huế) không chỉ xả “bậy” nước thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; mà còn khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép và thực hiện không đúng cam kết đánh giá tác động môi trường.

Chiều 24/12, tin từ Công an tỉnh TT-Huế cho biết, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh này vừa phát hiện Công ty TNHH Xây dựng và Chăn nuôi Trí Dũng (gọi tắt Công ty Trí Dũng, đóng tại phường Hương Hồ, thị xã Hường Trà) có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo cơ quan công an, Công ty Trí Dũng chuyên hoạt động chăn nuôi lợn. Nước thải chăn nuôi được công ty này xử lý thông quan 3 hầm biogas và 3 hồ sinh học. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh TT-Huế phát hiện có 2 hầm biogas trại chăn nuôi bị hư hỏng, nên Công ty Trí Dũng đã cho nước thải chuồng trại xả trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh TT-Huế cùng Trung tâm quan trắc TN&MT - Sở TN&MT tỉnh tiến hành thu mẫu nước thải từ 2 điểm xả để kiểm tra, phân tích và làm cơ sở để xử lý vi phạm xả thải của Công ty Trí Dũng.

Quá trình kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện Công ty Trí Dũng không có giấy phép xả thải vào nguồn nước; khai thác và sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép; thực hiện không đúng các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. (tienphong.vn 24/12; antt.nguoiduatin.vn 24/12; giadinhvietnam.com 24/12; congly.vn 24/12; giaoducthoidai.vn 24/12; cand.com.vn 24/12)

 
 
 

2.  Cuối tháng 12 này có bàn giao xong mặt bằng dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn?

Công tác GPMB dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn những điểm vướng mặt bằng liên quan đến các hộ dân tái định cư...

Ông Lương Quang Thanh, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và đoàn công tác về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

Tất cả 11 gói thầu đồng loạt triển khai, giải ngân đáp ứng tiến độ

Chiều nay (24/12), đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đi khảo sát tình hình thi công, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) tại Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn, qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế dài 98,3km, gồm 11 gói thầu xây lắp. Giai đoạn phân kỳ, đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang các đoạn tuyến thông thường mặt đường 11m, nền đường 12m; các đoạn nền đào sâu, vượt xe mặt đường 21,5m, nền đường 23m. Tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, từ nguồn vốn TPCP.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lương Quang Thanh, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, công tác GPMB đến nay đã bàn giao 96,6/98,3km tuyến chính và 37,4/38km tuyến tránh (đạt 98,2%), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên xen kẹp một số đoạn tuyến còn vướng mặt bằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) chưa hoàn thành công tác di dời, khi triển khai thi công gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt những vị trí phải xử lý đất yếu.

Đoạn Quảng Trị đã bàn giao 37,3/37,3km (đạt 100%), tuy nhiên còn 1,5km đường gom và 1,2km điều chỉnh thiết kế (thuộc phạm vi nâng đường đỏ) chưa bàn giao xong. Đoạn Thừa Thiên Huế, tuyến chính đã bàn giao 59,6/61km, còn 1,4km tuyến chính và 0,06km hoàn trả tuyến tránh chưa bàn giao, tập trung chủ yếu ở các hộ TĐC…

Về công trình HTKT, công tác di dời lưới cao thế 500kv, 200kw, 110kv địa phương đang triển khai. Tại Quảng Trị, hệ thống thông tin tín hiệu đã di dời xong, chỉ còn một số cột điện đi ngầm thuộc hành lang cầu vượt ĐT579 dự kiến thực hiện trong tháng 1/2021.

Tại Thừa Thiên Huế, địa phương đang lập hồ sơ GPMB các vị trí trụ điện chôn mới, Ban đã làm việc và đề nghị địa phương tiếp tục vận động trong thời gian chờ phê duyệt GPMB, nhà thầu thi công sẵn sàng phối hợp trong công tác di dời. Đồng thời, Ban đã làm việc với điện lực Thừa Thiên Huế, đơn vị chủ quản đã sẵn sàng thiết bị để di dời khi có mặt bằng.

Đáng kể, công tác triển khai thi công, sản lượng xây lắp Dự án có tổng giá trị lũy kế đến nay là 1.702/5.449 tỷ đồng, đạt 31,3% giá trị hợp đồng. Giải ngân toàn dự án 1.702/1.826 tỷ đồng, đạt 93,21% (bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 là 1.524,75 tỷ đồng và 302 tỷ bổ sung kế hoạch vốn năm 2020), cơ bản đáp ứng tiến độ đăng ký.

Mưa lũ dồn dập, vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài, bất thường vừa qua, một số hạng mục công trình trên tuyến đã thi công bị ảnh hưởng. Hệ thống đường công vụ nội ngoại tuyến, đặc biệt là các cầu tạm, cầu công vụ bị hư hỏng hoặc bị lũ trôi, mặt bằng công trường hư hỏng nặng.

Ban đã yêu cầu các nhà thầu tập trung sửa chữa, khắc phục khi thời tiết thuận lợi, đồng thời rà soát hiện trường có giải pháp xử lý, cũng như mời đơn vị bảo hiểm xác nhận thiệt hại do thiên tai; triển khai thi công các hạng mục phù hợp điều kiện thời tiết hiện tại: đào đá nền đường, công tác bê tông, tập kết vật liệu...

Gói XL1, XL2 là 2 gói thầu đầu tiên triển khai (quý III/2019), các gói còn lại (từ XL3 đến XL11) khởi công quý I, II quý II/2020, nhưng từ tháng 10 đến nay mưa lũ bất thường, kéo dài hơn dự kiến; mặt khác một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng dẫn tới chậm tiến độ thi công (đặc biệt là hạng mục xử lý đất yếu).

Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, tăng ca để khi thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại hạng mục bị chậm, phấn đấu hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra: Gói XL1, XL2 dự kiến hoàn thành quý III/2021; các gói còn lại hoàn thành trong quý I/2022.

Tại hiện trường, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiến nghị đoàn công tác có ý kiến với địa phương đôn đốc các Sở, ban ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án (bao gồm việc di dời hệ thống HTKT) trong năm 2020, đặc biệt là đoạn cần xử lý nền đất yếu; giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đoạn Thừa Thiên Huế cũng như sớm hoàn thiện thủ tục liên quan đến cây xăng Hưng Phát bị ảnh hưởng do đoạn tuyến cao tốc đi qua trước mặt không thể kinh doanh... để nhà thầu thi công đoạn này.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết bàn giao cho dự án trước 31/12/2020 và chỉ đạo các huyện thị hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bàn giao mặt bằng còn lại. Tuy nhiên những trường hợp còn lại đều là những vướng mắc lớn, liên quan đến các hộ dân TĐC… cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị, sở ban ngành liên quan để sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 1,4km mặt bằng tuyến chưa bàn giao trên hiện còn vướng mắc GPMB là 800m: Nam cầu Tuần (thị xã Hương Thủy) 400m, Bắc cầu Tuần (thị xã Hương Trà) 300m và một số vị trí tại thị xã Hương Trà; 600m còn lại đã có phương án và người dân đồng ý nhận tiền…

Sáng mai (25/12), đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện và GPMB, TĐC dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn. (baogiaothong.vn 24/12)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống – kỳ 2: Phát triển rừng cần dựa vào thực tiễn

Năm 2020, thiên tai xảy ra liên tiếp khiến chúng ta cần nhìn nhận lại sự tác động của rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Rừng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội với những câu hỏi chất vấn thẳng thắn của đại biểu đến những người có trách nhiệm.

Từ những thảm nạn

Không chỉ ở Thừa Thiên Huế, những vụ lở núi, lũ quét kinh hoàng đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành miền Trung. Những thảm họa này không phải xảy đến bây giờ mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước.

Cần có một đánh giá khoa học, tổng thể để xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Song có một điều được các nhà nghiên cứu khẳng định, mưa có cường độ lớn hình thành dòng chảy mặt lớn và đặc biệt lớn tràn ngập trên lưu vực nhỏ vùng núi dốc, có độ che phủ rừng ít, bị khai thác mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều điều kiện cho xói mòn, rửa trôi đất đá bùn cát… sẽ dẫn đến lũ quét và tác động của hoạt động kinh tế công trình của con người, như tăng cao độ dốc sườn khi thi công các tuyến giao thông, kênh mương, đê đập, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn... là một trong những lý do gây nên trượt lở đất.

Theo nhân định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tai biến địa chất trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250-750m với độ dốc tù 15- 25% ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thuỷ chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Cần nâng cao độ che phủ rừng về chất

Trong quá khứ và hiện tại, trượt lở trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra dọc tuyến Quốc lộ 1A, đèo Hải Vân, dọc tuyến Quốc lộ 49 từ Huế đi A Lưới, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh… Những tai biến trượt lở ở khu vực này liên quan đến đá phiến, cát bột kết bị phong hoá mạnh tạo lớp vỏ phong hoá dày, kém ổn định, độ dốc địa hình cao và thảm thực vật kém phát triển do bị huỷ diệt trượt lở có khả năng đe doạ đến cuộc sống của một số hộ dân. 

Mới đây, vụ sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 khiến người ta hoài nghi về việc mất rừng ngay tại khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền dẫn đến thảm nạn này.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thành lập nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung. Song, tại khu vực này, các nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, 1 nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học. Trong số diện tích trên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mất gần 30 ha rừng tự nhiên để xây dựng nhà máy thủy điện Alin B2 và Rào Trăng 3...

Giữ rừng là giữ sinh mạng của con người

Thảm thực vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng, làm cản trở quá trình xói mòn, trượt lở đất, lũ quét, che chắn mặt đất. Nó không chỉ bao gồm cây rừng mà là toàn bộ lớp phủ thực vật. Cấu trúc cây của thảm thực vật cũng có ý nghĩa quan trọng. Rừng nhiệt đới với tán lá rộng nhiều tầng, bộ rễ ăn sâu không chỉ có tác dụng triệt tiêu động năng của hạt mưa mà còn làm giảm dòng chảy mặt.

Thông qua chế độ quản lý khai thác rừng, sử dụng đất, chế độ canh tác trong nông lâm nghiệp, con người không chỉ đã làm thay đổi tỷ lệ che phủ mặt đất mà còn làm thay đổi cấu trúc của các tầng đất mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng xói mòn, trượt lở đất bề mặt lưu vực.

Duy trì sự phát triển của những cánh rừng đồng nghĩa với bảo tồn bầu khí quyển, nguồn sống cho con người. Tại nghị trường Quốc hội tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi rừng lọc khí CO2 và tạo O2. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên và cung cấp cho cuộc sống con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta và trong chiến tranh thì rừng che bộ đội”.

Không phủ nhận những công trình, hạ tầng ít nhiều giúp ổn định đời sống dân sinh, phát triển kinh tế. Song, thực hiện các dự án xây dựng sẽ có những tác động nhất định đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Việc thi công sẽ tác động đến môi trường sống của các loại động thực vật…

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, đã đến lúc con người nhìn nhận, đánh giá lại khi xây dựng các công trình có tác động vào tự nhiên. “Đến một lúc nào đó, chúng ta không thể xẻ rừng, bạt núi để xây dựng công trình. Trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt và bảo vệ môi trường sống của con người, rừng đóng vai trò rất quan trọng”, ông Hùng chia sẻ.

Với những người dân vùng cao, từ bao đời nay, họ sống tựa vào rừng cây, ngọn núi. Tư duy dẫu có đổi thay qua từng thời kỳ song, trong họ rừng vẫn thiêng liêng, quan trọng hơn cả mạng sống con người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết, nếu chia thu nhập của người dân ra làm 3, thu nhập dựa vào rừng chiếm đến 2 phần. “Thời kỳ trước, khi khó khăn, không ít người vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Bây giờ thực trạng đó đã giảm hẳn, họ biết trồng rừng để phát triển kinh tế, dựa vào rừng để khai thác những nguồn lợi khác. Với người đồng bào, mất rừng xem như mất cần câu cơm”, ông Hồ nói.

Tùy vị trí, chọn cây gây rừng hợp lý

Rừng trồng trên địa bàn tỉnh đang tạo ra sinh kế cho người dân. Song, ngoài mục đích kinh tế, rừng trồng hiện nay liệu có bền vững, góp phần ứng phó thiên tai hay không vẫn còn là dấu hỏi. Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: Mất rừng cũng do người ta đã thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp cũng không có giá trị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì phải phục hồi lại rừng; phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là rừng tự nhiên.

Tại Thừa Thiên Huế, những dự án trồng rừng góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng nghìn hộ dân. Rừng cao su, keo tràm giúp những địa phương vùng núi thay da đổi thịt. Song, ngoài mục đích sinh kế, khi nhìn nhận lại tác dụng đặc trưng của rừng, nhiều chuyên gia cho rằng, các loại cây rừng này dường như chưa có tác dụng nhiều để giữ đất, giữ nước trong tương lai, đặc biệt là ứng phó với thiên tai.

Những đợt bão vừa qua, rừng sản xuất của người dân bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt tại huyện miền núi Nam Đông. Riêng bão số 9, trên địa bàn này có 2.500 ha keo tràm, 1.500 ha cao su đang giai đoạn khai thác bị gãy đổ, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Câu hỏi đặt ra, có nên thay thế các loại cây này hay không, bởi đây không phải lần đầu tiên bị thiệt hại? Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Hữu Huy cho biết, hiện vẫn chưa tìm ra loại cây nào phù hợp, giá trị hơn keo tràm, cao su để đưa vào sản xuất, che phủ rừng tại Thừa Thiên Huế.

Theo ông Huy, người dân đã gắn bó mật thiết với cao su, keo tràm từ mấy chục năm nay, do vậy việc chuyển đổi sẽ tác động đến nhiều mặt và cần cả quá trình dài lâu. “Dẫu không bằng các loại cây bản địa nhưng cao su, keo tràm vẫn có tác dụng giữ đất, giữ nước. Việc trồng các loại cây này sẽ tạo ra kinh tế trong thời gian ngắn, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu thay thế bằng cây bản địa phải mất mấy chục năm mới hình thành rừng, trong thời gian đó, việc xói mòn vẫn xảy ra. Do vậy câu chuyện chuyển đổi cần được nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đang nghiên cứu ở một số địa hình sườn dốc cao có thể thay thế cây bản địa còn những vị trí phù hợp người dân vẫn trồng keo tràm để phát triển kinh tế, song phương thức trồng phải phù hợp…”, ông Huy nói. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

2.  Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống - Kỳ 3: Tái sinh rừng tự nhiên

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng (BVR), kết hợp trồng rừng gỗ lớn, tái sinh rừng bản địa… được xem là giải pháp tối ưu trong quản lý rừng, góp phần ứng phó lũ lụt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bảo vệ rừng không chỉ kiểm lâm

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông bày tỏ mối nan giải: Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) lâu nay chủ yếu dựa vào đội ngũ BVR của các ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm. Trong khi đó, lực lượng này quá mỏng so với diện tích rừng giao quản lý, bảo vệ quá lớn, đặt ra nhiều thách thức, khó đảm trách một cách hiệu quả.

Trước yêu cầu thực tế, các đoàn thể, Nhân dân được xem có vai trò rất quan trọng trong quá trình giám sát, phát hiện các đối tượng, vụ vi phạm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên lâu nay, nhiều người dân, kể cả một số chính quyền cơ sở, thôn, bản chưa có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong quá trình QLBVR. Trong số nhiều vụ vi phạm chặt phá rừng, người dân, kể cả cán bộ thôn, bản phát hiện nhưng chậm báo đến lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng.

Muốn BVR hiệu quả không có con đường nào khác ngoài sự huy động lực lượng tham gia từ cộng đồng dân cư. Thực tế, sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh về giao rừng gắn với xây dựng quy ước QLBVR cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông đã phát huy hiệu quả. Hầu hết các hộ thôn A Tin, xã Thượng Nhật và các địa phương bỏ hẳn nghề khai thác lâm sản tự nhiên. Số vụ vi phạm khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã tại khu rừng do các cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông quả lý giảm đáng kể (giảm 5-6 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ cho rằng, người dân gắn bó với rừng qua bao thế hệ, rừng được xem một phần quan trọng trong đời sống nên ý thức, trách nhiệm BVR ngày càng cao. Chính sách giao đất, giao rừng thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông thôn; huy động nguồn lực, nhân lực của cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước… phối hợp tham gia QLBVR một cách hiệu quả.

Sau 4 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về giao rừng cho cộng đồng quản lý, huyện Nam Đông đã giao hơn 6,5 ngàn ha rừng tự nhiên cho 30 cộng đồng, 30 nhóm hộ và 81 hộ cá nhân, chủ yếu là người Cơ Tu thường sống dựa vào rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Các nhóm hộ, cộng đồng được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng từ dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án. Có 4 cộng đồng được hỗ trợ sinh kế từ dự án, mô hình trồng mây nước với diện tích gần 70ha. Từ đó, bà con chuyển đổi nhận thức, từ bỏ tập quán sản xuất dựa vào rừng.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, đến nay, toàn tỉnh triển khai chăm sóc gần 18 ngàn ha rừng tự nhiên, giao khoán cho các địa phương, tổ chức, cá nhân chăm sóc, bảo vệ với diện tích gần 170 ngàn ha rừng. Sau một năm triển khai quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh, các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân từ việc trồng hàng trăm ha cây lâm sản ngoài gỗ, có nguồn thu nhập ổn định. Ngành kiểm lâm thành lập mới và kiện toàn 82 ban quản lý, 78 ban giám sát và các tổ đội quản lý rừng cộng đồng; xây dựng và thông qua quy ước QLBVR của các cộng đồng…

Rừng gỗ lớn ứng phó thiên tai

Chủ tịch FOSDA, ông Võ Văn Dự khẳng định, trước yêu cầu mới không có con đường nào khác ngoài phát triển rừng bền vững thông qua phát triển RGL, nâng cao độ che phủ. Trồng RGL, quản lý rừng bền vững FSC góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo môi trường xanh, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ các bon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 311.206 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha, song RGL mới chỉ khoảng 9.000 ha, giá trị mỗi ha tối thiểu đạt 250 triệu đồng/chu kỳ khai thác. Trở ngại lớn trong quá trình thực hiện trồng RGL có thể thấy từ nhiều nguyên nhân, do chu kỳ thu hoạch dài (từ 7 năm trở lên) nên nhiều hộ không có khả năng tài chính duy trì; việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc RGL chưa đầy đủ làm hạn chế đến năng suất, chất lượng gỗ, rủi ro thiên tai...

Một bộ phận hộ trồng rừng chưa thấy rõ hiệu quả nên xuất hiện sự hoài nghi về sự bền vững và phát triển sản xuất rừng trồng gỗ lớn, chứng chỉ FSC. Tư tưởng sản xuất của một số hộ lâm dân còn nặng về trồng rừng bán gỗ dăm nguyên liệu theo kiểu ăn xổi, không muốn thâm canh, chuyên canh trồng RGL, chứng chỉ FSC. Các hộ cá thể khác thiếu sự quan tâm tham gia trồng RGL.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trồng RGL gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đây là điều kiện, cơ hội để phát triển mô hình trồng RGL, chứng chỉ FSC. FOSDA đang triển khai hỗ trợ các đơn vị chủ rừng, người dân đăng ký tham gia trồng RGL có chứng chỉ FSC, nâng diện tích RGL toàn tỉnh lên 16 ngàn ha trong những năm đến.

Hồi sinh rừng bản địa

Trong vòng 30 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai trồng rừng phục hồi với diện tích hơn 100 ngàn ha từ các dự án, chương trình trồng rừng keo, bạch đàn, thông; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng và làm làm giàu rừng; trồng rừng bản địa xen keo, RGL gắn với FSC. Công tác phục hồi rừng được đánh giá khá thành công, nhiều diện tích rừng tự nhiên được phục hồi, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, xét về tính chất bền vững còn hạn chế, do diện tích rừng thuần keo còn khá phổ biến, diện tích rừng trồng FSC chỉ đạt hơn 9.000 ha.

Trong khi đó, cây bản địa đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi sinh rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt. Hằng năm, ngành kiểm lâm đều triển khai trồng rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm tái sinh rừng tự nhiên nhưng chưa đảm bảo kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Các loài được trồng chủ yếu là cây bản địa như kiền kiền, gõ, chò chỉ, lim, sến trung, huỳnh, dầu rái, sao đen…

Tính riêng kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh trồng gần 900 ha rừng phòng hộ, đặc dụng với các loài cây bản địa bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đến nay, các đơn vị đã triển khai trồng 120 ha, diện tích còn lại đang hoàn thiện thủ tục để tổ chức trồng kịp thời theo kế hoạch.

Theo đánh giá của ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT, kế hoạch trồng rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2020 khá lớn, song đến nay mới chỉ trồng 120 ha và có khả năng khó hoàn thành đúng tiến độ. Nguyên do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội khiến đơn vị thi công không thể tập trung lực lượng lao động tổ chức trồng rừng. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, sau đó gặp mưa bão liên tục; hệ thống đường giao thông sạt lở nghiêm trọng, không thể tiếp cận các khu vực để trồng rừng.

Do khả năng giữ nước, chống xói lở đất của các loại keo tràm rất kém nên tỉnh có kế hoạch từng bước trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây bản địa. Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1.050 ha rừng gỗ lớn bằng các loại cây kiền, lim, chò, sến, sao đen… với tổng kinh phí 64 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai mà còn nâng cao giá trị rừng sản xuất trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp. (baothuathienhue.vn 25/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021

Ngày 24/12, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC.

Tham dự Hội nghị còn có đồng chí: Lê Trường Lưu-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đại diện lãnh đạo các Ban, ngành, cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2020, đồng chí Vũ Văn Minh-Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của Tòa án.

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh xuất hiện, kéo dài, diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực tập trung sức mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2020, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế được Chủ tịch nước bổ nhiệm 05 Thẩm phán sơ cấp, 04 Thẩm phán trung cấp; Chánh án TANDTC bổ nhiệm 01 Phó Chánh án TAND tỉnh, 04 Chánh án TAND cấp huyện, 04 Phó Chánh án TAND cấp huyện.

Trong năm 2020, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 4.143 vụ việc các loại, đã giải quyết 3.751 vụ, đạt tỷ lệ 90,5%. Tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ án dân sự nói chung đạt 64,9%. TANDTC tặng cờ thi đua cho TAND tỉnh TT-Huế và TAND thành phố Huế (là đơn vị có số lượng án giải quyết chiếm hơn 40% tổng số án của cả hai cấp, tỷ lệ hòa giải cao).

Cùng với công tác giải quyết, xét xử các loại án, các đơn vị thuộc TAND hai cấp Thừa Thiên Huế còn triển khai thực hiện tốt nhiều mặt công tác khác, như công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác Hội thẩm TAND; công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, tổ chức các hoạt động phong trào, hoạt động từ thiện xã hội; phối hợp liên ngành giữa Tòa án với cơ quan trong khối nội chính, Viện kiểm sát, Công an tỉnh, Sở tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như, một số Tòa án cấp huyện, Tòa, phòng thuộc TAND tỉnh triển khai thực hiện chưa quyết liệt các chủ tương, giải pháp mà lãnh đạo TANDTC và TAND tỉnh đề ra; tỷ lệ đối thoại thành trong các vụ án hành chính vẫn còn thấp; tỷ lệ giải quyết đối với án dân sự, kinh doanh thương mại ở một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu quy định; việc cho hưởng án treo và áp dụng các hình phạt nhẹ hơn còn sai sót; số lượng các loại vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại các Tòa phải giải quyết tương đối lớn trong khi số lượng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán còn thiếu.

Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của TAND hai cấp, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, các Tòa án cần tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường tổ chức các phiên tòa và Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử; hoàn thiện thủ tục, khởi công xây dựng trụ sở TAND tỉnh TT-Huế, TAND huyện Phú Lộc.

Đồng chí Lê Trường Lưu- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận những kết quả mà TAND hai cấp tỉnh TT-Huế đã đạt được trong năm qua. Đề nghị TAND hai cấp tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán và đội ngũ lãnh đạo ở Toà án 2 cấp; làm tốt công tác luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách trong các môi trường công tác nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cho những năm tiếp theo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân dễ tiếp cận khi có công việc liên quan đến Tòa án.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tiến –Phó Chánh án TANDTC đề nghị TADN hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Chánh án TANDTC tại Hội nghị triển khai công tác năm 2021. Xây dựng kế hoạch hành động sát thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Khắc phục án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan tới mức thấp nhất, không để xảy ra điểm nóng tại địa phương. Tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh cần nhạy bén, linh hoạt trong việc tiếp thu ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, Phó Chánh án TANDTC cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thay mặt Ban cán sự Đảng và toàn thể cán bộ, công chức của TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Bường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm và tình cảm của lãnh đạo TANDTC, Thường vụ Tỉnh Ủy đã dành cho TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chánh án Nguyễn Văn Bường cũng khẳng định, ngay sau Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra. (congly.vn 24/12)

 
 
 

2.  Bổ nhiệm mới Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế

- Ông Lương Bảo Toàn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh, quyết định có thời hạn 5 năm, kể từ 25/12/2020. Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao quyết định phê chuẩn chức danh Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

Ngày 24/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh.

Tại lễ trao quyết định, Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế Bạch Chơn Đông đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc bổ nhiệm ông Lương Bảo Toàn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, quyết định có thời hạn 5 năm, kể từ ngày 25/12/2020.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ mong muốn tân Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn trên cương vị công tác mới sẽ phát huy năng lực, kinh nghiệm, giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết, góp phần xây dựng Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt việc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn hứa sẽ rèn luyện, không ngừng học tập nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hết mình để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Phan Ngọc Thọ còn trao quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung ông Nguyễn Đình Bách, Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền, giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhiệm kỳ 2016- 2021. (tienphong.vn 24/12; thuonghieucongluan.com.vn 24/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Đồng hành cùng tỉnh trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế

Sáng 24/12, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Khánh Hùng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và 186 hội viên.

Kế thừa những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ mới, Hội KHLS tỉnh bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh để góp sức về phương diện sử học của vùng đất, như: xây dựng đề án “Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển”; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phú Xuân; nghiên cứu văn hóa thời Tây Sơn để thành lập CLB Văn hóa Quang Trung; tổ chức các hội thảo khoa học, diễn đàn đối thoại sử học quốc gia, quốc tế về lịch sử và văn hóa Huế, chủ quyền biển đảo, văn hóa và du lịch Huế… Hội cũng đặt ra nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện, tiến tới xây dựng lộ trình phản biện độc lập các đề án, đề tài khi được tỉnh và các tổ chức quản lý khoa học phân công...

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những cống hiến của Hội KHLS tỉnh nhiệm kỳ qua đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới quê hương Thừa Thiên Huế, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, công tác phản biện xã hội, nghiên cứu lịch sử....

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, giai đoạn 2020 - 2025, trong bối cảnh toàn tỉnh thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Hội KHLS cùng trăn trở với lãnh đạo tỉnh nhằm góp phần xây dựng văn hóa Huế, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa và con người xứ Huế. Trước tiên là nghiên cứu, luận giải các đặc trưng cơ bản của văn hóa Huế, con người Huế trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đâu là động lực để bảo tồn, phát triển; đâu là lực cản để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thời kỳ mới.

Hội cần nâng cao vai trò là cơ quan tư vấn, phản biện; góp phần giải bài toán về “bảo tồn” và “phát triển”; chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, đưa văn hóa Huế và lịch sử Thừa Thiên Huế vào trường học...

Đại hội bầu ra ban chấp hành mới gồm 25 thành viên. Dịp này, UBND tỉnh cũng đã tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động hội. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

2.  Bảo tồn, phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công

Từ ngày 21 đến 25/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ thiết kế dự án “Bảo tồn phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công”. Địa điểm tổ chức lấy ý kiến tại cửa Thể Nhơn, thông qua phiếu đóng góp ý kiến.

Dự án “Bảo tồn phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công” tại khu vực cửa Thể Nhơn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tu bổ di tích Huế tư vấn lập dự án, được thực hiện trong 3 năm.

Công trình được phục hồi theo hình thức kiến trúc truyền thống 5 gian, 2 chái, gồm: Bộ khung gỗ, sơn bảo quản toàn bộ hệ khung gỗ, phục hồi mái lợp ngói liệt không men, hệ thống bờ mái không có trang trí, phục hồi hệ thống tường bao 4 góc công trình và cửa vòm bán nguyệt, nền lát gạch vồ hình chữ Công. Đồng thời, vệ sinh, bảo quản Cửu vị thần công và bệ đỡ; thay thế lan can gỗ bằng lan can kính cường lực bảo vệ xung quanh súng thần công; trình chiếu diễn giải thông tin lịch sử; lắp đặt điện chiếu sáng, bố trí hệ thống báo cháy tự động và các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại công trình.

Theo ảnh tư liệu lịch sử, nhà Cửu vị thần công (còn gọi là Tả - Hữu pháo xưởng) là 2 công trình di tích bằng gỗ, mái lợp ngói liệt, được sử dụng để bảo vệ cho 9 khẩu đại bác bằng đồng. Đây là nơi dừng chân của các đoàn khách du lịch mỗi lần ghé thăm Huế. Việc đầu tư bảo tồn, phục hồi thích nghi 2 nhà Cửu vị thần công nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc vốn có của công trình, góp phần quan trọng trong mục tiêu hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc – cảnh quan – văn hóa nghệ thuật của khu vực Kỳ đài – Ngọ Môn, từng bước hoàn chỉnh bức tranh quy hoạch tổng thể của một kinh đô triều đại nhà Nguyễn. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

3.  “Rổ, rá” mây tre vươn ra thế giới

Từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, thì nay sản phẩm mây tre đan lát làng nghề Bao La (Thừa Thiên- Huế) đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Nằm ở phía Bắc con sông Bồ, cách TP. Huế khoảng chừng 20km, làng nghề đan lát truyền thống Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) đã được hình thành và phát triển đã hơn 600 năm. Trước đây, người dân trong làng chỉ làm những vật dụng để phục vụ cuộc sống và sản xuất hàng ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa; làng nghề đan lát Bao La đã phải trải qua những bước thăng trầm, có những lúc bị mai một và nguy cơ xóa sổ.

Thế nhưng, năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó, Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La đã chính thức được thành lập. Đây cũng được xem là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề truyền thống này.

Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề Bao La dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề Bao La cũng có mặt tại các Hội chợ Thương mại lớn, buổi triển lãm,… và được nhiều người biết đến.

Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình như thúng mủng, rổ rá, nong, nia, lồng bàn… HTX mây tre đan lát Bao La đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao. Đến nay, sản phẩm mây tre đan đan lát của HTX Bao La không còn là hàng đan mây, tre thông thường, mà là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó, độc đáo như: Mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp Linh Mụ, cầu Trường Tiền, các loại đèn treo trang trí, các linh vật như nghê,…

Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Lương Bảy đánh giá, các sản phẩm của HTX mây tre đan Bao La có mẫu mã đa dạng, dễ nhận diện là hàng thủ công mỹ nghệ và ược nhiều thị trường đón nhận và ưa thích. Thành công của làng nghề đan lát Bao La đến từ sự kết hợp của sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại và gìn giữ giá trị truyền thống. Có thể nói, đây là kinh nghiệm quý giá cho các làng nghề truyền thống khác tham khảo và vận dụng, trong hành trình khôi phục và làm sống lại những làng nghề đặc trưng của Thừa Thiên- Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Vươn ra thế giới

Sau gần 14 năm hình thành và phát triển, hiện nay, HTX mây tre đan Bao La đã thiết kế và sản xuất hàng nghìn mẫu mã, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm Hợp tác xã thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, HTX  Bao La còn sản xuất các loại vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La cho biết, nếu như trước đây, HTX phải chủ động tìm đơn hàng tại các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Định… thì nay đã  có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong cả nước đến trực tiếp đặt hàng với số lượng lớn. Một số đơn hàng còn được đưa đi xuất khẩu sang ra nước ngoài. Trong đó, vào đầu năm 2017, HTX Bao La nhận đơn hàng 2 ngàn sản phẩm tham gia Festival Nghề truyền thống Huế và 5 ngàn sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang Trung Quốc.

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-UBND về việc Công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1, năm 2020, thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Theo đó, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Cũng theo ông Dinh, đến nay, tại HTX Bao La trung bình mỗi tháng 2 lần xuất hàng đi, giá trị đơn hàng từ 80 - 100 triệu đồng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở Hà Nội còn đặt hàng để đem di xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Thái Lan, các nước ở Châu Âu.

"Để phục vụ việc sản xuất  ở HTX thường xuyên có khoảng 120 công nhân, chủ yếu là người địa phương. Thu nhập bình quân của công nhân từ 150- 200 ngàn đồng/ ngày, họ được đóng đầy đủ các loại BHXH, BHYT...." ông Dinh vui vẻ chia sẽ.

Cũng theo Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, việc chú trọng sản xuất ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu của hợp tác hiện nay. Đồng thời, HTX cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp để đầu tư trang thiết bị và sản xuất ra những sản phẩm ngày càng tinh xảo, đẹp mắt hơn nhằm phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Để phát triển các làng nghề truyền thống, phục vụ du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành cấp vốn cho HTX mây tre đan Bao La để đầu tư, xây dựng nhà truyền thống phục vụ việc trưng bày, triển lãm tại cơ sở sản xuất. Đồng thời, HTX mây tre đan Bao La cũng đã được Sở Công Thương Thừa Thiên- Huế trao giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”.

Gần đây nhất, tháng 11/2020 vừa qua, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế công nhận và xếp hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng 4 sao. (nongnghiep.vn 25/12)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Ngành công an hỗ trợ nhân dân Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả thiên tai

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động quyên góp, ủng hộ 1 ngày lương, qua đó trao tặng số tiền 1 tỷ đồng nhằm góp phần giúp người dân khắc phục những hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống. Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cũng hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế 100 triệu đồng.

Chiều ngày 24/12, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Công an tỉnh này đã trao tặng số tiền 1 tỷ đồng của đơn vị và 100 triệu đồng của Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay mặt đơn vị chia sẻ với tổn thất, mất mát rất lớn và những khó khăn, thiệt hại mà nhân dân Thừa Thiên Huế phải gánh chịu trong những đợt mưa, bão, lũ vừa qua.

Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, với tinh thần “tương thân, tương ái”, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động quyên góp, ủng hộ 1 ngày lương, qua đó trao tặng số tiền 1 tỷ đồng nhằm góp phần giúp nhân dân khắc phục những hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống.

Dịp này, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao số tiền 100 triệu đồng của Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Tiếp nhận tấm lòng của Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam và của Công an tỉnh, thay mặt lãnh đạo và nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã gửi lời cảm ơn đến Thứ trưởng Bộ Công an và lực lượng Công an tỉnh đã dành sự quan tâm, cũng như đã có những nỗ lực, tích cực giúp đỡ nhân dân trong những ngày diễn ra bão lũ và những lúc khó khăn. Đồng thời cao kết sẽ sử dụng số tiền hỗ trợ đúng mục đích, nhằm góp phần ổn định cuộc sống cũng như sinh kế của người dân.

Năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế, góp phần kéo giảm tội phạm 17,5%, vượt chỉ tiêu 12,5%; kết luận 634 vụ, đạt 87,33%, vượt chỉ tiêu 12,33%; trong đó án truy xét kết luận đạt 85,89%, tăng 21,83%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kết luận đạt 98,04%, vượt 2,04%; không để hình thành tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen; triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy liên tỉnh; đấu tranh mạnh, quyết liệt, hiệu quả với tội phạm công nghệ cao.

Cũng trong năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 5 cán bộ chiến sĩ. Đến nay đã bố trí 552 Công an chính quy về 106 xã, thị trấn, đạt và vượt yêu cầu của Bộ Công an; tiếp tục triển khai đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng cảnh sát khu vực.

Với những kết quả đạt được, trong năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Công an tặng Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc; có 482 tập thể, 1.501 lượt cán bộ chiến sĩ được các cấp khen thưởng. (doanhnghiepvn.vn 24/12)

 
 
 

2.  “Nhúm lửa nhỏ” suy tôn chữ Hiếu

“Nhúm lửa nhỏ” (NLN) được thành lập dựa trên tâm nguyện của nhóm anh em nội, ngoại trong Nguyễn Phúc tộc là tìm kiếm lăng mộ của hoàng tộc hiện thất tung, vô tự, không ai hương khói. Ban đầu chỉ vài người tham gia, nay đã có hơn 600 thành viên hoạt động thiện nguyện, đặt chữ hiếu làm đầu.

Duyên lành

Là một dòng tộc lớn với những dấu ấn thịnh suy gắn liền với dòng chảy lịch sử dân tộc, nhiều lăng mộ tộc họ Nguyễn Phúc xưa đã bị hoang hóa với thời gian và chiến tranh. Bên cạnh lăng tẩm 9 chúa 13 vua, vẫn còn nhiều lăng ông hoàng, bà chúa khác hiện chưa được quan tâm…

Từ năm 2017, “Nhúm lửa nhỏ” chính thức ra đời với mong muốn cùng nhau gìn giữ phần mộ tổ tiên tộc họ, vẹn chữ hiếu với ông cha. Anh chị em trong nhóm tìm kiếm những dấu tích lăng mộ hoang phế, nghi ngờ là của Nguyễn Phúc tộc, rồi định danh, định vị. Nhóm duy trì đều đặn một tuần một buổi đi thực tế, ngoài ra còn dựa vào các thành viên tự mình dò hỏi, tìm tòi thêm. Với các lăng mộ hoang, có thể lạc giữa khu dân cư, cũng có thể giữa chốn rừng già… nhóm chụp ảnh bia, ảnh mộ và lưu tọa độ vào bản đồ GPS, dự định lập “Bản đồ chi tiết lăng mộ Nguyễn Phúc tộc” tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Tôn Thất Hộ, “Nhúm trưởng” của NLN, là một trong những người đầu tiên đi tìm lăng mộ Hoàng tộc Nguyễn Phúc bị thất lạc. Là kỹ sư lâm nghiệp về hưu, ông quen với việc đi rừng và đọc bản đồ. Ông Hộ nhìn bản đồ trên mạng, tìm các ký hiệu “hình vuông màu đen, đó thường là các lăng mộ” rồi đánh dấu lại, so sánh với bản đồ lâm nghiệp để xác định vị trí rồi tìm đến để kiểm tra. Hồi đầu còn ít người hay chỉ mình ông, bây giờ mỗi lần đăng bài lên nhóm thường sẽ có 10 người tham gia mỗi chuyến.

Quy trình mỗi lần tìm kiếm và tu sửa là phát hiện, đánh dấu địa điểm, sau đó chụp lại hình bia, mộ đưa lên mạng nhờ người dịch chữ Hán, khi biết đó là mộ ai rồi mới quay lại để tu sửa và lập bảng dịch bia mộ bằng chữ quốc ngữ bên cạnh.

Ông Hộ chia sẻ: “Hồi đầu, nhóm chỉ dọn dẹp và làm bảng định danh bằng chữ quốc ngữ bên cạnh lăng thôi. Một lần có một ngôi mộ ở trong vườn nhà dân, bị họ trồng khoai lên mộ rất tội, nhóm quyết xây lại ngôi mộ. Đó là công trình đầu tiên mà nhóm sửa lại, sau lần đó vì được mọi người ủng hộ tiền bạc dư ra một ít, thế là anh em quay lại những ngôi mộ bị hư hỏng đã tìm ra trước đó để tu bổ. Ban đầu chi phí tu bổ, xây dựng chỉ là 3-5 triệu đồng, nhưng theo quy mô mộ và chức danh của người chủ mà có những lăng mộ đến 50 triệu đồng. Tiền sửa chữa toàn bộ đều là do bà con nội ngoại quyên góp, có cả người ở nước ngoài, tất cả là tự nguyện”.

 “Khi tìm kiếm, tu sửa lăng mộ chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, ví như côn trùng, rắn rết vì tìm lăng là tìm trong rừng. Ngoài ra cũng từng gặp những gia đình gây khó dễ vì lăng mộ nằm trong đất nhà họ. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, đa phần mọi người khi hiểu đều ủng hộ công việc của nhóm hết mình”- Ông Hộ chia sẻ.

Trong vòng ba năm, NLN tìm được gần 280 lăng mộ, trong đó có lăng của công chúa, hoàng tử, đức bà Hoàng tộc họ Nguyễn Phúc, mộ của các quan viên trong triều Nguyễn,… một số ít vẫn còn nguyên vẹn, chỉ cần dọn dẹp, làm bảng định danh bằng chữ quốc ngữ để đời sau đến biết đó là nơi yên nghỉ của ai. Lăng mộ bị hư hỏng thì nhúm nhờ vào tiền ủng hộ để tiến hành bảo dưỡng tu sửa.

Ông Hộ kể, khi làm công việc này gặp nhiều trường hợp cũng khá “tréo ngoe” khi mà có những gia đình “thờ nhầm lăng đến ba, bốn chục năm”. Điều này cũng dễ hiểu khi địa hình ngày xưa quá khác biệt với hiện tại, chưa kể nhiều người từng rời khỏi quê hương, đến khi trở lại không tìm thấy nơi cha ông từng được chôn cất. Cuối cùng tìm đến các phương pháp cúng, bói hay nhờ người cao tuổi trong vùng chỉ, nên có trường hợp nhầm lăng. Trước giờ NLN đã gặp đến 5 trường hợp nhầm lẫn như thế này. “Thân là con cháu, còn gì đau buồn hơn việc nhận ra suốt bao năm lại thờ nhầm người ngoài, còn phần mộ tổ tiên lại không ai chăm sóc”.

Nhiều sự hỗ trợ

Hành động tự nguyện của nhóm NLN được người dân và chính quyền hay cụ thể hơn là Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ủng hộ và tạo điều kiện. Bởi dù là hành động vì “hiếu sự” nhưng đồng thời cũng phù hợp với việc bảo tồn di sản. Những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử hay các chuyên gia chữ Hán cũng thường xuyên theo dõi, giúp đỡ nhóm bằng cách cung cấp thêm tư liệu hoặc dịch văn bản khi có những tấm ảnh đăng tải trên nhóm. Nhiều người là học giả trong và ngoài nước, chỉ kết nối trên trang mạng xã hội của NLN như TS. Trần Đình Hằng (Phân Viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế), TS. Võ Vinh Quang, TS. Hán Nôm Võ Xuân Diện cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ dịch văn bia.

Vui có buồn có, khổ cực cũng có, nhất là vào những mùa mưa bão, thế nhưng suốt ba năm NLN chưa bao giờ ngưng nghỉ. “Nhóm làm hoàn toàn chỉ vì chữ “hiếu”, không cần được mọi người biết đến hay tặng tiền bạc gì cả, chỉ mong được mọi người hỗ trợ giới thiệu những ngôi mộ cô đơn bao năm không người viếng thăm, để nhóm chăm sóc và tìm kiếm con cháu chủ nhân ngôi mộ, giúp họ tìm lại được nơi an nghỉ của tổ tiên mình”. Đấy là tấm lòng của những người con Nguyễn Phúc tộc. (baothuathienhue.vn 25/12)

 
 
 

3.  Nhiều nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội đạt, vượt chỉ tiêu

Chiều 24/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021.

Tiếp nhận và chi hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, đối tượng yếu thế

Năm 2020, ngành lao động, người có công và xã hội tỉnh đã tập trung thực hiện đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Ngành đã hỗ trợ kịp thời và hoàn thành chi trả sớm so với các tỉnh, thành trong cả nước về gói hỗ trợ an sinh theo Nghị định 42 của Chính phủ cho 177.619 đối tượng với kinh phí hơn 190 tỷ đồng. Cứu trợ đột xuất, kịp thời cho người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhiều biện pháp tạo việc làm cho lao động; thực hiện các chính sách, giải pháp trong ngăn ngừa, giáo dục và cai nghiện cho các đối tượng người nghiện ma túy...

Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 toàn tỉnh là 0,74%, vượt 0,24% so với chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,43% với 10.820 hộ (tương ứng giảm 12.780 hộ nghèo, giảm 54,2% ).

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2021, chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành LĐTB&XH cần phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, trợ giúp kịp thời, nhất là chăm lo, thăm hỏi, chúc tết các đối tượng chính sách, người có công, bảo trợ xã hội.

Ngành cần theo dõi, kịp thời cập nhật tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề mới phát sinh; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong 6 chương trình trọng điểm UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, có 3 Chương trình ngành LĐTB&XH cần triển khai thực hiện tốt: Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

4.  Hàng nghìn người dân xứ Huế đến nhà thờ đón Giáng sinh

Tối 24/12, hàng nghìn người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và du khách đã đến các nhà thờ ở trung tâm TP Huế để vui chơi, đón lễ Giáng sinh năm 2020.

Trước Giáng sinh năm nay, thời tiết ở Thừa Thiên Huế mưa rét kéo dài, song các giáo xứ Phủ Cam, Fanxico, Dòng chúa Cứu Thế, Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đóng tại TP Huế… đã khắc phục khó khăn để nỗ lực hoàn thiện công tác tổ chức, trang trí nhà thờ chuẩn bị cho lễ Giáng sinh 2020.

Những ông già noel cưỡi tuần lộc, cây thông noel, hang đá, tiểu cảnh và hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng rực rỡ đều được các giáo xứ, giáo dân trang hoàng lộng lẫy chào mừng và đón lễ Giáng sinh.

Mặc dù thời tiết rét đậm nhưng ghi nhận tại nhà thờ Dòng chúa Cứu Thế ở trên đường Nguyễn Huệ, TP Huế, hàng nghìn người dân và đông đảo học sinh, sinh viên đổ xô về đây để vui chơi dịp lễ Giáng sinh, cùng chụp ảnh lưu niệm. Giao thông qua khu vực này thường xuyên bị ách tắc cục bộ. Đội CSGT  - Trật tự Công an TP Huế đã cắt cử CBCS phối hợp với Công an phường tích cực điều tiết, phân luồng làn xe trước dòng người ken đặc đổ về nhà thờ vui lễ Giáng sinh.

Chị Lê Trần Mai Lan (35 tuổi, ở phường Hương Hồ, TP Huế) cho hay, nhà cách nhà thờ hơn 5km nhưng cứ đến dịp lễ Giáng sinh, vợ chồng chị lại chạy xe máy chở 2 con nhỏ về nhà thờ để vui chơi, cầu nguyện và đón Giáng sinh. “Không những gia đình tôi mà rất nhiều gia đình cũng dẫn con em đến khuôn viên nhà thờ Dòng chúa Cứu Thế để vui chơi, chụp hình trong dịp noel này”, chị Lan bày tỏ.

Để giữ vững ANTT địa bàn và đảm bảo ATGT nhằm giúp người dân, du khách đến Huế đón lễ Giáng sinh 2020 an lành, an toàn, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an TP Huế đã triển khai lực lượng, thành lập nhiều tổ công tác gồm CSGT, trật tự tổ chức tuần tra, túc trực tại địa bàn ở TP Huế và các khu vực trọng điểm, nhất là những tuyến đường có nhà thờ và có đông người dân, du khách đến vui chơi, cầu nguyện. Qua đó sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, vi phạm nồng độ cồn đối với người điểu khiển các phương tiện tham gia giao thông và các trường hợp gây rối trật tự công cộng, quyết không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2020, nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể ở địa phương nên đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực lao động sản xuất, sống “Tốt đời đẹp đạo” và “Kính Chúa yêu nước”. Đồng bào giáo dân ngày càng tin tưởng, hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, qua đó có nhiều chức sắc, chức việc và giáo dân tại các giáo xứ nhiệt tình tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. (cand.com.vn 24/12)

 
 
 

5.  Vì sao chợ Đông Hoa phải đổi tên thành Đông Ba?

Chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của vùng đất cố đô Huế. Ban đầu, chợ này có tên Đông Hoa, sau đó được đổi thành Đông Ba.

Chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của vùng đất cố đô Huế. Theo sách “Chín đời chúa 13 đời vua triều Nguyễn”, ban đầu, chợ này có tên Đông Hoa, đến thời Nguyễn đổi thành Đông Ba.

Theo sách “Chín đời chúa 13 đời vua triều Nguyễn”, ban đầu, chợ Đông Ba có tên là Đông Hoa. Vì kỵ tên húy của bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng), vua Gia Long ra lệnh đổi tên thành chợ Đông Ba. Dưới thời phong kiến, triều đình kiêng gọi tên húy (tên cúng cơm) của tất cả người trong hoàng tộc. Người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

Theo "Địa chí Thừa Thiên Huế", chợ Đông Ba nằm ngay cạnh chân cầu Trường Tiền, phía bờ Bắc của thành phố Huế ngày nay. Chợ Đông Ba cũng nằm dọc theo bờ sông Hương, chảy trong thành phố Huế.

Phu Văn Lâu là một trong những biểu tượng văn hóa của triều Nguyễn, được xây dựng bên bờ sông Hương để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, trong đó có niêm yết kết quả các kỳ thi.

Nghênh Lương Đình được xây dựng dưới triều vua Tự Đức (1852), năm Thành Thái thứ 15 (1903) được trùng tu cẩn thận. Đến năm Khải Định thứ ba (1918), nó được tôn tạo thêm một lần nữa để vua thường xuyên đến nghỉ mát. Nghênh Lương Đình được in trên tờ 50.000 đồng.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", giếng Hàm Long ở Huế từng xuất hiện từ năm 1674, đây chính là nơi cung cấp nước sạch cho vua chúa triều Nguyễn sử dụng. (doanhnghiepvn.vn 24/12)

 
 
 

6.  Ngắm danh lam thắng cảnh trên bích họa ở ngoại ô Huế

Một con đường bích họa sống động vừa được hình thành ở ngoại ô thành phố Huế, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 4km, con đường bích hoạ mới với hàng chục tác phẩm sống động đang được hình thành dưới chân cầu Chợ Dinh, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau hơn nửa tháng làm việc liên tục, dự án “Con đường bích hoạ” đang được các họa sĩ gấp rút hoàn thiện. Con đường bích họa đã biến đoạn đường với những bức tường xưa cũ kĩ trở thành địa điểm khiến “vạn người mê”.

Các bức tranh được vẽ trên bề mặt có diện tích 750m2, với nhiều chủ đề đặc trưng của xứ Huế như: tháp Chăm Phú Diên, biển Thuận An, cầu ngói Thanh Toàn, chùa Thiên Mụ …

Dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng với những hình ảnh sống động, con đường bích họa đã thu hút đông đảo người đến chiêm ngưỡng và “selfie” nhiều bức ảnh đẹp.

Chị Trần Bích Ngọc, một khách tham quan, cho biết: “Nhiều người bạn của tôi thường kể về địa điểm này. Hôm nay, tranh thủ thời tiết đẹp tôi rủ thêm ít người bạn đến xem và chụp ảnh. Quả thật, con đường này rất ấn tượng và rất Huế.”

Cùng suy nghĩ với chị Ngọc, chị Trần Tiểu Nhi, một khách tham quan khác tỏ ra hào hứng: “Khung cảnh trong tranh rất đẹp và sinh động, các màu sắc được pha trộn khi đưa vào các bức tranh trông rất hài hòa. Không cần đi đâu xa cũng có thể chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của Huế tại con đường này”.

Được biết, dự án “Con đường bích họa” tại xã Phú Thượng được triển khai từ ngày 18/11 do Công ty Cổ phần Viễn thông FPT phối hợp với Công ty TNHH Mỹ thuật trang trí Cao Hồng Quang (Đà Nẵng) thực hiện miễn phí.

Dự án đã được UBND tỉnh và Sở Văn hoá,Thể thao và Du Lịch thông qua tạo điểm nhấn cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Huế.

Ông Cao Tiến Quang, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật trang trí Cao Hồng Quang, cho biết: “Các bức tranh tại đây do 1 nhóm hơn 10 họa sĩ tham gia hoàn thiện vẽ bằng sơn màu Acrylic phủ 2k. Do tình hình thời tiết không thuận lợi nên việc vẽ và trang trí gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, con đường bích họa sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12 để kịp chào đón năm mới 2021”. (giaoducthoidai.vn 24/12)

 
 
 

7.  Đổi mới truyền thông để tăng hiệu quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Chiều 24/12, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức tổng kết công tác vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2020 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2021.

Năm 2020, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng không có trường hợp tử vong; không phát hiện các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trồng trọt, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm có nhiều đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, dễ tiếp cận. Ý thức chấp hành các qui định của về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp được nâng cao. Công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các lễ hội, bữa ăn đông người, khu cách ly tập trung phòng chống dịch được thực hiện tốt. Tuy nhiên, một số mặt vẫn còn hạn chế, như: hoạt động của một số Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cơ sở chưa thực sự hiệu. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, tự phát chiếm số lượng lớn. Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ còn khó khăn, bất cập, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao kết quả mà các lực lượng liên ngành đã đạt được trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn trong năm 2021, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh một số nội dung, gồm: xác định công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và cả hệ thống xã hội; tập trung và đổi mới công tác truyền thông để người dân tiếp cận được nhiều quy định pháp luật về lĩnh vực; tổ chức công tác kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe.... (baothuathienhue.vn 25/12)

 
 
 

8.  Chiếc “Tủ ấm” của học sinh trường làng

Không có điều kiện bằng các bạn bè đồng lứa ở thành phố, nhưng sáng chế “Tủ ấm” của Đặng Nguyễn Anh Khoa vẫn vượt qua nhiều bạn khác trong tỉnh để đạt giải nhất ở một cuộc thi sáng tạo.

Anh Khoa là học sinh lớp 7/1 Trường TH&THCS Điền Hòa (Phong Điền), vùng đất vẫn còn nhiều khó khăn. Nói về sản phẩm của mình, Khoa trình bày rành mạch: “Em lấy nguyên dàn điện của tủ lạnh có bóng đèn và các rơ le đóng ngắt khi mở cửa, bỏ nguyên cấu hình của tủ lạnh chỉ thêm vào bóng đèn tròn và đồng hồ nhiệt độ và bóng đèn báo cho hoạt động của tủ. Điều quan trọng nhất ở tủ là lớp cách nhiệt bên ngoài để giữ nhiệt độ như phích nước là rất tốt”.

Tủ ấm đã quá quen thuộc trên thị trường với nhiều mẫu mã và giá thành khác nhau. Tại nhiều cuộc thi sáng chế, sản phẩm này cũng là đề tài đạt giải của nhiều tác giả. Vậy “Tủ ấm” của Khoa có gì đặc biệt?! Khoa bảo, đó là một sản phẩm thân thiện với môi trường, được ưu tiên nghiên cứu, thí nghiệm, nhằm sử dụng vật liệu tái chế từ phế thải phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của con người. Sử dụng “Tủ ấm” này sẽ mang lại nhiều thuận lợi như, hấp ấm thức ăn cho trẻ, làm ấm các dung dịch cần trong bệnh viện, bảo quản máy ảnh...

Xuất phát từ ý tưởng đó, Anh Khoa cùng các “cộng sự” lân la khắp nơi để tìm kiếm những thứ mà người ta bỏ đi, đó là những chiếc tủ lạnh đã qua sử dụng bị hư hỏng bộ phận làm lạnh, nhưng vỏ bảo ôn (cách nhiệt) của tủ lạnh còn tốt hay những thiết bị đồng hồ đo nhiệt độ, bộ tỏa nhiệt, rơ le cũ vẫn còn sử dụng được. “Qua hoạt động thực tế ở gia đình, trong giờ học thực hành công nghệ ở phòng thí nghiệm, em luôn có sự tìm tòi sáng tạo và đặt ra ý tưởng làm thế nào có thể tạo ra nguồn nhiệt để hấp ấm thức ăn cho trẻ. Từ đó, dần dần hình thành nên một thí nghiệm thật hứng thú với dự án “Tủ ấm”, Khoa chia sẻ.

Để hình dung dự án “Tủ ấm”, Khoa sử dụng một cái tủ lạnh đã bị hỏng, thay bộ phận làm lạnh bằng một bóng đèn tròn, bộ tỏa nhiệt, nút điều chỉnh nhiệt độ, bộ nguồn AC 220V-DC 12V, đồng hồ đo nhiệt độ, đèn báo, phích cắm, rơ le đóng ngắt tự động nguồn điện khi nhiệt độ đã đủ ấm. Nhờ lớp bảo vệ của tủ nên độ ấm giữ được 1 giờ. Sau đó, rơ le lại tự động đóng nguồn điện, tủ lại tiếp tục hoạt động cho đến khi nhiệt độ thích hợp thì rơ le tự động ngắt nguồn điện. “Quá trình tủ hoạt động sử dụng năng lượng điện năng rất ít cũng nhờ lớp vỏ bảo ôn tốt”, Khoa tiết lộ.

Theo Đặng Nguyễn Anh Khoa, sản phẩm này sẽ hữu ích trong hộ gia đình có trẻ nhỏ vào mùa đông, khoa sơ sinh bệnh viện hay là các cơ sở chăm sóc trẻ để giữ ấm sữa, thức ăn cho trẻ, giữ nhiệt cho các dung dịch trong bệnh viện như máu, khăn ấm,… đồng thời có khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tám, giáo viên vật lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Trường TH&THCS Điền Hòa nhận xét: “Sản phẩm của Anh Khoa không đơn thuần chỉ mang tính chất sáng tạo của cá nhân bạn ấy, mà còn kích thích hứng thú hoạt động sáng tạo, tích cực chủ động học tập của các học sinh khác. Thiết bị dễ làm, các dụng cụ có sẵn ở địa phương và ở các cửa hàng phế liệu. Đây là một sản phẩm góp phần rất quan trọng vào việc phát huy tận dụng nguồn vật liệu phế thải, bảo vệ môi trường, cải thiện được nhu cầu sử dụng các đồ dùng thiết bị trong gia đình, cơ sở chăm sóc trẻ, bệnh viện,...”. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  11 nghiên cứu sinh được trao bằng tiến sĩ y học

Ngày 24/12, Trường Đại học Y Dược, ĐH Huế tổ chức lễ trao bằng tiến sĩ y học năm 2020 cho 11 nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ.

 GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế trao bằng cho các tân tiến sĩGS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế trao bằng cho các tân tiến sĩ

Các tân tiến sĩ được trao bằng đợt này gồm 6 tiến sĩ ngành Nội khoa, 2 tiến sĩ ngành Ngoại khoa, 1 tiến sĩ ngành Sản phụ khoa và 2 tiến sĩ ngành Y tế công cộng. Họ là những người đang công tác tại nhiều đơn vị khác nhau từ các địa phương trong cả nước.

Theo đại diện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, năm 2020, có 14 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp ĐH Huế, 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở. Ngoài ra, có 4 nghiên cứu sinh trúng tuyển mới (3 nghiên cứu sinh Nội khoa, 1 nghiên cứu sinh Sản phụ khoa), 3 dự bị nghiên cứu sinh trúng tuyển.

Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 1998 với mã ngành đào tạo bệnh học nội khoa. Đến nay, nhà trường đã đào tạo được 124 tiến sĩ y học cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, đồng thời đang triển khai hai chương trình đào tạo nghiên cứu sinh song ngữ Việt - Anh là nghiên cứu sinh Y tế công cộng và Khoa học y sinh. (giaoducthoidai.vn 24/12)

 
 
Y TẾ
 

1.  Ca ghép tim xuyên Việt ở Huế lọt đề cử thành tựu y khoa 2020

Ngày 24/12, thông tin từ bệnh viện Trung ương Huế, ca ghép tim xuyên Việt của các y bác sĩ đơn vị đã lọt vào đề cử của giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam".

Đây là giải thưởng đầu tiên vinh danh những thiên thần "blouse trắng" bởi những đóng góp giá trị vì sức khỏe cộng đồng. Giải do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức.

Theo ban tổ chức, sau 3 tháng triển khai chương trình đã nhận được hơn 60 đề cử từ các cơ cở y tế trên cả nước. Hội đồng chuyên môn đã thống nhất chọn 22 đề cử, trong đó có 12 đề cử thuộc mảng y tế cộng đồng và 10 đề cử thuộc mảng kỹ thuật cao. Từ 22 đề cử này, công chúng tiếp tục bình chọn 15 thành tựu y khoa ấn tượng năm 2020.

Trước đó, Người đưa tin Pháp luật đã đăng tải hành trình ghép tim xuyên Việt cho anh Trần Quang H. (34 tuổi), trú tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) của các y bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế.

Người hiến của anh N.H.Q (30 tuổi), làm nghề công nhân cầu đường sống tại thành phố Vũng Tàu, mất sau một vụ tai nạn giao thông.

Ngoài quả tim được hiến cho bệnh nhân H. ở bệnh viện Trung ương Huế, người thân của gia đình anh N.H.Q còn hiến các bộ phận tạng khác đem lại cơ hội sống cho ba bệnh nhân khác ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh và bệnh viện 108, Hà Nội.

Bệnh nhân Trần Quang H. bị bệnh cơ tim giãn, suy tim độ IV đã 7 năm. Sau hơn 10 ngày được ghép tim, bệnh nhân đã có thể trở lại nhịp sống bình thường với chức năng tim tốt, các chỉ số huyết động và sinh hoá ổn định, chức năng các tạng khác bình thường.

Được biết, bệnh nhân H. là trường hợp phẫu thuật ghép tim thứ 7 được thực hiện tại bệnh viện Trung ương Huế, đồng thời là ca ghép tim xuyên Việt thứ 6. Tại Việt Nam, đây cũng là ca ghép lần đầu tiên lấy tạng tại một bệnh viện tuyến tỉnh, đồng thời xác lập kỷ lục lấy tạng nhanh nhất khi thời gian từ lúc lấy tạng tại TP. Vũng Tàu đến ghép tại Huế là 5 giờ 20 phút. (nguoiduatin.vn 24/12)

 
 
THỂ THAO
 

1.  VnExpress Marathon Huế 2020: Tận dụng cơ hội, kích cầu du lịch Huế

Tính đến ngày 24/12, có khoảng 5.000 vận động viên (VĐV) đăng ký tham gia Giải chạy VnExpress Marathon (26 - 27/12) và khoảng 1.000 người thân của VĐV cùng đến Huế, giúp các cơ sở lưu trú tăng công suất sử dụng phòng từ 10 - 20% trước đó, lên 60 - 70% trong giai đoạn giải diễn ra.

Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2020 sẽ khai mạc tối 26/12 và bắt đầu tranh tài sáng sớm 27/12 (Phu Văn Lâu, nơi các VĐV xuất phát các cự ly)

30 cơ sở lưu trú đăng ký giảm giá

Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2020 do Báo Điện tử VnExpress phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tại khu vực Phu Văn Lâu (đường Lê Duẩn, TP. Huế). Giải chạy là một trong những sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2020 và dự kiến thu hút đông đảo du khách có mặt tại Cố đô thời gian này. Đây cũng là giải marathon lớn nhất tại Thừa Thiên Huế từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để thu hút và hỗ trợ các VĐV đến tham gia giải, đồng thời kết hợp tham quan, trải nghiệm du lịch Huế, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động, khuyến khích các cơ sở lưu trú có chính sách giảm giá, ưu đãi đối với các VĐV và người thân. Theo đó, có hơn 30 khách sạn đã tham gia chương trình hỗ trợ lưu trú giải đấu. Đến ngày 24/12, các cơ sở lưu trú thông báo công suất sử dụng phòng đã đạt đến 70 – 80% trong những ngày trước, trong và sau giải chạy. Có một số cơ sở công suất đạt đến 100%.

Tại Khách sạn Mondial Huế áp dụng chương trình hỗ trợ VĐV tính giá phòng theo người. Theo đó mỗi VĐV được ưu đãi ghép phòng với mức 295 nghìn đồng/khách/ngày đêm đã bao gồm ăn sáng. Với việc áp dụng này, các VĐV có thể linh động ghép phòng với các VĐV khách để giảm chi phí; hoặc khách sạn sẽ giới thiệu các VĐV với nhau để cùng ghép phòng. Tại Khách sạn Vinpearl Huế, giảm 20% giá phòng cho các VĐV, cùng với đó là trọn gói đưa đón sân bay và đưa khách đến địa điểm tổ chức cuộc thi chạy. Tại Khách sạn Alba Spa áp dụng lưu trú tặng thêm gói dịch vụ massage chân, ngâm tắm khoáng nóng…

Để phục các VĐV và du khách tốt hơn, đồng thời giữ chân khách ở lại Huế lâu hơn, các doanh nghiệp còn kết hợp, hình thành combo (trọn gói) dịch vụ, như ăn uống, vận chuyển, điểm tham quan, dịch vụ chăm sóc sức khỏe với mức giá ưu đãi cho các VĐV ngoại tỉnh đến với Huế và thành viên của ban tổ chức. Tại 30 cơ sở lưu trú đăng ký chương trình, các VĐV có thể liên hệ ở lễ tân và sẽ được áp dụng các chính sách.

Nhằm tạo ấn tượng và giúp các VĐV tham quan, trải nghiệm được nhiều điểm đến, dịch vụ du lịch ở Huế thông qua giải chạy, nhất là đối với các VĐV chưa khám phá Quần thể Di tích Cố đô Huế lần nào, sẽ được miễn vé tham quan tất cả các điểm di tích.

Cơ hội cho du lịch

Ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá, giải chạy VnExpress Marathon Huế 2020 là cơ hội để Huế quảng bá hình ảnh không thể tốt hơn. Năm nay, cung đường chạy được chọn rất kỹ để thể hiện được nét đẹp đặc trưng của Huế, với các cung đường 5km; 10km; 21km và 42km.

 “Năm nay, giải chạy giới thiệu khá nhiều điểm đến ở Kim Long, đặc biệt trong lịch trình chạy có đi qua các nhà vườn ở Phú Mộng. Đây là điểm đến rất đặc trưng của Huế mà lâu nay ít được biết đến. Không chỉ giới thiệu mà việc đưa vào lịch trình giúp tạo không khí sôi động, bởi tuyến này thường có ít người qua lại”, ông Phúc chia sẻ.

Ngày diễn ra giải chạy dự báo thời tiết ở Huế sẽ nắng đẹp, ngành du lịch cho biết, giải chạy sẽ diễn ra trong một ngày, song mục tiêu là các doanh nghiệp cùng sự phối hợp để giới thiệu sản phẩm cho nhau để giữ khách ở lại 2 - 3 ngày khi đến Huế. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hồi phục ngành du lịch Huế.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho hay, có thể lịch trình ở Huế trước đó của khách ngắn hơn dự định, nhưng nếu cùng phối hợp để “tung” ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, quảng bá sản phẩm bài bản, chắc chắn nhiều VĐV sẽ thay đổi ý định và sẽ ở lại Huế để khám phá, trải nghiệm các dịch vụ mới, hấp dẫn.

Các cự ly dài ban tổ chức giải đã ngừng nhận VĐV tham gia, riêng cự ly 5km còn tiếp tục nhận đăng ký và các cơ sở lưu trú cho biết sẽ tiếp tục nhận khách với những dịch vụ và giá cả ưu đãi như trước. Hiện ngành du lịch tiếp tục quảng bá giải đấu bằng cách đưa các pano, màn hình led về giải đấu tại các cơ sở lưu trú, hệ thống website của các doanh nghiệp và trên các fanpage nhằm chào mừng, tạo sự thân thiên đối với các VĐV.

Giải chạy là một trong các hoạt động sôi nổi kéo dài từ dịp lễ Giáng sinh đến hết Tết Dương lịch 2021. Theo phòng Quản lý Lưu trú, Sở Du lịch, công suất sử dụng phòng trung bình ở các cơ sở lưu trú đạt đến 70% trong dịp này. Đây là thời điểm mà Huế thu hút lượng khách lớn nhất kể từ tháng 7/2020 đến nay.

Huy chương VnExpress Marathon Huế 2020 lấy ý tưởng từ điệu múa Vũ phiến (múa quạt) sử dụng ở các bữa tiệc quan trọng của cung đình Huế. Trên huy chương có hình ảnh chùa Thiên Mụ làm biểu tượng đặt chính giữa huy chương, hai bên là Đại Nội và Trường THPT chuyên Quốc Học. Đây là 3 địa danh nổi tiếng, điểm đến nổi tiếng của du lịch Huế. (baothuathienhue.vn 25/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  "Bốc hơi" 106 triệu đồng trong cốp

Ngày 23-12, Cơ quan CSĐT CATP Huế (TT-Huế) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Văn Cường (1997, trú xã Phong Hải, H. Phong Điền, TT-Huế) để điều tra làm rõ hành vi: "Trộm cắp tài sản". Trước đó, chị Trần Thị Thanh Xuân (34 tuổi, trú H.Phú Lộc, TT-Huế) điều khiển xe SH đến cửa hàng quần áo tại đường Bà Triệu (TP Huế) để mua sắm. Lúc này, chị Xuân có để hơn 106 triệu đồng trong cốp xe SH dựng trước cửa hàng. Sau một lúc mua sắm, khi ra về, chị Xuân phát hiện toàn bộ số tiền trong cốp xe đã "không cánh mà bay" nên trình báo CA. Qua điều tra, công an xác định Trương Văn Cường là thủ phạm. Được biết, Cường có 1 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản". (cadn.com.vn 24/12)

 
 
 

2.  Xin không được thì cưỡng

Ngày 23-12, CATX Hương Trà (TT-Huế) bắt giữ Hồ Đức Thương (1990, trú xã Hương Toàn, TX Hương Trà) về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản". Trước đó, Thương gọi điện thoại cho bạn là anh Nguyễn Phi Cường ở cùng xã để xin tiền nhưng anh Cường không đồng ý. Đến chiều tối cùng ngày, Thương đến nhà anh Cường tiếp tục xin tiền nhưng anh Cường vẫn không đồng ý. Ngay sau đó, Thương lấy 2 con dao từ trong túi áo đe dọa, uy hiếp anh Cường để được đưa tiền. Thấy chồng mình bị Thương dùng dao uy hiếp, vợ anh này vì lo sợ nên phải đưa cho Thương 500 ngàn đồng. Sau khi nhận được tiền, Thương lấy 2 con dao cất vào người và bỏ đi. (cadn.com.vn 24/12)

 
 
 

3.  TT- Huế: Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép ma túy và mã tấu

Cơ quan Công an phường Thủy Biều, TP Huếvừa bắt quả tang một đối tượng tàng trữ trái phép một lượng lớn chất ma túy.

Đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy là Nguyễn Hà Pho Mi (SN 1984, trú tại phường Thủy Biều, TP. Huế). Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 22/12, qua công tác nắm tình hình trên địa bàn phường, tại nhà của Nguyễn Hà Pho Mi, Công an phường Thủy Biều đã bắt quả tang Mi đang tàng trữ trái phép 103 viên nén và 09 gói nilon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và 01 cây mã tấu.

Bước đầu Mi khai nhận, số viên nén là hồng phiến và tinh thể rắn màu trắng là ma túy đá.

Hiện Công an phường bàn giao hồ sơ, đối tượng, tang vật cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Huế thụ lý theo thẩm quyền. (baophapluat.vn 24/12)

 
 
 

4.  Thừa Thiên Huế: Tiêu huỷ hàng chục tấn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả

Ngày 24.12, tại Khu xử lý chất thải của Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế- phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức tiêu huỷ trên 12 tấn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Đào Xuân Ky, Cục phó Cục QLTT cho biết, đây là số hàng hoá được lực lượng QLTT bắt được trong năm 2020. Toàn bộ gồm 384 chủng loại khác nhau. Nhiều nhất là thuốc lá lậu gần 10.000 gói, trong đó hiệu jet 7646 gói, 555 1278 gói…; thực phẩm chức năng; hoá mỹ phẩm; khí cười; đồ chơi trẻ em; bánh kẹo, sửa các loại…

Trước đó, ngày 23/12, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức tiêu hủy gần 21.000 sản phẩm. Đây là hàng hoá, tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính. Gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại, thuốc lá do nước ngoài sản xuất, đồ chơi trẻ em, áo quần, túi xách, máy móc thiết bị…

Tất cả các tang vật này đều là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có hồ sơ công bố hợp quy, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm… Các tang vật đều được phân loại, tiêu hủy theo đúng quy định. (thuonghieucongluan.com.vn 24/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Năm 2021, ngành giao thông phấn đấu giải ngân 46.005 tỷ đồng vốn đầu tư công

Năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

Giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước

Thực hiện nhiệm vụ ngành GTVT, nhất là vấn đề đang được quan tâm về giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đến hết năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch năm và là một trong số bộ, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, Bộ GTVT xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Đóng góp vào thành công trong công tác giải ngân của Bộ GTVT năm 2020, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đạt kết quả giải ngân cao, vượt mức kế hoạch đã đăng ký đầu năm như: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Sở GTVT Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý dự án Đường sắt...

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong tổng số giải ngân kế hoạch năm 2020, phần hoàn ứng trước kế hoạch và tạm ứng các hợp đồng chiếm tỷ trọng khá lớn của ngành giao thông. Bên cạnh đó, còn có một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai dự án, giải ngân kế hoạch chậm, chưa đáp ứng yêu cầu như các Sở GTVT Kon Tum, Lâm Đồng, Hưng Yên, Hà Nam...

Năm 2021, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công, dự kiến giải ngân 46.005 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân này, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2021; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án để thúc tiến độ giải ngân, nhất là với các dự án trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu sẽ không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Gỡ thể chế để bứt phá hạ tầng

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, năm 2021, ngành GTVT sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách...

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách bao gồm: Hoàn ứng trước kế hoạch, trả nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng hoàn thành các dự án triển khai giai đoạn trước, trả nợ tới hạn các dự án BT, nợ địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án trước năm 2016.

Ngành GTVT cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; triển khai các dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2...

Để tiến độ và chất lượng các dự án đảm bảo tốt nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và xác định đường găng của dự án. Ngay những ngày đầu của năm 2021, lãnh đạo Bộ và các Cục, Tổng cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại phát sinh...

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định, xác định, để có thể bứt phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là với các dự án cao tốc, ngoài các nguồn vốn từ ngân sách, ODA, không thể không thu hút vốn PPP. Để hút vốn PPP cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong việc thu hút vốn, mà trước hết là tháo gỡ vướng mắc của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 bằng các văn bản, nghị định hướng dẫn.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp thu những ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp và từ thực tiễn triển khai các dự án BOT, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc về thể chế để thực sự tạo đột phá thu hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

2.  Bất động sản Thừa Thiên Huế vào giai đoạn bùng nổ

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phước Bửu Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế khi nói về thị trường bất động sản tại địa phương trong vài năm trở lại đây

Số lượng dự án bất động sản tăng gấp đôi

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016, thị trường bất động sản tại Huế ghi nhận những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt giai đoạn năm 2018 và 2019, thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ cả về số lượng dự án lẫn sản phẩm.

 “Khu vực phía Đông Nam TP Huế được xem là tâm điểm của thị trường khi số lượng dự án tăng trưởng nóng chưa từng thấy. Đơn cử như khu An Vân Dương, thời điểm năm 2015 chỉ có 32 dự án, thì nay đã tăng lên 64 dự án. Không những vậy, với sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian qua, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế hiện nay đã bắt đầu 'nóng' trở lại” - ông Nguyễn Phước Bửu Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết.

Không chỉ các dự án bất động sản du lịch mà các dự án phát triển nhà ở thương mại, đầu tư phát triển đô thị cũng phát triển không kém. Theo số liệu từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại, toàn tỉnh đã có 10 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị đã được chấp thuận đầu tư, đã và đang triển khai xây dựng với diện tích đất khoảng 230,1 ha, cùng khoảng 7.146 căn hộ, tương ứng khoảng 2,032 triệu m2 sàn. Một số dự án bất động sản lớn thu hút nhu cầu như: khu đô thị Phú Mỹ Thượng, khu đô thị Phú Mỹ An, khu phức hợp Manor Crown, dự án Joyal Park, dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2,… đã thúc đẩy thị trường tại đây phát triển.

Đặc biệt, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế ghi nhận sự sôi động của phân khúc đất nền sau thời gian dài trầm lắng. “Trong khi đất nền khu vực phía Bắc, Tây Bắc khá trầm lắng thì khu vực phía Nam, Đông Nam tỉnh lại sôi động. Giá đất nền tại các dự án khu dân cư mới đã “ấm” lên do nhu cầu mua đất ở của người dân tăng. Chính sự tăng trưởng thị trường đất nền ở khu vực này tạo sức lan tỏa cho sự phát triển các dự án đất nền ở các huyện, thị xã lân cận” – ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân khiến khu vực phía Nam và đất tại các khu quy hoạch trở thành tâm điểm của thị trường đất nền là do hạ tầng kỹ thuật ban đầu tại các khu này được đầu tư hoàn chỉnh, và định hướng dịch chuyển trung tâm hành chính tỉnh TP Huế về hướng Nam đã thúc đẩy thị trường đi lên.

Đứng góc độ đầu tư, nhiều nhà đầu tư dự án bất động sản tại Thừa Thiên Huế cho biết, một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế sôi động trở lại trong thời gian gần đây là do tính thận trọng của người dân Huế đã giảm xuống, giúp họ nhìn thấy cơ hội và niềm tin đối với thị trường bất động sản cao hơn nhiều so với trước.

“Điều này thể hiện ở hàng loạt các dự án từ đất nền đến nhà ở xã hội, căn hộ trung và cao cấp đều có chủ ngay sau khi mở bán hay tổ chức đấu giá” – anh Quân, một nhà đầu tư chia sẻ.

Giá tăng gấp 2 lần so với trước

Mặc dù tâm lý người dân vẫn còn thận trọng nhưng sự gia tăng quy mô dân số tại khu vực đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản tại các khu vực phía Nam và Đông Nam tỉnh Thừa Thiên Huế gia tăng. Không những vậy, sự thay đổi về thị hiếu và xu hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư đã tạo nên sự nhộn nhịp cho khu vực Đông Nam này.

Ghi nhận giá đất nền tại khu quy hoạch Xuân Phú, Thanh Thuỷ, Thuỷ Vân, Phú Vang,… đã có những chuyển biến mạnh, thậm chí giá đã tăng gấp 2 lần so với trước.

 “Nếu như trước đây giá đất nền tại trục đường chính của khu quy hoạch Xuân Phú chỉ 16 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 35 triệu đồng/m2. Tại khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân từ 7-8 triệu đồng/m2 đã lên 12-16 triệu đồng/m2 hay đất khu quy hoạch Vinh Vệ, Phú Vang từ 3 triệu đồng/m2 lên 5,5 triệu dồng/m2.... Điều này cho thấy không chỉ giá trị bất động sản đã tăng lên đáng kể mà còn thể hiện cơ hội đầu tư cho thị trường” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Đánh giá nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng trưởng mạnh, lãnh đạo Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho biết, để tạo điều kiện cho thị trường phát triển, Sở Xây dựng tỉnh đã ủy quyền cho Hiệp hội bất động sản Thừa Thiên Huế tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh và đến nay hoạt động hành nghề môi giới bất động sản đã đi vào nề nếp, tuân thủ quy định pháp Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.

 “Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển đô thị Huế trở thành một trong số các đô thị lớn của Việt Nam đến 2025 là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển đối với thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì địa giới hành chính đô thị Huế được mở rộng gấp 4 lần so với hiện tại đã thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương phát triển” – ông Hùng chia sẻ. (viettimes.vn 25/12)

 
 
 

3.  Lấy hình mẫu Chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế nhân rộng

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ về kinh nghiệm xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) của Thừa Thiên Huế.

Người dân tiếp cận, nhà nước sẵn sàng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong hơn 10 năm triển khai xây dựng CQĐT. Theo đó, tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ CQĐT sang Chính quyền số, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông đồng bộ. Tỉnh đang dần hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở TTTT nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn – Big Data và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, người dân được tiếp cận các ứng dụng và nhà nước sẵn sàng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Đô thị thông minh. Hiện nay, trong các dịch vụ Đô thị thông minh cung cấp thì dịch vụ phản ánh hiện trường được người dân hưởng ứng và sử dụng nhiều nhất. Các dịch vụ ứng dụng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Tỉnh cũng đã xây dựng các quy định, quy chế, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh và tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo. Đã ban hành “Kiến trúc CQĐT tỉnh phiên bản 2.0” làm nền tảng để triển khai CQĐT, hướng đến Chính quyền số trong tương lai. Ban hành các đề án, chương trình lớn để định hướng triển khai như: Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh...

“Là địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, nhưng nhờ sự quan tâm thường xuyên của người đứng đầu, mức độ sẵn sàng của các đơn vị trong việc tiếp cận, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý gắn với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT nên tỉnh đã xây dựng và phát triển thành công Đô thị thông minh như hiện nay theo thực tiễn nhu cầu quản lý”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm CNTT của cả nước, một thuận lợi là tỉnh đã được kết nạp vào chuỗi Công nghệ phần mềm Quang Trung. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng hạ tầng nhằm mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Huế. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo khoảng 10.000 kỹ sư CNTT đến năm 2025. Tỉnh đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển hạ tầng CNTT; huy động, thu hút đầu tư CNTT vào tỉnh, từng bước hình thành trung tâm CNNT tại Thừa Thiên Huế.

Nhân rộng

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cùng nhiều doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt nam chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng  ghi nhận, đánh giá cao quá trình xây dựng CQĐT của Thừa Thiên Huế. Cho rằng Huế có nhiều điểm sáng, nhiều ý tưởng tốt trong xây dựng CQĐT để nhân rộng. “Huế là thủ phủ, là địa phương tiên phong của CNTT, công nghệ số, xây dựng CQĐT, do đó cần phải tổ chức những hội nghị, hội thảo mang tầm cỡ quốc gia tại Huế. Trước mắt, trong năm 2021 Bộ TTTT sẽ phối hợp với Thừa Thiên Huế tổ chức một hội thảo về công nghệ số trong văn hóa và du lịch”- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã xác định triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với hàng chục nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng, phát triển CPĐT; xây dựng nền tảng phát triển CCPĐT; bảo đảm gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm nguồn lực triển khai... nhằm phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số từ nay đến năm 2025 tại Việt Nam.

Về nguồn lực, Chính phủ huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng CPĐT, CQĐT theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói do các doanh nghiệp CNTT cung cấp. Và Thừa Thiên Huế là địa phương như vậy- nguồn lực tuy hạn chế nhưng đã xây dựng được CQĐT theo lộ trình từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tỉnh cũng đã sớm triển khai thực hiện phương châm “4 không, 1 có”- (làm việc không giấy; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt; dữ liệu có chuyển đổi số), là cơ sở để Bộ TTTT đưa các địa phương khác đến học hỏi, nhân rộng.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng gợi mở, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng CNTT, cung cấp nhiều dịch vụ đô thị thông minh, cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, cần xác định đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng CNTT- dữ liệu lớn (big data), chuyển đổi số, nguồn nhân lực là những vấn đề lớn, mang tính quyết định. Đồng thời, có lộ trình xây dựng phòng máy chủ lên điện toán đám mây với tiêu chuẩn bảo mật cao hơn. (baothuathienhue.vn 24/12)

 
 
 

4.  Thanh trà - đặc sản của Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Cây thanh trà cho thu nhập ổn định và được xem là cây chủ lực của xã Phong Thu và đang dần khẳng định thương hiệu đặc sản của huyện Phong Điền.

Xã Phong Thu, huyện Phong Điền vốn là địa phương nổi tiếng với cây đặc sản thanh trà nhờ đất phù sa nằm dọc 2 bờ sông Ô Lâu bồi đắp màu mỡ.

Từ năm 2017, cây thanh trà nơi đây đã được công bố nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế - Phong Thu. Không còn trồng theo hình thức truyền thống, để nâng cao chất lượng trái thanh trà đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, huyện Phong Điền đã tập trung quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mới và hình thành vùng sản xuất cây thanh trà theo hướng VietGap, hướng tới xây dựng thương hiệu thanh trà trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Với lợi thế diện tích đất phù sa nằm dọc 2 bờ sông Ô Lâu, trong những năm qua Đảng ủy, UBND xã Phong Thu đã có Nghị quyết, chuyên đề và chương trình, kế hoạch để khuyến khích người dân phát triển cây thanh trà trở thành cây đặc sản chủ lực của địa phương. Xã đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và hiệu quả kinh tế từ cây thanh trà.

Để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân, UBND xã Phong Thu, Hợp tác xã thanh trà Phong Thu phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đưa các giống cây Thanh trà chất lượng cao vào trồng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, bón phân, tưới tiêu.... để cây đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về chất lượng theo hướng VietGap, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Giám đốc Hợp tác xã thanh trà Phong Thu cho biết: “Qua 2 năm triển khai trồng cây thanh trà theo hướng VietGap, chúng tôi đã áp dụng các quy trình kỹ thuật cao vào chăm sóc như bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp mới, từ đó áp dụng một cách có hiệu quả về năng xuất và chất lượng của trái thanh trà, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều so với trước đây”.

Trong “Đề án phát triển các sản phẩm đặc trưng huyện Phong Điền giai đoạn 2019 – 2020 và định hướng đến năm 2025”, huyện Phong Điền đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cây Thanh Trà, tổ chức liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây và các vùng có cây Thanh Trà, liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap có ứng dụng công nghệ cao và định hướng khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích sản xuất ở những vùng đất đai đủ điều kiện trồng cây Thanh Tra như đất phù sa ven sông, đất vườn, đất đồi… theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, huyện Phong Điền còn hỗ trợ người dân áp dụng mô hình sơ chế, bảo quản, tiêu thụ hiệu quả đối với trái Thanh Trà và đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Toàn huyện Phong Điền, hiện có 270ha trồng cây thanh trà, tập trung chủ yếu tại xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền, trong đó có hơn 20 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết: “Toàn xã hiện có 150 ha trồng cây thanh trà, trong đó 500 hộ trồng thanh trà, năm nay cây thanh trà được mùa, bình quân 1ha cho thu trên 200 triệu đồng. Xác định cây Thanh Trà là cây chủ lực của địa phương, trong những năm qua, xã đã tập chung quy hoạch, hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất từ đó đã đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân từ cây thanh trà”. (baodautu.vn 24/12)

 
 
 

5.  Hướng dẫn khắc phục cây thanh trà sau lũ

Người trồng thanh trà Thừa Thiên- Huế được chuyên gia của Bộ NN-PTNT hướng dẫn kĩ thuật, phương pháp khắc phục và sản xuất cây đặc sản sau lũ.

Ngày 23/12, tại UBND xã Hương Vân (TX. Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế tổ chức Tọa đàm “Kỹ thuật xử lý cây bưởi thanh trà bị ảnh hưởng do bão lũ”.

Buổi tọa đàm là dịp để người dân và chuyên gia trao đổi về kĩ thuật trồng cây ăn quả; đồng thời, chuyên gia cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết thực để bà con sớm khôi phục và phát triển sản xuất sau lũ.

Tại buổi tọa đàm có 23 câu hỏi của người trồng thanh trà Huế với 50 vấn đề được đặt ra, chủ yếu tập trung vào biện pháp phục hồi, kĩ thuật chăm sóc và định hướng sản xuất thanh trà trong thời gian tới.

Theo TS. Chu Anh Tiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc khắc phục cây thanh trà sau lũ ở Huế chia thành 2 nhóm: Nhóm vườn cao bị thiệt hại ít do bão lụt thì tiếp tục chăm sóc lấy lại sức sống và năng suất cho cây. Nhóm vùng cây thấp trũng, bị chết nhiều thì nên tính toán việc nên tiếp tục trồng hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

 “Có thể nhìn trên bề mặt không sao, nhưng dưới rễ thì ẩm ướt và các rễ non ra mà gặp mưa nó cũng bị thối. Do đó, nên xới đất càng sớm càng tốt, để khí độc ở dưới đất thoát ra ngoài. Tạo rãnh thoát nước toàn vườn, sử dụng các thuốc có hoạt chất metalaxyl tưới để giữ bộ rễ cây và bón các loại phân hữu cơ, NPK. Những diện tích ở nơi thấp thì tiến hành kĩ thuật tạo rễ ăn lên trên cao bằng cách đập vào phần vỏ cây, sau khi cây tạo vết sẹo thì tạo tầng rễ kết nối", TS Tiệp chia sẻ.

TS Tiệp còn cho biết, do cây thanh trà bị ngâm nước nhiều ngày nên nhiều diện tích đang bị nhiễm bệnh, đặc biệt những loại vi khuẩn làm thối rễ và thân cây. Cách khắc phục: tách vỏ thối, bôi thuốc trị nấm, có thể dùng hóng bếp hoặc vôi bột đắp vào lỗ hỏng của thân cây khắc chế vi khuẩn lây lan. Về lâu dài, thì phải tạo rãnh thoát nước cho vườn trồng, rắc vôi bột trị nấm và khử ô nhiễm trong đất. Cùng với việc bón phân hữu cơ thì nên sử dụng các loại phân bón vi sinh, NPK để đẩy nhanh sự phục hồi cho cây. Hạn chế tối đa sử dụng các thuốc hóa học để tránh ảnh hưởng môi trường tự nhiên.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện BVTV cũng đã chia sẽ kĩ thuật để cây thanh trà nhanh phục hồi vừa đảm bảo quả chất lượng quả bằng cách, cắt tỉa cành, tạo tán cho cây. Theo đó, người trồng nên tiến hành cắt tỉa những cành khô héo, những cành không cho quả để cây nhanh phát triển và quả to, đẹp.

Cũng theo bà Ngọc, hiện ở Thừa Thiên- Huế đang là mùa mưa nên những vi khuẩn nguy hiểm như phitottera phát triển, nhiều cây thanh trà đã bị bệnh nhưng vẫn còn xanh, đến mùa khô thì cây bị chết rất nhanh. Do đó, người dân nên sử dụng thuốc để tiêm cho cây...

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến ông Thừa Thiên- Huế, sau bão lũ Bộ NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên- Huế đã cử nhiều đoàn công tác về hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương tiến hành khắc phục thiệt hại. Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ phối hợp Học viện Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho người dân.

"Do đặc thù thanh trà là cây địa phương nên số lượng cây giống được sản xuất ra còn hạn chế sau lũ lụt. Do đó, Sở đã chỉ đạo các Trung tâm DVNN huyện phối hợp những đơn vị sản xuất giống để kịp thời phục vụ nông dân...", ông Phi nói.

Mưa lũ trong tháng 9-11 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế có khoảng 720 ha cây ăn quả, hơn 600 ha thanh trà và nhiều diện tích đang tiếp tục bị chết. (nongnghiep.vn 24/12)

 
 
 

6.  Công bố chỉ dẫn địa lý sản phẩm tinh dầu tràm tỉnh Thừa Thiên Huế

Sản phẩm có hương thơm lâu và không bị bám dính trên da sau khi bay hơi, hàm lượng Cineol từ 40 đến 60%.

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2509/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sản phẩm tinh dầu tràm mang chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế phải được thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất (từ nguyên liệu, chưng cất, đóng gói bao bì sản phẩm) tại vùng địa lý tương ứng với Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế, đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm tinh dầu tràm Huế được ban hành kèm theo Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng (không nồng, không hắc), hương thơm lưu lại lâu và không bị bám dính trên da sau khi bay hơi, hàm lượng Cineol từ 40 đến 60%.

Việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm dầu tràm Huế sẽ tạo cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tâm lý yên tâm chọn lựa cho khách hàng. (baodautu.vn 25/12)

 
 
 

7.  Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện các chính sách về kinh tế chất thải.

Ngày trước, nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Nhất là những năm sau ngày giải phóng, các gia đình đều lo tập trung vào cái ăn chứ ít có điều kiện sắm sửa các vật dụng như nệm, giường, tủ bàn, tivi, tủ lạnh, xe đạp... Vì thế, trước đây những loại rác từ các vật dụng chưa xuất hiện, thậm chí nhiều người dân còn tận dụng hàng cũ từ nước ngoài đưa về sử dụng. Bây giờ, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nhu cầu mua mới, thay mới do hư hỏng hay muốn “lên đời” đã xuất hiện những loại rác gia dụng “cồng kềnh”, như chăn nệm, bàn ghế... khó xử lý, tiêu tốn diện tích đất chôn lấp, xen lẫn cùng rác hữu cơ, vô cơ dễ xử lý.

Để thực hiện công tác quản lý chất thải rắn, nhiều quốc gia đã ban hành khung pháp lý, đưa ra các chính sách tăng cường tái chế để thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải. Ở một số nước phát triển, như Nhật Bản, Hàn Quốc ban hành nhiều đạo luật thúc đẩy tái chế chất thải như: Tái chế thực phẩm, tái chế container và bao bì, tái chế các loại thiết bị gia dụng, tái chế phương tiện hết hạn, tuần hoàn tài nguyên xe cộ và sản phẩm điện và điện tử...

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện các chính sách về kinh tế chất thải.

Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế thời gian qua cũng đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, song quy mô còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, chưa đem lại chuyển biến lớn.

Các chuyên gia về môi trường chỉ ra rằng, muốn duy trì có hiệu quả mô hình này đòi hỏi một thị trường tái chế chất thải rắn có sự tham gia của các chủ thể dựa trên nhu cầu về nguồn cung và sử dụng các sản phẩm tái chế, như: cơ sở thu gom chất thải, các nhà máy tái chế và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ hộp, giấy, dệt, vật liệu xây dựng...

Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế, nhiều nước cũng đã áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thông qua chương trình mua sắm công. Có nghĩa, Nhà nước và các cơ quan nhà nước sẽ là nhóm khách hàng tiêu thụ tiên phong, tiếp đó là tới doanh nghiệp, người dân. Các sản phẩm tái chế được gắn nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Cùng với đó, chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế... sẽ giúp các sản phẩm tái chế có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.

Bên cạnh hướng đến thúc đẩy tái chế, ngành môi trường đang áp dụng công cụ luật, kiểm soát, giáo dục truyền thông và công cụ tài chính trong quản lý chất thải rắn. Chẳng hạn, tăng thuế sản phẩm bao bì khó phân hủy, ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp có phát sinh nguồn thải, tác động đến môi trường trong quá trình hoạt động...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó liên quan đến thu phí rác thải dựa trên khối lượng thay cho việc thu phí “cào bằng” theo hộ như hiện nay. Cách tính phí này là giải pháp để giảm khối lượng rác thải phát sinh và dựa trên nguyên tắc kinh tế là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, càng thải nhiều rác sẽ phải đóng phí càng nhiều. (baothuathienhue.vn 25/12)

 
 
 

8.  TT- Huế điều chỉnh 22 dự án với tổng nguồn vốn hơn 10.000 tỷ đồng

Tại kỳ họp chuyên đề thứ 13, HĐND tỉnh TT- Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức ngày 23-12, UBND tỉnh này trình bày 22 tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa biển Thuận An; đường Tố Hữu về sân bay Phú Bài; đường Mỹ An- Thuận An; nâng cấp một số đường Tỉnh lộ Nghĩa trang nhân dân phía Bắc…

Theo thẩm tra của HĐND tỉnh, quy mô các dự án được điều chỉnh đều trên 40 tỷ đồng, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phục vụ cho việc phát triển KT- XH, do đó UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công là đúng quy định. Tuy nhiên, HĐND tỉnh cũng lưu ý, do quy mô các dự án được điều chỉnh có quy mô khá lớn (hơn 10.000 tỷ đồng), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xem xét mức độ ưu tiên của từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhất là quan tâm một số dự án quan trọng, cấp bách, tạo động lực phát triển KT- XH; phân kỳ đầu tư hợp lý với nguyên tắc các dự án mới bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án. (cadn.com.vn 24/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.451.756
Truy cập hiện tại 591