Sáng nay 24/12/2020, Bộ GTVT long trọng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.
Tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Báo cáo tại Hội nghị về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ và giải pháp cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong đó, về công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT; đồng thời kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới.
Về công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng quản lý bảo trì, khai thác KCHTGT từng bước được nâng cao. Chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa được cải thiện rõ rệt; nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý bảo trì hiện nay ổn định và được tăng đáng kể (trung bình hàng năm tăng khoảng 3-8%), đã góp phần giảm nhẹ thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông.
Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn; vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt; vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển; vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng đạt 15%/năm về hành khách và 12%/năm về hàng hóa (đến năm 2020 có 75 hãng hàng không nước ngoài và 05 hãng hàng không Việt Nam), đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ,... Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt. Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu HK.km. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019.
Trật tự ATGT được đảm bảo, phối hợp chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rất tốt
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản có tác động tích cực đến xã hội và được dư luận đồng tình ủng hộ như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông.
Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%. 11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm giảm 18,26%, số người chết giảm giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.
Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực GTVT.
Song song với nhiệm vụ chuyên môn, công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh, hoàn thành sớm. Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu 04 doanh nghiệp; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu 02 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã thực hiện chuyển giao 05 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với Ủy ban thực hiện công tác tái cơ cấu các Tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khó khăn và thách thức
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn để toàn Ngành tập trung giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả. Trong đó phải kể đến hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa kịp thời ở một số lĩnh vực nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Các quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa có cơ chế giám sát đồng bộ ngay từ những khâu đầu để tăng cường tính phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, công tác đồng bộ giữa việc triển khai quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT còn khó khăn.
“Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn như vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách. Công tác GPMB vẫn luôn khó khăn, phức tạp, làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí. Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trước mắt và lâu dài, Lãnh đạo Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp và mục tiêu cho năm 2021 và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Trong đó tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, các quy hoạch ngành GTVT (thực hiện theo Luật Quy hoạch), bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các văn bản QPPL, đề án theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT; Tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng… Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đối với các chủ thể có liên quan; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về xã hội hóa công tác bảo trì KCHTGT. Tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Tập trung ưu tiên sửa chữa bảo trì trên các tuyến đường trọng yếu như QL.1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao.
Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, PCTT&TKCN, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí; khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc trung ương. Chủ động xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng sẽ bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục củng cố, tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống; tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng GTVT với các đối tác quan trọng, với các tổ chức tài chính quốc tế; Đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông, triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành các công trình giao thông. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác…
Tập trung hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, năm 2020, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của ngành GTVT nói chung, Bộ GTVT nói riêng.
Bộ GTVT đã tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án được quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông-vận tải; tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành GTVT và từng lĩnh vực của ngành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng GTVT quan trọng. Các dự án giao thông lớn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ.
"Một số dự án GTVT triển khai chậm do có nhiều vướng mắc, trong đó có nguyên nhân từ cơ chế, pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, các dự án đã được Bộ GTVT thận trọng, quyết liệt, triển khai giải quyết vướng mắc một cách bài bản, tạo tiền đề cho giai đoạn tới", Phó Thủ tướng ghi nhận.
Chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đi lại của nhân dân. Cùng với đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai tích cực, kiểm soát tải trọng, giảm ùn tắc giao thông, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước và người dân.
"Chúng ta đều thấy, lực lượng của ngành giao thông có mặt thường xuyên, liên tục ở những nơi hiểm nguy nhất, cả ngoài biển cả trên đất liền, cả ở đồng bằng và khu vực miền núi, nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt", Phó Thủ tướng biểu dương.
Bộ GTVT thực hiện tốt việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải gắn với việc phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả do thiên tai. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được triển khai quyết liệt, mang lại những hiệu quả bước đầu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế và những thách thức đòi hỏi phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới.
Giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu “đề bài”, đó là nước ta phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc; nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cảng hàng không, đặc biệt là đầu tư nâng cấp các cảng hàng không lớn, hệ thống cảng biển, đường thuỷ nội địa, hệ thống đường sắt quốc gia; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Cùng với đó, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án giao thông đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe…
Để triển làm được những mục tiêu trên, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.
Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch ngành GTVT (theo Luật Quy hoạch) như quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thuỷ nội địa…).
Trên cơ sở quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ, các địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để huy động vốn ngân sách, FDI, DDI, các nguồn vốn khác phù hợp với từng dự án cụ thể.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cao tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải trên tất cả các lĩnh vực phát triển đồng thời gắn với các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.