Sáng 24/12, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và 186 hội viên.
Hình thành và phát triển trên mảnh đất giàu trầm tích về văn hóa - lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nỗ lực, vượt lên mọi khó khăn để xây dựng Hội thành một tổ chức vững mạnh không những đối với Thừa Thiên Huế mà cả trong gia đình Sử học Việt Nam. Hội Khoa học Lịch sử đã đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; được giới Sử học và xã hội đánh giá cao.
Một trong những kết quả nổi bật là Hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đảm nhận và hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hội đã thực hiện thành công 5 đề tài trọng điểm cấp tỉnh và 2 đề tài khoa học cấp Quốc gia; nhiều đề tài đạt giải thưởng cao; trong đó có đề tài cấp quốc gia "Tổ chức và hoạt động biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn" được tặng giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ.
Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan hội duy nhất của một địa phương cùng một lúc chủ trì hai đề tài cấp Quốc gia và một đề tài cấp tỉnh đã được nghiệm thu. Đề tài cơ bản cấp Quốc gia “Tổ chức và hoạt động phòng thủ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1885”, được nghiệm thu và xuất bản 3 cuốn sách: “Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thế kỷ XIX, Hoàng Sa - Trường Sa: chủ quyền của Việt Nam”, tái bản 2016 và cuốn “Tổ chức phòng thủ và bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn, 1802 -1885”.
Tại Đại hội
Đề tài khoa học cấp Quốc gia “Lịch sử Việt Nam tập XI - Đàng Trong 1558 - 1771” thuộc Bộ Quốc sử. Đề tài đã xuất bản 2 bản sách “Nam bộ và Trung bộ thời chúa Nguyễn”; “Đàng Trong thời chúa Nguyễn”, 2 tập. Đề tài cấp tỉnh “Vai trò và tác động của gia đình và dòng họ đối với sự phát triển xã hội Thừa Thiên Huế” được nghiệm thu và đạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX.
Kế thừa những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ mới, Hội KHLS tỉnh bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh để góp sức về phương diện sử học của vùng đất, như: xây dựng đề án “Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển”; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phú Xuân; nghiên cứu văn hóa thời Tây Sơn để thành lập CLB Văn hóa Quang Trung; tổ chức các hội thảo khoa học, diễn đàn đối thoại sử học quốc gia, quốc tế về lịch sử và văn hóa Huế, chủ quyền biển đảo, văn hóa và du lịch Huế… Hội cũng đặt ra nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện, tiến tới xây dựng lộ trình phản biện độc lập các đề án, đề tài khi được tỉnh và các tổ chức quản lý khoa học phân công.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những cống hiến của Hội KHLS tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới quê hương Thừa Thiên Huế, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, công tác phản biện xã hội, nghiên cứu lịch sử....
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, giai đoạn 2020 - 2025, trong bối cảnh toàn tỉnh quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, Hội KHLS cùng với lãnh đạo tỉnh nhằm góp phần xây dựng văn hóa Huế, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, văn hóa và con người xứ Huế. Trước tiên là nghiên cứu, luận giải các đặc trưng cơ bản của văn hóa Huế, con người Huế trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đâu là động lực để bảo tồn, phát triển; đâu là lực cản để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thời kỳ mới.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, hội cần nâng cao vai trò là cơ quan tư vấn, phản biện; góp phần giải bài toán về “bảo tồn” và “phát triển”; phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định khoa học trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các di sản liên quan đến lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, đưa văn hóa Huế và lịch sử Thừa Thiên Huế vào trường học.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới tư duy sử học kết hợp với những thành tựu của khoa học lịch sử hiện đại; nâng cao tính Trung thực - Khách quan - Toàn diện trong hoạt động Sử học. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các cơ quan Trung ương để xây dựng Hội phát triển ngày càng vững mạnh. Đồng thời đổi mới hoạt động, kiện toàn tổ chức của Hội; cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cán bộ trẻ để tránh hiện tượng thiếu hụt về đội ngũ kế cận.
Để tạo điều kiện cho Hội Khoa học Lịch sử phát triển, thực hiện mục tiêu, tôn chỉ của mình. Trong thời gian tới Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bước vào giai đoạn mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tin tưởng rằng với đội ngũ Hội viên đã được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh nhà, với truyền thống vẻ vang của vùng đất Cố đô anh hùng, với trách nhiệm, bổn phận lớn lao của đội ngũ văn nghệ sỹ cùng với tầm vóc 32 năm xây dựng và phát triển, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sẽ có đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của tỉnh nhà, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 25 thành viên. Dịp này, UBND tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tiến hành khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động hội (ảnh dưới).