Sáng ngày 22 tháng 12 năm 2020, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành công trình bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; các bậc lão thành cách mạng đã đến dự.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải nêu rõ, Lao Thừa Phủ là khu chứng tích ghi dấu tội ác của kẻ thù. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lao Thừa Phủ là nơi địch sử dụng để giam giữ, tra tấn các thế hệ người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên, trí thức yêu nước; các nhà hoạt động cách mạng kiên trung như các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Tự Nhiên, Lê Viết Lượng, Tố Hữu… và rất nhiều anh hùng, chiến sĩ cách mạng yêu nước khác. Trong số đó, nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước.
Lao Thừa Phủ là “Địa ngục trần gian”. Cũng chính nơi đây, đã hun đúc và tôi luyện ý chí đấu tranh, tinh thần anh dũng của biết bao chiến sỹ và đồng bào yêu nước, với tinh thần quả cảm, hiên ngang, bất khuất trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Trong những năm tháng gian khổ và ác liệt nhất, Chi bộ Đảng ở lao Thừa Phủ đã ra đời và bí mật hoạt động; lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh ngay trong nhà tù.
Khu chứng tích lao Thừa Phủ có được diện mạo như ngày hôm nay đó là sự chung sức, chung lòng, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Việc bảo tồn và tôn tạo Khu chứng tích lao Thừa Phủ là thể hiện nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, sự nỗ lực của các ban ngành hữu quan, nhằm tri ân những chiến sĩ cách mạng, khơi dậy niềm tự hào và giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu nghe giới thiệu và tham quan bên trong khu chứng tích lao Thừa Phủ
Việc bảo tồn và tôn tạo Khu chứng tích lao Thừa Phủ là bước đi quan trọng và có tính định hướng cao trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử của địa phương. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu Bảo tàng Lịch sử - là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị Khu chứng tích lao Thừa Phủ phối - hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ Khoa học trình các cấp xem xét, để công nhận lao Thừa Phủ là di tích, đồng thời đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích với hình thức, nội dung phù hợp, để phát huy Khu chứng tích lao Thừa Phủ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, là địa chỉ đỏ làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Nguyễn Đức Lộc, Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thuỷ Sư (nơi ở của đơn vị Thuỷ binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến nơi đây thành nhà giam và cái tên lao Thừa Phủ ra đời từ đó. Ban đầu, lao Thừa Phủ có quy mô khá nhỏ, về sau, thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ tiếp tục mở rộng dần, xây dựng thêm nhiều dãy nhà giam khác nhau cùng hệ thống hàng rào bảo vệ cùng các chòi canh nhằm ngăn chặn ý định vượt ngục của tù nhân. Cách mạng tháng Tám thành công ở Thừa Thiên Huế, lao Thừa Phủ bị đập phá, chỉ giữ lại một số buồng giam để giữ thành phần phản cách mạng thân Nhật. Sau khi chiếm lại Huế, thực dân Pháp đã cho xây dựng lại. Đến năm 1954, bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn cho cải tạo, xây mới nhà biệt giam, hầm tối, chuồng cọp để làm nơi giam giữ những đảng viên Cộng sản và những người yêu nước. Lao Thừa Phủ đã tồn tại đến nay hơn 100 năm. Tại đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, những đảng viên Cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước.
Một góc của khu chứng tích lao Thừa Phủ
Ông Nguyễn Đức Lộc nói, bảo tồn khu chứng tích lao Thừa Phủ là việc làm có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử và nhân văn sâu sắc; thể hiện sự tri ân, tôn vinh công lao to lớn của những chiến sĩ cách mạng trung kiên và đồng bào yêu nước. Công trình bảo tồn gồm các hạng mục chủ yếu: Cải tạo tháp canh ở phía Tây - Nam; cải tạo nhà giam thời Mỹ, lô cốt. Phục hồi nguyên trạng nhà giam đồng chí Tố Hữu từ vị trí cũ nằm trong khu quy hoạch Bệnh viện quốc tế ra khu vực bảo tồn; phục hồi nguyên trạng hai cổng lao Thừa Phủ (chuyển từ vị trí cũ ở đường quy hoạch đến tiếp giáp đường Lê Lai). Xây dựng hệ thống giao thông nội bộ phục vụ khách du lịch và các hạng mục phụ trợ.
Trong thời gian tới, để phát huy giá trị khu chứng tích lao Thừa Phủ, Bảo tàng Lịch sử sẽ xây dựng đề cương trưng bày thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm tái hiện lại không gian lao Thừa Phủ với tinh thần anh dũng, chí khí hiên ngang, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, khơi dậy niềm tự hào trong các thế hệ.