Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 23/12/2020
Ngày cập nhật 24/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  Xác minh, điều tra, làm rõ những vấn đề liên quan

Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Nguyễn Đăng Luận, trú tại 8/146 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy, với nhiều nội dung; trong đó, ông Luận cho rằng, vì xích mích nên ông Trần Đình Vĩnh Long, nhân viên lái xe Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã lái xe 16 chỗ của công ty để tông vào người ở phía sau lúc ông đang điều khiển xe gắn máy; hậu quả làm ông bị chấn thương sọ não…

Trong đơn gửi đến Báo Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đăng Luận cho rằng, trong thời gian làm việc tại Công ty cổ phần Sợi Phú Bài (tổ lái xe, thuộc Phòng Hành chính), bà Trần Thị Kim Chi, với chức vụ là Tổng Giám đốc Công ty đã lạm dụng chức vụ chỉ đạo ông và nhiều nhân viên lái xe khác hàng tháng phải đi mua khống hóa đơn xăng dầu về lập thanh toán.

Ngay sau khi được thanh toán, ông và những tài xế khác rút tiền mặt và nộp lại cho kế toán công ty để sử dụng cho mục đích của bà Chi. Bà Trần Thị Kim Chi thường xuyên áp chế và đối xử bất công bằng với ông trong công việc cũng như cho người kiếm cớ hăm dọa đánh đập.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm: Có phải vì xích mích nên ông Trần Đình Vĩnh Long, nhân viên lái xe Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã lái xe 16 chỗ của công ty để tông vào người ở phía sau lúc ông Nguyễn Đăng Luận đang điều khiển xe gắn máy dẫn đến chấn thương sọ não? Đây có phải là vụ va chạm do tai nạn giao thông thông thường hay một vụ cố ý gây thương tích?

Từ tìm hiểu và qua điều tra, xác minh, làm rõ của lực lượng chức năng cho thấy, lúc 17 giờ 32 phút, chiều 5/12/2020, tại ví trị cột điện 31 đường Ngự Bình (cách ngã 3 Ngự Bình - Hoàng Thị Loan 80 mét), ông Nguyễn Đăng Luận điều khiển xe mô tô màu đỏ BKS 75D1 - 11732 đi từ Hương Thủy lên Nam Giao đã va vào xe ô tô 16 chỗ của Công ty cổ phần Sợi Phú Bài, BKS 75K - 4995 do ông Trần Đình Vĩnh Long điều khiển đi cùng chiều. Hậu quả vụ va chạm làm ông Nguyễn Đăng Luận xây xát cổ tay phải và mặt trên bàn tay trái; 2 đầu gối sưng...

Ngay sau khi vụ va chạm xảy ra, ông Nguyễn Đăng Luận nằm viện điều trị từ ngày 5 đến ngày 13/12/2020 thì ra viện. Theo giấy ra viện của Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế ghi, ông Nguyễn Đăng Luận bị xuất huyết dưới nhện do chấn thương sọ não.

“Qua thực tế tại hiện trường và từng bước tiến hành giám định cơ chế va chạm giữa 2 xe bước đầu xác định, tay cầm bên phải của xe mô tô của ông Luận đã đụng vào cửa trái của xe ô tô mà ông Long điều khiển trong tình trạng vuông góc với nhau. Điều này, có cơ sở chứng minh để loại trừ việc cho rằng, xe ô tô tông vào xe mô tô với ý đồ”, Thượng tá Lê Hữu Sỹ, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an TP. Huế khẳng định.

Thượng tá Lê Hữu Sỹ cho biết thêm: “Truy vết vụ va chạm, thu thập chứng cứ, vật chứng và qua các lời khai thì, 17 giờ 32 phút, chiều 5/12/2020, tại ví trị cột điện 31 đường Ngự Bình, ông Nguyễn Đăng Luận điều khiển xe mô tô chạy sát cửa xe ô tô (bên tài xế) do ông Trần Đình Vĩnh Long điều khiển, dùng tay phải để đập cửa xe ô tô nên xảy ra va chạm. Điều này, phù hợp với dấu vết tại hiện trường, phù hợp với lời khai và những gì mà Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh giám định”.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Đăng Luận khiếu nại bà Trần Thị Kim Chi về việc mua khống hóa đơn xăng dầu, theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an TX. Hương Thủy và các ngành liên quan đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Báo Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có những thông tin tiếp theo. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

2.  Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống - Kỳ 1: Nhận diện thách thức

Ngoài cung cấp nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, rừng còn góp phần duy trì, bảo vệ môi trường, hạn chế xói mòn đất đai, lũ lụt, sạt lở núi, điều tiết nguồn nước... Tuy vậy, nạn chặt phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng và chuyển đổi mục đích khác khiến diện tích rừng tự nhiên đối mặt nguy cơ thu hẹp, các loài gỗ quý ngày càng khan hiếm.

Dai dẳng nạn phá rừng

Diện tích trên 2 ha rừng đầu nguồn sông Bồ do UBND phường Hương Vân (TX. Hương Trà) quản lý bị đốt cháy rụi cách đây vài tháng khiến nhiều người lo ngại trước sự đe dọa của lâm tặc. Cạnh khu vực rừng cháy, nhiều cây gỗ có đường kính 30-50 cm, một số cây đến 80 cm đã bị đốn hạ, mang đi khỏi hiện trường. Diện tích rừng bị cháy còn khiến nhiều cánh rừng xung quanh bị ảnh hưởng, héo khô.

Điều dư luận thắc mắc là khu rừng bị đốt cháy, đốn hạ chỉ cách Trạm Kiểm tra Lâm nghiệp bền vững TX. Hương Trà chừng 2km. Sự việc lại diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, trong thời gian dài nhưng cán bộ trực trạm, tuần tra rừng tại đây lại không hay biết (?!). Trong khi hằng ngày người dân lại nghe rõ tiếng cưa, thấy rõ khói bay nhưng nhầm tưởng khai thác rừng sản xuất, đốt thực bì.

Mới đây, nhiều cây gỗ quý tại một khu rừng già ở A Lưới bị lâm tặc ngang nhiên khai thác. Đáng nói là cánh rừng này nằm không quá xa Quốc lộ 49 và cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (A Lưới) khoảng hơn 2km theo đường chim bay. Một vụ đốn hạ cây rừng khác bằng thủ công cũng trên địa bàn A Lưới với diện tích gần 0,5 ha. Khu rừng bị lâm tặc xâm hại nằm tiếp giáp với các cánh rừng keo tràm của người dân địa phương và diễn ra trong thời gian dài. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn, sự tắc trách trong quản lý, bảo vệ đối với chủ rừng.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh đánh giá, dù các biện pháp bảo vệ được triển khai quyết liệt nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức 627 đợt truy quét chống chặt phá rừng, lập biên bản 190 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 70,593 m3 gỗ. Cùng thời điểm đã xảy ra 132 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 22,26 ha, tăng 75 vụ, diện tích rừng bị phá tăng 11,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 7 vụ án có dấu hiệu vi phạm hình sự đã bị khởi tố.

Máu và nước mắt

Hơn một năm bị lâm tặc tấn công trả thù ngay tại trụ sở làm việc, đến nay vết thương trên cơ thể anh Nguyễn Văn Lương, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vẫn chưa lành. Những chiếc vít nẹp xương bị rạn vỡ vẫn chưa tháo khỏi trên gò má.

Sự quyết liệt, tâm huyết bảo vệ “lá phổi xanh” của anh Lương đã trả giá bằng máu và nước mắt. Trước hôm xảy ra vụ hành hung, chính anh Lương là người bắt giữ một vụ chặt phá rừng và bẫy thú, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị vi phạm. Tưởng chừng các đối tượng sau khi bị nhắc nhở, răn đe, chờ xử lý có cơ hội ăn năn hối cải, nào ngờ càng hung hăng, manh động, quay lại trả thù một cách táo tợn khiến anh Lương bị trọng thương phải cấp cứu, điều trị dài ngày.

Trưởng phòng Quản lý-Bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc CCKL, ông Mai Văn Tâm lo ngại trước cuộc chiến phòng chống lâm tặc trong nhiều năm qua, lực lượng BVR luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Nhiều cán bộ kiểm lâm ở Nam Đông, A Lưới đã từng bị lâm tặc hành hung, chống trả quyết liệt bằng dao, rựa, ném đá gây thương tích nặng. Những chuyến tuần tra cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu, vượt qua bao thác ghềnh, đá núi hiểm trở, chỉ một chút sơ sẩy, bất cẩn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chuyện anh Nguyễn Anh Kiệt, Tổ trưởng Tổ BVR Thủy An, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) bất ngờ bị tảng đá lớn từ trên núi cao lăn xuống đè lên người bị thương nặng trong lúc tuần tra rừng năm trước. Cách đây mấy năm, trong một chuyến tuần tra rừng mùa mưa, nhóm kiểm lâm ở A Lưới bị mắc kẹt trong rừng suốt 10 ngày do lũ bất ngờ. Mất đến 10 ngày chịu đựng rét buốt, thiếu lương thực, ngày đêm băng suối, vượt rừng tưởng chừng không bao giờ về.

Gian khó, hiểm nguy thường trực với lực lượng kiểm lâm, BVR khiến nhiều đồng nghiệp của anh Lương, anh Kiệt, hay nhiều cán bộ BVR huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đành gác lại ước mơ bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”. Tính riêng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, chỉ trong vòng 3 năm nay đã có 8 cán bộ BVR bỏ nghề. Những cán bộ trẻ thế chỗ bao tâm huyết, nhiệt tình với nghiệp BVR cũng rất nan giải trước những hiểm nguy.

Trưởng phòng QLBVR thuộc CCKL cho rằng, gian khó, hiểm nguy, lực lượng mỏng, trong khi quản lý, bảo vệ diện tích rừng rất lớn là những vấn đề “lưu cữu”, không thể tránh khỏi. Nhưng không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho những điều này, hầu hết các vụ phá rừng đều có nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của một bộ phận kiểm lâm, BVR. Có sự tiếp tay lâm tặc hay không là điều chưa thể khẳng định, nhưng rõ ràng lực lượng BVR chưa làm tròn trách nhiệm trong quá trình tuần tra, giám sát để xảy ra các vụ chặt phá rừng, đốt rừng, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã trái phép.

Những công trình phá hủy màu xanh

Ngoài nạn phá rừng khai thác gỗ, đốt rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy cộng với các công trình thủy điện làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án (DA) thủy điện, trong đó có 9 DA đã vận hành, còn lại đang trong quá trình xây dựng. Các công trình thủy điện thường nằm khu vực đầu nguồn, tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên. Quá trình xây dựng hồ chứa, bạt núi nắn dòng, xây dựng nhà điều hành, đập đầu mối, đường thi công, đường vận hành, các công trình phụ trợ… ảnh hưởng đến các diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất là không thể tránh khỏi.

Qua rà soát, đánh giá, ngoài các thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền, A Lưới phải chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên đến hàng trăm ha, 7 DA thủy điện khác cũng chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 154,57 ha (gồm 101,55 ha rừng tự nhiên và 53 ha rừng trồng).

Số liệu điều tra của CCKL cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2020, cơ cấu diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Tỷ lệ cơ cấu các loại rừng phân theo mục đích sử dụng trong giai đoạn này cũng có nhiều biến động. Tỷ lệ diện tích rừng đặc dụng trong cơ cấu đất lâm nghiệp tăng 2,65% (từ 27,35% lên 30%); tương tự tỷ lệ rừng sản xuất tăng 0,85% (từ 44,23% lên 45,08%). Ngược lại, tỷ lệ rừng phòng hộ giảm 3,5% (từ 28,43% xuống còn 29,93%). Diện tích đất có rừng đến nay giảm trên 6.000 ha so với năm 2010.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá, trong khi rừng được chuyển đổi sang xây dựng công trình thủy điện thì các DA này chậm triển khai trồng rừng thay thế. Hai thủy điện lớn Bình Điền, Hương Điền với diện tích rừng phải trồng là 362,69ha, tương ứng 26,8 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa nộp kinh phí trồng rừng. Hai DA đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thực hiện trồng rừng thay thế là thủy điện Tả Trạch và A Roàng.

Các đơn vị cũng khá tích cực thực hiện chỉ đạo của tỉnh, nhưng thời gian qua ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, các nhà máy hoạt động cầm chừng, không có nguồn thu nên chậm nộp kinh phí trồng rừng thay thế. Tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương có biện pháp, yêu cầu các DA thủy điện A Roàng, Tả Trạch cung cấp hồ sơ DA để UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức trồng rừng thay thế.

Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, nạn phá rừng, bạt núi mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình “tai biến địa chất”, dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Các điểm sạt lở vừa qua đều tập trung ở các công trình thủy điện, sườn núi, hoặc dọc các tuyến đường... (baothuathienhue.vn 23/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Bảo đảm nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Không để thiếu hàng, tăng giá dịp Tết

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, hiệu quả; chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Phối hợp với địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; đưa hàng hóa nông thôn ra thành phố, đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân; cung ứng sớm, đầy đủ hàng hóa bình ổn thị trường cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do bão, lũ, sạt lở thời gian qua. Tăng cường các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bảo đảm dự trữ đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Cung ứng điện thường xuyên, liên tục và an toàn, không để thiếu điện trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ nguồn gốc; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh, bán hàng trên mạng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng... Đặc biệt chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp năm mới 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua biên giới các mặt hàng thiết yếu; hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, bảo đảm yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.

Không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết

Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá; kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước bố trí đủ nguồn lực để xử lý, giải quyết kịp thời mọi công việc; chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo kịp thời từ nguồn dự trữ quốc gia theo đúng quy định, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng; hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định cho các địa phương để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân.

Rà soát, có kế hoạch cụ thể bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trước, trong và sau Tết, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, đặc biệt là không để dịch tả lợn Châu phi bùng phát trở lại.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19

Bộ Y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh, du học sinh, Việt kiều trở về nước.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm nhập khẩu để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc... Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 trong bệnh viện.

Bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách được nhận quà trước Tết

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, bão, lũ, sạt lở, người dân gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục của dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Tăng cường giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn, nhà ga, sân bay; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình thế giới, khu vực tác động đến lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam. Bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối các hoạt động, các mục tiêu bảo vệ, các địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng chống đối, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo đảm an ninh thông tin, an toàn mạng quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới; theo sát biến động tỷ giá, giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp đẩy lùi tín dụng đen.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai; bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm và đầu năm mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và phong tục, tập quán của từng địa phương; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nhiều loại hình du lịch gắn với văn hóa, tín ngưỡng, cộng đồng...

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong quá trình cung ứng dịch vụ; không nhận vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính; không để xảy ra tình trạng thất lạc, ứ đọng, mất mát gây phát sinh khiếu nại của khách hàng.

Triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thông tin thuê bao, giá cước, chất lượng dịch vụ, khuyến mại; ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng các hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến để gửi, phát tán điện tín có nội dung trái pháp luật; tổ chức các phương án bảo vệ an toàn thông tin liên lạc và internet đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết. Thiết lập hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, bưu chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác và tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Không sử dụng ngân sách nhà nước tổ chức bắn pháo hoa

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19.

Tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương với tinh thần tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và không sử dụng ngân sách nhà nước; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức tổ chức các hoạt động lễ hội để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống đại dịch COVID-19.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị này tại địa phương mình, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân nhất là các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, thực phẩm động vật, đặc biệt là động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo VPCP (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

2.  Những suất cơm nghĩa tình quân dân

Một tháng bốn ngày, tại đường Mang Cá, phường Thuận Lộc, TP.Huế, hơn 400 suất cơm giá chỉ 2.000 đồng/phần được Câu lạc bộ “Quân nhân thiện nguyện” Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao đến những bệnh nhân, người lao động nghèo.

Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ “Quân nhân thiện nguyện” Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại tập trung về đây để chuẩn bị bữa cơm trưa cho những bệnh nhân, người lao động nghèo. Công việc hết sức tất bật, người thì nhặt rau; người thì nấu cơm, người thì nấu thịt, cá…, với mong muốn làm sao để bệnh nhân, người lao động nghèo có được bữa cơm ngon, canh ngọt và bớt đi nỗi lo về kinh tế.

Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tâm sự: “Khi thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Quân nhân thiện nguyện", cán bộ hội viên phụ nữ tham gia. Ngày chủ nhật, chị em tham gia nấu nướng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn".

Ban đầu từ 12 thành viên là cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đến nay CLB “Quân nhân thiện nguyện” thu hút trên 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia, trong đó có anh chị em các đơn vị kết nghĩa. Để có những suất cơm giá rẻ 2.000đ cho bệnh nhân, người nghèo, các thành viên Câu lác bộ đã bỏ tiền lương và kêu gọi cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ủng hộ. Không khí buổi phát cơm diễn ra thân thiện, vui vẻ.

Ông Lê Sạn, phường Phú Hòa, TP. Huế tâm sự: “Hơn 2 năm nay, trưa chủ nhật nào tôi cũng đến mua 3 hộp về ăn, 3 đứa cháu cứ khen ông mua cơm ở đâu mà ngon. Tôi bảo cơm của các cô, chú độ đội làm từ thiện mà ngon thế này đây. Không những một mình tôi, tuần nào bà con cũng đến đông lắm…”.

Bà Trần Thị Hoa, xã Quảng An, huyện Quảng Điền cho biết thêm: “Tôi đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 268, người bệnh ở đây ai cũng khen cơm ngon. Chủ nhật nào, bà con cũng ra mua, người 3 hộp, người 4 hộp. Họ còn mua giúp cho những người già, người ốm đau đi lại khó khăn. Xin cảm ơn các cô, chú bộ đội đã làm công việc hết sức ý nghĩa”.

Trung úy chuyên nghiệp Trương Văn Tài, Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Sau hơn 2 năm hoạt động, chúng tôi nhận thêm nhiều thành viên mới cũng như số lượng bà con đến để mua cơm ngày càng đông...”.

Mặc dù thực hiện vào các ngày chủ nhật hàng tháng, nhưng CLB “Quân nhân thiện nguyện” Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mang đến niềm vui cho nhiều người. Bên cạnh hoạt động cơm từ thiện 2.000 đồng, CLB còn thực hiện các chương trình khác như thăm tặng quà cho các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp và giúp đỡ cho cho học sinh nghèo vượt khó… (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

3.  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Giáng sinh đồng bào giáo dân Huế

Sáng 22/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, tặng quà và chúc mừng Giáng sinh năm 2020 tại Tòa Tổng Giám mục Huế.

Cùng dự có Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế; các vị linh mục, tu sĩ nam, nữ và đại diện các giáo xứ, dòng tu của Tổng Giáo phận Huế đón một mùa Giáng sinh an lành, vui vẻ và đón năm mới 2021 tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.

Nhìn lại năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” đề ra. Đó là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa tăng trưởng kinh tế, xã hội; là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế, quan hệ với các nước được củng cố, tăng cường.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước luôn có sự đóng góp thiết thực của đồng bào Công giáo nói chung trong Giáo hội Công giáo Việt Nam và đồng bào công giáo Tổng Giáo phận Huế nói riêng. Các cấp chính quyền ghi nhận những đóng góp của đồng bào Công giáo trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài…

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thông qua quy định của Hiến pháp và Quốc hội đã cụ thể hóa bằng việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Tổng Giám mục và các vị chức sắc, các tu sĩ hướng dẫn giáo dân thực hiện tốt những đường hướng của Giáo hội cũng như thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tổng Giáo phận Huế cũng như các giáo phận khác trong cả nước tiếp tục phát triển để đem lại cuộc sống an lành, không chỉ riêng cho giáo dân, cho đồng bào công giáo mà cho nhân dân cả nước, đóng góp những công việc có ý nghĩa, thiết thực để mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Hoạt động của Giáo hội cũng như của Tòa Tổng Giám mục sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chúc mừng Giáng sinh, Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh bày tỏ vui mừng khi đón nhận lẵng hoa và lời thăm hỏi thân tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội Công giáo nói chung và Tổng Giáo phận Huế nói riêng. Giáo hội sẽ nỗ lực cộng tác, xây dựng một xã hội an bình, phát triển như tất cả mọi người công giáo Việt Nam mong muốn. (baothuathienhue.vn 22/12, video quochoitv.vn 22/12, video vnews.gov.vn 22/12, nhandan.com.vn 22/12, vov.vn 22/12, baochinhphu.vn 22/12)

 
 
 

4.  Người dân “thông”, người dân tự giác

Vận động người dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những nội dung được Mặt trận xã Hương Xuân, huyện Nam Đông triển khai nhằm chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và hướng đến NTM kiểu mẫu.

Người dân là chủ thể

Người dân khu dân cư thôn 10, xã Hương Xuân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó, trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM, Ban công tác Mặt trận (CTMT) thôn bám sát mục tiêu “Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xây dựng con người”.

Theo ông Lê Xuân Dương, Trưởng ban CTMT thôn 10, những năm qua, Ban CTMT đã đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng NTM đến mọi người dân với từng phần việc cụ thể, tránh hình thức hóa, trong đó tập trung phát triển kinh tế để tạo tiền đề. “Khi đời sống người dân được nâng cao, thu nhập cải thiện thì các tiêu chí xây dựng NTM khác không còn là trở ngại quá lớn”, ông Dương nhấn mạnh.

 Ban CTMT thôn phối hợp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tích cực vận động người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nổi bật là đề án phát triển cây cam Nam Đông, người dân đã tích cực tham gia phát triển lên 22 ha cam. Nhờ vậy, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 47 triệu đồng/người/năm (cao hơn mức bình quân của huyện khoảng 7 triệu đồng). Hiện trong thôn chỉ còn 2 hộ cận nghèo và không còn hộ nghèo. Kinh tế phát triển nên người dân đã quyên góp, chung sức với chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giai đoạn 2010 - 2020, Ban CTMT thôn 10 đã vận động Nhân dân tự nguyện hiến 10.000m2 đất, 550 cây các loại và hàng trăm ngày công lao động. Đồng thời, tích cực vận động bà con tu sửa, chỉnh trang nhà ở, các công trình vệ sinh, công trình chăn nuôi; xây dựng sân, đường bê tông từ nhà ra ngõ, làm hàng rào xanh.

Tập trung phát triển kinh tế

Ông Trần Thanh Xuân Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) xã Hương Xuân cho biết, qua quá trình tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về xây dựng NTM chuyển biến thành tự giác và ý thức được bản thân là chủ thể. Nhờ đó, 8/8 thôn đều thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Để có kết quả đó, Mặt trận xã và Ban CTMT các thôn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; lồng ghép nhiều hoạt động tập thể để tạo được hiệu quả. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Như khi phát động phong trào phân loại rác tại hộ gia đình và đóng phí vệ sinh môi trường để thu gom rác, lúc đầu người dân còn chưa “thông”. Ban CTMT thôn phân công trực tiếp tuyên truyền và hướng dẫn các hộ gia đình về cách phân loại rác khoa học…, đến nay tỷ lệ đóng phí vệ sinh môi trường đạt trên 95%. Tương tự, với các mô hình như hàng rào xanh, điện đường chiếu sáng đều được các thành viên Ban CTMT vừa “tỉ tê” vận động vừa trực tiếp tham gia thực hiện để tạo sự lan tỏa.

Theo ông Công, Hương Xuân được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hương Hòa và Hương Giang; cả 2 xã đều đã cán đích NTM từ năm 2014. Hiện, Hương Xuân đang tập trung nâng cao các tiêu chí để cán đích NTM nâng cao và hướng đến NTM kiểu mẫu. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi vai trò tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên phải thật sự hiệu quả, sâu sát, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của người dân.

Để đạt mục tiêu NTM nâng cao và kiểu mẫu, Mặt trận xã xác định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến các chỉ tiêu của NTM. Vì vậy, Ban CTMT các thôn tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân đầu tư cải tạo, chuyển đổi nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, xa khu dân cư, chú trọng công tác thâm canh áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây có hiệu quả vào trồng nhằm tăng năng suất trên diện tích đất canh tác.

“Trong xây dựng NTM, yếu tố tự giác của người dân được đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, Mặt trận xã Hương Xuân tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhằm tạo mối quan hệ gắn bó và trách nhiệm của người dân với địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra”, ông Công cho biết.

Ủy ban MTTQVN xã Hương Xuân và Ban CTMT thôn 10 là 2 trong 19 tập thể điển hình đóng góp tích cực trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 được Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng Bằng khen. (baothuathienhue.vn 23/12)

 
 
 

5.  Thứ trưởng Bùi Văn Nam thăm, chúc mừng giáng sinh Tòa Tổng Giám mục Huế

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bùi Văn Nam gửi lời chúc tốt đẹp đến Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh và các vị linh mục, tu sĩ, đại diện các giáo xứ, dòng tu của Tổng Giáo phận Huế đón mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc.

Chiều tối 21/12, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến thăm và chúc mừng Giáng sinh năm 2020 tại Tòa Tổng Giám mục Huế.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bùi Văn Nam gửi lời chúc tốt đẹp đến Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh và các vị linh mục, tu sĩ, đại diện các giáo xứ, dòng tu của Tổng Giáo phận Huế đón mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam ghi nhận, đánh giá cao và cám ơn sự đóng góp của các vị Giám mục, chức sắc, giáo dân Tổng Giáo phận Huế trong thời gian qua khi đã cùng chính quyền và nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động bác ái xã hội; đặc biệt trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, ổn định tình hình ANTT.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, thời gian qua, nhiều giáo xứ, chức sắc, chức việc Tổng Giáo phận Huế đã trở thành tấm gương sáng khi đã tích cực tham gia xây dựng các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.

Đón nhận lẵng hoa và lời chúc mừng Giáng sinh của Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh cảm ơn Thứ trưởng Bùi Văn Nam và lãnh đạo Bộ Công an khi đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2020. Đồng thời khẳng định Tổng Giáo phận Huế sẽ tiếp tục hướng dẫn đồng bào giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo để góp phần xây dựng quê hương, đất nước và giữ vững ANTT địa bàn. (cand.com.vn 22/12)

 
 
 

6.  Vinh Mỹ hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Chiều 22/12, xã Vinh Mỹ tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM của UBND tỉnh. Ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện đã đến dự, chia vui với cán bộ, nhân dân địa phương.

Với 4 tiêu chí đạt được vào tháng 9/2011, Vinh Mỹ là xã điển hình trong việc huy động nguồn lực của nhân dân để đầu tư theo cơ chế đặc thù trong quá trình xây dựng NTM.  Giai đoạn 2011 - 2020, xã đã huy động các nguồn lực được hơn 53 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 6,7 tỷ đồng.

Quá trình xây dựng NTM của Vinh Mỹ có những bước đi sáng tạo. Chẳng hạn, đối với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn đều được lồng ghép với các công trình, dự án đầu tư cụm đô thị vệ tinh của UBND huyện. Đến nay, tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt 100%; đường trục thôn đạt 90,7%, đường trục xóm được bê tông đạt 100%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 86,3%, tỷ lệ diện tích sản xuất tưới tiêu chủ động đạt 87%...

Phát biểu chúc mừng cán bộ và nhân dân xã Vinh Mỹ, Ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng, Vinh Mỹ đã có những bước đi phù hợp, cách làm sáng tạo, phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân. Song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vinh Mỹ phải xác định đây là tiền đề để tiếp tục bắt tay vào hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về NTM. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

7.  Thừa Thiên Huế: Tập huấn kỹ năng kỹ năng quản lý cho lãnh đạo nữ trong diện quy hoạch

Ngày 22/12, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho nữ lãnh đạo và nữ cán bộ trong diện quy hoạch”.

Đây là một trong những chương trình nằm trong kế hoạch bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020.

Phát biểu khai mạc khoá tập huấn, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, với sự chung tay vào cuộc của các sở, ban ngành, các hội đoàn thể, các địa phương, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đạt và vượt so với quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số chỉ tiêu khó thực hiện và khó đạt do bị vướng quá nhiều cơ chế, ràng buộc.

Một trong những nguyên nhân sâu xa trong rất nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng này chính là các chị còn thiếu tự tin về bản thân, ngại thể hiện mình.

Vì vây, hội nghị tập huấn "Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho nữ lãnh đạo và nữ cán bộ trong diện quy hoạch", với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giới là dịp để thúc đẩy bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giúp phụ nữ tự tin hơn khi tham gia vào lĩnh vực chính trị, nâng cao vị thế phụ nữ từ đó đạt được các chỉ tiêu do trung ương đề ra. (baodansinh.vn 23/12)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.  Sinh viên làm thêm: Hấp dẫn và “đau đầu”

Tìm kiếm những công việc làm thêm là một cơ hội tốt để sinh viên vừa có thể trải nghiệm và học được các kỹ năng khác bên ngoài cánh cửa đại học, đồng thời còn có thể kiếm được một khoản tiền chi tiêu và phục vụ học tập.

Làm thêm hấp dẫn sinh viên

Nếu có được công việc làm thêm, chắc chắn vấn đề kinh tế của các bạn sẽ bớt rắc rối hơn. Nhất là với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên ngoại tỉnh, xa nhà, cuối tháng thường là những ngày thiếu thốn khi bố mẹ chưa gửi tiền chi viện kịp.

Nhưng thay vì xin tiền bố mẹ hay vay nợ bạn bè,... các bạn có thể chủ động tìm kiếm công việc phù hợp để trang trải cuộc sống. Với những công việc nhẹ nhàng như bưng bê cafe, viết bài cộng tác cho các báo,... các bạn có thể kiếm được 1,5-3 triệu đồng/ 1 tháng. Còn nếu như làm các công việc tốt hơn như dạy kèm, pha chế, bán hàng online,... mỗi tháng các bạn có thể kiếm 3-5 triệu đồng là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, đi làm thêm sẽ giúp các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng và học được thêm nhiều thứ mà các bạn không ngờ đến. Đi làm thêm sẽ giúp sinh viên năng động, tự tin hơn, lại có thêm các mối quan hệ và trải nghiệm cuộc sống. Làm thêm cũng giúp sinh viên rèn dũa ý thức tự giác, tính cẩn thận, chịu khó, chăm chỉ đồng thời giúp các bạn làm quen với áp lực cũng như sự cạnh tranh. Những “chất liệu ấy” sau này sẽ giúp các bạn bớt bỡ ngỡ khi bước chân vào đời.

Kiếm việc làm thêm còn giúp các sinh viên khám phá ra thế mạnh, năng lực của bản thân. Tuổi sinh viên có lẽ là độ tuổi sáng tạo và thể hiện tốt nhất năng lực bản thân. Thông qua các việc tưởng chừng đơn giản trong làm thêm như đặt câu hỏi, lắng nghe, ứng xử với khách hàng,... sẽ cho các bạn những kinh nghiệm quý báu cũng như học được những bài học đắt giá từ những sai lầm khi làm việc.

Và những chuyện “đau đầu”

Tuy vậy, đi làm thêm lắm lúc cũng sinh ra những vấn đề đau đầu chứ không hoàn toàn chỉ là hiệu ứng tích cực.

Điều đầu tiên đó là tốn thời gian. Việc học ở trường đã chiếm trọn gần một nửa thời gian của các bạn, cho nên nếu đi làm thêm sẽ không có thời gian để sắp xếp học bài, làm việc nhóm hay tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ở trường. Vô tình sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập và các kỹ năng chuyên môn.

Chưa kể đi làm thêm sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đặc biệt là lịch làm thêm vào buổi tối kết hợp với hoạt động nhiều như trong bưng bê ở nhà hàng, quán nhậu… khiến bạn không thể đi học vào buổi sáng tiếp theo, tệ hơn sẽ tạo thói quen xấu như tắm khuya dễ gây ra đau ốm bệnh tật làm các bạn vừa nghỉ học vừa nghỉ làm trong thời gian dài.

Vậy phải làm thế nào để cân bằng, phân chia hợp lý giữa công việc làm thêm và việc học ở trường?

Đơn giản nhất là hãy chọn những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng của các bạn cũng như là giúp các bạn phát triển được thế mạnh của mình. Ví dụ như nếu bạn là một sinh viên kinh tế thì nên lựa chọn làm các công việc như bán hàng online, thu ngân,… sẽ rất phù hợp. Hay nếu bạn là một sinh viên du lịch thì cộng tác viên biên dịch là một lựa chọn tốt để các bạn phát triển ngôn ngữ đang theo học

Hoặc là lựa chọn các công việc tốn ít thời gian mà vẫn đảm bảo được thời gian rảnh rỗi của các bạn như gia sư chẳng hạn. Một tuần bạn chỉ mất đến 2-3 buổi để dạy học trong thời gian 2-3 tiếng đồng hồ, mức lương lại cao, đồng thời cũng rèn luyện các kỹ năng, củng cố kiến thức rất phù hợp với sinh viên sư phạm và y dược.

Cuối cùng là hãy cân nhắc và xem xét thật kỹ lịch trình học tập của mình sao cho phù hợp. Đặc biệt hãy để ý đến các vấn đề thời gian, ca làm, lương,... để không ảnh hưởng đến vệc học và các quyền lợi cá nhân chính đáng của bạn (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  “Đóng băng” hương mùa hè của Huế

Những ngày thơ, nhiều lần tôi giả bộ làm “cụ non” thử hớp ly trà trên bàn của ông nội rồi “chiêm chiếp, khà khà” ra vẻ “sành” trà lắm, nhưng không giấu được nét cau mày vì vị đắng và chát của trà.

Ấy là sở thích của ông, trà ngâm phải thật lâu, thật đắng mới là trà ngon. Ba thì khác, yêu hương yêu hoa, mỗi mùa sen về ba lại dạo phố mua vài bông hoa sen, ủ trà vào bên trong rồi cẩn thận lấy lá sen bọc lại, thêm sợi lạt buộc cho cánh hoa khỏi bung ra. Xong đâu đó, ba cắm những bông hoa đã ủ trà vào một chiếc bình rồi đặt ngay ngắn ở giữa bàn. Những búp sen mơn mởn cứ thế âm thầm ngậm trà, ôm ấp, “nhả” hương và hòa quyện với trà làm một.

Ba bảo rằng, mùa sen xứ Huế chỉ có một lần mỗi năm, nhưng có một mùa mang hương sen khác lại lưu hương vấn vít quanh năm, chính là mùa trà sen xứ Huế. Sau này tôi mới nhận ra, cái thú thưởng thức ấm trà nghi ngút khói trong hương sen toả lên thoang thoảng khiến mùa đông Cố đô trở nên trầm ấm hơn bao giờ hết.

Trà sen Huế có hai loại là trà sen ướp xổi (còn gọi là trà sen tươi) và trà sen gạo (hay trà sen khô). Dân Huế “sành” trà chuộng sử dụng các giống sen Huế bản địa, vốn có nguồn gốc lâu đời để làm trà sen. Trong đó, hoa sen Huế giống cổ có phẩm vị đặc biệt, chúng không nồng nàn như hoa sen của các vùng miền khác mà thơm dịu dàng, thanh khiết nhưng bền hương, lắng đọng được yêu thích để làm trà hơn cả. Điều đặc biệt, dù cùng một loại sen, nhưng chỉ riêng sen trồng trong khu vực hoàng thành Huế mới đem lại những phẩm vị đặc trưng và riêng biệt nhất.

Trà sen ướp xổi dùng phương pháp ướp trà sen truyền thống là ủ trà trong bông sen tươi và hoa sen phải được hái trước bình minh, khi chưa kịp có ánh nắng đầu ngày chạm vào những cánh hoa mới giữ được hương thơm nguyên bản, thanh khiết. Hoặc vào buổi tối hôm trước, người ta “lén” giấu trà trong bông sen đang độ hàm tiếu, để đến sáng hôm sau ung dung quay lại “thu hoạch” một ấm trà sen ngát hương, đậm vị. Cầu kỳ hơn, có người còn kỹ tính hứng những giọt sương trong ngần, đọng trên lá sen vào sáng tinh mơ để dùng nước hãm trà. Từng lá trà được thấm đẫm hương hoa, hòa quyện cùng những giọt sương - tinh hoa của đất trời đọng lại tạo nên vị trà mềm mượt, hương thơm âm thầm lan tỏa, uống một ly lại muốn thêm một ly nữa. Mỗi người có một cách ướp hương, pha trà khác nhau nhưng đa số ai cũng ướp trà trong một mùa hè rồi trữ đông để dùng cho cả những mùa sau.

Với trà sen gạo, “nhân tố” chính “dệt” nên mùi hương chính là những hạt gạo sen (hay còn được gọi là túi hương) màu trắng ngà nằm trên sợi chỉ vàng óng ánh của bông hoa sen. Chúng có dáng nhỏ bé, chỉ lớn hơn đầu tăm tí xiu, nhưng hình hài múp míp, đáng yêu, được xem là “linh hồn” chứa đựng hương thơm thanh khiết, tao nhã của hoa sen.

Người làm trà gạo sen phải giữ cho mình một tâm hồn thanh tịnh, an nhiên, cơ thể có mùi hương tự nhiên, không được lẩn khuất vào đó mùi của nước hoa, xà phòng hay sữa tắm, cũng không được dùng các loại quạt gió để tránh làm lẫn mùi hay mất mùi hương sen. Ướp trà sen gạo được xem là “nghề chơi cũng lắm công phu” bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn. Cứ một lớp trà sẽ thêm một lượt gạo sen, ấp ủ, sàng sấy rồi lại ướp. Quy trình đó lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi trà và hương quyện vị, hòa lẫn vào nhau.

Nếu trà sen xổi thường không đi được xa, hoặc có thể gửi đường dài bằng những thùng xốp có trữ đá khô giữ lạnh thì trà sen gạo tiện dụng hơn, được bảo quản như những loại trà khô thông thường, có thể gửi đi cả nước ngoài. Dù là trà sen tươi hay trà sen khô thì điểm chung là đã thành công trong việc “đóng băng” hương sen, gói ghém cả hương mùa hè tinh khiết của Huế vào trong những bông sen hay túi trà nhỏ.

Trà sen xứ Huế cũng dịu dàng, e ấp như người thiếu nữ Huế tuổi xuân thì. Khi thưởng thức chén trà, hương sen không vội vàng xộc vào mũi mà lẩn khuất trong vị trà, càng nhấp môi nếm trà, hương sen càng len lỏi, âm thầm toả và lưu hương trong khoang miệng khiến bao trà khách say mê, lưu luyến. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

2.  Cách nấu bún bò chuẩn Huế cho bữa sáng

Bún bò Huế là món ăn có nhiều giá trị dinh dưỡng, và tốt cho sức khỏe. Dưới đây là công thức làm món bún bò Huế ngon và mang đậm hương vị Huế ngay tại ngôi nhà của mình.

Nguyên liệu

Bắp bò: 500gam, Gân bò: 3 lạng

Móng giò: 1 chiếc (chọn giò trước)

Xương ống (lợn hoặc bò): 500gam.

Mắm ruốc Huế

Gia vị: sả, gừng, hành tím khô, tỏi, ớt bột, bột nêm, đường, dầu điều.

Bún: 400 gam

Rau sống (rau ngổ, rau mùi, rau giá, hành tươi, hoa chuối thái)

Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm giò lụa, chả thịt, chả cua, tiết lợn...

Cách làm

Bước 1:Sả, gừng rửa sạch, đập dập. Giò heo lóc xương. Phần bắp heo cuộn lại, dùng chỉ hoặc sợi lát buộc chắc.

Cuộn tròn tấm thịt nạm bò cho chắc tay, buộc chắc lại. Bắp bò cũng dùng dây bó cho chặt (Việc bó thịt lại giúp thịt khi nấu chín ít bị co lại). Sả, gừng rửa sạch, đập dập.

Bước 2: Bắc nồi nước sôi cho xương và bắp bò, nạm bò, gân bò, giò heo vào trần qua. Sau đó cắt gân thành miếng vừa ăn. Pha 3 thìa canh mắm ruốc Huế với ½ chén nước, rồi quấy đều.

Bước 3:Ướp thịt

Ướp tất cả thịt với 2 thìa canh đường, 1 thìa canh muối, ½ thìa canh bột ngọt, 1 thìa canh mắm ruốt (đã pha loãng), 2 thìa canh hành tím băm, 2 thìa canh tỏi băm, 2 thìa canh sả băm.

Bước 4:Hầm thịt và xương: Lót 3 cây sả và ½ lượng gừng ở đáy nối áp suất, cho xương heo và thịt giò heo vào, cho nước sâm sấp mặt thịt, đậy kín nắp, đun sôi (nghe tiếng reo) thì hạ nhỏ lửa đun thêm 5 phút. Vớt bắp giò heo ra thau nước lạnh (làm như thế thịt sẽ chắc, không bị bở).

Lại lót phần sả và gừng còn lại ở đáy nồi áp suất, cho thịt bắp bò, nạm bò và gân bò vào, cho nước sâm sấp mặt thịt. Sau đó đậy kín nắp, đun sôi (nghe tiếng reo) thì hạ nhỏ lửa đun thêm 20 phút là được. Khi đó, chúng ta vớt bắp bò và nạm bò vào thau nước lạnh cho thịt được chắc.

 Bước 5:Nấu nước dùng

Phần nước hầm thịt bò và nước hầm xương đổ chung vào 1 nồi, sau đó thêm nước lạnh cho vừa 5 lít nước.

Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, nêm gia vị: 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng café bột ngọt, chén mắm ruốt Huế đã pha loãng. Nếm thử và điều chỉnh gia vị cho vừa khẩu vị.

*Lưu ý:Để nước dùng thơm và có màu đẹp:Làm nóng 2 muỗng canh dầu, phi thơm 1,5 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm. Khi sả và tỏi săn lại, thơm thì cho 2-3 muỗng canh dầu màu điều vào và tắt bếp.

Bây giờ chỉ cần đổ hỗn hợp này vào nồi nước xương ninh là được.

Bước 6:Trình bày:

Chuẩn bị rau mùi: Cắt nhuyễn ít rau răm, hành, ngò và cắt lát mỏng hành tây.

Thịt lợn cắt lát mòng, bún trần qua nước sôi để tạo độ mềm cho sợi bún.

Xếp thịt, gân, chả, rắc ít rau mùi, chan nước dùng. Dọn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá, rau thơm, chanh ớt. (doanhnghiepvn.vn 22/12)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Xóa điểm trường lẻ, xóa nỗi nhọc nhằn

Không chỉ tạo điều kiện cho công tác quản lý, việc xóa được nhiều điểm trường lẻ ở Phú Lộc còn thuận lợi trong thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ghi nhận từ Lộc Thủy

Đầu tháng 12, chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường lẻ Nam Phước của Trường mầm non Lộc Thủy (Phú Lộc). Điểm trường nằm chơ vơ ở khu vực khá vắng vẻ và quạnh hiu, nhìn ra một cánh đồng làng. Trên vách tường, chúng tôi cũng nhìn rõ dấu vết còn lại của những ngày ngập lụt vừa qua. Cách nay không lâu, nơi đây là cơ sở học tập của các cháu mầm non. Song, do ở xa trung tâm, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn và dễ bị úng ngập, khó có thể đảm bảo an toàn cho cô trò nên điểm lẻ này của Trường mầm non Lộc Thủy đã được xóa bỏ và trở thành nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn.

Trường mầm non Lộc Thủy có 17 lớp học, nhưng có đến 13 điểm trường. Năm 2019, nhà trường quyết định gom toàn bộ về điểm trường trung tâm ở thôn An Bàng. Tại đây, trên diện tích mặt bằng rộng cả ngàn mét vuông, xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ sân chơi đến phòng học, phòng sinh hoạt. Cô giáo Hà Thị Chinh, nguyên hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù có nhiều nơi xa trường nhưng do kinh tế bắt đầu khá giả, đa số phụ huynh đều chú ý chăm sóc con cái và dùng xe máy đưa đón con tới trường nên chuyện đi lại và bảo đảm an toàn cho học sinh không còn là đáng lo.

Xã Lộc Thủy có 9 thôn, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối nên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở, trường nào cũng có điểm trường lẻ các thôn, có thôn có đến 3 cơ sở của một trường học. Thực hiện chủ trương của ngành, các trường đều cố gắng xóa các điểm học lẻ. Trước năm 2004, Trường tiểu học Nước Ngọt 1 (xã Lộc Thủy) có 5 điểm trường. Ngoài cơ sở trung tâm ở thôn An Bàng còn có các điểm lẻ ở thôn Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, Thủy Cam và Nam Phước. Mỗi điểm lẻ chỉ có từ 1 - 3 lớp và như điểm lẻ ở Thủy Cam, cách trường chính đến 5 cây số. Năm 2017, Trường tiểu học Nước Ngọt 1 nhập điểm lẻ Thủy Yên Thượng và năm 2018 nhập Nam Phước Tượng và còn lại 3 điểm trường. Xã Lộc Thủy còn có Trường tiểu học Nước Ngọt 2 và Trường mầm non Hoa Khôi cũng có nhiều điểm trường và đã từng bước giảm dần trong những năm qua.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nước Ngọt 1 chia sẻ, khi còn nhiều điểm trường, điều kiện học tập không đảm bảo, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc sáp nhập điểm lẻ vào trường đã tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng học tập, đặc biệt là những bộ môn đặc thù như tin học, âm nhạc… Trường tiểu học Nước Ngọt 1 hiện nằm trong top 5 bậc tiểu học của huyện Phú Lộc, có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Mục tiêu đến năm 2025

Thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương, huyện Phú Lộc xây dựng đề án sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ để tập trung đầu mối nhằm thuận tiện trong việc quản lý điều hành và góp phần nâng cao chất lượng dạy - học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Năm 2014, toàn huyện 210 điểm trường, đến cuối năm 2020 giảm xuất còn 141 điểm trường, phấn đấu đến năm 2025, xuống còn 115 điểm trường. Tiêu biểu như Trường mầm non Đại Thành (xã Lộc An) từ 8 điểm trường giảm xuống còn 2 điểm trường, Trường tiểu học và trung học cơ sở Lộc Bình từ 5 cơ sở xuống còn 3 điểm trường. Số trường học trong toàn huyện, do thế, cũng giảm từ 69 trường (năm 2014) xuống 63 trường (năm 2020) và 55 trường vào năm 2025.

Tính đến tháng 11/2020, toàn huyện Phú Lộc có 32/67 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 47,8. Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc, trong điều kiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt thấp, giảm 20,7% so với chỉ tiêu nghị quyết của huyện đề ra, kết quả đạt được trong giảm các điểm trường là điểm sáng, đáng được ghi nhận của huyện Phú Lộc. Việc giảm các điểm trường diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ, tạo dư luận tốt trong Nhân dân. Sau khi sáp nhập, nhà trường tập trung công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí chuyên môn, tăng cường hoạt động trao đổi, dự giờ, thăm lớp...

Cũng vì vậy, chất lượng giáo dục nâng lên. Học sinh các điểm lẻ đã hòa nhập tốt ở môi trường giáo dục mới.

Có dịp tìm hiểu và đi về nhiều địa phương ở huyện Phú Lộc, chúng tôi nhận thấy vấn đề đặt ra ở những điểm trường lẻ là cần có cái nhìn tổng quát về việc xoá ghép những nơi không còn phù hợp về điểm trường trung tâm. Việc xoá bỏ các điểm trường lẻ phải có lộ trình phù hợp, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của người dân địa phương một cách tốt nhất. Xóa điểm trường lẻ là xóa nỗi nhọc nhằn, không phải để đường đến trường của các em càng xa trong khi điều kiện học tập và giảng dạy không được cải thiện. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Phòng chống thiên tai gắn xây dựng nông thôn mới

Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới” vừa diễn ra tại TP Huế.

Theo Cục Ứng phó và Khắc phục thiên tai – Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), những năm qua, do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, Việt Nam là nước đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai. Đặc biệt, năm 2020 thiên tai đã diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền trên cả nước. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, làm 342 người chết, mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.

Tính đến tháng 11/2020, cả nước có 9.973/10.572 xã thành lập Đội xung kích PCTT với khoảng 735 ngàn người (chiếm 94%). Tại Thừa Thiên - Huế, 145/145 xã đã thành lập Đội xung kích PCTT, 1 đội xung kích PCTT cấp tỉnh, 2 đội cấp huyện và 2 đội các nhà máy thủy điện.

Tuy một số địa phương lực lượng vẫn còn mỏng, kiến thức kĩ năng PCTT còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu thốn, xuống cấp; hoạt động chưa đồng đều, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhưng nhìn chung đội xung kích PCTT xã đã phát huy được vai trò lực lượng tại chỗ tham gia xử lý giờ đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả. Đặc biệt, trong những đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 vừa qua ở miền Trung, cho thấy phương châm "4 tại chỗ", mà lực lượng xung kích PCTT cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS, Đội trưởng Đội xung kích PCTT xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, do đó, xã Hòa Nhơn đã được Ban chỉ huy Trung ương về PCTT, Văn phòng Điều phối NTM TP Đà Nẵng chọn xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo an toàn điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định phòng chống thiên tai tại chỗ” theo quyết định số 5086 của Bộ NN-PTNT.

Những năm qua, Đội xung kích của xã Hòa Nhơn đã phát huy tốt vai trò xung kích đi đầu trong thực hiện PCTT, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, góp phần vào sự đảm bảo an toàn, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế địa phương. Từ đó, cho thấy hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ nhân dân, lực lượng xung kích giúp dân trong bão lũ, âm thầm tuần tra, chốt chặn trong mưa gió đã không còn xa lạ với người dân địa phương.

Xây dựng NTM gắn với phòng chống thiên tai

Hội nghị cũng đã đề cập nhiều nội dung cơ bản của công tác phòng chống thiên tai trong xây dựng NTM; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích PCTT. Đặc biệt, việc dựng NTM và định hướng xây dựng NTM bền vững chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025; dự thảo sửa đổi bổ sung tiêu chí 3.2 vào Bộ tiêu chí xây dựng NTM.

Theo TS Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng - Chánh văn Phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, bên cạnh nhưng thành quả đã đạt được thì công tác xây dựng NTM gắn PCTT thời gian qua còn gặp một số hạn chế, quy hoạch kế hoạch chưa gắn với công tác PCTT nên thiếu bền vững, bị thiệt hại nặng nề; bệnh chạy theo thành tích, nhiều phong trào NTM có chiều hướng giảm; một số tiêu chí cơ bản như thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa đạt còn thấp…

TS Tăng Minh Lộc nêu một số giải pháp nhằm nâng cao chất công tác PCTT trong xây dựng NTM cho giai đoạn tới, cụ thể: Phải lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai. Rà soát bổ sung các công trình xây dựng, chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng. Có những giải pháp phát triển nâng cao và đổi mới sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thuận thiên. Đồng thời, cần phải bổ sung nội dung chủ động về PCTT vào tiêu chí NTM cấp xã nâng cao, kiểu mẫu.

Tính đến nay, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM là Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. (nongnghiep.vn 22/12)

 
 
Y TẾ
 

1.  Thừa Thiên Huế dẫn đầu Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19

Theo dữ liệu cập nhật trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (antoancovid.vn), Thừa Thiên Huế được xếp đầu danh sách các địa phương trong cả nước về mức độ an toàn trong thời gian từ 22/11/2020-22/12/2020; trong đó, mức độ an toàn đạt 95,29%.

Bến Tre, Hòa Bình và Điện Biên là 3 địa phương có mức độ an toàn xếp kế tiếp. Theo kết quả xếp loại của bản đồ trong khoảng thời gian này, cả nước có 10 tỉnh, thành mức độ rủi ro với COVID-19 và 53 tỉnh, thành phố có mức độ không an toàn.

Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 được xây dựng để đảm bảo chung sống an toàn với dịch COVID-19 tại các địa điểm công cộng, gồm: trường học, bệnh viện, khách sạn... Bản đồ cung cấp thông tin công khai được cập nhật liên tục hàng ngày từ các địa điểm công cộng này. Bộ đánh giá đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tạo thói quen và hành động cụ thể hàng ngày về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho từng cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Runner yêu thích vẻ đẹp huy chương VnExpress Marathon Huế

Nhiều runner khen thiết kế huy chương VnExpress Marathon Huế độc đáo, sáng tạo, góp phần quảng bá du lịch cố đô.

Sau năm ngày công bố huy chương dành cho vận động viên về đích bốn cự ly, ban tổ chức nhận được nhiều phản hồi tích cực của người yêu chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung. Nhiều chuyên trang chia sẻ bài viết "Vẻ đẹp cố đô trên huy chương VnExpress Marathon Huế", trong đó có website Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế - nơi gắn bó với nhiều học sinh, sinh viên cố đô.

Trên các diễn đàn marathon và du lịch, hầu hết runner lẫn du khách đánh giá thiết kế huy chương VnExpress Marathon Huế sáng tạo, đậm chất Huế, độc đáo nhất mà họ từng thấy. Nhiều runner nói hào hứng hơn và sẽ nỗ lực để có thể mang vật kỷ niệm bắt mắt này về nhà.

Chùa Thiên Mụ nổi bật chính giữa huy chương là điểm tham quan quen thuộc của du khách khi đến Huế. Công trình nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, khởi lập năm Tân Sửu (1601). Nổi bật nhất là tháp Phước Duyên với chiều cao 21 m, gồm 7 tầng, mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Hiện chùa lưu giữ những cổ vật vua chúa Nguyễn để lại như: tượng Phật bằng đồng, Hoành phi sơn son thiếp vàng, cỗ xe của "bồ tát" Thích Quảng Đức... Ảnh: Ngọc Thành.

Runner Cao Tường Vy nhận xét: "Huy chương quá xuất sắc. Cảm thấy đúng đắn vì đã quyết định chạy ở phút chót. "Thiết kế rất ý nghĩa, in nổi ba địa danh biểu tượng Huế, góp phần quảng bá vẻ đẹp cố đô đến người dân cả nước", Facebooker Ngọc Trân nói.

Huy chương mang dáng chiếc quạt xòe, dài 100 mm, rộng 65 mm và dày 4,5 mm, chế tác từ chất liệu kẽm bền chắc. Thiết kế lấy ý tưởng từ điệu Vũ phiến (múa quạt), thường xuất hiện trong các bữa tiệc quan trọng của cung đình Huế. Nan quạt thanh mảnh bên ngoài, to bản ở giữa, nổi lên hình ảnh Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ và trường Quốc học. Ban tổ chức chọn màu vàng đồng hoài cổ để phù hợp với cung đường chạy qua nhiều địa danh trăm năm tuổi, di sản.

THPT Quốc Học Huế nằm bên phải huy chương. Trường tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng, được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (1896), với diện tích 4.237 m2. Đây là trường Pháp - Việt của toàn xứ Đông Dương và trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế. Nhiều thế hệ học trò tài giỏi như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập... từng theo học tại đây. Ảnh: Ngọc Thành.

Về đích VnExpress Marathon Huế 2020, vận động viên sẽ nhận huy chương giống nhau, chỉ khác màu dây. Runner 5 km nhận huy chương dây đỏ; 10 km dây xanh tím than; 21 km là xanh nước biển; 42 km xanh lá cây. Đội Crew sẽ nhận huy chương kèm dây màu tím.

Bên cạnh đó, nhiều vận động viên đánh giá cao áo dành cho runner, gam xanh lá tượng trưng cho thiên nhiên và môi trường xanh sạch. "Ở một cuộc thi thể thao, sức khỏe VĐV được đặt lên hàng đầu, ban tổ chức tinh tế khi chọn sắc áo này, mang ý nghĩa an toàn, phát triển và trí tuệ", Ngọc Hà - runner 9x Huế - nói.

Áo finisher có màu xanh dương chủ đạo, dành cho hai cự ly đầy tính thách thức 21 km và 42 km. Theo các runner, ý chí, sự vững tin, hy vọng vào khởi đầu mới là phần ý nghĩa nhất, sắc xanh dương đã thể hiện được điều ấy. Dòng chữ "Con đường hương sắc" in phía sau áo gợi hình ảnh những cung đường rợp bóng cây.

VnExpress Marathon Huế 2020 gồm 4 cự ly gồm 5 km, 10 km, 21 km và 42 km. Điểm xuất phát và về đích cả bốn cự ly ở đường Lê Duẩn - giữa Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình - hai công trình của triều Nguyễn in trên tờ 50.000 đồng.

Hàng nghìn runner chạy qua nhiều di tích, lăng tẩm và những cung đường rợp bóng cây xanh như: chùa Thiên Mụ, Đại nội, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền, trường THPT Quốc Học Huế và Hai Bà Trưng... VĐV và gia đình cũng có thể kết hợp tham quan, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đất cố đô. Runner có thể theo dõi cung đường đã công bố để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Giải chạy do VnExpress phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, với mong muốn mở ra sân chơi lành mạnh cho người yêu thể thao, nhất là chạy bộ. Độc giả có thể cập nhật nhanh các thông tin về giải chạy qua Fanpage VnExpress Marathon Huế. Đồng hành giải là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).(vnexpress.net 23/12)

 
 
 

2.  Đội mưa rét cổ vũ đua ghe trên sông Hương

Sáng 22/12, bất chấp mưa rét, rất đông người dân đã có mặt hai bên bờ sông Hương để cổ vũ cho giải đua ghe truyền thống tỉnh lần thứ 32 - 2020.

Quy tụ gần 300 VĐV nam, nữ đến từ 8 đơn vị: Hương Sơ, An Đông (TP. Huế); Giáp Trung, Triều Sơn Trung (TX. Hương Trà); Phú Mậu (Phú Vang); Thủy Vân (TX .Hương Thủy); Quảng Thành (Quảng Điền) và Phú Lộc, tại giải, các bạn bơi tham gia 10 lượt đua, tranh các giải: cúng, phá và giải tiền.

Sau một ngày đua tài gay cấn, hấp dẫn, với thực lực vượt trội, kết quả, đội Triều Sơn Trung (TX. Hương Trà) giành tam thắng nữ, đồng thời chiếm luôn ngôi nhất toàn đoàn. Hai vị ví nhì, ba lần lượt thuộc về Phú Lộc và Phú Mậu (Phú Vang).

Bên cạnh tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, giải đua ghe truyền thống tỉnh còn nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá - thể thao của các địa phương. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Khu chứng tích Lao Thừa Phủ mở cửa đón khách sau trùng tu

Sáng 22-12, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khánh thành trùng tu tôn tạo, chính thức mở cửa đón khách tham quan ở khu chứng tích lao Thừa Phủ (đường Lê Lai, TP Huế).

Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thủy Sư (nơi ở của đơn vị Thủy binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nhà giam và cái tên lao Thừa Phủ ra đời từ đó.

Ban đầu lao Thừa Phủ có quy mô khá nhỏ. Về sau thực dân Pháp rồi Mỹ tiếp tục mở rộng dần, xây dựng thêm nhiều dãy nhà giam khác nhau cùng hệ thống hàng rào bảo vệ và chòi canh nhằm ngăn chặn ý định vượt ngục của tù nhân.

Cách mạng tháng Tám thành công ở Thừa Thiên - Huế, lao Thừa Phủ bị đập phá, chỉ giữ lại một số buồng giam để giam các thành phần phản cách mạng thân Nhật. Sau khi chiếm lại Huế, quân Pháp đã xây dựng lại hệ thống nhà lao này.

Đến năm 1954, chính quyền Ngô Đình Cẩn ở Huế đã cải tạo, xây mới nhà biệt giam, hầm tối, chuồng cọp để làm nơi giam giữ những đảng viên Cộng sản và những người yêu nước.

Bà Võ Thị Bưởi, một cựu tù nhân tại lao Thừa Phủ, nhớ lại bà bị lính Mỹ bắt khi đang trên đường làm nhiệm vụ giao liên vào năm 1968. Khi đó bà Bưởi mới 15 tuổi và bị giam cầm ở đây trong 2 năm.

"Nhiều phong trào đấu tranh chống lại Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nổ ra trong nhà lao này. Để đàn áp, ngoài tra tấn đánh đập thì quản giáo nhà lao còn có nhiều chiêu trò như không cấp nước sinh hoạt cho tù nhân..." - bà Bưởi kể.

Ông Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án bảo tồn, tôn tạo khu chứng tích lao Thừa Phủ đã bảo tồn nguyên trạng các hạng mục còn giữ lại như tháp canh, nhà 2 tầng được xây dưới thời chính quyền Sài Gòn (nơi trưng bày bổ sung chứng tích lao Thừa Phủ); lô cốt, hệ thống tường rào cũ, phục hồi nguyên trạng nhà giam đồng chí Tố Hữu và cổng lao Thừa Phủ; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ…

Tổng kinh phí bảo tồn khoảng 2,3 tỉ đồng. (dulich.tuoitre.vn 22/12)

 
 
 

2.  Khánh thành Khu chứng tích lao Thừa Phủ

Sáng 22/12, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức lễ khánh thành công trình bảo tồn và phát huy Khu chứng tích lao Thừa Phủ. Đến dự có các ông: Hoàng Khánh Hùng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Công trình bảo tồn và phát huy Khu chứng tích lao Thừa Phủ được Bảo tàng Lịch sử tỉnh tiến hành trong thời gian qua gồm các hạng mục: Cải tạo tháp canh ở phía Tây - Nam; cải tạo nhà giam thời Mỹ, lô cốt; phục hồi nguyên trạng nhà giam đồng chí Tố Hữu từ vị trí cũ nằm trong khu quy hoạch Bệnh viện Quốc tế ra khu vực bảo tồn; phục hồi nguyên trạng hai cổng lao Thừa Phủ; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ phục vụ khách du lịch và các hạng mục phụ trợ.

Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử sẽ xây dựng đề cương trưng bày thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm tái hiện lại không gian lao Thừa Phủ với tinh thần anh dũng, chí khí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, khơi dậy niềm tự hào trong các thế hệ.

Lao Thừa Phủ tồn tại đến nay hơn 100 năm. Tại đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, những đảng viên Cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước. Việc bảo tồn Khu chứng tích lao Thừa Phủ là việc làm có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử và nhân văn sâu sắc; thể hiện sự tri ân, tôn vinh công lao to lớn của những chiến sĩ cách mạng trung kiên và đồng bào yêu nước. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

3.  Thành phố Huế về đêm

18h hàng ngày, công trình Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu nằm trước Kinh thành Huế được thắp sáng. Hệ thống đèn Led khiến hai công trình trở nên lung linh, huyền ảo bên sông dòng sông Hương. Đây là hai công trình được in trên tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng.

Tuyến đường Lê Duẩn nằm giữa Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình huyền ảo trong đêm. Đây là cung đường xuất phát và về đích giải VnExpress Marathon Huế ngày 27/12 với gần 5.000 runner tham gia.

Dưới ánh đèn đường, những công trình di tích lịch sử với mật độ dày đặc khiến đường phố ở Huế có màu sắc cổ kính, huyền ảo đặc trưng không tìm thấy ở nhiều nơi khác.

Kỳ Đài trước Đại nội Huế là công trình xây dựng vào năm 1807 cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Hai năm trước, Kỳ Đài được lắp đặt hệ thống đèn Led chiếu sáng mới. Dịp cuối tuần, Trung tâm Bảo tồn Di tích tổ chức bắn súng thần công phun lửa thu hút nhiều người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Cầu Trường Tiền bắc qua dòng sông Hương rực sáng giữa màn đêm bởi hệ thống đèn Led hơn 10 tỷ đồng. Cầu được xây dựng dưới thời vua Thành Thái và mang nhiều tên khác nhau trước khi được gọi là Trường Tiền.

Với người Huế, màu tím của cầu Trường Tiền đã trở thành một màu đặc trưng. Nhiều du khách và người dân đến Huế đều mong muốn thấy cầu Trường Tiền rực sáng khi lên đèn, đặc biệt là màu tím biếc.

Bên cạnh màu sắc cổ kính, đêm Huế ngày càng trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của những hoạt động mới. Khu phố Tây nằm trên các tuyến đường Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão hoạt động đến 2h sáng, là nơi nhiều người tìm đến ăn uống, vui chơi.

Về khuya, nhiều hàng quán ăn vặt cũng bắt đầu hoạt động kinh doanh trên vỉa hè gần khu vực cầu Trường Tiền. Ngoài vui chơi phố Tây, người dân địa phương tìm đến đây thưởng thức khoai nướng, các loại ốc, chè Huế.

Lang thang đường phố Huế về đêm thưởng thức các món ăn đường phố như chè, bắp nướng, cơm hến cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.

Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở bờ nam sông Hương là nơi nhiều nhóm nhạc cũng hay tổ chức ca hát tạo nên bầu không khí rất vui nhộn.

Tham gia giải VnExpress Marathon Huế ngày 27/12, runner và người thân có thể trải nghiệm cuộc sống Huế về đêm. Ngoài việc ngắm các công trình kiến trúc nổi tiếng, vận động viên và người thân có thể vui chơi ở phố Tây, ngồi ở các công viên, vỉa hè thưởng thức các món ăn vỉa hè mang đậm dấu ấn ẩm thực của mảnh đất cố đô. (Ảnh vnexpress.net 21/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới

Xác định xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong tình hình mới, Ban CHQS huyện Phong Điền đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự tại địa phương.

Phong Điền là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ, vì vậy, bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc được xác định là nhiệm vụ nòng cốt để xây dựng các tiềm lực về chính trị, kinh tế.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy, Ban CHQS huyện xác định là khâu then chốt để đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đó là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ngay từ đầu năm, công tác huấn luyện đã được các cơ quan, đơn vị triển khai một cách nghiêm túc. Bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả” huấn luyện sát thực tế chiến đấu và địa bàn tác chiến tại địa phương, Ban CHQS huyện đã thường xuyên bám nắm, chỉ đạo các công tác huấn luyện một cách chặt chẽ, nhất là công tác huấn luyện của lực lượng dân quân. Để công tác huấn luyện đạt hiệu quả, chất lượng, Ban CHQS huyện đã chia ra làm 6 cụm huấn luyện mỗi cụm từ 2 đến 3 xã, triển khai cho các cán bộ, giáo viên huấn luyện của huyện theo dõi nếu cụm nào huấn luyện chưa đạt yêu cầu sẽ tập trung chỉnh sửa và thống nhất phương pháp huấn luyện để nâng cao chất lượng huấn luyện cho từng đối tượng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện cho biết: Nét mới trong công tác huấn luyện dân quân tự vệ năm 2020, Ban CHQS huyện đã lấy một cụm để huấn luyện điểm sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế cho các cụm huấn luyện sau. Do đó, kết quả huấn luyện đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Để đánh giá kết quả huấn luyện của các cụm một cách khách quan, Ban CHQS huyện tiến hành cho giám sát chéo, theo dõi kết quả kiểm tra bắn súng rất chặt chẽ, tạo được sự thi đua mạnh mẽ trong suốt quá trình huấn luyện. Do đó, kết quả huấn luyện cũng không ngừng được nâng lên. Qua kiểm tra 100% đạt yêu cầu; trong đó có 78% khá, giỏi, quá trình huấn luyện bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, VKTB và an toàn giao thông.

Là lực lượng đóng vai trò nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ đột xuất tại địa phương, trong thời gian qua, lực lượng vũ trang huyện đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ vừa tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 vừa giúp địa phương và người dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ. Trong những đợt bão lũ vừa qua, đơn vị đã phối hợp với các lượng lượng huy động hơn 160 cán bộ, chiến sĩ với hơn 800 ngày công giúp Nhân dân 2 xã Điền Môn và Phong Chương thu hoạch hơn 23ha lúa bị ngập úng và huy động trên 600 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp Nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão lũ, đã được người dân và cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Với sự tham mưu kịp thời và nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang huyện đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng KVPT huyện ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

2.  Lừa đưa người đi du học, chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng

Dưới cái mác giám đốc một chi nhánh chuyên về du học, đối tượng đã hứa hẹn làm thủ tục cho nhiều người đi du học tại Canada và lấy của các nạn nhân gần 2 tỉ đồng rồi lẩn trốn.

Ngày 22/12, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa bắt được đối tượng truy nã Hồ Xuân Ân (SN 1980, trú số 76 Lê Văn Hưu, phường Thuận Thành, TP. Huế) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ân bị bắt khi đang lẩn trốn tại khu vực nhà trọ thuộc Quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) vào ngày 16/12, và bị áp giải về Công an tỉnh Quảng Bình để phục vụ công tác điều tra.

Theo đó, từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2019, Hồ Xuân Ân là giám đốc Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (Công ty TNHH du học du lịch Âu Mỹ Úc) hứa hẹn hướng dẫn làm thủ tục, đưa người đi du học tại Canada thông qua một người môi giới là bà Hoàng Thị Sữu để nhận tiền.

Đối tượng Ân đã chiếm đoạt tiền của 15 bị hại, mỗi trường hợp từ 90 triệu đến 210 triệu, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Nạn nhân chủ yếu là ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình). (tienphong.vn 22/12)

 
 
 

3.  Để tiền trong cốp xe, bị kẻ gian lấy hơn 106 triệu đồng

Chiều 22/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Văn Cường (sinh năm 1997) trú tại xã Phong Hải (Phong Điền) về hành vi trộm cắp tài sản.

Trước đó, chị Trần Thị Thanh X. (sinh năm 1986), trú tại Vinh Hiền (Phú Lộc) điều khiển xe SH đến shop áo quần 131 đường Bà Triệu (TP. Huế) để mua sắm, bên trong cốp xe có hơn 106 triệu đồng. 

Khi ra về thì chị X. phát hiện mất tài sản trong cốp xe nên trình báo công an. Nhận được tin báo, Công an TP. Huế nhanh chóng truy xét và làm rõ Trương Văn Cường chính là đối tượng gây ra vụ trộm cắp tài sản nói trên.

Tại cơ quan công an, Cường khai nhận, phát hiện chị X. để tiền sơ hở trong cốp xe nên ra tay lấy trộm.

Được biết, Cường đã từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản. (baothuathienhue.vn 22/12, antt.nguoiduatin.vn 22/12)

 
 
DOANH NGHIỆP
 

1.  Thừa Thiên Huế: Hơn 25 tỷ đồng thực hiện giảm tiền điện đợt 2 cho khách hàng

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC TTH) cho biết, thực hiện đợt 2 giảm giá điện và giảm tiền điện, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 277.800 khách hàng, tương đương với số tiền được giảm là 25,5 tỷ đồng.

Trong đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là 21 tỷ đồng, khu lưu trú du lịch là 3 tỷ đồng, khách hàng bán buôn nông thôn là 1,5 tỷ đồng và các cơ sở cách ly, chữa bệnh, y tế gần 300 triệu đồng.

Theo đó, giảm giá điện và giảm tiền điện cho khách hàng được thực hiện trong ba tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 2020.

Các đối tượng khách hàng được giảm bao gồm: Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 theo quy định.

Khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan) và khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông: giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Giảm tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN và các đơn vị bán lẻ điện. Không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cách ly y tế tập trung có thu phí.

Mức hỗ trợ giảm tiền điện như sau:Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bênh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

Đối với nhóm khách hàng là đơn vị bán lẻ điện nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại – dịch vụ - sinh hoạt, thực hiện hoàn trả tiền điện tương ứng với số tiền các đơn vị này hỗ trợ các khách hàng trong địa bàn quản lý. Sau đó, PC TTH thực hiện lập hóa đơn hoàn trả tiền bán buôn điện trong tháng 12/2020 sau khi nhận hồ sơ giảm giá bán điện, giảm tiền điện.

Ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC TTH cho biết, để thực hiện giảm giá điện, tiền điện đợt 2, Công ty đã đăng tải, niêm yết các văn bản liên quan về giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 2 đến khách hàng, cộng đồng trên trang tin điện tử Công ty (pcthuathienhue.cpc.vn) và truyền thông mạng xã hội nhằm kịp thời cung cấp thông tin để khách hàng biết. “Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện được hoàn trả cho khách hàng trong kỳ hóa đơn tháng 12/2020 hoặc các kỳ hóa đơn tiền điện tiếp theo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khách hàng có thể liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng điện lực qua số máy 19001909 (24/7), hoặc phòng kinh doanh của PC TTH để được tư vấn, giải quyết”, ông Phúc cho biết thêm. (congthuong.vn 22/12)

 
 
 

2.  Hành trình bia Huda mang hương vị đậm tình ra biển lớn

Thương hiệu bia “đậm tình miền Trung” đã nhiều lần mang hương vị bia của quê hương đến với bạn bè quốc tế, ghi dấu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi danh giá thế giới.

Giải “Oscar” cho các sản phẩm tiêu dùng xướng tên Huda

Bia Huda với công nghệ sản xuất từ tập đoàn Carlsberg Đan Mạch không chỉ là thức bia được người miền Trung yêu mến trong nhiều năm qua, mà danh tiếng còn vươn xa ra thế giới với chất lượng được bạn bè quốc tế công nhận. Năm 2020 ghi dấu cột mốc tròn ba thập kỷ Huda đồng hành cùng mảnh đất Trung bộ, cũng đánh dấu thêm một thành tích mới của dòng bia “đậm tình miền Trung”: chiến thắng hai giải Vàng tại Monde Selection – giải thưởng danh giá được biết đến như Oscar trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, trong đó có đồ uống.

Giải thưởng Monde Selection được điều hành bởi Viện Lựa chọn Chất lượng Quốc tế, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới với gần 60 năm kinh nghiệm về đánh giá chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm đạt giải đều trải qua kỳ đánh giá khắt khe của 80 chuyên gia, đáp ứng nhiều quy chuẩn về chất lượng và hình thức do Viện Lựa chọn đề ra.

Chinh phục nhiều giải thưởng quốc tế trước đó, cũng như giải Vàng vừa nhận được tại Monde Selection, những thành tích trên là kết quả của hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Huda suốt ba thập kỷ, nhằm mang đến sản phẩm bia hảo hạng nhất cho người tiêu dùng. Bia Huda kế thừa và phát huy những di sản của tập đoàn bia Carlsberg Đan Mạch, từ việc lựa chọn nguyên liệu thượng hạng xuất xứ châu Âu, đến bí quyết nấu bia truyền thống có bề dày hơn 170 năm lịch sử. Hương đại mạch đặc trưng của Huda đã hòa quyện trọn vẹn với vị mặn và cay nồng của các món ăn đặc sản quê hương, trở thành thức uống không thể thiếu ở các bữa ăn gia đình dân dã, cũng như bàn tiệc thịnh soạn của người miền Trung.

Chặng đường nỗ lực mang vị bia miền Trung vang danh bốn bể

Nhiều năm qua, Huda không ngừng nỗ lực mang hương vị miền Trung đến với các đấu trường quốc tế, ghi dấu ấn trong lòng bạn bè năm châu. Với chất lượng nổi bật, Huda liên tiếp gặt hái thành công tại các cuộc thi bia quốc tế như huy chương Vàng trong cuộc thi bia thế giới tại Anh (WBA), Huy chương Vàng Cuộc thi Bia Quốc tế Berlin tại Đức (BIBC), giải thưởng chất lượng vượt trội (iTQi) do Viện nghiên cứu chất lượng quốc tế tại Bỉ trao tặng. Tính đến năm 2017, Huda là thương hiệu bia Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong một năm nhận được cả 3 huy chương vàng tại các cuộc thi bia danh tiếng tại Anh, Đức và Bỉ.

Không ngừng phát triển và lắng nghe mong muốn của người tiêu dùng, Huda mang đến những sản phẩm bia không chỉ trọn vẹn hương vị, mà còn gắn kết mật thiết với đời sống người miền Trung. “Nâng Huda, cụng tưng bừng – Miền Trung phát triển, ta mừng với nhau” – câu thơ nói lên niềm tự hào về quê hương của Huda, từ đó thể hiện mong muốn tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của mảnh đất miền Trung giàu đẹp.

Năm 2020, thương hiệu bia Huda tiếp tục xuất sắc gặt hái chiến thắng trong nhiều cuộc thi bia quốc tế. Đặc biệt, tại Monde Selection Awards, giải thưởng quốc tế uy tín đánh giá về chất lượng của những sản phẩm tiêu dùng toàn cầu, Huda đã mang về hai giải vàng, một thành tích nổi bật mà không phải bất cứ thương hiệu nào cũng có thể đạt được. Giải thưởng này góp phần làm dày thêm bảng vàng thành tích các chứng nhận, giải thưởng quốc tế tích luỹ qua nhiều năm liền của Huda và một lần nữa khẳng định chất lượng vượt trội của thương hiệu bia miền Trung, cho thấy những bước tiến vững chắc của Huda không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế sau 3 thập kỷ phát triển. Ngoài Huda, 2 thương hiệu khác của Công ty bia Carlsberg Việt Nam là Halida và Festival cũng lần lượt đạt giải tại Monde Selection Awards 2020.

Để tìm hiểu thêm về thương hiệu Huda và Công ty bia Carlsberg Việt Nam, vui lòng truy cập website: https://carlsbergvietnam.vn/ (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Cần nỗ lực hành động để thu hút, hấp thụ các nguồn vốn

2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 với vốn ĐTC gần 3.000 tỷ đồng. Vốn ĐTC tập trung thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH của cả tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa. Trong đó, thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 với vốn ĐTC gần 3.000 tỷ đồng. Vốn ĐTC tập trung thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH của cả tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa. Trong đó, thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Chưa như kỳ vọng

Năm 2020, các lĩnh vực Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các KCN, KKT, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, ưu tiên lĩnh vực liên quan công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của Cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Đại Vui, so với tiềm năng, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua chưa như kỳ vọng. Dù có nhiều NĐT lớn nghiên cứu cơ hội đầu tư ở Thừa Thiên Huế, như: VinGroup, Sun Group, Công ty CP SOVICO, Tập đoàn FLC, Vietravel, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An... nhưng năm 2020, tỉnh mới cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest và Vietravel.

Năm 2020, Thừa Thiên Huế thu hút 25 DA đầu tư mới với 6 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký gần 20 triệu USD; trong đó Ban quản lý KKT, CN tỉnh cấp mới 3 DA với vốn đăng ký 17 triệu USD và 8 DA điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 112 DA FDI với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 3,8 tỷ USD.

Ban quản lý KKT, CN tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 DA với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số DA đầu tư tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh lên 146 DA, với vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Đáng chú ý DA Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt với diện tích 50 ha, tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tác động kép từ dịch COVID-19 và bão, lũ lịch sử, công tác xúc tiến đầu tư bị gián đoạn.

Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế thực hiện nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đối với thị trường trong nước, ngoài nước; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư; đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các DA trọng điểm.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành liên quan tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) các thủ tục, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KKT, KCN và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, có kế hoạch, chính sách ưu tiên để mời gọi các NĐT chiến lược, NĐT chuyên nghiệp, DN có thương hiệu, có uy tín; tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đại Vui cho rằng, thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng (kể cả trong và ngoài) các KKT, CN trên địa bàn tỉnh, như hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, giao thông... Các sở, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, cập nhật kịp thời công tác quy hoạch đối với các DA kêu gọi đầu tư của tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn của mình. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu của các NĐT. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các NĐT cũng như chính sách thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các DA lớn... (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Tập huấn chuyên sâu về các Hiệp định CPTPP và EVFTA

Ngày 21/12, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức buổi tập huấn chuyên sâu về cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cho cán bộ, công chức các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tập huấn, đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng trình bày các nội dung liên quan đến Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA như: tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các văn bản thực thi CPTPP; quá trình đàm phán và ký kết EVFTA, cơ hội và thách thức, các nội dung về thương mại hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, cam kết, cơ chế giải quyết tranh chấp…. từ EVFTA.

Qua đó, các cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành nắm rõ các nội dung, kiến thức tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin về CPTPP, EVFTA và thị trường của các nước EU cho doanh nghiệp. Đồng thời, để xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững…

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, buổi tập huấn sẽ trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức các sở, ngành nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thực thi các hiệp định, tận dụng các chính sách ưu đãi, xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại….

“Tuy nhiên, khi thực hiện nếu còn những vướng mắc, tồn tại thì đề nghị các sở, ban ngành, kết hợp với doanh nghiệp sớm có báo cáo, kiến nghị để Sở Công Thương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng chính sách nhằm triển khai, thực hiện nội dung các hiệp định được tốt hơn”, ông Thanh cho biết thêm. (congthuong.vn 22/12)

 
 
 

3.  Vốn khuyến công về đích trước hạn

Năm 2020, Trung tâm Khuyến công (KC) và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương nghiệm thu 21 đề án KC với giá trị hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng. Các đề án thực hiện đúng tiến độ, thời gian nghiệm thu trước thời hạn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Sau 7 năm hình thành và phát triển với thương hiệu trà vả Lộc Mai, qua quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất TMDV Lộc Mai (Công ty Lộc Mai) tiếp tục tận dụng nguyên liệu từ quả vả để sản xuất sản phẩm rượu vang thương hiệu rượu vang Bạch Mã. Rượu vang Bạch Mã là sự kết hợp giữa trái vả chín với cherry, cho hương vị đặc trưng.

Theo Giám đốc Công ty Lộc Mai, ông Mai Quốc Bảo, để lên men được sản phẩm rượu vang bắt buộc phải chọn được trái vả đạt chuẩn, chín đều. Những quả vả sau khi được chọn lựa kỹ được vận chuyển lên Bạch Mã, với độ cao khoảng 1.450m so với mực nước biển. Tại đây có nhiệt độ từ 19-20ºC, là mức nhiệt thích hợp để lên men. Hiện, các sản phẩm rượu vang vả đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm đủ điều kiện ra thị trường.

Với mức tiêu thụ trên 10.000 lít rượu vang/năm, nhưng lâu nay dây chuyền đóng chai của công ty đều làm thủ công và bán tự động nên công suất thấp, nhãn chai không đều ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Giữa năm 2020, công ty lập đề án xin hỗ trợ vốn KC đầu tư dây chuyền đóng nhãn chai. Sau khi khảo sát và đánh giá mức tiêu thụ sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh, Sở Công thương đã phê duyệt đề án hỗ trợ máy đóng nhãn chai rượu vang với mức hỗ trợ 200 triệu đồng, tổng kinh phí đầu tư của DN là 466 triệu đồng.

Với công suất đóng nhãn trên 500 chai/giờ, tăng gấp 3 lần so với đóng thủ công, máy đóng chai giúp DN tạo sản phẩm rượu vang hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường. “Đây là lần thứ 2 DN nhận hỗ trợ vốn từ đề án KC để đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, thay thế các thiết bị lạc hậu và năng suất thấp. Đề án KC tạo động lực giúp DN mở rộng quy mô, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới và tiết giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại”, ông Mai Quốc Bảo chia sẻ.

Năm 2020, nguồn vốn KC chuyển hướng hỗ trợ các đề án quy mô lớn, giá trị hỗ trợ cao nhằm giúp các DN, cơ sở có điều kiện đầu tư các thiết bị hiện đại, công suất cao phục vụ sản xuất, tạo sản phẩm mới.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui, ông Trần Văn Lực, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã thì năng suất phải cao và giá thành hợp lý.

Năm 2020, DN đầu tư trên 1 tỷ đồng trang bị dây chuyền chiết rót tinh dầu bán tự động phục vụ việc chiết rót các loại tinh dầu, trong đó nguồn vốn KC Quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ KC đã tạo động lực để DN đầu tư thêm kinh phí trang bị máy móc, phát triển quy mô và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, ngoài hỗ trợ trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2021, sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thị trường thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, hỗ trợ DN đưa hàng vào siêu thị và đẩy mạnh bán hàng qua mạng nhằm giúp DN giới thiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng.

Thời gian tới, sở tiếp tục làm đầu mối liên kết với các siêu thị lớn trong cả nước kết nối đưa các loại nông - đặc sản địa phương vào tiêu thụ. (baothuathienhue.vn 22/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.452.686
Truy cập hiện tại 831