Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 22/12/2020
Ngày cập nhật 24/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  Khu di tích Danh tướng Nguyễn Tri Phương cần được tôn tạo

Khu nhà thờ, lăng mộ Danh tướng Nguyễn Tri Phương tuy đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1990, nhưng đến nay địa điểm này vẫn ít người biết đến.

Chưa xứng tầm di tích cấp Quốc gia

Khu di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương và Phò mã Nguyễn Lâm tọa lạc tại thôn Đại Phú, xã Phong Chương (Phong Điền). Theo sử sách, Nguyễn Tri Phương (tên thật là Nguyễn Văn Chương) sinh năm 1800 tại làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền (nay là xã Phong Chương, huyện Phong Điền).

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Thành Hà Nội thất thủ, ông bị quân Pháp bắt giữ nhưng ông đã cự tuyệt hợp tác và tuyệt thực tới chết.

Sau khi ông hy sinh, Vua Tự Đức xuống dụ cho lập đền thờ trung hiếu tại quê nhà. Lăng mộ ông và Phò mã Nguyễn Lâm (con trai ông, cùng hy sinh khi giữ thành Hà Nội) được dòng họ xây dựng vào khoảng năm 1874. Qua chiến tranh và thời gian, nhà thờ và khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương vẫn giữ được đến nay.

Ngày 14/7/1990, Khu di tích lịch sử nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương cùng lăng mộ Phò mã Nguyễn Lâm và lăng mộ Nguyễn Duy (em ruột ông Nguyễn Tri Phương) được Bộ Văn hóa-Thể thao ra Quyết định số 575-QĐ/VH công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Được biết, năm 2016, UBND huyện Phong Điền đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hàng rào bảo vệ, đổ mặt bằng cát cho khu lăng mộ di tích Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Lâm, kèm theo bãi đỗ xe, dựng biển chỉ dẫn vào khu di tích; đồng thời, làm mới các bộ cửa nhà thờ... Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên hiện nay di tích này vẫn còn rất sơ sài, chưa xứng tầm di tích cấp Quốc gia.

Cần đầu tư phát huy giá trị di tích

Ông Lê Văn Viêm, Trưởng thôn Đại Phú (Phong Chương, Phong Điền) cho biết, khu di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm-Nguyễn Duy nằm ở vùng thấp trũng, hàng năm đều hứng chịu lũ lụt. Khuôn viên di tích lăng mộ chưa được bê tông, sau mùa mưa lũ lại xuống cấp, cỏ dại thi nhau mọc, rất tốn công sức nhổ, dọn. Hơn nữa, đường vào di tích nhỏ, hẹp, mặt đường chỉ rộng 2m được đầu tư xây dựng từ năm 2004 đã xuống cấp. Nhiều đoàn tham quan đi xe từ 12 chỗ trở lên, phải dừng ở Tỉnh lộ 4, đi bộ vào hơn 1,5km mới đến được di tích. Ngoài ra, khu lăng mộ còn sơ sài, chưa được đầu tư hàng rào cứng. Hơn nữa, bãi đỗ xe khu di tích nhỏ hẹp nên trong các dịp lễ, kỷ niệm hàng năm, quan khách, con cháu về dự đậu, đỗ xe tràn ra đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông...

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, hiện nay, xã đã quy hoạch mở rộng đường vào di tích lên 8m; đồng thời quy hoạch bãi đỗ xe rộng 100m2. Ngoài ra, khoanh vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa thể triển khai đầu tư xây dựng được...

Đầu năm 2020, con cháu hệ Trung Hiếu (Nguyễn Tri) do ông Trưởng hệ Nguyễn Tri Việt đã có tờ trình gửi các cấp, các ngành về việc đề nghị đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc di tích và liên quan trực tiếp đến di tích nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy. Sau khi nhận được đơn, ngày 31/3/2020, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các ban, ngành liên quan và đề xuất một số giải pháp trước mắt.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho biết, Phòng đã có báo cáo gửi UBND huyện xem xét bố trí vốn để triển khai các hạng mục bãi đỗ xe và các tuyến đường vào nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy. Cũng theo ông Thắng, trên địa bàn huyện có 7 di tích cấp quốc gia và hàng chục di tích cấp tỉnh, hàng năm được bố trí nguồn vốn khoảng 300 triệu đồng nên rất khó khăn trong việc tôn tạo, tu sửa di tích. Vì vậy cần có nguồn vốn từ tỉnh, Trung ương.

Thực tế tại di tích lăng mộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy cho thấy, việc đầu tư kinh phí, nâng cấp sửa chữa di tích này cần phải sớm được thực hiện. Ngành văn hóa cần có chuyến khảo sát, đánh giá, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về hiện trạng di tích nhằm có hướng giải quyết kịp thời, xem xét những hạng mục nào cần sự đầu tư của tỉnh, những hạng mục nào cần sự đầu tư của trung ương và những hạng mục nào cần nguồn xã hội hóa… để nâng cấp di tích, tạo điểm đến, phát huy giá trị. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

2.  Thừa Thiên – Huế: Phát triển điện mặt trời chưa tuân thủ quy định của Bộ Công Thương

Nhiều công trình điện mặt trời mái nhà trên đất trang trại ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế không tuân thủ Công văn 7088/BCT ngày 20/9/2020 của Bộ Công Thương. Các công trình không có mái che, phòng cháy chữa cháy, trang trại vẫn trống không... Người dân ở đây cho biết, việc làm trang trại chỉ mang tính đối phó, mục đích chính là đầu tư điện mặt trời để hưởng giá điện ưu đãi.

Thời gian gần đây, hàng hoạt công trình điện mặt trời mái nhà trên trang trại ồ ạt hình thành, phủ kín nhiều diện tích đất trang trại trên địa bàn tỉnh. Phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn “mơ hồ” giữa mô hình trang trại và hệ thống điện mặt trời mái nhà trên trang trại. Khi các cơ quan chức năng chưa có động thái gì, các chủ đầu tư trang trại vô tư xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà khung sắt để áp pin, thậm chí áp tấm pin năng lượng lên nhà không có mái lợp, với diện tích rộng lớn bao phủ cả diện tích đất trang trại.

Lãnh đạo UBND xã Phong Hiền cho biết: Trên địa bàn xã có 2 dự án trang trại kết hợp làm điện mặt trời, với diện tích trên 5ha. Khi triển khai, chủ trang trại có trình hồ sơ để xã xác nhận trồng các cây công nghệ cao, cây nha đam… Riêng kết hợp lắp điện mặt trời như thế nào xã cũng không rõ.

Tại vùng trang trại rú cát xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) hiện có 4 dự án trang trại kết hợp với công trình điện năng lượng mặt trời, với tổng diện tích xây dựng công trình phát điện trên 6,5ha.

Người dân đang làm trang trại rú cát ở huyện Quảng Điền cho biết: Khu vực rú cát Quảng Điền khô cằn, khắc nghiệt, cát trắng bạc màu… không có cây trồng gì sống được về mùa nắng nóng. Dù vậy, nhưng chủ đầu tư các trang trại vẫn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống trụ bê tông, các nhà khung sắt, tường rào… để làm trang trại. Liệu tiền thu từ bán rau màu, cây trồng, vật nuôi… biết khi nào mới bù được chi phí đầu tư xây dựng trang trại. Mục đích làm trang trại chỉ mang tính đối phó, bản chất chính là đầu tư điện mặt trời để hưởng giá điện ưu đãi.

Chưa tuân thủ quy định của Bộ Công Thương

Theo Công văn 7088/BCT ngày 20/9/2020 của Bộ Công Thương về phát triển điện mặt trời mái nhà, trên mái nhà công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản và công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác; Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Về đất làm trang trại, theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013, đất được xây dựng trang trại là loại đất nông nghiệp khác và do địa phương quản lý theo thẩm quyền. Để phù hợp với Quyết định 13, công trình xây dựng trang trại phải có mái. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của trang trại. Đất trang trại là đất nông nghiệp, khi muốn làm điện mặt trời trên mái thì sẽ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Phong Hiền chỉ có 2 dự án trang trại kết hợp với công trình điện mặt trời mái nhà, nhưng chủ đầu tư đã “lách” để thành lập đến 7 công ty nhằm chia nhỏ sản lượng điện, mỗi công ty sẽ cho lắp đặt với công suất dưới 1MW để bán điện cho Công ty Điện lực. Tại huyện Quảng Điền, chủ của 4 dự án trang trại khoảng 6,5ha đã thành lập đến 13 công ty để sẵn sàng bán điện.

Như vậy, những khu trang trại rộng từ 2 - 3ha, chủ đầu tư có thể chia thành 3 - 4 công trình điện mặt trời với công suất lắp đặt dưới 1MW để thuận lợi cho việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời và bán điện theo giá ưu đãi đã được Bộ Công Thương quy định. Tất cả các công trình điện mặt trời trên dự kiến đưa vào vận hành bán điện ngày 31/12/2020.

Liên quan đến các khu trang trại có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, đại diện UBND huyện Quảng Điền cho biết: Khi lập phương án làm trang trại, chủ đầu tư khai báo, đưa ra phương án sẽ trồng rau màu, cây nha đam, nuôi giun quế… còn họ có sản xuất đúng đề án, làm theo công nghệ gì, thị trường tiêu thụ ra sao… đang yêu cầu các phòng chức năng theo dõi, nếu không đúng sẽ có phương án xử lý.

Trước thực trạng phát triển điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư không thực hiện đúng theo các quy định của Bộ Công Thương, phía Công ty Điện lực tại Thừa Thiên - Huế cho biết, sẽ rà soát để đưa ra quyết định ký hợp đồng đấu nối, mua bán điện. Trường hợp không bảo đảm sẽ bị từ chối đấu nối, mua bán. (baoxaydung.com.vn 21/12)

 
 
 

3.  Thừa Thiên – Huế: Hơn 322 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cần phải di dời

Kiểm tra, rà soát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có hơn 322 hộ dân, với 1.528 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời tái định cư. Dự kiến kinh phí hỗ trợ di dời, tái định cư khoảng 102 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão, đặc biệt từ ngày 6 - 17/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to gây ra lũ lụt lớn và sạt lở đất ven sông, suối, đồi núi… Nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ban, ngành liên quan và các địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo đó, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo UBND xã Thượng Nhật thực hiện sơ tán tạm thời các hộ dân ở khu vực hạ lưu thủy điện Thượng Nhật trong những đợt mưa bão vừa qua.

Theo rà soát, báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi trên địa bàn tỉnh, số hộ cần phải di dời tái định cư là 322 hộ dân, với 1.528 khẩu, dự kiến kinh phí khoảng 102 tỷ đồng. Phương án sẽ xây dựng 7 dự án để bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.

Trong đó, UBND huyện Nam Đông đã quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6ha, tại thôn A Xách để bố trí tái định cư cho 75 hộ dân với 375 nhân khẩu, kinh phí 22 tỷ đồng. Riêng 13 hộ dân với 55 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở ở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre sẽ chuyển về khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng. Tại huyện A Lưới có 200 hộ dân, với 950 nhân khẩu cần phải di dân và bố trí tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ. Chân đèo thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc có 20 hộ dân với 85 nhân khẩu sẽ bố trí tái định cư tại khu quy hoạch tập trung xã Lộc Tiến. Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy có 14 hộ với 63 khẩu vào khu quy hoạch tại chỗ thôn La Khê.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng được 197 hộ, với 795 khẩu trên địa bàn huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Trà và Hương Thủy. (baoxaydung.com.vn 21/12)

 
 
 

4.  Thừa Thiên Huế: Di dời, tái định cư hơn 300 dân hộ ở vùng nguy cơ sạt lở

Hiện nay, vấn đề sạt lở đất ở khu vực miền núi ở Thừa Thiên Huế đang xảy ra liên tục, thường xuyên. Cơ quan chức năng đã và đang triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai và di dời, tái định cư...

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do,...

Do ảnh hưởng của bão số 5, số 9, số 13 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to gây ra lũ lụt lớn, gây sạt lở đất ven sông, suối và đồi núi. Để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ban ngành liên quan và các địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số hộ cần phải di dời tái định cư là 322hộ/1.528 khẩu; kinh phí khoảng 102 tỉ đồng, bao gồm 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.

Trong đó, sạt lở đất thôn Lập (xã Thượng Nhật, UBND huyện Nam Đông) đã quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6 ha tại thôn A Xách, kinh phí 22 tỷ đồng cho 75hộ/375 khẩu.

Riêng 13 hộ/55 khẩu sạt lở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre sẽ chuyển về Khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng. Huyện A Lưới có 200 hộ/950 khẩu cần phải di dân và bố trí tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ.

Huyện Phú Lộc ở chân đèo thôn Phú Gia - xã Lộc Tiến có 20 hộ/85 khẩu vào khu quy hoạch tập trung xã Lộc Tiến. Xã Thủy Bằng - thị xã Hương Thủy có 14 hộ/63 khẩu vào khu quy hoạch tại chỗ thôn La Khê.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để ứng phó lũ quét và sạt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ… cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; cắm các biển báo nơi có nguy xảy ra lũ quét và trượt lở đất; sơ tán khỏi vùng lũ quét và trượt lở đất nhờ các bản tin cảnh báo và dự báo; tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng kết hợp với phương thức canh tác hợp lý bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất; tuyên truyền giáo dục về lũ quét và trượt lở đất, huấn luyện, diễn tập các phương án phòng tránh lũ quét và trượt lở đất phương án phòng tránh lũ quét và sạt lở đất...

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ làm công tác PCTT về các loại hình thiên tai, trong đó có động đất, lũ quét và sạt lở đất đá. Từ năm 2013 đến nay đều có tổ chức các lớp tập huấn PCTT tại các địa phương.

“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở đất. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tích cực phối hợp với Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, cập nhật các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tổng rà soát khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông, hồ chứa nước, thủy điện để đảm bảo an toàn”, ông Hùng thông tin.( baotainguyenmoitruong.vn 21/12)

 
 
 

5.  TT-Huế: ‘Bẫy’ sạt lở đất rình rập nhiều nơi, lên phương án di dời hơn 300 hộ dân

Theo Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, thiên tai dồn dập thời gian qua đã gây sạt lở đất ven sông suối, đồi núi, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Tỉnh này đã có phương án di dời, tái định cư, bảo đảm an toàn đời sống cho hơn 300 hộ dân vùng sat lở nguy hiểm.

Theo đó, để bảo đảm đời sống ổn định của người dân, UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ban, ngành liên quan, cùng chính quyền các địa phương rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

Qua rà soát, số trường hợp cần phải di dời, tái định cư tại vùng nguy cơ sạt lở đất hiện là 322 hộ dân, với 1.528 nhân khẩu. Dự kiến kinh phí thực hiện di dời, tái định cư khoảng 102 tỷ đồng. Tỉnh TT-Huế hiện đã lên phương án thực hiện 7 khu tái định cư để bố trí dân cư tập trung, 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.

Trong đó, UBND huyện Nam Đông quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6ha tại thôn A Xách, để bố trí nơi ở mới cho 75 hộ dân, với 375 nhân khẩu, kinh phí 22 tỷ đồng. Riêng 13 hộ dân với 55 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở ở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre (Nam Đông) sẽ chuyển về khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng.

Tại huyện A Lưới có 200 hộ dân, với 950 nhân khẩu cần di dời và bố trí định cư tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ.

Khu vực chân đèo Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) có 20 hộ dân với 85 nhân khẩu sẽ bố trí tái định cư. Xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) có 14 hộ với 63 nhân khẩu sẽ di dời, tái định cư tại chỗ ở thôn La Khê.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2016 -2020, tỉnh TT-Huế đã bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… cho 197 hộ, với 795 khẩu, thuộc các huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy. (tienphong.vn 21/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các gia đình chính sách

Chiều 21/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn TP. Huế, gồm: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Văn Ngữ ở phường Xuân Phú; Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Thau ở phường An Cựu.

Cùng dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Tại những nơi thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ân cần hỏi thăm sức khỏe của mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Thau và Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Văn Ngữ, đồng thời chúc các cá nhân có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tình cảm sâu sắc, ghi nhận những đóng góp to lớn của các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong các cuộc kháng chiến cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Xúc động trước việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Văn Ngữ bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Ông cho biết đây là sự động viên lớn lao và sẽ tiếp tục động viên con cháu tiếp bước cha anh, tích cực học tập, lao động, có những đóng góp tích cực góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển. (baothuathienhue.vn 21/12, baotintuc.vn 22/12, video quochoitv.vn 21/12, baochinhphu.vn 21/12, nhandan.com.vn 21/12)

 
 
 

2.  Không ngừng lớn mạnh.

Trong những năm qua, tiềm lực trong các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh từng bước được tăng cường, thế trận quân sự được bố trí liên hoàn và ngày càng vững chắc, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Việc phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh được thực hiện chặt chẽ. Qua đó, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh không ngừng được nâng cao.

Xây dựng lực lượng vững mạnh

Ghé thăm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông một ngày cuối năm, không khí huấn luyện, làm việc tại đơn vị vẫn rất sôi nổi.

Trung tá Trần Chí Thanh, Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện giới thiệu căn cứ chiến đấu, hệ thống thao trường vừa mới được đầu tư sửa chữa và xây dựng thêm một số hạng mục với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Trong khu căn cứ, thao trường, bãi tập cho đến các công trình chiến đấu đều được đầu tư bài bản, kiên cố vững chắc. Trung tá Trần Chí Thanh cho biết: Để xây dựng khu căn cứ chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập trong thời bình và sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là sự quan tâm của các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương.

Năm 2020, đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên vừa thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, nhất là 2 cơn bão số 9 và số 13 ảnh hưởng khá nghiêm trọng đối với Nam Đông. Nhưng nhờ sự chủ động, nhất là được huấn luyện thuần thục về các kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng bộ đội thường trực và dân quân địa phương; cùng sự phối hợp nhịp nhàng, triển khai đồng loạt nhiều phương án… đã hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tập huấn đầy đủ cùng với thao trường bãi tập đảm bảo nên chất lượng huấn luyện ngày càng đạt kết quả cao, hàng năm, 100 % đạt yêu cầu và trên 84% đạt khá, giỏi...

Cuối tháng 11 vừa qua, có dịp ghé khu căn cứ của Bộ CHQS tỉnh, được chứng kiến cuộc diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp Tiểu đoàn và cấp Đại đội, do Trung đoàn bộ binh 6 và Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp tổ chức, mới thấy được sự thuần thục, chuyên nghiệp của từng cán bộ, chiến sĩ.

 Cuộc diễn tập với nội dung: “Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hành trú quân chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật”; được chia làm 3 giai đoạn gồm: Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao, từ cao lên toàn bộ, hành quân ra khu sơ tán và thực hành bắn chiến đấu.

Trong nội dung bộ binh kết hợp xe tăng xung phong đánh chiếm mục tiêu, các lực lượng tham gia diễn tập đã thực hiện các bước một cách chặt chẽ, nghiêm túc sát thực tế chiến đấu, mục tiêu nhanh chóng bị tiêu diệt... đã rất ấn tượng.

Trung tá Trần Phương Nam, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 6 cho biết: Thông qua diễn tập để đánh giá được chất lượng huấn luyện và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng xử lý tình huống và phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa xe tăng và bộ binh qua đó để tiếp tục bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Thế trận lòng dân

Năm 2020, việc đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu, thao trường huấn luyện, điều chỉnh các hạng mục trong căn cứ hậu phương để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc (kinh phí đầu tư gần 50 tỷ), đã góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiếu đấu. Bộ CHQS tỉnh đã có nhiều đột phá trong công tác huấn luyện. Trong đó, huấn luyện cán bộ đạt 100% khá, giỏi; huấn luyện chiến sĩ phân đội gần 90% khá, giỏi, kết quả diễn tập đạt yêu cầu đề ra… Quá đó, đã giúp LLVT tỉnh luôn sẵn sàng tâm thế để nhận và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất như chống dịch, phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn…

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh gọn, mạnh, bảo đảm cơ động nhanh gắn với xây dựng thế trận lòng dân là nhiệm vụ song hành đã và đang được Bộ CHQS tỉnh triển khai, thực hiện.

Để xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt các đơn vị, địa phương, trong bất cứ nhiệm vụ nào, dù lớn hay nhỏ thì những người lính không chỉ thực hiện nhiệm vụ vì trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm đối với đồng bào mình. Thời gian qua, bất cứ nhiệm vụ nào LLVT cũng đã vào cuộc kịp thời, có hiệu quả. Trước những khó khăn, hiểm nguy LLVT ngày càng trưởng thành, vững vàng và lớn mạnh hơn.

“Trong những nhiệm vụ đột xuất như chống dịch, tìm kiếm cứu nạn… chính sự hỗ trợ, đồng hành của các đoàn thể, doanh nghiệp, người dân đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó chính là sự tin tưởng đối với người lính, lực lượng quân đội địa phương. Hình ảnh người lính đã tỏa sáng trong lòng mọi người, những gì chúng tôi làm đã được Nhân dân ghi nhận, đó là động lực để chúng tôi vững vàng trước mọi thử thách, gian nan”, Thượng tá Ngô Nam Cường chia sẻ.

Đó cũng là tiền để để năm 2021, Bộ CHQS tỉnh cũng tiến hành huấn luyện với cường độ cao hơn, chuẩn bị cho các cuộc diễn tập có quy mô lớn như: Diễn tập KVPT cấp huyện, diễn tập phòng, chống thiên tai, diễn tập KVPT cấp xã... (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

3.  Bảo vệ tuyệt đối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Chiều 21/12, Công an tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác công an năm 2021; sơ kết đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã và kiện toàn nâng cao chất lượng cảnh sát khu vực (CSKV).

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Bùi Văn Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, văn phòng Bộ Công an.

Năm qua, Công an tỉnh đấu tranh với các loại đối tượng trọng điểm, nắm và kiểm soát tình hình, góp phần giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống; tập trung đấu tranh, phản bác các quan điểm thù địch, phản động của đối tượng cực đoan trên không gian mạng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, góp phần kéo giảm tội phạm 17,5%, vượt chỉ tiêu 12,5%; kết luận 634 vụ, đạt 87,33%, vượt chỉ tiêu 12,33%; trong đó án truy xét kết luận đạt 85,89%, tăng 21,83%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kết luận đạt 98,04%, vượt 2,04%...

Năm 2020, Công an tỉnh hoàn thành chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, với việc đảm bảo mỗi xã có ít nhất 5 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí 552 đồng chí công an chính quy về 106 xã, thị trấn, đạt và vượt yêu cầu của Bộ Công an; tiếp tục triển khai đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng CSKV. 

Với những kết quả đạt được, Công an tỉnh được Bộ Công an tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”; có 482 tập thể, 1.501 lượt CBCS được các cấp khen thưởng.

Để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong năm 2021, lực lượng Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp; xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh để đáp ứng yêu cầu mọi nhiệm vụ.

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bùi Văn Nam đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Công an tỉnh; trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị; trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND giai đoạn 2017-2019 cho 3 cá nhân; trao Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc cấp cơ sở năm 2020” của Bộ Công an cho 3 tập thể thuộc Công an tỉnh.

Ngoài ra, 1 tập thể, 3 cá nhân thuộc Công an tỉnh được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 tập thể, 2 cá nhân được trao Bằng khen của Chính phủ; 4 tập thể đạt Cờ thi đua của UBND tỉnh; 22 tập thể đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng và đơn vị tiên tiến. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

4.  Lực lượng Công an Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

Năm 2020, Công an TT- Huế đã không ngừng nổ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng danh với truyền thống đơn vị anh hùng, giữ trọn niềm tin, giữ trọn lời thề mãi mãi là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh TT- Huế trực tiếp đến hiến trường chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Mệnh lệnh từ trái tim

Ngay khi xảy ra sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế), thực hiện sự chỉ đạo của Ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Công an tỉnh TT- Huế đã huy động gần 5000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm lượt phương tiện thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn.

Đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi đường vào thủy điện Rào Trăng 3 gần như bị cô lập. Đường bộ và đường hàng không không thể đi vào vì ảnh hưởng tình hình thời tiết và sạt lở đất, Công an TT- Huế đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thiết lập “cầu đường thủy” “độc đạo” để lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Sát cánh, chia sẻ cùng nhân dân trong các đợt thiên tai, bão lụt liên tục xảy ra vừa qua, lực lượng, đơn vị đã phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức sơ tán, di dời gần 66 nghìn hộ, với khoảng 214 nghìn nhân khẩu đến các điểm an toàn.

Ngoài ra, lực lượng Công an TT- Huế còn phát động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ 1 ngày lương để chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt. Đồng thời là đầu mối liên lạc, tiếp nhận ủng hộ tổng số quà tặng trị giá gần 11 tỉ đồng và nhiều hàng hóa có giá trị khác. Bên cạnh đó, còn tổ chức đi thăm hỏi, cứu trợ, động viên nhân dân, đồn công an cửa khẩu vùng biên giới nước bạn Lào.

Khi tình hình dịch bệnh  Covid -19 bùng phát, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như của chính quyền địa phương, Công an TT- Huế đã huy động cán bộ chiến sỹ ngày đêm phối hợp kiểm soát hơn 100 nghìn lượt người và 50 nghìn lượt phương tiện vào và đi qua địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, kiểm tra trên 7000 cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí; xử lý kịp thời 561 trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Nhờ làm quyết liệt công tác này, qua 2 đợt dịch vừa qua, lực lượng Công an TT - Huế đã góp phần quan trọng ngăn chặn không có dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, phục vụ tốt song song hai nhiệm vụ của tỉnh, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế, TT- Huế là một địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị; trong năm qua, cùng nhiều tỉnh thành cả nước phải chống chọi liên tục dịch bệnh, thiên tai bão lụt. Trong khó khăn, phức tạp, Công an TT- Huế đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cho UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Việc đảm bảo và giữ vững tốt an ninh trật tự trong mọi tình huống đã góp phần quan trọng duy trì và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua. 

“Dự báo trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng như công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng Công an TT- Huế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, nêu gương, kỷ cương, vì nhân dân phục vụ”- Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế nhấn mạnh.

Vì bình yên cuộc sống   

Với phương châm chủ động, Công an TT- Huế đã tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, nhất là trên lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia. Toàn lực lượng tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế, đánh dấu những thành tích vượt trội và đặc biệt xuất sắc của nhiều tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực công tác.

Theo đó, đơn vị đã điều tra, kết luận 634 vụ, đạt 87,33% vượt chỉ tiêu 12,33%. Trong đó án truy xét kết luận đạt 85,89%, tăng 21,83%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kết luận đạt 98,04%, vượt 3,04%. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đã góp phần kéo giảm tội phạm 17,5%, vượt chỉ tiêu 12,5%.

Đơn vị triệt phá nhiều đường dây mua bán, điểm sử dụng ma túy phức tạp, mang tính liên tỉnh, bắt 142 đối tượng, thu giữ tổng tang vật hơn 5kg heroin, 12,78 kg ma túy tổng hợp, 12g cần sa. Trong năm 2020, Công an TT- Huế đã liên tục xác lập nhiều chuyên án, triệt xóa các đối tượng hoạt động theo ổ, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Công an TT- Huế tập trung đấu tranh mạnh, quyết liệt và hiệu quả với tội phạm công nghệ cao. Đơn cử như đã kịp thời bắt nhóm đối tượng quốc tịch Trung Quốc tụ tập tại khách sạn cao cấp, tổ chức đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia giữa đợt cao điểm dịch Covid -19.

Mới đây nhất, trong đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an TT- Huế phá chuyên án lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 400 tỉ đồng và rất nhiều chiến công nối tiếp chiến công, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn trên địa bàn.

Đơn vị cũng đã tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện dự án cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư, đồng thời hoàn thành việc kiểm tra, phúc tra kết quả thu thập thông tin dân cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh TT- Huế cho biết, năm 2020, lực lượng Công an tỉnh TT- Huế đã hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tham gia phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai.

Đã có 482 tập thể, 1501 lượt cán bộ, chiến sĩ được các cấp khen thưởng trên các lĩnh vực công tác. Đặc biệt, Công an tỉnhTT- Huế  vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba; 01 tập thể và 03 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công.

Mới đây nhất, ghi nhận thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, tổng kết phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng Cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế tặng Cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua cho Công an TT- Huế. Đặc biệt hơn, Công an TT- Huế đã đón nhận nhiều thư khen ngợi từ các cấp lãnh đạo và hàng trăm lời cảm ơn của cán bộ nhân dân về tinh thần vì dân, gần dân, hiểu dân và giúp dân. (baophapluat.vn 21/12)

 
 
 

5.  Đảm bảo chuẩn an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu môi trường ở Huế

Quy chế của Thừa Thiên Huế quy định, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phải được phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Bản quy chế bao gồm các quy định để bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin.

Theo đó, Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin; có các biện pháp tổ chức, quản lý vận hành, nghiệp vụ và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu, an toàn máy tính và an ninh mạng.

Quy chế của Thừa Thiên Huế cũng quy định, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phải được phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, quản lý rủi ro và các biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn thông tin.

Một quy định khác là, việc in, sao, chụp, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu tài liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trước đó trong tháng 10, Ban giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Công an tỉnh. (vietnamnet.vn 21/12)

 
 
 

6.  Công an huyện Nam Đông: Đảm bảo an ninh gắn với phòng dịch

Vừa đảm bảo tốt an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, vừa tích cực phối hợp với các lực lượng phòng chống dịch COVID-19... là nhiệm vụ song hành được Công an huyện Nam Đông xác định.

Nhận tin báo của một người dân bị đối tượng dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp nhằm chiếm đoạt tiền, Ban chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra vào cuộc xác minh.

Một ngày đầu tháng 8, tại một quán cà phê ở tổ 2, thị trấn Khe Tre, khi đối tượng đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản với số tiền 20 triệu đồng thì bị bắt quả tang. Đó là Lê Thị Thu Thanh, sinh năm 1977, trú đường An Dương Vương, TP. Huế. Đối tượng Thanh khai nhận đã nhiều lần đe dọa ông L. nhằm chiếm đoạt tài sản...

Cũng trong đợt cao điểm này, tại một quán cà phê ở xã Hương Xuân, Công an huyện đã kịp thời bắt giữ nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, tạm giữ gần 33 triệu đồng và các tang vật khác có liên quan.

Đại úy Đỗ Hoàng Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nam Đông cho biết: Cùng với các đơn vị, Đội Cảnh sát điều tra tập trung đấu tranh mạnh với các loại tội phạm hoạt động gây án trên địa bàn, ngăn chặn từ “trứng nước”, không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân rất cảnh giác, khi phát hiện đối tượng, biểu hiện nghi vấn đã kịp thời báo cho Công an để phối hợp điều tra.

Theo Thượng tá Nguyễn Nam Sinh,Trưởng Công an huyện Nam Đông, là địa bàn giáp ranh với Quảng Nam và Đà Nẵng, trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan, lực lượng Công an huyện đã thắt chặt công tác kiểm tra tại các cửa ngõ cũng như khẩn trương phối hợp, triển khai phun tiêu độc khử trùng, khai báo y tế, truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc gần với những bệnh nhân và người qua lại vùng nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2, nhằm kiểm soát được nguồn lây nhiễm.

Bà Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy Nam Đông đánh giá: Công an huyện Nam Đông đã rất tích cực chủ động, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phát huy được vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ để họ đồng hành, đồng thuận, giúp đỡ lực lượng Công an trong mọi nhiệm vụ. Những thông tin, vụ việc được kịp thời nắm rõ và xử lý ngay từ cơ sở, tạo nền tảng vững chắc cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Rộn ràng Ngày hội Áo dài

Tối 20.12, chuỗi sự kiện của Ngày hội Áo dài Huế 2020 khép lại với nhiều ấn tượng. Dù thời tiết bất lợi, song nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tôn vinh áo dài truyền thống đã được cộng đồng hưởng ứng nồng nhiệt.

 

Chương trình Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế dịp cuối năm. Đây cũng là hoạt động cụ thể và bước đi mở đầu cho định hướng mà tỉnh này đang xây dựng: Huế - Kinh đô Áo dài và Huế - Kinh đô Ẩm thực Việt Nam.

Ngày hội Áo dài thu hút sự tham gia của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng tại Huế và các khu vực trong nước. Trong đó, không gian trình diễn áo dài được xây dựng tại tuyến phố đi bộ ven bờ Nam sông Hương. Dù thời tiết mưa rét, song đã có nhiều khán giả đến xem trực tiếp và xem qua hệ thống livestream của kênh quảng bá du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế từ mạng xã hội.

Ngoài trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế tại khuôn viên sân khấu; nhiều người mẫu và cộng đồng cùng hưởng ứng quảng diễn áo dài trên xe xích-lô, đi qua các tuyến đường phố chính, các điểm di tích tại thành phố Huế. Trình diễn áo dài từ truyền thống đến hiện đại, với nhiều nội dung: Áo dài với nghệ thuật, áo dài trẻ em, áo dài nữ sinh trong sinh hoạt đời thường, áo dài công sở… cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa nhạc đặc sắc. Các nhà thiết kế áo dài Quang Hòa, Trần Thiện Khánh, Đoan Trang, Ella Phan, Viết Bảo… đã giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập áo dài mang đậm bản sắc văn hóa Huế, tinh tế và trang nhã từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập áo Nhật bình và áo dài ngũ thân của nhà thiết kế Quang Hòa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Ngày hội Áo dài Huế đã hội tụ nhiều nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện. Thời gian qua, các nhà thiết kế Huế đã tiếp nối, gìn giữ giá trị áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn cao đẹp thông qua tà áo dài Huế. Từ đó, quảng bá vẻ đẹp áo dài Huế, bản sắc văn hóa ra khắp đất nước và thế giới.

Tại khuôn viên trưng bày của Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP Huế (trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế cũ), Hiệp hội May - Thêu - Thời trang Huế cũng tổ chức không gian thao diễn các hoạt động may đo áo dài truyền thống Huế. Tại đây, Ban Tổ chức cũng trưng bày, giới thiệu đến công chúng các bộ sưu tập áo dài và phục sức thời triều Nguyễn; trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề nổi tiếng trên địa bàn.

Tham quan không gian trưng bày, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời gian tới, cần tổ chức không gian trưng bày áo dài Huế tập trung để du khách có địa điểm tham quan, may đo áo dài, phát triển áo dài thành ngành kinh tế. Ngành văn hóa, ngành giáo dục của tỉnh cũng cần có hình thức giới thiệu áo dài truyền thống, áo dài ngũ thân trong chương trình giáo dục địa phương ở bậc phổ thông để giữ gìn bản sắc Huế. Ở bậc mầm non, có thể thí điểm cho các cháu ở các lớp lớn mặc áo dài một buổi mỗi tuần.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục Áo dài truyền thống, khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của Áo dài Việt Nam”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Mới đây, đầu tháng 12 vừa qua, hình ảnh lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo dài ngũ thân trao tặng Bằng khen “Học sinh danh dự toàn trường” cho 367 học sinh toàn tỉnh tại di tích Quốc Tử Giám đã tạo ấn tượng mạnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của áo dài truyền thống. Và 367 học sinh nổi bật, xuất sắc hôm đó cũng vinh dự đồng loạt mang áo dài truyền thống. Bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài Huế, áo dài truyền thống Việt Nam không chỉ dựa vào cán bộ công chức, những người làm văn hóa, mà còn có sự chung tay của cộng đồng và của thế hệ trẻ. (baovanhoa.vn 21/12)

 
 
 

2.  Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế năm 2020

“Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế năm 2020” do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khai mạc tại thành phố Huế vào tối 18-12. Ngày hội là dịp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy vị trí, vai trò Áo dài truyền thống Huế, Ẩm thực Huế trong đời sống văn hóa Huế; đồng thời tôn vinh những nghệ nhân may, nghệ nhân ẩm thực đang ngày đêm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản. Sự kiện cũng là bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài Huế và Ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Thông qua Ngày hội để khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của Áo dài Việt Nam, nơi còn lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian, góp phần xây dựng thành công thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam.

Ngày hội áo dài gồm nhiều hoạt động đặc sắc như quảng diễn Ngày hội Áo dài Huế kết hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống; trình diễn Áo dài truyền thống Huế cùng đội hình xích lô, giới thiệu các bộ sưu tập của nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may Áo dài xứ Huế; không gian trưng bày Áo dài truyền thống; tọa đàm với chủ đề: “Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại”. Ngoài ra còn có các hoạt động Áo dài cộng đồng, hoạt động hưởng ứng như quảng diễn, nhảy flashmob, sinh hoạt ngoại khóa… Ngày hội kéo dài đến ngày 20-12.

Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 thu hút khoảng 60 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay… Bên cạnh đó, Lễ hội còn có hoạt động biểu diễn, giới thiệu các món ăn độc đáo; bình chọn món ăn ngon nhất. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 23-12. (cadn.com.vn 21/12)

 
 
 

3.  Huế - Countdown 2021 sẽ diễn ra tại khu vực Ngã 6, đường Hùng Vương

UBND TP. Huế vừa thông tin, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình vừa có kết luận về thời gian, địa điểm tổ chức chương trình âm nhạc Huế - Countdown 2021 với chủ đề “Thắp sáng niềm tự hào Huế” sau khi nghe UBND TP. Huế báo cáo công tác chuẩn bị.

Theo đó, UBND TP. Huế được giao xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn phòng chống dịch COVID-19; tổ chức phân luồng giao thông, công tác truyền thông. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện đỗ, đậu xe đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân và du khách tham dự chương trình.

Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị tổ chức chức hoàn chỉnh các kịch bản; thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định về biểu diễn nghệ thuật, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ các hoạt động tại trung tâm đảm bảo phù hợp với không gian văn hóa và mỹ quan đô thị. Công an TP. Huế xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy nổ, phân luồng giao thông tại khu vực Ngã 6 và phụ cận trong suốt thời gian diễn ra chương trình...

Theo kế hoạch, chương trình có 3 phần, trong đó Phần 1 - Pride of Hue Values (từ 21 giờ đến 21 giờ 45) gồm phát biểu của lãnh đạo tỉnh, thành phố Huế, các tiết mục hát – múa nghệ thuật; Phần 2 – Celebrate the Pride – Countdown – Light up (từ 22 giờ đến 23 giờ 58) với tiết mục nhảy đèn, ánh sáng nghệ thuật, tương tác LED 3D, đặc biệt đến 23 giờ 58 sẽ là màn khoảnh khắc đếm ngược chào đón năm mới 2021; Phần 3– Light up Hue Pride (từ 0 giờ đến 0 giờ 30 rạng sáng 01/01/2021) với màn bắn pháo hoa nghệ thuật tầm thấp trong khoảng 3 phút, sau đó là khoảnh khắc giao thừa với màn biểu diễn DJ đẳng cấp, tạo nên khởi đầu đầy ấn tượng cho một năm mới. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế: Không khí mừng đón Giáng sinh năm 2020

Không khí mừng đón Giáng sinh 2020 đã tràn ngập khắp các xóm đạo, giáo xứ, nhà thờ và khu vực trung tâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các tiểu cảnh hang đá Giáng sinh, hình ảnh máng cỏ, cây thông Noel, hang Chúa hài đồng được trang hoàng lộng lẫy với những ánh đèn nhiều sắc lung linh huyền ảo đón chào mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.

Mặc dù những ngày qua, thời tiết có mưa kéo dài, tuy nhiên tại các nhà thờ lớn trên địa bàn TP. Huế như nhà thờ Phủ Cam, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế..., không khí chào đón Giáng sinh vẫn ngập tràn. (Ảnh giadinh.net.vn 21/12)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Cả nhà ở vùng cao cùng hiến máu

Nhà cách trung tâm huyện chừng hơn 30 cây số, nhưng gia đình có đến 8 thành viên cùng tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN). Bất kể tuổi tác, gái trai, con hay dâu, cứ đến đợt và đủ sức khỏe, họ lại nối gót nhau đến ngày hội hiến máu.

Đó là câu chuyện của gia đình ông Lê Văn Mưa (sinh năm 1972), người đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới. Căn nhà ông chẳng có gì đặc biệt, nhưng vô cùng dễ tìm. Bởi, cứ hỏi nhà ông Mưa hiến máu thì già trẻ ở xã vùng cao này đều chỉ được.

Cùng nhau hiến máu

Tôi gặp gia đình ông Lê Văn Mưa đúng vào ngày các thành viên trong nhà đội mưa đèo nhau tới ngày hội hiến máu. Ông Mưa bảo: “Người ra đi hiến máu chỉ 1 mình, còn nhà tôi nhiều người nên phải chở nhau mới đủ xe”.

Chuyện HMTN của gia đình ông Mưa bắt đầu từ năm 2016, khi xã Hương Nguyên có rất ít người hiến máu và được giao chỉ tiêu vận động. Ông Mưa kể: “Mỗi lần hiến máu, phải vượt qua 2 còn đèo Tà Lương và A Co với quãng đường dài hơn 30km để đến trung tâm thị trấn A Lưới. Đường xa, phương tiện hạn chế nên ít ai tham gia. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã tự nhủ, nếu mình không làm gương thì khó vận động nên tôi xung phong. Năm ấy, tôi hiến máu ở huyện, đứa con gái đầu hiến ở Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế”.

Sự khởi đầu của hai cha con ông Mưa làm cho những người trong gia đình học tập. Từ năm 2017, lần lượt vợ cùng những người con trong gia đình đăng ký tham gia HMTN. Không chỉ đứa con út vừa đủ 18 tuổi nối gót anh chị mà ngay cả người con dâu trong nhà cũng “nhập gia tùy tục”, xung phong HMTN. Chị Hồ Thị Bích Trâm, con dâu của ông Mưa kể: “Ban đầu mình hơi lo, nhưng thấy bố mẹ, anh chị em ai cũng tham gia nên mình thử. Bây giờ lại thấy đó là việc nên làm”.

Lật túi hồ sơ với 21 tờ chứng nhận tham gia HMTN, ông Mưa liệt kê: “Ngoài hai vợ chồng, đến nay cả 5 người con ruột cùng 1 người con dâu đã góp mặt trong danh sách tham gia hiến máu. Tôi hiến 5 lần, cháu Hương con đầu hiến đến 6 lần, còn lại mỗi người còn lại một vài lần vì các đợt hiến máu phải luân phiên nhau mới đủ xe lên huyện. Mỗi lần như thế, có người hiến 250ml máu, nhưng ai đủ sức khỏe theo yêu cầu thì đăng ký hiến 350ml máu. Nhà còn một người con dâu nữa, vừa qua mới cưới rồi mang thai nên chưa hiến máu được. Nhưng, cháu sẽ tham gia những đợt hiến máu tới”.

Mỗi người là một tuyên truyền viên

Điểm đặc biệt ở gia đình ông Mưa là tham gia phong trào HMTN tốt mà vận động người hiến máu cũng hay. Chẳng biết họ đã họp gia đình bao nhiêu lần để giải thích cho nhau ý nghĩa hiến máu mà khi tôi gặp riêng và hỏi bất kỳ thành viên nào trong nhà ông Mưa, họ đều có cùng câu trả lời: “Người giàu giúp xã hội bằng tiền, trời cho mình sức khỏe và máu sao lại không góp một chút nhỏ cho xã hội”. Câu trả lời ấy vừa tiết lộ mục đích và nguyên nhân họ tham gia hiến máu, nhưng ở xã Hương Nguyên, đó còn là câu tuyên truyền khá thuyết phục mà vợ chồng ông Mưa cùng những người con trao đổi với bà con bản làng.

Lê Văn Tuấn, con trai ông Mưa chia sẻ, ba Mưa làm hội chữ thập đỏ nên trong nhà ý thức nhiệm vụ phải góp sức tuyên truyền. Mỗi người hướng đến một đối tượng, tùy mối quan hệ hay dựa vào công việc cá nhân. “Đợt trước làm trong chi đoàn thanh niên thôn, em luôn vận động các đoàn viên tham gia. Nay, chuyển sang công việc khác, hễ gặp đối tượng phù hợp, em cũng khuyên họ góp sức”.

Ông Mưa và những người con từ chối nhận công lao vận động hiến máu khi nghe tôi khen, nhưng với số người hiến máu nâng lên ở một xã xa trung tâm huyện như Hương Nguyên (hiện nay đạt 80 – 90% so với chỉ tiêu) dù chưa phải tốt nhất cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Nói như cách của ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện A Lưới thì gia đình ông Mưa là gia đình đã có 5 năm hiến máu liên tục. Sự làm gương đã tạo sức lan tỏa cho phong trào ý nghĩa, vốn gặp ít nhiều khó khăn đối với bà con miền sơn cước. Còn theo ông Trần Ngọc Lân, người dân xã Hương Nguyên đã tham gia hiến máu, thì phải thấy người đi trước thành công, bà con mới mạnh dạn.

Tôi hỏi ông Mưa, điều gì làm ông vui nhất? Ngay lập tức, ông trả lời là sự hăng hái của người dân. Đã có những trường hợp người dân nhiều năm liên tiếp tham gia hiến máu. Nhiều người nay chỉ nghe báo tin có đợt hiến máu là sắp xếp công việc để tham gia.

Bên câu chuyện vui, ông Mưa vẫn nhắc lại nỗi trăn trở khi nhiều người vẫn chưa thể hiến máu vì cách trở địa lý, thiếu phương tiện khi đi xa. Để rồi, ngoài tiếp tục nỗ lực cùng gia đình hiến máu khi còn sức, ông đang tìm thêm những giải pháp cho những đợt hiến máu tới đây, nhiều người dân của xã sẽ lên thị trấn A Lưới hiến máu…

Liên tục từ năm 2016 đến nay, cá nhân ông Mưa và gia đình nhận được nhiều khen thưởng từ cấp xã đến cấp tỉnh về thành tích trong hoạt động nhân đạo và công tác chữ thập đỏ, hiến máu tình nguyện. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  TS. Phan Khoa Cương là Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế

Chiều 21/12, tại Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế diễn ra lễ công bố Quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tại buổi lễ, đại diện Hội đồng ĐH Huế đã công bố Quyết định số 967/QĐ-ĐHH (ngày 10/7/2020) về việc công nhận Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quyết định số 80/QĐ-HĐĐH (ngày 7/12/2020) công nhận Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo các Quyết định trên, Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 15 thành viên. Ông Phan Khoa Cương, Tiến sĩ, Giảng viên chính, Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế được công nhận Chủ tịch Hội đồng trường.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Chủ tịch Hội đồng ĐH, Giám đốc ĐH Huế đề nghị Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế cùng các thành viên Hội đồng trường tiến hành hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chăm lo phát triển các hoạt động của nhà trường, xây dựng trường ngày càng phát triển hơn.

Trên cương vị mới, TS. Phan Khoa Cương quyết tâm cùng tập thể Hội đồng trường tập trung xây dựng chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu trở thành một trong những đơn vị uy tín trong đào tạo kinh tế và quản lý của cả nước cũng như khu vực… (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

2.  Khi học sinh làm chủ sân chơi học đường

Mô hình câu lạc bộ (CLB) trong trường học đã trở nên phổ biến gần đây, đặc biệt là tại các trường THPT. Dưới sự quản lý của Đoàn trường, các CLB trở thành một sân chơi để các bạn học sinh thể hiện bản thân; đồng thời, rèn luyện khả năng làm việc nhóm cũng như các kỹ năng mềm khác.

CLB âm nhạc Trường THCS Điền Hải (huyện Phong Điền) được thành lập vào năm 2018, thu hút nhiều học sinh tham gia. Các thành viên trong CLB chủ yếu là những em có năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc cùng một số thầy cô giáo trong trường. Các em có thể tập một bài hát mới, độc tấu đàn ghi ta hay organ hoặc luyện thanh cho một thành viên mới. Hoạt động của CLB thật sự tạo ra sân chơi tập thể, giúp học sinh giải trí sau những buổi học trên lớp, làm khởi sắc đời sống tinh thần trong một ngôi trường còn nhiều khó khăn.

Từ các CLB, rất nhiều bạn học sinh đã tìm thấy những người có cùng sở thích, đam mê và từ đó trở nên thân thiết, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Nguyễn Xuân Tùng, thành viên CLB tranh biện Trường THPT chuyên Quốc Học, cũng là một trường hợp như thế. Là một người vui vẻ, thích tìm tòi và giải thích cho những vấn đề, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, nên từ lúc đến với CLB tranh biện, Tùng đã tìm thấy sở thích của bản thân, cũng như có thêm những người bạn mới.

Trường THPT chuyên Quốc Học là một trong những trường đi đầu về việc xây dựng hệ thống các CLB trong trường học. Theo cô Dương Thị Quỳnh Châu, Bí thư Đoàn trường, hiện Trường THPT chuyên Quốc Học có 23 CLB với hơn 100 học sinh và trải đều cả ba khối 10, 11, 12. Các CLB luôn có kế hoạch hoạt động rõ ràng trong mỗi năm học và được tổ chức quy củ, phân chia thành từng ban trong mỗi CLB để tối ưu hóa hoạt động. Các CLB cho thấy bản sắc riêng để thu hút thêm thành viên. Nhiều hoạt động do các CLB tổ chức một cách chuyên nghiệp cũng giúp các bạn cải thiện tác phong trong làm việc và sinh hoạt, có trách nhiệm với công việc, học hành...

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng, việc thành lập các CLB giúp các bạn học sinh có cơ hội làm quen, giao lưu và cùng giúp nhau tiến bộ. Trong trường hiện có nhiều CLB về học thuật cũng như sở thích. Các CLB này có số lượng thành viên đông đảo và thường sinh hoạt một đến hai buổi trong tuần. “Những năm trước đây, học sinh không có môi trường để phát huy hết những điểm mạnh của mình. Các hoạt động ngoại khóa cũng ít và các em không có cơ hội thể hiện khả năng. Tuy nhiên, với sự hình thành các CLB trong trường giúp các em nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ, những đam mê của mình”, cô Hà nhấn mạnh.

Các CLB mang đến nhiều nét tích cực cho sinh hoạt học đường, nhưng cô Châu vẫn có nhiều trăn trở. Việc một số CLB chưa thật sự có mô hình, định hướng đúng đắn, tuyển thành viên chưa thật sự tốt khiến cho chất lượng của các hoạt động do CLB tổ chức thiếu tính sáng tạo và chất lượng cần thiết, làm giảm tính trải nghiệm. Một số CLB còn chồng chéo, trùng lặp về hoạt động, đôi khi xảy ra những mâu thuẫn không đáng có. “Mỗi lúc xảy ra mâu thuẫn giữa các CLB, thì thành viên của các CLB cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Các em hiện nay có cái “tôi” lớn, nếu mâu thuẫn rất dễ dẫn tới xích mích và sứt mẻ tình bạn. Tuy nhiên, đó là những sự việc rất hy hữu.

Mô hình CLB đã giúp Đoàn trường phát hiện những nhân tố mới, tìm đúng người, giao đúng việc để khích lệ tinh thần sáng tạo, tự chủ của học sinh trong các hoạt động của nhà trường. Nhờ có lực lượng nòng cốt là thành viên của các CLB, các chương trình, nội dung sinh hoạt Đoàn, hoạt động ngoại khóa tại các trường ngày càng sôi nổi, thiết thực, tạo môi trường mới mẻ cho các em phát huy sở trường, rèn luyện kỹ năng mềm, tăng thêm hiểu biết về các vấn đề xã hội và tự tin theo đuổi ước mơ để ba năm “thanh xuân” thêm phần ý nghĩa. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Miền núi Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rau, hoa trong nhà kính được đầu tư bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở khu vực miền núi của Thừa Thiên Huế.

Năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện Đề án này, những năm qua, các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương. Thực tế cho thấy, những mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rau, hoa trong nhà kính được đầu tư bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở khu vực miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Văn Phụng (ở thôn 10, xã Hương Xuân, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đất hơn 1.000 mét vuông. Mô hình nhà kính được ông Phụng thiết kế, xây dựng bài bản, xung quanh bao bọc bằng lưới chống côn trùng, bên trong có hệ thống thông gió, điện chiếu sáng, phun tưới tự động,… Ngoài ra, gia đình ông còn sắm sửa máy cày, máy phát điện để phục vụ sản xuất. Hiện, gia đình ông Phụng đã thu hoạch vụ rau đầu tiên thu về 35 triệu đồng chỉ trong thời gian hơn 1 tháng.

Ông Nguyễn Văn Phụng tính toán, với quy mô sản xuất mỗi năm hơn 10 vụ rau và hoa, gia đình ông có thể thu về từ 450 đến 500 triệu đồng: “Đầu tư vào nhà màng này rất hiệu quả. Thứ nhất là các loại rau, hoa khi trồng không bị sâu bệnh, thứ hai là tất cả các mầm mống sâu bệnh thì mình đã loại trừ hết, thứ ba là rất chủ động về thời tiết, mưa nắng rau đều phát triển tốt, đều đẹp,… Cho nên cây rau rất đẹp, đều và không bị sâu bệnh”.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Tân (ở huyện Nam Đông) được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tân kể, những năm trước đây, gia đình ông trồng rau, hoa ngoài trời, mùa mưa lạnh, cây không thể phát triển, thường xuyên thất thu. Đầu năm nay, từ nguồn vốn của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Tân đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng nhà kính trồng rau, hoa trên diện tích 1.100 m2. Theo ông Nguyễn Văn Tân, trồng rau, hoa trong nhà, kính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khắc phục được điều kiện khí hậu thời tiết thất thường ở khu vực miền núi Thừa Thiên Huế, sản phẩm rau đạt chất lượng, an toàn với người sử dụng.

 “Nhà kính gia đình tôi làm xong trước cơn bão số 9, gia đình tôi trồng được một lứa rau cải, rau phát triển tốt, bán lứa đầu tiên được 70.000 đồng/kg, thời vụ trúng thời điểm bão xảy ra và sau đó quay lại trồng lứa thứ hai. Để phục vụ thời điểm Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã đầu tư trồng hoa ly và hoa cúc, cúc trồng được 15.000 cây, hoa ly đã mua giống hơn 12 triệu đồng. Với khí hậu như hiện nay thì tôi không sợ, vì tôi đã đâu tư xây dựng nhà kính rồi”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, 5 năm qua, huyện Nam Đông đã xây dựng 10 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi mô hình được đầu tư từ 1 đến 2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 500 triệu đồng.

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

 “Về hiệu quả trước mắt đã có việc đánh giá hết sức cụ thể trong các đợt báo cáo điển hình tổng kết sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện cũng như ở tỉnh. Bà con thấy có hiệu quả về kinh tế, nên tìm hiểu và làm bằng được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện tốt chính sách của tỉnh, đảm bảo duy trì mô hình đã làm trước sao cho có hiệu quả thật sự. Từ đó, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần vào việc xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn huyện Nam Đông”, ông Lê Thanh Hồ phấn khởi nói.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng 50 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, đã có hàng chục mô hình chăn nuôi heo, bò, trồng rau, hoa, dưa lưới trong nhà kính được triển khai hiệu quả, trong đó, nhiều mô hình thu nhập mỗi năm 500 triệu đến gần 2 tỷ đồng.

 “Hai năm trở lại đây, các đối tượng tham gia đầu tư theo Chính sách 32 ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp nhiều hơn. Đối với các dự án đã được đầu tư đến nay tất cả đều được duy trì và hoạt động tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025. Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao này thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu sản xuất chất lượng, nâng cao giá trị, gia tăng trong sản xuất nông nghiệp”, ông Hồ Vang cho biết thêm.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân, các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao. Tỉnh cũng tập trung xây dựng các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân./. (vov.vn 22/12)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Gần một tỷ đồng tiền thưởng tại VnExpress Marathon Huế

Tổng giá trị giải thưởng tại VnExpress Marathon Huế gần một tỷ đồng, trong đó trao thêm nhiều giải cho các chân chạy phong trào, người lớn tuổi.

Tương tự giải chạy đêm Hà Nội cuối tháng 11, ban tổ chức VnExpress Marathon Huế 2020 mở rộng cơ cấu giải thưởng, trao đến 96 giải, với tổng giá trị 976 triệu đồng. Trong đó 419 triệu đồng tiền mặt và 557 triệu đồng hiện vật.

Cự ly 42 km và 21 km - cung đường mang tính thách thức với mọi runner - tăng đến 5 giải (từ giải nhất đến giải năm, thay vì nhất, nhì, ba như các giải khác), chia đều theo ba nhóm tuổi phổ biến. Ban tổ chức cũng trao thêm giải thưởng cho lứa tuổi ngoài 50 nhằm khuyến khích tinh thần, sự nỗ lực của vận động viên.

Cụ thể, cự ly full marathon có đến 42 giải gồm: 6 giải chung cuộc; 30 giải chia theo lứa tuổi và 6 giải cho lứa tuổi 50.

Giải Nhất nam/nữ chung cuộc đều nhận mỗi người 38,5 triệu đồng, trong đó 12 triệu đồng tiền mặt và 26,5 triệu hiện vật (gồm một điện thoại BKAV Bphone B86s, đồng hồ Tissot Veloci T-Gen/Lady và gói bảo hiểm PVI một năm).

Giải Nhì nam/nữ chung cuộc nhận 26,5 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng tiền mặt và 16,5 triệu hiện vật (gồm đồng hồ Tissot Odaci-T/T-Trax, một phiếu mua hàng tại Nike và gói bảo hiểm PVI một năm).

Giải Ba nam/nữ chung cuộc nhận mỗi người 19 triệu đồng, trong đó 8 triệu tiền mặt và 11 triệu hiện vật (gồm đồng hồ Tissot PR100 Chrono và gói bảo hiểm PVI một năm).

Phần thưởng theo lứa tuổi ở cự ly full marathon có 30 giải, chia đều theo ba nhóm: dưới 30 tuổi; 31-39 tuổi; 40-49 tuổi. Theo đó, giải Nhất nam/nữ nhận 19 triệu đồng, gồm 7 triệu tiền mặt và 12 triệu hiện vật (điện thoại Bphone 3 Pro, một phiếu mua hàng tại Nike và gói bảo hiểm PVI một năm). Giải Nhì nam/nữ nhận 16 triệu đồng, gồm 6 triệu tiền mặt và 10 triệu hiện vật (điện thoại Bphone 3 Pro). Giải Ba nam/nữ mỗi người nhận 15 triệu, gồm 5 triệu tiền mặt và 10 triệu hiện vật (điện thoại Bphone 3 Pro). Giải Bốn nam/nữ nhận 8 triệu đồng, gồm 4 triệu tiền mặt và 4 triệu hiện vật (phiếu mua hàng tại Nike). Giải Năm nam/nữ nhận 5 triệu đồng, với 3 triệu tiền mặt và 2 triệu hiện vật (phiếu mua hàng tại Nike).

Nhóm tuổi trên 50 cự ly full marathon có 6 giải. Nhất nam/nữ nhận 8 triệu đồng, trong đó 3 triệu tiền mặt và 5 triệu hiện vật (voucher mua hàng tại Nike). Nhì nam/nữ nhận 5,5 triệu, gồm 1,5 triệu tiền mặt và 4 triệu hiện vật (voucher Nike). Ba nam/nữ nhận 3,5 triệu, gồm 1 triệu tiền mặt và 2,5 triệu hiện vật (voucher Nike).

Ban tổ chức cho biết việc chia nhỏ số lượng giải thưởng đem đến cơ hội cho các vận động viên bán chuyên, không chuyên và chân chạy ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Đại Nội, chùa Thiên Mụ, trường Quốc Học cùng xuất hiện trên thiết kế hình chiếc quạt của tấm huy chương VnExpress Marathon Huế 2020.

Tương tự, cự ly 21 km cũng có 42 giải: 6 giải chung cuộc; 30 giải theo lứa tuổi và 6 giải cho runner ngoài 50 tuổi. Mỗi vận động viên chỉ được nhận một giải thưởng, tức runner đã nhận giải chung cuộc sẽ không nhận giải theo nhóm tuổi.

 

Nhất nam/nữ chung cuộc nhận 9 triệu tiền mặt và 15 triệu hiện vật. Nhì nam/nữ chung cuộc được trao 8 triệu tiền mặt và 12,5 triệu đồng hiện vật. Ba nam/nữ chung cuộc nhận 7 triệu tiền mặt và 9 triệu hiện vật.

Phần thưởng theo lứa tuổi ở cự ly 21 km chia đều theo ba nhóm: dưới 30 tuổi; 31-39 tuổi; 40-49 tuổi. Nhất nam/nữ nhận 5 triệu tiền mặt, 10 triệu hiện vật. Nhì nam/nữ được trao 4 triệu tiền mặt, 3 triệu hiện vật. Giải Ba nam/nữ nhận 3 triệu tiền mặt, 3 triệu hiện vật. Giải Bốn nam/nữ nhận 3 triệu tiền mặt. Giải Năm nam/nữ mỗi người nhận 2,5 triệu tiền mặt.

Nhất nam/nữ cự ly 21 km ở lứa tuổi ngoài 50 nhận 2 triệu đồng tiền mặt và 4 triệu hiện vật. Nhì nam/nữ nhận 1 triệu tiền mặt và 2 triệu hiện vật. Giải Ba nam/nữ nhận mỗi người 500.000 đồng và 2,5 triệu hiện vật.

Cự ly 10 km có 6 giải. Nhất nam/nữ nhận 4 triệu tiền mặt và 4 triệu hiện vật. Nhì nam/nữ phần thưởng là 4 triệu đồng tiền mặt. Giải Ba nam/nữ nhận tiền mặt 3 triệu đồng.

Cự ly 5 km cũng chia thành 6 giải. Nhất nam/nữ nhận 3 triệu tiền mặt và 3 triệu hiện vật. Nhì nam/nữ phần thưởng là 3 triệu đồng tiền mặt. Giải Ba nam/nữ nhận tiền mặt 2 triệu đồng.

Hoàn thành đường đua, tất cả vận động viên sẽ nhận huy chương. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hơn 4.000 vận động viên, dọc đường chạy, ban tổ chức bố trí 11 điểm tiếp nước, biển chỉ dẫn, thiết bị đo kết quả... Tính trung bình cứ 2 km sẽ có một điểm tiếp nước. Công tác y tế cũng được chú trọng với 6 điểm y tế cố định và nhiều điểm di động.

VnExpress Marathon Huế 2020 diễn ra ngày 27/12, gồm 4 cự ly gồm 5 km, 10 km, 21 km và 42 km. Điểm xuất phát và về đích cả bốn cự ly ở đường Lê Duẩn - giữa Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình - hai công trình của triều Nguyễn in trên tờ 50.000 đồng.

Hàng nghìn runner chạy qua nhiều di tích, lăng tẩm và những cung đường rợp bóng cây xanh như: chùa Thiên Mụ, Đại nội, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền, trường THPT Quốc Học Huế và Hai Bà Trưng... VĐV và gia đình cũng có thể kết hợp tham quan, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đất cố đô. Runner có thể theo dõi cung đường đã công bố để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Giải chạy do VnExpress phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 27/12, với mong muốn mở ra sân chơi lành mạnh cho người yêu thể thao, nhất là chạy bộ. Độc giả có thể cập nhật nhanh các thông tin về giải chạy qua Fanpage VnExpress Marathon Huế. Đồng hành giải chạy là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). (vnexpress.net 21/12)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines về căn cứ ở Huế

Chiếc máy bay Airbus A321 CEO đầu tiên của Hãng hàng không Vietravel Airlines đã hạ cánh thành công xuống sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) - sân bay được hãng chọn làm căn cứ.

Tối 21-12, Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines đến sân bay quốc tế Phú Bài - nơi được chọn làm căn cứ của hãng.

Hơn 20h30 tối, chiếc máy bay Airbus A321 CEO cùng phi hành đoàn đã hạ cánh xuống sân bay Phú Bài trong mưa lạnh. Đón đoàn là lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Vietravel Holdings (chủ đầu tư của Vietravel Airlines).

Máy bay Airbus A321 CEO có sức chứa lên đến 220 ghế, tầm bay tối đa là 5.950km, chiều dài thân máy bay 44,51m và sải cánh 35,8m.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines - cho biết trong tháng 12 này Vietravel Airlines đã nhanh chóng hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đội máy bay với 3 máy bay A321 CEO. Dự kiến 2 máy bay còn lại sẽ về Việt Nam vào ngày 24 hoặc 25-12-2020 và 10-1-2021.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sự kiện máy bay A321 CEO của Vietravel Airlines lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phú Bài đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông nói tỉnh cam kết sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất để Vietravel triển khai nhanh, đúng thời hạn tiến độ các dự án đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tạo thêm động lực đưa ngành du lịch - dịch vụ của tỉnh phục hồi nhanh chóng ngay sau dịch COVID-19. (tuoitre.vn 21/12)

 
 
 

2.  Tàu bay Vietravel Airlines lần đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Tối 21/12, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) tổ chức lễ đón tàu bay A321 CEO lần đầu tiên hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (sân bay căn cứ của Vietravel Airlines).

Trong tháng 12, Vietravel Airlines đã nhanh chóng hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đội máy bay với 3 tàu bay A321 CEO. Tàu bay đầu tiên đã về Việt Nam ngày 5/12; các tàu bay tiếp theo dự kiến sẽ về vào ngày 24 - 25/12 và 10/1/2021.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho biết: “Dự án hàng không là nhân tố quan trọng trong chuỗi các hạng mục đầu tư quy mô của tập đoàn tại TP. Huế. Vietravel Holdings đảm bảo quá trình hoạt động có sự liên kết chặt chẽ cùng các tổ chức, cơ quan ban ngành địa phương, nhằm xây dựng nên hệ sinh thái du lịch - hàng không hoàn chỉnh, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển du lịch nước nhà nói chung, và du lịch Huế nói riêng”.

Có mặt tại buổi đón tàu bay Vietravel Airlines, thay mặt lãnh đạo tỉnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, sự kiện tàu bay A321 CEO lần đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bằng việc chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài là sân bay căn cứ của Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với quy mô đang được đầu tư đạt chuẩn Quốc tế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng Vietravel Airlines, tuy là một hãng hàng không mới ra đời nhưng sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách bằng sự phục vụ chuyên nghiệp và tận tâm.

“Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, cam kết sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất để Vietravel triển khai nhanh, đúng thời hạn tiến độ các dự án đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tạo thêm động lực đưa ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh phục hồi nhanh chóng ngay sau dịch COVID-19”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Xử lý nghiêm hành vi giả mạo trang mạng xã hội Hue-S

Chiều 21/12, cơ quan chức năng đã mời làm việc với một cá nhân để làm rõ hành vi giả mạo tài khoản trang mạng xã hội của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh - Hue-S.

Với mục đích phục vụ cho người dân được tốt hơn, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đã xây dựng trang mạng xã hội tiếp nhận các phản ánh kiến nghị, cung cấp thông tin chính thống và tương tác với người dân...

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trang mạng giả mạo Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Hue-S).

Chiều 21/12, Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã điều tra, xác minh hành vi vi phạm của ông T.T.V trú tại huyện Phong Điền.

Qua điều tra xác minh, ông T.T.V đã thừa nhận, trước đó vào ngày 21/10/2020 đã sử dụng logo “Hue-S” để tạo lập một fanpage, tiến hành thu thập, sử dụng thông tin, hình ảnh từ fanpage Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, đăng tải lên fanpage có địa chỉ truy cập: https://www.facebook.com/dichvudothithongminh mà không được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.

Hiện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đấu tranh, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giám đốc IOC - Nguyễn Dương Anh cho biết, các trang thông tin chính thức của IOC như sau:

Cổng thông tin tương tác “Hue-S”: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn

Facebook: Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Địa chỉ truy cập đã được Facebook cấp huy hiệu xác minh tính xác thực (tích xanh)

Zalo Offical Account: Trung tâm HueIOC

Địa chỉ truy cập: https://zalo.me/4093511521399696640

Ngoài ra không có thêm một tài khoản nào của IOC. Mọi tài khoản khác đều là giả mạo. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

2.  QLTT Thừa Thiên Huế: Tạm giữ lô rượu ngoại trị giá hơn 1 tỷ đồng

Toàn bộ số rượu ngoại nhập bị tạm giữ không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu, được tập kết tại TP. Huế và hiện chưa xác định được chủ sở hữu lô hàng.

Ngày 19/12, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế) đã tiến hành khám 44 thùng hàng tập kết tại trước mặt lô số 26A, khu quy hoạch Hương Sơ, TP. Huế. Sau khi kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện tại đây có 120 chai rượu nhãn hiệu Chivas Regan 25 Years, loại 70cl/700ml và 240 chai nhãn hiệu Royal Salute 21 Yeays, loại 70cl/700ml.

Toàn bộ số rượu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu. Theo biên bản khảo sát giá, tổng trị giá lô hàng là hơn 1 tỷ đồng.

Hiện, Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số rượu nói trên, đồng thời tiến hành thẩm tra, xác minh làm rõ, thông báo tìm chủ sở hữu của lô hàng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Phan Văn Tâm - Đội trưởng Đội QLTT số 2 - cho biết, cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu mở rộng hoạt động, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. “Để ngăn chặn tình trạng này, lãnh đạo Cục QLTT Thừa Thiên Huế chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhậu lậu”, ông Tâm cho biết thêm.(congthuong.vn 21/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Đa dạng dòng vốn tái phục hồi kinh tế sau thiên tai

Hiện các TCTD đang tiếp tục hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. (Video baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

2.  Nhiều lợi ích từ chuỗi liên kết thực phẩm an toàn

Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” (đề án chuỗi) trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của các địa phương thông qua đổi mới tổ chức sản xuất.

Phát triển mô hình chuỗi

Mô hình trồng hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 17 ha tại phường Hương An (Hương Trà) thực sự là bước đi để sản phẩm mang tính hàng hóa, xây dựng được thương hiệu và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Mô hình này hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp KHKT vào canh tác, ứng dụng một số phương pháp phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương.

Toàn phường Hương An có khoảng 80ha hành lá với hơn 800 hộ dân của 7 tổ dân phố tham gia trồng. Mỗi năm người dân nơi đây trồng được 4 vụ, cho thu nhập bình quân khoảng 120- 150 triệu đồng/ha. Thu nhập từ cây hành mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Hương An.

Năm 2016, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh (CCQLCLNLTS, Sở NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất hành lá theo hướng dẫn VietGAP cho 80 hộ dân tham gia trồng ở Hương An.

HTX NN Hương An phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế tập huấn kỹ thuật trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Đến nay, đã có 178 hộ tham gia thực hiện mô hình sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 17 ha.

Mô hình đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, phường Hương An đã có những bước đi mạnh dạn nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương, đó là đang dần dần hình thành khu vực nhà sơ chế để thu gom hành lá bán tươi, tiến đến hoạt động chế biến hành khô để mở rộng tiêu thụ.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở NN&PTNT tập trung nguồn lực và kinh phí hỗ trợ phát triển mô hình chuỗi tại địa phương, đưa số mô hình chuỗi được xác nhận lên 8 mô hình và 18 sản phẩm, đặc biệt có 1 mô hình chuỗi cho 5 sản phẩm (mô hình chuỗi thịt heo của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Quế Lâm gồm 5 sản phẩm là thịt heo, chà bông, chả, ram cuốn, xúc xích từ thịt heo).

Ngoài hành lá Hương An, còn có các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP như thịt gà và thịt lợn với sản lượng 30.000 con gà, 500 con lợn/năm cho 5 hộ gia đình, được chứng nhận 2018; mô hình bưởi thanh trà, diện tích 8 ha tại phường Thủy Biều, TP. Huế, được chứng nhận năm 2019; mô hình chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn HACCP (áp dụng đối với cơ sở chế biến nước mắm) với sản lượng 350 tấn/năm, được chứng nhận 2019 và mô hình chế biến nông sản đối với cơ sở sản xuất cà phê, được chứng nhận 2019.

Nhiều lợi ích

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLTS đánh giá, các mô hình chuỗi được hình thành trong thời gian ngắn 2016-2020 tại địa phương là kết quả sự nỗ lực rất lớn của các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), muốn tạo thêm uy tín đối với sản phẩm mà mình cung ứng ra thị trường. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì chủ thể tham gia thể hiện rất cao sự hợp tác trong xây dựng các mô hình, từ đó thu hút một lượng lớn các tác nhân đơn lẻ tham gia cung ứng vào mô hình chuỗi sản phẩm an toàn.

Đề án chuỗi được triển khai góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATTP các tác nhân tham gia chuỗi. Đặc biệt, người sản xuất được đảm bảo giá trị sản phẩm hàng hóa nên tuân thủ tốt các quy tắc giao ước cung cấp hàng hóa cho nhà kinh doanh, đầu ra được đảm bảo là động lực để bà con tập trung sản xuất và canh tác tốt.

Theo đó, người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, phân biệt được sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi với sản phẩm khác để quyết định lựa chọn mua sản phẩm để sử dụng; người SXKD tăng sản lượng và giá trị SXKD, ổn định sản xuất và phát triển bền vững; cơ quan quản lý, kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình SXKD thực phẩm nông lâm thủy sản theo nguyên tắc từ “trang trại tới bàn ăn” và truy xuất được nguồn gốc, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tham gia chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên kết trong các HTX, tổ hợp tác, trang trại gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, kênh phân phối, mạng lưới phân phối tiêu thụ. Mô hình chuỗi được hình thành đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các thành viên thông qua hợp đồng mua bán và trách nhiệm cung ứng thực phẩm an toàn ra thị trường.

Quản lý trên cơ sở phân tích nguy cơ, đánh giá phân loại nguy cơ mất ATTP tại các công đoạn SXKD trong chuỗi để nhận diện rõ nguy cơ và tập trung nguồn lực, kiểm soát hiệu quả tại từng công đoạn và toàn bộ chuỗi. Phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý đảm bảo ATTP ở các công đoạn trong chuỗi và phối hợp trong toàn chuỗi. Cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao giá trị thực phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn có kiểm soát, minh bạch thông tin, quảng bá các địa chỉ bán sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi.

Theo CCQLCLNLTTS, kinh phí phân tích mẫu kiểm nghiệm sản phẩm an toàn là vấn đề khá khó khăn đối với DN lẫn cơ quan quản lý. DN thì e ngại đối với kinh phí kiểm nghiệm cao (khoảng 3 triệu đồng/mẫu kiểm nghiệm) nên chưa mạnh dạn đăng ký xác nhận chuỗi cho nhiều sản phẩm bày bán. Cơ quan quản lý thì được cấp kinh phí hậu kiểm mẫu sau xác nhận rất hạn chế nên công tác giám sát, kiểm tra chưa được liên tục. (baothuathienhue.vn 22/12)

 
 
 

3.  Giải bài toán hài hoà giữa bảo tồn và phát triển để thu hút nhà đầu tư đến Huế

Theo các chuyên gia, bài toán giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu tư dè dặt khi đến với Huế. Giờ là lúc xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư bất động sản hợp lý, phát triển Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo “Bất động sản gắn với đô thị Di sản Huế”, để đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi; tìm giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn bó bền vững với đô thị di sản Huế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực, gồm: Thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây.

Riêng mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

“Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa sẽ là cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội. Một đô thị đặc thù được hình thành sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời giữ gìn được những nét đẹp, những giá trị về văn hóa. Người dân các địa phương, trong nước và quốc tế không chỉ đến Huế tham quan du lịch mà còn tìm kiếm các cơ hội hợp tác và gắn bó với Huế lâu dài”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, kỳ vọng.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, bài toán hóc búa về giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu tư rất dè dặt, e ngại khi đến với Huế. Đã nhiều năm trước đây, TP. Huế “thiếu vắng” những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn; trong lúc khu vực các đô thị mới manh nha chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể để hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường bất động sản ở Thừa Thiên Huế gần như bị đóng băng.

“Tuy nhiên, thị trường bị đóng băng vừa là một thiệt thòi, nhưng lại là một may mắn, tránh cho đô thị di sản Huế khỏi bị xé nát bởi những công trình bất động sản thô bạo. Đồng thời, vẫn để mở cơ hội cho Thừa Thiên Huế xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư phát triển bất động sản hợp lý, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển TP. Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản - văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá.

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. (Ảnh: Nông Thanh Toàn)

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. (Ảnh: Nông Thanh Toàn)

Tiến sĩ khoa học - Kiến trúc sư (TSKH - KTS) Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung của Đô thị Thừa Thiên Huế.

Vì thế, các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án phải bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị. Bảo tồn không cản trở phát triển, nhưng đồng thời phải xác định phát triển đô thị mới sẽ góp phần gián tiếp bảo tồn di sản.

“Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử. Càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng – điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam, mà nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo.

Cũng theo TSKH. Ngô Viết Nam Sơn, việc phát triển Thừa Thiên Huế thành Đô thị Di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách cho việc phát triển các dự án bất động sản trong thời gian tới.

Từ đó, ông cho rằng, chính quyền địa phương cần khuyến khích và thu hút những dự án đem lại các cơ hội việc làm thu nhập cao cho các khu đô thị mới tiềm năng trong tương lai. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư ứng vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh cho cả trong ranh dự án và các tuyến đường kết nối và bao quanh, đổi lấy các ưu đãi về đầu tư và vận hành dự án.

“Đồng thời, các nhà đầu tư cần chung tay với chính quyền trong việc vận động chính sách và xây dựng sớm hạ tầng kết nối vùng để tạo nền tảng cho các hoạt động liên kết về kinh tế xã hội. Cạnh đó cần nắm bắt các cơ hội đầu tư xây dựng giúp Thừa Thiên Huế hình thành các khu đô thị đa bản sắc, phục vụ nhu cầu sống và làm việc đa dạng khác nhau của nhiều nhóm cộng đồng tại các khu đô thị”, TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, cho rằng phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng theo lợi thế so sánh của Huế. Hiện các dự án bất động sản ở Huế hiện vẫn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét “di sản Huế”.

“Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, thành phần tư nhân giữ vai trò chủ đạo, nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát; Tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương, cải thiện được sinh kế và chất lượng sống của họ”, TS. Nguyễn Đình Cung, nhấn mạnh. (doanhnghiepvn.vn 21/12)

 
 
 

4.  Dồn sức hỗ trợ sinh kế

Đồng hành cùng hội viên khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế sau bão lụt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang dồn sức hỗ trợ sinh kế.

Tín hiệu vui

Tranh thủ trời tạnh ráo, chị Lê Thị Phượng ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương, huyện Phong Điền thả đàn dê 30 con lên đồi kiếm ăn. Chị kể, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng 5 triệu đồng để tạo sinh kế, chị vay thêm vốn ngân hàng qua kênh phụ nữ để đầu tư gần chục con dê, bù số dê bị chết do lũ trước đó và mua thêm 12 con heo giống. Ngoài ra, 9 con heo thịt thoát lũ kịp thời nay sắp xuất chuồng. "Chỉ mong thời tiết thuận lợi để đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, sớm bù lại thiệt hại do lũ lụt gây ra", chị Phượng tâm sự.

Vừa đủ chỉ tiêu thoát nghèo vào đầu tháng này, chị Hồ Thị Mừng ở thôn Phú Lộc, xã Phong Chương thành thật: “Đây là kết quả nỗ lực của bản thân gia đình tôi và có sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ”.

Đầu năm nay, chị Mừng được Hội LHPN huyện Phong Điền hỗ trợ làm nhà vệ sinh đạt chuẩn. Trước đó, chị được Hội LHPN xã tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh phụ nữ và được Chi hội Phụ nữ thôn Phú Lộc cho mượn tiền từ Quỹ tiết kiệm tại chỗ để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Gần đây, khi được Trung ương Hội hỗ trợ 5 triệu đồng tạo sinh kế, chị Mừng mua thêm 100 con gà giống để tăng đàn. Chị chia sẻ: "Không phụ lòng của các cấp hội, tôi không ngại khó, ngại khổ, dành hết thời gian chăn nuôi thật tốt, nhờ vậy đã thoát nghèo".

Chị Nguyễn Thị Linh Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Chương thông tin, năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, song Hội LHPN xã đã giúp được 5 hội viên thoát nghèo, vượt chỉ tiêu so với hội cấp trên đề ra và cũng vượt so với năm trước. “Vinh dự được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về thăm, tặng quà và trao kinh phí hỗ trợ sinh kế, chị em hội viên ai cũng phấn khởi, thi đua sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả”, chị Nhâm cho biết.

Được Trung ương Hội hỗ trợ, những đàn gà, lứa heo cũng đang được nhiều hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà chăm sóc, phát triển tốt.

Theo chị Đặng Đỗ Liên Chi, Chánh Văn  phòng Hội LHPN tỉnh, với số tiền và quà tặng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong chuyến thăm đầu tháng 11/2020, Hội đã dành một phần kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và các cấp hội đã đôn đốc, hướng dẫn để nguồn sinh kế phát huy hiệu quả. Qua hơn một tháng được hỗ trợ, hầu hết các chị đều sử dụng đúng mục đích.

Tranh thủ nhiều nguồn

Trong chuyến thăm, tặng quà vừa qua trên địa bàn tỉnh, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Nguồn hỗ trợ sinh kế của Trung ương Hội chỉ là bước đệm khởi đầu, các cấp hội trong tỉnh cần linh hoạt, vận động nhiều nguồn lực khác nhau để tập trung thực hiện, giúp hội viên vượt khó, ổn định sản xuất”.

Từ sự chỉ đạo đó, Hội LHPN tỉnh và các đơn vị cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện. Trong tháng 12 này, Hội LHPN tỉnh đã tiến hành trao 1.000 con gà giống 1 tháng tuổi đã qua kiểm dịch, trị giá 30 triệu đồng cho các hội viên xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Hoạt động này mở đầu cho mô hình “Hỗ trợ sinh kế giúp hội viên khôi phục sản xuất” của Hội LHPN tỉnh. Mô hình được thực hiện với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, trích từ nguồn của Tỉnh hội và quyên góp vận động được. Để mô hình thành công, Tỉnh hội đã có kế hoạch trao toàn bộ sinh kế trong tháng 12 này theo nhu cầu từ cơ sở đề xuất, kèm theo cam kết sinh kế được trao phải phát huy hiệu quả theo thời gian quy định. Trong đó, ưu tiên cho hội viên nghèo, khó khăn tại các địa phương bị thiệt hại nhiều do thiên tai.

Tỉnh hội Phụ nữ cũng đã kết nối và được Tổ chức trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ 50 ngàn USD để thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ phát triển bền vững sau bão lũ. Gói hỗ trợ bao gồm nhiều nội dung, trong đó tập trung hỗ trợ sinh kế bền vững như dạy nghề gắn với tạo việc làm cho những phụ nữ đang độ tuổi lao động, có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn sinh kế được hỗ trợ.

Hội LHPN các cấp trên toàn tỉnh đang tích cực đồng hành cùng hội viên. Tiêu biểu, Hội LHPN huyện Phú Vang hỗ trợ cho 25 hội viên, mỗi hội viên 2 con heo giống, đồng thời, trao tặng 2 tạ tỏi giống Lý Sơn cho 9 hội viên phụ nữ xã Vinh Thanh để thực hiện điểm mô hình trồng tỏi Lý Sơn.

“Hiện nay, với tổng dư nợ 1.747 tỷ đồng thông qua ủy thác từ ngân hàng và 54 tỷ đồng nguồn tiết kiệm tự nguyện trong các chi hội đã tạo điều kiện cho hơn 54 ngàn hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Đây sẽ là cơ sở giúp hội viên phụ nữ vượt khó để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế”, chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh tin tưởng. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

5.  13 sản phẩm đạt giải Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả Hội thi thiết kế hàng thủ công mỹ năm 2020 do Sở Công thương tổ chức. Theo đó, có 13 sản phẩm của các tác giả đạt giải.

Phát động từ tháng 5/2020, có 47 cơ sở, nhóm, cá nhân nộp hồ sơ tham gia với 209 mẫu thiết kế/sản phẩm, bao gồm nhóm mộc mỹ nghệ, chạm khảm xương, xà cừ; chạm đá, sơn mài; sành sứ; các sản phẩm khác từ gỗ; nhóm thêu, dệt, đan sợi, may; nhóm đúc đồng, trang sức mỹ nghệ, pháp lam, các sản phẩm từ kim loại và mây tre, đan lát, nón lá, diều, hoa giấy, sản phẩm có nguyên liệu từ mây, tre, giấy, lá.

Qua 2 vòng chấm thi sơ khảo và chung khảo, có 56 mẫu, bộ thiết kế/sản phẩm vào vòng chung khảo và kết quả có 13 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 7 giải khuyến khích.

Trong đó, bộ đĩa pháp lam Long Phụng của nhóm tác giả Đỗ Hữu Triết - Trần Nam Long - Nguyễn Quốc Hiếu đạt giải Nhất; 2 giải Nhì thuộc về bộ quà lưu niệm "Bình phong” đặc trưng Huế của Phạm Đăng Nhật Thái ở 26 Võ Thị Sáu và bộ áo dài Huế lấy ý tưởng từ nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc Huế của Công ty TNHH MTV Viết Bảo QB; 3 giải Ba gồm bộ lắp ráp mô hình giấy 3D Ngọ Môn Huế của tác giả Lê Ngọc Tuấn Anh, bộ khay và tấm trải gia dụng “Kết nối tinh hoa làng nghề Huế” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Thị Thanh Trà và bộ sản phẩm đèn diều Huế của tác giả Nguyễn Văn Hoàng.

Dự kiến, lễ trao giải và tôn vinh các tác giả đạt giải sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2010. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

6.  Khôi phục thủy lợi cho vụ sản xuất mới

UBND huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng để khắc phục các công trình đê bao, kênh mương thủy lợi kịp thời phục vụ sản xuất đông-xuân sắp đến.

Gia cố tạm thời

Ngước nhìn về việc các công trình kênh mương hư hỏng, đồng ruộng bị bồi lấp, ông Hồ Quang Ái ở xã Quảng Lợi tỏ ra lo lắng khi vụ đông-xuân đang cận kề, nhưng công tác nạo vét, khắc phục còn ngổn ngang. Nan giải nhất là hệ thống kênh mương, đê bao nội đồng bị hư hỏng nặng nằm ngoài khả năng khắc phục của chính quyền và người dân địa phương.

Trong điều kiện kinh tế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ông Ái cũng như người dân Quảng Lợi nói riêng, huyện Quảng Điền nói chung mong muốn, các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí, sớm sửa chữa, khắc phục các công trình phục vụ sản xuất lúa, rau màu vụ mùa sắp đến.

Ngoài nguyên nhân bão, lũ lớn, phần lớn công trình sử dụng nhiều năm, lại xây dựng bằng bờ lô chất lượng thấp nên dễ xuống cấp, hư hỏng. Qua khảo sát, nhiều tuyến kênh mương, đê bao trên địa bàn Quảng Lợi xuống cấp, sạt lở, nứt vỡ do các trận lũ kéo dài vừa qua. Đồng ruộng cũng bị bồi lấp nghiêm trọng, một lượng bèo lớn từ các kênh rạch, sông và đầm phá trôi dạt vào các xứ đồng gây nhiều khó khăn cho nông dân trong xử lý, canh tác.

Trong lúc chờ phương án đầu tư kiên cố bền vững các công trình, trước mắt, HTXNN Thắng Lợi (Quảng Lợi) chủ động trích kinh phí dự phòng ứng phó thiên tai, huy động Nhân dân gia cố, khắc phục tạm thời phục vụ sản xuất. Ông Hà Tân, Giám đốc HTX Thắng lợi khẳng định, đối với những công trình kênh mương, đê bao nội đồng bị hư hỏng nhẹ, HTX cố gắng sửa chữa, khắc phục hoàn thành sớm nhất, kịp thời gieo cấy vụ đông-xuân.Các công trình sạt lở nặng chỉ có thể gia cố tạm thời phục vụ tưới tiêu cho vụ mới.

Lâu dài, HTXNN Thắng Lợi tiến hành rà soát, lập phương án kiên cố hóa bền vững các công trình, đảm bảo phục vụ sản xuất và an toàn trong mùa bão, lũ. Với các công trình nhỏ, trong khả năng tài chính được HTX đầu tư xây dựng, còn những công trình vừa và lớn sẽ kiến nghị cấp trên đầu tư kinh phí.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTXNN Quảng Thọ 2 chia sẻ, HTX đang gặp khó về kinh phí khắc phục các công trình hư hỏng do bão, lũ vừa qua. Đơn vị chỉ có thể trích kinh phí dự phòng, tập trung khắc phục, gia cố tạm thời hệ thống kênh mương, thủy lợi nhỏ trên địa bàn. HTX huy động hộ thành viên, nông dân ra quân nạo vét kênh mương, đồng ruộng bị bồi lấp, xử lý bèo trên các xứ đồng. Một số thiệt hại đến nay cơ bản khắc phục hoàn thành, có khả năng kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông - xuân sắp đến.

Hướng đến công trình đa mục tiêu

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin, các đợt bão, lũ lớn vừa qua làm hệ thống đê bao nội đồng, kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng. Lãnh đạo huyện cùng các ban, ngành tiếp tục kiểm tra, khảo sát lại mức độ hư hỏng các công trình, có phương án gia cố, khắc phục kịp thời sản xuất vụ đông - xuân.

Một số tuyến đê kè quan trọng như đê kết hợp đường giao thông Nho Lâm - Nghĩa Lộ, đoạn qua xã Quảng Phú và Quảng Thọ; đê kênh Diên Hồng, xã Quảng Phước và thị trấn Sịa... bị sạt lở nặng nhiều đoạn đến nay chưa thể khắc phục do cần nguồn kinh phí khá lớn. Trên địa bàn có hàng ngàn mét kênh mương, một số hạng mục các trạm bơm...bị hư hỏng. Nhiều đồng ruộng, hệ thống kênh mương bị bồi lấp nghiêm trọng, bèo dạt vào phủ kín dày đặc.

Ông Thắng cho rằng, thiệt hại các công trình thủy lợi quá lớn, cần đến hơn 40 tỷ đồng khắc phục, trong khi ngân sách huyện có hạn, khó có khả năng đầu tư. Do đặc thù vùng thuần nông nên nguồn thu ngân sách hằng năm của huyện khá thấp; kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên huyện, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong huy động kinh phí sửa chữa, gia cố, kiên cố hóa các công trình.

Phương án cũng như khả năng của huyện Quảng Điền lúc này chỉ tập trung sửa chữa, gia cố tạm thời các công trình bị hư hỏng. Các địa phương, HTX huy động nguồn lực, triển khai khắc phục, nạo vét kênh mương, đồng ruộng kịp thời sản xuất lúa, rau màu vụ đông-xuân. Trước mắt, huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng sửa chữa, khắc phục các công trình.

Lâu dài, huyện rà soát, nghiên cứu và đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố hóa bền vững các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu. Các công trình sẽ được nâng cấp, xây dựng trong thời gian đến đảm bảo phục vụ sản xuất, cấp nước tưới lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản và thoát lũ… trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán đang diễn biến bất thường. (baothuathienhue.vn 21/12)

 
 
 

7.  Cần hơn 200 tấn lúa giống cho vụ đông-xuân

Các trận lũ liên tiếp mới đây làm hơn 400 tấn lúa thịt, lúa giống trên địa bàn huyện Quảng Điền bị ẩm ướt, nảy mầm, thiệt hại gần như hoàn toàn.

Ông Phạm Văn Thành ở xã Quảng Phú nan giải, đợt lũ lớn lịch sử làm nhiều hộ ngập sâu,dù đã chuyển lúa lên “tra” tránh lũ nhưng vẫn bị ẩm, ướt, hư hỏng hoàn toàn. Chỉ còn vài tuần nữa sẽ triển khai làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ lúa đông-xuân, song người dân đang thiếu nguồn lúa giống.

Lũ lụt kéo dài hơn cả tháng, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân vùng trũng ngừng trệ, không có nguồn thu nhập. Lúa thịt, lúa giống, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại lớn khiến nông dân đối mặt nhiều khó khăn trước vụ đông-xuân.

Ông Thành nhẩm tính: Chưa kể chi phí cày đất, giá lúa giống hiện nay dao động từ 15-18 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng từng loại. Ước tính mỗi sào cần khoảng 6kg lúa giống để sạ với chi phí trên dưới 100 ngàn đồng. Như vậy, gieo cấy 5 sào cần khoảng 500 ngàn đồng tiền giống. Mỗi sào còn chi phí 150-200 ngàn đồng phân bón/vụ.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi đánh giá, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đang gặp khó khăn trong đầu tư sản xuất vụ đông-xuân sắp đến. Ngoài thiệt hại về đê bao, kênh mương thủy lợi, lũ còn làm ngập nhiều diện tích hoa màu, lúa thịt, lúa giống bị ẩm, ướt. Thống kê trên địa bàn toàn xã có hàng chục tấn lúa và rau màu của người dân và các HTX bị ẩm, ướt, nảy mầm, thiệt hại hoàn toàn.

Sau bão, lũ, xã Quảng Phú cũng như các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền tập trung khắc phục hậu quả, chuẩn bị sản xuất vụ đông-xuân. Một trong những khó khăn lớn trong khôi phục sau lũ và sản xuất vụ lúa, hoa màu sắp tới là thiếu nguồn giống. Trung ương cũng đã có chính sách hỗ trợ giống lúa, hoa màu cho nông dân khôi phục sau bão, lũ, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ. Theo lãnh đạo các địa phương, sự chậm trễ trong việc cấp giống hỗ trợ cho dân có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy, khó đảm bảo khung lịch thời vụ.

Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, trong các đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, toàn huyện có hơn 400 tấn lúa thịt, lúa giống bị ẩm ướt, nảy mầm, hư hỏng gần như hoàn toàn. Quảng Điền đang cần hỗ trợ khoảng 200 tấn lúa giống cho vụ đông-xuân. Điều quan tâm là các loại giống lúa được Trung ương hỗ trợ cần đảm bảo cơ cấu nguồn giống, nhu cầu thực tế gieo cấy, phù hợp từng đồng ruộng trên địa bàn huyện, tránh thiếu giống sản xuất và gây lãng phí. Mùa vụ đang cận kề, các cấp, ngành cần khẩn trương triển khai hỗ trợ giống cho nông dân.

Ngoài lúa giống, các trận lũ kéo dài làm khoảng 180 ha rau màu, cây ăn quả ngắn ngày trên địa bàn huyện bị ngập úng, thiệt hại hoàn toàn, ảnh hưởng đến nguồn giống cho vụ mới. Các địa phương cần hỗ trợ khoảng 3 tấn giống rau để gieo trồng khoảng 150 ha cải, xà lách, mướp đắng, bầu, bí… Người dân đang thiếu khoảng 90 tấn giống lạc, 0,6 tấn giống ngô, 24 tấn giống ném, 30 tấn giống hành lá để khôi phục sản xuất sau bão, lũ.

Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh thông tin, hiện nay đơn vị có đầy đủ các loại giống lúa, rau màu để cung ứng khôi phục sản xuất, gieo cấy vụ đông-xuân. Các địa phương, HTX và người dân có nhu cầu thì đăng ký mua giống tại công ty. (baothuathienhue.vn 21/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.452.654
Truy cập hiện tại 805