TIN NÓNG
1. Vụ công trình hơn 170 tỷ đồng “nát” sau mưa bão ở Thừa Thiên Huế: Khắc phục như thế nào?
Công trình đường phía Đông đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) sau bão thì bị hư hỏng nặng nề. Việc khắc phục, gia cố đang được chủ đầu tư lên phương án trong sự hoài nghi của dư luận...
Liên quan đến vụ việc “Đường ven biển hơn 170 tỷ đồng ở Thừa Thiên Huế hư hỏng nặng” mà báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, chủ đầu tư là Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho biết một số thông tin liên quan và việc khắc phục.
Theo đó, công trình thiệt hại chủ yếu là lan can loại 1 hư hỏng 1,8km/2,3km, chiếm 78%. Vỉa hè lát gạch terazzo: 3.100m2/10.000m2, chiếm 31%. Ước tính thiệt hại 3,6 tỷ (phần lan can 2,2 tỷ, phần vỉa hè 1,4 tỷ). Phần mái kè taluy bằng đá hộc xây cũ (đường Nguyễn Văn) 2km/3km, chiếm 67%. Các hạng mục nền đường, mặt đường bê tông nhựa, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện, các điểm ngắm làm mới không bị hư hỏng.
Về giải pháp khắc phục, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin hiện các đơn vị thi công nhanh chóng dọn dẹp công trường để đảm bảo giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn.
Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu các biện pháp gia cố mái taluy cũ bằng đá hộc xây phía đầm (đã bị hư hỏng hoàn toàn) theo hướng sử dụng vật liệu, kết cấu bền vững, chịu lực tốt (bê tông, bê tông cốt thép) đồng thời nghiên cứu giải pháp bổ sung gia cường lan can để đảm bảo khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tương tự trong tương lai. Sơ bộ phương án giá cố mái taluy có chi phí khoảng 7 tỷ đồng, được lấy từ nguồn dự phòng của dự án. Chủ đầu tư cũng phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương trong việc vận động người dân không neo tàu thuyền, bè gỗ, phao vào lan can; di chuyển các dụng cụ, ngư cụ ra khỏi khu vực trong tình huống dự báo bão sau này.
“Công trình được mua bảo hiểm xây dựng theo quy định của pháp luật, do 3 đơn vị bảo hiểm cung cấp dịch vụ là Bảo hiểm Bảo Minh; Bảo hiểm dầu khí PVI, Bảo hiểm Hàng không. Đối với phần thiết hại do thiên tai của các hạng mục xây dựng mới (vỉa hè, lan can) khoảng 3,6 tỷ đồng đã được các Công ty bảo hiểm nêu trên giám định và chi trả để khắc phục”, chủ đầu tư cho hay.
Dự án đường phía Đông đầm Lập An có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 110 tỷ đồng, khởi công vào tháng 1/2019 do Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.
Tổng chiều dài các tuyến đường là 3,4km, trong đó nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn (chạy dọc đầm Lập An) dài 3km. Trên các tuyến xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục theo quy hoạch được phê duyệt gồm hệ thống giao thông mặt đường BTN, vỉa hè lát gạch terrazo, cây xanh bóng mát, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng và trang trí, hệ thống cấp nước và phòng cháy chữa cháy, 5 điểm ngắm cảnh mở rộng phía đầm Lập An, hệ thống lan can dọc đầm bằng bê tông cốt thép.
Trong đó, phần vỉa hè phía phải tuyến đường Nguyễn Văn xây dựng mới 10.000m2, lát gạch terrazo. Lan can loại 2 dài 0,7km bằng bê tông cốt thép, có tay vịn, trụ và tấm lam thi công lắp ghép. Lan can loại 1 dài 2,3km, kết cấu lan can loại 1 đặt trên nền đường hiện hữu bên ngoài tận dụng gia cố mái bằng đá hộc đã thi công từ năm 2.000, là một hạng mục của đường Nguyễn Văn cũ.
Việc xây dựng tuyến đường trên nhằm tạo điểm nhấn cho khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thu hút và nâng cấp dịch vụ du lịch, góp phần chỉnh trang đô thị Lăng Cô và khai thác du lịch tại đầm Lập An, hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Dự án bắt đầu từ năm 2019 với lộ trình hoàn thành vào tháng 12/2021.Công trình đã hoàn thành khoảng 60% (66/110 tỷ đồng).
Tuy nhiên vừa qua, nhiều người dân ở Lăng Cô bức xúc trước việc công trình đường đi bộ đông đầm Lập An bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau đợt ảnh hưởng của cơn bão số 13. Điều đáng nói, bão dù không trực tiếp đổ bộ vào Thừa Thiên Huế nhưng công trình phố đi bộ này đã bị hư hỏng ngoài sức tưởng tượng...
Ghi nhận của PV, chạy dọc khắp tuyến phố đi bộ trên xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, nền đường bị vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ, lan can bị gãy đổ lộ cả sắt thép bên trong. Trong khi đó, chân taluy của con đường này xuất hiện hàng loạt vết sụt lún, hở “hàm ếch” ăn sâu vào con đường. Nhìn vào ít ai nhận ra con đường trăm tỷ này vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa thể nghiệm thu hết.
Người dân địa phương cho biết, trong đợt bão số 13 vừa rồi, sức gió tại thị trấn Lăng Cô rơi vào khoảng cấp 8-9, giật cấp 11, gây ra sóng biển lớn. Tuy nhiên đối với một công trình được xây dựng ven biển nhưng với sức gió trên đã hư hỏng gần như hoàn toàn khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình và năng lực của các nhà thầu thi công... (baotainguyenmoitruong.vn 20/12)
2. Thừa Thiên - Huế: 322 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cần di dời
Sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định số hộ cần phải di dời tái định cư là 322hộ/1.528 khẩu; kinh phí thực hiện khoảng 102 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng. Tổng số hộ đã được bố trí, sắp xếp là 197hộ/795 khẩu, tại 7 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, thị xã Hương Trà và Hương Thủy).
Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 5, số 9, số 13, đặc biệt từ ngày 6 đến 17/10, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to gây ra lũ lụt lớn, gây sạt lở đất ven sông, suối và đồi núi. Để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp các ban ngành liên quan, các địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, số hộ cần phải di dời, tái định cư là 322hộ/1.528 khẩu; kinh phí thực hiện khoảng 102 tỉ đồng, bao gồm: 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.
Cụ thể, UBND huyện Nam Đông đã quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6 ha tại thôn A Xách, kinh phí 22 tỷ đồng để tái định cư cho 75hộ/375 khẩu ở khu sạt lở đất thôn Lập, xã Thượng Nhật; 13 hộ/55 khẩu sạt lở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre sẽ chuyển về Khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng.
Huyện A Lưới có 200 hộ/950 khẩu cần phải di dân và bố trí tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ. Huyện Phú Lộc có 20 hộ/85 khẩu ở chân đèo thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến vào khu quy hoạch tập trung xã Lộc tiến. Xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) có 14 hộ/63 khẩu sẽ bố trí vào khu quy hoạch tại chỗ thôn La Khê. (baodansinh.vn 19/12)
3. Sạt lở sông Bù Lu ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân
Nhiều năm trở lại đây, sông Bù Lu, đoạn qua địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của hàng chục hộ dân. Sạt lở đã kéo theo nhiều diện tích đất bị cuốn trôi, không ít hộ dân đang rất lo lắng khi nhà cửa đã và đang đối mặt với nguy cơ đổ sập. (phóng sự ngắn TRT Huế 20/12)
4. Huế: Mái taluy đường ven biển Cảnh Dương sạt lở sau mưa, nhiều vết nứt rộng 50cm
Được đầu tư hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng nhưng mái taluy dương đường ven biển Cảnh Dương (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) lại sạt lở nghiêm trọng, xuất hiện các vết nứt lớn, bề rộng khoảng 50cm chỉ sau hơn 1 năm hoàn thành.
Gói thầu số 06 - "Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương” (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Phúc Tài (trụ sở tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) trúng thầu với giá 4.284.733.000 đồng/4.296.132.000 đồng (tiết kiệm cho ngân sách hơn 11 triệu đồng) và được triển khai thi công vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, trận mưa ngày 30/11/2020 đã làm mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương tại Km1+950 bị sạt lở nghiêm trọng và toàn bộ khối đất đá, bê tông mái kè, bậc nước, tấm lát mái bê tông xi măng bị cuốn trôi tràn xuống lòng đường làm chia cắt Khu du lịch Laguna (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, do lượng mưa thẩm thấu, tích lũy nền đất dưới mái kè taluy dương đường ven biển Cảnh Dương trong thời gian dài và đặc biệt là đợt mưa lớn vừa qua (28/11/2020-30/11/2020) nên trong đêm ngày 30/11/2020 xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Sau khi công trình mái taluy bị sạt lở với khối lượng lớn xuống chắn ngang đường vào Khu du lịch Laguna, các đơn vị chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bố trí hệ thống cảnh báo an toàn rào chắn, đèn cảnh báo nguy hiểm, cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông qua qua lại và huy động lực lượng, phương tiện đến thi công khắc phục, thông đường tạm thời vào ngày 6/12 với bề rộng khoảng 3,0m.
Cũng theo Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay qua rà soát trên hệ thống mái taluy hiện có, xuất hiện các vết nứt lớn với bề rộng khoảng 50cm tạo thành cung trượt đứt gãy kết cấu của nền đất mái kè khoảng 10.000m3, có khả năng sẽ tiếp tục sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua tuyến đường.
Đi kiểm tra thực địa tình hình sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương vào Khu du lịch Laguna ngày 11/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất cấp 300 rọ, 2 cuộn vải địa để xây dựng hệ thống tường chắn tạm thời bằng rọ đá xếp dọc theo chân mái kè taluy dài khoảng 300m nhằm ngăn chặn phần đất đá mái taluy có khả năng sẽ tiếp tục sạt lở để đảm bảo giao thông cho người và phương tiện.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế còn đề nghị các lực lượng tập trung thu dọn đất đá sạt lở, giải phóng ra khỏi phạm vi mặt đường; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông sau khi thông tuyến tạm thời và nghiên cứu có phương án xử lý lâu dài tại điểm sạt lở.
Theo tìm hiểu được biết, mái taluy bị sạt lở kể trên nằm trên tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương thuộc hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và được thi công hoàn thành từ năm 2012. Trong đó, gói thầu số 06 “Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương” do Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư được phê duyệt vào cuối năm 2018 và hoàn thiện thi công vào năm 2019. (infonet.vietnamnet.vn 20/12)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Kéo dài việc tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3
Chiều 20/12, tin từ Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian tìm kiếm nạn nhân mất tích trong giai đoạn 4 tại công trường thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế) sẽ triển khai từ nay đến tháng 6/2021.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ cuối tháng 12/2020, cơ quan chức năng sẽ thực hiện công tác khảo sát, đánh giá việc xây dựng đập thủy điện Rào Trăng 3, kéo dài sang tháng 1/2021. Dự kiến thời gian hoàn thành xây đập phục vụ công tác tìm kiếm là từ tháng 2 đến tháng 4/2021.
Theo Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3, con đập ngăn dòng sông Rào Trăng thuộc thủy điện Rào Trăng 3 theo thiết kế có cao trình 30 mét, đã xây dựng đạt đến chiều cao 28 mét. Khi hoàn thành ngăn đập, cắt nước, các lực lượng sẽ tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực lòng sông Rào Trăng từ đoạn tiếp giáp hiện trường giai đoạn 3 xuôi về hạ lưu sông đến ngã ba Tam Dần, với chiều dài khoảng 2,5km.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, do ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn kéo dài, ngày 12/10, tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở đất, vùi lấp 17 công nhân thi công tại thủy điện. Đến nay, qua 3 giai đoạn tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng mới tìm được 6 thi thể. 11 trường hợp còn mất tích sẽ tiếp tục được tỉnh TT-Huế nỗ lực tổ chức tìm kiếm. (tienphong.vn 21/12)
2. Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh
Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị và du lịch bền vững theo hướng phát triển kinh tế, môi trường và xã hội nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ đang được UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Đưa công nghệ vào hạ tầng du lịch
Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” có tổng mức đầu tư 14,8 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ của KOIKA 13 triệu USD, ngân sách tỉnh đối ứng 1,8 triệu USD. KOIKA hỗ trợ xây dựng dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý công trong lĩnh vực du lịch liên quan đến việc chuyển biến và chuyển đổi ngành du lịch theo định hướng phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường và xã hội bền vững.
Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm phát triển du lịch TP. Huế và xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh. Phát triển trung tâm du lịch văn hóa đô thị và mở rộng mạng lưới đi bộ đô thị ở Huế. Các hợp phần được thực hiện gồm: lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc theo bờ sông Hương. Đồng thời, xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị. Phạm vi của dự án là khu vực công viên hai bên bờ sông Hương từ cầu Dã Viên đến cầu Trường Tiền.
Trong các hợp phần triển khai đáng chú ý là hợp phần Xây dựng đề án phát triển Du lịch thành phố Huế và Lắp đặt Hệ thống thông tin du lịch thông minh. Theo đó, đơn vị đầu tư sẽ tiến hành khảo sát tài nguyên du lịch tại Huế, các hoạt động du lịch và hiện trạng du lịch; xây dựng chiến lược thực hiện và phát triển du lịch Huế về dữ liệu thông tin du lịch Huế và vườn ươm công nghệ văn hóa và du lịch; lắp đặt hệ thống ki-ốt thông tin du lịch thông minh tại trung tâm TP. Huế và xây dựng bảo tàng số.
Một thuận lợi cho việc triển khai dự án này là hiện nay, tỉnh đang triển khai Đề án Xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh đến năm 2020 với tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó có mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin quản lý dịch vụ du lịch toàn diện trong các 4 lĩnh vực.
Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Nguyễn Dương Anh thông tin, hiện IOC cung cấp dịch vụ du lịch hỗ trợ sự tham gia cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, hoàn thiện hệ thống ứng dụng trên môi trường mạng phục vụ cho khách du lịch, người dân tham gia thụ hưởng dịch vụ du lịch thông minh. Do đó, IOC sẵn sàng chia sẻ, tích hợp số liệu hỗ trợ dự án này.
Phát triển ổn định văn hóa - du lịch
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây về triển khai dự án, bà Lee So Young, Phó Giám đốc Quốc gia KOIKA tại Việt Nam nhấn mạnh, việc triển khai dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” sẽ góp phần quan trọng cho phát triển ổn định bền vững ngành văn hóa và du lịch trên cơ sở đưa công nghệ vào hạ tầng du lịch, khai thác và quảng bá nguồn tài nguyên văn hóa và du lịch của TP. Huế nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, để làm cho Huế đẹp, xanh – sạch – sáng và luôn luôn mới, chính quyền tỉnh mong muốn Huế có một biểu tượng mới, tạo không gian xanh, ấn tượng thu hút giới trẻ và thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt các nghiên cứu, đầu tư “đánh thức” được giá trị của cồn Dã Viên, một “viên ngọc” giữa sông Hương. Với sự quyết tâm nỗ lực từ hai phía, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hy vọng dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” với sự hỗ trợ của KOICA và Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.
Theo ông Lưu Đức Hoàn, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thời gian qua tỉnh tiếp nhận nhiều dự án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, và đặc biệt là nguồn viện trợ từ nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” là rất cần thiết và đúng thẩm quyền quy định của pháp luật nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài.
“Qua thẩm tra, chúng tôi thấy đây là đề án lớn và cấp thiết. Dự án triển khai sớm sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu vực 2 bên bờ sông Hương, tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP, Huế nói riêng và của tỉnh nói chung”- ông Lưu Đức Hoàn chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, trong bối cảnh tỉnh đang triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, việc huy động được nguồn viện trợ không hoàn lại lớn đối với tỉnh là thực sự cần thiết và cấp bách. (baothuathienhue.vn 21/12)
VĂN HÓA
1. Ngày hội Áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế
Từ ngày 18 đến 20-12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020” tại không gian Cầu đi bộ gỗ lim - Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế - Công viên Tứ Tượng - Không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Công viên Phan Bội Châu (TP Huế).
Ngày hội Áo dài diễn ra với các hoạt động biểu diễn áo dài Huế và nghệ thuật truyền thống trên các trục đường tại TP Huế; trình diễn áo dài truyền thống Huế, các bộ sưu tập của các nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may áo dài xứ Huế tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Lễ hội Ẩm thực Huế có hơn 50 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay…
Lễ hội Ẩm thực kéo dài đến ngày 23-12.
Khai mạc Festival nghệ thuật hữu nghị quốc tế
Từ ngày 18 đến 20-12, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội đã tổ chức Festival nghệ thuật hữu nghị quốc tế.
Chương trình được tổ chức nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế thông qua việc thiết lập không gian văn hóa mở, sáng tạo để các nghệ sĩ chuyên và không chuyên của Việt Nam và nước ngoài tham gia biểu diễn.
Festival có nhiều hoạt động: biểu diễn văn hóa, âm nhạc, trò chơi dân gian, ẩm thực đặc trưng của Hà Nội.
Giải vô địch cờ tướng đồng đội toàn quốc
Giải vô địch cờ tướng đồng đội toàn quốc năm 2020 được tổ chức từ ngày 10 đến 22-12 tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của 125 kỳ thủ đến từ 16 tỉnh, thành phố, ngành.
Các kỳ thủ của đoàn TP Hồ Chí Minh năm nay không tham dự được do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng cục Thể dục - Thể thao. Kết thúc nội dung cờ chớp và cờ nhanh, kỳ thủ Lại Lý Huynh (Bình Dương) toàn thắng, giành tám điểm ở cả hai nội dung để giành cú đúp Huy chương vàng. Tương tự, kỳ thủ Hồ Thị Thanh Hồng (Bình Định), toàn thắng sáu ván ở cả hai nội dung cờ chớp và cờ nhanh để giành hai Huy chương vàng cá nhân.
Ở nội dung cờ tiêu chuẩn, Ngô Thị Thu Nga (Bình Dương) vô địch với 6 điểm chỉ hơn chỉ số phụ so với kỳ thủ Thủy Tiên (Quảng Ninh) cũng được 6 điểm; Hà Văn Tiến (Bình Phước) đang tạm dẫn đầu bảng nam với bảy điểm sau ván đấu thứ tám.
Xác định các cặp đấu chung kết bóng chuyền quốc gia
Tối 20-12, hai trận chung kết Giải bóng chuyền vô địch quốc gia sẽ được tổ chức. Lúc 20 giờ, tại Đắk Lắk, đội nữ Thông tin LienVietPostBank (giành thắng lợi 3-1 trước đội Kinh Bắc Bắc Ninh trong trận bán kết đầu tiên) sẽ gặp đội Hóa chất Đức Giang (thắng đội Ngân hàng Công thương 3-2 trong trận bán kết 2); tại Khánh Hòa, đội chủ nhà Sanest Khánh Hòa (thắng đội Biên phòng 3-1 ở trận bán kết 2) sẽ gặp đội TP Hồ Chí Minh (thắng đội Tràng An Ninh Bình 3-2 ở trận bán kết 1). (nhandan.com.vn 20/12)
2. Xây dựng không gian trưng bày áo dài Huế
Đó là đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi đến tham quan không gian trưng bày và thao diễn nghề may áo dài của Hiệp hội May - Thêu - Thời trang Huế vào trưa 19/12 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP. Huế (23-25 Lê Lợi).
Tham quan các gian hàng trưng bày, thao diễn áo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hứng thú tìm hiểu các sản phẩm áo dài, phục sức triều Nguyễn và các sản phẩm thủ công truyền thống, như: nón sen, đệm bàng Phò Trạch, các sản phẩm ứng dụng từ sơn mài…
Biểu dương sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đội ngũ các nhà thiết kế, các nghệ nhân, thợ may góp phần làm nên thành công của Ngày hội Áo dài Huế, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các nhà thiết kế, nghệ nhân cần nâng cao chất lượng để biến các sản phẩm này thành hàng lưu niệm đặc trưng của Huế, đồng thời mở rộng thị trường để sản xuất đại trà, giảm giá thành sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong thời gian tới, cần tổ chức không gian trưng bày áo dài Huế tập trung để du khách có địa điểm tham quan, may đo áo dài, phát triển áo dài thành ngành kinh tế.
Ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần có hình thức giới thiệu áo dài truyền thống, áo dài ngũ thân trong chương trình giáo dục địa phương ở bậc phổ thông để giữ gìn bản sắc Huế. Ở bậc mầm non, có thể thí điểm cho các cháu ở các lớp lớn mặc áo dài một buổi mỗi tuần. (baothuathienhue.vn 19/12)
3. Mãn nhãn ‘đại tiệc’ áo dài lớn nhất từ trước tới nay bên dòng sông Hương thơ mộng
- Ngày hội áo dài Huế 2020 khai mạc tối 18/12 trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cạnh sông Hương, kéo dài đến ngày 20/12, với nhiều hoạt động quảng diễn độc đáo, hấp dẫn; cũng như tôn vinh, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Huế - Việt Nam kết hợp với lễ hội ẩm thực Huế.
“Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020” do UBND tỉnh TT-Huế và Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh tổ chức.
Theo Ban tổ chức "Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế 2020", Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là Kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc nhất của cả nước từ khoa học kỹ thuật đến hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn học, nghệ thuật...
Ngày hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài và ẩm thực Huế, xây dựng hồ sơ công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đệ trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Trong đó, áo dài và ẩm thực là những giá trị văn hóa, di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Cố đô Huế và của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, Trưởng Ban tổ chức, ngày hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài và ẩm thực Huế, xây dựng hồ sơ công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đệ trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Ngày hội hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng thành công thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam”.
Thông qua ngày hội để khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của áo dài Việt Nam, nơi còn lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian, góp phần xây dựng thành công thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam”.
Trong tối khai mạc diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế), bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng, khán giả, công chúng, du khách đã có một đêm mãn nhãn với những bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế.
Trong khuôn khổ ngày hội còn có hoạt động, nghi thức quảng diễn di sản áo dài Việt Nam quanh TP Huế.
Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra các hoạt động, nghi thức quảng diễn áo dài trên nhiều trục đường phố, biểu diễn nghệ thuật truyền thống; tổ chức không gian trưng bày các gian hàng, thao diễn nghề may thêu, trang trí áo dài của những nghệ nhân, nhà thiết kế; tọa đàm “Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại”… (tienphong.vn 19/12)
4. Nhà Gươl - Biểu tượng văn hóa Cơ tu
Gươl, tiếng Cơ tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Với người Cơ tu, Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo truyền thống có vai trò quan trọng trong cuộc sống của bà con. Các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl.
Theo phong tục từ xa xưa, người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng lên bằng công sức của mọi người trong làng. Với người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên.
Vì thế khi đến nhà Gươl, mọi người không được cãi nhau, đánh nhau. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu…
Nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái Gươl có hình dáng như trái xoài. Những tấm vách trong nhà Gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động như hình con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kỳ đà…
Bên cạnh đó, cũng có một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện như hình ảnh người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con. Ngoài ra, trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội... Trong đời sống, nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.
Tại Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế), và rải rác một số ít ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM...
Những năm gần đây, để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu, ngành Văn hoá tỉnh Quảng Nam (nơi có nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống nhất) đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục Nhà Gươl Cơ Tu, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống. Đến nay, hầu hết thôn của người Cơ Tu ở Quảng Nam đã có nhà Gươl. Tây Giang là huyện dẫn đầu phong trào phục dựng nhà Gươl Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam.
Trên đỉnh ngọn đồi cao ở trung tâm huyện là một quần thể làng Cơ Tu truyền thống có nhà Gươl trung tâm, và những ngôi nhà Gươl đại diện cho từng xã của huyện. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà Gươl cũng khác nhau, nhưng đều mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu theo từng vùng cao, vùng trung và vùng thấp. Sau Tây Giang, các huyện Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhà Gươl.
Nhà Gươl là công trình tiêu biểu của người Cơ Tu, việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống sẽ góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình. Ngày nay, nhà Gươl của người Cơ Tu còn được biết đến là điểm nhấn trong tour du lịch khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại…(daidoanket.vn 21/12)
XÃ HỘI
1. Biểu diễn ca Huế trên sông Hương bắt buộc kết nối camera giám sát
Theo Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế do UBND tỉnh TT-Huế vừa ký ban hành, điểm đáng chú ý trong quy chế lần này là yêu cầu bắt buộc các chủ thuyền du lịch tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 1 đến 2 camera giám sát kết nối với cơ quan quản lý khi diễn ra hoạt động ca Huế trên sông Hương.
Ngày 20/12, theo tin từ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh TT-Huế cho biết, UBND tỉnh TT-Huế vừa ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12 tới.
Theo đó, đối với chương trình biểu diễn ca Huế, phần chủ yếu của chương trình phải là các bài bản ca Huế; có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế, nhạc mới có nội dung về Huế.
Một chương trình biểu diễn ca Huế phải đảm bảo các điều kiện về thời lượng từ 60 phút trở lên, có ít nhất 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng; có ít nhất 3 - 4 loại nhạc cụ đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt; ngoài ra có thể có thêm nhạc cụ đàn bầu, sáo, phách.
Các chương trình biểu diễn ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao TT-Huế thẩm định, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn; phải niêm yết công khai tại các điểm kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn. Thời gian hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh trong khung giờ từ 8 - 24 giờ hằng ngày.
Đối với trang phục biểu diễn, diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn ca Huế phải mang bảng tên, trang phục truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và văn hóa Huế.
Không gian phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương là đoạn sông từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên (TP Huế). Vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50 mét.
Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 1 - 2 camera giám sát kết nối với cơ quan quản lý khi tham gia hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương. (tienphong.vn 20/12)
2. “Đông yêu thương” đến với học sinh A Lưới
- Ngày 20/12, chương trình thiện nguyện “Đông yêu thương” với các phần quà ý nghĩa đã được đoàn viên CLB Thanh niên tuyên truyền (Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) trao cho người dân bản Pâr Ây và học sinh trên địa huyện A Lưới.
Tại bản Pâr Ây (xã Hồng Thủy), chương trình đã trao 118 suất quà (mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng gồm gạo, dầu ăn, nước mắm...) cho 118 hộ dân là đồng bào Pa kô có hoàn cảnh khó khăn cùng một số mũ len, bánh kẹo cho các em nhỏ.
Chương trình cũng đã trao 1.000 tập vở, 300 cây bút cho học sinh Trường tiểu học, Trường THCS Hồng Thủy và Trường THPT A Lưới.
Kinh phí của chương trình được kêu gọi tài trợ và đóng góp từ hoạt động bán hàng gây quỹ của đoàn viên CLB Thanh niên tuyên truyền Trường cao đẳng Công nghiệp Huế.
Dịp này, các đoàn viên tham gia chương trình tổ chức dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; tham quan Nhà trưng bày hiện vật truyền thống và hiện vật chiến tranh tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới. (baothuathienhue.vn 20/12)
3. Những người đi tìm đồng đội
Nhân kỉ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và 31 năm ngày quốc phòng toàn dân, Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TT Huế đã phát động cuộc thi viết về “ Xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Cuộc thi đã đã nhận được 357 tác phẩm tham dự ở các thể loại báo hình, báo viết, báo điện tử. Mời quí vị cùng xem Phóng sự “ Những người đi tìm đồng đội đạt giải B tại cuộc thi ( không có giải A) đã được Ban tổ chức trao giải sáng nay. (phóng sự ngắn TRT Huế 20/12)
4. Ngày hội thanh niên khởi nghiệp, tuyên dương gương khởi nghiệp tiêu biểu năm 2020
Ngày 19/12, Tỉnh Đoàn TT-Huế tổ chức “Ngày hội thanh niên khởi nghiệp”, diễn đàn kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên và tuyên dương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2020, thu hút hơn 500 cán bộ, ĐVTN đến từ nhiều tổ chức Đoàn trên địa bàn tham gia.
Theo anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh Đoàn TT-Huế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến mang tính đột phá trong nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm và phát triển kinh tế.
Các tổ chức Đoàn đã không ngừng kết nối các nguồn vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp ủng hộ vốn cho thanh niên khởi nghiệp; tập trung nhân rộng các mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, thành lập các mô hình doanh nghiệp trẻ, trang trại trẻ, tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên…
Nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, khơi dậy ý chí khát khao, lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ và sức trẻ trong thanh niên, trước thềm năm mới 2021, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TT-Huế tổ chức “Ngày hội thanh niên khởi nghiệp”, trong đó nổi bật là diễn đàn kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm thanh niên tham gia phát triển kinh tế.
Ngày hội thu hút sự tham gia của hơn 500 cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đại diện các câu lạc bộ khởi nghiệp, trang trại trẻ, tổ hợp tác thanh niên… trên địa bàn.
Tại diễn đàn kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, các vấn đề liên quan khởi nghiệp đã được đoàn viên, thanh niên sôi nổi đặt ra như: Làm thế nào để thanh niên có thể tiếp cận các ngồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh; kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro, thất bại trong khởi nghiệp, lập nghiệp; thủ tục và điều kiện để vay vốn khởi nghiệp; thanh niên khai thác lĩnh vực, tiềm năng, thế mạnh nào của Huế để khởi nghiệp…?
Dịp này, Tỉnh Đoàn TT-Huế còn tuyên dương 27 gương thanh niên khởi nghiệp tiểu biểu năm 2020. (tienphong.vn 19/12)
5. Xanh lại những vườn rau, luống cà nơi vùng lũ Thừa Thiên-Huế
Sau nhiều đợt mưa lũ, nhiều vườn rau, luống cà, nông sản ngắn ngày đã xanh lại nơi mà chỉ cây 1 tháng là biển nước mênh mông.
Sau nhiều đợt mưa lũ liên tục kéo dài, nông dân Thừa Thiên Huế lại thanh thủ tổng vệ sinh đồng ruộng, đắp lại kênh mương, làm đất, xuống giống vụ mới. Nhiều vườn rau, luống cà, nông sản ngắn ngày đã xanh lại nơi mà chỉ cây 1 tháng là biển nước mênh mông. Tuy vây, thiếu cây giống đang khiến nông dân gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất.
Xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền được xem là “thủ phủ” rau sạch của tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 750 hộ dân trồng rau. Nguồn rau ở địa phương này không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn xuất bán đi các địa phương khác.
Sau lũ, bà con nông dân liền mang tơi ra đồng làm đất, gieo hạt, trồng lại vườn rau, luống cải. Ở những khu vực thấp trũng, bà con phải vớt bèo, cào rác, lộ những lớp phù sa để gieo mầm mới. Tuy nhiên, ai cũng thiếu giống, thiếu vốn, đã vậy trời thì lạnh giá kéo dài nên khó khăn chồng khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Hào, ở thôn Trung Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho biết, hiện nay bà con tranh thủ từng giờ để khôi phục vườn rau bán Tết: "Hằng năm, sau 23/10 âm lịch, tất cả bà con đều làm đất để trồng rau. Thứ nhất, là có phần thu nhập cho gia đình, thứ hai có phần thu nhập cho Tết Nguyên đán. Nhưng đặc biệt năm ni đến hiện nay, đất trồng rau cũng bùn còn nhão, ảnh hưởng khâu làm đất của bà con, phải làm tay, làm rất là chậm. Hơn nữa, thời tiết cũng đang lạnh, cây trồng rất chậm phát triển, cho nên, tiến độ khôi phục sản xuất của bà con rất là ảnh hưởng. Hiện nay, trong nhà người trồng rau vẫn chưa có rau ăn".
Những đợt lũ vừa qua đã khiến hơn 100 ha, rau màu ở các xã Quảng Thọ, Quảng Thành… huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng, có nơi mất trắng hoàn toàn. Nay, đang là cao điểm vào mùa, ai cũng đồng loạt xuống giống nên nhu cầu về giống cây rau các loại rất cao. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, UBND huyện Quảng Điền đã cung cấp gần 400 kg hạt giống rau các loại và trên 500 kg ngô giống đến tận người dân.
Ông Lê Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: "Trong thời gian vừa qua, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các hợp tác xã cải tạo lại đất, đối với các diện tích mà cát bồi lắng trên vùng sản xuất đã cải tạo và cấp phát giống từ nguồn hỗ trợ của tỉnh cũng như từ các nhà hảo tâm để cho bà con. Và hiện nay, bà con cũng đã gieo trồng và một số vùng hiện nay đã phát triển tương đối tốt".
Lũ chồng lũ ròng rã mấy tháng trời ở Thừa Thiên Huế đã làm thiệt hại hơn 820 hecta rau màu các loại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 2 tấn giống rau, hơn 1.000 tấn giống lúa và 5 tấn ngô giống, đồng thời, tổ chức nhiều đoàn hỗ trợ người dân khôi phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã trồng được khoảng 200 hec ta hoa màu, bởi mưa rét kéo dài, nhiều vùng người dân chưa thể làm đất.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ vật tư, con giống, thức ăn đến các địa phương; đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sớm phục hồi sản xuất sau lũ bão.
"Chuẩn bị vật tư, con giống. Sau khi bước chuẩn bị xong thì sẽ đưa con giống, cộng vacxin gắn với các địa bàn có cán bộ khuyến nông, có cán bộ chuyên ngành, để đảm bảo tổ chức sản xuất phục hồi sau lũ bão, đạt mục tiêu kinh tế cao nhất. Khi đã đạt được mục tiêu kinh tế cao nhất rồi, sẽ có nguồn thu cho bà con nông dân, đồng thời, phục vụ nhu cầu Tết, cũng như nguồn vốn để tái sản xuất ở chu kỳ sau"./. (vov.vn 21/12)
6. Triển lãm tem Bưu chính khu vực Trung bộ năm 2020
- Ngày 19/12, Triển lãm tem bưu chính khu vực Trung bộ năm 2020 (HUESTEAMPEX 2020) khai mạc tại Giao dịch trung tâm Bưu điện Thành phố Huế (số 8 đường Hoàng Hoa Thám).
Triển lãm do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Hội Tem và Bưu điện tỉnh tổ chức với chủ đề “Di sản – Văn hoá – Phát triển và hội nhập” nhằm phát triển phong trào sưu tập tem trong khu vực Trung bộ, hưởng ứng Năm Quốc gia về du lịch, giới thiệu di sản và văn hoá khu vực Miền Trung.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT- Chủ tịch Hội Tem Thừa Thiên Huế cho biết, triển lãm tem bưu chính khu vực Trung bộ năm 2020 là một trong những hoạt động thiết thực của Hội Tem tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu và lòng tự hào về đất nước, con người Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam, miền Trung nói chung và khu vực Trung bộ gồm 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Triển lãm còn là một sự kiện văn hoá ý nghĩa, ngày hội để giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của những người sưu tập tem nhằm nâng cao trình độ hòa nhập cùng phong trào chơi tem trong khu vực và toàn quốc. Thông qua hàng nghìn con tem bưu chính được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa, người xem có dịp trải nghiệm nhiều điểm mới, độc đáo về các nét văn hóa, tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa thiên nhiên thế giới tại nước ta hay về đất nước đổi mới và phát triển.
Những bộ sưu tập có chủ đề về Đảng, Bác Hồ, di sản thiên nhiên, di sản văn hoá chiếm phần lớn số khung tem tại triển lãm. Ngoài ra, còn trưng bày bộ tem chuyên đề về bưu chính sự hình thành và phát triển. Đặc biệt là trưng bày các vật phẩm mang đậm dấu ấn thời gian như những con tem, bưu ảnh cổ xuất hiện từ thập niên 60, 70 của thế kỷ XIX.
Triển lãm diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/12 quy tụ các bộ trưng bày được tuyển chọn từ 3 hội tem của các tỉnh, thành phố trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, với hơn 70 khung tem tiêu chuẩn của 16 tác giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; trong đó có nhiều tác giả từng đoạt giải cao tại các triển lãm tem khu vực, quốc gia và quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về phát triển phong trào sưu tập tem tại các địa phương và giao lưu trao đổi tem của các nhà sưu tầm. (baothuathienhue.vn 19/12)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Thừa Thiên Huế: Quỹ Phuc’s Fond trao hơn 100 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học
Hơn 10 năm qua, Quỹ Phuc's Fond luôn kết hợp với Đại Học Huế để trao học bổng hằng năm cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tại Thừa Thiên Huế, nhằm hỗ trợ các em có cơ hội tiếp tục cắp sách đến trường.
Ngày 20/12/2020, tại hội trường Đại Học Huế, Quỹ Phuc’s Fond kết hợp với Đại Học Huế tổ chức trao học bổng định kỳ hàng năm cho học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Đợt này, Phuc’s Fond trao 102 suất học bổng với trị giá hơn 447 triệu đồng cho các học sinh, sinh viên nghèo. Trong đó, có 7 suất học bổng toàn phần có trị giá 10 triệu đồng/suất; 10 suất học bổng bán phần trị giá 5 triệu đồng/suất; 50 suất học bổng trợ cấp trị giá 2 triệu đồng/suất; 35 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” trị giá 6,5 triệu đồng/suất.
Cũng trong niên khóa 2020 – 2021, Phuc’s Fond đã trao 10 suất học bổng trị giá 2 triệu/suất (chương trình “Đông ấm cho em” tại huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị); 100 suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng/suất trong chương trình “Trung thu cho em” cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Bên cạnh đó, chương trình học bổng “Thắp sáng ước mơ” cũng đã dành 45 triệu đồng để giúp cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp kịp thời, cũng như mua sắm cho các học sinh trước khi tựu trường vào năm học mới. Tổng trị giá chương trình học bổng Phuc’s Fond niên khóa 2020 - 2021 là 594 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Phục, Trưởng ban điều phối Quỹ Phuc’s Fond, hằng năm, Phuc’s Fond còn dành hơn 3 tỉ đồng hỗ trợ cho đồng bào Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, thông qua các chương trình cứu trợ khẩn cấp.
“Hơn 25 năm qua, Phuc’s Fond đã chi gần 10 tỉ đồng cho các chương trình giáo dục, với mục đích hỗ trợ các em có điều kiện thắp sáng niềm tin của chính mình, nhằm mang lại cơ hội và nền tảng vững chẳng để các em vươn lên trong cuộc sống”, Trưởng ban điều phối Quỹ Phuc’s Fond, chia sẻ. (doanhnghiepvn.vn 20/12)
Y TẾ
1. Thuận tiện khi thông tuyến bảo hiểm y tế
Sau hơn 5 năm thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến huyện, theo kế hoạch năm 2021 sẽ thực hiện thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Người bệnh được hưởng các quyền lợi tối đa trong khám, chữa bệnh.
Thuận tiện
Chị Nguyễn Thị Vinh ở Vinh Thanh (Phú Vang) làm nghề tự do, gần 10 năm nay không mấy quan tâm đến chuyện phải có tấm thẻ BHYT. Gần đây, chị thường xuyên đau ốm nên mua thẻ BHYT phòng rủi ro bệnh tật. Chị kể, khá bất ngờ hơn khi từ Phú Vang, chị có thể đến các phòng khám đa khoa có uy tín để làm các xét nghiệm mà vẫn được hưởng quyền lợi 100%. Thấy tiện ích và tấm thẻ BHYT trở nên có giá trị khi đau ốm, chị Vinh vận động cả nhà 7 người cùng tham gia BHYT.
Phát hiện của chị Vinh không còn mới mẻ khi việc thông tuyến BHYT tuyến huyện đã được thực hiện từ năm 2016. Ngày trước, người dân ở các huyện muốn đến các phòng khám đa khoa ở TP. Huế để khám thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh (KCB). Từ khi thông tuyến, người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong cùng địa bàn tỉnh thì được thanh toán 100%.
Theo đánh giá của BHXH tỉnh, những trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông thoáng nên nhiều người đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại huyện Phong Điền nhưng lại đến Hương Trà khám bệnh khi thấy phù hợp. Tình trạng bệnh nhân các huyện đến Bệnh viện Hoàng Viết Thắng, Phòng khám đa khoa Medic, Thuận Đức... khá đông.
Qua 5 năm thông tuyến huyện, quyền tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân ủng hộ do việc đi KCB thuận lợi hơn. Bà Trần Thị Tâm, người bệnh khám tại Phòng khám Thuận Đức, cho hay: Cứ nghĩ là phòng khám tư, khám xong thì trả tiền như trước đây nên tôi không để ý đến thẻ BHYT. Khi đến khám, nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục BHYT và tôi không phải trả tiền sau khi làm các xét nghiệm. Tôi thấy quá thuận tiện vừa yên tâm với cơ sở mình chọn lựa, vừa được phục vụ tận tình, chu đáo.
Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi, do bệnh nhân được tự do lựa chọn KCB. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải, một số cơ sở chất lượng KCB chưa tốt thì số lượng bệnh nhân giảm khá nhiều.
Nâng cao chất lượng KCB ở các cơ sở
Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng “quá tải” khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Xung quanh vấn đề gia tăng tình trạng bệnh nhân điều trị nội trú khi thông tuyến BHYT dẫn đến quá tải, nhiều giải pháp cũng được đặt ra đối với phương thức thanh toán cho người dân khi thông tuyến BHYT. Ngoài các giải pháp để khống chế dòng bệnh nhân, cũng cần nâng cao nhận thức bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng cao nhân lực, vật lực để đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.
Quy định thông tuyến còn thúc đẩy chất lượng KCB; buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và cơ sở KCB đã tạo nên lợi ích kép từ việc này, đồng thời quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT sẽ góp phần quan trọng để người dân tham gia BHYT.
Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tránh việc người bệnh có thể đi khám một bệnh ở nhiều cơ sở y tế, BHXH tỉnh đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT. Các bệnh viện đã được cài đặt phần mềm phân tích dữ liệu bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi khám và trình thẻ BHYT, nhân viên y tế nhập mã và sẽ quản lý được toàn bộ quá trình KCB của người bệnh, quan trọng nhất là biết bệnh nhân được khám và điều trị những thuốc gì. Bác sĩ sẽ không cấp lại những thuốc đã cấp mà bệnh nhân chưa sử dụng hết.
Sắp đến, các ngành liên quan sẽ chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú, sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; chú trọng các cơ sở tuyến tỉnh trong việc tổ chức bàn khám, bố trí nhân lực khám, bố trí giường bệnh và chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh. (baothuathienhue.vn 21/12)
THỂ THAO
1. Bước tiến của Sở Y tế tại giải cầu lông – bóng bàn – quần vợt Đảng bộ Khối Cơ quan & Doanh nghiệp tỉnh
Sau những ngày tranh tài hấp dẫn, sôi nổi, giải cầu lông – bóng bàn – quần vợt truyền thống Đảng bộ Khối Cơ quan & Doanh nghiệp tỉnh mở rộng lần thứ XXV – 2020 đã khép lại vào tối 20/12 tại Trung tâm Thể thao tỉnh.
Diễn ra từ 18 - 20/12, giải thu hút hơn 400 VĐV đến từ 71 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia tranh tài ở 4 nội dung cầu lông (đơn nam, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ), 5 nội dung bóng bàn (đơn nam, đôi nam, đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ) và 3 nội dung quần vợt (đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ) ở 5 lứa tuổi khác nhau.
Sau 3 ngày đua tranh, giải đã chứng kiến sự vươn lên của Sở Y tế khi giành ngôi nhất toàn. Hai vị trí nhì, ba lần lượt thuộc về Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Viễn thông Thừa Thiên Huế.
Ở giải này năm ngoái, 3 vị trí dẫn đầu toàn đoàn lần lượt là Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Y tế và Viễn thông Thừa Thiên Huế.
Được tổ chức thường niên, giải cầu lông - bóng bàn - quần vợt truyền thống là sân chơi lành mạnh góp phần lan tỏa phong trào TDTT và là dịp để CB – CNVC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, gắn kết. (baothuathienhue.vn 20/12)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Thừa Thiên Huế: Ra quân, triệt phá liên tiếp nhiều tụ điểm ma tuý
Từ ngày 14/12 đến nay, sau lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tiếp triệt, phá nhiều tụ điểm ma tuý trên địa bàn.
Gần đây nhất, vào lúc 0h30 ngày 19/12, lực lượng Công an huyện Phú Vang bất ngờ đột kích cơ sở kinh doanh Karaoke Lyn thuộc thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang do ông Lê Văn Trung (sinh năm 1982) làm chủ, phát hiện tại đây có 3 phòng Karaoke đang hoạt động quá giờ qui định với tổng số 16 người khách có biểu hiện “phê” ma tuý. Qua test nhanh, xác định cả 16 người trên đều dương tính với ma túy tổng hợp Ketamin.
Trước đó, tối ngày 15/12, trên khu vực đường quốc lộ 1 thuộc thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, lực lượng Công an bắt quả tang Nguyễn Văn Hải (SN 1983, trú tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) vận chuyển trái phép gần 0.26g ma túy tổng hợp dạng đá. Qua đấu tranh khai thác, Nguyễn Văn Hải khai nhận số ma túy trên mua của một đối tượng tên là Vũ ở xã Lộc Tiến.
Công an huyện Phú Lộc nhanh chóng điều tra truy xét, đến khuya cùng ngày đã bắt giữ đối tượng Tống Thanh Vũ (SN 1984, trú tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) khi đối tượng đang ở tại một quán nước thuộc thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc. Qua khám xét, phát hiện và thu giữ trên người đối tượng Vũ gần 0.16g ma túy tổng hợp dạng đá.
Vào lúc 22h50 ngày 14/12, trước số nhà 79 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế, lực lượng Công an bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thành Phát (SN 1993, trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế) đang vận chuyển hơn 12.7g ma túy dạng thuốc lắc và gần 19.8g ma túy tổng hợp.
Cũng trong tối ngày 14/12, lực lượng Công an bắt quả tang đối tượng Hoàng Bá Đạt (SN 1991, trú tại phường Phú Bình, TP Huế) tàng trữ trái phép gần 2.4g ma túy dạng thuốc lắc và hơn 2.2g ma túy dạng khay.
Lớn nhất là vụ bắt giữ Nguyễn Quốc Phong, sinh năm 1985, ở tại 102 đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, thành phố Huế cùng đồng bọn chuyên mua bán ma tuý với số lượng lớn ngày 17.12. Lực lượng công an đã thu giữ tại tụ điểm này hơn 2135 viên hồng phiến và khoảng 0,5 kg ma túy đá
Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy - Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng Công an toàn tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa kết hợp tấn công mạnh các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý, nhất là tội phạm nguy hiểm, các ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính chất “xã hội đen”, không để xảy ra trọng án như cướp, cướp giật, giết người, đấu tranh mạnh với tội phạm tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao...; đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị phấn đấu làm giảm tai nạn, không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đua xe trái phép; làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội ngay từ cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (thuonghieucongluan.com.vn 20/12)
2. Tránh đánh đồng pháo hoa và pháo nổ
- Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Để người dân hiểu rõ hơn về những quy định mới trong Nghị định 137/2020/NĐ-CP, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân chấp hành nghiêm túc nghị định.
Phát hiện phương tiện chở pháo nổ vi phạm
Nghị định số 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển pháo nổ trái phép. Để tránh sự hiểu lầm của người dân, không để xảy ra việc đốt pháo hoa nổ, pháo nổ trái phép, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo, tránh tình trạng đốt pháo hoa ồ ạt, gây nguy cơ cháy, nổ và mất an ninh trật tự.
Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Nghị định 137/2020/NĐ –CP có nhiều điểm mới được nhiều người dân quan tâm, trong đó có quy định về việc được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, hội nghị... Tuy nhiên, để tránh bị nhầm lẫn, người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo nổ. Pháo hoa thì được phép sử dụng còn pháo nổ thì bị nghiêm cấm.
Theo đó, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại này hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng. Nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ là không đúng với quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Cũng theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, người dân muốn sử dụng pháo hoa cần biết rõ về nguồn gốc. Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Điều 14 của nghị định cũng quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa đồng thời phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định.
Bên cạnh điểm mới về việc được sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp quy định, thì Nghị định số 137 cũng đã bổ sung cụ thể hơn với những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo (Quy định tại điều 5, Nghị định 137).
Theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, việc bổ sung nhiều điểm mới trong quy định về quản lý, sử dụng pháo góp phần quan trọng giúp lực lượng chức năng quản lý về mặt nhà nước chặt chẽ hơn; việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép cũng được tiến hành thuận lợi hơn. (baothuathienhue.vn 19/12)
3. Thừa Thiên - Huế: Phát hiện 16 thanh niên 'phê' ma tuý tại quán karaoke
Cơ quan chức năng Thừa Thiên - Huế vừa kiểm tra, phát hiện nhiều đối tượng thanh niên sử dụng ma tuý tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn.
Ngày 20/12, Công an Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) cho biết, qua công tác kiểm tra, đơn vị vừa phát hiện và triệt xóa 1 điểm sử dụng ma túy trái phép, 16 đối tượng dương tính với ma túy.
Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 16 đối tượng dương tính với ma túy
Trước đó, vào lúc 0h30 ngày 19/12, lực lượng Công an huyện Phú Vang bất ngờ đột kích cơ sở kinh doanh karaoke Lyn thuộc thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, do ông Lê Văn Trung (SN 1982) làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện tại đây có 3 phòng karaoke đang hoạt động quá giờ quy định; 16 người đều có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy.
Sử dụng phương pháp test nhanh, cơ quan chức năng xác định cả 16 người trên đều dương tính với ma túy tổng hợp Ketamin.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ quán karaoke Lyn về hành vi Hoạt động karaoke quá giờ được phép, cùng 16 trường hợp trên về hành vi Sử dụng trái phép chất ma túy.
Hiện, cơ quan Công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng quy định. (antt.nguoiduatin.vn 20/12; congly.vn 20/12; baophapluat.vn 20/12; vov.vn 20/12; nongnghiep.vn 20/12; nld.com.vn 20/12; baodansinh.vn 20/12; nguoiduatin.vn 20/12)
4. Thừa Thiên Huế: Chặt đứt đường dây lừa đảo quốc tế gần 400 tỉ đồng
Ngày 18/12 thông tin từ Công an Thừa Thiên Huế cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã phối hợp với các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ- Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh phá chuyên án, bắt giữ một đối tượng người Việt Nam trong đường dây lừa đảo gần 400 tỉ đồng.
Được biết, đầu tháng 11/2020, Phòng An ninh mạng và sử dụng công nghệ cao (ANM& PCTPCNC) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được đơn trình báo của bà T.T.R và H.T.T.T (cùng trú tại TT. Huế) trình báo về việc bị một nhóm đối tượng giả danh nhân viên sân bay cấu kết với một đối tượng người nước ngoài lừa đảo số tiền hơn 700 triệu đồng; xác định tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Phòng ANM& PCTPCNC nhanh chóng xin ý kiến của Ban Giám đốc, xác lập chuyên án đấu tranh.
Qua phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra, đã xác định liên quan đến đường dây lừa đảo ở TP. Hồ Chí Minh, các tổ công tác được cắt cử nhanh chóng lên đường phối hợp với Công an địa phương truy bắt đối tượng. Sau nhiều ngày theo dõi, đầu tháng 12, đối tượng bị bắt giữ là Lê Thành Nhân (sinh năm 1989, trú tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An; làm nghề lái xe tại TP. Hồ Chí Minh)
Qua đấu tranh, Nhân khai nhận: Vào khoảng tháng 5/2020, qua giới thiệu, Nhân làm quen và được một người phụ nữ (hiện đang trú tại Campuchia) rủ tham gia vào một đường dây người nước ngoài lừa đảo tại Việt Nam. Vai trò của Nhân là chịu trách nhiệm liên lạc, nhận và chuyển tiền của các bị hại cho người phụ nữ này.
Từ những thông tin do Lê Thành Nhân và các bị hại cung cấp cùng kết quả điều tra xác minh, lực lượng Công an xác định, thông qua mạng xã hội Whatsapp, một số đối tượng người Niegeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, nhóm đối tượng người nước ngoài này sẽ bày tỏ muốn tặng quà, gửi ngoại tệ có giá trị cao cho các bị hại hòng làm mồi nhử. Khi có được thông tin của bị hại, chúng chuyển cho các đối tượng khác sinh sống ở Campuchia để lấy thông tin các tài khoản ngân hàng. Sau đó các đối tượng ở Campuchia sẽ cung cấp thông tin cho Lê Thành Nhân tại Việt Nam. Lúc này, Nhân sẽ “giả danh” nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng.
Với số tiền chiếm đoạt được, trong 2 tháng đầu tiên, Lê Thành Nhân được hưởng 10%; những tháng tiếp theo Nhân được trả công 12 triệu đồng/tháng.
Mở rộng điều tra, lực lượng Công an còn phát hiện nhóm đối tượng người Niegeria này còn lên mạng kết bạn với một số nam giới tại Việt Nam, tạo giả các hợp đồng làm ăn với số tiền lớn cần chuyển tiền về Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền..
Bằng những thủ đoạn này, chỉ từ tháng 6 đến nay, các đối tượng đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng.
Lực lượng Công an cũng đã thu giữ được tại phòng trọ của Nhân ở TP Hồ Chí Minh 4 máy điện thoại, 16 sim số điện thoại, 01 quyển ghi chép thông tin liên quan đến hoạt động lừa đảo của Nhân cùng nhiều vỏ sim điện thoại khác… (thuonghieucongluan.com.vn 19/12)
5. Hiệu quả xử phạt vi phạm an toàn giao thông qua camera
Triển khai từ ngày 1/11/2019, sau hơn 1 năm thực hiện xử phạt vi phạm an toàn giao thông (ATGT) thông qua dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC), lực lượng Công an đã tiến hành “phạt nguội” hàng ngàn phương tiện, người tham gia giao thông vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
2.425 trường hợp vi phạm, xử lý 1.087 trường hợp, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng; chuyển ngăn chặn kiểm định 236 ô tô... là kết quả ghi nhận được sau 1 năm triển khai xử lý vi phạm ATGT qua dữ liệu của IOC. Quá trình phát hiện xử lý các vi phạm đều đảm bảo minh bạch, công khai, khách quan theo đúng quy định pháp luật.
“Việc tiếp nhận xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm về trật tự ATGT qua IOC đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong đảm bảo an ninh trật tự, trật tự ATGT trên địa bàn. Trong đó, với đặc điểm là địa bàn trọng điểm về ATGT, thông qua IOC, Công an TP. Huế đã phát hiện, xử lý kịp thời, nhanh chóng nhiều vi phạm giao thông; qua đó, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân không ngừng nâng lên, tai nạn giao thông giảm”- Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT - TT Công an TP. Huế cho biết.
Từ hình ảnh, video do người dân cung cấp qua phần mềm HueS và những hình ảnh, video ghi nhận trực tiếp từ hệ thống cảm biến camera được lắp đặt trên địa bàn, hệ thống máy tính tự động tại IOC ghi nhận lỗi vi phạm và gửi về Công an tỉnh thông qua Trung tâm thông tin chỉ huy; sau đó, Trung tâm này tiến hành phân loại các trường hợp vi phạm và gửi về Công an đơn vị, địa phương để xác minh, xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trung úy Nguyễn Sỹ Long- cán bộ Đội CSGT- TT Công an TP. Huế cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh các trường hợp có dấu hiệu vi phạm từ IOC, chúng tôi tiến hành đồng thời các bước như tra cứu thông tin phương tiện, khảo sát thực tế tại vị trí được phản ánh, nắm bắt chính xác hệ thống giao thông bao gồm hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vào khung thời gian được phản ánh... từ đó xác định được hành vi được phản ánh có lỗi hay không; sau đó sẽ tiến hành các bước gửi thông báo và chứng minh, đấu tranh với hành vi vi phạm”
Toàn tỉnh hiện có 250 camera được lắp đặt, kết nối về IOC, đã phát huy được hiệu quả trong quan sát, thu thập, xử lý đối với các vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT, tạo lập được cơ chế phối hợp, chia sẻ hiệu quả dữ liệu với các cơ quan chức năng.
“Vừa rồi tôi có vi phạm, qua hình ảnh camera ghi nhận, tôi thấy rõ được lỗi vi phạm của mình và sẽ rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho mình và ngưởi khác. Bản thân tôi rất đồng tình ủng hộ việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera, để người dân có ý thức tự giác hơn khi tham gia giao thông”- Anh N.V.T chia sẻ.
“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn IOC và lực lượng Công an tăng cường phối hợp hơn nữa, gửi thông tin nhanh chóng để chúng tôi kịp thời xác minh và xử lý. Đồng thời, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin cho người dân về hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường, để người dân nêu cao ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông”- Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ nói.
Việc triển khai xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống cảm biến camera đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT kiểm soát trật tự ATGT. Bên cạnh đó, còn giúp lực lượng chức năng khác giám sát việc bảo đảm an ninh, theo dõi, phát hiện đối tượng phạm tội trên địa bàn; hỗ trợ trong công tác phòng, chống tội phạm. (baothuathienhue.vn 19/12)
6. Đảm bảo chuẩn an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu môi trường ở Huế
Quy chế của Thừa Thiên Huế quy định, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phải được phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Bản quy chế bao gồm các quy định để bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin.
Theo đó, Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin; có các biện pháp tổ chức, quản lý vận hành, nghiệp vụ và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu, an toàn máy tính và an ninh mạng.
Quy chế của Thừa Thiên Huế cũng quy định, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phải được phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Quy chế của Thừa Thiên Huế quy định, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phải được phân loại theo cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng.
Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, quản lý rủi ro và các biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn thông tin.
Một quy định khác là, việc in, sao, chụp, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu tài liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Trước đó trong tháng 10, Ban giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Công an tỉnh. (vietnamnet.vn 21/12)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Tạo cơ hội phát triển lĩnh vực công nghiệp hóa dược ở Thừa Thiên Huế
Đó là cơ sở đề tài khoa học "Đánh giá tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về các loài cây dược liệu phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế" do Viện nghiên cứu Khoa học miền Trung chủ trì nghiên cứu, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội đồng nghiệm thu ngày 20/12.
Đề tài được thực hiện 2 năm bắt đầu từ tháng 9/2019 do PGS.TS Lê Tuấn Anh làm chủ nhiệm với kinh phí 1.066 triệu đồng. Đề tài đã nghiên cứu chọn lọc và xây dựng danh mục rút gọn 200 loài cây thuốc có công dụng chữa bệnh theo tri thức bản địa; trong đó sàng lọc chọn ra 20 loài có tiềm năng để phát triển cây thuốc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn mà giá trị kinh tế cao.
Những loài này có tên gọi địa phương, như Thạch Tùng, Ngấn chày, Bình Vôi, Bạch hoa xà, Tầm bóp, An xoa, Bồ Công anh, Căn xà Ba Vì, Rau má... nằm ở nhiều địa phương, trong đó hiện diện nhiều ở Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế và miền núi Nam Đông. Trong số những dược liệu tiềm năng này có 3 loài: Tầm bóp, An xoa, Xà căn Ba đã nghiên cứu có công dụng hiệu quả trong điều trị ung thư và kháng viêm.
Với tiềm năng trên, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất UBND tỉnh và các ban ngành liên quan tạo cơ chế chính sách thuận lợi xây dựng phương án nuôi trồng, chăm sóc, sản xuất chế biến theo hướng hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2030 đưa nghề trồng cây dược liệu địa phương trở thành nghề có thế mạnh để phát triển công nghiệp hóa dược. (baothuathienhue.vn 20/12)
2. Cá tôm không phụ lòng người
Khác với những làng chài ven biển, đầm phá xác xơ sau các trận cuồng phong, Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) vẫn “sống khỏe” nhờ nguồn sản vật dồi dào sau thiên tai và rừng cây chắn sóng bên bờ phá.
Làng chài “sống khỏe”
Cũng như hàng chục làng chài trải dọc theo bờ phá Tam Giang, làng Ngư Mỹ Thạnh - như chính cái tên của nó - cư dân nơi đây vốn lấy nghề “theo đuôi con cá” làm kế mưu sinh. Khác chăng, vùng đất nằm giáp ranh cuối hạ nguồn con sông Ô Lâu, hưởng được đặc ân phù sa sau bao thác ghềnh của con sông mẹ ở triền núi, để bồi đắp cho biền bãi hạ du.
Nếu vùng cửa sông Ô Lâu (Quảng Thái, Quảng Điền), nổi tiếng với việc hình thành tràm chim trong ký ức cũng như hiện thực thì vùng đầm phá Quảng Lợi nức tiếng với nguồn sản vật dồi dào.
Cuối đông, anh bạn người đầm phá kháo với tôi rằng, về Ngư Mỹ Thạnh mà xem ngư dân “mần” nghề dũi đánh tép. Nghề mới nhưng ngư dân làm quanh năm, “hái” ra tiền mỗi ngày. Thông thường, sau cơn lũ, nước bạc từ thượng nguồn về làm môi trường sống thay đổi, cá tôm cũng ốm o, khan hiếm dần. Đó cũng là lúc nghề ngư của dân đầm phá gặp khó.
Nhưng vài năm nay thì khác hẳn, từ khi có từng cây bần chua trồng ken dày bên bờ phá, xung quanh những “cồn nổi” giữa dòng Tam Giang đã làm cá tôm, cua và đặc biệt là tép sinh sôi vô kể. Trở về từ chuyến khai thác tép xuyên ngày, anh Phan Cư, ngư dân làng Ngư Mỹ Thạnh cầm mớ tép trắng phau trên tay, hồi hởi: “Chưa mùa đông năm nào tép nhiều như ri. Mỗi kg 40 nghìn đồng. Ngày hai vợ chồng siêng năng kiếm gần triệu bạc là thường!”
Là thế hệ “hậu bối” của làng chài, anh Cư đã từng nuôi xen ghép các loại thủy sản trên đầm phá, rồi theo cha đặt lừ đánh cá tôm truyền thống, nghề ngư cũng chỉ đủ ăn, thậm chí khi mưa bão thất bát thì thiếu ăn. Từ khi học được nghề dũi tép ở thôn Trung Làng (xã Quảng Thái) kế bên, sinh kế gia đình anh đã thay đổi.
Bởi, vùng Quảng Thái vốn là đất của những tràm chim. Khi mực nước triều hạ, những biền bãi để lộ ra lớp thức ăn phù du cho các loại chim cò. Từ trong những rặng cây ngập mặn cũng hình thành loài tép bám trong rong rêu, rễ cây. Ngư dân ở vùng cửa sông một thời đã khai thác các loại thức ăn của chim cò để đảm bảo sinh kế. Nghề truyền nghề. Khi mà những cây bần chua ven đầm phá Quảng Lợi đã khép tán thì nghề dũi tép cũng khá thịnh ở Ngư Mỹ Thạnh.
Ngoài con tép, mô hình nuôi xen ghép từ những cồn nổi trên phá Tam Giang được bao bọc bởi rừng cây ngập nước cũng mang lại sinh kế cho ngư dân nơi đây. Nuôi xen ghép ven đầm phá không phải là mới, nhưng nuôi giữa rừng cây ngập mặn, tạo môi trường tự nhiên cho các loài thủy sản như ở Quảng Lợi thì chỉ có vài trăm trở lại đây.
Dẫn chúng tôi ra vuông lưới, ngư dân Phan Công Vũ bảo rằng, nuôi xen ghép dù lời lãi ít hơn nhưng đổi lại tỷ lệ rủi ro rất thấp. Mỗi năm nhờ vào rừng cây bần chua trồng trên phá có thể nuôi được 2 vụ, trừ chi phí lãi khoảng 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, bộ rễ dày cùng rong rêu của rừng cây này là nơi trú ngụ của thủy sản, chủ hồ có thể khai thác quanh năm.
An cư ắt… lạc nghiệp
Có dịp trò chuyện với ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông bảo rằng, thống kê mới đây cho thấy, sau các trận bão, lụt cuối năm 2020 này, nhiều làng chài ven biển, đầm phá nhà cửa bị tốc mái, hạ tầng, âu thuyền hư hỏng khá nhiều. Nhưng ở Quảng Lợi thì chỉ có 7 nhà bị tốc mái, vuông lưới, âu thuyền của ngư dân vẫn “vững chãi” trước gió bão.
Tìm hiểu nguyên nhân từ chính ngư dân vùng này cho thấy, những rừng cây ngập mặn khép tán đã trở thành “tấm khiên” che chắn cho dân làng. Không phải tự dưng, “câu chuyện Quảng Lợi” lại được nhắc đến những ngày sau bão lũ, là bởi nơi đây có diện tích rừng ngập mặn ven đầm phá được quy hoạch trồng khá bài bản. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, công góp của người dân, giờ đây rừng cây cho ngư dân làng chài những “trái ngọt” đầu tiên. Và, giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân cũng bắt đầu từ đây.
Thong dong lái chiếc thuyền từ âu thuyền Ngư Mỹ Thạnh “ra khơi”, ngư dân Phan Văn Ty nói chắc nịch: Trong trận bão số 5 và số 8 vừa qua, nếu không có cây rừng chắn gió thì khoảng 370 chiếc ghe thuyền trong này khó mà giữ được. Chuyện “chạy bão” của ngư dân giờ là quá khứ. Có rừng cây ngư dân mới an cư. An cư rồi mới “lạc nghiệp” được.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi nhớ như in về những trận cuồng phong qua năm tháng mà thôn dân làng Ngư Mỹ Thạnh phải gánh chịu. Làng nằm chông chênh bên bờ phá mỗi mùa mưa bão về. Cứ mỗi bận thiên tai, công tác chằng chống nhà cửa, di dời người dân luôn được chính quyền tính đến.
Từ năm 2016 đến nay, thông qua các dự án, đã có 45 ha rừng cây ngập mặn được trồng từ bến đò Cồn Tộc (Quảng Lợi) kéo dài đến vùng giáp ranh xã Quảng Thái trên chiều dài khoảng 10km. Nhiều đoạn rừng cây được trồng ken dày với bề dày từ 40-50m. Cây rừng khép tán đã làm giảm cường độ sóng, gió khi từ ngoài phá đi vào đất liền.
Kinh nghiệm của ngư dân, mỗi mùa bão, sóng từ ngoài phá Tam Giang vào cao từ 1-1,5m, khi đi qua rừng cây, cường độ đã giảm đi nhiều. Rừng cây bần chua cũng góp phần bảo vệ tuyến đê Tây phá Tam Giang trước tình trạng sóng lớn gây sạt lở bảo vệ nhà cửa, sản xuất tại địa phương và vùng lân cận.
Giấc mơ làng chài
Ngư Mỹ Thạnh vài năm trở lại đây còn biết đến với tour du lịch trải nghiệm đầm phá Tam Giang, giao cho chi hội nghề cá quản lý với các hoạt động đi thuyền, đánh bắt thủy sản… do một tổ du lịch gồm các chị em phụ nữ trong thôn đảm nhận. Tour du lịch Ngư Mỹ Thạnh đã từng bước phát huy hiệu quả, nghiệp vụ tiếp đón, hướng dẫn phục vụ du khách ngày được nâng lên. Chẳng mấy chốc mà ngư dân nơi đây thành những “hướng dẫn viên du lịch” thực thụ.
Lượng khách trong và ngoài nước chủ yếu từ các tour lữ hành của các công ty ở thành phố với bình quân từ 40-50 đoàn, khoảng 1.500 người/năm.
Ông Phan Đăng Bảo khẳng định, địa phương đã xây dựng đề án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng xã Quảng Lợi đến năm 2025 và định hướng năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đưa du lịch dịch vụ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của xã.
Trong đó, tiếp tục duy trì mô hình du lịch cộng đồng, truyền thống tại Ngư Mỹ Thạnh, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch lưu trú homestay, dịch vụ vận chuyển đưa đón khách trên đầm phá Tam Giang, rừng ngập mặn, tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con địa phương. Khôi phục phát triển các hoạt động sản xuất truyền thống gắn với văn hóa bản địa để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm…
Khép lại câu chuyện chính sách mà địa phương đang nỗ lực triển khai. Nhìn ra xa, những chuôm trộ ngư dân cũng đã hình thành trên diện tích mặt nước bờ phá Tam Giang. Làng chài Ngư Mỹ Thạnh xanh dần sau bão. (baothuathienhue.vn 20/12)
3. Thừa Thiên Huế: Phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hoá cho các sản phẩm vùng nước lợ
Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu ban hành một số chính sách như khuyến khích phát triển thương hiệu cho các đối tượng đặc hữu. Bên cạnh đó cần hỗ trợ doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và thị trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức nhận quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sinh thái kết hợp du lịch.
Đó là nhấn mạnh của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hoá cho các sản phẩm hải sản vùng Tam Giang – Cầu Hai” do Sở Khoa học Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 18/12.
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Đầm phá Tam Giang- Cầu Hai (TG-CH) là tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho Thừa Thiên Huế. Trong thời gian qua, để khai thác tốt tiềm năng của vùng đầm phá, tỉnh đã xác định ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản là chủ lực, qua đó đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản có sự kết hợp 04 nhà (nhà khoa học - quản lý - người nuôi - doanh nghiệp) và đầu tư dự án Khu công nghiệp chế biến thủy hải sản ở vùng đầm phá TG-CH.
Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong thời gian qua, các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn cho một số sản phẩm nông sản như thanh trà, tinh dầu tràm, gia vị bún bò Huế…
“Tuy nhiên, sản phẩm hải sản có giá trị cao ở vùng đầm phá thì chưa thực hiện theo mô hình chuỗi giá trị. Vì vậy, tại Hội thảo này, chúng tôi mong muốn lắng nghe những tham luận, báo cáo khoa học, ý tưởng mới, những đóng góp quý báu, định hướng cho việc phát triển chuỗi giá trị, nâng cao khả năng thương mại hóa và tiến đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản vùng đầm phá TG-CH”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, giải pháp chủ yếu về hạ tầng trong giai đoạn tới là đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi cao triều đảm bảo áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hướng đến áp dụng công nghệ cao; sắp xếp lại vùng nuôi chắn sáo (dùng lưới và cọc tre để rào chắn kỹ lại khu vực nuôi), cá lồng và chuyển đổi dần việc áp dụng lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến như lồng Đan Mạch quy mô nhỏ, hoặc gia cố hạ tầng vùng nuôi hạ triều đảm bảo kiểm soát được môi trường nước trong ao nuôi, chủ động các biện pháp kỹ thuật.
Các địa phương vùng đầm phá TG-CH có chung một quan điểm - muốn phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cá đặc sản thì cần phải đảm bảo các khâu, từ vùng nguyên liệu đến bảo quản đóng gói, xây dựng mẫu mã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tổ chức kênh phân phối, thu mua sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Theo đó, các địa phương đề nghị ngành nông nghiệp cần xây dựng vùng nuôi chuyên canh các loại cá đặc sản có giá trị cao; hướng dẫn người dân, các cơ sở tăng cường ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phương pháp bảo quản chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm cá đặc sản như cá nâu, cá ông bầu, cá dìa và cá vẩu....
Về định hướng phát triển chuỗi thị trường sản phẩm thủy sản đặc sản, thủy sản đầm phá ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ: Về lâu dài cần xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sản phẩm thủy sản đặc sản và tăng cường quảng bá các sản phẩm thủy sản đặc sản đầm phá; tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung, mở rộng thị trường bằng cách khuyến khích các hộ chế biến nhỏ lẻ tại các xã ven biển.
Nhiều ý kiến tại đây cho rằng, những yếu tố trong quy trình nuôi thủy sản trên đầm phá TG-CH từ đầu vào đến đầu ra là những mắt xích quan trọng. Các mắt xích hoạt động kém hiệu quả thì mối liên kết sẽ khó bền vững. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất cho người nuôi thủy sản ở đầm phá là hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp và người nông dân (người nuôi) chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua hải sản qua thương lái và người nuôi chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu, để phát triển vùng nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu ban hành một số chính sách như khuyến khích phát triển thương hiệu cho các đối tượng đặc hữu; hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi thủy sản hướng VietGAP, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao…; hỗ trợ doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và thị trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức nhận quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sinh thái kết hợp du lịch. (congthuong.vn 19/12)
4. Trên đồng rau đã xanh
Xã Quảng Thành (Quảng Điền) nằm ở vị trí khá thấp trũng, luôn bị ngập lụt dài ngày về mùa mưa nhưng đây cũng là vùng rau xanh của tỉnh. Riêng năm 2020 là một năm đầy thử thách cho người dân nói chung và cho những người phụ nữ Quảng Thành - nhân lực chính của những ruộng rau - nói riêng.
Sau các đợt dịch COVID-19 và lũ lụt liên miên, để giữ được màu xanh của những luống rau, người phụ nữ Quảng Thành phải đối mặt với những khó khăn. Về Quảng Thành sau lũ, nhìn những cánh đồng trắng nước, những vườn cây trái như mít, mía thối rễ chết rũ mới hiểu sự khó khăn chồng chất mà chị em phải gồng mình cùng gia đình gánh vác để cây trái có cơ hội sống lại sau những khắc nghiệt của thiên tai...
Trong các đợt dịch COVID-19, tuy cuộc sống có xáo trộn do giá cả sản phẩm làm ra giảm mạnh, nhưng phụ nữ Quảng Thành vẫn bám ruộng đồng, động viên nhau tăng gia sản xuất để có thu nhập. Nhưng sau các đợt lũ thì quả thật khó khăn. Nước lên nhanh, xuống chậm, có nơi ngâm lâu hàng mấy chục ngày, cây cối xác xơ chết đứng trong nước. Với tinh thần vượt khó và sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chính quyền địa phương, nước rút đến đâu phụ nữ xã Quảng Thành cùng gia đình tái sản xuất đến đó.
Các chị, các mẹ ở đây không chỉ phát huy vai trò mẹ đảm vợ hiền trong gia đình mà còn chung tay giúp nhau vượt khó. Cán bộ phụ nữ thì đến từng nhà nắm tình hình để hỗ trợ tái sản xuất.
Chị Huỳnh Thị Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã tâm sự: “Năm nay dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hội cũng làm tốt công tác truyền thông, vận động chị em hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, kịp thời tái sản xuất để có thu nhập sau lũ”.
Là vùng rau, sau lũ lụt, các hộ đều tranh thủ trồng các loại cây, con ngắn ngày để có thu nhập sớm. Hội LHPN xã tìm gọi các nhà tài trợ, tư vấn cho các mạnh thường quân để được hỗ trợ những thứ người dân cần trong việc tái sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý đến cây, con giống. Những ngày sau lũ, cán bộ phụ nữ tất bật phân phối hàng cứu trợ, đón nhận dự án…Chị Kiều phấn khởi cho biết, hội đã tiếp nhận hàng ngàn con gà giống và rất nhiều hạt giống, cấp phát kịp thời cho chị em toàn xã tái sản xuất, góp phần lấy lại màu xanh trên các cánh đồng rau. Hiện hội đang phối hợp với Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện dự án “Tiếp bước con đến trường”, mang lại sinh kế ổn định cho nhiều bà mẹ có con còn đi học để các em trong gia đình bị ảnh hưởng lụt bão được vui bước đến trường. Đáng chú ý, hội đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng- Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội phục hồi kinh tế điều phối nguồn vốn để giúp chị em (5 triệu đồng một hộ và được 50 hộ). Đây là cơ hội để những cánh đồng rau xanh trở lại.
Bên cạnh các dự án quy mô, Hội LHPN xã vẫn duy trì việc giúp nhau ngày công, cây, con giống các loại và quay vòng vốn cho phụ nữ nghèo buôn bán nhỏ, bảo đảm để ai có nhu cầu giúp đỡ đều được giúp đỡ.
Riêng cán bộ hội, các chị nhiệt tình phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể động viên Nhân dân toàn xã tập trung lao động sản xuất, coi đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nguồn vui khi góp phần trả lại màu xanh cho đất sau thiên tai. (baothuathienhue.vn 21/12)
5. Nông dân Thừa Thiên – Huế sản xuất rau màu vụ Tết
Các đợt bão lũ vừa qua khiến ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế chịu thiệt hại nặng nề. Sau bão lũ bà con nông dân nỗ lực khắc phục khó khăn, tái sản xuất hoa màu phục vụ vụ đông và Tết để ổn định cuộc sống. (vnews.gov.vn 20/12)
6. Khởi nghiệp đang trở thành xu thế
Khởi nghiệp (KN) đang trở thành một xu thế được cổ vũ với sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương. Gần đây, Thừa Thiên Huế có những bước tiến đáng ghi nhận mang lại những hiệu ứng tích cực.
Môi trường năng động
Khi đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, chính quyền, các doanh nghiệp, cộng đồng ở Thừa Thiên Huế đã nỗ lực để phong trào KN, đổi mới sáng tạo được hình thành phát triển; tạo ra nhiều dấu ấn, giúp tinh thần KN lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ, xác định vai trò quan trọng của KN góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng, vận hành hệ sinh thái KN. Hầu các tổ chức, ban ngành, đơn vị ở địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã vào cuộc, tạo cảm hướng và lan tỏa tinh thần KN trong cộng đồng. Các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp cũng đồng hành với tỉnh trong việc tư vấn, hỗ trợ kết nối, đào tạo... hình thành được hệ sinh thái KN đặc trưng của địa phương. Đây có thể xem là dấu ấn của Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác.
Hiện nay, Trung tâm KN đổi mới sáng tạo tỉnh (trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh) đã thành lập không nằm ngoài mục tiêu kết nối các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế. Một số doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, như Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng đã xây dựng vườm ươm hỗ trợ KN; Câu lạc bộ KN Huế ra đời; Trường đại học Nông Lâm, Trường đại học Kinh tế- ĐH Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã hình thành các CLB KN và vườn ươm...
Đại học Huế đã thành lập Trung tâm KN đổi mới sáng tạo có không gian làm việc riêng tại đường Lê Lợi-TP. Huế. Đây là một trong ba địa chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao làm thí điểm xây dựng hệ sinh thái KNĐMST của cả nước và đơn vị duy nhất của miền Trung-Tây Nguyên.
Theo TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN đổi mới sáng tạo-Đại học Huế, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tổ chức 11 khóa đào tạo kỹ năng cho hơn 330 giảng viên nguồn; 5 khóa đào tạo chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực KN; 9 khóa đào tạo kỹ năng cho hơn 300 sinh viên nguồn và tổ hơn 100 sự kiện giúp cho hàng chục nghìn sinh viên tiếp cận, nâng cao kiến thức kỹ năng trong hoạt động KN. Trung tâm còn hỗ trợ hơn 300 ý tưởng, hình thành nên các dự án KN; hỗ trợ hơn 10 dự án được cam kết đầu tư với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện nay, trung tâm đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đưa cộng đồng KN ở Thừa Thiên Huế đi vào chiều sâu, không mang tính phong trào.
Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động KN. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các ý tưởng, dự án KN phát triển bền vững...
Kết nối đam mê
Dù hoạt động KN tại Thừa Thiên Huế đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, nhưng khẳng định được vị thế và bản sắc riêng. Những năm qua, việc tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn KN mang tính thường niên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, nhóm dự án KN, tổ chức hỗ trợ KN và các chuyên gia. Thông qua các Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hàng năm ở địa phương luôn với tinh thần đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng KN. Từ những cuộc thi nhiều ý tưởng, dự án KN được chọn lọc tôn vinh trở thành những thương hiệu Huế có điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, như Công ty TNHH Sản xuất thương mại Yes Huế; Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và Dịch vụ Xưa; Công ty THHH Sản xuất thương mại Liên Minh Xanh...
Năm 2020, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng chỉ sau 3 tháng phát động Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế tạo dấu ấn mới. 9 cá nhân, doanh nghiệp với các ý tưởng, dự án KN được tôn vinh đầu tháng 12 vừa qua đã cho thấy tính sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để KN, như lĩnh vực y tế, du lịch, công nghệ thông tin, tài nguyên bản địa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa... Các ý tưởng, dự án này sẽ được tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đổi mới, chuyển giao đưa sản phẩm vào thị trường trong thời gian đến.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến, dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan Huế... Để đạt mục tiêu trên, chính quyền địa phương đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, triển khai nhiều đề án cụ thể; trong đó đang tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung. Mong rằng, với tiềm năng và lợi thế đặc trưng riêng của địa phương, sự chung tay, ủng hộ của các doanh nghiệp, cộng đồng yêu KN, những nỗ lực và hành động cụ thể, đúng hướng của chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ tạo cơ sở để lan tỏa hơn nữa tinh thần KN và đổi mới sáng tạo, xây dựng một Cố đô KN năng động hơn. (baothuathienhue.vn 20/12)
7. Nông dân Thừa Thiên Huế nỗ lực cứu cây thanh trà đặc sản sau lũ
Người dân Thừa Thiên - Huế đang triển khai nhiều biện pháp để khôi phục, cứu hàng trăm héc ta cây đặc sản thanh trà bị nấm sâu bệnh, héo rụng lá… sau khi bị ngâm nước mưa lũ lâu ngày.
Sau đợt bão lũ kéo dài trong 2 tháng 10 và 11 vừa qua, hàng trăm héc ta cây thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngâm nước lâu ngày đang bị nấm, héo rụng lá, nhiễm bệnh, chết... gây thiệt hại lớn đối với người dân.
Hơn 240 héc ta thanh trà tại các vùng chuyên canh loại cây này ở phường Thủy Biều (TP Huế), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), xã Phong Thu (huyện Phong Điền) bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần. Hiện các chủ vườn đang thực hiện nhiều biện pháp khôi phục những vườn cây ăn quả, đặc sản xứ Huế.
Thanh trà là một trong những cây ăn quả đặc sản với vị ngọt thanh đặc trưng được trồng phổ biến ở một số địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thanh trà được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.
Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế địa hình gò đồi và các diện tích ven sông Bồ, người dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở rộng diện tích trồng cây thanh trà. Tại đây có 400 hộ dân trồng thanh trà, với gần 140 ha, thu nhập bình quân trên một ha từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm, giúp người dân có cuộc sống ổn định. Sau mưa bão, nhiều diện tích cây thanh trà bị chết do ngâm dài ngày trong nước lũ. Một số khác bị nhiễm nấm khiến cây rụng lá, khô héo.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, người dân địa phương ra vườn dọn dẹp xới đất rải vôi rửa chua, khoét vỏ chống nấm bệnh lây lan, chặt cành bị gãy, chặt những cây bị chết… cứu các cây còn sót lại.
Có mặt tại các vườn cây thanh trà ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho thấy, nhiều chủ vườn sau khi xới đất xung quanh thì ngồi dưới gốc hoặc trèo lên trên cành cây thanh trà tìm chỗ bị nấm khoét vỏ loại bỏ những chổ bị nấm để chống bệnh lây lan và quét vôi ở thân cây, gốc cây, cắt tỉa các cành.
Ông Trần Hữu Thanh (SN 1957, trú thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếc nuối khi nhìn vườn thanh trà cho biết, gia đình trồng được 6 sào với 50 cây đã 6 năm tuổi và mới bán vụ đầu tiên được 75 triệu đồng. Hứa hẹn sang năm thu nhập sẽ tăng gấp đôi nhưng hiện đã bị nấm bệnh tràn lan hoặc chết và chỉ còn khoảng 30 cây đang tiếp tục chăm sóc, mong sao cây không chết nữa.
“Lụt ngập quá nhiều, cây thanh trà không chịu nổi nước, ngâm khoảng vài ngày thì được, ngâm khoảng chục ngày, nên cây thanh trà không chịu nổi. Cây chết gần hết, chừ thì xem cây nào có khả năng thì cứu cây đó thôi”, ông Thanh ngậm ngùi nói.
Ở một vườn thanh trà khác, đang cố leo trèo lên cành cây thanh trà với vẻ mệt mỏi để quét vôi chống nấm bệnh, anh Hồ Văn Túy (trú phường Hương Vân) cho biết, tôi trồng được 300 cây và vừa rồi mới ra quả bán được 50 triệu đồng nhưng do ngâm nước lũ lâu ngày nên bị chết mất hơn 100 cây.
“Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày nên không sao, năm nay cây bị ngập trong nước gần nửa tháng nên chết hàng loạt. Thanh trà bị chết chủ yếu là những cây trồng khoảng 4 năm trở lại và ở nơi thấp trũng, hiện tôi đang tập trung cứu chữa bệnh cho các cây còn sót lại”, anh Túy cho hay.
Người dân phường Hương Vân cho biết, đa số những cây thanh trà bị chết là những cây mới trồng, chuẩn bị được thu hoạch quả từ 3 – 5 năm tuổi. Ngoài thiệt hại về kinh tế thì việc khôi phục hoặc trồng lại rất gặp khó khăn bởi thời gian chăm sóc ra quả dài ngày và nhanh nhất phải trồng được 6 năm mới cho thu hoạch quả.
Trao đổi với PV ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân thông tin, địa phương có 138ha cây thanh trà từ 3 - 5 năm tuổi bị chết do mưa lũ và gây thiệt hại lớn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ra dọn vườn, chặt bỏ những cây thanh trà chết, cây bị nấm được xử lý bằng cách bôi vôi, tỉa bớt cành lá và trồng thêm cây mới vào chỗ cây chết.
Không chỉ người dân trồng cây thanh trà ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị thiệt hại sau các đợt mưa lũ mà hàng trăm hộ dân ở phường Thủy Biều (TP Huế) và xã Phong Thu (huyện Phong Điền) cũng rơi vào cảnh điêu đứng tương tự khi các cây thanh trà bị chết hoặc bị nhiễm sâu bệnh khiến cây yếu sức rồi chết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa bão ngập lụt vừa qua khiến 540ha cây có múi ở địa phương bị thiệt hại và phần lớn là cây thanh trà. (giaoducthoidai.vn 20/12)