Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 18/12/2020
Ngày cập nhật 21/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  Dịch vụ đáng sợ

 Trên mạng hiện đang xuất hiện nhan nhản dịch vụ làm bằng lái cấp tốc với các cam kết: đảm bảo “thật 100%”; có “mã quét điện tử chống giả”, mã QR; không cần đặt cọc; nhận bằng, quét mã kiểm tra thoải mái, thấy chuẩn thì mới nhận tiền…

Đời tôi đã 2 lần đi học và thi lấy bằng lái xe. Lần thứ nhất là học, thi để lấy bằng lái mô tô 2 bánh; lần thứ hai thi lấy bằng B2 ô tô. Không hề đơn giản, học lý thuyết, luyện thực hành, rồi bước vào phòng thi lý thuyết, ra sa hình thi thực hành. Căng thẳng, hồi hộp và rớt lia chia. Rớt cũng đồng nghĩa là phải mất thêm tiền… “ngu”, mất thêm thời gian chờ đợi để được thi lại lần 2…

Đợt chúng tôi học, thi, thú thật cũng có quen biết và có gửi gắm để được quan tâm chút chút. Tuy nhiên, tôi động viên bà vợ và mấy bạn cùng học hãy cố gắng tự phấn đấu, bởi đó là học, là thi cho chính bản thân. Sau này ra thực tiễn, tự mình ngồi sau tay lái, nếu không nắm luật, thao tác không thành thục thì hậu quả là khôn lường, họa cho người và cũng họa cho mình. Cuối cùng rồi cũng qua, cầm cái bằng lái thấy nó sướng và xứng với công sức, với “đồng tiền bát gạo” mà mình đã bỏ ra. Cũng nhờ có học có thi đàng hoàng, nên bây giờ, chạy xe trên đường cảm thấy rất tự tin     

Mời chào nhan nhản

Dài dòng như thế để thấy lấy cái bằng lái, nhất là bằng lái ô tô là không hề đơn giản. Chi phí trên chục triệu cả học phí, cả xăng xe luyện tập,…là chuyện “ngó thấy”.  Rồi còn thời gian, mồ hôi tuôn đổ trên sa hình, trên các cung đường thực hành cũng không hề ít. Vậy mà bây giờ, trên mạng thấy xuất hiện nhan nhản dịch vụ làm bằng lái cấp tốc với các cam kết: đảm bảo “thật 100%”; có “mã quét điện tử chống giả”, mã QR; không cần đặt cọc; nhận bằng, quét mã kiểm tra thoải mái, thấy chuẩn thì mới nhận tiền…

Thấy quá ngạc nhiên, tôi vào ib liên hệ để biết cụ thể, giá cả, thời gian, các loại bằng, đối tượng cần bằng có phải học, phải thi v.v… Nhà cung cấp dịch vụ trả lời đon đả, tận tình, khẳng định họ “cấp” đủ loại bằng, tất cả lấy từ phôi thật, bao soi check. Bằng ô tô dưới 7 chỗ lẫn trên 30 chỗ đều đồng giá là 4,5 triệu đồng, nhận hàng, soi check OK mới trả tiền. Khách hàng từ lúc cung cấp thông tin, sau 4-6 ngày là có bằng. Không cần học, không cần thi…

Tôi toát mồ hôi. Thế này thì loạn mất. Và mọi nỗ lực vì an toàn giao thông không khéo đều đổ sông đổ biển. Sẽ như thế nào nếu trên các cung đường xuất hiện những bác tài thủ đắc những chiếc giấy phép lái xe đủ hạng như vậy ngồi sau tay lái? Việc xử phạt, thu bằng có còn ý nghĩa, có còn đủ sức răn đe không khi mà chỉ cần chi một món tiền rất nhẹ nhàng, họ lại có lại tấm bằng khác chỉ trong vòng 1 nốt nhạc?!!

Dù có phức tạp khó khăn thế nào đi nữa, cơ quan chức năng cũng rất cần phải truy cho ra hang ổ của những kẻ làm loại dịch vụ đáng sợ này để xử lý, dẹp bỏ nhằm ngăn chặn hậu họa cho xã hội. Bên cạnh đó, ngành thông tin truyền thông cũng cần có động thái làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ, ngăn chặn dạng “tiếp thị”, quảng cáo những dịch vụ phi pháp như vậy, không tạo môi trường để những kẻ làm ăn bất chính có cơ hội tung hoành, lợi thì chúng thu mà tai họa thì cộng đồng nhận lãnh! (baothuathienhue.vn 18/12)

 
 
 

2.  Thừa Thiên- Huế: Thiếu giống sản xuất sau lũ

Thừa Thiên- Huế đang gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thiếu nguồn giống vì bị thiệt hại nặng nề sau lũ lụt.

Ông Hồ Văn Quý trú phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) rầu rĩ cho biết, gia đình ông có vườn thanh trà 7 sào trồng được hơn 4 năm, đang cho thu hoạch thì trong những đợt mưa lũ tháng 10 -11 vừa qua, cây bị nước lũ ngâm hơn 10 ngày, khiến hơn 80% số cây bị hư hại.

Sau khi nước lũ rút, gia đình ông Quý khẩn trương vệ sinh vườn, bơm thuốc, chăm sóc cây để cứu vãn một ít diện tích thanh trà còn sót lại. Hiện, gia đình ông Quý không chỉ đứng trước khó khăn kinh tế mà còn đối mặt với việc thiếu giống cây để khôi phục lại diện tích thanh trà bị hư hại hoàn toàn.

Phường Hương Vân có khoảng 130 ha thanh trà bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần sau lũ lụt. Hàng chục hộ trồng thanh trà ở địa phương này đang đứng trước khó khăn về việc thiếu cây giống để trồng bổ sung những diện tích bị thiệt hại.

Nằm bên dòng sông Bồ, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cũng đã có gần 60 ha rau má bị mất trắng hoàn toàn trong những đợt mưa, lũ vừa qua. Những bụi hom rau má bị ngâm thối trong nước lũ khiến làng rau khan hiếm giống tái tạo sản xuất.

Xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) được xem là “thủ phủ” rau sạch của tỉnh Thừa Thiên- Huế với 32 ha rau canh tác quanh năm của 750 hộ dân, hiện cũng đang bị thiếu hụt lượng giống rau màu để sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.

Theo ông Ngô Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, vụ đông xuân tới đây địa phương cần khoảng 3,5 tạ hạt giống rau các loại để sản xuất. Ngoài một số hộ có hạt giống dự trữ và đang tiến hành xuống giống gieo trồng thì vẫn còn đa số người trồng rau ở xã Quảng Thành đứng trước việc khan hiếm nguồn giống; trong khi đó, các đại lý phân phối giống rau trên địa bàn thường xuyên bị “cháy hàng”.

“Xã đang kết nối với các đơn vị, đại lý phân phối giống rau trên địa bàn TP. Huế để cung ứng cho người dân kịp xuống giống. HTX nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ dân trước mắt trồng cây rau ngắn ngày để kịp thu hoạch bán; đối với những vùng khác chưa xử lý xong đồng ruộng thì trồng rau dài ngày để bán gối vụ về sau”, ông Hợi cho biết.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, trận lũ vừa qua khiến 20kg đàn cá bố mẹ, 8.000-10.000 cá giống con tại Trại giống nước ngọt Cư Chánh (huyện Phú Vang) bị trôi, 15kg cá bố mẹ tại thị trấn Thuận An, 70kg ngao bố mẹ tại bãi ngang xã Phú Hải (huyện Phú Vang) cũng bị thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng...

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên- Huế cho hay, cùng với việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc đưa vào sản xuất các giống cây ngắn ngày và triển khai trồng mới, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật, phối hợp các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và chủ động cân đối nguồn giống cây trồng, vật nuôi cho mùa vụ.

Chi cục đang tiếp tục tổng hợp thiệt hại tham mưu Sở NN-PTNT, đề nghị các cơ quan, ban ngành cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân theo quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất.

Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế hướng dẫn các địa phương một số giải pháp kỹ thuật gồm vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng, tu bổ, nạo vét kênh mương, cải tạo đất, diệt chuột sau lũ; tăng cường sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, giống mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, khắc phục kịp thời, hiệu quả để khôi phục sản xuất. Có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống vụ sắp đến cho người dân.

Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế, toàn tỉnh có hơn 330 ha rau màu, gần 170 ha sắn và nhiều diện tích trồng hoa bị ngập chìm hoàn toàn trong nước lũ. Gần 1.700 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu do mưa lũ đã làm thiếu hụt lượng giống rau màu để cung ứng cho sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021. Ngành nông nghiệp Thừa Thiên- Huế sẽ phối hợp các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý. (nongnghiep.vn 17/12)

 
 
 

3.  “Xe dù bến cóc” bức tử xe tuyến Đà Nẵng - Huế - Đà Nẵng

Các chủ xe, tài xế tuyến xe buýt Đà Nẵng –Huế và ngược lại, vừa xin phép đình công vì cơ quan chức năng hai địa phương buông lỏng quản lý, để “xe dù, bến cóc” hoành hành, bức tử xe tuyến.

Cách đây một năm (tháng 1.2020), ngành Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đã rầm rộ khai trương tuyến xe buýt vận chuyển hành khách, nối liền hai tỉnh với gần 60 phương tiện, loại 29 chỗ ngồi lịch sự, giá cả hợp lý.

Lý do để mở tuyến vận tải này, theo cơ quan chức năng hai địa phương là nhằm hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, gây rối loạn tình hình trật tự an toàn giao thông tại hai địa bàn Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Giờ cao điểm, các xe buýt tuyến xuất phát cách nhau 14 phút, giờ thấp điểm là 15 phút/chuyến, với giá vé cho mỗi hành khách đi toàn tuyến Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng - Bến xe phía Nam TP Huế là 70.000 đồng/người.

Thâm chí Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Sở GTVT và Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng TP Đà Nẵng, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh… hai địa phương thống nhất sử dụng một ứng dụng (app) dùng chung cho xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng, nhằm giúp hành khách thuận lợi đặt chỗ cho chuyến đi của mình.

Thế nhưng sau một năm hoạt động, tình hình không như mong muốn, khi nạn “xe dù, bến cóc” không những không bị hạn chế, mà còn phát triển mạnh mẽ, đẩy các chủ phương tiện xe tuyến Đà Nẵng - Huế - Đà Nẵng đến chỗ gần như phá sản.

Trong lá đơn gửi đến Chủ tịch LĐLĐ Đà Nẵng và Báo Lao Động, 80 chủ xe, xã viên vận tải khách tuyến liền kề Huế - Đà Nẵng cho biết, nạn xe vận tải trá hình đang đẩy họ đến cảnh khốn cùng, vì họ cầm cố tài sản, vay mượn để đầu tư phương tiện, theo lời kêu gọi của cơ quan chức năng, đầu tư mới phương tiện phục vụ tuyến xe buýt giữa hai địa phương liền kề nói trên, nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong đơn, các chủ xe cho rằng, hiện họ đang bị lấn áp bởi “xe dù, bến cóc” là do Sở Giao thông Vận tải, Công an, quản lý thị trường, thuế… của hai địa phương đã buông lỏng quản lý, để mặc các phương tiện vận tải trá hình hoành hành.

Được biết trước đây, các chủ xe tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế đã gửi đơn nêu tình trạng nói trên đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để kêu cứu. Lần này, trong đơn gửi đến LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, Sở GTVT hai tỉnh, các chủ phương tiện xe buýt liền kề còn thông báo, trong vài ngày tới, họ sẽ xin phép để tiến hành đình công trên tuyến hoạt động, nếu các cơ quan chức năng liên quan không có biện pháp nghiêm khắc đối với các phương tiện vận tải trá hình nói trên. (laodong.vn 17/12)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế: Nghi đột tử do sốc thuốc tại phòng Karaoke Win Win 86A

Ngày 14/12, xảy ra vụ việc gây bàng hoàng giới trẻ và người dân TP Huế, một thanh niên bị đột quỵ nghi là sốc thuốc khi đang vui chơi cùng các bạn tại phòng “ Bay” tại Karaoke Win Win 86A đường Lê Lợi,phường Phú Hội giữa trung tâm TP Huế.

Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên, một thanh niên tên B. 22 tuổi trú tại UBND phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị ngã quỵ nghi là sốc thuốc khi đang vui chơi cùng các bạn tại phòng “ Bay” tại Karaoke Win Win 86A đường Lê Lợi, phường Phú Hội giữa trung tâm TP Huế.

Sau đó thanh niên này đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng thanh niên tên B. đã chết trước đó.

Xác nhận với phóng viên một vị đại diện bệnh viện Đa khoa Huế cho biết: Có bệnh nhân tên L.Đ.T 22 tuổi nhập viện vào 22h45 phút ngày 13/12 do một người đưa đến tên T.T.H. Vào nhập viện với tình trạng tim ngừng đập trước khi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hiện thi thể anh B. đã được gia đình đưa về an táng tại Thị xã Phú Bài.

Theo tìm hiểu, những năm gần đây khu dịch vụ vui chơi Win Win nổi lên tại Cố Đô Huế như là một điểm ăn chơi “ thác loạn“ bậc nhất trên địa bàn. Điều đáng nói, đây là một trong nhiều quán Bar, quán Karaoke thuộc sở hữu của một đại gia có tiếng trên địa bàn Thành phố Huế. Các tụ điểm này liên tục vi phạm, bị lập biên bản nhiều lần nhưng vẫn tồn tại và càng phát triển như thách thức dư luân .

Được biết theo giấy phép đăng ký kinh doanh do phòng đăng ký kinh doanh,Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho chi nhánh công ty TNHH thương Mại dịch vụ và du lịch Trường Giang – ASTARBAR do ông Đinh Xuân Giang đồng sở hữu. Năm 2018 đã bị lực lượng Công An Thừa Thiên - Huế tổng kiểm tra thu giữ một lượng lớn ma tuý. Tiếp đó năm 2019 một khu Karraoke do người cháu ông Giang quản lý cũng xảy ra vụ việc bay lắc nhiều trường hợp bị sốc thuốc.

Không hiểu sao mọi sự việc đều “chìm” gây bức xúc dư luận và tiếp diễn đến vụ việc đáng tiếc diễn ra ngày 14.12. (baodansinh.vn 18/12)

 
 
 

5.  Khi nào hết “bắt cóc bỏ dĩa”

Cản trở và gây ách tắc giao thông, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị… là một thực trạng từ vấn đề này.

Chợ sáng. Người đàn ông bán thịt ở vỉa hè, góc ngã tư nhển người, rồi lại cúi xuống, ráng cắt và trả hàng cho khách. Phía xa xa, có hẳn một sự náo động khi các chị, các bà, các mệ… xê dịch thúng mủng rau dưa, củ quả, thịt cá vào bên trong vỉa hè. Chuyện cũng không còn mới, nhưng nó liên tục tái diễn hết ngày này sang tháng khác, mỗi khi có xe trật tự xuất hiện ở một phía nào đó.

Điều làm tôi thấy ấm lòng, là thay vì sự gắt gỏng, giằng co, đôi khi là có cả một số thứ bị vung vẩy ra tứ phía… chiếc xe chở đội trật tự hôm đó dừng lại cách một đoạn. Hai nhân viên còn trẻ, đi dọc theo tuyến đường quanh chợ, nhắc nhẹ từng người dọn hàng gọn gàng vào phía trong, kèm luôn câu “Cô bác dẹp vào giùm con. Nhớ đừng để tụi con nhắc hoài!”.

 “Đó là việc thường ngày. Người ta phải làm cũng như em phải mưu sinh mỗi ngày. Ngặt nỗi cực chẳng đã tụi em mới dừng lại ở góc này, khách cũng đã quen rồi. Chỉ còn cách bày hàng sao cho ít ảnh hưởng đến người qua lại và không phiền cho người nhắc nhở - Chủ hàng thịt nói khi tôi quay lại lấy phần mình gửi – Biết là không được kinh doanh trên vỉa hè, nhưng vì cuộc sống, tụi em chấp nhận sự chênh vênh ni được chừng mô hay chừng nớ!”.

Không biết có bao nhiêu người nghĩ như vậy, song việc chấp nhận sự không ổn định đó, có lẽ đã trở thành điều mặc nhiên từ lâu ở những người buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong bạ, hàng lẻ khắp các chợ đô thị và cả các trung tâm huyện, thị trấn.

Cản trở và gây ách tắc giao thông, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị… là một thực trạng từ vấn đề này. Rất nhiều ý kiến phản ánh, thảo luận, bàn bạc để tìm ra một giải pháp căn cơ trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị và được thảo luận ở nhiều kỳ họp ở hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, một giải pháp căn cơ, gần như đã không đạt được.

Nếu nói vì cuộc sống, chắc sẽ có nhiều cách lý giải khác nhau, ở từng góc độ khác nhau. Nhưng một khi những vấn đề chính yếu vẫn chưa được thay đổi tận gốc, từ thói quen, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng chưa được thay đổi, sẽ khó thay đổi được phương thức của người mưu sinh. Điều này, rất nhiều khi được lý giải từ văn hóa sử dụng vỉa hè của người dân, dẫn đến sự dễ dãi sau đó nên mọi việc vẫn lặp lại. Lặp lại ngay cả khi chúng ta có hẳn Luật Giao thông. Lặp lại đến mức Chính phủ đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông tại địa phương tại Công văn 5001/VPCP-CN năm 2020.

Nhìn nhận vấn đề từ phía khác, có thể nhận thấy tình trạng này diễn ra không chỉ từ chủ thể mà cả khách thể; không chỉ từ các ban quản lý chợ mà các chính quyền địa phương, nhất là tại nơi có các chợ dân sinh và các khu vực dành cho người bán hàng rong cũng chưa được thực hiện đồng nhất và hợp lý. Đương nhiên là còn vì chế tài của chúng ta còn lỏng, chưa đủ để giải quyết rốt ráo. Cũng có thể vì tâm lý chung, sự tình nghĩa… Mặt khác, cũng mới chỉ “thổi còi” người bán mà chưa ‘thổi còi” người mua. Người ta vẫn bảo “không có lửa làm sao có khói” mà!

Giải quyết đồng thời, hài hòa các mối quan hệ và sự phát sinh của nó bao giờ cũng là điều được hướng tới, dù không bao giờ đạt đến sự tuyệt đối. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa đạt đến sự tương đối ở mức chấp nhận được, nghĩa là chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận tính không chuyên nghiệp trong điều hành. Như kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” mãi vậy! (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

6.  TP. Huế: Cần giải pháp căn cơ

- Lưu lượng phương tiện tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông ở TP. Huế chưa đáp ứng khiến nhiều tuyến đường, nút giao thông thường xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm.

Dù đã được phân làn, lắp đặt đèn điều tiết giao thông nhưng vào giờ tan tầm, đoạn đường Đống Đa trước cổng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu vẫn là “điểm nóng” ùn tắc giao thông

Nạn kẹt xe “bủa vây”

Chiều muộn ngày 8/12, dòng xe máy, ô tô các nơi đổ về ngã tư đường Phan Chu Trinh - Điện Biên Phủ ken dày trên cầu Nam Giao. Lúc này xe cộ phải nhích từng chút một để di chuyển. Nhiều người đi xe máy leo lên vỉa hè để thoát khỏi điểm ùn tắc. Bản thân tôi di chuyển từ Ga Huế đến đường Phan Chu Trinh rẽ qua Điện Biên Phủ phải mất hơn nửa giờ mới thoát ra được điểm nghẽn.

Tại khu vực cổng Trường tiểu học Vĩnh Ninh, Quang Trung nằm trên đường Ngô Quyền, Nguyễn Huệ... luôn là “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm, nạn kẹt xe ở đây diễn ra thường xuyên ở tất cả các hướng khiến phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vào giờ đưa đón học sinh, xe của phụ huynh từ các ngả đổ về. Trong khi đó có nhiều ô tô đậu hai bên đường khiến lòng đường chật hẹp.

Ở cửa ngõ phía nam TP. Huế, đường Hùng Vương từ ngã 3 nghẹo Giàng Xay đến điểm giao đường Bà Triệu-Nguyễn Huệ được xem là những con đường lớn dù đã được phân làn, có đèn tín hiệu giao thông... nhưng giao thông tại đây thường bị ùn tắc không chỉ vào giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Thị Khai (nhà ở đường Phan Chu Trinh, TP. Huế) công tác ở KCN Phú Bài (TX. Hương Thủy) thường qua lại cửa ngõ phía nam thành phố cho hay, vào giờ cao điểm, hàng trăm lượt người, phương tiện thường phải “chôn chân” từ 15-20 phút vẫn chưa ra, vào TP. Huế. Nhiều người cho rằng đi qua đây phải chịu cảnh này bởi đây là tuyến đường chính để ra vào thành phố trao đổi mua bán, làm việc, học tập.

Tại khu vực cầu Lòn, đường Bùi Thị Xuân, hàng ngày vào giờ cao điểm cũng rơi vào cảnh tương tự. Phía bắc sông Hương, nhất là các tuyến đường ra vào các cửa Đại Nội Huế, như Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng, Thạch Hãn, Nhật Lệ... cũng trong tình trạng căng thẳng bởi nạn kẹt xe, có thời điểm trong ngày phương tiện lưu thông hỗn loạn.

Cần có giải pháp căn cơ

Ông Lê Văn Tuyến (ở đường Điện Biên Phủ, TP. Huế) chia sẻ, hệ thống đường sá ở TP. Huế vốn chật hẹp nhưng gần đây phương tiện giao thông, nhất là ô tô cá nhân tăng nhanh di chuyển ngoài đường nhiều nên tình trạng kẹt xe, ùn tắc ở nút giao ngã ba, ngã tư là không tránh khỏi. Bản thân ông Tuyến mua ô tô vào đầu năm 2018, nhưng hiện nay không muốn đi ô tô trong thành phố vào giờ cao điểm vì phải tránh né.

Nhiều người thân của tôi sống ở TP. Huế không dưới 20 năm nay cũng có cảm nhận không khác ông Tuyến. Hiện nay vào giờ cao điểm họ không muốn di chuyển ô tô trong TP. Huế vì mệt mỏi với nạn ùn tắc, kẹt xe ở các giao lộ.

Thời gian qua chính quyền địa phương; ban ngành chức năng tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, như kẻ chỉ phân làn, phân chia đường hai chiều thành một chiều, cấm một số tuyến đậu vào ngày chẵn, ngày lẻ; lắp đặt các thiết bị điều khiển, điều tiết giao thông...

Ông Lê Tuấn Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Huế thông tin, mới đây, đơn vị tiến hành khảo sát đề xuất UBND TP. Huế nâng cấp một số tuyến nội đô huyết mạch để góp phần giải tỏa nạn ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm, như Bà Triệu, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Nhật Lệ... nhưng do thiếu nguồn lực, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng quá lớn nên không thực hiện được.

Một cán bộ cảnh sát giao thông, thuộc Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP. Huế chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc tại các tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn là những đường huyết mạch nhưng nhỏ hẹp. Hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải ngày càng tăng nhanh của người dân. Lực lượng công an phải thường xuyên đến các nút ngã ba, ngã tư điều tiết giao thông để giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn TP. Huế.

Để giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường hiện nay, ngoài ý thức của người tham gia giao thông, cần phải có những đường chia tải vì các tuyến giao thông chính gần như độc đạo. Vừa qua, UBND tỉnh đã nêu các dự án (DA) giao thông có tính chất quan trọng, cấp bách nhằm tạo cảnh quan, kiến trúc đô thị, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương và không nằm ngoài mục tiêu giảm tải ùn tắc, nạn kẹt xe ở TP. Huế. Trong đó có DA đầu tư mở rộng cầu Lòn, đường Bùi Thị Xuân; DA đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài; DA mở rộng đường Trưng Nữ Vương nối từ TX. Hương Thủy đến phường An Tây, TP. Huế; DA cầu sông Hương tại điểm đầu đường Nguyễn Hoàng; DA đường Vành đai 3... Hiện nay, những DA này được nhiều người dân trông đợi, mong được ưu tiên phân bổ nguồn lực, sớm triển khai xây dựng để tổ chức phân luồng, giải tỏa tình trạng ùn tắc kẹt xe ở các tuyến, giao lộ ở TP. Huế. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên Huế: Ông Nguyễn Đình Bách giữ chức danh Chủ tịch UBND huyện Phong Điền

Ông Nguyễn Đình Bách đã trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhiệm kỳ 2016 – 2021. Điều đáng chú ý là chức danh này mới chỉ được bầu cách đây hơn 3 tháng cho ông Nguyễn Văn Bình, tuy nhiên ông Bình đã hi sinh trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua.

HĐND huyện Phong Điền – tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức kỳ họp thứ 11, khóa VI, qua đó bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND huyện.

Đại biểu HĐND huyện Phong Điền đã bầu ông Nguyễn Đình Bách - Phó Bí thư Huyện ủy giữ chức Chủ tịch UBND huyện khóa VI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, với số phiếu tín nhiệm cao, 27/27 đại biểu đồng ý, đạt 100% số phiếu.

Trước đó ngày 15/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử ông Nguyễn Đình Bách – đang là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến nhận công tác tại UBND huyện Phong Điền, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền nhiệm kỳ 2020-2025; giới thiệu HĐND huyện Phong Điền bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Đình Bách cảm ơn sự tín nhiệm của đại biểu HĐND huyện; đồng thời nhấn mạnh, đây là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân giao phó.

 “Trên cương vị mới, xin hứa sẽ luôn gương mẫu, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, Ban Thường vụ lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra, góp phần xây dựng huyện Phong Điền ngày càng phát triển và sớm trở thành thị xã trong thời gian tới...”, ông Bách chia sẻ.

Là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm TP. Huế 30km, dân số 87.783 người, diện tích đất tự nhiên 948,22 km2, Phong Điền ngày nay được biết đến là nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng như có nhiều thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp, du lịch, xây dựng đô thị...

Năm 2020, thực hiện Nghị quyết HĐND huyện Phong Điền về phát triển kinh tế xã hội có 14/17 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch. Trong đó giá trị sản xuất tăng 16%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng hơn 18%.

Khu công nghiệp Phong Điền hiện có 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động ổn định và giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng và ngày càng chất lượng, các làng nghề truyền thống được duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổng sản lượng lương thực có hạt 56.231 tấn, năng suất lúa bình quân ước đạt 58,2 tạ/ha, sản lượng khai thác thủy sản 5.547 tấn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Công tác quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện hiệu quả, chặt chẽ, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 254 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 1.180 lao động… (baotainguyenmoitruong.vn 17/12)

 
 
 

2.  Miễn nhiệm các chức danh HĐND và UBND TP. Huế

Nội dung này được HĐND TP. Huế triển khai tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Huế khóa XII nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra chiều 17/12.

Trong phiên làm việc chiều 17/12, HĐND TP. Huế đã thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm tập trung ở các lĩnh vực như môi trường, đô thị, cảnh quan, quy hoạch, xây dựng cơ bản, đề án mở rộng TP. Huế… Nội dung quan trọng nữa là thông qua các Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP. Huế nhiệm kỳ 2016 - 2021 với ông Châu Văn Lộc do nghỉ hưu theo chế độ; Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm Ủy viên UBND TP Huế, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với bà Hoàng Thị Lan Phương do chuyển công tác khác; Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP. Huế, nhiệm kỳ 2016- 2021 với ông Huỳnh Cư do nghỉ hưu theo chế độ.

Phát biểu tại kỳ họp, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định nhấn mạnh, thành phố cần xác định rõ “tầm” của Huế theo các định hướng, tầm nhìn lớn, theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ chính trị, Huế là thành phố nổi bật ở khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện sứ mệnh đó, Huế cần phát huy các nguồn lực, thay đổi mạnh mẽ để phát triển, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, phát huy giá trị di sản – văn hóa Huế...; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng con người sống có văn hóa – nhân ái – tri thức, xây dựng niềm tự hào về mảnh đất Huế - con người Huế. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục gắn với đào tạo nghề, an sinh xã hội, trong đó phải đổi mới tư duy, cách làm việc, chung tay đoàn kết để Huế ngày càng phát triển toàn diện, xứng tầm.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP. Huế - Trương Quang Trung cho rằng, kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa XII đã nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra, thông báo của Thường trực và các Ban của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN thành phố…; tiến hành thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp, trong đó, có thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; quyết định phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; bàn về những vấn đề nóng ở thành phố. HĐND thành phố cũng đã thảo luận kĩ lưỡng và thông qua tổng cộng 3 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao, gồm Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2021; Nghị quyết về giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10 và những vấn đề tồn đọng qua các kỳ họp. Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa XII đã hoàn thành chương trình đề ra, tạo nền tảng cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025”.

Thường trực HĐND TP. Huế yêu cầu, sau kỳ họp này, UBND thành phố, các cấp, các ngành, địa phương trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, đảm bảo các Nghị quyết của HĐND đạt hiệu quả cao. Thường trực HĐND thành phố yêu cầu các vị đại biểu HĐND báo cáo nhanh, rõ ràng với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 11 của HĐNDTP. Huế, đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của HĐND theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm và theo sát các vấn đề đến khi có kết quả; tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND thành phố, để các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Những Nghị quyết được ban hành đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của thành phố; và là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả tốt nhất các nguồn lực và tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và những giai đoạn tiếp theo. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

3.  Vụ sạt lở ở Rào Trăng 3: Lên phương án giai đoạn 4 tìm kiếm nạn nhân mất tích

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch tổ chức tìm kiếm giai đoạn 4 các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Ngày 17/12, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch tổ chức tìm kiếm giai đoạn 4 các nạn nhân (11 người) mất tích tại công trường Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Giai đoạn 4 sẽ có hai nhiệm vụ gồm: Hoàn thành việc xây dựng đập ngăn của Công ty Cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 và tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực lòng sông Rào Trăng từ đoạn tiếp giáp giai đoạn 3 về hạ lưu sông khu vực ngã ba Tam Dần, với chiều dài khoảng 2,5km.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương, điều kiện mấu chốt để triển khai giai đoạn 4 là tiếp tục hoàn thiện việc xây đập ngăn nước trên lòng sông Rào Trăng. Việc hoàn thiện đập dâng này giúp tích nước ở phía thượng nguồn, thuận lợi cho công tác làm khô đoạn sông tìm kiếm trong giai đoạn 4.

Công trình đập dâng nằm cách khu vực tìm kiếm của giai đoạn 3 khoảng 500m về phía thượng nguồn. Đây là con đập dâng tràn có chiều dài khoảng 150m, các đơn vị thi công đã hoàn thành xây dựng khoảng 90%, khi công trình Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố vào ngày 12/10, khiến 17 công nhân mất tích, hoạt động thi công đập đã bị tạm dừng.

Để đảm bảo an toàn cho việc tiếp tục xây dựng con đập này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang yêu cầu chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 thuê tư vấn độc lập đánh giá mức độ an toàn của cả công trình nhà máy nói chung. Trong đó, ưu tiên đánh giá trước công trình đập dâng này để trình xin ý kiến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) có kết luận chính thức về mức độ an toàn, từ đó tiếp tục thi công hoàn thiện, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Công trình đập dâng tràn trên sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 150m, thiết kế cao 30m, các đơn vị thi công đã hoàn thành xây dựng khoảng 90% khối lượng và sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới để phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 Lê Văn Hoa cho biết, theo thiết kế, thân của công trình đập có chiều cao 30m, hiện đã thi công cao khoảng 28m. Khi được phép của cơ quan chức năng, khối lượng thi công còn lại của công trình đập dâng này khoảng 4.000m3 bê tông với thời gian 2 tháng để hoàn thành. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế thuê đơn vị tư vấn và hoàn thiện thủ tục hồ sơ đánh giá mức độ an toàn của công trình đập dâng này để xin phép cơ quan chức năng tiếp tục thi công trở lại.

Khi công trình đập dâng hoàn thành và thực hiện chức năng giữ nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ chỉ đạo chủ hồ chứa cụm A Lin 3 ở phía thượng nguồn, Thủy điện Rào Trăng 4 ở dưới hạ lưu vận hành điều tiết nước, đảm bảo an toàn cho công tác tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận lòng sông bằng nhiều biện pháp làm khô mặt đáy lòng sông như đào rãnh thoát nước, lắp ống dẫn nước, bơm nước, hút cát, hạn chế tối đa mạch nước ngầm thẩm thấu, trước khi đưa phương tiện và lực lượng xuống tìm kiếm.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhất trí với dự thảo kế hoạch tìm kiếm giai đoạn 4. Theo đó, thời gian khảo sát, đánh giá việc xây dựng đập Thủy điện Rào Trăng 3 từ nay đến tháng 1/2021; thời gian hoàn thành xây đập phục vụ công tác tìm kiếm từ tháng 2 - 4/2021; thời gian tổ chức tìm kiếm nạn nhân dự kiến từ tháng 4-6/2021. Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời tiết trên địa bàn tỉnh từ tháng 3-6/2021 thuận lợi để triển khai công tác tìm kiếm.

Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp nhấn mạnh, để phục vụ giai đoạn 4 của quá trình tìm kiếm, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có sự chuẩn bị chu đáo về công tác hậu cần, mở rộng tuyến đường 71 đảm bảo lưu thông đưa phương tiện và lực lượng lên hiện trường. Bên cạnh đó, tiến hành rà phá bom mìn tại khu vực lòng sông trước khi triển khai tìm kiếm nạn nhân./. (bnews.vn 17/12; zingnews.vn 17/12; daidoanket.vn 17/12; vov.vn 17/12; cand.com.vn 17/12)

 
 
 

4.  Thời điểm nào triển khai giai đoạn 4 tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3?

Sáng 17/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp bàn phương án triển khai kế hoạch tìm kiếm nạn nhân mất tích giai đoạn 4 tại khu vực dự án xây dựng Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Theo Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 4, lực lượng chức năng sẽ tổ chức tìm kiếm 11 nạn nhân đang còn mất tích dọc theo khu vực lòng sông Rào Trăng, đoạn từ tiếp giáp khu vực đã tìm kiếm ở giai đoạn 3, xuôi về phía hạ lưu đến ngã ba Tam Dần. Phạm vi tìm kiếm ước tính dài hơn 2,5km.

Để thực hiện được công tác tìm kiếm trong giai đoạn này, điều kiện tiên quyết là phải hoàn thành việc xây dựng đập ngăn của dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Do đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở Công thương tỉnh theo dõi, chỉ đạo Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3): tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể mức độ an toàn của các hạng mục công trình dự án thủy điện Rào Trăng 3; báo cáo kết quả đánh giá các hạng mục công trình và đề xuất các giải pháp xử lý để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hạng mục công trình theo nội dung yêu cầu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) để Cục có cơ sở kết luận chính thức.

Các lực lượng chức năng sẽ tổ chức trinh sát địa hình khu vực sẽ triển khai tìm kiếm trong giai đoạn 4; lên phương án triển khai cụ thể. Công tác chuẩn bị phải bảo đảm đầy đủ, chu đáo về nhân lực, vật lực, phương tiện, nhiên liệu, vật liệu trước và trong quá trình triển khai công tác tìm kiếm

Khi điều kiện thuận lợi, sẽ tổ chức mở đường để lực lượng, phương tiện tiếp tiếp cận lòng sông. Sau đó, bằng nhiều biện pháp làm khô đáy lòng sông, hạn chế tối đa mạch nước ngầm thẩm thấu. Khi lòng sông đã được làm khô, sẽ tập trung phương tiện cơ giới, máy múc, đào sâu, múc kỹ đến lớp đất thổ, kết hợp các phương án như: khoan, cắt (bê tông, đá, vật liệu thép), thậm chí có thể dùng vật liệu nổ trong quá trình tìm kiếm để tìm kiếm các nạn nhân đang còn mất tích.

Ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo chủ đầu tư thuê nhà tư vấn để rà soát, đánh giá tổng thể mức độ an toàn của các hạng mục công trình dự án thủy điện Rào Trăng 3.

Ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 khẳng định đơn vị đang tích cực phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan để đảm bảo quá trình tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân mất tích được diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả. Theo ông Hoa, hiện nay Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 đã liên hệ, gửi hồ sơ mời 3 đơn vị tư vấn để rà soát, đánh giá tổng thể mức độ an toàn của các hạng mục công trình dự án thủy điện Rào Trăng 3. Dự kiến đầu tuần sau, các bên sẽ chính thức làm việc với nhau. Song song với đó, Công ty cũng đang phối hợp, làm việc với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để hoàn thành thủ tục trong thời gian sớm nhất có thể, qua đó hoàn thành việc xây dựng đập chính, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đánh giá về tình hình diễn biến thời tiết, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đây đến cuối năm 2020 sẽ có 2 – 3 đợt không khí lạnh. Do đó, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa và gần như sẽ kéo dài cả tháng, tuy không lớn nhưng sẽ gây khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra các mốc thời gian dự kiến triển khai công tác tìm kiếm giai đoạn 4, gồm: thời gian khảo sát, đánh giá việc xây dựng hoàn thành đập chính thủy điện Rào Trăng 3 là từ tháng 12/2020 – 1/2021; thời gian hoàn thành xây dựng đập phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là từ tháng 2 – 4/2021.

Công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất phục vụ tìm kiếm hoàn thành trong tháng 4/2021. Thời gian tổ chức tìm kiếm dự kiến từ tháng 4 – 6/2021, sau khi việc hoàn thành xây dựng đập thủy điện Rào Trăng 3.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản thống nhất với phương án mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất; đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp, đề xuất ý kiến để có phương án tìm kiếm hiệu quả, bảo đảm an toàn.

Ông Phương cho rằng, đoạn sông dự kiến tìm kiếm theo phương án giai đoạn 4 không có cách nào để tách dòng, nắn dòng được như trong giai đoạn 3. Mặt khác, lưu lượng dòng chảy của sông Rào Trăng vào mùa khô cũng khoảng 5m3/s; trong khi mùa mưa là từ 10 – 20m3/s; sinh thủy lớn, dẫn đến khó làm khô lòng sông. Vì vậy, việc ngăn đập chính là bắt buộc. "Điểm mấu chốt hiện nay là thi công đập. Sở Công thương, chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thành các bước để bảo đảm điều kiện thi công tiếp công trình nhằm chặn dòng, tích nước, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn", ông Phương yêu cầu.

Trước đó, vào ngày 26 và 27/11/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã họp bàn phương án, tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, giai đoạn tiếp theo. Tại đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định, việc tìm kiếm giai đoạn 4 như kế hoạch ban đầu vẫn tiếp tục được triển khai. Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, không còn là nhiệm vụ của một cá nhân hay tổ chức nào mà là của cả tỉnh, cả hệ thống chính trị.

Như báo Dân sinh đã phản ánh, vụ sạt lở đất xảy ra hồi tháng 10/2020 tại khu vực dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân của nhà máy bị mất tích. Sau khi vụ việc xảy ra, Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã vạch ra phương án tìm kiếm theo 4 giai đoạn, gồm: Giai đoạn thứ nhất khoanh vùng hiện trường, xác định hướng tuyến sạt lở, tổ chức tìm kiếm; Giai đoạn thứ hai: Mở rộng hiện trường tìm kiếm phần trên đất liền; Giai đoạn ba: Tổ chức tìm kiếm dưới lòng sông, tiến hành đắp đê quai, nắn dòng, phân thủy sau đó tìm kiếm ở dưới lòng sông đoạn nằm ngay dưới khu sạt lở; Giai đoạn 4 tìm kiếm từ điểm tiếp giáp khu vực giai đoạn 3 về phía hạ lưu, đến ngã ba Tam Dần.

Đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức tìm kiếm hoàn thành 3 giai đoạn và tìm thấy 6 thi thể của các nạn nhân. Hiện vẫn còn 11 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích sau vụ sạt lở nói trên. (baodansinh.vn 17/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Kéo dài thời gian quy hoạch bảo tồn di tích Cố đô Huế

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế cho đến khi Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Huế giai đoạn 2021 – 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có trách nhiệm tích hợp nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, hạng mục di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế vào các quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đang được xây dựng nêu trên, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ và phù hợp, làm cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư công bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích gia đoạn 2021 – 2025 theo đúng quy định của pháp luật./. (dangcongsan.vn 17/12)

 
 
 

2.  Làng hoa giấy 300 năm tuổi nhộn nhịp chuẩn bị hàng bán Tết Nguyên đán

Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu - ngôi làng cổ nổi tiếng tại Thừa Thiên Huế những ngày này đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu từ những cành hoa giấy đang độ chờ bán dịp Tết nguyên đán.

Đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, làng hoa giấy Thanh Tiên xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi cảnh người người, nhà nhà khẩn trương sản xuất hoa giấy phục vụ dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Mỗi dịp Tết, ngôi làng hoa giấy này cho ra đời hàng chục nghìn cặp hoa rực rỡ như hoa thật. Có những lúc cao điểm, các gia đình còn phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán dịp tết. Vì thế nhiều người trong làng biết làm hoa thường bận rộn làm thuê kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Văn Thái (55 tuổi) là người có hơn 30 năm làm nghề hoa giấy truyền thống cho biết, làm nghề hoa giấy rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi tay nghề phải khéo léo mới cho ra những bông hoa đẹp và chất lượng.

 “Để có cành hoa giấy với 5 màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, từ tháng 10 người dân đã chuẩn bị tre và phơi. Cành hoa được ra đời đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và cẩn thận. Để làm được những bông hoa đẹp phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp với mỗi công đoạn là những yêu cầu khác nhau, từ đục hình hoa đến tạo hình, lấy tre làm cuống", ông Thái nói.

Theo ông Nguyễn Hóa, trưởng thông Thanh Tiên là người có kinh nghiệm làm hoa giấy lâu năm nhất, trước năm 2000 nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, những  năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được người dân khắp nơi biết đến. Từ đó, hoa giấy từng bước được vực dậy.

 “Mỗi ngày, một người thợ giỏi làm được khoảng từ 25 đến 30 bông với giá bán khoảng 3.500 đồng/bông. Sau khi trừ các chi phí có thể thu lời gần 12 triệu đồng/vụ”, ông Hóa cho biết.

Theo quan niệm của người dân Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do không dùng phân bón như hoa tươi hoặc dùng nhựa như hoa giả nên rất phù hợp trong việc thờ cúng. Đồng thời, hoa giấy có nhiều loại khác nhau trên một cây bông.

Trước đó, từ năm 2008 một họa sĩ, nghệ nhân trong làng là ông Thân Văn Huy đã khôi phục lại hoa sen giấy đã bị thất truyền hơn 60 năm qua nên thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan tìm hiểu.

Nói về ý tưởng làm hoa sen giấy ông Huy cho biết: "Từ lâu đời, gia đình tôi đã gắn bó với nghề truyền thống này. Cho nên đứng trước nguy cơ bị mai một của hoa giấy, là một người con của làng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nên tôi đã tìm cách phục hồi".

Cũng theo ông Huy, để làm ra được hoa sen, các nghệ nhân phải được kế thừa kĩ thuật xếp gấp cánh hoa truyền thống của làng, đồng thời sáng tạo kĩ thuật mới bằng năng khiếu tạo hình của người họa sĩ cùng kinh nghiệm kiếm sống bằng nghề in lụa, thiết kế mộc mỹ nghệ... Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế phải hoàn chỉnh các kĩ thuật chế tác hoa sen giấy từ khâu vót tre tạo cành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, nhuộm màu hoa cho đến khi bông sen nở lung linh.

“Một người thợ lành nghề làm ra khoảng 15 - 20 bông mỗi ngày. Hoa giấy có tính thời vụ (dịp Tết), còn hoa sen giấy được làm quanh năm, nhiều nhất là dịp Tết. Nếu người Huế không có hoa giấy cắm lên Trang Ông, Trang Bà và trên ông Táo, am thờ… thì cái tết như thiếu gì đó hoặc nếu không có hình ảnh người dân làng Thanh Tiên với những bông hoa đi qua những chuyến đò lan tỏa ra các chợ phố”, ông Huy chia sẻ.

Làng hoa giấy Thanh Tiên đã có cách đây trên 300 năm. Nghề làm hoa giấy gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân và trở thành giá trị tinh thần quan trọng, một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người Huế. Vì thế các thế hệ người dân ở làng hoa giấy Thanh Tiên luôn ý thức rõ việc tiếp nối nghề làm hoa giấy của tổ tiên.

Từ việc duy trì và phát triển nghề làm hoa giấy, hằng ngày đã có nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên để xem người dân làm hoa giấy. Tại đây du khách có thể trực tiếp trải nghiệm làm ra hoa giấy, mua hoa giấy mang về. (giadinhvietnam.com 18/12)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Ra quân giúp dân xây dựng nông thôn mới

- Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tổ chức lễ ra quân làm công tác dân vận đợt 2 năm 2020, gắn với thực hiện chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền.

Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Quảng Điền phối hợp với lực lượng của địa phương triển khai thực hiện các phần việc như: giúp các gia đình chính sách, khó khăn sửa chữa lại nhà ở bị hư hại do các đợt bão, lụt; phối hợp san lấp các điểm sạt lở và làm vệ sinh hơn 5km bờ biển; đổ bê tông một số tuyến đường liên thôn; khơi thông kênh mương thoát nước, kênh mương nội đồng... Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh cũng kết hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước...

Đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận gắn với giúp địa phương xây dựng nông thôn mới diễn ra trong thời gian 15 ngày. Trong quá trình giúp dân, Bộ CHQS tỉnh sẽ phối hợp với địa phương thăm hỏi, tặng quà cho một số gia đình chính sách, gia đình giáo dân nghèo; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và chiếu phim màn ảnh rộng. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

2.  Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế tái sản xuất sau bão lụt

Thông qua Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ.

Thiệt hại hơn 2.200 tỷ đồng do thiên tai

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ địa phương khắc phục sản xuất sau lũ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, tình hình bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã làm chết 38 người, 11 người mất tích, 142 người bị thương. Tổng thiệt hại về vật chất 2.273 tỷ đồng.

Sau thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất…

Tỉnh cũng đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương.

UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quan tâm hỗ trợ tỉnh phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, đề xuất Chính Phủ, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, sớm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời, triển khai các dự án quan trọng cấp bách.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người dân tái sản xuất

 Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc rất đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời nhấn mạnh công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão lũ phải sát sao, từng ngày, giống như nhiệm vụ chiến đấu, do đó các cơ quan chức năng phải cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ người dân sản xuất, không để lỡ mùa vụ của nông dân. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo khôi phục sản xuất, trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán vì có chu kỳ sản xuất ngắn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, theo tính toán, tái chăn nuôi gia cầm từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Đồng thời, thống kê cụ thể các hạng mục cần thiết nhất để xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kịp thời.

“Về lâu dài, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn manh.

Tại buổi làm việc, thông qua Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cảm ơn sự tương thân tương ái của các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất thiết thực, cụ thể và hứa sẽ chỉ đạo phân bổ kịp thời đến đúng địa chỉ. (doanhnghiepvn.vn 17/12)

 
 
 

3.  Báo Pháp Luật TP.HCM hỗ trợ xây nhà ở huyện A Lưới

Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao số tiền 100 triệu đồng của mạnh thường quân, bạn đọc hỗ trợ chị Lê Thị Huệ (xã A Ngo, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) xây nhà.

Sáng 17-12, đại diện báo Pháp Luật TP.HCM đến xã A Ngo, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) để trao 100 triệu đồng do bạn đọc hỗ trợ cho gia đình chị Lê Thị Huệ. Chị Huệ là một cán bộ có nhiều thành tích xuất sắc, công tác tại phòng Tư pháp của huyện A Lưới nhưng có gia cảnh rất khó khăn.

Thông qua Phòng Tư pháp huyện A Lưới, số tiền này sẽ được gia đình chị dùng để xây lại ngôi nhà bị hư hỏng trong cơn bão vừa qua. 

Chị Huệ chưa có nhà cửa, hiện đang ở trong căn nhà của ba mẹ đang bị hư hỏng nặng sau thời gian dài sử dụng. Đợt mưa bão dồn dập vừa qua đã khiến các cột kèo mục nát, mái tôn bị hoen rỉ, lủng lỗ nhiều chỗ.

Trong căn nhà xuống cấp nhưng không có khả năng sửa chữa, mỗi mùa mưa gió, cả gia đình gồm hai vợ chồng chị Huệ cùng người mẹ già và hai đứa con nhỏ phải di chuyển sang nhà hàng xóm để tránh mưa bão. Có những hôm mưa gió lớn khiến cả nhà phải di chuyển ngay trong đêm nên rất nguy hiểm.

Chị Huệ cho biết rất vui mừng khi nhận được thông tin bạn đọc hỗ trợ cho mình xây lại căn nhà để các gia đình yên tâm sinh sống trong mùa mưa bão.

"Khi nghe tin các mạnh thường quân và bạn đọc thông qua báo Pháp Luật TP.HCM ủng hộ tôi xây nhà, tôi rất vui mừng và không kìm được xúc động. Vợ chồng tôi đã cố gắng tích góp dự tính xây nhà để che nắng, che mưa nhưng nhiều lần dự định bị tan vỡ do gặp hết chuyện này chuyện kia" - chị Huệ nói.

Chị Huệ cho biết, hiện nay chị mong ngóng từng ngày cho thời tiết đẹp để có thể bắt tay ngay vào việc xây nhà. Đồng thời, chị gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, bạn đọc đã hỗ trợ gia đình chị thực hiện ước mơ của mình.

Ông Ngô Thời Mười, Trưởng phòng Tư pháp huyện A Lưới cho biết, chị Huệ  có hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong công việc luôn nhiệt huyết và giỏi nghề. Việc bạn đọc hỗ trợ xây nhà đã tiếp thêm động lực cho chị Huệ vượt qua khó khăn, hoàn cảnh đế yên tâm công tác tốt tại phòng tư pháp huyện.

Sau những đợt hỗ trợ khẩn cấp cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, từ 1-12 vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã trao 600 triệu đồng cho 60 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi để sửa chữa nhà cửa.

Ngày 15-12, Báo đã đến trao tiền hỗ trợ xây nhà cho gia đình ông Alăng Crơ (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam).

Những ngày tới Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục đến trao tiền hỗ trợ xây nhà tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Tổng số tiền của đợt hỗ trợ xây nhà cho người dân vùng bão lũ là 1 tỉ đồng. Đây là số tiền do cách mạnh thường quân, bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM đóng góp hỗ trợ.   (plo.vn 17/12)

 
 
 

4.  Kịp thời cứu ngư dân tàu cá Quảng Ngãi bị tai nạn trên biển

Khoảng 10g sáng nay, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với các lực lượng đã tiếp nhận, cấp cứu thành công một ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi bị tai nạn lao động trên vùng biển TT Huế. (phóng sự ngắn TRT Huế 17/12)

 
 
 

5.  Phim tài liệu “Món quà kỳ diệu” của TRT đoạt giải Vàng

Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 (LHPTHTQ) đã bế mạc vào tối 16/12. Bộ phim tài liệu “Món quà kỳ diệu” của Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế-TRT chính thức được trao giải Vàng. Đây là lần đầu tiên TRT đón nhận vinh dự này sau hơn 20 năm đi vào hoạt động.

Trong 6 phim tài liệu được LHPTHTQ trao giải Vàng lần này, căn cứ vào số điểm, bộ phim “Món quà kỳ diệu” của TRT được xếp vị trí thứ nhất, đứng trên cả Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số VTV, Trung tâm THVN khu vực Nam bộ và Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự VTV.

Sống và tác nghiệp ở xứ sở trầm mặc, yên bình (trừ khi xảy ra thiên tai,dịch bệnh hay thỉnh thoảng mới có vài ba sự kiện lớn), thực tế cho thấy, nhà báo Huế ít có lợi thế cạnh tranh về những đề tài “nóng” so với đồng nghiệp cả nước, nhất là ở những đô thị lớn và gần đây là các vùng biên.Tin tức hàng ngày minh chứng điều ấy. Do vậy, muốn tìm đề tài hay, tác giả phải tìm cho được mẫu số chung của dân tộc, ví như lòng yêu nước, thương người; nghị lực vượt khó hay xây dựng, làm đẹp quê hương…

Phim “Món quà kỳ diệu” là một những đề tài có mẫu số chung như vậy.

Đây là phim chân dung nhân vật có tên là Nguyễn Hồng Cương. Số phận đã buộc anh phải đi xe lăn và phát âm không tròn tiếng (vì chứng bại não). Đã có lúc Cương nản lòng nhưng nhờ bạn bè và cô giáo Nguyễn Thị Hường tận tâm dạy dỗ, Nguyễn Hồng Cương đã vươn lên. Năm 30 tuổi, Nguyễn Hồng Cương trở thành Giám đốc TTM school Huế.

Tôi đã nghe buổi nói chuyện của anh với các bạn trẻ. Không có bí quyết gì cả. Cương thành đạt nhờ xã hội bao bọc (bạn bè, cô giáo) và dĩ nhiên là tình thương của gia đình dành cho anh.

Huế - xứ sở Hạnh phúc đã được cụ thể hóa. Thế thôi.

Cần nói thêm, nhờ tìm được đề tài hấp dẫn và cách thể hiện tiên tiến (không lời bình), dù nhân vật và các đối tượng liên quan đều nói giọng Huế song nhờ diễn đạt tự nhiên phim đã đi vào lòng người. Đạo diễn Đại Dinh đã biết sử dụng ngôn ngữ truyền hình, đặc biệt là biết khai thác chi tiết nên phim có điểm nhấn, gây ấn tượng với người xem và ban giám khảo. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

6.  Sắc màu giáng sinh trên những tuyến đường

Hơn một tuần nữa mới đến giáng sinh, nhiều khu trung tâm, tuyến đường chính của TP. Huế trang hoàng chuẩn bị cho một mùa Noel an lành, ấm áp. Tất cả như báo hiệu một mùa giáng sinh đang về, với khung cảnh đèn hoa cùng tiếng nhạc rộn ràng.

Theo ghi nhận, nhiều khách sạn, nhà hàng, cũng như các tuyến đường trung tâm Lê Lợi, Hùng Vương, Hà Nội, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu… không khí giáng sinh đã trở nên nhộn nhịp. Ở đây, những hoạ tiết, trang trí ông già Noel, cây thông, tuần lộc… gần như cơ bản hoàn tất. Dưới ánh đèn lung linh, nhiều người đã tìm đến vui chơi, chụp hình lưu niệm.

Tuy không khí trở nên trầm lắng hơn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng mọi người đều chuẩn bị, trang trí để cầu mong một mùa giáng sinh an lành, may mắn. “Hy vọng mùa giáng sinh này sẽ đem đến những yêu thương, bình an cho mọi người. Mong mọi thứ sẽ thay đổi, việc buôn bán, kinh doanh trở nên nhộn nhịp hơn”, chị Nguyễn Thu Quỳnh, chủ cửa hàng trên đường Phạm Ngũ Lão tâm sự.

Nhiều nhà thờ, khu giáo xứ thời điểm này cũng tất bật, chuẩn bị đón giáng sinh. Nhiều gia đình cũng tranh thủ trang trí không gian ngay trong nhà mình như đèn lồng, cây thông, hang đá… (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đột phá cho Phú Lộc?

Tỷ lệ chưa cao, huyện Phú Lộc quyết tâm tạo đột phá, phấn đấu đến năm 2025, có 90% trường đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư cho trường lớp

Trong 5 năm 2016 - 2020, huyện Phú Lộc đầu tư xây dựng 29/32 công trình trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với kinh phí 97,883 tỷ đồng. Huyện còn đầu tư sửa chữa và nâng cấp các trường học không nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo công tác dạy và học. Ngoài nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện, còn có ngân sách xã, thị trấn, xã hội hóa và Nhân dân đóng góp để đầu tư cho các trường nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia hơn 8 tỷ đồng.

Thiết bị dạy học được huyện đầu tư mua sắm theo đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho các trường để đảm bảo cho việc dạy - học và phục vụ công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo trang cấp và kinh phí tự mua sắm của các trường với tổng kinh phí 28,5 tỷ đồng.

Ngành giáo dục Phú Lộc triển quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp đối với các cấp học, bậc học theo hướng giảm dần điểm trường lẻ để tập trung nâng cao chất lượng và hướng đến đạt chuẩn. Huyện xây dựng đề án sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương, trong đó sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ để tập trung đầu mối nhằm thuận tiện trong việc quản lý điều hành và góp phần nâng cao chất lượng dạy - học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Nâng cao chất lượng quản lý và đào tạo

Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của huyện có trình độ đạt chuẩn; trong đó, trên 68% có trình độ trên chuẩn theo quy định. Huyện đã bố trí tương đối đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên cho các bậc học, cấp học và đã làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng, đánh giá đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Phòng Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ số lượng nhân viên cho các trường học theo đúng quy định. Các chức danh nhân viên trong trường học đều đảm bảo bố trí đúng chuyên ngành đào tạo.

Năm 2020, Phú Lộc có 100% trường học và các cháu bậc học mầm non được học bán trú. Số lượng huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường hàng năm đạt trên 25% cháu trong độ tuổi nhà trẻ, 80% trong độ tuổi mẫu giáo và trên 99,5% cháu 5 tuổi được huy động ra lớp. Bậc tiểu học huy động học sinh 6 tuổi vào lớp đạt trên 99,5% và huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp cấp tiểu học đạt trên 95%. Kết quả đánh giá mức độ hoàn thành đối với với học sinh tiểu học hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đạt trên 99,8%. Bậc trung học cơ sở thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Năm học 2018 - 2019, Phú Lộc đứng thứ 2 toàn đoàn về kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 toàn tỉnh.

Số học sinh bỏ học giảm đáng kể, từ 136 học sinh (2016 - 2017) xuống còn 71 học sinh (2019 - 2020); đến nay, huyện giữ vững 17/17 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và phát triển phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đối với 17/17 xã, thị trấn, phổ cập giáo dục trung học cơ sở cũng được phát triển và giữ vững 17/17 xã đạt mức độ 2, trong đó có 11/17 xã, thị trấn đạt mức độ 3; xóa mù chữ đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với 17/17 xã, thị trấn. Đặc biệt, đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế động viên khen thưởng các giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập. Cũng trong 5 năm qua, huyện phát thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh và giáo viên bồi dưỡng học sinh có giải cấp tỉnh bằng các nguồn kinh phí xã hội hóa và hội khuyến học hơn 500 triệu đồng.

90% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025

Tính đến tháng 11/2020, toàn huyện Phú Lộc có 32/67 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 47,8%; trong đó, có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2 là Trường mầm non Hưng Lộc và Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì. Đây là kết quả còn thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra đến hết năm 2020 có 50/73 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 68,5% (giảm 20,7%).

Ngân sách huyện hạn chế nên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một số trường theo kế hoạch còn chậm; một số công chức, viên chức trong ngành giáo dục chưa chấp hành tốt chính sách dân số - KHH gia đình; công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 ở một số địa phương thực hiện chưa thường xuyên, chưa đồng bộ; một số địa phương còn giao khoán công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho nhà trường mà thiếu sự chỉ đạo, đôn đốc, thiếu quyết liệt trong việc thực hiện. Đó là những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở Phú Lộc còn thấp.

Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thời gian qua huyện Phú Lộc đã làm tốt việc sáp nhập trường gắn với giảm các điểm trường lẻ. Năm 2014, toàn huyện có 210 điểm trường, đến cuối năm 2020 giảm xuất còn 141 điểm trường, phấn đấu đến năm 2025, xuống còn 115 điểm trường. Việc giảm các điểm trường không chỉ tạo điều kiện cho công tác quản lý mà còn thuận lợi trong thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Để tạo sự đột biến trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huyện Phú Lộc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các nhà trường trong huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ nguồn vốn của địa phương và tranh thủ các nguồn vốn khác tập trung đầu tư các công trình như khu hiệu bộ, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị đúng danh mục thiết bị theo quy định và tăng cường mua sắm các thiết bị công nghệ cao để thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. (baothuathienhue.vn 18/12)

 
 
Y TẾ
 

1.  Chất lượng khám, điều trị bệnh mắt không ngừng được tăng lên

Đó là thông tin được lãnh đạo Bệnh viện Mắt Huế chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, diễn ra vào chiều 17/12. Đến dự lễ kỷ niệm, có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau 15 năm thành lập, việc sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ và  chương trình hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội trong đào tạo đội ngũ y bác sĩ, tăng cường hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại. Với Trung tâm Nhãn nhi thân thiện đầu tiên của Việt Nam được xây dựng thành công, cùng những thành tựu vượt bậc trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiệu quả trong điều trị, đến nay Bệnh viện Mắt Huế là bệnh viện chuyên khoa hạng II và là đơn vị đầu tiên của Sở Y tế được UBND tỉnh Quyết định giao tự chủ chi thường xuyên.

Theo bác sĩ CKII Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, đến nay, Bệnh viện được đánh giá là cơ sở có chất lượng khám, điều trị bệnh mắt mang tầm khu vực và cả nước. Bệnh viện đã triển khai hầu hết các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu có chất lượng.

*Cùng ngày, Trung tâm Mắt Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ môn mắt – Trường ĐH Y Dược, Bệnh viện Mắt Huế tổ chức chương trình Hội nghị nhãn khoa “Kỷ Niệm 15 năm ngày thành lập Bệnh viện Mắt Huế”.

Hội nghị có 23 báo cáo với các nội dung đa dạng về các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa: phẫu thuật nhãn nhi, bệnh lý glô-côm, thể thủy tinh, võng mạc dịch kính, kết giác mạc và chấn thương cũng như nhãn khoa cộng đồng và laser trong nhãn khoa.

 

Đây là dịp để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới,  nâng cao trình độ trong lĩnh vực nhãn khoa, mang lại chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt tốt nhất cho cộng đồng.  (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Sẵn sàng cho giải VnExpress Marathon Huế 2020

Giải VnExpess Marathon Huế 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27.12 thu hút hơn 5.000 vận động viên trong và ngoài nước tham gia. Đây là cơ hội của địa phương để quảng bá du lịch và hình ảnh Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Trước khi giải diễn ra, các runner ở Hà Nội, Đà Nẵng và Huế đã cùng nhau chạy thử trên cung đường 21 km quanh dòng sông Hương và các di tích nổi tiếng. (phóng sự ngắn TRT Huế 17/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Tự ý phá hơn 2 ha rừng tự nhiên để trồng keo tràm

Cơ quan chức năng thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vừa phát hiện và khởi tố đối tượng có hành vi chặt, đốt một diện tích lớn rừng tự nhiên để tiến hành trồng keo tràm thu lợi bất chính.

Ngày 17/12, Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Phụ (SN 1979, trú tại tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) về hành vi hủy hoại rừng tự nhiên.

Quá trình theo dõi, mật phục, lực lượng chức năng thị xã Hương Trà phát hiện tại tiểu khu 109 phường Hương Vân có một diện tích lớn rừng tự nhiên bị các đối tượng chặt phá. Các đối tượng tiến hành hủy hoại rừng tự nhiên với mục đích để trồng rừng keo tràm thu lợi bất chính. Diện tích rừng bị các đối tượng hủy hoại nằm sâu trong khu vực đồi núi hiểm trở.

Phát hiện vụ việc, cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu, vật chứng. Đồng thời tiến hành xác minh, triệu tập, đấu tranh với các đối tượng và những người liên quan, qua đó xác định diện tích rừng tự nhiên mà đối tượng Phụ phá hoại là 2,3 ha.

Hiện Công an thị xã Hương Trà đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật. (giadinhvietnam.com 17/12)

 
 
 

2.  Côn đồ đi đòi nợ

Chiều 16-12, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, vừa bắt giữ 3 đối tượng: Nguyễn Ngọc Bình (1987), Hồ Văn Linh (1999) và Phan Văn Tuấn (1990, cùng trú TP Huế) để điều tra hành vi phá hoại tài sản, gây mất ANTT. Được biết, do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc nên Bình, Linh, Tuấn đi tìm con nợ để đòi. Phát hiện con nợ đang chơi game tại quán Internet trên đường Nguyễn Chí Thanh, P. Phú Hiệp, TP Huế, Bình và Linh cầm hung khí xông vào quán đập phá, đe dọa nạn nhân để đòi nợ. Vụ việc tuy không gây thương tích về người nhưng làm hư hỏng tài sản quán Internet hơn 10 triệu đồng. (cadn.com.vn 17/12)

 
 
 

3.  Mất trộm, bố làm đơn trình báo công an... con trai bị bắt giữ

Nam thanh niên ở Thừa Thiên Huế bị bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản sau khi cha mình trình báo bị mất trộm hàng chục triệu đồng.

Ngày 17/12, Công an huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) cho biết, cơ quan này vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng Trần Đại Linh (SN 2001, trú tại xã Vinh Hà) về hành vi trộm cắp tài sản.

Trước đó, vào ngày 15/12, Công an huyện Phú Vang nhận được tin báo mất trộm tài sản của ông Trần Đại Cuộc (trú tại xã Vinh Hà). Ông Cuộc bị mất trộm những tài sản gồm 1 con heo đất và 1 ví da, trong heo đất và ví da có tổng cộng 34,5 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Phú Vang đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Sau quá trình điều tra, cơ quan công an xác định thủ phạm gây ra vụ trộm tài sản của ông Cuộc là Trần Đại Linh, con trai ruột của ông này.

Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng Linh theo quy định. (phapluatplus.vn 17/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thúc đẩy hợp tác với các địa phương, đối tác của Pháp

Chiều 17/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình đã có buổi tiếp và làm việc với ông Etienne ROLLAND-PIÈGUE, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Etienne ROLLAND-PIÈGUE đã trao đổi các thông tin liên quan đến việc hoạt động của Viện Pháp tại Huế và các hoạt động liên quan đến hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều thế mạnh như hợp tác về văn hóa, giáo dục và y tế; cũng như cố gắng thúc đẩy các hoạt động văn hóa tại Huế, trong đó có Festival quốc tế Huế và một số hợp tác khác giữa Đại sứ quán Pháp và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã có những quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế có các hoạt động hợp tác thiết thực với các địa phương và các đối tác của Pháp. Đồng thời đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa Huế với các địa phương và các vùng của Pháp trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các đối tác của Pháp trên các lĩnh vực; cũng như đề xuất phía Pháp quan tâm, hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh về văn hóa, trong đó có việc tổ chức Festival Huế. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

2.  Phát triển bất động sản gắn với đô thị di sản

Những năm gần đây diện mạo TP Huế đã có nhiều đổi thay tích cực, không chỉ giữ được nét cổ kính của hệ thống di tích kinh thành Huế mà bất động sản và không gian đô thị không ngừng được chỉnh trang mở rộng theo hướng xanh, sạch, hiện đại góp phần xây dựng TP Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia. (trt.vn 17/12)

 
 
 

3.  Ưu tiên chi cho đầu tư

Nhìn vào cơ cấu thu chi ngân sách của tỉnh, chúng ta thấy có mấy điều còn băn khoăn: nguồn thu phụ thuộc quá nhiều vào hai lĩnh vực, đó là từ hoạt động sản xuất kinh doanh bia và từ quyền sử dụng đất.

Điều này cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, tức là sức mạnh “nội sinh” cho nền kinh tế còn yếu. Có nhiều yếu tố làm cho sức mạnh nội sinh không mạnh, đó là quy mô hoạt động của doanh nghiệp còn nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ); năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế không cao…

Theo thống kê, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh bia chiếm tới 31% nguồn thu ngân sách. Đây là nguồn thu cho “hầu bao” của tỉnh, nhưng lại là một nguồn thu chưa hẳn là tốt!? Đơn giản đây là một mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu và lại càng không khuyến khích. Thế nhưng nó lại tạo ra nguồn thu rất lớn, tức là người dân chúng ta tiêu thụ rất nhiều.

Về thu tiền sử dụng đất, năm 2020 chúng ta thu được 2.100 tỷ đồng. Nếu có những phân tích cụ thể chúng ta sẽ thấy một bức tranh rõ hơn của nguồn thu này. Tuy nhiên có một điều, không phải nguồn thu nào từ tiền sử dụng đất đều tốt, theo cái nghĩa, khai thác tốt tài nguyên đất đai mà không tạo ra những “tác dụng phụ”. Chẳng hạn các dự án đô thị hóa nhưng chậm triển khai hoặc lấp đầy. Tạo nên những cơ hội đầu cơ đất đai đối với những người có tiền, đẩy giá đất lên cao làm mất cơ hội cho nhiều người tiếp cận đất ở, nhà ở. Và như thế có thể thấy, hố sâu khoảng cách giàu nghèo và công bằng xã hội sẽ ngày càng giãn ra thêm! Quan sát nhiều khu đô thị ở TP. Huế cũng như các dự án quy hoạch khu dân cư ở các huyện, chúng ta thấy nhiều khu quy hoạch đô thị cả hàng chục năm chưa được lấp đầy.

Nói chung, một nền kinh tế phát triển bền vững phải là từ hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo ra tăng trưởng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và từ đó, tạo ra nguồn thu ngân sách.

Có một điều đáng mừng trong thu chi ngân sách, chúng ta thấy, mặt dù nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chi, nhưng tỉnh đã ưu tiên nhiều cho đầu tư phát triển. Một khi chi đầu tư phát triển được ưu tiên hơn nó sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, những điều kiện tốt hơn cho nền kinh tế phát triển trong tương lai.

Trên quy mô cả nước, có những thời điểm, thống kê cho thấy nguồn chi ngân sách cho khoản chi thường xuyên, tức là chi nuôi bộ máy chiếm đến hơn 80%. Một phần khác là chi cho trả nợ công nên nguồn chi cho phát triển thấp. Đã chi cho phát triển thấp rồi lại không được quản lý và khai thác hiệu quả, tình trạng thất thoát còn lớn. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua các “đại án” bị khởi tố và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, điều này càng gây áp lực lên cho ngân sách.

Trong bối cảnh như vậy, ở tỉnh ta, nguồn chi cho đầu tư phát triển vẫn được tăng cường. Ví dụ như giai đoạn 5 năm vừa qua, theo báo cáo của UBND tỉnh thì nguồn chi cho đầu tư tăng nhanh hơn nguồn chi thường xuyên. Tổng chi ngân sách giai đọan 2016 -2020 là 49.157 tỷ đồng thì chi cho đầu tư phát triển chiếm đến 33,2%, tốc độ tăng bình quân 22,6%/năm, trong khi đó chi thường xuyên chỉ tăng 7,5%/ năm. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, dự tính tổng chi ngân sách trong 5 năm tới: chi cho đầu tư phát triển tăng 7,8%/năm còn chi thường xuyên tăng 7,6%/năm, tức là mục tiêu chi cho đầu tư phát triển vẫn được ưu tiên.

Chúng ta có quyền hy vọng, những điều kiện về hạ tầng hỗ trợ cho phát triển sẽ được cải thiện trong thời gian tới. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

4.  Tạo đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại

- Nội dung này được HĐND TP. Huế đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 11 nhiệm kỳ 2016- 2021, HĐND TP. Huế khóa XII diễm ra ngày 17 và 18/12, đồng thời thông qua một số nội dung quan trọng liên quan đến giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2021. Kỳ họp khai mạc vào sáng 17/12.

Tham dự kỳ họp có UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định; Chủ tịch HĐND TP. Huế - Huỳnh Cư; TUV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh và các đại biểu, lãnh đạo các phòng ban thành phố.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Huế Huỳnh Cư cho rằng, năm 2020 là năm đầu khó khăn, thách thức khi đại dịch COVID- 19 bùng phát, ảnh hưởng của thiên tai bão lũ liên tục đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tăng trưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, thành phố đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng chống dịch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT- XH. Đến nay, có 6/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, các chương trình trọng điểm được triển khai đồng bộ, đạt những kết quả tốt; nhiều công trình quan trọng hoàn thành và đưa vào sử dụng; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được triển khai quyết liệt từng bước xây dựng đô thị văn minh, sáng- xanh- sạch- đẹp.

Năm 2020, thành phố đẩy mạnh dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, các chính sách xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững… Bên cạnh những kết quả đạt được, KT- XH thành phố vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Vẫn còn 8/14 chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch, như thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2.650 USD/2.800 USD, đạt 94,6%; doanh thu du lịch chỉ đạt 1.500 tỷ đồng/3.634 tỷ đồng…

Chủ tịch HĐND TP. Huế Huỳnh Cư nhấn mạnh, trước tình hình khó khăn đó đòi hỏi HĐND thành phố cần phân tích, đánh giá đúng tình hình, nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, bất cập để có các giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2021, tạo nền tảng cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT- XH cho cả giai đoạn 2021- 2025.

Tại kỳ họp, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ KT- XH năm 2020 và kế hoạch năm 2021 của thành phố nêu rõ, trong năm 2020, thành phố tập trung các dự án (DA) trọng điểm, như đề án mở rộng địa giới thành phố, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Các DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích kinh thành Huế, DA Cải thiện môi trường nước thành phố, chỉnh trang Công viên 2 bờ sông Hương và DA chỉnh trang các tuyến đường trung tâm...

Trong năm 2020, có 6/14 chỉ tiêu của thành phố hoàn thành. Đó là các chỉ tiêu thu ngân sách, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mật độ cây xanh và thu gom xử lý chất thải rắn, rác thải y tế. Có 8/14 chỉ tiêu không đạt, là doanh thu du lịch, tổng vốn đầu tư trên địa bàn, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ… do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh liên tiếp xảy ra.

Năm 2021, thành phố đặt ra mục tiêu giữ ổn định phát triển kinh tế, tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT- XH đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, xứng đáng là đô thị loại I; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động phòng chống ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra như: thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.700USD, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng 10%, doanh thu du lịch trên địa bàn tăng 15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%...

Tại kỳ họp lần này, HĐND TP. Huế tiến hành miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số nội dung quan trọng khác. (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

5.  100% khu bảo vệ thủy sản được tái cơ cấu

Đó là kết quả được nêu bật tại hội nghị đánh giá thực hiện quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) năm 2020, định hướng, triển khai nhiệm vụ năm 2021, do Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức sáng 18/12.

Đến nay, toàn tỉnh có 22 khu BVNLTS được tái cơ cấu, đạt 100% hệ thống khu BVNLTS.

Chi cục Thủy sản tổ chức thả 166 ngàn con tôm sú giống, 4 ngàn con cua giống nhằm tái tạo NLTS tại các khu BVNLTS: Đá Miếu, Đá Dầm, xã Lộc Điền; Hòn Voi -Vũng Đèo, xã Lộc Trì và Nam Hòn Đèo, thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc). Nguồn kinh phí mua giống tái tạo NLTS do ngân sách Nhà nước cấp và dự án VIE/043 hỗ trợ. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ thả 25 ngàn con tôm sú giống, 10 vạn con cá kình giống vào các khu BVNLTS Đình Đôi-Cửa Cạn, xã Vinh Hưng (Phú Lộc).

Các chi hội nghề cá tổ chức hơn 50 lượt tuần tra, xử lý vi phạm khai thác trong các khu BVNLTS. Chi cục Thủy sản tổ chức 17 đợt tuần tra, tịch thu nhiều phương tiện, xua đuổi nhiều trường hợp khai thác thủy sản trái phép… (baothuathienhue.vn 17/12)

 
 
 

6.  Ngân hàng Chính sách xã hội Hương Trà: Ba năm không phát sinh nợ xấu

3 năm liên tục, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TX. Hương Trà không phát sinh nợ xấu nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay.

Hỗ trợ từng khách hàng 

Trong quá trình tìm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trần Thị Phụng, phường Hương Vân quyết định vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi. Với những kiến thức đã học, chị vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm thông qua kênh ủy thác của hội phụ nữ phường. Chị Phụng đầu tư xây dựng chuồng trại, bắt tay vào nuôi gà đẻ trứng với gần 1.000 con và đàn lợn nái hơn 5 con, mỗi tháng thu nhập hơn 30 triệu đồng.

 

Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, lượng trứng tiêu thụ không ổn định, cán bộ phụ nữ phường và cán bộ tín dụng ngân hàng thường xuyên đến tìm hiểu khó khăn, hỗ trợ rất nhiều trong tiêu thụ trứng như giới thiệu các đầu mối tiêu thụ. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình chị Phụng ổn định, việc trả nợ, lãi ngân hàng đảm bảo.

Bà Cao Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hương Vân chia sẻ, việc đánh giá, phân loại hộ vay ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quá trình xác minh, phê duyệt hồ sơ vay vốn của các hội viên được Hội chú trọng; không chỉ bình xét qua thôn mà còn được chính quyền, cán bộ tín dụng xác minh nên đảm bảo đúng đối tượng vay.

Theo kinh nghiệm của bà Vân, những khách hàng nợ quá hạn chủ yếu rơi vào những hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thường xuyên tuyên truyền gia đình, người thân vận động đóng tiền đúng quy định nên hạn chế nợ quá hạn (NQH). Hội và các thành viên tổ TK&VV phân loại từng đối tượng NQH, nợ lãi tồn đọng để có biện pháp hỗ trợ và thu hồi nợ phù hợp.

Với những trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, ốm đau bệnh tật, không còn khả năng lao động hoặc qua đời cán bộ tổ trực tiếp đề nghị Ngân hàng CSXH xử lý rủi ro. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, kỹ năng cho thành viên các tổ TK&VV, hạn chế NQH phát sinh.

3 năm liền không phát sinh nợ xấu

Chăm chút từ những khâu đầu tiên của quá trình vay vốn đến khâu thu hồi vốn chính là bài học được Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà rút ra sau nhiều năm chất lượng tín dụng duy trì mức tốt.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà - Trương Công Huy, trước khi phê duyệt hồ sơ giải ngân, triển khai các chương trình mới, cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn nắm chắc một số nội dung như nhu cầu thực sự của hộ vay, mục đích sử dụng vốn vay và các cam kết liên quan.

Trong quá trình giải ngân, tổ trưởng tổ tín dụng tuyên truyền các nội dung, quy định liên quan để người vay nắm các thông tin. Sau khi nhận tiền vay, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Hội, tổ và cán bộ tín dụng thường xuyên đôn đốc hộ vay thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vốn vay và các cam kết để thực hiện.

Nhờ đó, 3 năm liên tục trên địa bàn Hương Trà đều không phát sinh nợ xấu. Tính đến tháng 11, tổng dư nợ các chương trình đạt 343 tỷ đồng với 14.496 khách hàng còn dư nợ. Với nguồn vốn tín dụng chính sách này, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trương Công Huy chia sẻ, đối tượng chính của các chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH chủ yếu là các hộ nghèo, hộ chính sách. Vì thế, khả năng phát sinh nợ xấu rất cao, nhất là các chương trình hỗ trợ vay vốn nhà ở phòng chống lụt bão, nhà ở theo các quyết định 167, 33, cho vay hộ nghèo,… vì phần lớn đối tượng này là hộ già cả neo đơn.

Ngoài phối hợp các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác rà soát bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, ngân hàng còn thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro theo quy định; tập trung phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể xử lý thu hồi NQH, nợ bị chiếm dụng, lãi tồn đọng, có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội các cấp, hoạt động của Tổ TK&VV và kiểm tra sử dụng vốn vay của hộ vay cũng được tăng cường. Các cán bộ tín dụng, tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau nhằm kiểm tra mức độ thực hiện các nhiệm vụ và tính minh bạch trong quá trình vay.

Việc tổ chức điểm giao dịch về tận cơ sở xã, phường, thị trấn không kể ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình vay vốn. (baothuathienhue.vn 18/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.453.065
Truy cập hiện tại 941