TIN NÓNG
1. Yêu cầu thủy điện tại TT-Huế vừa xảy ra sạt lở phía hạ lưu xả tràn vì mưa lớn
Kể từ 13h chiều nay, 16/12, hồ chứa thủy điện Hương Điền (TT-Huế) được yêu cầu vận hành điều tiết nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, do dự báo trên địa bàn có mưa vừa, mưa to khi không khí lạnh tăng cường tràn về.
Chiều 16/12, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to.
Mực nước hồ Hương Điền lúc 9h ngày 16/12/2020 là +57,97m, lưu lượng nước đến hồ 271m3⁄s, lưu lượng điều tiết về hạ du qua tuabin phát điện 179m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trưởng ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế đã yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền - chủ công trình thủy điện Hương Điền, vận hành điều tiết hồ chứa Hương Điền qua tràn và tuabin, với lưu lượng tăng dần từ 200-300m3/s.
Thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm thủy văn Phú Ốc đề điều chỉnh lưu lượng điều tiết theo lệnh của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh; khống chế mức nước ở Phú Ốc dưới +2, 7m, đồng thời, thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Liên quan đến hồ chứa thủy điện Hương Điền, trước đó, vào khoảng 14h ngày 1/12/2020 một vụ sạt lở với khối lượng khoảng 5.000m3 đất đá đã xảy ra tại vai trái hạ lưu thủy điện này, cách chân đập thủy điện từ 60 đến 200 mét, thuộc lưu vực sông Bồ, hạ lưu của sông Rào Trăng. Sự cố này khiến người dân sinh sống vùng hạ du sông Bồ hết sức lo ngại.
Theo đánh giá của Sở Công thương TT-Huế, qua kiểm tra thực tế sau sự cố sạt lở ở vai trái hạ lưu, vị trí sạt lở cách khá xa công trình đập, nhà máy thủy điện Hương Điền vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, Sở Công thương đã yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập.
Tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên và tiến hành thi công khắc phục sớm, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác.
Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước...; khắc phục kịp thời các khiếm khuyết để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải điều tiết lũ. (tienphong.vn 16/12)
2. Thuỷ điện tích 'bom nước' trái phép ở Huế: Bao nhiêu hecta rừng bị ảnh hưởng?
Theo UBNB tỉnh Thừa Thiên - Huế, thống kê có 46,76 hecta rừng trồng bị ảnh hưởng bởi dự án thuỷ điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông).
Liên quan đến việc thuỷ điện Thượng Nhật nhiều lần tích "bom nước" trái phép, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên cơ sở báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này thì dự án thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) do Công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư gây ảnh hưởng 46,76 ha rừng trồng.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam nộp đủ tiền trồng rừng thay thế (3.460.386.000 đồng) của 46,76 ha rừng này vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 6/9/2019 về việc phê duyệt Phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật.
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận đơn vị hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế tại Thông báo số 183/TB-QBV&PTR ngày 3/10/2019, số tiền này Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí trồng lại 46,76 ha rừng phòng hộ tại các Ban quản lý rừng phòng hộ của tỉnh.
Trước đó, trong hai ngày 17 và 18/11, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam; Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế về những vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật.
Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương kết luận, chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật là Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam vi phạm 2 quy định thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, hành vi thứ nhất vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 16: "Không thực hiện quan trắc, hoặc không xử lý, lưu trữ số liệu quan trắc".
Theo đoàn kiểm tra, chủ đầu tư bố trí các thiết bị quan trắc hồ và đập ở công trình thủy điện Thượng Nhật nhưng không thực hiện việc quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc như quy định.
Hành vi thứ 2 là vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16: "Không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hoặc vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Theo đó, đoàn kiểm tra khẳng định trong đợt bão số 13 vừa qua, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình vận hành phòng chống bão lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
"Yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van nhưng chủ đầu tư 2 lần không mở hoặc mở ở trạng thái không hoàn toàn", ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương) nói.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương lập biên bản 2 vi phạm trên để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, dựa trên các vi phạm về an toàn hồ đập, đoàn kiểm tra cho biết, sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thuỷ điện Miền Trung Việt Nam tại nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật.
Sau khi làm việc đoàn công tác của Bộ Công Thương, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho hay, luôn túc trực chỉ đạo khẩn trương khắc phục các, tồn tại trong quản lý, vận hành công trình thủy điện Thượng Nhật.
Về việc thủy điện Thượng Nhật chưa thực hiện quan trắc các hạng mục công trình, khí tượng thủy văn, ông Lê Văn Khoa – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho rằng: "Thời gian qua, công ty đã ký hợp đồng thiết bị cơ điện, điện điều khiển trọn bộ với nhà thầu nước ngoài có bao gồm phần hạng mục thiết bị quan trắc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ nên chuyên gia nước ngoài chưa nhập cảnh qua Việt Nam để thực hiện lắp đặt kết nối hệ thống quan trắc các hạng mục công trình, quan trắc khí tượng thủy văn. Công ty đã làm việc với Nhà thầu thiết bị yêu cầu bố trí chuyên gia để thực hiện lắp đặt vận hành, dự kiến thời gian hoàn thành trước ngày 15/12. Công ty cam kết đến ngày 15/12 hoàn thành nội dung nêu trên".
Ông Khoa cam kết, công ty sẽ phối hợp chính quyền địa phương thống nhất vị trí lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập triển khai thực hiện hoàn thành trước 10/12.
Về việc “thực hiện xử lý mỏm đá phía hạ lưu bở phải để đảm bảo chế độ thủy lực phía hạ lưu tràn, nâng cao khả năng thoát lũ”, ông Khoa cho biết, công ty triển khai các Đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập Phương án xử lý kỹ thuật, khắc phục hạng mục vai phải hạ lưu đập.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, nước lòng suối Thượng Nhật đang xã qua hệ thống 5 cửa van làm dâng mực nước hạ lưu, ảnh hưởng đến biên pháp thi công chưa thể thực hiện được, dự kiến sau khi được UBND tỉnh cho phép tích nước vận hành nhà máy, khi đó mực nước hạ lưu khô ráo, đảm bảo điều kiện thi công. Công ty cam kết sẽ triển khai thực hiện hoàn thành trước 30/3/2021.
Bên cạnh đó, công ty triển khai các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá hiện trạng, tính toán thiết kế. Hiện tại, công ty đã và đang tập kết thiết bị, xe máy, vật tư, nguyên vật liệu cầu gia công, lắp đặt. Công ty cam kết sẽ triển khai thực hiện hoàn thành trước 10/12 đảm bảo công tác vận hành lâu dài, thông suốt.
Hiện tại, công ty triển khai di chuyển, lắp đặt hoàn thành máy phát điện dự phòng từ Nhà máy lên cao trình đập, công tác đấu nối hệ thống điện vận hành máy phát điện, dự kiến hoàn thành trước ngày 27/11. Công ty cam kết đến ngày 27/11 hoàn thành.
Ngoài ra, công ty triển khai lập quy chế phối hợp với địa phương trong công tác vận hành phát điện đã trình UBND huyện Nam Đông phê duyệt. Công ty triển khai lập Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình UBND huyện Nam Đông phê duyệt, dự kiến thời gian hoàn thành trước 10/12.
Trong khi đó, chiều 27/11, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, vừa có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nội dung quyết định nêu rõ, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực số 383/GP-ĐTĐL ngày 12/12/2019 do Cục Điều tiết điện lực cấp cho Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ 27/11/2020. (vtc.vn 16/12)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Hướng về xây dựng cơ sở biên phòng
Chú trọng hướng về xây dựng cơ sở biên phòng và tăng cường công tác đối ngoại… là các nội dung trọng tâm được Đảng uỷ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh xác định tại hội nghị Quân chính tổng kết công tác biên phòng năm 2020, diễn ra ngày 16/12.
Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho hay, các đơn vị trên hai tuyến biên phòng triển khai phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tham mưu đắc lực và có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các địa phương giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển đảo. Đồng thời, đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới.
Năm 2020, việc triển khai quy chế phối hợp giữa Đảng ủy các Đồn biên phòng và Đảng ủy các xã biên giới, ven biển được phát huy tích cực, tạo yếu tố quan trọng trong công tác giữ vững an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các Đồn biên phòng thường xuyên thông báo kịp thời cho Đảng ủy và UBND xã về tình hình biên giới, vùng biển đảo, các chủ trương, nhiệm vụ công tác biên phòng liên quan đến địa bàn. Ngược lại, Đảng ủy, UBND xã thông báo cho Cấp ủy, chỉ huy Đồn cập nhật về tình hình, nhiệm vụ và những chủ trương lớn của địa phương để có kế hoạch phối hợp thực hiện.
Liên quan đến công tác phòng chống các loại tội phạm, theo Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, việc xây dựng mô hình tổ tự quản trong quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh biên giới, tố giác tội phạm có ý nghĩa rất lớn. Việc huy động quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới trực tiếp tham gia phòng chống các loại tội phạm giữ vai trò quan trọng, góp phần phát huy sức mạnh tại chỗ trong công tác bảo vệ an ninh biên giới.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, tham gia vào Tổ tự quản, đồng bào đã cùng với cán bộ, chiến sĩ tích cực đấu tranh với các hiện tượng di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em qua biên giới… Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền Nhân dân khu vực biên giới hiểu và cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền…
Cùng quan điểm trên, một số ý kiến nhận định, thông qua việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội công tác địa bàn, đưa cán bộ về sinh hoạt tại nơi cư trú, nhiều đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương, kết hợp giữa giúp dân phát triển kinh tế với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân.
Riêng đối với công tác đối ngoại biên phòng, Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn BPCK A Đớt chia sẻ, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị bảo vệ biên giới trong mô hình kết nghĩa giữa ta và bạn Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã tạo nên nhiều chuyển biến rất tích cực. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể cho các tổ đội công tác như Trạm cửa khẩu, Đội vận động quần chúng, trinh sát phòng chống tội phạm ma túy, kiểm soát hành chính… nhằm tạo được sự đoàn kết, đem lại kết quả cao trong các mặt công tác bảo vệ biên giới.
Hội nghị đã thống nhất cao với phương hướng nhiệm vụ công tác biên phòng trong thời gian tới mà Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đề ra. Một số đại biểu cho rằng, cần tập trung đổi mới công tác nắm tình hình, chủ động nắm tình hình từ xa, có chiều sâu, không để bị động bất ngờ, nhất là bảo vệ an toàn địa bàn, đơn vị trong dịp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền dân tộc, cùng các sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2021. (baothuathienhue.vn 16/12)
2. Hồi ức “bước chân giao liên”
Chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Phụng, cựu thanh niên xung phong - nhân vật trong bức ảnh "Bước chân giao liên" (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam). Bức ảnh như một minh chứng về giai thoại những nữ giao liên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của phóng viên ảnh chiến trường Trọng Thanh. Bà Nguyễn Thị Phụng hiện ở trong ngôi nhà nhỏ tại khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP. Huế.
Chân dung “Bước chân giao liên"
Theo bà Nguyễn Thị Phụng, tấm ảnh được chụp tại sông A Sáp, huyện A Lưới do phóng viên ảnh chiến trường Trọng Thanh ghi lại trong một chuyến công tác từ vùng cao về đồng bằng năm 1969. Khi đó, bà có trách nhiệm dẫn đường cho đoàn phóng viên chiến trường công tác từ vùng cao về đồng bằng. Đôi chân thoăn thoắt giữa núi rừng A Lưới đã thu hút được sự chú ý của nhiếp ảnh gia. Bức ảnh sau đó được triển lãm tại nhiều nước và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bảo tàng Quân khu IV. Tác giả Trọng Thanh đã in bức ảnh trong tập sách những tấm ảnh về Trường Sơn và trân trọng tặng cô.
Nhân vật "Bước chân giao liên" tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1949, quê quán Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Bà gia nhập Thanh niên xung phong Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên Huế vào năm 1967, khi vừa tròn 17 tuổi, nhằm hưởng ứng phong trào tình nguyện phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968. Năm 1969, bà là 1 trong 10 người được Quân khu IV tuyển chọn vào đội Giao bưu của quân khu, phụ trách việc dẫn đường, thông tin liên lạc. Suốt từ năm 1969 đến năm 1975, bà làm Trạm phó Trạm Giao bưu Khu ủy Trị Thiên Huế. Năm 1970, bà vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.Từ năm 1975 đến 1990 bà là y tá và đến năm 1990 bà xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân.
Với giọng kể chuyện vui vẻ, thân thiện, cuộc trò chuyện cùng bà kéo dài với những hồi ức về "Bước chân giao liên" cũng như chặng đường thanh xuân tham gia cách mạng với những kỷ niệm tươi đẹp nhưng cũng đầy gian truân. Bà kể, về bức ảnh của bản thân mình đã được triển lãm tại 4 nước, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Việt Nam và rất tự hào vì trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, bức ảnh trở thành dấu ấn ghi lại kỷ niệm, là chứng nhân cho tuổi trẻ nhiệt huyết của bà.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người nữ thanh niên xung phong ngày nào vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi kể về những kỷ niệm thời hào hùng. Bà tự hào kể về tuổi 16, 17 của mình đã dành cho đất nước bằng một tình cảm trong sáng, kế thừa tinh thần yêu nước của gia đình, đáp lại tiếng gọi của đất nước. Ngoài kỷ niệm với "Bước chân giao liên", những khoảnh khắc vui vẻ, hồn nhiên cùng các đồng đội luôn là động lực giúp bà vượt qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt.
Nhiều lần bị địch truy quét, bố ráp, bà không chùn lòng mà còn nhắc nhở, động viên đồng đội vững lòng, thận trọng hơn trong lúc làm nhiệm vụ thông tin, liên lạc và hỗ trợ các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả tại chiến trường Bình Trị Thiên.
Năm 1972, đơn vị cho bà đi học y tá tại Viện Quân y 94. Trên đường hành quân tại A Lưới, bà lên cơn sốt rét, bị mất dấu ký hiệu, không theo kịp đồng đội và đi lạc vào bản của đồng bào dân tộc. Sức khỏe suy kiệt, không biết tiếng đồng bào, nhưng bà rất may mắn khi được đồng bào nơi đây yêu thương, chăm sóc tận tình, chia sẻ từng củ khoai, quả chuối, khúc mía để sống qua ngày. Bà gắn bó cùng bà con đồng bào một tháng trời và nhờ người dân mà bà đã tìm lại được đồng đội và đơn vị của mình trong niềm vui sướng, xúc động.
Tự hào truyền thống quê hương
Sau khi đất nước giải phóng, bà Nguyễn Thị Phụng làm y tá tại các bệnh viện ở Thừa Thiên Huế và năm 1990 nghỉ hưu sớm theo chế độ mất sức ở tuổi 40. Sau đó, bà bươn chải, tần tảo buôn bán với nhiều nghề khác nhau để nuôi các con ăn học.
Là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của địa phương, trong nhiều năm liền, bà luôn được các cơ quan Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận những thành tích xuất sắc và tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương trong đó có Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bà vẫn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" bằng việc vận động địa phương, đồng đội, bạn bè để có những suất quà, học bổng tặng học sinh A Lưới...
Nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ gan dạ tham gia cách mạng, bà luôn mang trong mình một niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào về truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình. Ngày đó, bà mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cũng như sự hăng hái năng động của tuổi trẻ, dù không ít lần gặp nguy hiểm khi đối diện với kẻ thù... (baothuathienhue.vn 16/12)
3. Tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân A Lưới
Sáng 16/12, Đội CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an xã Quảng Nhâm, Công an huyện A Lưới tổ chức gặp mặt và tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đây là những đồng bào Tà Ôi, Pa Cô hiện đang làm ăn, sinh sống bằng phương tiện đường thủy trên địa bàn huyện A Lưới.
Tại buổi tuyên truyền, bà con được cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh phổ biến các quy định mới về Luật Giao thông đường thủy; các hành vi bị nghiêm cấm; các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông; quy tắc, biện pháp về phòng chống tội phạm; phòng chống tai nạn đuối nước...
Ngoài tuyên truyền, Đội CSGT đường thủy đã tặng 50 suất quà gồm phao cứu sinh cá nhân cầm tay và phao tròn cứu sinh cho người dân. (baothuathienhue.vn 16/12)
4. Năng động trong tác nghiệp, bám sát định hướng của tỉnh để tuyên truyền
Chiều 16/12, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn cùng lãnh đạo Ban tuyên giáo, văn phòng Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Báo Thừa Thiên Huế.( Video baothuathienhue.vn 16/12)
5. Cần có chính sách cho tri thức trẻ hậu Đề án 500
Sau 5 năm cống hiến, nhiều thành viên của Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn - miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500) ngày nào tình nguyện về xã khó khăn, để lại những năm tháng trẻ trung nhiệt huyết lại cơ sở, nay không biết làm gì khi đề án kết thúc.
Háo hức tham gia đề án
Đề án 500 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 9/2013, do Bộ Nội vụ chủ trì, triển khai tại 34 tỉnh, thành, trong đó có Thừa Thiên Huế.
Đề án nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực cấp xã.
Có 31 trí thức trẻ trong tỉnh đã trúng tuyển, được bố trí về các xã bãi ngang ven biển thuộc 4 huyện: Phong Điền (5 người), Quảng Điền (7 người), Phú Vang (11 người) và Phú Lộc (8 người).
Anh Nguyễn Lê Hải Phong (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) là giáo viên hợp đồng đã dừng công việc để tham gia Đề án 500. Anh tâm sự: “Bản thân tôi rất háo hức khi tham gia đề án, hy vọng nhiều về một công việc vừa khiến mình có ích cho xã hội, vừa sẽ có việc làm ổn định. Ngày ấy bước vào môi trường mới cái gì cũng lạ lẫm, nhưng bằng nhiệt tâm tuổi trẻ, tôi cũng như các bạn khác vừa học vừa làm nên hoà đồng nhanh”.
Vì lý do cá nhân, có 2/31 thành viên rút khỏi đề án sớm, 29 người còn lại đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi kết thúc đề án đã xuất hiện vấn đề khiến lãnh đạo các huyện đau đầu, bởi không có biên chế để thu xếp công tác tiếp cho các anh chị em, dẫn đến tình trạng những tri thức trẻ hoàn thành dự án rơi vào hoàn cảnh…thất nghiệp. Ngày 11/3/2020, Đề án 500 chính thức kết thúc. Các huyện Phú Vang và Phú Lộc chấm dứt hợp đồng. Các huyện Phong Điền và Quảng Điền dùng ngân sách địa phương tạm hợp đồng đến hết năm 2020 để... chờ hướng dẫn.
Cần một chính sách “hậu đề án”
1 trong 29 người đã chuẩn bị tâm thế tốt để chuyển đổi công việc sau khi kết thúc đề án là anh Nguyễn Lê Hải Phong. Anh đã tham gia thi công chức và đỗ vào ngạch giáo viên, hiện là giáo viên Trường THPT Vinh Hà (huyện Phú Vang).
Có 2/29 người được xét vào biên chế là anh Trần Viết Trọng, công chức văn hóa – xã hội xã Quảng Phước (Quảng Điền) và anh Thái Duy Khánh được quy hoạch vào chức danh Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (Phong Điền) nhiệm kỳ 2020-2025.
Được phân công phụ trách địa chính-xây dựng xã, trong thời gian công tác ở địa phương, anh Thái Duy Khánh năng nổ trong lĩnh vực được giao, đồng thời tham mưu tốt cho chính quyền thực hiện hiệu quả các mô hình dự án đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững, các mô hình phát triển sản xuất. Anh Khánh còn tham gia các lớp đào tạo chuyên môn do tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức để nâng cao kiến thức... và được giữ lại.
Nhưng các thành viên khác không may mắn như anh Phong, anh Trọng, anh Khánh. Riêng với các đội viên nữ đã bước vào tuổi khó xin việc, khó cạnh tranh với các lớp đàn em vừa ra trường.
Anh Đặng Quang Bình, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phong Điền cho biết: “Nhờ tác phong nhanh nhẹn, lề lối làm việc khoa học, nhiệt tình, các bạn tham gia Đề án 500 đã phối hợp tốt với địa phương giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Họ tích cực bám sát địa bàn nên được người dân ủng hộ, được đánh giá cao tại địa phương. Khi họ bị dừng công việc vì không bố trí được công tác là sự đáng tiếc”.
Đồng cảm với các thành viên và chính quyền địa phương, nhưng đến nay, Sở Nội vụ cũng đang lúng túng. Anh Hà Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Công tác Thanh niên Sở Nội vụ cho biết: “Sở đã có công văn hỏi Bộ Nội vụ về hướng giải quyết, nhưng vẫn đang… chờ. Khi nào Bộ trả lời, chúng tôi sẽ dựa theo đó để thực hiện”.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, các thành viên Đề án 500 đều cùng tâm sự về nỗi buồn, bởi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương, không tính toán về quyền lợi vật chất, nhưng giờ đây... Rõ ràng, cần một chính sách “hậu đề án” ổn định hơn để giúp các thành viên tiếp tục cống hiến. (baothuathienhue.vn 17/12)
VĂN HÓA
1. Thừa Thiên Huế tổ chức ngày hội áo dài và lễ hội ẩm thực năm 2020
Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế 2020 sẽ khai mạc vào lúc 17h30 ngày 18/12/2020 tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, TP Huế.
Ngày 16/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm bước đầu triển khai các đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", "Huế - Kinh đô ẩm thực Việt Nam", UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai tổ chức Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế 2020.
Theo đó, Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế 2020 sẽ khai mạc vào lúc 17h30 ngày 18/12/2020 tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế.
Từ 8h30 đến 10h30 ngày 19/12, sẽ diễn ra nghi thức quảng diễn Ngày hội áo dài Huế 2020 - biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Lộ trình: Ngọ Môn - Đường 23/8 - Đinh Tiên Hoàng - Cửa Thượng Tứ - Trần Hưng Đạo - Cầu Trường Tiền - Lê Lợi - Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Chương trình nghệ thuật Trình diễn áo dài truyền thống Huế, các bộ sưu tập của nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà may áo dài xứ Huế diễn ra từ 19h30 ngày 19/12 tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Từ 9h30 ngày 20/12, sẽ diễn ra chương trình trình diễn nghệ thuật truyền thống tại cầu đi bộ gỗ lim.
Song song đó, sẽ tổ chức không gian trưng bày áo dài truyền thống, giới thiệu các bộ sưu tập áo dài truyền thống tại Trung tâm Văn hóa - thông tin - thể thao thành phố Huế và tổ chức không gian trưng bày các gian hàng, thao diễn nghề may thêu, trang trí áo dài của những nghệ nhân, nhà thiết kế tại 15 Lê Lợi. Ngoài ra, sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại" tại Sở Văn hóa và thể thao tỉnh.
Đối với Lễ hội ẩm thực Huế 2020, sẽ có khoảng 50 - 60 gian hàng ẩm thực của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay..., trong đó có 10 - 15 gian hàng ẩm thực chay. Lễ hội ẩm thực Huế kéo dài đến hết ngày 23/12… (etime.danviet.vn 16/12)
XÃ HỘI
1. Vì một thành phố sạch, đẹp
Dẫu vất vả, nặng nhọc, nhưng những nữ công nhân môi trường vẫn lặng lẽ vượt qua để đường phố luôn sạch, đẹp.
Nối nghiệp
5h chiều, “Cây chổi vàng” toàn quốc năm 2020 Nguyễn Thị Hoàng Yến, công nhân tổ 6, tổ Vệ sinh môi trường, Xí nghiệp Môi trường Nam sông Hương, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đã có mặt tại đường Nguyễn Phong Sắc, phường Xuân Phú để bắt đầu công việc làm sạch những đoạn đường mà chị đảm nhận. Đang mang thai 4 tháng nên đồ bảo hộ lao động như: khẩu trang, áo phản quang, mũ bảo hộ, găng tay cao su... được chị Yến sử dụng cẩn thận.
Thao tác quét dọn rác của chị Yến vẫn rất nhanh nhẹn. Xe rác chị đi ngang đâu, con đường sạch đẹp đến đó. Chị Yến cho biết, ba chị là công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị mới nghỉ hưu. Chị gắn bó với nghề này theo tâm nguyện của ba mình. “Chị em tôi lớn lên và trưởng thành nhờ nghề thu gom rác của ba nên từ nhỏ tôi đã trân trọng nghề này”.
Những người thu gom rác như chị Yến đều đặn có mặt trên những con phố để thu gom rác đúng lịch phân công. Mùa mưa, công việc thêm phần nhọc nhằn hơn. Còn những ngày lễ, tết, người người lo sửa soạn, chăm chút nhà cửa, thì những công nhân như chị Yến vẫn tất bật làm việc ngoài đường để kịp thu gom, vận chuyển rác. “Đã xác định gắn bó với nghề thì mọi vất vả, nặng nhọc hay mùi hôi, ô nhiễm... tôi đều gác qua một bên, chỉ tập trung làm sạch đường phố”, chị Yến bộc bạch.
Gần 10 năm tuổi nghề, chị Yến luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đạt danh hiệu “Cây chổi vàng” toàn quốc năm 2020 là phần thưởng chị dành cho người ba luôn tâm huyết với nghề của mình.
Tự hào về nghề
“Nghề công nhân vệ sinh môi trường không chỉ góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, mà công việc còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp tôi nuôi con khôn lớn, trang trải chi phí trong gia đình. Tôi sẽ gắn bó và luôn có trách nhiệm với công việc mình đang làm”, chị Nguyễn Thị Hoàng Dung, công nhân tổ 7, tổ Vệ sinh môi trường, Xí nghiệp môi trường Bắc sông Hương, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế trải lòng.
Chị Dung kể, trước đây chị là công nhân may, nhưng con hay đau ốm nên chị buộc phải thôi việc giữa chừng. Sau đó, chị may mắn được nhận làm công nhân vệ sinh môi trường. Do đặc thù công việc phải làm đêm, nên ban ngày chị có thêm thời gian chăm lo cho con. Dù phải tiếp xúc với các loại rác bẩn, bụi bặm, bốc mùi, tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhưng bù lại chị có việc làm và thu nhập hàng tháng ổn định, mọi quyền lợi của người lao động được đảm bảo. “Vào các ngày lễ lớn, chị em chúng tôi luôn được công ty tổ chức vui chơi, tham quan du lịch…”, chị Dung cho biết.
Chia sẻ của chị Dung cũng là suy nghĩ của chị Trần Thị Huệ, chị Đặng Thị Thanh Xuân, chị Tôn Nữ Cát Loan… mà chúng tôi gặp. Thực tế đó giúp các chị có thêm động lực, yêu thích dần với công việc. Các chị không nề hà với bất cứ loại rác nào, chăm chỉ làm bằng tất cả tâm huyết, quyết tâm trả lại mặt đường sạch, đẹp nhất có thể sau khi xe rác đi qua.
Có những hộ dân không đổ rác đúng nơi quy định, không đổ rác đúng giờ; có người còn đứng từ tầng cao vứt rác xuống khi xe rác đến, có khi suýt đụng đầu khiến các chị không khỏi buồn tủi. Nhưng bù lại, các chị lại xúc động khi nhiều người dân đến giờ xe rác đi qua, họ lại rót nước ra mời các chị, có người còn mời vào nhà chơi, động viên. Năm 2019, các chị được gặp mặt Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình, đó là động lực giúp các chị làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Theo ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, trong số 472 công nhân lao động trực tiếp của công ty, có 170 lao động là nữ. Các chị có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, từ thu gom, xử lý rác đến thu phí... Lĩnh vực nào các chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Định kỳ hoặc tùy tình hình, công ty trang cấp đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động. Hằng năm, công ty còn hợp đồng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, giúp tầm soát, phát hiện sớm một số bệnh do nghề nghiệp để chữa trị kịp thời. Công ty cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, lao động. Vào các dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, công ty và công đoàn thường tổ chức các chuyến tham quan vui chơi cho chị em. (baothuathienhue.vn 16/12)
2. Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho giáo dân Hoàng Trọng Hiều
Hoạt động này được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP. Huế phối hợp với Ủy ban MTTQVN phường Thủy Biều tổ chức sáng 16/12.
Từ nguồn kinh phí của Quỹ Vì người nghèo thành phố, Ủy ban MTTQVN TP. Huế đã hỗ trợ gia đình ông Hoàng Trọng Hiều, một trong những giáo dân có hoàn cảnh khó khăn trú tại phường Thủy Biều, TP. Huế 30 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ủy ban MTTQVN phường Thủy Biều đã hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để gia đình xây dựng nhà.
Đây là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các hoạt động nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2020 do Ủy ban MTTQVN TP. Huế triển khai từ nay cho đến lễ Giáng sinh. Trong những ngày tới, đơn vị sẽ tổ chức gặp mặt các chủ tịch Hội đồng giáo xứ trên địa bàn TP. Huế; cơ sở giáo dục, từ thiện của tôn giáo; một số chức sắc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, doanh nghiệp tôn giáo, giáo dân tiêu biểu; tặng quà cho các hộ giáo dân nghèo, cận nghèo và các hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn. (baothuathienhue.vn 16/12)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Thầy giáo sáng chế Nguyễn Trường Vũ: “Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi”
“Tôi luôn trăn trở để giúp học sinh cảm thấy thú vị khi học vật lý. Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi. Khi nhìn thấy các em phấn khích vì thí nghiệm thì đó cũng là niềm phấn khích của tôi. Thông qua những thí nghiệm thú vị, các em yêu học vật lý hơn”, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ (32 tuổi, Trường TH&THCS Phượng Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) chia sẻ.
Ba năm qua, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ trở nên nổi tiếng với cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bởi số lượng sáng kiến gửi dự thi cực kỳ ấn tượng: 34 sáng kiến. Không chỉ là con số, tất cả được đánh giá chất lượng, phù hợp với thực tế việc dạy và học. Năm 2020, sáng kiến “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” của thầy Vũ lọt vào top 15 sáng kiến xuất sắc.
Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, anh nói: “Cuộc thi là môi trường tốt, lành mạnh cho các trí thức trẻ rèn luyện bản thân. Qua các năm, các sản phẩm của tôi ngày càng hoàn thiện”. Sau sáu năm công tác trong ngành giáo dục, tôi có khoảng 50 sáng kiến tất cả. Trong số đó, tôi đã áp dụng vài chục sáng kiến vào việc giảng dạy. Hiệu quả lớn nhất mà các sáng chế mang lại là sự đam mê, yêu thích vật lý của học sinh.
Một số phụ huynh có kể lại với tôi rằng, con họ sau này muốn trở thành người như tôi. Tôi vui mừng vì điều đó và lấy đó làm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê, “truyền lửa” cho những học trò của mình.
- Có sản phẩm lọt vào vòng chung khảo công trình, sáng kiến vì giáo dục cảm xúc của anh như thế nào?
Khác với năm 2017 chỉ có 326 đề tài, cuộc thi năm nay (2020) có đến 1.132 đề tài tham dự cuộc thi. Nên tôi rất vui và tự hào khi vượt qua được nhiều đề tài để vào vòng chung khảo cuộc thi năm nay. Đó là một quá trình tôi luôn nỗ lực, cố gắng tìm tòi bằng niềm đam mê, tình yêu với nghề nghiệp. Và vui hơn, khi được góp mặt, tranh tài với những sáng kiến của nhiều thầy cô giáo khác trên cả nước gửi về.
- Quá trình nghiên cứu, đưa ra những sáng chế có gặp khó khăn không, thưa anh?
Trong quá trình nghiên cứu đưa ra những sáng chế, tôi thường gặp khó khăn về mặt kiến thức và kĩ thuật. Khác với việc dạy lý thuyết, việc sáng chế ra thiết bị mới cần có nhiều kiến thức hơn và phải biết kĩ thuật gia công, lắp ghép các thiết bị lại với nhau sao cho có hiệu quả phù hợp.
Để vượt qua những khó khăn này, tôi luôn tìm tòi kiến thức mới thông qua các trang mạng trong nước và nước ngoài để tự nâng cao kiến thức. Về mặt kĩ thuật, tôi cần thử nghiệm và làm đi làm lại nhiều lần để có sản phẩm ưng ý. Nhiều sản phẩm tôi mất vài năm để hoàn thiện.
- Nếu mua một thiết bị bên ngoài, và sáng chế của anh, cái nào đắt hơn, tính tiện dụng trong quá trình thí nghiệm?
Nếu so với thiết bị trên thị trường thì các sản phẩm của tôi có nhiều cải tiến như tính gọn nhẹ, dễ sử dụng hơn rất nhiều, do vậy mà giá thành cũng rẻ hơn. Một số sản phẩm sáng tạo của tôi chưa có sản xuất hay bán trên thị trường.
- Là giáo viên hiếm hoi của Huế có sáng kiến lọt vào các cuộc thi sáng kiến toàn quốc, anh thấy môi trường sáng chế hiện nay trong giáo dục ra sao?
Tôi thấy môi trường sáng chế trong giáo dục ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong mảng giáo dục STEM (là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Math - toán học).
Ngày càng có nhiều giáo viên đam mê với thực nghiệm hơn, nhiều trung tâm giáo dục thực nghiệm ra đời và phát triển. Điều này kích thích và giúp các giáo viên có nhiều hơn các sáng chế, để vừa áp dụng vào giảng dạy vừa nâng cao tư duy cũng như thích ứng với môi trường giáo dục ngày càng thay đổi.
Thầy giáo Nguyễn Trường Vũ (thứ 2, từ phải vào) nhận bằng khen của ban tổ chức cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” vừa diễn ra tại Hà Nội
- Việc sáng chế, chế tạo ra các công trình có vai trò quan trọng như thế nào với người dạy lẫn người học, thưa anh?
Theo suy nghĩ cá nhân tôi, việc sáng chế, chế tạo ra các công trình mới là động lực để giáo viên tự nâng cao kiến thức của bản thân, nâng cao tay nghề, sự khéo léo. Đồng thời, nó còn giúp ích cho người học cảm thấy thú vị hơn trong học tập.
Tôi cho rằng việc áp dụng thí nghiệm thực hành vào trong giảng dạy không hề lấn áp với lý thuyết. Đa số các lý thuyết mà học sinh học ở phổ thông được suy ra từ thực nghiệm. Thực hành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên và học sinh trong việc hình thành kiến thức mới. Nó biến các kiến thức vật lý trở nên dễ hiểu và không còn trừu tượng.
- Anh đánh giá như thế nào về môi trường sáng chế giữa giáo viên trên địa bàn tỉnh so với các tỉnh thành khác?
Theo tôi, Huế có một môi trường sáng chế năng động không thua kém so với các tỉnh thành khác. Giáo dục ở Huế được các cấp lãnh đạo quan tâm, lấy giáo dục làm nền tảng và tạo điều kiện để phát triển.
Và để kích thích môi trường sáng chế, đưa ra những sáng chế hay, áp dụng vào môi trường giáo dục hiện nay, theo tôi, việc cần làm trước khi kích thích môi trường sáng chế phát triển là sử dụng hiệu quả các thiết bị sẵn có ở các trường. Nhiều trường được trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, đầy đủ nhưng việc sử dụng chúng vào dạy học vẫn còn hạn chế. Thiết bị khi bị lỗi thì không có ai sửa, bảo quản. (baothuathienhue.vn 16/12)
2. Tìm kiếm tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật
Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức từ ngày 12 đến 17/12 tại Nhà hát Sông Hương cho thấy, trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật, công tác tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ càng được quan tâm, chú trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sắc màu địa phương
Với chủ đề “Hương sắc vùng cao”, phần dự thi của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La giới thiệu đến khán giả những đặc trưng văn hóa của người dân Tây Bắc. Những tiết mục múa “Đêm trăng”, hòa tấu “Gọi tình”, tốp ca “Trêu gái xúc cá” hay múa “Rừng thiêng”… thể hiện đậm nét sắc màu văn hóa, đời sống sinh hoạt độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Thí sinh Thào Thị Mênh, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ: “Chúng em muốn mang đến hội thi nét bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc Sơn La. Ngoài giao lưu, hiểu thêm văn hóa các vùng miền khác, chúng em còn được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn để có thêm động lực, đam mê tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trên con đường nghệ thuật”.
Thể hiện đặc trưng văn hóa Huế, chương trình dự thi “Về miền di sản” của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế cũng trình diễn những loại hình nghệ thuật độc đáo của Huế, như: hòa tấu dàn nhạc “Tứ đại cảnh”, hát ca Huế “Hò mái nhì – Nam bình Nước non ngàn dặm”, độc tấu đàn tranh “Mùa thu quê hương”, độc tấu đàn nguyệt “Tình quê hương”. Ấn tượng nhất là trích đoạn ca kịch Huế “Bạch Viên – Tôn Cát” được các thí sinh vào vai rất ngọt, diễn rất có hồn gây xúc động cho khán giả.
Ông Nguyễn Thanh Mãi, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế bày tỏ sự hài lòng sau phần trình diễn của các thí sinh: “Thời gian tập luyện chỉ một tháng nhưng các em đã thể hiện được những bài bản lớn của ca Huế, diễn tròn vai trích đoạn ca kịch từ hát đến diễn xuất, vũ đạo là sự cố gắng lớn. Trong khi các đơn vị dự thi các tiết mục ca, múa, nhạc là chủ yếu thì chúng tôi chọn thể hiện trích đoạn ca kịch Huế để thể hiện đặc trưng nghệ thuật của Huế”.
Ở bảng dành cho các trường đại học, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng có phần trình diễn xuất sắc, thể hiện thế mạnh đào tạo của trường. Với chương trình nghệ thuật có chủ đề “Đồng vọng” gồm các tiết mục, như: múa “Đất thở”, độc tấu sáo tiêu “Về miền Trung”, hát chèo “Luyện năm cung”, múa rối “Âm vang Tây Nguyên”… các thí sinh của Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện đặc trưng văn hóa miền Bắc với các thể loại chèo, múa rối, sáo… Học viện Âm nhạc Huế với phần dự thi “Vũ khúc mùa xuân” cũng phô diễn những thế mạnh của học viện. Bên cạnh dàn nhạc dân tộc đã khẳng định vị thế qua nhiều cuộc thi, học viện còn trình diễn các tiết mục hát dân ca đương đại, thính phòng, guitar…
Chắp cánh tài năng
Quy tụ sự tham gia của hơn 700 thí sinh đến từ 24 trường đại học, cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật trong cả nước, hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức từ ngày 12 đến 17/12 tại Nhà hát Sông Hương. Gần 200 tiết mục ở các thể loại nghệ thuật sân khấu: chèo, cải lương, dân ca, nhã nhạc, kịch nói, xiếc, ca, múa, nhạc... đã thể hiện bản sắc văn hóa của từng địa phương, vùng miền cũng như thế mạnh, đặc thù của từng trường.
Theo đánh giá của NSND. GS. TS. Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo hội thi, các trường văn hóa nghệ thuật ở mỗi tỉnh đều mang đến hội thi bản sắc văn hóa âm nhạc của địa phương nên các tiết mục tham dự hội thi rất phong phú. Điều đáng mừng là đã xuất hiện những năng khiếu, tài năng trẻ xuất sắc, đồng thời cho thấy hầu hết các trường văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc đã giữ vững được định hướng đào tạo, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc vừa phát huy màu sắc của đời sống mới.
Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật, việc tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ không hề dễ dàng. Vì vậy, theo NSND. GS. TS. Ngô Văn Thành, trong chiến lược phát triển văn hóa, cần tìm phương thức để đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật từ lứa tuổi còn trẻ. Nếu không có đầu tư, sau thời gian không lâu nữa, chúng ta sẽ mất nguồn nhân lực giữ gìn văn hóa cổ truyền.
GS. TS. Ngô Văn Thành nhấn mạnh: “Việc đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các địa phương là sự sống còn của nền nghệ thuật Việt Nam, bởi vì học sinh, sinh viên chính là người tiếp tục giữ gìn vốn văn hóa mang màu sắc riêng của vùng đất. Phải đầu tư về chính sách, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo để thu hút các em có tâm nguyện thi vào trường nghệ thuật yên tâm học tập”.
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, đối với công tác đào tạo tài năng trẻ, Bộ VHTTDL rất quan tâm với nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đào tạo tài năng trẻ trong nước và cả nước ngoài. Bộ cũng ưu tiên đầu tư cho những ngành hiếm với đề án đào tạo 300 chỉ tiêu cho những ngành khó tuyển sinh, xây dựng các bộ tiêu chí lựa chọn học sinh, sinh viên có đủ điều kiện, khả năng để tham gia các lớp bồi dưỡng tài năng. Qua hội thi tài năng trẻ, chúng tôi muốn đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các cơ sở đào tạo, các học sinh, sinh viên để các em trau dồi khả năng biểu diễn. Sau những cuộc thi, các thí sinh trưởng thành, phát huy rất tốt ở các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. Hội thi cũng là căn cứ để tuyển chọn các tài năng đi đào tạo ở nước ngoài. (baothuathienhue.vn 17/12)
3. Khuyến khích tài năng, khả năng học tập của sinh viên
Từ chủ trương khuyến khích tài năng sinh viên và khả năng học tập, rèn luyện của người học, nhiều sinh viên của Đại học (ĐH) Huế không chỉ đạt kết quả cao ở trường mà còn đạt nhiều giải thưởng các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế.
Phát triển thành tích của sinh viên
Xuất hiện tại lễ khen thưởng khuyến khích tài năng sinh viên năm học 2019 - 2020 (đầu tháng 12/2020), Tấn Thành, sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế gây bất ngờ khi không phải đạt thành tích liên quan đến ngành y khoa mà giành đến 2 huy chương trong giải Vovinam Sinh viên toàn quốc lần thứ II – năm 2019 (1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc). Nam sinh viên chia sẻ: “Cùng với nỗ lực học tập, em cũng tích cực tham gia rèn luyện các hoạt động phong trào”.
Tấn Thành không phải là trường hợp duy nhất mà năm nay ĐH Huế còn có nhiều trường hợp như nam sinh Trường ĐH Y Dược. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế chia sẻ, dù có rất nhiều hoạt động ở các lĩnh vực không thể tổ chức do dịch COVID-19, song bên cạnh thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học, có đến 34 sinh viên đạt từ giải ba trở lên trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế trong năm học 2019 – 2020. Mới đây, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng đã xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc, sau khi trải qua 3 vòng tranh tài ở đêm chung kết được tổ chức tại Hà Nội (ngày 4/12).
Điểm đặc biệt là bên cạnh những cuộc thi gắn liền với hoạt động học tập của sinh viên như các cuộc thi Olympic, nhiều sinh viên còn gặt hái được thành tích trên các lĩnh vực như thể dục thể thao, các hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và cuộc thi “Học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Ngoài nỗ lực của bản thân sinh viên thì vai trò giảng dạy, hướng dẫn, khuyến khích, động viên từ ĐH Huế và các cơ sở đào tạo không hề nhỏ. Theo lãnh đạo ĐH Huế, cùng với hơn trăm nguồn học bổng hỗ trợ sinh viên, ĐH Huế còn thành lập quỹ học bổng khuyến khích tài năng từ năm 2009. Quỹ không chỉ khuyến khích tài năng đối với giảng viên, mà còn tặng thưởng các thủ khoa đầu vào của các trường, đơn vị trực thuộc và động viên sinh viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế. Mô hình khen thưởng được tạo ra nhiều cấp, từ cấp ĐH Huế đến các trường, khoa, tạo động lực rất lớn để sinh viên thi đua, nỗ lực học tập và tham gia các phong trào.
“Ngoài khen thưởng của ĐH Huế và các trường, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên cũng có các chương trình khen theo chuyên đề, trao chứng nhận thành tích để sinh viên tiếp tục phấn đấu”, ThS. Lê Chí Hùng Cường, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Huế thông tin.
Theo đại diện ĐH Huế, việc khen thưởng khuyến khích tài năng không bị cứng nhắc theo khuôn khổ định kỳ. Ngoài các lễ tuyên dương, khen thưởng sinh viên hằng năm, đối với những sinh viên có thành tích đặc biệt, ĐH Huế và các trường còn khen thưởng đột xuất. Cùng với những hoạt động khen thưởng theo quỹ khuyến khích tài năng, các đơn vị đào tạo còn kết nối các nhà tài trợ, doanh nghiệp để khen thưởng động viên sinh viên.
Khuyến khích thành tích học và rèn luyện
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, ĐH Huế sẽ chú trọng nhiều hơn nữa việc khuyến khích các sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện các phong trào. Sinh viên vừa phải đảm bảo tốt về mặt tri thức nhưng cũng giỏi về mặt phong trào rèn luyện. Từ đó càng đáp ứng chuẩn đầu ra chất lượng.
Hiện nay, không chỉ các tân thủ khoa đầu vào, những sinh viên đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc đều được ĐH Huế khen thưởng. Theo TS. Nguyễn Công Hào, các đơn vị chức năng vẫn đang tìm thêm nhiều nguồn kinh phí bổ sung vào nguồn quỹ khen thưởng, qua đó có thể tăng thêm nguồn khuyến khích sinh viên, đồng thời mở rộng các đối tượng đạt thành tích được khen thưởng nhằm tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện càng tốt hơn.
TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Thư viện Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, nhà trường cũng đang thúc đẩy việc kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên và các tổ chức đơn vị để thường xuyên có những học bổng khen thưởng, khuyến khích sinh viên học tập, rèn luyện. Mỗi doanh nghiệp đưa ra những tiêu chí riêng và từ đó nhà trường, các khoa định hướng để sinh viên phấn đấu giành được học bổng, nâng thành tích học tập và rèn luyện. Đồng thời, kết nối để tạo thêm cơ hội lâu dài về thực tập, tuyển dụng, việc làm cho các em. (baothuathienhue.vn 17/12)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Nhiều đề tài mới, sáng tạo tại cuộc thi khoa học kỹ thuật TX. Hương Thuỷ
Cuộc thi khoa học kỹ thuật TX. Hương Thuỷ lần thứ 10, năm học 2020-2021 dành cho học sinh trung học khai mạc sáng 16/12, thu hút 27 đề tài của 12 trường THCS, TH & THCS tham gia.
Với 3 lĩnh vực: hoá sinh – môi trường, cơ học – vật lý, khoa học xã hội – nhân văn, một số trường THCS trong các năm học qua đều có nhiều đề tài tham gia, như: Phú Bài, Thủy Dương, Thủy Phù, Thủy Phương…. Các trường điều kiện còn khó khăn cho thấy sự nỗ lực cùng tính sáng tạo, thực tế cao. Một số đề tài thể hiện tính thực tiễn cao như: “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã cà phê, hèm bia, nấm đối kháng Trichoderma Bacillus”, “Chế tạo nông cụ sản xuất từ vật liệu phế thải” của TH & THCS Dương Hòa; “Sử dụng nano bạc và một số vật liệu để lọc nước uống ở những vùng lụt” của TH & THCS Phú Sơn.
“Bên cạnh góp phần hình thành tính năng động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, cuộc thi là sân chơi giúp học sinh có thêm cơ hội học hỏi, rèn tính cần cù, phát huy khả năng làm việc theo nhóm cũng như thuyết trình trước đám đông”, ông Nguyễn Quang Bình, Phó trưởng phòng GD & ĐT TX. Hương Thuỷ đánh giá. (baothuathienhue.vn 16/12)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Xử phạt một thanh niên tung tin sai sự thật 10 triệu đồng
Ngày 16/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính một trường hợp tung tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm việc với thanh niên tung tin sai sự thật
Đó là chủ quản trị fanpage “HD Media VietNam”. Thanh niên này đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội và liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID -19.
Người này cũng thừa nhận, các bài viết xuyên tạc được sao chép lại từ các nguồn khác nhau sau đó đăng lên trang với mục đích câu "view, like".
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, hành vi của trường hợp trên đã vi phạm Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt thanh niên này 10 triệu đồng. (baothuathienhue.vn 16/12, baogiaothong.vn 16/12)
2. Phá chuyên án thu giữ hàng ngàn viên hồng phiến và ma túy đá tại TP Huế
Cơ quan Công an thành phố Huế vừa phá thành công chuyên án mang bí số 120P, bắt giữ Nguyễn Quốc Phong (SN 1985, trú tại phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh TT- Huế) cùng đồng bọn vì đã có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép một lượng lớn chất ma túy các loại.
Qua nắm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Huế, vào khoảng 21 giờ ngày 15/12, tại địa chỉ 14/104 đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú (TP Huế), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Huế đã bắt quả tang Nguyễn Quốc Phong đang có hành vi tàng trữ trái phép 41 gói nilon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và 176 viên nén.
Bước đầu Phong khai nhận các gói ni lon chứa tinh thể rắn màu trắng là ma túy đá và những viên nén là hồng phiến. Khám xét tại phòng ngủ của Phong và một số vị trí khác trong nhà, cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ thêm 19 gói ni lon bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng và 1946 viên nén.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an còn bắt quả tang đồng bọn của Phong là Lê Quang Thương (SN 1990, trú tại thị xã Hương Thủy) tàng trữ trái phép 03 viên nén và Trần Quốc Tiến (SN 1995, trú tại Phú Vang) tàng trữ trái phép 10 viên nén.
Tổng tang vật thu giữ trong chuyên án là 2.135 viên và khoảng 0,5kg ma túy đá. Hiện Công an thành phố Huế đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. (baophapluat.vn 16/12, thanhnien.vn 16/12, sggp.org.vn 16/12)
3. 'Quả đấm thép' diệt tội phạm
Được mệnh danh là những “quả đấm thép”, các Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc, miền Trung và miền Nam (còn gọi là các Đoàn 1, 2, 3) thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (Cục PCMT&TP BĐBP) liên tục ghi dấu ấn bằng những chiến công trên mặt trận phòng chống tội phạm…
Không sợ hiểm nguy
Điều đặc biệt là không chỉ tập trung đánh án khu vực phụ trách mà các Đoàn đặc nhiệm còn phối hợp chặt chẽ để triệt phá những đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh.
Điển hình như ngày 2/2/2020, tại khu vực ngã ba đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Đoàn 3 và Đoàn 2 đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện thành công chuyên án 037A, bắt 3 đối tượng Phan Văn Bá (SN 1976), Lê Kim Huân (SN 1990) và Phạm Đăng Huy (SN 1981) khi nhóm này đang vận chuyển 14 bánh heroin. Đây là lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay bị thu giữ trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Trong một vụ án khác, vào cuối năm 2019, Đoàn 2 nắm được thông tin đối tượng Phạm Hải Vũ (SN 1987) thường đến Quế Phong, Nghệ An để mua ma túy về TPHCM tiêu thụ với thủ đoạn rất tinh vi, nên nhiều lần Vũ đã tránh được sự trừng phạt của pháp luật.
Các trinh sát thiện chiến nhất của cả 3 Đoàn 1,2, 3 đã được điều đi nắm hành tung của Vũ. “Bẫy” được giăng ra, ngày 9/2/2020, Vũ bị trinh sát của Đoàn 2 và BĐBP Nghệ An bắt tại trận cùng 4 bánh heroin tang vật.
Mới đây, ngày 13/10, Đoàn 2 đã chủ trì và phối hợp với BĐBP 4 tỉnh thành gồm Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tóm gọn hai “nữ quái” Lê Thị Hậu và Võ Thị Ngọc Ánh tại ngã ba hầm Hải Vân khi đang đưa 1kg ketamine từ biên giới Nghệ An về Đà Nẵng tiêu thụ.
Trong cuộc chiến cam go với tội phạm, đã có những tấm gương không quản ngại vất vả, thậm chí sẵn sàng hi sinh. Đó là thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng (trinh sát viên Đoàn 1). Mặc dù bị đối tượng bắn xuyên qua bả vai nhưng thiếu tá Hùng vẫn gắng sức vật lộn, ôm ghì đối tượng để đồng đội xông vào bắt sống Vừ A Sênh (trú tại Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng tang vật 10 bánh heroin, 36 nghìn viên ma túy tổng hợp, 1 súng và 15 viên đạn. Đó là tấm gương dũng cảm của trung úy - trinh sát viên Chu Trọng Tài. Mặc dù bị đối tượng dùng dao, mảnh kính đâm đứt gân tay, anh vẫn kiên quyết tấn công và khống chế đối tượng để đồng đội tóm gọn hai tên tội phạm…
Giữ bình yên cuộc sống
Không chỉ là khắc tinh của tội phạm ma túy, thời gian qua, những “quả đấm thép” của Cục PCMT&TP BĐBP cũng liên tục lập công trong cuộc chiến với các loại tội phạm khác đặc biệt là tội phạm buôn bán người.
Đầu năm 2020, Cục PCMT&TP nhận được đơn cầu cứu của một người đàn ông ở tỉnh Bạc Liêu về việc con gái mình bị Ngô Thị Mỹ Chi lừa bán sang Trung Quốc khi mới 15 tuổi. Đến tháng 6, các phòng nghiệp vụ của Cục PCMT&TP, Đoàn 3 và BĐBP Bạc Liêu đã phối hợp với tổ chức Rồng Xanh - một tổ chức phi chính phủ giải cứu được nạn nhân và đưa về Việt Nam. Sau đó, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Bạc Liêu đã bắt Ngô Thị Mỹ Chi về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng BĐBP triển khai hàng ngàn chốt chặn ngăn xuất nhập cảnh trái phép để phòng dịch lây lan từ nước ngoài vào Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu qua lại biên giới, nhiều đối tượng đã tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép để thu tiền bất chính. Một lần nữa, các Đoàn đặc nhiệm đã xác lập nhiều chuyên án để đấu tranh với loại tội phạm này.
Điển hình như ngày 9/10, Đoàn 2 chủ trì, phối hợp với BĐBP Kon Tum bắt giữ 10 đối tượng đang xuất cảnh trái phép sang Lào, do đối tượng Lê Văn Nam (SN 1973, trú huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đứng ra tổ chức.
Từ 2009 đến nay, Cục PCMT&TP và các đơn vị BĐBP đã xác lập, đấu tranh thành công gần 1.200 chuyên án, bắt giữ gần 3.000 đối tượng; phát hiện bắt giữ, xử lý 130 nghìn vụ với 200 nghìn đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật; khởi tố hình sự và chuyển giao cơ quan điều tra có thẩm quyền gần 20 nghìn đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 nghìn vụ. Những chiến công này đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Với những thành tích đạt được, ngày 20/12 tới đây, Cục PCMT&TP BĐBP vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. (tienphong.vn 16/12)
4. Bắt đối tượng thuê xe ô tô, cầm cố lấy tiền trả nợ
Sáng 16/12, Công an TX. Hương Thủy cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Võ Thanh Bảo (SN 2001), trú tại tổ 5, phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do túng tiền trả nợ nên Bảo nghĩ đến việc thuê ô tô tự lái mang cầm cố lấy tiền. Bảo nhờ bạn chở đến nhà anh Lê Thanh Thủy (SN 1999), trú tổ 7, phường Thủy Châu để thuê xe ô tô BKS: 75A-091.43 với giá 2,4 triệu đồng trong 3 ngày.
Sau đó, Bảo chạy xe ô tô này lên TP. Huế, ghé vào 3 tiệm cầm đồ để cầm ô tô nhưng không cầm được vì thiếu giấy tờ. Tiếp đó, Bảo điều khiển ô tô đến tiệm cầm đồ AC số 196A Phan Bội Châu (TP. Huế) và được chủ tiệm đồng ý cầm ô tô với giá 80 triệu đồng, tiền lãi 8 triệu đồng.
Nhân viên tiệm cầm đồ chuyển cho Bảo 42 triệu đồng tiền mặt, 30 triệu đồng còn lại được chuyển vào tài khoản của Bảo. Sau khi cầm ô tô lấy số tiền trên, Bảo dùng 70 triệu đồng để trả nợ cho người quen, còn 2 triệu đồng tiêu xài cá nhân.
Ngay sau khi nhận được tin báo từ anh Thủy, Công an TX. Hương Thủy đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của Bảo và tiến hành bắt giữ đối tượng này. (baothuathienhue.vn 16/12, cand.com.vn 16/12)
5. Huế: Bắt nhóm thanh niên xăm trổ dùng súng đòi nợ, đập phá quán game
Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa bắt giữ 3 đối tượng dùng súng tự chế, dao đe dọa đòi nợ và đập phá quán chơi game ở phường Phú Hiệp (TP Huế).
Ngày 16/12, tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đơn vị vừa bắt giữ nhóm đối tượng đòi nợ có hành vi phá hoại tài sản, gây mất an ninh trật tự.
Trước đó, do có mâu thuẫn liên quan về tiền bạc với một người đang chơi game tại quán Internet Arena (số 106 đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế), 3 đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Bình (SN 1987), Hồ Văn Linh (SN 1999) và Phan Văn Tuấn (SN 1990, cùng trú ở TP Huế) đã đến đây tìm để đòi nợ. Tại đây, đối tượng Nguyễn Ngọc Bình mang theo súng bắn bi tự chế và Hồ Văn Linh mang theo dao xông vào quán game đập phá đồ đạc, đe dọa nạn nhân để đòi nợ.
Vụ việc đã gây hư hỏng tài sản, quán game thiệt hại hơn 10 triệu đồng.
Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đang củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. (infonet.vietnamnet.vn 16/12)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thủy điện Hương Điền vận hành xả lũ từ 13 giờ ngày 16/12
Đó là yêu cầu của Trưởng Bạn Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước tình hình thực tế mực nước tại hồ và dự báo tiếp tục mưa lớn.
Mực nước tại hồ Hương Điền lúc 9 giờ ngày 16/12/2020 là +57,97m; lưu lượng đến hồ 271m3⁄s, lưu lượng điều tiết về hạ du qua tuabin phát điện 179m3s. Mực nước sông Bồ tại Phú Ốc ở mức +1,08m.
Căn cứ tình hình tại hồ Hương Điền, thực hiện quy trình vận hanh liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết hồ Hương Điền nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Cụ thể, công ty phải vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dân từ 200-300m3/s, thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm thủy văn Phú Ốc để điều chình lưu lượng điều tiết theo lệnh của tỉnh; không chế mực nước tại Phú Ốc dưới +2,7m; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tỉnh hình lưu lượng thực tế đến hồ. (baothuathienhue.vn 16/12)
2. Thừa Thiên Huế: Tập trung khắc phục sản xuất sau mưa lũ
Ngày 16/12, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ địa phương khắc phục sản xuất sau lũ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai.
Thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các đợt mưa bão trong thời gian qua đã gây thiệt hại đặc biệt lớn về tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Toàn tỉnh có 38 người chết, 11 người mất tích và 142 người bị thương. Diện tích rau màu các loại bị thiệt hại 815 ha; 726 ha cây ăn quả bị hư hại; 46.000 chậu hoa các loại bị hư hỏng; có 3.921 con gia súc và 751.974 con gia cầm bị chết, trôi; 14.359 ha rừng và hơn 2.709 ha cao su bị gãy đổ. Nhiều công trình thủy lợi bị ngập sâu, hư hỏng và xuống cấp nặng.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp, có hơn 20km bờ biển bị xâm thực sâu từ 10 - 15m ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng trăm hộ dân và các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu. Sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra với chiều dài hơn 20km tập trung ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... ước tính tổng thiệt hại do thiên tai hơn 2.273 tỷ đồng.
Sau thiên tai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã phân bổ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa và 5 tấn giống ngô từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN&PTN cho người dân phục vụ sản xuất…
“Đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất… Tỉnh cũng đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương”, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh 456,4 tỷ đồng để phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.394 tỷ đồng để khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông.
Tập trung khắc phục
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc rất đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhấn mạnh công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão lũ phải sát sao, từng ngày, giống như nhiệm vụ chiến đấu, do đó các cơ quan chức năng phải cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ người dân sản xuất, không để lỡ mùa vụ của nông dân. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo khôi phục sản xuất, trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm phục vụ tết Nguyên Đán vì có chu kỳ sản xuất ngắn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, theo tính toán, tái chăn nuôi gia cầm từ nay đến tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Đồng thời, thống kê cụ thể các hạng mục cần thiết nhất để xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kịp thời.
“Bộ sẽ tiếp tục sát cánh cùng tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khôi phục sản xuất, hỗ trợ vật tư, con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin gắn với tổ chức các đợt tập huấn, cử cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên ngành hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để đảm bảo tổ chức sản xuất phục hồi sau lũ bão”, Thứ trưởng = khẳng định.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Tại buổi làm việc, thông qua Bộ NN&PTNT, một số doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã đặt vấn đề hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. (baotainguyenmoitruong.vn 17/12)
3. Nam Đông tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Trong 2 ngày 16 và 17/12, HĐND huyện Nam Đông tổ chức kỳ họp thứ 11, khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH), quốc phòng an ninh năm 2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2020, tình hình KT - XH trên địa bàn huyện phát triển tương đối ổn định, tổng giá trị sản xuất tăng 12,1% so với cùng kỳ; tổng giá trị đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 457 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng (kế hoạch 40 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm còn 4,65%; có 2 xã Thượng Lộ và Thượng Nhật đạt chuẩn nông thôn mới…
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Đông đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị; đảm bảo quốc phòng - an ninh; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu thảo luận và thông qua nhiều chỉ tiêu KT- XH, môi trường và xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung sản xuất vụ đông xuân; không để các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện thiếu đói trong dịp Tết cổ truyền. (baothuathienhue.vn 16/12)
4. Vùng chuyên canh hành lá ở Thừa Thiên – Huế tan tác sau bão lũ, giống hiếm, nông dân chật vật khôi phục
Mưa lũ ngập lụt kéo dài làm ngập và hư hỏng hàng chục hecta hành lá ở phường Hương An (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Người dân rơi vào tình cảnh thiếu giống cho vụ mới, phải chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày khác.
Những ngày mưa lũ ngập lụt kéo dài vừa qua, hàng chục hecta hành lá chuẩn bị được thu hoạch của người dân phường Hương An (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chìm trong biển nước, bị thối và hư hỏng gần hết khiến cho người dân gian nan tìm kiếm, khôi phục giống trồng cho vụ mới.
Theo người dân phường Hương An, sau khi nước rút, chỉ còn sót lại rất ít hành trồng ở những vùng cao nước không ngập tới có thể sử dụng. Tranh thủ trời nắng, người dân tấp nập ra đồng ruộng cày cuốc, xới đất tiến hành trồng, chăm sóc lại hành lá để lấy giống cho vụ sau. “Chúng tôi xới đất tìm từ cọc nhỏ còn sót để trồng lại và chăm sóc, đặc biệt để tạo giống cho vụ sau”, ông Cao Mãi (77 tuổi, trú thôn Bồn Phổ, phường Hương An, thị xã Hương Trà) chia sẻ với PV khi đang cuốc xới đất.
Trước tình trạng khan hiếm giống hành, nhiều người dân phường Hương An (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không để đất không mà chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày khác.
“Tôi trồng được 2 sào nhưng bị hư hỏng gần hết, chỉ còn lại khoảng 10kg làm giống và giờ không thể để đất trống nên tranh thủ đến xới đất trồng rau cải, rau ngò, xà lách… Hiện giống hành lá đặc trưng được thị trường ưa thích bấy lâu ở phường Hương An đang rất hiếm giống nên người dân đang tích cực chăm sóc để tạo, khôi phục giống trồng lại đại trà”, ông Cao Mãi cho biết thêm.
Bà Hoàng Thị Ánh (trú phường Hương An, thị xã Hương Trà) cho biết: “Tôi trồng 6 sào cho vụ cuối trong năm nhưng đã bị ngập hư hỏng hết nên phải mua cùng hàng xóm được 50kg mà vẫn còn thiếu, tìm không có nữa. Ngoài thiệt hại về kinh tế thì hiện tại bà con chúng tôi còn gặp khó khăn khan hiếm giống hành lá cho vụ sau, bởi cả xóm còn vài hộ có giống nên thiếu rất nhiều”.
Đang cày và lên luống để trồng giữ giống cho vụ mới, ông Nguyễn Đăng Điền thở dài nói: "Giá hành lá trong năm 2020 bình thường bán 12.000 đồng/kg nhưng nay hiếm nên hành lá bán giống tăng giá lên 40.000 đồng/kg mà vẫn tìm không ra giống".
Trao đổi với PV về tình trạng này, ông Hồ Phước Toàn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An thông tin, sau mưa bão rồi ngập lụt kéo dài, hơn 70/100ha hành lá vụ cuối trong năm của bà con bị thiệt hại, giống hành cho vụ sau hiện nay khan hiếm do bị ngâm nước lâu ngày thối, hư hỏng gần hết.
“Bên cạnh việc huy động các nguồn giống đang còn sót lại ở các hội viên tăng gia gây giống thì Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An còn vận động người dân trồng các loại hoa màu ngắn ngày phục vụ dịp Tết sắp đến. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đề nghị các Sở, ban, ngành quan tâm hỗ trợ về hạt giống cho bà con”, ông Toàn cho biết thêm.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng bày tỏ mong muốn các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học… quan tâm giúp đỡ người dân trồng hành lá ở phường Hương An để có thể khắc phục, tiến tới xóa nạn dịch sâu xanh da láng xuất hiện trên đồng ruộng hành lá, đầu ra sản phẩm tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", đầu tư hình thành nhà lưới để trồng hành lá. (infonet.vietnamnet.vn 17/12)
5. Hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra
Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn, từ năm 2018, tỉnh đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng của các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, là những sản phẩm chủ lực của trục sản phẩm địa phương cấp xã, mang đặc trưng khác biệt, có tính truyền thống tại địa phương và có khả năng phát triển thành hàng hóa.
Nâng cao giá trị nông sản
Tại cửa hàng nông sản an toàn do Hội LHPN huyện A Lưới (thị trấn A Lưới) phối hợp với HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn xây dựng, có 3 sản phẩm đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh (CCQLCLNLTS, Sở NN&PTNT) công bố chuỗi sản phẩm nông sản an toàn, đó là sản phẩm thịt gà kiến, trứng gà và chuối A Lưới.
Đối với sản phẩm chuối A Lưới, từ tháng 9/2020, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ để thông qua hội đồng của huyện đánh giá, gắn sao xếp hạng sản phẩm theo quy trình thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh.
Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, trước đây người dân địa phương này trồng rất nhiều loại chuối. Tuy nhiên, để tìm ra giống chuối phù hợp, có triển vọng phát triển thị trường để đầu tư mở rộng diện tích, UBND huyện phê duyệt 6 xã trồng chuối, và giống được lựa chọn là chuối già lùn. Tổng diện tích hiện trồng tại địa bàn là 378 ha.
Trong đó, mô hình chuối già lùn cho hiệu quả cao, chiếm 115 ha. Bình quân mỗi năm, cho thu hoạch 280 tấn/ha. Sản lượng tổng thể trên địa bàn toàn huyện đạt gần 11.000 tấn, doanh thu khoảng 41 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp huyện, hiện các địa phương không trồng dàn trải như trước mà tập trung vào các xã có điều kiện phù hợp, chú trọng sản xuất theo mô hình công nghệ cao.
Nhờ có công bố chuỗi nông sản an toàn, hiện sản phẩm chuối già lùn A Lưới được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn huyện và ở TP. Huế; đặc biệt, đã được chào hàng thành công với số lượng lớn tại Siêu thị Big C.
Cùng với sản phẩm chuối già lùn A Lưới, mô hình tổ liên kết nuôi gà kiến thịt và trứng gà kiến cũng vừa được triển khai trên địa bàn thị trấn A Lưới vào đầu năm 2018. Tổng cộng có 18 hộ dân đăng ký tham gia với quy mô vài nghìn con. Mô hình hiện đã được đăng ký chất lượng với CCQLCLNLTS.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành xây dựng “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có nội dung “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP”. Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ XI vào tháng 12/2020.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLTS cho biết, triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm. Hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Các nhóm sản phẩm đều thuộc các ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc. 100% các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Dự kiến, cuối năm 2020, tiếp tục đánh giá phân hạng cho 16 sản phẩm tham gia chu trình OCOP năm 2020.
So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.
Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP, có 3 HTX, 2 tổ hợp tác được thành lập với mục đích huy động sức mạnh cộng đồng tham gia, liên kết phát triển (HTX mắm và nước mắm Tân Thành, HTX mắm và nước mắm Phú Thuận, HTX thủy sản Phú Hải, tổ hợp tác thịt bò A Lưới, tổ hợp tác bún Vân Cù). Các chủ thể kinh tế là HTX được đánh giá, phân hạng cao (4/4 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là HTX).
Ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thông tin, Thừa Thiên Huế là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP, theo đó có 4/26 sản phẩm được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao. Có 2 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận). 1 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ (mây tre đan Bao La) và 1 sản phẩm là dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại TP. Huế.
Đến nay, đã có 1 sản phẩm (mây tre đan Bao La) được đánh giá và phê duyệt phân hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Tỉnh lựa chọn, hỗ trợ và xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, tỉnh phân khai hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và bố trí hơn 9,7 tỷ đồng từ kinh phí địa phương để hỗ trợ 3 chủ thể kinh tế thực hiện các dự án chuẩn hóa, nâng cấp sản phẩm với mục tiêu đạt sản phẩm 5 sao. Dự kiến hoàn thành dự án năm 2020 và tham gia đánh giá, phân hạng năm 2021. (baothuathienhue.vn 17/12)
6. Không để lỡ mùa vụ của nông dân
Sáng 16/12, làm việc với UBND tỉnh về việc hỗ trợ địa phương khắc phục sản xuất sau lũ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chỉ đạo tái sản suất phải như nhiệm vụ chiến đấu, không thể để lỡ mùa vụ của nông dân.
Thiên tai làm thiệt hại hơn 2.273 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 làm chết 38 người, 11 người mất tích, 142 người bị thương. Tổng thiệt hại về vật chất 2.273 tỷ đồng. Sau thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất…
Tỉnh cũng đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương.
UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quan tâm hỗ trợ 456 tỷ đồng phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống Nhân dân. Về lâu dài, đề xuất Chính Phủ, các tổ chức Quốc tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh 1.394 tỷ đồng khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, sớm ổn định đời sống Nhân dân; đồng thời, triển khai các dự án quan trọng cấp bách.
Không thể để lỡ mùa vụ
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc và sau khi đi thực địa ở Hương Trà, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc rất đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhấn mạnh công tác chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão lũ phải sât sát, từng ngày, như nhiệm vụ chiến đấu, do đó các cơ quan chức năng phải cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ người dân tái sản xuất, không để lỡ mùa vụ của nông dân. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo khôi phục sản xuất, trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán vì có chu kỳ sản xuất ngắn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, theo tính toán, tái chăn nuôi gia cầm từ nay đến tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Đồng thời, thống kê cụ thể các hạng mục cần thiết nhất để đề xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kịp thời.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Tại buổi làm việc, thông qua Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã hỗ trợ tỉnh về con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… với số tiền hàng tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khôi phục sản xuất.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cảm ơn sự tương thân tương ái của các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất cụ thể cho người dân khôi phục sản xuất và hứa sẽ chỉ đạo phân bổ kịp thời đúng địa chỉ. (baothuathienhue.vn 16/12)
7. Thừa Thiên - Huế nỗ lực đảm bảo khung thời vụ
Ngày 16/12, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất sau lũ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai.( vnews.gov.vn 16/12)
8. Đìu hiu nghề làm lịch tết
Mọi năm, cứ vào tháng 12, các hàng lịch Huế lại rộn ràng người mua kẻ bán và đầy ắp những đơn đặt hàng. Tuy nhiên năm nay, nghề làm lịch ở Huế đìu hiu, ế ẩm.
Do ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 và bão lụt, các ngành nghề tại Huế suy giảm và thiệt hại trầm trọng. Trong xu thế chung đó, nghề làm lịch, vốn đã không nhiều người theo đuổi, nay lại càng thêm khó khăn.
Theo bà Hà Thị Ngọc Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sách và văn hóa tổng hợp Thiện Phát, một trong những nơi làm lịch có tiếng ở Huế, mọi năm cứ đến tháng 12, công ty nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Tuy nhiên năm nay, số lượng đơn hàng sụt giảm nặng. “Năm nay, lịch “ế” hơn nhiều so với mọi năm. Những năm trước, người ta đặt lịch để tặng tết cho người quen, quảng cáo thương hiệu, nhưng năm nay khó khăn quá, nên số lượng đơn đặt hàng giảm còn một phần tư so với mọi năm”. Bà Thu cho biết.
Số đơn và số người đặt hàng đã giảm, nhưng kể cả nếu có người đặt lịch nhiều thì các cơ sở làm lịch ở Huế cũng khó đáp ứng đủ về số lượng. Nguyên do là vì các nhà xuất bản block lịch ở TP. Hồ Chí Minh không tái bản như mọi năm, nên gặp hạn chế về số lượng nhập về Huế. Số lượng lịch giảm xuống cũng kéo theo sự sụt giảm về doanh thu của cơ sở sản xuất. Thêm vào đó, nếu ở các tỉnh, thành khác, các cơ sở kinh doanh đặt lịch để tặng Tết Dương lịch, thì ở Huế người ta có thói quen tặng vào Tết cổ truyền nhiều hơn. “Người Huế mình thì tết Âm lịch mới đem lịch đi tặng. Giờ các tỉnh, thành khác người ta gia công, sản xuất xong rồi, đóng xưởng cả rồi thì Huế mình mới bắt đầu làm. Mình làm chậm hơn nên thiếu nguyên liệu lắm”. Bà Thu thông tin.
Nằm trong xu thế xuống dốc của nghề làm lịch, Công ty TNHH MTV Văn hóa Đại Việt Á cũng gặp phải những khó khăn trong mùa sản xuất. Chị Nguyễn Thu Nhi, quản lý Công ty Đại Việt Á, ngày đêm trăn trở bên những cuốn block lịch và những tấm bìa ép. Chị kể, mọi năm, công ty đều nhập những tấm bìa ép và phôi ép từ nước ngoài. Nhưng năm nay dịch bệnh, Việt Nam không nhập khẩu hàng hóa về được nên những tấm bìa ép trở nên khan hiếm. Cũng vì không nhập được hàng nên công ty cũng gặp khó khăn trong việc tìm phôi để in bìa. Lượng hàng của công ty chỉ còn một phần ba so với mọi năm. “Không bìa, không lịch, không có hàng bán” – chị Thu Nhi buồn rầu.
Sự thất bát của nghề làm lịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động. Theo chị Thu Nhi, trong xưởng của công ty có những anh, chị, suốt năm vừa rồi làm đủ nghề để mưu sinh, từ lái xe ôm cho tới shipper cho các quán hàng. Những người lao động đó chỉ mong đến cuối năm có mùa làm lịch, để họ kiếm thêm được thu nhập, chuẩn bị cho dịp tết đến xuân về. Tuy vậy, những sụt giảm về số lượng hàng cũng như doanh thu của công ty đã ảnh hưởng đến người lao động rất nhiều. “Mọi năm, công việc làm lịch kéo dài trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12, với số lượng hàng lớn, người lao động có được 4 tháng tiền lương, chưa kể thưởng tết. Năm nay vì ít hàng, nên công việc làm lịch đến tháng 11 mới bắt đầu. Các anh, chị ấy chỉ có 2 tháng lương, thưởng tết cũng ít đi” – chị Thu Nhi chia sẻ.
Khó khăn là thế, nhưng những xưởng sản xuất, gia công lịch vẫn đang ngày đêm tất tả hoàn tất những quyển lịch, chuẩn bị cho năm 2021 sắp đến. Giữa những giọt mồ hôi của sự mệt mỏi, những lo toan về thu nhập, những suy nghĩ về một dịp tết thiếu thốn hơn mọi năm, vẫn là những nụ cười, là niềm hạnh phúc, vì ít ra vẫn còn được lao động, được làm việc, để “có thêm chút tiền mua áo mới cho con".(baothuathienhue.vn 17/12)