Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 08/12/2020
Ngày cập nhật 08/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  Dự án Cam Lộ-La Sơn đoạn Thừa Thiên Huế: Nhiều nhà dân "án ngữ" mặt bằng

Ngoài những hộ chưa thống nhất phương án bồi thường, dự án Cam Lộ-La Sơn đoạn Huế còn vướng mặt bằng các hộ dân đợi làm xong nhà mới chuyển...

Còn nhiều hộ dân chưa di dời nhà cửa

Chiều 7/12, Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh đã bàn giao mặt bằng 65,55km/66,4km (đạt 98,72%), còn lại 0,85km (tính cả tuyến hoàn trả tuyến tránh) nằm rải rác trên tuyến. Trong đó, tại TX Hương Trà, gói thầu XL7 đã bàn giao mặt bằng 7,85/8,2km, còn lại 350m.

Cụ thể, tại phường Hương Vân còn 250m vướng một số nhà ở của các hộ dân, UBND TX Hương Trà đã đối thoại nhưng người dân chưa thống nhất phương án hỗ trợ di dời; tại phường Hương Văn còn 100m vướng nhà một hộ dân tại điểm cầu vượt Tỉnh lộ 16, đã đối thoại và hộ gia đình thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ.

Ngoài ra, tại phường Hương Xuân còn 200m nhưng đã thống nhất cho đơn vị thi công thông tuyến vận chuyển vật liệu. Cũng tại Hương Trà, gói XL8 còn 50m vướng 1 hộ dân (đường vào lò gạch Hương Hồ), đã đối thoại và hộ dân thống nhất bồi thường di dời. Gói XL9 còn lại 50m (đoạn tiếp giáp Cầu Tuần) người dân đã nhận tiền đền bù.

Đáng chú ý, đối với công tác di dời nhà cửa, đoạn Hương Trà còn 20 ngôi nhà chưa được di dời (Hương Xuân 12, Hương Vân 4, Hương Văn 1, Hương Hồ 1, Hương Thọ 2), do người dân đang đợi làm xong nhà tại khu tái định cư và một số nhà chưa thống nhất phương án di dời.

Đoạn TX Hương Thủy đã bàn giao mặt bằng 14,5/14,9km, còn 400m đoạn giáp cầu Tuần (xã Thủy Bằng) còn 5 hộ dân chưa di dời: 3 hộ dân đã thống nhất nhưng đang đợi tiền chi trả bồi thường; 2 hộ đã đối thoại vẫn chưa đồng thuận. Đoạn qua huyện Phú Lộc đã bàn giao xong. Đoạn qua huyện Phong Điền đã bàn giao cho các đơn vị thi công 23,8km/23,8km, nhưng rải rác trên tuyến (khoảng 1,2km) còn nhà dân đang đợi làm xong nhà di chuyển: Gói XL5 còn 9 hộ, gói XL6 còn 13 hộ.

Bên cạnh đó, hàng rào công ty Tuyết Liêm đã có kết quả thẩm định điều kiện, áp giá công khai, trình phê duyệt phương án, nhưng phía công ty hiện đang còn kiến nghị về đơn giá. Kinh phí bồi thường hỗ trợ di dời, xây dựng tái định cư còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế công tác di dời của địa phương.

Công tác di dời hiện trường các công trình thế nào?

Về công tác di dời hiện trường hạ tầng kỹ thuật (HTKT), tính đến đầu tháng 12, tại địa bàn huyện Phong Điền, công tác di dời HTKT cấp điện đang triển khai 14/15 vị trí, đã hoàn thành 1 vị trí, những vị trí còn lại triển khai được khoảng 30 - 60 % công việc; nước đang triển khai 9/14 vị trí, đã hoàn thành 100% tại 7 vị trí, còn lại 3 vị trí đã dời tạm cho đơn vị thi công; VNPT đã di dời hoàn thành 3/9 vị trí, còn 6 vị trí chưa triển khai được do vướng các hộ dân chưa di dời; Viettel đang triển khai 1/5 vị trí.

Tương tự, tại TX Hương Trà, hiện đang triển khai tại 4/8 vị trí, tại các điểm triển khai khối lượng thực hiện từ 10-70% công việc; nước có 6 vị trí, trong đó có 1 vị trí đang triển khai, các vị trí còn lại HueWACO đã chuyển dời tạm; VNPT đã di dời hoàn thành 3/5 vị trí, 1 vị trí đã thi công 30% và 1 vị trí chưa triển khai được do chưa có mặt bằng; Viettel đang triển khai 2/3 vị trí.

Tại TX Hương Thủy, điện đang triển khai 7/7 vị trí, đã xong và bàn giao mặt bằng 2 vị trí, những vị trí còn lại ước thực hiện 10-30% khối lượng; nước đang triển 1/3 vị trí, trong đó đã chuyển dời 1 vị trí dưới cầu Tuần, 2 vị trí còn lại tại Thủy Bằng đã chuyển dời tạm cho đơn vị thi công hầm chui, hiện tại chưa thi công tiếp do vướng bãi tập kết vật liệu của đơn vị thi công cầu; VNPT đã di dời hoàn thành 4/4 vị trí; Viettel đang triển khai 4/4 vị trí, đã xong 1 vị trí.

Các thủ tục pháp lý di dời các công trình HTKT, đoạn huyện Phong Điền cơ bản đã hoàn thành, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường và đã chuyển trả kinh phí cho các đơn vị chủ quản lý tài sản. Riêng hạ tầng Viettel đơn vị tư vấn đang điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Sở Xây dựng.

Đoạn TX Hương Trà, hạ tầng cấp nước và VNPT đã có quyết định phê duyệt của UBND thị xã. Hạ tầng Viettel, Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị tư vấn lập lại dự toán, yêu cầu đơn vị chủ quản bổ sung chứng thư giá các loại vật tư chuyên ngành. Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, Sở Công thương cùng công ty Điện lực, tư vấn đã đi khảo sát lại các vị trí điều chỉnh do phải điều chỉnh từ đi nổi sang đi ngầm điểm qua các đường dây cao thế 500kV, 220kV, 35kV tại xã Hương Thọ và các điểm tăng chiều cao cột.

Đối với cửa hàng xăng dầu Hưng Phát bị ảnh hưởng do tuyến cao tốc đi ngang qua trước mặt không thể kinh doanh buôn bán, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM cho phép đền bù GPMB toàn bộ cửa hàng

Đoạn TX Hương Thủy, phần lớn thủ tục pháp lý còn chậm: Hạ tầng cấp nước và VNPT đang chờ thẩm định của Sở Xây dựng. Hạ tầng Viettel, Điện lực đang lập lại hồ sơ, dự toán di dời.

Đoạn huyện Phú Lộc có 2 đường dây điện sinh hoạt của hộ gia đình băng ngang qua đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành thủ tục hồ sơ pháp lý và chuẩn bị di dời. (baogiaothong.vn 07/12)

 
 
 

2.  Ngã ba cầu vượt đường tránh Huế tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ATGT

Ngã ba cầu vượt đường tránh thành phố Huế trên địa bàn xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy được xem là điểm đen về tai nạn giao thông khi trong ba năm trở lại đây đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 5 người. Mặc dù, việc cải tạo, nâng cấp điểm tuyến này đã được triển khai, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập, nếu không được điều chỉnh sớm thì nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông vẫn còn hiện hữu hằng ngày. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/12)

 
 
 

3.  Không đồng ý vị trí tổ chức Countdown đón năm mới trên Quốc lộ 1 qua TP Huế

- Lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo đơn vị tổ chức sự kiện chào năm mới 2021 nghiên cứu các vị trí thuận lợi cho việc tập trung đông người, ít ảnh hưởng đến giao thông; không tổ chức “Countdown chào năm mới 2021” tại vị trí ngã 6 ở đường Hùng Vương (Quốc lộ 1 qua TP Huế) như năm trước.

Chiều 7/12, thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh vừa tổ chức họp với Sở này và đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe Công ty TNHH MTV Gia Bảo Event - Media báo cáo, đề xuất tổ chức chương trình “Countdown chào năm mới 2021”.

Tại cuộc họp, theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, địa điểm tổ chức chương trình “Countdown chào năm mới 2021” sẽ không duy trì như lần trước tại vị trí ngã 6 đường Hùng Vương, Huế.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (đứng), vị trí diễn ra “Countdown chào năm mới 2021” sẽ không duy trì tổ chức tại vị trí ngã 6 đường Hùng Vương (Quốc lộ 1 qua TP Huế) như 1 năm trước.

Theo Sở VHTT tỉnh TT-Huế, tiếp nối thành công, đồng thời khắc phục những bất cập trong tổ chức chương trình “Countdown chào năm mới 2020”, theo báo cáo tại buổi họp, Công ty TNHH MTV Gia Bảo Event - Media cho biết, năm nay đơn vị chủ động xin chủ trương UBND tỉnh TT-Huế, các cơ quan liên quan để tổ chức chương trình sớm hơn năm trước.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để đơn vị đưa ra nhiều phương án, đồng thời có sự điều chỉnh kịp thời đối với mỗi phương án phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Dự kiến chương trình chính sẽ diễn ra vào thời gian lúc 15h00 đến 20h00 đêm 31/12/2020. Tại thời khắc năm mới, người dân có thể cùng đếm ngược để chào năm mới và xem bắn pháo hoa, cùng chương trình múa hát của nhiều ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng.

Theo Sở VHTT TT-Huế, “Countdown chào năm mới 2021” là một chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với âm nhạc, ánh sáng bằng công nghệ trình chiếu Laser biến hóa kỳ ảo,… nhằm tạo khí thế sôi động, vui tươi, phấn khởi để chào năm mới, đồng thời góp phần cổ vũ tinh thần đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn thiên tai, dịch bệnh của người dân để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đây cũng là hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm văn hóa - du lịch, quảng bá những hình ảnh quê hương, đất nước đến với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Sau khi nghe đại diện Công ty TNHH MTV Gia Bảo Event - Media báo cáo đề xuất địa điểm cũng như nội dung chương trình, cùng phát biểu ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành liên quan thuộc tỉnh, UBND TP Huế..., Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo đơn vị tổ chức nghiên cứu các vị trí thuận lợi cho việc tập trung đông người, ít ảnh hưởng đến giao thông như sân Vận động Tự Do; không gian trước Nhà thi đấu thể thao đường Hà Huy Tập, Quảng trường Ngọ Môn và sân Trung tâm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TT-Huế.

Riêng đề xuất tổ chức tại vị trí ngã 6 ở đường Hùng Vương - Huế như chương trình chào năm mới 2020 đã không được lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế chấp thuận.

Liên quan “Countdown chào năm mới 2020” cách đây gần một năm, để chuẩn bị cho sự kiện này, ngày 24/12/2019, tại Quốc lộ 1 đoạn giáp ngã 6 giao lộ Hùng Vương - Hà Nội - Lê Quý Đôn - Đống Đa - Bến Nghé (TP Huế), đã có một công trình sân khấu kết cấu dàn khung kim loại, kèm các dàn đèn đã được lắp dựng, nhưng chưa được cơ quan quản lý đường bộ cho phép.

Hành vi này đã bị lập biên bản và buộc đơn vị tổ chức sự kiện phải bảo đảm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền về quản lý đường bộ (Quốc lộ 1). UBND tỉnh TT-Huế sau đó đã có công văn gửi Cục quản lý đường bộ II về việc cấp phép sử dụng đoạn Quốc lộ 1 qua TP Huế để tổ chức sự kiện chào năm mới, và được chấp thuận.

Việc dựng sân khấu tại vị trí thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông giữa trung tâm Huế để tổ chức sự kiện mừng năm mới 2020 tập trung rất đông người từng tạo ra dư luận trái chiều, với nhiều ý kiến không đồng tình, do ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân vào dịp cao điểm cuối năm.

Năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế không đồng ý vị trí tổ chức “Countdown chào năm mới 2021” tại ngã 6 Hùng Vương (Huế) như trước đó một năm. (tienphong.vn 07/12)

 
 
 

4.  Công ty Phúc Tài là đơn vị thi công mái taluy sụt lún như động đất tại Thừa Thiên Huế

Công ty TNHH Phúc Tài có trụ sở tại TX. Hương Thủy là đơn vị thi công gói thầu mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương bị sạt lở như động đất sau mưa lớn tại Thừa Thiên Huế.

Trước đó, An Ninh Tiền Tệ đã đăng tải trong bài viết "TT-Huế: Mái taluy tuyến đường ven biển Cảnh Dương sạt lở như động đất" phản ánh một công trình thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở như động đất sau mưa lớn.

Cụ thể, mưa lớn đã khiến mái taluy tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương, đoạn từ cầu sông Bù Lu vào khu nghỉ dưỡng Laguna, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bị sạt đổ, gây ách tắc kéo dài trong chiều tối 30/11.

Sự cố đã khiến mái taluy dương được thiết kế theo hệ thống khung dầm bê tông từng lớp cố định áp vào phía mặt núi để bảo vệ tuyến đường bị kéo đổ xuống đường tạo ra một hàm ếch lớn dài hơn 30m. Nhiều khu vực mái taluy đang chực chờ đổ sụp xuống đường.

Được biết, mái taluy bị sạt kể trên nằm trên tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương thuộc hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Trong đó, gói thầu số 06 "Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương"do Trung tâm quản lý, khai thác hạ tầng Khu công nghiệp - Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Công trình được phê duyệt vào tháng 7/2018, hoàn thiện vào giữa năm 2019.

Tìm hiểu của PV được biết, gói thầu số 06 "Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương" có giá dự toán 4.296.132.000 đồng.

Gói thầu này có 3 đơn vị tham gia dự thầu, trong đó Công ty TNHH Giang Sơn và Công ty TNHH MTV dịch vụ xây dựng Long Phụng bị loại vì lý do năng lực. Công ty TNHH Phúc Tài dự thầu và được công bố trúng thầu với giá 4.284.733.000 đồng. Tiết kiệm cho ngân sách chưa tới 12 triệu đồng.

Liên quan đến hiện trường công trình kể trên, hiện nhiều hạng mục vẫn đang có nguy cơ đổ sập. Việc một công trình nhằm khắc phục sạt lở mới đưa vào sử dụng không lâu đã hư hỏng, khiến dư luận nghi ngại về chất lượng của công trình này.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ liệu Công ty TNHH Phúc Tài có đủ năng lực để dự thầu thực hiện gói thầu tiền tỷ trên?! (antt.vn 07/12)

 
 
 

5.  Bộ TN-MT bác đề nghị thu hồi 2 giấy phép của thủy điện Thượng Nhật

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi 2 giấy phép của thủy điện Thượng Nhật như Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị.

Liên quan đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị thu hồi hai giấy phép quan trọng (giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực) đối với thủy điện Thượng Nhật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến hướng xử lý.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có Công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, là chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật (tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cần thiết phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, do công ty này không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc điều tiết, vận hành hồ chứa Thượng Nhật trong thời gian tỉnh chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt mưa, lũ lớn kéo dài, liên tiếp vừa qua.

Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi giấy phép như địa phương kiến nghị.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, thì hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP như đã nêu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế trong công văn không thuộc trường hợp thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

“Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt như kiến nghị,” công văn do Thứ trưởng Lê Công Thành ký nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng một trong những yêu cầu của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam chỉ được phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tích nước theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019), trong trường hợp xảy ra mưa lũ, thẩm quyền ra lệnh vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hương do Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định.

Còn theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thời hạn từ 1-3 tháng.

Vì vậy, để bảo đảm việc xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng hành vi vi phạm, đặc biệt là mức độ tác động đến sự an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa  thủy điện Thượng Nhật.

Trên cơ sở đó, ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính như đã nêu, tùy theo mức độ vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa-Thiên Huế xem xét việc áp dụng hình phạt bổ sung (nếu có) là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt từ 1 tháng đến 3 tháng theo quy định tại khoản 10 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP./.(vietnamplus.vn 08/12)

 
 
 

6.  Bộ TN-MT phản hồi kiến nghị tước giấy phép Thượng Nhật

Bộ TN-MT tiếp tục xem xét những sai phạm, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung, tước giấy phép sử dụng nước mặt từ 1 đến 3 tháng.

Ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành đã ký Công văn số 6890/BTNMT-TNN gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ý kiến về đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tước/thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt công trình thủy điện Thượng Nhật.

Tại công văn này, Bộ TN-MT cho biết, thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần thiết phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện  miền Trung Việt Nam do không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của Ủy ban  nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc điều tiết, vận hành hồ chứa Thượng Nhật trong thời gian tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt mưa, lũ lớn kéo dài, liên tiếp vừa qua.

Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát các quy định của  pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ TN-MT cho rằng, theo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, thì hành vi vi phạm quy định như đã nêu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Công văn số 10491/UBND-CT không thuộc trường hợp thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng  nước mặt. Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt như kiến nghị.

Ngoài ra, một trong những yêu cầu của Giấy phép khai thác, sử dụng  nước mặt là Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam chỉ được  phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau khi được cơ quan có thẩm quyền  cho phép tích nước theo quy định.

Hơn nữa, theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong trường hợp xảy ra mưa lũ, thẩm quyền ra lệnh vận hành  các hồ chứa trên lưu vực sông Hương do Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống  thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định.

Còn theo quy định  tại Nghị định số 36 của Chính phủ quy định về xử  phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thời hạn từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định.

Do đó, Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng rà  soát kỹ lưỡng hành vi vi phạm, đặc biệt là mức độ tác động đến sự an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa  thủy điện Thượng Nhật.

Trên cơ sở đó, ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt chính như đã nêu, tùy theo mức độ vi phạm, Bộ TN-MT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa  Thiên Huế xem xét việc áp dụng hình phạt bổ sung (nếu có) là tước quyền sử  dụng Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt từ 1 đến 3 tháng theo quy định.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có đề  nghị tước quyền sử dụng/thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của công trình thủy điện Thượng Nhật do những vi phạm nghiêm trọng trong quy trình phòng chống lũ lụt.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án thủy điện Thượng Nhật được UBND tỉnh cho phép tích nước hồ chứa giai đoạn 1 vào ngày 6/1/2020 đến cao trình mực nước dâng bình thường là 116 m, thời hạn 90 ngày để thực hiện kiểm tra thấm, chạy thử, thí nghiệm hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục phía hạ lưu của nhà máy thủy điện…

Hết thời gian này, sau khi kiểm tra, UBND tỉnh đã có công văn chưa cho tích nước vận hành chính thức nhà máy thủy điện Thượng Nhật, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các điều kiện để tích nước. Tuy nhiên, đến thời điểm bị phản ánh, dự án vẫn chưa hoàn thành khắc phục các vấn đề tồn tại, chưa đủ điều kiện để xem xét cho tích nước

Trong mùa lũ năm 2020, Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa và không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của UBND tỉnh.

Riêng với thẩm quyền của mình, UBND tỉnh cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 500 triệu đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật. (baodatviet.vn 08/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Nỗ lực thông tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương thời gian sớm nhất

Tập trung thi công, nỗ lực thông tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương trong thời gian sớm nhất, đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại buổi đi kiểm tra tình hình sạt lở tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương, thuộc địa phận xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/12)

 
 
 

2.  HĐND tỉnh thảo luận Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội

Trong chiều nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành phần lớn thời gian thảo luận các Nghị quyết về kinh tế – xã hội để tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết vào đầu năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là các nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập và nghị quyết về hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Thấy gì trong 'Ảo ảnh'?

Tôi tự hỏi khi anh em họa sĩ Thanh - Hải nhà họ Lê chọn "Ảo ảnh" chứ không phải “ảo giác”, dù cùng một chữ illusion dịch ra, để đặt tên cho triển lãm nghệ thuật của mình. Ảo ảnh dành cho khách thể, ảo giác nội thể, trực thể hơn, dù một mà hai, cùng song ngộ?

Vạn vật có hữu linh không tùy thuộc vào bạn. Tôi thấy vạn vật trong tranh và gốm của anh em nhà này như những thực thể, sinh thể rối bời, lộn xộn vừa vặn xoắn lấy nhau, che lấp nhau, lại vừa rời rã. Đó là tàn vết chiến tranh, là sự phân ly đời sống hiện đại. Và bao trùm là sợi dây kết nối những thân phận, những mảng khối văn hóa tách rời...

Như chính cặp anh em song sinh Thanh - Hải, sinh ra cùng trong một bào thai của mẹ vào đúng năm đất nước liền một dải, nhưng họ vừa là một, vừa là hai, vừa là rất nhiều. Tôi tự hỏi khi hai người ấy với hai cây cọ cùng khởi đầu vẽ lên một mặt tranh, họ nghĩ gì, mỗi người lang thang tới một cõi nào của trí tưởng?

Không phải chỉ những màn trình diễn, sắp đặt, ý niệm, video art mà họ đã thực hành khắp nơi ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, có kịch bản về động tác, cơ thể, gương mặt, tương tác ngoại cảnh, kỹ thuật đa phương tiện,... mới là nghệ thuật đương đại. Mà chính ngay quá trình hai cá thể song sinh cùng vẽ lên một bức tranh, thì riêng hành vi ấy, với tôi đã là một màn thực hành nghệ thuật đương đại độc đáo.

Khởi đi từ hai phía của một mặt tranh lớn trống rỗng, từ những nhát cọ đầu tiên, tôi mường tượng anh em song sinh nhà họ Lê đang đi trên những bước thời gian khác nhau, trong một cái gọi là “trực thể thời gian”. Đó là khi những “khả thể” ấy diễn trình chuyển động của vạn vật và chính mình trong ảo ảnh/ảo giác, mà đầu tiên là ảo ảnh thời gian. Họ như từng cá thể đến từ hai thời đại khác nhau, tồn tại trên hai/nhiều chiều thời gian khác nhau, có thể trôi lướt qua nhau, hoặc cũng có thể không bao giờ “gặp” nhau.

Thì chính anh em họ đã thừa nhận trong lời đề từ của dự án nghệ thuật/triển lãm này. Rằng đây không bị bó buộc bởi thao tác cơ học trên cơ sở vật chất (hội họa hay gốm). Mà “Ảo ảnh” cho thấy một diễn trình của tư duy với những tranh cãi, ẩn ức, truy vấn, phản tư của hai cá nhân phản chiếu qua lại lẫn nhau, và nghệ thuật là kết quả cuối cùng”.

Liên tưởng tới “công xưởng nghệ thuật” ở Nhật, ở Mỹ của họa sĩ hiện đại Takashi Murakami. Nơi đó, các “họa sĩ trợ lý” quần quật làm việc bên những bức tranh khổng lồ, mỗi người một công đoạn. Như thi công một công trường. Murakami vẫn công nhận rằng tác phẩm của mình là công trình tập thể (tên của hàng chục họa sĩ trợ lý vẫn được ghi phía sau những bức tranh khổng lồ), nhưng chính ông mới là tác giả duy nhất! (Theo Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật, Sarah Thornton, Nguyễn Như Huy dịch). Vậy là ý chí sáng tạo ở trường hợp này vẫn là đơn nhất.

Tôi thấy trong mỗi tác phẩm của anh em họ Lê những ký hiệu, hình họa ngổn ngang tồn tại riêng như những sinh thể dị biệt, vừa trong mối liên hệ đan cài, chồng chéo, mà vẫn không cho cảm giác bị loạn nhịp.

Vạn vật trong ảo ảnh. Những bầu rượu hay là quả chùy? Ngọn bút hay lưỡi kiếm? Họng súng, đốc gươm hay là cuống hoa? Những cánh hoa đơn độc hay viên đạn vừa bung nở trên đà bay tới đích? Hàm cá mập hay là sóng não con người?... Suy tưởng quen thuộc của chúng ta thường đưa ra những phân cực kiểu ấy. Nhưng có lẽ không phải vậy, bởi nội thức của bạn chắc chắn không phải là của tôi. 

Vạn vật ấy vẫn dịch chuyển trước thị giác và tâm thức đột ngột của mỗi người thưởng ngoạn. Ở đây chỉnh thể nghệ thuật đã đạt đến hiệu ứng đáng kể. Bố cục này, nói như Kandinsky (1866-1944, cha đẻ của những quy tắc hội họa trừu tượng thuần túy, và trào lưu Biểu hiện), đó là “giao hưởng” (symphonic) phức hợp, chứ không phải là những “giai điệu” (melodic) rời rạc.

Đó phù hợp với lý giải của cặp nghệ sĩ dị biệt này, trong rất nhiều thực nghiệm nghệ thuật mà họ theo đuổi suốt hơn hai thập kỷ qua. Rằng “Tính liên tục của ý tưởng được phát triển theo cách đối chọi tương hỗ của biện luận theo cách thức riêng biệt..., không chỉ dừng ở loạt sáng tác này, mà còn đem đến những khả thể chuyển tiếp sang nhiều cách thức thể hiện khác cả ở vật chất và ý niệm, để tạo ra những tổ hợp nhiều tầng lớp hơn về khung cảnh và ánh sáng, bạo lực và thịnh thế, ý niệm lẩn khuất và hình hài mờ nhạt, quá khứ phù hoa và thực tại điêu tàn”.

Triển lãm “Ảo ảnh” (Illusion) do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (thành phố Huế) từ ngày 28/11 đến ngày 6/12/2020. Triển lãm gồm 19 bức tranh và 4 chum gốm lớn được xử lý bằng các kỹ thuật sơn mài tổng hợp tạo ra hiệu quả thị giác bất thường. Đây là dự án nghệ thuật mới nhất của hai anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải (1975), sau hàng trăm triển lãm, sắp đặt, trình diễn nghệ thuật riêng và chung tại Việt Nam và nước ngoài suốt hơn 20 năm qua. (tienphong.vn 08/12)

 
 
 

2.  Dấu xưa Phước Tích

Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H. Phong Điền, tỉnh TT- Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia. Tại đây, không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ còn được lưu giữ một cách nguyên vẹn.

Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chămpa... Phước Tích vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các đặc trưng độc đáo từ xa xưa của không gian làng quê Bắc Trung Bộ. Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện làng cổ Phước Tích đã triển khai được 9 loại dịch vụ gồm: Tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch. Bên cạnh đó, làng cổ Phước Tích hiện có 11 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay.

Ông Đoàn Quyết Thắng- Phó Giám đốc BQL làng cổ Phước Tích cho biết, Phước Tích tồn tại hệ thống kiến trúc nhà rường cổ, có từ hàng trăm năm tuổi đã tạo nên dấu ấn đặc sắc của ngôi làng. Những ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích tạo nên quần thể kiến trúc độc đáo thể hiện qua những nét chạm trổ công phu, tinh xảo với những hình ảnh tứ linh, bát bửu, mai, lan, cúc, trúc, mây cuộn... Không dừng lại ở những giá trị nghệ thuật, nhà rường còn là biểu tượng cho truyền thống của sự nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ.

Tiếp đến, ngay tại chính giữa của ngôi làng là địa danh Miếu cây thị. Tên gọi này chính là hiện hữu của lối văn hóa xưa bởi lẽ, ngoài việc nằm ở địa thế long mạch và có vị trí chính giữa ngôi làng, ngôi miếu được xây dựng ngay bên cạnh cây thị đến nay đã có tuổi đời hơn 600 năm, một loại cây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng và tiềm thức của người dân làng Phước Tích.

Xem xét lối kiến trúc của miếu thờ, của bình phong, cách trang trí chim Phượng ở cửa ra vào cũng như cách thờ tự, người ta nhận định rằng Miếu cây thị là nơi thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hóa. Đến nay, việc cúng tế tại miếu vẫn được duy trì và diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm, cũng là ngày xuân tế của làng.

Các vị cao niên của làng cổ Phước Tích kể lại, ban đầu làng có nhiều tên gọi khác nhau như là Phúc Giang (vùng gần sông nước nhiều phúc lộc), hay Hoàng Giang (nhớ đến dòng họ khai canh lập làng). Đến đời vua Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích (tích lũy phúc đức cho con cháu). Đặc ân to lớn khi được chính nhà vua đặt tên cho làng gắn liền với sản phẩm gốm truyền thống ở nơi đây. Theo đó, nghề gốm truyền thống của làng Phước Tích ra đời cùng với quá trình di dân lập ấp của người dân (năm 1470). Phước Tích của ngày xưa nức tiếng với nghề gốm. 12 Cửa lò, 12 bến nước là chứng tích còn lại của một thời huy hoàng với nghề gốm. Gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung.

Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào. Nhờ những nghệ nhân gốm tài ba và rất sáng tạo, sản phẩm của Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng. Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè... Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.

"Sản phẩm làng gốm Phước Tích chủ yếu sản xuất ra các vật dụng phục vụ trong đời sống hằng ngày của người dân. Hiện nay gốm Phước tích đã tạo dựng được thương hiệu qua các hội chợ, các dịp lễ, các kỳ Festival, để quảng bá đến với du khách gần xa", anh Lương Thanh Hiền một nghệ nhân gốm Phước Tích cho biết.

UBND tỉnh TT- Huế đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích. Theo đó, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích với quy mô diện tích 53,9 ha. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế - văn hóa và xã hội. Thực hiện khoanh vùng, xác định các đặc trưng và các di tích cần bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng hoặc bảo tồn một phần theo các yêu cầu khác nhau; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho các không gian bảo tồn di tích và phát triển mới (khu vực công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực hạ tầng kỹ thuật); phát triển du lịch dịch vụ gắn với lợi ích cộng đồng dân cư địa phương... (cadn.com.vn 07/12)

 
 
 

3.  Hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập phát triển

Trong khi các bảo tàng công lập hoạt động dựa vào nguồn kinh phí được Nhà nước cấp thì các bảo tàng ngoài công lập chủ yếu tự thu, tự chi nên gặp rất nhiều khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ để phát triển.

Khó khăn về kinh phí, hoạt động

Với mong muốn gìn giữ cổ vật của Huế, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn sưu tầm rất nhiều cổ vật và thành lập Bảo tàng tư nhân Phước Trang để giới thiệu đến công chúng những vốn quý này. Bảo tàng hiện đang trưng bày 4 bộ sưu tập chính: Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; vật phẩm phục vụ 4 thú vui: trà, rượu, trầu, thuốc của người Việt; đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 18 và đồ sứ châu Âu, Nhật Bản...

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, công việc bảo quản, quản lý tại Bảo tàng tư nhân Phước Trang tương đối ổn định do các cán bộ có chuyên môn về bảo tàng phụ trách. Chỉ tiếc là không gian trưng bày, vị trí bảo tàng không được thuận lợi nên không thể phát huy giá trị cổ vật đúng tầm để giới thiệu với khách tham quan cũng như hợp tác với các công ty du lịch đón tiếp các đoàn khách du lịch.

Giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật quý của họa sĩ Lê Bá Đảng, Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng là địa chỉ văn hóa thú vị với những người yêu nghệ thuật và cảnh đẹp thiên nhiên. Bà Lê Cẩm Tế, người dành nhiều tâm huyết xây dựng công trình nghệ thuật này hiện đang làm thủ tục để đăng ký Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng trở thành bảo tàng tư nhân.

“Từ khi khai trương đến nay, Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng luôn phải bù lỗ; trong khi đó, hệ thống đường, điện, nước tại khu vực này vẫn chưa ổn định, gây khó khăn trong hoạt động. Việc trở thành bảo tàng tư nhân với những chính sách ưu đãi trong những năm đầu hoạt động là sự hỗ trợ đáng kể”, bà Cẩm Tế nói.

Huế có 2 bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng tư nhân Phước Trang và Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, các bảo tàng ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động. Trong khi các bảo tàng công lập thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức trưng bày… thì các bảo tàng ngoài công lập thường mang tính chất trưng bày cố định, ít tổ chức các triển lãm chuyên đề, chưa thường xuyên tiến hành các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trưng bày. Nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa vẫn chưa được khai thác phát huy có hiệu quả. Vì vậy, chưa thu hút được số lượng lớn khách tham quan. Theo số liệu thống kê, hàng năm, Bảo tàng tư nhân Phước Trang đón khoảng 500 lượt khách, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đón khoảng 2.000-3.000 lượt khách.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Các bảo tàng công lập hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí được Nhà nước cấp thì kinh phí hoạt động các bảo tàng ngoài công lập chủ yếu tự thu, tự chi nên gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các bảo tàng ngoài công lập ra đời dựa trên sự đam mê về cổ vật, các loại hình mỹ thuật, nghề truyền thống... trưng bày dựa trên những sưu tập hiện vật đã có, thiếu kinh phí để tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm thường xuyên”.

Cần chính sách khuyến khích

Từ thực tế hoạt động của các bảo tàng tư nhân, TS. Phan Thanh Hải, cho rằng, các bảo tàng vẫn chưa có bộ máy hoàn chỉnh, kinh nghiệm chuyên môn chưa đảm bảo, kinh phí không đủ để đầu tư trang thiết bị chuyên ngành. Sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập với bảo tàng công lập chưa chặt chẽ, các khâu nghiệp vụ của bảo tàng chưa thực hiện thường xuyên. Cơ chế, chính sách ưu đãi cho bảo tàng ngoài công lập cũng chưa cụ thể.

Bà Lê Cẩm Tế bày tỏ: “Nếu không có sự ưu đãi thì rất khó để bảo tàng ngoài công lập sống được. Chúng tôi cần sự hỗ trợ, tiếp sức của tỉnh để có thể đưa Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng trở thành địa chỉ văn hóa thực thụ”.

Theo ông Phan Thanh Hải, để thu hút khách tham quan, các bảo tàng ngoài công lập cần thực hiện tốt các chức năng quy định tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL về tổ chức và hoạt động của bảo tàng; trong đó chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày của bảo tàng...

Chủ nhân của các bảo tàng ngoài công lập phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc đổi mới các hình thức hoạt động bảo tàng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, kết nối chặt chẽ với các tour, tuyến du lịch nhằm đưa khách tham quan đến bảo tàng.

Nhằm khai thác hiệu quả giá trị của các bảo tàng ngoài công lập, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các bảo tàng, Nhà nước cũng cần có những chính sách hợp lý để hỗ trợ, khuyến khích hệ thống bảo tàng tư nhân ra đời và phát triển. Ông Hải đề xuất, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng và quảng bá hình ảnh.

Ngoài ra, có thể mở Quỹ hỗ trợ phát triển để bảo tàng ngoài công lập duy trì hoạt động; ưu tiên để các bảo tàng ngoài công lập vay vốn trung hạn và dài hạn từ Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tổ chức hoạt động... (baothuathienhue.vn 08/12)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Đối thoại với sinh viên Đại học Y-Dược Huế

Ngày 5-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 300 giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y- Dược Huế. Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các giảng viên, sinh viên thẳng thắn trao đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tâm tư trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các em sinh viên tập trung học tập, nghiên cứu, khi ra trường có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, tâm huyết với nghề đã chọn và góp phần cống hiến cho quê hương, xã hội.

Tại buổi gặp mặt, các bạn sinh viên đã nêu nhiều câu hỏi với tinh thần thẳng thắn, mang tính xây dựng, đồng thời thể hiện tinh thần cống hiến, cũng như đóng góp công sức cho tỉnh nhà. Trong đó các đề xuất về phát triển Huế trở thành thành phố đại học, vấn đề thu hút nhân tài tại tỉnh, vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên khởi nghiệp, định hướng nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên du học, học bổng... Trước những băn khoăn về vấn đề "chảy máu chất xám", Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh đang xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu thì phải chấp nhận thu hút nhân tài, lan tỏa nhân tài, tuần hoàn chất xám. Nơi đào tạo nguồn nhân lực thì phải chấp nhận "để ong thợ ra đi, giữ ong chúa ở lại", tức là sẵn sàng chia sẻ nhân lực cho các địa phương khác, hạn chế người đứng đầu ngành ra đi. (cadn.com.vn 07/12)

 
 
 

2.  Ngành du lịch tăng cường phòng chống dịch Covid – 19

Ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai nên lượng khách đến du lịch TT Huế đã giảm rất mạnh; trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc đón khách lưu trú, tổ chức các dịch vụ cuối năm, ngành du lịch đang tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, nhất là khi Việt Nam đang có những ca nhiễm trong cộng đồng. Song song với việc tăng cường tập huấn về phòng chống dịch, ngành du lịch TT Huế đã lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thực hiện theo bộ tiêu chí trong phòng chống dịch Covid 19 tại cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/12)

 
 
 

3.  KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM THỪA THIÊN HUẾ (8/12/1990 - 8/12/2020): Dấu ấn 30 năm hình thành và phát triển

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế (DVVL) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được thành lập theo Quyết định số 1008 ngày 8/12/1990 của UBND tỉnh với tên gọi ban đầu là Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm. Quá trình hình thành và phát triển, Trung tâm DVVL trải qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gắn với sự phát triển của thị trường lao động với những đặc điểm khác nhau.

Giai đoạn từ 1990 đến 2000 là thời kỳ thị trường lao động mới hình thành. Thực hiện Quyết định 176 ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm ra đời nhằm đào tạo lại nghề, giới thiệu việc làm cho số lao động dôi dư. Từ năm 1994, để tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động dịch vụ việc làm hòa nhập với thế giới, đáp ứng yêu cầu không ngừng biến đổi của thị trường lao động, tổ chức dịch vụ việc làm chính thức được quy định tại Bộ luật Lao động, với nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu, cung ứng và giúp tuyển lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động.

Nhiệm vụ chủ yếu của trung tâm giai đoạn này là thực hiện các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho số lao động dôi dư; đào tạo nghề ngắn hạn gắn với các chương trình dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO ), như NARV, EC, WV, SVTC dành cho các đối tượng hồi hương, các đối tượng yếu thế của xã hội. Thực hiện các chương trình Việt Đức, Việt Tiệp về dạy nghề, tạo việc làm dành cho các đối tượng lao động hợp tác quốc tế từ các nước Đông Âu trở về. Các hoạt động đưa lao động ra nước ngoài bắt đầu chuyển hướng từ thị trường Đông Âu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông. Công tác giới thiệu việc làm chủ yếu là cung ứng lao động cho các tỉnh, các khu công nghiệp ở phía Nam và cung ứng lao động cho các công ty có chức năng đưa lao động ra nước ngoài làm việc của Bộ LĐTB&XH.

Hoạt động ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm đáp ứng nhu cầu việc làm  ngày càng cao của đối tượng lao động và doanh nghiệp

Từ năm 2000 đến 2007, đơn vị tiếp tục khẳng định nhiệm vụ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ), cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn này, trung tâm đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, dạy nghề, liên kết đào tạo. Các hoạt động dạy nghề ngắn hạn gắn với việc làm tại trung tâm và lưu động đã được trung tâm chú trọng. Đơn vị tổ chức liên kết với các trường cao đẳng, đại học để đào tạo các ngành quản lý lao động, công tác xã hội, kế toán, quản lý xã hội, kinh tế... đáp ứng nhu cầu về cán bộ làm việc cho các địa phương trong tỉnh và ngành LĐTB&XH.

Đáp nhu cầu tìm việc, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động đã bắt đầu được tổ chức từ năm 2002, tạo nơi kết nối giữa NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.

Thị trường lao động đi làm việc nước ngoài ở giai đoạn này bắt đầu phát triển và chủ yếu là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Song, do hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên việc hình thành kênh thông tin thị trường lao động chính thống từ các trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước đã hạn chế dần hoạt động lừa đảo từ các cơ quan tổ chức, cá nhân trung gian về môi giới việc làm.

Giai đoạn từ 2007 đến nay, thị trường lao động phát triển rõ nét hơn, các văn bản pháp lý về dịch vụ việc làm ngày càng hoàn thiện. Tháng 10/2009, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 34 hướng dẫn Nghị định 127 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), các trung tâm giới thiệu việc làm được bổ sung thêm nhiệm vụ để thực hiện chính sách này. Bộ luật Lao động 2012, Luật Việc làm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí và nhiệm vụ của Trung tâm DVVL là cầu nối trong thị trường lao động. Nhất là năm 2018, khi Việt Nam gia nhập Công ước 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm, nhiệm vụ dịch vụ việc làm công và chăm lo về việc làm càng được khẳng định và không thể thiếu trước xu hướng hội nhập sâu rộng.

Tháng 3/2007, sàn giao dịch việc làm (GDVL) Thừa Thiên Huế ra đời, tạo sân chơi cho NLĐ và người sử dụng lao động. Hoạt động của sàn GDVL đã đi vào nề nếp với định kỳ hàng tháng 2 phiên vào ngày 5 và 20. Các hình thức phiên GDVL tổ chức tại các địa phương, các trường cao đẳng, đại học đã thu hút hàng ngàn lao động khu vực nông thôn, sinh viên các trường hưởng ứng tham gia. Các phiên GDVL chuyên đề, online ngày càng chú trọng. Các ngày hội tuyển sinh tuyển dụng lao động quy mô cấp tỉnh được tổ chức thu hút 60-70 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, trên dưới 10 ngàn người quan tâm trong mỗi ngày hội.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được trang bị và đưa vào vận hành tại trung tâm, sàn GDVL. Website vieclamhue.vn là địa chỉ tin cậy của NLĐ và sử dụng lao động, thu hút trên 1 triệu lượt người truy cập mỗi năm.  Fanpage vieclamhue có hàng ngàn người quan tâm và tư vấn online hàng ngày.

Nhất là trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng đơn vị vẫn đáp ứng giải quyết kịp thời chính sách trợ cấp BHTN cho NLĐ mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh. Cao điểm tháng 4/2020 giải quyết kịp thời cho trên 2.000 người thất nghiệp, giúp NLĐ an tâm tìm kiếm việc làm mới để ổn định cuộc sống.

Nhiều năm liên tục, Trung tâm DVVL được UBND tỉnh và Bộ LĐTB&XH tặng Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.

Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, những kết quả đạt được của Trung tâm DVVL khẳng định đúng vai trò, vị trí của trung tâm dịch vụ việc làm công của Nhà nước trong nền kinh tế và thị trường lao động đang phát triển không ngừng.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập cũng là dịp để toàn thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm DVVL nhìn lại và bày tỏ tri ân đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, hợp tác giúp đỡ, để trung tâm có được thành công như ngày hôm nay. (baothuathienhue.vn 07/12)

 
 
 

4.  Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm theo lời Bác

Bằng nhiều hình thức, mô hình và cách làm sáng tạo, thời gian qua, Công đoàn Thừa Thiên Huế chăm lo có hiệu quả lợi ích đoàn viên, người lao động (NLĐ). Hành động thiết thực này đã góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn tỉnh vững mạnh.

Nhiều việc làm thiết thực

  Thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các tổ chức công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều việc làm thiết thực. Tổ chức các chương trình: “Điều ước đoàn viên”; “Lễ cưới tập thể”; “Khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động (CNLĐ)”; “Chung tay phòng chống Covid-19”... đều hướng đến chăm lo tốt hơn cho đời sống của đoàn viên và NLĐ. Thành công của các chương trình này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận. Nhiều công đoàn cơ sở quan tâm tới chất lượng của bữa ăn ca cho CNLĐ; xây dựng trạm sửa chữa xe máy miễn phí; phòng nghỉ phục vụ nữ công nhân mang thai và nuôi con nhỏ. Bốn năm qua, Quỹ Trợ vốn CNLĐ nghèo giải quyết cho 108 dự án vay với số tiền hơn 22,5 tỷ đồng, tạo việc làm thêm cho 1.455 lao động. Thông qua chương trình “Mái ấm Công đoàn”, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 259 nhà cho CNLĐ nghèo với số tiền gần 6,2 tỷ đồng.

  Để tạo được niềm tin cho đoàn viên, NLĐ, cán bộ công đoàn Thừa Thiên Huế luôn lắng nghe, cảm nhận và sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn và NLĐ ở cơ sở. “Sâu cơ sở, sát phong trào” là yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ công đoàn, qua đó chấm dứt tình trạng “hành chính hóa hoạt động công đoàn”. Công đoàn Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức chỉ đạo hoạt động công đoàn các cấp qua các nhóm được lập trên zalo, facebook nhằm hạn chế văn bản giấy, bảo đảm nội dung chỉ đạo sâu sát cơ sở. Thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, lập các nhóm: Cán bộ công đoàn chuyên trách, Chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài nhà nước, nhóm cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc, cùng nhiều fanpage và đội ngũ cộng tác viên.

  Với nhiều hình thức phong phú, thông tin từ cơ sở, đoàn viên và CNLĐ được chuyển tới công đoàn tỉnh kịp thời, chính xác. Đoàn viên, NLĐ và cán bộ công đoàn gắn kết, tin tưởng và chia sẻ. Trưởng ban Tuyên giáo (Liên đoàn Lao động tỉnh) Ngô Thị Thu Hương tâm sự: Tình cảm đó đã trao cho chúng tôi thêm niềm tin và trách nhiệm với công việc của mình, là động lực để mỗi cán bộ công đoàn đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm trong giai đoạn mới. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là tạo dựng cảm tình của NLĐ, sau đó là giữ gìn quyền lợi cho công nhân.

  Kết nối những tấm lòng

  Thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy, mỗi cán bộ công đoàn tỉnh là những người “bắc cầu” đoàn viên, NLĐ với doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thông qua những chương trình xã hội hóa hoạt động công đoàn. Chương trình “Điều ước đoàn viên” là một trong những hoạt động như thế. Bằng sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, chương trình đã động viên, chia sẻ, giúp sức để tự thân mỗi đoàn viên khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, với sự đồng hành của cán bộ công đoàn.

  Đến nay, 18 số của chương trình “Điều ước đoàn viên” đã được thực hiện qua kênh TRT Đài Phát thanh truyền hình tỉnh hằng tháng. Giai đoạn đầu, công đoàn Thừa Thiên Huế “hiện thực hóa” các ước mơ của tập thể đoàn viên, với mong muốn một điều ước thành hiện thực sẽ có nhiều đoàn viên được hưởng phúc lợi. Có thể kể ra các công trình: Hai nhà công vụ và công trình nước sạch tặng các thầy giáo, cô giáo tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa Trường tiểu học và THCS Hương Nguyên (huyện A Lưới), Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc (huyện Phú Lộc). Trong Tháng Công nhân năm 2020, công đoàn tỉnh kết nối cửa hàng vải đẹp Thảo Nguyễn tại Hà Nội đến anh Trương Văn Viễn (đoàn viên Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc), mỗi tháng anh Viễn được cửa hàng hỗ trợ một triệu đồng, trước mắt là trong năm 2020 để có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh. Bệnh gút biến chứng đã khiến một bên chân anh bị cưa bỏ, một bên teo cơ. Ở tuổi 42, mất sức lao động vĩnh viễn, anh Viễn làm bạn với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông cậy vào mẹ già hơn 70 tuổi và các con nhỏ. Vợ anh làm thợ may, một mình xoay xở lo cho ba đứa con. Được sự quan tâm, chia sẻ của công đoàn, anh Viễn đã vợi bớt âu lo. Anh chia sẻ thời gian tới, sẽ đi bán vé số, với hy vọng có thêm chút thu nhập, ít nhất cũng tự lo cho bản thân.

  Thông qua chương trình, công đoàn tỉnh gửi thông điệp đến xã hội cách nhìn mới của công đoàn trong chăm lo giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ trong giai đoạn mới. Cán bộ công đoàn chăm lo quan hệ lao động, xây dựng các thỏa ước lao động tập thể, đồng thời quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình, có 34 cặp CNLĐ khó khăn được công đoàn se duyên, mỗi năm có gần 3.500 đoàn viên được khám sức khỏe miễn phí. Thừa Thiên Huế cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Đến nay có 8.923 đoàn viên công đoàn và NLĐ được hưởng ưu đãi từ các đối tác tham gia chương trình phúc lợi, tương ứng với số tiền đoàn viên được hưởng lợi là hơn năm tỷ đồng, hàng chục nghìn CNLĐ được hưởng lợi từ “Gian hàng 0 đồng”…

  Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương đúc kết: Niềm tin của CNLĐ vào tổ chức công đoàn được chúng tôi nhen nhóm, giữ gìn từ việc lắng nghe và giúp sức “hiện thực hóa” những ước mơ như thế. Đó cũng chính là cách chúng tôi làm theo lời Bác dạy. Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ, tạo sức hút, chất kết dính để NLĐ tự nguyện đến với tổ chức công đoàn, để được chăm lo lợi ích, và gắn bó thủy chung. Đây cũng chính là những giải pháp đột phá của hoạt động công đoàn mà Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra. (nhandan.com.vn 08/12)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Thừa Thiên Huế: Lần đầu tiên Chủ tịch tỉnh tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”

Ngày 6/12, tại Quốc Tử Giám, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”. Đây là danh hiệu danh dự dành cho học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong năm học, nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích sự học và trọng dụng người tài đến với toàn xã hội.

Đây là năm đầu tiên, tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên dương danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường”. Điều đặc biệt của buổi lễ là tất cả các đại biểu và các em học sinh tham dự, đều mặc Quốc phục áo dài. Bên cạnh đó, ngoài bằng danh dự, các em học sinh còn được tặng bộ trang phục áo dài như là một lễ phục trang trọng, thành kỷ vật theo các em suốt cuộc đời.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đội khăn đóng, vận áo dài ngũ thân truyền thống, có mặt ngay từ sớm để thăm hỏi, động viên các em học sinh. Nơi tổ chức lễ biểu dương là Quốc Tử Giám - Trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta - là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô của đất nước.

Nơi tổ chức lễ biểu dương là Quốc Tử Giám - Trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta - là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô của đất nước.

Trong năm đầu tiên tổ chức, có 367 học sinh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương “Học sinh danh dự toàn trường”. Đây là danh hiệu cao quý mà mỗi trường học chỉ có 1 học sinh được tuyên dương tại Quốc Tử Giám - Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, các học sinh được biểu dương là ngọn cờ đầu của từng trường học trong phong trào học tập, thi đua, rèn luyện đạt danh hiệu học sinh danh dự toàn trường năm học 2019-2020.

Điều đặc biệt tại buổi lễ tuyên dương là tất cả các đại biểu và toàn thể các em học sinh đều mặc Quốc phục áo dài.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài mục đích vinh danh các em học sinh có thành tích xuất sắc, buổi tuyên dương còn nhằm hướng tới mục đích giới thiệu Quốc Tử Giám - một di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị cao; đồng thời cũng là dịp để tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam trong tiến trình xây dựng Huế là kinh đô áo dài Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài mục đích vinh danh các em học sinh có thành tích xuất sắc, buổi tuyên dương còn nhằm hướng tới mục đích giới thiệu Quốc Tử Giám - một di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị cao; đồng thời cũng là dịp để tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam trong tiến trình xây dựng Huế là kinh đô áo dài Việt Nam.

Tại lễ tuyên dương, ngoài bằng danh dự, các em học sinh còn được tặng bộ trang phục áo dài như là một lễ phục trang trọng, thành kỷ vật theo em suốt cuộc đời. (doanhnghiepvn.vn 07/12)

 
 
Y TẾ
 

1.  Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư khen ca hiến, ghép, vận chuyển đa tạng cứu sống 4 bệnh nhân suy tạng nặng

- Sau khi nghe tin hàng trăm cán bộ, chuyên gia, thầy thuốc, nhân viên thuộc các cơ sở y tế đã phối hợp với Cảnh sát Giao thông Bà Rịa-Vũng Tàu, cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện thành công ca điều phối ghép đa tạng từ một người hiến ở Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ lời khen ngợi đối với những nỗ lực điều phối kịp thời, nhanh chóng của các đơn vị liên quan, cũng như trình độ chuyên môn cao của các thầy thuốc.

Đây là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vận chuyển tạng tới cả 3 miền đất nước. Người hiến là anh N.H.Q (30 tuổi), công nhân cầu đường tại TP Vũng Tàu bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao vai trò điều phối Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sự hợp tác chính xác và nhịp nhàng giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bà Rịa-Vũng Tàu, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với Cảnh sát Giao thông của hai địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cùng Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện lấy, vận chuyển và ghép tạng nhanh chóng, kịp thời. Tinh thần trách nhiệm hết lòng vì người bệnh và tinh thần chuyên nghiệp cao của tất cả các bên và cá nhân liên quan đã đảm bảo việc ghép tạng thành công trong thời gian vàng.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lòng cảm phục và tri ân đối với bà Phạm Thị Mai, người đã quyết định hiến tạng của con trai mình là anh N.H.Q. “Thay mặt lãnh đạo ngành y tế, xin gửi tới bà lời tri ân của đội ngũ y, bác sĩ và các bệnh nhân được ghép tạng. Hành động cao cả của bà và gia đình đã giúp cứu sống 4 bệnh nhân suy tạng nặng. Đây là việc làm thực sự có ích, kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân đã cận kề cái chết, “kéo dài” sự sống cho chính người thân của mình và góp phần vào sự phát triển y học, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ca điều phối, vận chuyển tạng từ Vũng Tàu đi TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội được thực hiện ngày 2-12. Tim của người hiến đã được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế; thận được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tính đến nay, tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều đang bình phục.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong ca này và tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho người hiến tạng. (qdnd.vn 07/12)

 
 
 

2.  Bệnh nhân ghép tạng ở Huế tiến triển tốt

Sáu ngày sau ca ghép tim, bệnh nhân H. bắt đầu có những tiến triển tốt, các chỉ số huyết học và sinh hóa ổn định.

Sáng nay (7/12), Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân của ca ghép tim xuyên Việt đã ổn định sức khỏe, chức năng tim tốt và đang trong quá trình tập thở.

Người may mắn được được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tạng thành công là anh Trần Quang H. (34 tuổi, trú huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Chia sẻ với VietNamNet, ThS. BS Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, ca ghép tạng cho anh H. thành công.

“Bệnh nhân H. đang được đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Sau 6 ngày thực hiện ca ghép tạng, anh H. đã tự thở được, tim vừa được ghép phát triển tốt, các hệ số sinh hóa ổn định”, bác sĩ Hương cho hay.

Thời điểm vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, anh H. bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim nặng trong thời gian dài và giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.

Chiều 1/12, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông tin có người chết não hiến tim tại Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Ngay sau đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử một kíp bác sĩ đến TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nhận tạng.

Người hiến tạng là anh N.H.Q. (30 tuổi, trú TP Vũng Tàu). Anh Q. là công nhân cầu đường, không may bị tai nạn giao thông tử vong.

Sau khi anh Q. qua đời, người thân làm đơn xin hiến tạng của anh với mong muốn một phần thân thể của anh Q. tiếp tục được “sống” và cứu nhiều người khác.

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, đây là lần đầu tiên tạng hiến không ở các thành phố lớn nên việc vận chuyển là thử thách cho đội ngũ bác sĩ bởi phải có sự tính toán kỹ và phối hợp đồng bộ.

“Quãng đường từ TP.HCM về đến Huế hơn 1.000 km. Bởi vậy, chúng tôi phải tính toán làm sao nhanh nhất, đảm bảo an toàn nhất cho phần tạng được hiến tặng và di chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện phẫu thuật”, GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Vào 13h35 ngày 2/12, quả tim được đưa ra khỏi lồng ngực người hiến tạng tại Bệnh viện Bà Rịa. Gần 4 giờ sau, tạng được đưa về đến sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) sau khi vượt hơn 1.000 km.

17h45 cùng ngày, tại Bệnh viện Trung ương Huế, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Phạm Như Hiệp, kíp phẫu thuật bắt đầu hành trình ghép tim cho bệnh nhân Trần Quang H. Chỉ hơn 1 giờ sau, quả tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng. (vietnamnet.vn 07/12)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Vật Huế thống trị nội dung tự do nữ ở giải cúp quốc gia

Tại giải cúp quốc gia vật cổ điển, vật tự do 2020 diễn ra ở Trung tâm Thể thao tỉnh, tuyển vật Huế đã xuất sắc đứng nhất toàn đoàn nội dung tự do nữ và thứ 3 toàn đoàn nội dung tự do nam.

Tham dự với tư cách chủ nhà, tuyển vật Huế góp mặt 13 VĐV, tranh tài ở nội dung vật tự do cùng chỉ tiêu 1 - 2 HCV.

Tuy nhiên, bằng vào phong độ xuất sắc của mình, kết thúc nội dung tự do cả nam và nữ, các đô vật Cố đô đã đem về 5HCV, 7 HCĐ, trong đó, 5 HCV thuộc về các VĐV: Lê Thị Ái Hoa (hạng 53kg), Nguyễn Thị Mỹ Linh (hạng 55kg), Nguyễn Thị Mỹ Trang (hạng 57kg), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (hạng 62kg) và Phạm Văn Có (hạng 65kg).

Đáng chú ý, trong chặng đường chinh phục HCV, 4 đô nữ: Ái Hoa, Mỹ Trang, Mỹ Linh và Mỹ Hạnh cùng có chiến thắng tuyệt đối trước các đối thủ với cách biệt 10 – 0 từ vòng loại cho đến trận chung kết.

Với thành tích trên, tuyển vật Huế xuất sắc đứng nhất toàn đoàn nội dung tự do nữ và thứ 3 toàn đoàn nội dung tự do nam.

Giải cúp quốc gia vật cổ điển, vật tự do 2020 diễn ra từ 4/12, thu hút hơn 220 VĐV đến từ 17 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, tại giải, các VĐV tranh tài 33 bộ huy chương của vật tự do và vật cổ điển.

Sau khi kết thúc nội dung vật tự do vào sáng nay, 7/12, giải tiếp tục diễn ra nội dung vật cổ điển và chính thức kết thúc vào ngày 10/12. (baothuathienhue.vn 07/12)

 
 
 

2.  Nơi ươm mầm những tài năng võ thuật

- Qua hơn 10 năm hoạt động, CLB Karate-do Hương Thủy do võ sư Lê Duy Trung sáng lập đã gặt hái được một số thành quả đáng chú ý. Bên cạnh đào tạo, ươm mầm những tài năng võ thuật, CLB còn là địa chỉ được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình.

Mong muốn tạo một sân chơi bổ ích, giúp trẻ em tránh sa đà vào game cũng như các thói hư tật xấu, năm 2008, võ sư Lê Duy Trung thành lập CLB Karate-do Hương Thủy tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao thị xã. Thời điểm mới thành lập, số võ sinh theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên, kiên trì với mục tiêu ban đầu đặt ra, ngoài tập luyện võ thuật, nâng cao sức khoẻ, CLB còn là nơi tràn ngập tiếng cười thông qua những trò chơi kỹ năng sống bổ ích, có thể ứng dụng trong thực tiển được lồng ghép, dần dà, nhiều phụ huynh trên địa bàn TX. Hương Thuỷ đã chủ động đến đăng ký cho con em theo học.

“Không chỉ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng mà các anh, chị từ 16 – 18 tuổi cũng đăng ký theo học. Trong quá trình tập luyện tại đây, bên cạnh được huấn luyện về võ thuật, nâng cao sức bền, sự linh hoạt… chúng em còn được rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần võ đạo, tính kỷ luật và sự đoàn kết… Với chúng em, CLB chẳng khác nào một đại gia đình khi các thành viên luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ nhau khi khó khăn”, em Lê Nguyễn Hoàng Long, võ sinh CLB Karate-do Hương Thủy chia sẻ.

“Sau một thời gian tham gia CLB, ba mẹ nhận xét em năng động hơn nhưng đồng thời “đằm đẹ” hơn, biết chủ động tránh xa những điều không nên trong sinh hoạt, học tập và cả trong lời ăn tiếng nói. Cũng từ những gì học được từ thầy Trung, từ các anh chị em ở CLB, qua đây, em xin khuyên các bạn cùng trang lứa nên chọn cho mình một môn thể thao thích hợp nói chung, Karate-do nói riêng để vừa được giải trí và vận động sau những giờ lên lớp, đồng thời có thêm cơ hội tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân”, võ sinh Nguyễn Thanh Tân nói.

Dưới sự dẫn dắt của võ sư Lê Duy Trung cùng những nỗ lực, cố gắng của các võ sinh, những năm gần đây, CLB Karate-do Hương Thủy tích cực tham gia các giải cấp tỉnh, quốc gia và đạt được nhiều thành tích cao.

Tiêu biểu là tại giải vô địch các CLB mạnh Karate toàn quốc 2020 diễn ra từ 1 – 5/11 ở Huế, dù là một CLB nhỏ chưa có tiếng tăm, nhưng trong giải đấu quy tụ 800 VĐV đến từ 55 CLB của 41 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, các võ sinh CLB Karate-do Hương Thủy đã xuất sắc đóng góp 4 huy chương vào thành tích chung của đoàn Thừa Thiên Huế. Ngoài HCV nội dung Kata đồng đội nam của Nguyễn Thanh Tân, Đoàn Khánh Long và Lê Nguyễn Hoàng Long, các VĐV CLB Karate-do Hương Thủy còn giành 1 HCB nội dung Kata cá nhân nam và 2 HCĐ Kumite cá nhân nữ và Kata hỗn hợp.

Đánh giá về người từng là VĐV năng khiếu tuyển Karate-do, Trưởng bộ môn Karate-do tỉnh Lê Văn Lộc cho biết, CLB Karate-do Hương Thuỷ tuy quy mô không lớn nhưng khả năng trong đào tạo, uốn nắn, rèn luyện học trò được các đồng môn đánh giá rất cao, cũng như những năm gần đây, CLB luôn có VĐV nằm trong top 3 vị trí dẫn đầu ở các giải cấp tỉnh.

“Năm 2019, từ việc tổ chức giải Karate Hương Thuỷ mở rộng đã cho thấy, võ sư Lê Duy Trung nói riêng, CLB Karate-do Hương Thuỷ nói chung luôn mong muốn lan toả phong trào, giúp võ sinh tăng cường cọ xát, học hỏi kinh nghiệm để hướng đến những thành tích cao hơn. Đây cũng chính là một trong những điểm được các sư huynh đệ ủng hộ và mong muốn Trung tiếp tục phát huy”, Trưởng Bộ môn Karate-do tỉnh Lê Văn Lộc nhận xét. (baothuathienhue.vn 07/12)

 
 
NÔNG NGHIỆP
 

1.  Nông nghiệp đô thị: Nhìn từ mô hình hoa phong lan

- Mô hình trồng hoa phong lan của anh Phan Khắc Thanh, hội viên nông dân Chi hội Nông dân 7, Hội Nông dân (HND) phường An Hòa (TP. Huế) góp phần phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP. Huế.

Anh Phan Khắc Thanh cho rằng, trước đây, đại đa số người dân làm nghề sản xuất nông nghiệp, cấy lúa và gieo trồng các loại hoa màu. Quá trình đô thị hóa của tỉnh, thành phố, đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Anh Thanh luôn trăn trở làm thế nào để đảm bảo cuộc sống gia đình, thoát khỏi khó khăn, đói nghèo. Nhiều ý tưởng hình thành, nhưng anh đều gặp khó khăn, cản trở về nguồn vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, thời tiết, khí hậu, năng xuất, chất lượng và đầu ra sản phẩm.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm-Đại học Huế với niềm đam mê, yêu loài hoa phong lan trước đó nên dù làm công việc gì, anh cũng dành thời gian để tìm hiểu về loài hoa này.

Sau một thời gian chơi, sưu tầm và đúc kết được một số kinh nghiệm; đồng thời nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu của xã hội (đầu ra cho sản phẩm), anh nhận thấy đây là cơ hội xây dựng, phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh loài hoa này.

Năm 2011, vườn lan đầu tiên chỉ khoảng 50m2 với một số chủng loại, số lượng hoa còn hạn chế, chủ yếu phục vụ theo sở thích cá nhân. Nhưng sản phẩm lại bán được với giá khá cao, phục vụ nhu cầu chơi hoa lan ngày càng phát triển không những chỉ ở TP. Huế mà còn ở nhiều địa p

Năm 2012, với ý tưởng kết nối những người yêu thích, đam mê hoa lan, anh Thanh thuê mặt bằng mở quán cà phê Ý Lan tại 89 Lê Huân làm điểm sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, anh chuyển việc chơi hoa lan phục vụ sở thích cá nhân sang chuyên sản xuất kinh doanh.

Từ khi vườn lan được thành lập, anh không ngừng mở rộng diện tích, chủng loại phục vụ nhu cầu của thị trường lan ngày càng phong phú, đa dạng. Tính đến nay, tổng diện tích vườn lan khoảng 1.500m2, gồm 50 chủng loại khác nhau với hơn 30 ngàn cây các loại; trong đó giả hạc chiếm 80%.

Để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cung ứng thị trường, anh Thanh đầu tư sản xuất nhiều chủng loại hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao như giả hạc rừng các vùng miền, giả hạc 5 cánh trắng…

Hàng năm, với việc cung cấp giống lan cho thị trường từ Bắc vào Nam, anh Thanh đạt lợi nhuận 450 triệu đồng. Nhờ nắm bắt xu thế thị hiếu của khách hàng để đón đầu thị trường, anh mạnh dạn nhập các loài hoa lan đáp ứng nhu cầu thị trường như nghinh xuân, đại hồ điệp…

Nhờ kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, gia đình anh từ kinh tế ở mức bình thường, có phần khó khăn giờ vươn lên khá giả. Cơ sở sản xuất lan còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục người dân ở địa phương; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nhiều cá nhân, hội viên nông dân của phường An Hòa, Hội Nông dân TP. Huế và một số địa phương khác.

Anh Thanh chia sẻ: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, bản thân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng kiến xây dựng, phát triển mô hình có hiệu quả. Sử dụng hệ thống phun sương tưới tiêu tự động nhằm giảm thời gian, sức lao động. Sử dụng các mái che mưa, nắng, hướng gió, quạt thông gió… đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Thanh còn đưa hệ thống ánh sáng đèn led nông nghiệp vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây.  Cải tiến hệ thống ròng rọc để tiết kiệm thời gian, sức lao động trong quá trình vận chuyển. Tận dụng diện tích sân, vườn, mái nhà để thiết kế, bố trí giàn lan nổi, nhiều tầng. Qua đó, tiết kiệm tối đa diện tích nhưng đạt hiệu quả cao nhất...

Chủ tịch HND TP. Huế, bà Nguyễn Thị Bích Tuyết đánh giá cao mô hình sản xuất kinh doanh hoa phong lan của anh Thanh. Từ một số mô hình sản xuất, kinh doanh hoa phong lan đầu tiên như của anh Thanh, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn TP. Huế đã học tập, nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, trên địa bàn TP. Huế có đến hàng trăm mô hình hoa phong lan quy mô vừa, nhỏ của hội viên nông dân, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị Huế. Mô hình hoa phong lan còn góp phần tô đẹp cho vườn nhà, sắc diện đô thị Huế trước yêu cầu xây dựng thành phố hoa, hưởng ứng phong trào "Chủ nhật xanh" của tỉnh. (baothuathienhue.vn 07/12)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Thừa Thiên Huế tái thiết hạ tầng du lịch

Sau đợt bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung, các địa phương gấp rút chuẩn bị tái thiết cơ sở hạ tầng thúc đẩy nhịp độ kinh tế du lịch trong tháng cuối năm 2020. Du khách đến Huế thích thú tái ngộ con đường đi bộ bằng gỗ lim bên bờ sông Hương sau những ngày bị ngâm trong nước lũ vẫn còn nguyên vẹn, báo hiệu đời sống văn hóa du lịch của Huế cũng như Bắc Trung bộ sẽ sớm trở lại.

Điều vui mừng là đường đi bộ bên bờ sông Hương được xây dựng như một cây cầu bên bờ Nam sông Hương, ngang dưới chân cầu Trường Tiền vẫn còn nguyên vẹn, vững chãi và không có dấu hiệu bị biến dạng, xuống cấp và hư hỏng. Trước đó, tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay, không chỉ bị ngâm trong nước lũ, con đường bị rác cuốn lẫn bùn đất phủ lên dẫn đến ngưng trệ hoạt động nhiều ngày.

Trong số rất nhiều công trình kiến trúc, cơ sở vật chất, di tích lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế trải qua biến động thời tiết dữ dội chưa thể xác định được mức độ hư hại, con đường này tái hoạt động gần như ngay lập tức khiến khả năng hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng trong tháng 12 năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Mặt đường lát gỗ lim hiện đã được dọn dẹp sạch sẽ và trở lại nhịp sống bình thường, tiếp tục tô điểm cho sông Hương và mang du khách trở lại Huế như địa phương này kỳ vọng sự kết nối từ ý nghĩa của cây cầu.

Cần nói thêm rằng, đường đi bộ bên sông Hương đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 có kết cấu bê tông cốt thép, dạng cầu bám bờ Nam sông Hương, mặt đường lát gỗ lim dày 5cm là loại gỗ chịu nước và độ bền cao. Toàn bộ lượng gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi, với kinh phí do Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam. Con đường là quà tặng của Chính phủ Hàn Quốc, biểu tượng cho quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị, tôn vinh văn hóa của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc. Có thể do ý nghĩa to lớn của công trình nên quá trình thi công đã được giám sát chặt chẽ, chất lượng đạt chuẩn công trình văn hóa, kiến thiết du lịch quốc tế, độ bền vững thách thức với biến động về thiên tai.

Mùa bão lũ miền Trung năm nay khiến công trình trải qua thách thức lớn nhất từ khi ra đời. Địa phương cũng thở phào nhẹ nhõm vì độ bền và tính thẩm mỹ của công trình cũng như khả năng ứng phó với thiên tai đã được nhận định từ khi xây dựng. Đây cũng là tiêu chuẩn hàng đầu của những công trình được sử dụng làm hạ tầng du lịch trong bối cảnh sự khắc nghiệt về thời tiết có thể gia tăng theo tiến trình biến đổi khí hậu mỗi năm. Công trình được tính toán thích ứng với thời tiết, nếu nước lũ dâng cao hơn bề mặt thì mặt sàn gỗ sẽ chìm dưới nước, quá trình ngâm nước đó không ảnh hưởng đến độ bền của công trình.

Từ thử thách bền vững đối với con đường này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có thêm quyết tâm thực hiện đầu tư dự án xây kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương, đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Đây là đoạn sông Hương trong lòng thành phố, chảy qua nhiều di tích lịch sử thường được du khách tham quan. Kè bờ sông dài 2,7km, trong đó, đoạn từ Km0 đến Km0+202,7m sẽ xây kè mái nghiêng. Đỉnh kè thay đổi theo mặt đất tự nhiên kết hợp với chỉnh trang không gian ven sông. Mái kè từ chân đến cao trình gia cố bằng đá chẻ lát khan dày 20cm trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép. Công trình kè sông Hương được tính toán để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bão lũ và chịu sự tác động của dòng chảy sông 2 bên bờ. Đây là công trình quan trọng trong thành phố, ảnh hưởng trực tiếp tới các công trình khác ven sông và đời sống du lịch, đời sống dân cư ở đây, đòi hỏi độ thích ứng cao.

Đoạn kè từ km0 đến km2 có chiều dài gần 1,9km được kết cấu dạng tường đứng bê tông trọng lực. Chiều cao thân kè 1,5m có kết cấu bê tông và được gia cố móng bằng hệ thống cọc tre, đỉnh kè trồng cổ, thân kè kết cấu cọc ván bê tông đóng chen khít và chỉnh trang phù hợp với cảnh quan, môi trường. Đặc biệt, công trình bảo đảm độ bền vững, chống chọi với khí hậu thời tiết có thể biến đổi gia tăng sự thất thường trong những năm tới.

Tuyến đường đi bộ và xe đạp có điểm đầu nối vào đường đi bộ chùa Thiên Mụ và điểm cuối nối vào cầu Kim Long tạo nên một vòng tròn kết nối 2 bờ sông Hương và nối các điểm tham quan trong Cố đô Huế. Huế trở thành một đô thị kiểu mẫu du lịch, ngày càng sạch, văn minh đô thị được củng cố, cảnh quan hiện đại pha lẫn với nét cổ kính trầm mặc vốn có.

Độ bền của các công trình hạ tầng du lịch có tính chất quyết định đến quy mô quy hoạch cảnh quan thành phố và khả năng lấy lại nhịp độ du lịch của mỗi địa phương. Đường đi bộ bên bờ sông Hương được coi là công trình đáp ứng được nhu cầu này.(bienphong.com.vn 07/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Loan tin bị cướp để xin tiền con... trả nợ

Công an thị xã Hương Thủy, tỉnh TT- Huế vừa điều tra làm rõ vụ việc một người phụ nữ ở địa phương này trình báo tin giả về việc bị khống chế, cướp tài sản với số tiền 117 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 26/11, Công an thị xã Hương Thủy nhận được trình báo của bà Nguyễn Thị Hà (SN 1967, trú tổ 5, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh TT- Huế) về sự việc bà bị cướp tiền. Theo đơn trình báo của bà Hà, vào khoảng 19h cùng ngày, bà Hà đang ở nhà một mình thì bị một đối tượng nam không rõ lai lịch vào nhà, dùng chày gỗ đánh vào đầu, khống chế và dùng băng keo trói lại để cướp 117 triệu đồng.

Sau khi nhận tin báo, Công an thị xã Hương Thủy đã vào cuộc xác minh, điều tra. Theo kết quả của cơ quan chức năng, việc bà Hà trình báo bị cướp tài sản là không có thật. Cơ quan Công an xác định, do nợ nần nên bà Hà nảy sinh ý định giả vờ bị cướp để xin tiền con trả nợ.

Theo khai nhận của bà Hà, vào khoảng 11h ngày 26/11, bà Hà vào nhà tắm bị ngã, đầu va vào tường bị sưng, lợi dụng việc này nên bà Hà lấy băng keo tự quấn chân, tay, đầu, bụng để giả vờ bị trói.

Đến 19h10 cùng ngày, chị Phạm Thị T. (SN 1980, trú tổ 3, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) làm cùng Công ty đến đón bà Hà đi làm. Lúc này bà Hà giải vờ khóc lóc, kể lại chuyện bị cướp nên chị T. gọi điện cho em dâu bà Hà đến và trình báo Công an.

Xét thấy bà Nguyễn Thị Hà có hành vi “Báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, Công an thị xã Hương Thủy đã chuyển hồ sơ để Công an phường Phú Bài củng cố hồ sơ xử lý vụ việc. Ngày 7/12, Công an phường Phú Bài ra quyết định xử phạt hành chính bà Hà số tiền 750 nghìn đồng theo quy định điểm b, khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. (baophapluat.vn 07/12; baogiaothong.vn 07/12; tienphong.vn 07/12; plo.vn 07/12; nld.com.vn 07/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Đại gia Thái Lan tung tiền mua thêm dự án điện mặt trời ở Huế

Công ty Gunkul Engineering của Thái Lan đã bỏ ra 1,26 tỷ bạt (khoảng 39,9 triệu USD) để tiếp quản nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên - Huế.

Sáng nay, 7-12, tin từ Bộ Công Thương cho biết Công ty Gunkul Engineering của Thái Lan đã bỏ ra 1,26 tỷ bạt (khoảng 39,9 triệu USD) để tiếp quản nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bà Sopacha Dhumrongpiyawut, Giám đốc điều hành của Công ty Gunkul Engineering, cho biết công ty đã trở thành cổ đông duy nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (DST) có trụ sở tại thành phố Huế và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50 MW.

Cũng theo chia sẻ của giám đốc điều hành công ty này, thương vụ mau bán và sáp nhập được ký kết vào tuần trước bao gồm việc mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co, công ty con của BS Industry Service Co có trụ sở tại Bangkok và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.

"Việc mua lại cổ phần của công ty Đoàn Sơn Thủy nằm trong chiến lược đầu tư lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam của Công ty Gunkul Engineering, đồng thời góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy tăng trưởng về quy mô tài sản cũng như hoạt động của công ty" - bà Sopacha Dhumrongpiyawut thông tin.

Được biết, Công ty Đoàn Sơn Thủy là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Phong Điền II tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhà máy có tổng công suất 50MW, vừa hoàn thành xây dựng và dự kiến sẽ kết nối với lưới điện quốc gia theo hợp đồng mua bán điện với giá 7,09 US cent/kWh trong 20 năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào ngày 15-12 tới.

Trước đó, vào những tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Super Energy (Thái) thông báo mua lại bốn dự án điện mặt trời tại VN với tổng công suất 750 MW.

Đây là các dự án điện mặt trời nằm ở tỉnh Bình Phước, đang được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua điện trong vòng 20 năm. Tổng số tiền bỏ ra để mua lại các dự án này là 457 triệu USD.

Tập đoàn BG Container Glass (BGC), nhà sản xuất bao bì lớn nhất Thái Lan, mới đây cũng cho hay đang có giao dịch với các nhà đầu tư tại VN để mua các trang trại điện mặt trời với giá trị giao dịch dao động 800-1.600 tỉ đồng.

Ông Silparat Watthanakasetr, Giám đốc điều hành BGC, giải thích quyết định đầu tư vì VN đang có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện lớn trong tương lai. (plo.vn 07/12)

 
 
 

2.  Kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm 4/11 cung cấp nhiều giải pháp từ Liên minh Chuyển đổi số DTS và các chuyên gia.

Sự kiện "Kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Thừa Thiên Huế" do Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị tổ chức. Chương trình đã thu hút đông đảo các thành phần tham dự với nội dung hữu ích và thực tế cho doanh nghiệp.

Sự kiện nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp khác. Chương trình hỗ trợ tìm kiếm các đơn vị phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đồng thời giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ đề xuất, giải pháp kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Đơn vị sản xuất sản phẩm tham gia hội nghị kết nối sẽ có gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ được chia sẻ về giải pháp bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc triển khai thương mại điện tử của các tỉnh thành còn yếu và chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Hầu hết, các doanh nghiệp đã được tác động, thay đổi tư duy và nhận thấy cơ hội của thương mại điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai như thế nào để đạt hiệu quả là vấn đề đối với mỗi doanh nghiệp. Thiếu hụt về nguồn vốn và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hạn chế là những khó khăn cản trở sự phát triển của thương mại điện tử tại các tỉnh thành. Vì vậy, các Sở, ban ngành và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sẽ phối hợp để cải thiện, khắc phục và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thương mại điện tử tại các tỉnh thành trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Khanh - Trưởng đại diện Chi hội Thương mại điện tử Đà Nẵng chia sẻ mục tiêu kết nối thương mại trong khuôn khổ chương trình. Tiếp nối hội thảo là giải pháp chợ phiên online cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải pháp mới do Liên minh Chuyển đổi số DTS cung cấp được xem là điểm nhấn nổi bật tại hội nghị lần này.

"Với mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp truyền thống được trải nghiệm hình thức vận hành mua bán trên sàn thương mại điện tử, đem lại doanh thu và lợi nhuận thực tế. Chợ phiên online là giải pháp cần thiết, hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng trải nghiệm, ứng dụng thương mại điện tử để tạo đột phá doanh thu", ông Leon Trương - Chủ tịch Liên Minh Chuyển đổi số DTS chia sẻ.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản... của Thừa Thiên Huế cũng được đánh giá phù hợp với tiêu chí của chợ phiên online. Doanh nghiệp quảng bá, bán sản phẩm trên sàn trực tuyến và người tiêu dùng mua sắm sản phẩm chất lượng an toàn, tiện lợi. Giải pháp này giúp doanh nghiệp ứng phó trước diễn biến phức tạp, đáp ứng thực hiện các quy định phòng chống Covid-19, đảm bảo sự ổn định so với hình thức mua bán truyền thống trước đây.

Những tác động tích cực từ trải nghiệm bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử sẽ là nguồn động lực mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số, hội nhập với sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam và toàn cầu.

Sau cùng là phần tọa đàm chia sẻ nhu cầu, khó khăn và kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh, trao đổi các yêu cầu về tiêu chí hàng hóa khi đưa vào hệ thống các siêu thị, điểm bán hàng, phương pháp chăm sóc khách hàng 4.0 đa nền tảng và chiến thuật tăng doanh số hiệu quả. Cùng với đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng địa phương. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Sở Công Thương, đại diện nhà phân phối và doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group - Phó trưởng ban đào tạo VECOM và ông Đinh Thái Hà - CEO Công ty Công nghệ ViHAT.

Sau các nội dung được trình bày và chia sẻ thực tế từ các diễn giả là hoạt động kết nối tiêu thụ. Thông qua chương trình trực tiếp tại hội nghị, các nhà phân phối, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất được giao lưu, kết nối và thúc đẩy hoạt động mua bán giữa các đơn vị. Ngoài ra, hội nghị cũng hỗ trợ tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và nâng cao thương hiệu đặc sản địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, bán hàng trên sàn thương mại điện tử là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh truyền thống lâu đời. Với hình thức mua bán trực tuyến này giúp doanh nghiệp vận hành ổn định, tăng trưởng doanh thu và hạn chế những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh. (vnexpress.net 07/12)

 
 
 

3.  Gói vay vốn trả lương: Nới lỏng vẫn khó tiếp cận

Doanh nghiệp (DN) đầu tiên trên địa bàn đã tiếp cận được với gói vay vốn trả lương ngừng việc đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn

Sau khi nới lỏng các hồ sơ, thủ tục cho vay so với quy định cũ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với gói vay vốn trả lương ngừng việc đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công ty CP Dệt may Thiên An Thịnh là DN đầu tiên trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách này.

Ra đời từ năm 2014, Công ty CP Dệt may Thiên An Thịnh đã giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương. Thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, số lượng đơn hàng suy giảm khiến doanh thu của công ty suy giảm theo. Để giữ chân lượng lao động lành nghề, công ty phải vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo thu nhập cho người lao động, tuy nhiên về sau, DN vẫn phải cho một số lao động nghỉ việc.

Theo ông Hoàng Nhuận, Giám đốc Công ty CP Đầu tư dệt may Thiên An Thịnh, trong tháng 4 DN này phải cho hơn 204 lao động phải nghỉ việc do thiếu hụt đơn hàng, trong đó 198 lao động được đóng bảo hiểm xã hội. Số lao động đang hoạt động tại nhà máy là 253 công nhân. Vừa qua, với sự chủ động tiếp cận của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TX. Hương Thủy, chúng tôi tiếp cận được chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH. Theo đó, công ty đã vay vốn với số tiền 339 triệu đồng trả lương cho 198 lao động, thời gian vay vốn là 12 tháng. Với lãi suất vay 0% phần nào giảm bớt khó khăn cho DN trong thời gian khó khăn này.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Hương Thủy - Châu Đình Ngữ, để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, phòng giao dịch đã kịp thời tuyên truyền và phổ biến chính sách hỗ trợ vay, phân công từng cán bộ tín dụng chủ động tiếp cận với người sử dụng lao động lao động trên địa bàn. Sau khi rà soát, người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, cán bộ tín dụng sẽ hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn vay một cách thuận lợi nhất.

Khó tiếp cận

Thủ tục, hồ sơ, điều kiện được nới lỏng. Người sử dụng lao động được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ các điều kiện có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2020; có doanh thu quý I-2020 giảm 20% trở lên so với quý IV-2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Theo ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, mức cho vay tối đa một tháng của một khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc. Mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Ngân hàng CSXH cho vay trực tiếp đến khách hàng và khách hàng không phải thực hiện đảm bảo tiền vay.

Một trong những yêu cầu bắt buộc của chương trình này chính là khách hàng tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay.

Chi nhánh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người sử dụng lao động. Dự kiến, nguồn vốn cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động gần 13,5 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đã phân công cán bộ tiếp cận hơn 300 doanh nghiệp để tuyên truyền và tư vấn, hướng dẫn về điều kiện, hồ sơ thủ tục cho vay.

Dù nới lỏng rất nhiều, nguồn vốn cũng đã sẵn sàng, song nhiều DN cho rằng, những chính sách trên vẫn “làm khó” DN.

Một DN cho rằng, nói điều kiện vay được nới lỏng song vẫn không dễ vay. Thậm chí, vị này còn cho rằng chính sách này cởi nhưng chưa mở với DN gặp khó.

“Dù khó khăn song DN vẫn phải tạo điều kiện cho nhân viên có việc làm, có thu nhập bằng cách cho nhân viên làm việc cách ngày, cách tuần nên điều kiện “người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên” rất ít DN đáp ứng. Chưa nói để vay vốn, DN không được nợ BHXH ” DN này bộc bạch.

Theo lý giải của đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, những điều kiện ràng buộc trên nhằm hạn chế tình trạng trục lợi chính sách. Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, tiếp cận với các DN trên địa bàn nhằm hỗ trợ DN vượt khó. (baothuathienhue.vn 08/12) 

 
 
 

4.  Dự án về văn hóa, du lịch đạt giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức trao giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020. Trong số 6 dự án được trao giải thưởng khởi nghiệp, có đến 4 ý tưởng, dự án ở lĩnh vực văn hóa và du lịch.

Cụ thể, ngoài giải Nhất thuộc về dự án “AIQuant - Hệ thống phân tích dữ liệu thông minh tự động AL” của tác giả Nguyễn Phương Duy, các giải Nhì được trao cho 2 dự án về lĩnh vực du lịch, gồm: Dự án “Hệ sinh thái du lịch dựa vào cộng đồng và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế” của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ YESHUE ECO và dự án “Ứng dụng Mobile Hue-Trippal” của tác giả Thái Hoàng Lâm và cộng sự.

Dự án “Ứng dụng Mobile Hue-Trippal” là ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone được thiết kế riêng cho du khách đến Huế với các thông tin chi tiết, có tính bản địa cao. Ứng dụng này giúp du khách tối ưu hành trình tham quan, làm giàu trải nghiệm trong thời gian khám phá Cố đô. Dự án này được kỳ vọng sẽ là một giải pháp khả thi góp phần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong số 3 dự án đạt giải Ba của cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 cũng có 2 dự án về văn hóa - du lịch, gồm: Dự án “Dân ca Huế trong hòa tấu cổ điển” và “Phát triển sen Huế gắn với chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại làng cổ Phước Tích”.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh, 3 dự án khác cũng đã được trao giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. (baovanhoa.vn 07/12)

 
 
 

5.  Sẽ có những ưu đãi lớn cho hệ thống bảo tàng tư nhân

- Ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hoàn thành việc xây dựng đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập giai đoạn 2021-2030” nhằm khuyến khích sự ra đời và phát triển, nâng cao chất lượng của các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn. Đề án này dự kiến sẽ trình HĐND thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Tính đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); 3 bảo tàng thuộc Sở VHTT là Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung (thuộc Sở KHCN, được thành lập nhưng chưa có trụ sở chính thức)… Ngoài ra có 2 bảo tàng ngoài công lập (hay bảo tàng tư nhân) là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thành lập năm 2012 tại 114 Mai Thúc Loan - TP Huế và Bảo tàng Thêu XQ thành lập cuối năm 2016, tại trục đường Lê Lợi, ven bờ Nam sông Hương.

Các bảo tàng tư nhân ra đời đã hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch, góp phần làm đa dạng hóa không gian trưng bày, thu hút khách tham quan… Tuy nhiên, nếu để “tự thân vận động” thì các bảo tàng tư nhân cũng gặp không ít khó khăn; cơ chế, chính sách ưu đãi cho loại hình thiết chế văn hóa này chưa được cụ thể hóa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao ngành Văn hóa địa phương nghiên cứu và xây dựng đề án cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT thông tin, theo khảo sát, tại Huế hiện có gần 20 nhà sưu tầm đang lưu giữ nhiều bộ cổ vật độc đáo, và dự tính các nhà sưu tầm này có khả năng sẽ thành lập hoặc phối hợp với các cá nhân, đơn vị khác để thành lập bảo tàng ngoài công lập. Dự kiến, trong vòng 10 năm tới (từ 2021 đến 2030) sẽ có khoảng 5-7 bảo tàng ngoài công lập ra đời tại Huế. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hệ thống trưng bày tại vùng đất giàu tiềm năng về di sản văn hóa như Huế. Trước mắt, UBND tỉnh đang kêu gọi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng 2 bảo tàng ngoài công lập phù hợp với các đề án và định hướng phát triển của tỉnh là: Bảo tàng Ẩm thực và Bảo tàng Áo dài. Về Bảo tàng Ẩm thực, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Vietravel đang nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng.

Theo đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập vừa được xây dựng, có 5 nội dung mà tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ gồm: chính sách hỗ trợ về thuê đất; hỗ trợ về quy hoạch; công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ công tác quảng bá; và hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng cho mỗi bảo tàng. “Vấn đề hỗ trợ quy hoạch là rất quan trọng. Cho đến nay, gần như tất cả các bảo tàng tư nhân ở Việt Nam và cả trên thế giới không thể tự sống dựa vào nguồn bán vé tham quan, mà phải có khai thác dịch vụ đi kèm. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ việc thuê đất, thuê mặt bằng thì cũng cần có hỗ trợ quy hoạch cho nhà đầu tư những vị trí xứng đáng để thuận lợi kết nối các tour tuyến, đón du khách và khai thác được các dịch vụ. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng đề án chính sách hỗ trợ đối với bảo tàng ngoài công lập”, ông Phan Thanh Hải nói.

Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chính sách nói trên khoảng 8 tỉ đồng (trong giai đoạn 2021-2030), riêng chính sách hỗ trợ về thuê đất, ngoài căn cứ các quy định của pháp luật còn phụ thuộc tình hình thực tế của địa phương ở từng thời điểm. Dù nguồn kinh phí không phải lớn, song việc hoạch định cụ thể từng nội dung hỗ trợ nói trên là bước đi thuận lợi, chính đáng cho các bảo tàng tư nhân hiện nay và các bảo tàng tư nhân sẽ thành lập trong thời gian tới. (baovanhoa.vn 07/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.453.661
Truy cập hiện tại 1.029