TIN NÓNG
1. Điều rất đáng sợ!
Như vậy là sau những chuyện xảy ra ở thủy điện Thượng Nhật (tỉnh Thừa Thiên - Huế), dư luận lại tiếp tục "nóng" với việc xả lũ của 2 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Nông).
Theo thống kê sơ bộ, những ngày đầu tháng 12, trên sông Krông Nô có khoảng 160 lồng bè cá của dân thiệt hại do nhà máy thủy điện bất ngờ xả lũ. Tương tự, đoạn sông Sêrêpốk qua huyện Cư Jút cũng thiệt hại 25 lồng bè cá. Tổng thiệt hại ước tính 60 tỉ đồng và hơn 10 tỉ đồng thiệt hại do cây trồng bị ngập lụt.
May là không thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản như vậy đã rất lớn đối với dân tỉnh nghèo như Đắk Nông. Trong buổi thị sát vào ngày 5-12 tại khu vực thủy điện xả lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - ông Lê Trọng Yên - đã yêu cầu UBND 2 huyện bị thiệt hại là Krông Nô và Cư Jút trích ngân sách hỗ trợ trước mắt để dân sớm ổn định cuộc sống. Ông Yên cũng khẳng định với báo chí "sẽ kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các ban quản lý dự án thủy điện như Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah xem xét hỗ trợ, tránh thiệt hại cho người dân".
Như vậy, nếu Đắk Nông làm tròn trách nhiệm thì những thiệt hại của dân sẽ có cơ hội được hỗ trợ phần nào. Chưa kể, nếu phát hiện có việc cố tình làm sai quy định vận hành hồ chứa, xả lũ thì những thiệt hại của dân sẽ phải được bồi thường chứ không thể giản đơn là hỗ trợ.
Nhưng việc xả lũ của thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah vừa qua có sai quy trình không? Dù việc đã xảy ra qua vài ngày nhưng lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các huyện bị thiệt hại vẫn chưa khẳng định được, mới ở mức chỉ đạo làm rõ xem quy trình vận hành hồ chứa, xả lũ có bảo đảm đúng quy định hay không mà thôi?
Ở một diễn biến khác, báo chí cho biết ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp, khẳng định: "Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk, việc thông tin không đến được với người dân, gây thiệt hại cho người dân là điều đáng tiếc".
Như vậy là rõ: Trong chuyện xả lũ này đã có việc "thông tin không đến được với người dân". Đây chính là mấu chốt của hậu quả sau đó là "gây thiệt hại cho người dân".
Cần nhớ là căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BCT (ngày 8-7-2019) về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Thông tư này quy định rõ chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm thống nhất với UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành xả lũ tại vùng hạ du, những trường hợp phải cảnh báo, thời điểm cảnh báo, hình thức cảnh báo... kể cả trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan việc cảnh báo.
Vậy trong trường hợp này, vì đâu và vì ai mà thông tin xả lũ "không đến được với người dân" 2 huyện Krông Nô và Cư Jút? Câu trả lời là không khó đối với chính quyền tỉnh Đắk Nông và các huyện liên quan.
Và thưa ông Nguyễn Đức, đây là điều rất "đáng sợ" chứ không chỉ "đáng tiếc" đâu! (nld.com.vn 07/12)
2. TP Huế: Gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm
Hiện nay, tại thành phố Huế, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số trục đường chính xảy ra khá phổ biến vào giờ cao điểm và đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, nhất là ô tô con đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng ùn tắc. (phóng sự ngắn TRT Huế 06/12)
3. Bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ thủy điện Hương Điền
Trong những ngày qua, do mưa lớn khu vực hạ lưu hồ Hương Điền đã xảy ra sạt lở phía hạ lưu vai trái đập, vị trí điểm sạt lở cách chân đập Thủy điện Hương Điền 60-200m.
Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, để bảo đảm an toàn công trình và hạ du, ngày 6-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có Văn bản số 200/TW-PCTT về việc bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ thủy điện Hương Điền gửi Bộ Công Thương, Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị chỉ đạo chủ hồ triển khai việc theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ và tổ chức vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du. Tổ chức cắm biển cảnh báo, quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá ảnh hưởng sạt lở tới công trình thủy điện Hương Điền và an toàn phía hạ du. (qdnd.vn 06/12)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Nhân lực cho thành phố trực thuộc Trung ương - kỳ 1: Thực trạng về đội ngũ cán bộ
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Để thực hiện nghị quyết này đòi hỏi phải có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi hình thành các đô thị tương lai.
Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đông nhưng chưa mạnh. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhất là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế; không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện.
Đông nhưng chưa mạnh
TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Thừa Thiên Huế đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số khó khăn đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu các chuyên gia đầu ngành và năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các xã miền núi, vùng nông thôn.
Qua tìm hiểu thực tế, cán bộ cấp cơ sở trong tỉnh dần được chuyển giao từ thế hệ “cũ” sang thế hệ “mới” nên có sức khỏe và năng động, được đào tạo khá bài bản về trình độ chuyên môn.
Tuy vậy, trình độ lý luận chính trị và kinh nghiệm lãnh, chỉ đạo điều hành còn hạn chế nên ít nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Cũng có không ít cán bộ quá “táo bạo” trong giải quyết công việc, ít am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ nên dễ dẫn đến những sai lầm không đáng có, làm mất đi hình ảnh người cán bộ, đảng viên.
Dẫn chứng của Ban Nội chính Tỉnh ủy, mặc dù Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện Đề án chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC nằm trong danh mục định kỳ phải chuyển đổi để phòng ngừa tham nhũng giai đoạn 2017 – 2020, thế nhưng, vẫn có cán bộ cấp xã, phường, thị trấn bị kỷ luật. Đơn cử như Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (Phú Vang); Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Hòa; cán bộ chính sách phường Thuận Hòa (TP. Huế); Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư – Dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý Chân Mây – Lăng Cô… bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật.
Hay nhìn từ huyện Phong Điền, tuy được Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền) thì: “Bên cạnh đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cấp xã làm việc chuyên môn tốt, vẫn còn không ít cán bộ làm việc máy móc nên hiệu quả giải quyết công việc ở cơ sở không cao. Một số cán bộ cấp huyện giải quyết công việc còn thiếu khoa học, nặng về kinh nghiệm là chính; chưa chủ động tiếp dân, ít dành thời gian trực tiếp về cơ sở, phương pháp làm việc chưa khoa học, chưa lập kế hoạch công tác phù hợp nên ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình quản lý và lãnh đạo, điều hành công việc ở cơ sở”.
“Một số nơi vẫn còn tình trạng cán bộ đi học theo kiểu “chạy” bằng cấp để đủ tiêu chuẩn theo quy định; nhiều cán bộ dù đã đạt chuẩn nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống, chưa chịu khó học tập, rèn luyện, thiếu sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng nhiệm vụ chính trị của địa phương nên chưa có những giải pháp tốt, mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ”, TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh nhận xét.
Thiếu cán bộ chất lượng cao
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Tuy chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đầu các ngành, lĩnh vực, cán bộ địa phương trong tỉnh không ngừng được nâng lên, nhưng ở các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch… vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được sự đột phá vượt bậc. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ trẻ còn thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn bị động, hẫng hụt. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy chưa toàn diện; phương thức lãnh đạo, phương pháp làm việc có nơi còn chậm đổi mới”.
“Xác định Huế là “thành phố Festival”, là “trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế chuyên sâu”, nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới thấy có quá nhiều khoảng trống, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao của các lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế. Ở cấp địa phương, chúng ta ít có những cán bộ đầu ngành trên các lĩnh vực chuyên môn sâu…”, Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông trao đổi.
Theo chia sẻ của PGS.TS. Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế, hiện tượng "chảy máu chất xám" do một số CBCC sau khi được cho đi đào tạo sau đại học đã bỏ cơ quan Nhà nước để đi làm việc cho các đơn vị liên doanh, tổ chức nước ngoài, hoặc đến những đơn vị có chế độ ưu đãi và thu nhập cao đã xảy ra trong nhiều năm, nhưng tỉnh vẫn chưa giải quyết một cách rốt ráo “bài toán” này”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa qua xác định, hướng đi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là phát triển theo những tiêu chí đặc thù để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà vẫn phát huy được các giá trị di sản, văn hóa riêng có của tỉnh: Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đây là những đặc thù riêng có của tỉnh so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy, đi kèm với những cơ chế đặc thù để phát triển khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của bộ máy mới, đô thị mới là vấn đề lớn đặt ra. Đó là đội ngũ cán bộ phải đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng. Chất lượng ở đây chính là “đủ sức làm chủ” bộ máy trực thuộc Trung ương.
“Muốn vậy, ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo, đào tạo lại thì đội ngũ CBCC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần năng động, sáng tạo mới đáp ứng yêu cầu quản lý các đô thị tương lai. Tư duy trong công tác cán bộ cũng được đổi mới, chú trọng tính dài hạn, chiến lược để khắc phục tình trạng hụt hẫng, bị động như hiện nay. Trong đó, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ và đội ngũ cán bộ dự nguồn”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ rõ. (baothuathienhue.vn 07/12)
2. Cuộc di dân lịch sử - Kỳ 3: Không còn là giấc mơ
Phóng sự ngắn TRT Huế 06/12
3. Kết nối tình hữu nghị Việt - Lào anh em
Bản Sê Sáp (huyện K’Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) nằm cách đường biên giới với Việt Nam chỉ khoảng 20 phút đi bộ. Từ bản Sê Sáp, người ta có thể nhìn thấy thấp thoáng những mái nhà của người dân xã Hồng Thái (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam). Qua năm tháng, mối thân tình Việt Nam - Lào nơi đây gắn bó như ruột thịt không chỉ bởi cùng chung một nguồn gốc dân tộc Vân Kiều mà còn vì trong gian khó, người dân 2 bên biên giới vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau…
Chúng tôi gặp ông Khăm Sin, Trưởng bản Sê Sáp ở đường biên giới Việt Nam - Lào gần Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái, Đồn Biên phòng Nhâm BĐBP Thừa Thiên Huế. Ông Khăm Sin đại diện chính quyền và người dân trong bản tới nhận quà chúc mừng Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào của Đồn Biên phòng Nhâm.
Năm nay thật là một năm đặc biệt bởi do dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Lào đóng cửa khẩu nên cũng như nhiều nơi, ở đây, mọi thứ đều dừng lại ở đường biên giới. Đây là lần đầu tiên, bản Sê Sáp đón khách đến chúc mừng ngày lễ Quốc khánh của đất nước tại đường biên.
Tuy nhiên, không vì thế mà mọi thứ diễn ra qua loa, mà ngược lại rất ấm cúng, thân mật vì ai cũng hiểu được tấm lòng của khách và của chủ nhà dành cho nhau. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, rồi mưa lũ triền miên, cuộc sống của người dân bản Sê Sáp gặp rất nhiều khó khăn, thiếu lương thực, thuốc men.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm là người đã giúp đỡ, kết nối với chính quyền địa phương, các đơn vị, nhà tài trợ để hỗ trợ cho nhân dân bản Sê Sáp. Chính các anh đã đề nghị UBND huyện A Lưới hỗ trợ cho bà con bản Sê Sáp 2 tấn gạo, 100 thùng mỳ tôm. Tháng 11 vừa rồi, Đồn Biên phòng Nhâm cũng kết nối với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để tặng cho bà con 1 tấn gạo cùng dầu ăn, mắm muối, đồ hộp và cả thuốc chữa bệnh.
Do mưa lũ kéo dài, đường lên biên giới bị sạt lở nhiều điểm nên Đoàn công tác của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Nhâm dùng xe máy để chở hàng từ Đập thủy điện A Lưới tới đường biên giới giữa 2 nước để từ đó, bà con bản Sê Sáp sẽ tới nhận.
Khi được hỏi về cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, ông Khăm Sin xúc động nói: “Gần 1 năm nay, do Chính phủ đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch Covid-19 nên đời sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không thể qua lại cửa khẩu để trao đổi hàng hóa. Sau đó lại mưa lũ triền miên, bà con trong bản không đi lao động được nên nhiều gia đình hết gạo ăn. Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm mà chúng tôi nhận được lương thực, thực phẩm từ các cơ quan, ban ngành đoàn thể của Việt Nam. Chúng tôi rất cảm ơn nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ người dân bản Sê Sáp vượt qua khó khăn này”.
Câu chuyện càng trở nên rôm rả hơn khi ai cũng muốn kể chuyện về việc mà những người lính Biên phòng Việt Nam đã làm cho bà con bản Sê Sáp. Ông Su Mây cho rằng: Để có được 1 bản Sê Sáp như bây giờ, có những căn nhà vững chãi, trường học, đường nước dẫn về tận bản là nhờ công rất lớn của Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm.
Suốt 1 năm trời, những người lính Biên phòng đã giúp bà con làm mấy chục ngôi nhà. Có nhà rồi, những người dân ở bản Sê Sáp bắt đầu tính chuyện phát triển kinh tế, để không còn cảnh thiếu đói, ăn sắn, măng rừng thay cơm. Lại một lần nữa, những người lính Đồn Biên phòng Nhâm đã giúp người dân bản Sê Sáp phát nương trồng lúa, trồng sắn, ngô, gừng giúp bà con có thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thực ra, ai cũng hiểu, để giúp người dân phát triển kinh tế bền vững là rất khó, bởi điều kiện địa hình dốc, đất canh tác hẹp và khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng, “khó không có nghĩa là không làm”, những người lính Biên phòng không chỉ tự lực mà còn kêu gọi sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể khác.
Năm 2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới phối hợp với Đồn Biên phòng Nhâm trao tặng gần 200 giống cây trồng và 460 con gà giống cho nhân dân bản Sê Sáp. Và rồi lại là những người lính Biên phòng giúp người dân trong bản làm chuồng, quây bạt che sương gió cho đàn gà phát triển.
Nếu đi từ bản Sê Sáp về trung tâm huyện K’Lừm hay tỉnh lỵ Sê Kông sẽ phải mất mấy ngày đường rừng. Thế nên mọi người thường chọn cách đi qua cửa khẩu Hồng Thái, về trung tâm huyện A Lưới, qua cửa khẩu quốc tế La Lay của tỉnh Quảng Trị cho thuận tiện. Ngay cả việc mua lương thực, nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân bản Sê Sáp cũng lựa chọn chợ ở thị trấn A Lưới.
Rồi việc khám chữa bệnh người dân bản Sê Sáp cũng được quân y Đồn Biên phòng Nhâm khám, chữa bệnh miễn phí, nặng hơn sẽ chuyển về Trung tâm Y tế huyện A Lưới hoặc ở thành phố Huế. Bởi thế mà ngay cả trong thời gian diễn ra dịch Covid- 19, cửa khẩu đóng theo quy định của Chính phủ 2 nước, lúc cần kíp, người dân Sê Sáp vẫn “trông cậy cả vào Đồn Biên phòng Nhâm”.
Và cứ như vậy, tình hữu nghị Việt Nam-Lào của người dân 2 bên biên giới ở đoạn biên giới này được bồi đắp ngày này qua tháng khác bởi những việc làm nghĩa tình như thế. (bienphong.com.vn 06/12)
4. Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội sau lũ
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho rằng, đứng trước những khó khăn, thách thức mới, các đơn vị cần nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tạo sức bật mới để đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho biết, năm 2020, do đại dịch COVID - 19 và thiên tai liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 của tỉnh có 10/14 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 2,06%. Giá trị sản phẩm ngành du lịch, dịch vụ giảm 0,79%. Tổng lượt khách du lịch gần 2 triệu lượt, đạt 39,2% kế hoạch. Công nghiệp - xây dựng tăng 6,2%. Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 1,3%. Thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn tỉnh có 62/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 64%.
Trong năm nay Thừa Thiên Huế đã thu hút 25 dự án đầu tư mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.450 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch. Có gần 700 doanh nghiệp thành lập mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký hơn 10.200 tỷ đồng. Thu hút 25 dự án đầu tư mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,67%.
Các đơn vị đã tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình 69-CTr/TU của Tỉnh ủy (khóa XV) và các nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án trình các bộ, ngành Trung ương theo quy định. Chỉ đạo quyết liệt việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế cơ bản bảo đảm tiến độ.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Các chỉ số về cải cách hành chính đều tăng bậc. Chỉ số PAR Index xếp vị thứ 13 (tăng 3 bậc); Chỉ số ICT xếp vị thứ 2 (tăng 3 bậc), Chỉ số PCI xếp vị thứ 20 (tăng 10 bậc), chỉ số PAPI xếp vị thứ 5 (tăng 38 bậc). Các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cả 3 cấp tiếp tục hoạt động hiệu quả. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trang thông tin điện tử.
Thực hiện 6 chương trình trọng điểm
Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó phấn đấu hoàn thành 13 chỉ tiêu chủ yếu. Thực hiện 6 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đó là Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh Thành Huế); Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình đề ra, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi kinh tế. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tạo sức bật mới để phát triển kinh tế - xã hội
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là; tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời tập trung khắc phục hậu quả bão lụt và các hoạt động hỗ trợ cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo công tác tìm kiếm các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Chuẩn bị chu đáo các chế độ, chính sách cho Tết nguyên đán sắp tới gần.
Đứng trước những khó khăn, thách thức mới, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị cần nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tạo sức bật mới để đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. (baotainguyenmoitruong.vn 07/12)
5. Bịt “lỗ hổng” trong phòng, chống dịch
Còn ca lây nhiễm lần này, chúng ta đã xác định nguy cơ và thực hiện các biện pháp cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà với đối tượng có nguy cơ.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước; thực hiện yêu cầu 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch; tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết…là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 30/11, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19; trong đó 1 ca lây nhiễm thứ phát trong khu cách ly và 3 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Điều đáng nói, đợt dịch đầu bùng phát là do chúng ta còn chưa biết nhiều về virus SARS-CoV-2. Trong đợt dịch thứ 2, điều bất ngờ là dịch bùng phát ngay trong bệnh viện - nơi tưởng chừng là an toàn. Dù không truy vết được F0, nhưng chúng ta có những biện pháp ứng phó quyết liệt, xem các F1 như F0 để có biện pháp dập dịch phù hợp.
Còn ca lây nhiễm lần này, chúng ta đã xác định nguy cơ và thực hiện các biện pháp cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà với đối tượng có nguy cơ. Tuy nhiên, do không chấp hành nghiêm quy định cách ly, BN 1342 không chỉ tiếp xúc với người thân, bạn bè mà còn tự ý ra ngoài ăn uống, đến trường học khiến dịch có nguy cơ lây nhiễm diện rộng cho cộng đồng. Đây là hành động cố ý chứ không còn vô tình nên cần được xử lý nghiêm. Theo thông tin được Vietnam Airlines công bố, đơn vị đã có quyết định tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải đối với nam tiếp viên là BN 1342 do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Chiều 3/12, Công an TP. Hồ Chí Minh họp báo công bố khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm đối với trường hợp này.
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12, điều đáng mừng, theo kết quả xét nghiệm được công bố sáng 2/12, cả 737 trường hợp F1 đều âm tính với SARS- CoV-2. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần tiếp tục theo dõi và giám sát chặt. Điều này không chỉ đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý người cách ly mà còn cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
Với Thừa Thiên Huế, có nhiều người làm ăn, sinh sống, thăm thân tại TP. Hồ Chí Minh trở về nên nguy cơ lây nhiễm SARS- CoV-2 là rất lớn. Hiện, qua rà soát, truy vết, Thừa Thiên Huế đã xác định 1 đối tượng F2 và12 đối tượng F3. Cả 13 người đều đã kiểm tra sức khỏe. Riêng trường hợp F2 đã xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính, hiện đang được cách ly tập trung.
Ngoài ra, tỉnh còn có cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đường sắt, đường bộ nằm trên tuyến Bắc - Nam; Bệnh viện Trung ương Huế; là địa chỉ du lịch hấp dẫn… nên cần thắt chặt việc kiểm soát người từ các vùng dịch vào địa phương, nhất là ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế. Thực tế thời gian qua, theo quan sát của chúng tôi, người dân rất chủ quan trong việc đeo khẩu trang nơi công cộng; việc kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn ở các siêu thị, nơi tập trung đông người, bệnh viện, nhà máy có phần buông lỏng.
Để việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngoài phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, sự tham gia của hệ thống chính trị cần sự tự giác chung tay của người dân. Với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch, ngoài các biện pháp hành chính cần xem xét xử lý hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để tăng sức răn đe. (baothuathienhue.vn 06/12)
VĂN HÓA
1. Lưu giữ, trao truyền nghệ thuật bài chòi
Xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) là một trong số ít địa phương ở Huế còn gìn giữ và duy trì lễ hội bài chòi - loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc biệt này, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động trình diễn, thành lập các CLB, ngành văn hóa và chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Quản lý di sản – Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức lớp tập huấn thực hành trình diễn bài chòi tại xã Thủy Thanh với sự tham dự của các nghệ nhân cao niên, cán bộ văn hóa xã, phường và giáo viên trên địa bàn thị xã.
Ngoài thông tin về lịch sử hình thành và quá trình phát triển nghệ thuật bài chòi, các học viên đã được nghệ nhân cao niên hướng dẫn, truyền đạt các kỹ năng, như: trình diễn, hô, rao, diễn xướng các làn điệu, nhất là những câu hò lưu truyền trong dân gian hay những câu rao do các nghệ nhân phóng tác, ứng tác, phương pháp làm quân bài…
“Khi còn nhỏ, tôi đã đi theo ông, cha để nghe những câu hò bài chòi. Chỉ sau một hai lần, bản thân đã thấy yêu thích, từ đó tôi học hỏi, sưu tầm, tự sáng tác những câu hò để trình diễn trong những dịp lễ hội và tập luyện cho con em ở địa phương, mục đích vừa nhằm lan tỏa, vừa tránh thất truyền nét văn hóa đặc sắc của bài chòi”, nghệ nhân Trần Duy Đối (xã Thủy Thanh) chia sẻ.
Bà Cái Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TX. Hương Thủy cho biết, ngoài mục đích tiếp tục lưu giữ, trao truyền và lan tỏa nghệ thuật bài chòi, lớp tập huấn này còn đặt ra mục tiêu làm thế nào để tính lan tỏa bền vững, được giới trẻ thật sự đón nhận, thật sự hiểu được ý nghĩa, giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Bài chòi vừa có tính giải trí lành mạnh cao, vừa giúp người chơi hiểu rõ thêm những nét văn hóa, sự dí dỏm, thông minh của cha ông, của các nghệ nhân hiện tại thông qua những câu hò được sưu tầm, sáng tác và “bung” ra đúng thời điểm, đúng quân bài. Là môn nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, những “anh hiệu” giỏi thường biết cách hò lúc bổng lúc trầm, lúc nhanh lúc chậm, mục đích để người nghe vừa thưởng thức những câu hò, vừa hồi hộp đoán đó là con bài gì…
Tham gia lớp tập huấn thực hành trình diễn bài chòi, cô Mai Thị Cẩm Thạch, giáo viên Trường mầm non Thủy Lương chia sẻ, ở độ tuổi mầm non, các cháu chưa thể nhận biết mặt chữ để đọc tên quân bài. Sau lớp tập huấn, tôi sẽ “biến tấu” bằng cách giúp các cháu nhận biết quân bài bằng hình vẽ. “Tôi nghĩ, lồng ghép và lan tỏa nghệ thuật bài chòi vào trường học là khả thi vì ở độ tuổi các em, hầu hết đều thích hát hò, văn nghệ và nhất là khi được diễn ra trong một không gian sôi động, vui tươi…”.
“Cách đây mấy năm, sau một lần theo ba mẹ đi chơi bài chòi thì con mê đến chừ. Bài chòi chơi rất vui, phù hợp với mọi lứa tuổi, con mong môn nghệ thuật này sẽ được diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi, để chúng con có thêm sân chơi lành mạnh, thư giãn sau những giờ đến lớp”, Phan Văn Hải, học sinh lớp 7 Trường THCS Thủy Thanh cho biết.
Một thực tế, hiện nghệ nhân bài chòi ở Thủy Thanh và TX. Hương Thủy nói riêng, toàn tỉnh nói chung còn rất ít, trong khi lớp thanh niên vẫn nhiều người còn ngại ngùng khi đứng giữa đông người hô bài chòi, khiến thời gian qua, việc xây dựng thế hệ kế cận khá khó khăn.
Lời giải cho câu hỏi này, theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao, để đưa nghệ thuật bài chòi đến cộng đồng dân cư, bên cạnh những lần giao lưu, trao đổi giữa các nghệ nhân lão thành, nghệ nhân trẻ cùng các thế hệ trẻ để từ đó trở thành hạt nhân trong bảo vệ, phát huy di sản bài chòi một cách bền vững, mà cụ thể là qua lớp tập huấn ở xã Thủy Thanh, tới đây, các đơn vị hữu quan sẽ tổ chức tập huấn một lớp tương tự ở huyện Quảng Điền – nơi cũng có một số nghệ nhân đang lưu giữ rất nhiều câu ca, câu hò liên quan bài chòi.
“Không chỉ gói gọn trên địa bàn tỉnh, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi giao lưu giữa các nghệ nhân bài chòi ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình… Bên cạnh nhằm bảo vệ di sản bài chòi của miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, đây cũng là cách để cập nhật, hoàn thiện các hồ sơ, số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật bài chòi theo yêu cầu của UNESCO”, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản nói. (baothuathienhue.vn 07/12)
2. Công chúa triều Nguyễn lấy chồng như thế nào?
Thời xưa hầu hết nam nữ lấy nhau là do gia đình sắp đặt. Nhưng để lấy con vua thì không phải dễ dàng gì. Rất may sách vở vẫn ghi lại nhiều chuyện thú vị về những cuộc hôn nhân này.
Những cuộc cưới xin của các công chúa nhà Nguyễn đã được Léon Sogny, chánh mật thám Trung Kỳ, ghi lại trong một bài báo đăng trên Tập san Hội Đô thành hiếu cố (B.A.V.H) năm 1934, trong đó có nhiều chi tiết mà chúng ta ngày nay thấy lạ lùng, thú vị.
Dò danh sách ‘bắt’ chồng cho công chúa
Sogny viết rằng, theo truyền thống của hoàng gia, khi một cô công chúa đến tuổi cập kê, nhà vua sẽ chỉ dụ cho bộ Lại và bộ Binh lập danh sách các con, cháu và chắt các công thần thuộc nhất và nhị phẩm trong hệ thống quan lại.
Danh sách đó ghi họ tên, tuổi và quê quán các chàng trai trẻ, được dâng lên vua cùng tờ tấu chi tiết. Những người được chọn phải đạt tối thiểu 16 tuổi, không có dị tật, thông minh và dễ coi. Khi nhận được danh sách đó, hoàng thượng ra chỉ dụ chỉ định một vị hoàng thân làm nhiệm vụ chủ hôn, một vị đại thần làm “chiếu liệu” (người ra lệnh).
Cả hai vị này phải là người có gia thất đề huề và có nhiều con cháu. Hai vị đại thần đó phải theo danh sách mà chọn ứng viên làm phò mã, tối thiểu là 5 người, có nhân thân tốt và tuổi cũng phải hòa hợp với người vợ tương lai. Và theo quan sát của viên quan mật thám người Pháp, thì phong tục của người Việt Nam muốn rằng, để thích hợp nhất thì gái hơn hai, hoặc trai hơn một tuổi.
Khi nhà vua chấp nhận ứng viên nào, sẽ điểm một dấu son dưới tên người được chọn, vị chủ hôn sẽ chính thức báo tin cho nhà trai. Bấy giờ người ta sẽ chuẩn bị các nghi thức đầu tiên.
Chuyện bi hài thời Tự Đức
Dù làm việc ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhưng Sogny vẫn kể lại câu chuyện thú vị về hôn thú của các công chúa triều Nguyễn trước đó cả nửa thế kỷ rất sống động. Chuyện là sau khi vua Thiệu Trị băng hà (1847), triều đình phải để tang. Vua Tự Đức phải để tang ba năm, và tất nhiên trong thời gian đó, trong triều hoàn toàn không được tổ chức hôn lễ nào.
Sang năm Tự Đức thứ tư (1851), có không dưới 30 công chúa trong số con gái của vua Minh Mạng và Thiệu Trị chưa lấy chồng. Trong số đó, có những công chúa không còn trẻ trung gì và đã quá tuổi đào tơ từ lâu.
Do đó, Sogny đã nghe kể lại các câu chuyện rằng lúc đó, phần lớn các con của các đại thần có khả năng được chọn vào danh sách làm phò mã, đã phải... chạy khỏi kinh thành, vì vị trí người chồng tương lai cho công chúa đó không lấy gì làm hứng thú, vì ngoài vấn đề tuổi tác, thì một số bà công chúa cũng không phải là người sắc nước hương trời.
Vì số con em của các công thần không đủ, người ta đã phải mở rộng đến con các quan tam phẩm, và cách thức làm như sau: Viết tên các công tử vào giấy rồi rút thăm. Cô công chúa rút ra bất kỳ một tờ nào, trúng tên ai thì sẽ lấy người đó. Tất nhiên sẽ có những trường hợp nào thất vọng.
Tất nhiên các phò mã sẽ được nhận nhiều quyền lợi xứng đáng từ triều đình, như được lĩnh 3.000 quan tiền để mua một nhà ở gọi là phủ hay đệ, 30.000 quan để mua quần áo, đồ trang sức và đồ dùng.
Các vật dụng nhà trai cần sắm là: một bộ triều phục cho phò mã, một cái mũ có 5 con phượng gắn san hô và kim cương, một cái đai nạm vàng, một đôi hoa tai bằng vàng, một cái hộp nhỏ bằng vàng đựng đồ trang điểm, một cái gương có khung cẩn xà cừ và vàng, một cái hộp nạm vàng và xà cừ đựng đồ uống trà, một cái ống nhổ bằng vàng, nhiều tấm gấm thêu và lụa cải hoa, những đôi hài thêu và bít tất… Sau đó là bàn ghế, tủ, bát đĩa và đồ dùng làm bếp. Ngoài ra, phò mã còn sắm cả một chiếc thuyền bồng và nhiều vật dụng khác.
Người phò mã còn được cấp 50 tên lính để hầu cận, do một viên đội chỉ huy và do triều đình trả lương.
Theo quy định, các cô công chúa chỉ được thấy mặt vị hôn phu vào ngày đám cưới. Nhưng nhiều cô cũng tìm cách để biết trước mặt người được chọn cho mình, như bí mật dò hỏi các bà mệnh phụ hay xin nấp ở trong cung để quan sát người chồng tương lai qua những bức mành hay bình phong, khi họ được triệu vào cung.
Theo Sogny, hôn lễ cuối cùng của công chúa triều Nguyễn là vào năm 1907, đó là công chúa Tân Phong, em của vua Thành Thái, lấy Nguyễn Hữu Khảm, con của cố Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ. (kienthuc.net.vn 07/12)
3. Nơi đặt ngai vàng của vua Nguyễn hơn 100 năm trước
Điện Thái Hòa nguy nga chiếm hết mặt bằng một cung lớn 3 tầng mái. Hàng dãy cột lớn sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn chạm khắc cao tới tận mái.
Bốn ngày sau khi tới Huế, tùy phái của tướng Prudhomme mang tới cho chúng tôi tờ giấy phép đang mong là được vào thăm cấm cung.
Sáng hôm sau, cùng thằng bồi mang máy ảnh, tôi qua sông vào hoàng thành tìm tới đệ nhất thông dịch của nhà vua là linh mục Hoang, người sẽ giúp tôi vào cấm thành được dễ dàng (linh mục Hoang tức linh mục Hoàng, một số tài liệu ghi là Hoằng - dịch giả).
[...]
Từ Ngọ Môn, chúng tôi đi qua một cầu gạch bắc trên con hào gần khô cạn trong thành và bước vào một sân lớn trước cung điện thứ nhất.
Từ hai đầu cầu dẫn tới đó, sừng sững hai cổng chào, mỗi cổng dựng bằng bốn cây cột đồng thanh đúc nguyên khối với họa tiết nổi hình rồng uốn khúc quấn từ chân tới đỉnh.
Các xà ngang được trang trí bằng những mảng sứ nhiều màu khác nhau, vẽ nổi những bông hoa và biểu hiệu khác. Tất cả họa tiết ấy đều được gia công hoàn hảo.
Hai bên sân là tượng hai con hổ thếp vàng đặt trên bệ gạch có mái che nhỏ hình vòm với bốn cột chống. Một sân nữa nhỏ hơn sân này dẫn đến điện đặt ngai vua (điện Thái Hòa - dịch giả).
Điện Thái Hòa thật nguy nga chiếm hết mặt bằng một cung lớn ba tầng mái, các mái đua và nóc được trang trí bằng tượng quái vật huyền thoại. Hàng dãy cột lớn sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn chạm khắc cao tới tận mái.
Các bức tường được ốp ván gỗ khắc tuyệt đẹp từ mặt sàn lên tới trần điện. Trong cùng, giữa hai hàng cột, trên một bệ ba bậc là ngai vua được sơn son thếp vàng, hình dáng như chiếc ghế bành, phía trước có hai chỗ đặt bàn chân hình hổ nằm.
Sau ngai là một bức trướng sang trọng thêu nổi hình con rồng bốn móng, biểu tượng của vua. Trên đầu là một tán lụa vàng thêu nhiều màu sắc.
Đây là nơi nhà vua thiết đại triều trước bá quan tập họp ở hai bên sân phải và trái bên ngoài điện. Những bức mành lớn bình thường vẫn buông che hai sân, vào những ngày ấy được cuốn hết lên.
Cung điện thứ nhất này có hai cửa nhỏ hai bên thông với sân sau lát bằng những phiến gạch lớn. Có ba cửa lớn sơn đỏ vẽ rồng vàng to mở ra sân này và hướng về một vành đai thứ hai tận cùng là một cung lớn nữa, kiến trúc như cung thứ nhất, phía trước có một sân lát gạch (các cửa lớn đỏ này là đại cung môn do vua Minh Mạng xây - dịch giả).
Vừa qua cửa đỏ, cha Hoàng đã tụt hài, đi chân trần trước tôi và hạ thấp giọng nói. Ông đã buộc tôi để thằng bồi bên ngoài, máy ảnh thì giao cho ông quan cấp thấp ra đón chúng tôi ở vòng cung thứ hai mang giúp. Ông này cũng để chân trần, vẻ mặt rất nghiêm trang đi sau chúng tôi, không nói một lời.
Đây là nơi nhà vua thường có mặt. Để tỏ lòng kính trọng ông, các quan và người hầu hạ phải cởi bỏ giày dép và nói nhỏ.
Ở cạnh hai sân này có hai dãy nhà ngang là chỗ ở của lính cảnh vệ. Nhà vua đã cho đưa xuống một trong hai nhà ấy ban cho tôi một đĩa bánh ngọt và chè hảo hạng. Trong khi thưởng thức bữa ăn nhẹ này, tôi thấy một đám rước lạ đi qua sân.
Những người lính mặc đồng phục đỏ khiêng một chiếc kiệu trên để một hộp vuông, bốn mặt có mành nhỏ vây kín, có mấy đội trưởng cầm lọng vàng che bên trên, lại có bốn quân lính đội mũ có kiểu vành lạ trên trán, mang gươm lớn, nghiêm trang đi trước. Cha Hoàng cho biết đây là rước lễ vật của nhà vua hàng ngày dâng lên miếu thờ tổ tiên. (kienthuc.net.vn 07/
4. Vị vua không động đến phụ nữ khiến mỹ nhân úa tàn ở hậu cung
Vua chỉ thích đàn ông, không thích đàn bà. Ngài cũng không hề đụng đến phi tần nào trong tam cung lục viện, khiến hàng trăm mỹ nhân sống tàn tạ, buồn phiền trong hậu cung lạnh lẽo.
Vua Đồng Khánh sinh được 6 trai và 2 gái, nhưng chỉ nuôi được Nguyễn Phúc Bửu Đảo (con bà Tiên Cung Dương Thị Thục) và 2 công chúa Ngọc Lâm, Ngọc Sơn. Cho nên, gia đình vua đều hy vọng Bửu Đảo (ông Phụng hóa công) sẽ nối dõi tông đường, bảo vệ những gì mà vua cha đã vun đắp trong suốt thời gian trên ngai vàng (1885-1889).
Thế nhưng, sự kỳ vọng đó mau chóng biến thành nỗi thất vọng, khi Bửu Đảo bị cho là bất lực và không thể có con. Vợ đầu của ông hoàng là bà phủ thiếp Trương Như Thị Tịnh, con gái quan đại thần Trương Như Cương đã không chịu nổi đức ông chồng đã bất lực lại còn ham mê cờ bạc, nên đã dứt áo đi tu.
Vua Bảo Đại có phải là con trai của Khải Định?
Trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, sử gia người Pháp Daniel Grandclémant cho biết, năm 1907, sau khi vua Thành Thái bị phế truất, người Pháp định đưa Bửu Đảo lên ngôi, nhưng ngặt một nỗi ông đã 23 tuổi mà vẫn không có con (người vô hậu). Đình thần không muốn đặt lên ngai vàng một người vô hậu như vậy nên phải chấp nhận đưa Duy Tân là con vua Thành Thái lên ngôi vua.
Năm 1912, bà thứ thất của Bửu Đảo là Hoàng Thị Cúc (phong Huệ phi năm 1918, phong Đoan huy Hoàng thái hậu năm 1933) có thai (sau này sinh ra Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vua Bảo Đại) và nhận là của ông hoàng. Sự việc này đã dấy lên những những hoài nghi ai là tác giả của cái thai đó. Các nhà viết sử trong và ngoài nước sau này đã đưa ra những giả thuyết, các chứng cứ và cho rằng, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy là con của Hoàng thân Hường Đ. (Hường Để).
Trong cuốn Chuyện các bà trong cung (tập 2), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã căn cứ vào lời kể của Phan Văn Dật, di cảo của Ưng Đồng, tài liệu của R.Orband và của Nguyễn Đắc Vọng, Ngũ đẳng thị vệ triều Khải Định, cho biết không có chuyện Bửu Đảo "dùng" cô Cúc và may mắn cô Cúc có thai. Cô Cúc đã mang thai với chính Hường Đ. từ trước. Bửu Đảo đã nhờ hoàng thân Hường Đ., thuộc bậc ông, nhưng tuổi cùng trang lứa cháu giúp đỡ, san sẻ khó khăn không có con nối dõi, nên ông Hường Đ. đã ra tay giúp cháu.
Ông Xuân cũng cho hay, được sự giúp đỡ của anh Bửu Dương, ông đã đọc 17 cuốn vở gồm 1.700 trang viết tay của thầy Ưng Đồng (con trai cụ Hường Đ.) viết về lịch sử gia đình và họ hàng. Qua tập di cảo đồ sộ ấy, ông đã lọc ra được một số chi tiết liên quan đến sự việc Vĩnh Thụy chính là con Hường Đ. (Hường Để).
Tin cô Cúc có thai với Bửu Đảo mau chóng đến tai Bà Tiên cung (mẹ ông hoàng), bà Thánh cung (chính thất vua Đồng Khánh) và những người thân thích trong gia đình ông Phụng hóa công như một phép lạ. Để xác minh thực hư, bà Tiên cung và bà Thánh cung đã sai đào một cái hố (sâu khoảng 2 tấc), bảo cô Cúc nằm sấp, để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố, rồi dùng roi đánh tra hỏi cô Cúc lấy ai mà vu cho ông Phụng hóa công. Cô Cúc cắn răng chịu đựng hình phạt và chỉ đinh ninh một lời khai đích thị có mang với Bửu Đảo.
Thế là các bà mừng rỡ công bố cho hoàng tộc biết Phụng hóa công sắp có con. Tin mừng mau chóng lan đi, những kẻ độc miệng trong đám cận thần cụt hứng không còn chế nhạo ông hoàng liệt dương và vô hậu nữa. Thế nhưng kể từ đó ông hoàng không có thêm được người con nào.
Trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, sử gia Daniel Grandclémant cho biết, sau khi người Pháp chọn Bửu Đảo lên ngôi (năm 1916, lấy niên hiệu Khải Định) thay vua Duy Tân bị đầy sang đảo Réunion, ông có cưới thêm 10 bà phi, nhưng không ai sinh cho ông được người con nào.
Vua chỉ thích đàn ông, không thích đàn bà?
Phép lạ đã hết thiêng. Tuy nhiên, lệ trong triều vẫn cho ông rất nhiều phi tần, nhưng ông không hề đụng đến người nào. Hàng trăm người có nhan sắc được tuyển chọn khắp nơi trong cả nước phải sống tàn tạ, buồn phiền trong cung điện lạnh lùng băng giá.
Trong cuốn Chuyện các bà trong nội cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết thêm, nhiều người biết Khải Định bất lực, chính vua cũng nhận điều đó. Thế nhưng, các quan đại thần thì vẫn muốn “tiến” cung con gái mình vào làm vợ vua. Khó lòng chối từ, vua thường nói với các quan: "Nội cung của Trẫm là một cái chùa (ý nói không có chuyện ái ân tình dục), ai muốn tu thì cứ vào".
Năm 1916, ngay sau khi Khải Định lên ngôi, đại thần Hồ Đắc Trung đã “tiến” ngay vào Nội con gái mình là Hồ Thị Chỉ (người trước đó từng được “tiến” cho vua Duy Tân, nhưng vua không nhận vì đã yêu cô Mai Thị Vàng, con ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân).
Là con quan đại thần, được triều đình cưới hỏi đúng nghi lễ, bà Hồ Thị Chỉ được phong chức rất cao, nhưng cũng vẫn ở vào bậc Ân Phi (Đệ nhị giai phi). Tước cao, chức trọng, danh nghĩa là vợ chính ở với vua Khải Định, nhưng thực chất bà chẳng được tí gì về ái ân chăn gối với ông vua “bất lực”.
Bà phải chấp nhận cảnh đóng kịch làm vợ vua như thế để được hưởng phú quý danh vọng, với ý nghĩ mình sẽ là mẹ đích thực của hoàng tử Vĩnh Thuỵ, vì bà Từ Cung tuy là mẹ sinh, nhưng là con nhà bình dân, lại không được cưới hỏi theo nghi lễ triều đình.
Thế nhưng, bà không được toại nguyện điều đó, vì trước khi lâm chung, Khải Định đã truyền trao cho bà Từ Cung lời di ngôn vắn tắt: “Tử quý, mẫu vinh”. Điều này đã khiến bà Hồ Thị Chỉ tức điên. Cuối cùng bà chết già trong một tu viện Thiên chúa giáo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng cho biết vua Khải Định thích đàn ông chứ không thích đàn bà. Trong suốt 10 năm làm vua (1916-1925), vua đã nuôi ông Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ. Ban đêm, vua ôm Vọng ngủ. Nhờ sự khéo léo trong việc phục tùng này mà ông Vọng đã được thăng tiến đến Ngũ đẳng thị vệ. Những buổi sáng phải ra điện Cần Chánh thiết triều, các bà đứng hai hàng bái kiến đón chào, ông liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vương vào “đàn bà”…
Liên quan đến chuyện Khải Định thích đàn ông một số tư liệu khác cho biết thêm, nhà vua ham xem hát bội, nhưng lại không thích xem phụ nữ diễn. Đoàn tuồng ngự chỉ toàn nam giới. Gặp cảnh cần có đào thì nam đóng giả vai nữ.
Do vậy mà đoàn tuồng Thanh Bình dưới triều Khải Định có nhiều nghệ nhân nam rất giỏi. Bên cạnh đó, vua còn chuộng trang điểm, đeo nhiều trang sức, ăn mặc lòe loẹt, tự sáng chế ra những bộ y phục không giống ai cho mình. (kienthuc.net.vn 07/12) Về đầu trang
5. Thừa Phủ không bí đường ra
Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.
Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố nhà lao Thừa Phủ nằm trong top 5 nhà tù thu hút khách tham quan nhất khi đến Việt Nam. Cùng với sự nổi tiếng là nhà tù tàn bạo, nơi giam cầm nhiều cán bộ cách mạng lão thành trong 2 cuộc kháng chiến, lao Thừa Phủ được nhắc đến với tên gọi Thừa Phủ và 2 trụ cổng là 2 trái bí bằng đá.
Theo sử liệu, lao Thừa Phủ là một phần của khu đất thuộc trại Thủy sư (nơi lính thủy binh đóng quân) dưới thời nhà Nguyễn. Vào năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến biến nơi đây thành nhà giam chính của phủ Thừa Thiên. Thừa Phủ là gọi tắt của Thừa Thiên Phủ doãn. Cái tên Thừa Phủ còn gợi nhớ đến bến đò cùng tên nằm cách đó không xa, đã đi vào dĩ vãng khi cầu Phú Xuân, hay còn gọi là cầu Mới, được xây dựng vào năm 1973. Kiến trúc nhà lao độc đáo với hình tượng hai trái bí bằng đá ở cổng với ngụ ý của kẻ địch, “đã vào nhà lao là bí đường ra”.
Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ. Giờ ngữ văn, học tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu, bài “Khi con tu hú”, đến đoạn “Ta nghe hè dậy bên lòng/Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi”, cả lớp đều hướng sang phía lao Thừa Phủ, cùng tưởng nhớ lại thời điểm năm 1939, nhà thơ Tố Hữu khi ấy mới 19 tuổi đã hăng hái tham gia cách mạng và bị bắt giam cầm tại nơi đây. Cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu cùng với những đồng chí của mình sau đó đã “không bí đường ra” khi vào lao Thừa Phủ như kẻ thù hăm dọa.
Các nhà tù nổi tiếng một thời, như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang) giờ đã trở thành các di tích lịch sử cách mạng và điểm tham quan du lịch, trong đó nhà tù Côn Đảo hiện nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ là điểm hẹn về nguồn của khách tham quan trong và ngoài nước, mà còn là nơi tìm về ký ức của nhiều cựu chiến binh Việt Nam. Mới đây, Hà Nội có tour du lịch hấp dẫn với tên gọi "Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt", khám phá nhà tù Hỏa Lò về đêm. Theo đó, du khách sẽ được ngược dòng thời gian, trở về với quá khứ qua hành trình khám phá di tích.
Dự án bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ cũng được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này.“Lao Thừa Phủ” được di dời đến nơi khác. Một phần mặt bằng dùng để thực hiện dự án mở rộng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế - Bệnh viện Trung ương Huế và một phần khu đất, cùng các công trình xưa cũ, như tháp canh, nhà 2 tầng được xây dưới thời Mỹ - ngụy (nơi trưng bày bổ sung chứng tích), lô cốt, hệ thống tường rào cũ, nhà giam đồng chí Tố Hữu… chứng tích một thời của nhà lao được giữ lại để tiến hành trùng tu, tôn tạo và đưa vào phục vụ tham quan.
Nghe có vẻ còn khá mới mẻ nhưng trên thế giới, du lịch nhà tù sớm trở thành xu hướng phổ biến. Ở Việt Nam, cùng với hệ thống các nhà tù nổi tiếng, dự án bảo tồn khu chứng tích lao Thừa Phủ không chỉ mang đến cho du khách sự hiểu biết về lịch sử, những giá trị nhân văn của quá khứ mà còn là công cụ giáo dục cho các thế hệ tương lai sự hiểu biết, lòng biết ơn và cả trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo tồn những giá trị lịch sử nhân văn của dân tộc. (baothuathienhue.vn 06/12)
XÃ HỘI
1. Tăng nhận thức, giảm rủi ro khi sinh viên khởi nghiệp
Cùng với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp (KN) theo các đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học (ĐH) tại Huế đang đẩy mạnh nhiều hoạt động KN với mục tiêu kép, vừa tăng nhận thức vừa giảm rủi ro khi nhiều sinh viên vẫn lầm tưởng KN dễ dàng.
Tạo mô hình nhiều cấp để định hướng
Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp “HAT Business Innovation Hackthon 2020” nhưng Trường Du lịch – ĐH Huế thu hút đến 40 nhóm sinh viên (SV) đăng ký tham gia. Đáng nói, thời điểm tổ chức chung kết vào ban đêm, song vẫn có đến gần 300 SV theo dõi. Mỹ Linh, SV Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết: “Bài học từ cuộc thi và nhận xét từ chuyên gia giúp chúng em hình dung được những vấn đề liên quan đến KN và lường được những rủi ro nếu dấn thân”.
Mô hình cuộc thi từ Trường Du lịch được xem là một trong ba mô hình lần đầu được các trường thuộc ĐH Huế tổ chức (cùng với Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Luật). TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế cho biết, 3 cuộc thi trên được tổ chức vào tháng 11/2020 và được chuyển tải từ phiên bản cuộc thi của Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế. Hiện, có 3 cuộc thi theo 3 cấp độ khác nhau là “Business Innovation Hackthon”, 10 ngày bứt phá và cuộc thi ý tưởng KN đổi mới sáng tạo.
“3 cấp độ được phân định rạch ròi. Cuộc thi “Business Innovation Hackthon” mang tính chất phổ thông, giúp SV hình thành các đội nhóm. Họ đến với cuộc thi khi chưa có ý tưởng về KN và quá trình làm việc nhóm mới hình thành ý tưởng. Đây là bước tập dượt làm quen với các hoạt động KN để nâng cao nhận thức. Với cuộc thi 10 ngày bứt phá, mục đích sẽ giúp SV từ chỗ có ý tưởng phát triển thành sản phẩm và kiểm chứng sản phẩm. Cấp độ cuộc thi thứ ba là ý tưởng KN đổi mới sáng tạo kỳ vọng sau khi có ý tưởng sẽ giúp các nhóm thương mại hóa. Hai cuộc thi đầu tiên được chuyển phiên bản về các trường tổ chức, vừa nâng cao ý thức SV về KN vừa như một bước sàng lọc các ý tưởng, để khi đến cuộc thi thứ ba tổ chức cấp ĐH Huế có thể ươm tạo, đồng thời tìm kiếm được các tài năng tham gia cuộc thi về KN các cấp, từ tỉnh đến cả nước”, TS. Hoàng Kim Toản nhấn mạnh.
Điểm hay khi tạo thành nhiều cấp về các cuộc thi, hoạt động KN là vừa để SV tiếp cận và có kiến thức sâu hơn, nhưng cũng gắn với chuyên môn sâu theo ngành học từng trường. Trong bối cảnh đó, cuộc thi các trường thường niên trở thành vệ tinh, không chỉ tăng số lượng mà còn chất lượng cho các cuộc thi KN từ cấp ĐH Huế trở lên.
Giảm rủi ro, tránh ảo tưởng
Đích đến của các hoạt động KN trong trường học là để SV nhận thức rõ về vấn đề KN. Với những kiến thức và kỹ năng học được, sau khi ra trường, SV có thể lựa chọn tìm kiếm được công việc tốt, chuyển từ trạng thái xin việc (cơ chế xin – cho) sang tìm việc (có quyền lựa chọn theo mức lương và phù hợp năng lực), đồng thời có thể tự tạo việc làm cho chính bản thân và xã hội.
ThS. Nguyễn Duy Ngọc Tân, phụ trách hoạt động KN và đổi mới sáng tạo tại Trường ĐH Nông lâm cho biết, hiện nay việc lan tỏa mạnh các hoạt động KN quan trọng nhất vẫn là tác động nhận thức của SV. Một bộ phận nhỏ SV vẫn cho rằng KN là dễ dàng và thậm chí có thể bỏ học để KN. Trái lại, qua trải nghiệm từ chính các hoạt động KN và phản biện, cố vấn từ các chuyên gia, nhiều SV mới thấy KN không đơn giản. Theo TS. Hoàng Kim Toản, các đề án, chủ trương và thực tiễn tổ chức các hoạt động thúc đẩy KN trong trường ĐH không phải mong muốn SV ra làm doanh nghiệp ngay mà cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng để SV tự tin hơn sau khi ra trường, đồng thời giúp họ thận trọng, giảm thiểu các rủi ro, nguy cơ thất bại.
“Chính vì trải nghiệm như một người KN thực sự, cùng phát triển các dự án, kêu gọi đầu tư, làm việc với chuyên gia, SV sẽ trải nghiệm đầy đủ các cung bậc trong KN để có kiến thức và kỹ năng tốt hơn nếu KN sau ra trường hoặc đừng mạo hiểm nếu chưa đủ khả năng. Đây là điều các trường đẩy mạnh và SV cần tham gia các hoạt động KN”, đại diện Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế lưu ý.
Theo lãnh đạo ĐH Huế, để giải quyết hiệu quả hơn vấn đề KN trong trường học, cùng với nhiều hoạt động bổ trợ, các cuộc thi đều đào tạo kiến thức KN, kết nối với cố vấn KN đồng thời lồng ghép đào tạo nhiều kỹ năng: thuyết trình, làm việc nhóm… Trong năm 2021, sẽ nhân rộng các cuộc thi KN ở các trường trong ĐH Huế. (baothuathienhue.vn 06/12)
2. “Cần câu” cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Đồng bào DTTS là một phần quan trọng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với hơn 14,2 triệu người.
Hơn 130 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 – 2025, theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Con số này được công bố tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, diễn ra cuối tuần qua.
Đồng bào DTTS là một phần quan trọng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với hơn 14,2 triệu người. Thời gian qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Đến nay, mạng lưới giao thông, điện, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế… vùng đồng bào DTTS cơ bản được đảm bảo. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp đồng bào từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu được triển khai.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đồng bào DTTS hiện có hơn 54 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều… được xem là người bản địa sinh sống ở phía Tây của tỉnh. Cùng với cả nước, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… với kinh phí đầu tư cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Song song với đầu tư vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, các chương trình, dự án…, các ban ngành, đoàn thể, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn vùng có đồng bào DTTS đã có nhiều việc làm thiết thực, nhất là tạo sinh kế bền vững cho người dân…
Được biết, riêng nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho vùng DTTS và miền núi, chiếm đến 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước. Song, thực tế cho thấy, vùng đồng bào DTTS tại Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung so với sự phát triển của các vùng khác vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguyên nhân được cho là kỹ năng lao động của người DTTS còn thấp, khiến cho cơ hội việc làm bị hạn chế và thu nhập chậm được cải thiện.
Bên cạnh đó, sự trông chờ, ỷ lại, thiếu hoạch toán kinh tế trong cơ chế thị trường của một bộ phận đồng bào DTTS… cũng là nguyên nhân khiến vùng DTTS chậm phát triển. Trong thực tế, có nhiều mô hình, dự án tạo sinh kế bền vững cho đồng bào như đầu tư con giống phát triển chăn nuôi, nhưng chỉ được một thời gian, do người dân không có ý thức quản lý, thậm chí còn mang con giống để giết thịt. Ngoài ra, tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng, đất sản xuất bị ảnh hưởng từ các công trình, dự án thủy điện, khai thác mỏ… ít nhiều đã tác động tiêu cực đến sinh kế người dân.
Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời gian qua là thực tiễn với nhiều bài học quý giá, để việc triển khai đề án lần này đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào tích cực lao động, sản xuất, khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ, ỷ lại; quan tâm tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách trồng, cách chăm, cách nuôi cho người dân... Đó là “cần câu” để đồng bào DTTS chủ động trong phát triển kinh tế, vươn lên cùng sự phát triển chung của đất nước. (baothuathienhue.vn 07/12)
3. ĐH Huế tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và giao lưu văn hóa Pháp
Chiều 6/12, tại Đại học (ĐH) Huế diễn ra chương trình Ngày hội khởi nghiệp và giao lưu văn hóa Pháp.
Tại chương trình, ngoài giao lưu âm nhạc Pháp, các sinh viên còn được lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả khách mời – GS. Thái Kim Lan về những câu chuyện của bản thân với các hoạt động liên quan đến văn hóa Pháp, nhất là trong thời kỳ GS. Thái Kim Lan học tập tại nước ngoài.
GS. Thái Kim Lan tiết lộ, tại nước Đức, bà cũng từng khởi nghiệp thành công với mô hình quán ăn Việt Nam, cách nấu ăn giữ đúng hương vị của quê nhà khiến thực khách, đặc biệt là người nước ngoài thích thú. GS. Thái Kim Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm là khởi nghiệp không phải chỉ chạy theo thị hiếu khách hàng mà phải xác định rõ các mục tiêu, kế hoạch. Khởi nghiệp luôn trải qua nhiều vấn đề gian nan, nhưng đam mê và cố gắng theo đuổi, học hỏi thì sẽ thành công. Ngoài vấn đề tài chính, khởi nghiệp thành công cũng mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống.
*Cũng trong chiều 6/12, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế tổ chức vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Huế lần thứ III – năm 2020.
Cuộc thi được phát động chính thức vào đầu năm. Dù những khó khăn do dịch COVID-19 và thiên tai, song cuộc thi năm nay được tổ chức có hệ thống, từ việc phát động tạo nguồn cấp cơ sở, bao gồm các cuộc thi trong các chương trình kick-off (khởi động) khởi nghiệp các lĩnh vực, cuộc thi Hackathon cấp trường, cuộc thi 10 ngày bứt phá.
Với 6 cuộc thi trong các chương trình kick-off, 3 cuộc thi Hackathon, 1 cuộc thi 10 ngày bứt phá, ban tổ chức đã hỗ trợ, thu hút hơn hàng trăm ý tưởng tham gia.
Qua các vòng thi, đã lựa chọn được hơn 30 nhóm tham gia vòng bán kết, với 24 nhóm hội đủ điều kiện tham gia trình bày ý tưởng ở vòng bán kết. Sau đó, 10 đội thi xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, các đội thi trình bày ý tưởng dự án và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.
Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức trao giải Nhất cho nhóm dự án Sản xuất và phát triển sản phẩm từ nấm bào ngư trắng; ngoài ra còn có 1 giải Nhì; 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.
Sau cuộc thi, ban tổ chức lựa chọn 14 dự án tiềm năng để tham gia chương trình ươm tạo khởi nghiệp. (baothuathienhue.vn 06/12)
4. Thừa Thiên - Huế: Giải tỏa thắc mắc đoàn viên qua đối thoại
LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế vừa tổ chức chương trình "Đối thoại chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020".
Tham dự có hơn 150 đoàn viên - lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tại chương trình, nhiều đại biểu đã có ý kiến, thắc mắc về các vấn đề như: giải quyết chế độ nghỉ việc, thai sản, lương hưu; đóng BHXH tự nguyện, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… Các câu hỏi đã được tổ tư vấn trả lời trực tiếp, giúp đoàn viên - lao động, người sử dụng lao động hiểu đúng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Dịp này, ban tổ chức còn tuyên truyền một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ Luật Lao động 2019 và phổ biến chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. (nld.com.vn 07/12)
5. Nơi người dân Huế trao gửi niềm tin
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tại TT-Huế hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
Áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm việc với người dân, nhắm lắng nghe, xử lý ý kiến của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, lấy mức độ hài lòng làm tiêu chí đánh giá khen thưởng là điều mà các cơ quan hành chính tại tỉnh TT-Huế đã và đang triển khai rất tốt trong những năm vừa qua. Tất cả đều được kết nối thông qua một đơn vị duy nhất là Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.
Những ngày bão lụt vừa qua, các cán bộ của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TT-Huế phải hoạt động gần như hết công suất bởi tín hiệu cầu cứu hay các thông tin người dân cần hỗ trợ liên tục đổ về trên hệ thống.
"1h sáng, mình bắt đầu đau, tay chân bắt đầu co quắp lại. Lúc đó mới sực nhớ ra có ứng dụng HUES. Mình tải về rồi mình gọi số tổng đài thì cũng có người nghe liền .Bên đó có nói là họ sẽ cho người liên hệ. Vài phút sau, một bác sĩ nam gọi điện lại và có nói là cũng muốn đi, nhưng gió to quá, sợ đi giữa đường cây cối đổ gây nguy hiểm cho mình, cho gia đình và cho cả người chở mình đi nữa, nói mình cố gắng qua gió cho ổn lại. Mình thấy bác sĩ cũng tận tình, điện mình 2-3 lần chỉ mình cách sơ cứu, rồi chỉ mình cách làm sao cho dễ thở hơn" - chị Hồ Thị Ngọc Thanh, TP Huế chia sẻ.
Chị Thanh chỉ là một trong rất nhiều những người dân nhận được sự hỗ trợ kịp thời thông qua ứng dụng HUES. Bởi từ khi triển khai cho tới nay, đã có khoảng 350.000 tài khoản HUES được người dân cài đặt và thường xuyên sử dụng.
Ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh TT-Huế cho biết: "Hiện nay, bất kỳ vấn đề nào người dân quan tâm đều có chuyên mục tương ứng. Phổ biến hiện nay là những vấn đề về môi trường, trật tự đô thị, về an toàn giao thông, xây dựng, về những việc giải quyết các thủ tục hành chính công, hay cả những vấn đề về an ninh liên quan tới việc tố giác tội phạm".
Mỗi ngày, trung tâm nhận được khoảng 100 phản ánh. Thông qua hệ thống AI và các cán bộ của trung tâm, cùng với hệ thống cán bộ địa phương sẽ tiếp nhận, xác minh thông tin và xử lý các vụ việc.
Người dân cũng sẽ được bày tỏ quan điểm, đánh giá về chất lượng cũng như thông tin sau khi nhận câu trả lời. Mức độ hài lòng sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm của các đơn vị hành chính trong tỉnh. Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho người dân một sự tin tưởng về một hệ thống chính quyền của dân, do dân và vì dân. (vtv.vn 07/12)
6. Con cháu đi học để thay đổi cảnh nghèo trên 'đảo ông Sắt'
Có một hòn đảo vẫn hoang sơ giữa lòng TP Huế, là "đảo ông Sắt". Từ chợ Đông Ba nhìn ra sông Hương, đó là hòn đảo nhỏ nằm cạnh cồn Hến.
Khi biết chúng tôi muốn vượt sông qua tìm người ở "đảo ông Sắt", nhiều người sống gần đó tỏ ra ngạc nhiên: "Qua bên nớ làm chi đó? Tụi tui ở cách nhau chưa tới 100m mà không ai biết tên họ luôn".
Ông Sắt "chủ đảo"
Bên này bờ cồn Hến, chúng tôi cố gọi với sang hòn đảo nhỏ nhưng dường như vô vọng. Mọi thứ im lìm chìm trong làn sương đầu đông ở Huế đặc quánh vào sáng sớm. Khi sương tan, đảo mới dần lộ ra. Chàng thanh niên trạc tuổi đôi mươi trên đảo nghe tiếng gọi, vội lấy ghe sang đón...
Ông Võ Văn Vinh, 70 tuổi, người trên đảo, lớn tiếng mời khách vào nhà. Hỏi về sự hiện diện đặc biệt của đại gia đình trên hòn đảo này, ông Vinh nói dù từ nhỏ đến lớn ở đây nhưng chưa từng nghe ai kể tường tận. Loáng thoáng, ông nói rằng chỉ biết cả trăm năm qua có bốn đời trong đại gia đình mình sống trên đảo này.
Ban đầu, ông Võ Văn Lái (ông nội của ông Vinh) là dân vạn đò, lên đây cất tạm một căn nhà nhỏ để trú ngụ. Trên khoảng đất rộng chừng 500m2 hồi ấy, vợ chồng ông Lái đã khai hoang rồi trồng rau củ, cây cối.
"Ông bà nội tôi quyết định chọn nơi đây tá túc. Cái điện thờ Mẫu cũng được họ lập từ đó. Đến giờ con cháu vẫn thay nhau chăm sóc hằng ngày" - ông Vinh vừa nói vừa hướng mắt về phía thượng nguồn sông Hương, nơi có một điện thờ Mẫu nổi bật giữa đảo.
Vợ chồng ông Lái sinh được hai người con trai là Võ Văn Đá và Võ Văn Sắt (đều đã mất). Ông Đá lấy vợ, sinh con rồi đi nơi khác sống. Ông Sắt cùng vợ ở lại đảo và sinh được sáu người con, ba trai, ba gái.
Giải thích về cái tên "đảo ông Sắt", ông Vinh cười hãnh diện nói: "Sau khi ông bà nội mất, ba tôi là ông Sắt lớn nhất ở đây nên người dân xung quanh gọi là đảo ông Sắt. Cái tên đảo ông Sắt cũng từ đó chớ mô".
Sau bão lũ liên tiếp hồi tháng 9, hòn đảo cũng hiện rõ vẻ hoang tàn. Những mảng tôn méo mó từ đâu bay đến nằm chỏng chơ khắp nơi. Mùi bùn non, ẩm mốc cứ xộc thẳng vào mũi, các vệt bùn cao hơn 2m trên vách tường.
Giữa đảo có một căn nhà lớn với trụ bêtông, vách và mái bằng tôn, đôi chỗ chắp vá bằng ván mục lượm nhặt trên sông. Tất cả đã rệu rã, mối mọt nhưng đó vẫn là ngôi nhà sinh hoạt chung cho cả đảo mỗi lần có dịp lễ hay sự kiện quan trọng.
Sống đùm bọc nhau
Chỉ vào bờ kè và những viên đá xếp chồng lên nhau, ông Vinh nói để giữ đất, các thế hệ con cháu lên rừng lấy đá, chặt tre nẹp làm bờ kè để chống xói mòn. Sau nhiều trận lũ, đất được bồi tụ ngày càng nhiều.
Ông Vinh từng đo được cả hòn đảo rộng đến hơn 1.500m2, tăng cả ngàn mét vuông so với trước. Nhưng cũng được vài tháng, rồi lũ lụt ập tới cuốn trôi chỗ đã bồi trước đó nên hiện tại chỉ còn chừng ngàn mét vuông.
"Cọc cạch, cọc cạch". Tiếng máy cưa, tiếng đục gõ vọng từ cuối đảo. Trong căn nhà kho xập xệ, bốn thanh niên vẫn đang miệt mài gia công lồng chim. 33 tuổi, anh Võ Minh Toàn (con của ông Vinh) đã trải qua năm nghề để kiếm sống. Khi 16 tuổi, Toàn theo cha làm nghề đánh bắt cá, đi vớt cát dưới lòng sông, lên rừng đốn củi về bán. Sau đó, anh đi học may và theo nghề được hơn 4 năm.
Công việc bấp bênh, không đủ sống nên Toàn lại đổi việc vào năm 26 tuổi. Anh học nghề làm lồng chim. Làm việc ở xưởng hơn 4 năm, lưng túi kinh nghiệm, anh trở về đảo, nhận hàng về gia công. Việc kha khá, Toàn gọi thêm anh em tới phụ việc rồi truyền nghề cho họ.
"Một ngày bốn anh em làm được sáu cái, mỗi cái được trả 120.000 đồng, tằn tiện thì cũng đủ nuôi sống gia đình" - Toàn vừa nói vừa đục.
Anh Võ Văn Tâm (49 tuổi), một người đang làm trong xưởng của anh Toàn, nói rằng khi xưa con cá, con tôm còn nhiều, củi đốt người ta cũng cần nên làm nghề cũ cũng rất ổn định. Còn giờ cá tôm khan hiếm, người dân cũng không dùng củi nữa nên nghề xưa dần lụi tàn, thanh niên phải đi tìm đủ việc mới có thể kiếm ra đồng tiền.
Chỉ tay vào hai người đàn ông đang xây nhà ở bên cạnh, anh Tâm nói: "Ở đây ai cũng phụ nhau làm việc hết. Mấy thanh niên như là "thợ đụng", từ việc xây nhà, sửa điện, đóng thuyền... đều tự mình làm, không khi nào nhờ người ngoài phụ. Phụ nhau làm cho đỡ tiền, chớ thuê người ngoài tiền mô mà trả".
Con cháu đang thay đổi cảnh nghèo
Người trên đảo ông Sắt trong mơ lẫn khi tỉnh giấc đều canh cánh nỗi lo miếng cơm manh áo. Áp lực nghèo đói còn đó nhưng những người chẳng hề biết mặt chữ luôn nuôi ước mơ đổi đời bằng con chữ. Mọi người đầy hãnh diện khi nhắc về chuyện học hành của sắp nhỏ.
"Ở đây có hai đứa học hết đại học đó. Những đứa sau chúng tôi vẫn cố gắng cho hắn học đầy đủ" - ông Vinh nhấp chén trà, tự hào kể.
Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn Võ Thị Mỹ Linh (22 tuổi, cháu nội ông Sắt) vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế. Khi chúng tôi đang mải câu chuyện, chiếc ghe do Linh chèo chở mẹ đi khám bệnh vừa cập bờ.
Bà Dương Thị Chớ (mẹ của Linh) nói: "Bọn hắn học giỏi lắm, dắt nhau đi học. Bắt đầu từ con Vân, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, rồi đến em hắn là con Linh, sau đó nhiều đứa cấp II, cấp III nối tiếp nhau. Đứa mô cũng muốn thoát nghèo nên cứ nhìn nhau mà học".
Linh bẽn lẽn kể về con đường đi học. Để qua được bờ bên kia, cô cùng các em phải chèo ghe mất chừng 10 phút. Lên bờ đã có xe đạp gửi ở nhà dân, từ đó đạp xe tới trường. Nhiều ngày mưa bão, nước dâng, sóng hỗn phải nghỉ học vì vượt sông trên ghe nhỏ rất nguy hiểm.
"Bạn bè học cùng ít ai nghĩ em sống ở đây. Em có nói ra thì cũng không ai tin nên thường em chỉ nói mình sống ở cồn Hến thôi. Các em sau em sẽ tiếp tục học tập để có thể giúp nhau đi tìm cuộc sống tốt hơn" - Linh tâm sự. (tuoitre.vn 06/12)
7. Chia sẻ cùng người khuyết tật, yếu thế sau thiên tai
Thấu hiểu những bất lợi về tiếp cận của người khuyết tật (NKT), nhằm chia sẻ kịp thời những khó khăn, thiệt hại mà họ hứng chịu do các trận bão lụt gây ra, từ nguồn hỗ trợ của USAID, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương hỗ trợ khẩn cấp hàng trăm phần quà thiết thực, giúp NKT vượt khó.
Ấm lòng
Những ngày cuối tháng 11, khi những cơn bão, lũ đi qua, nhưng dư âm về những thiệt hại, mất mát vẫn còn để lại ở nhiều vùng quê của Thừa Thiên Huế. Không chỉ những hộ bình thường lâm cảnh khốn khó, những gia đình có NKT, yếu thế càng đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất.
Thấu hiểu những vất vả mà những gia đình NKT phải đối mặt, từ nguồn hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), ACDC cùng các đơn vị, địa phương đã điều tra, khảo sát, lập danh sách trao tặng 650 suất quà và 140 bình lọc nước cho những gia đình NKT khó khăn, bị ảnh hưởng trong các trận bão lụt vừa qua ở 4 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và TX. Hương Trà.
Tâm sự của người mẹ 70 tuổi Lương Thị Cước, ở TDP An Gia, thị trấn Sịa (Quảng Điền) suốt 35 năm nuôi con trai bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam, không đi và nói được trong buổi nhận quà hỗ trợ tại Nhà văn hóa thị trấn Sịa (Quảng Điền) khiến nhiều người xúc động. Theo bà Cước, những trận lụt bão liên tiếp vừa qua, nhà bà nước ngập sâu kéo dài suốt nhiều ngày. Mấy cơn bão mạnh, nhờ chính quyền, đoàn thể, người thân quan tâm đưa 2 mẹ con sang tá túc nhà hàng xóm, nên cả 2 bình an vượt qua các trận bão dữ. Sau bão lụt, bà rất ấm lòng vì được nhiều tổ chức, đoàn thể quan tâm cho gạo, mì tôm, tiền và một số vật dụng cần thiết, giúp 2 mẹ con dần ổn định cuộc sống.
Bà Phan Thị Nếp, NKT ở TDP Viễn Trình, thị trấn Phú Đa (Phú Vang) xúc động khi nhận phần quà hết sức thiết thực từ ACDC gồm: bộ chăn màn ấm, đèn pin, dầu ăn, nước mắm, thức ăn khô, soong, chén đũa, xà phòng, xô, cây lau nhà...
Trong những ngày trực tiếp về trao quà tại các địa phương, có những trường hợp gia đình NKT thật sự đặc biệt, khó khăn, đoàn hỗ trợ đã trực tiếp đến tận nhà để trao quà và lắp đặt, hướng dẫn sử dụng bình lọc nước cho 140 hộ gia đình NKT.
Đến thăm hoàn cảnh bà Hồ Thị Gần, NKT trí tuệ, câm bẩm sinh, sống tại TDP Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa (Phú Vang), chứng kiến hoàn cảnh khó khăn sau bão lụt của bà Gần, Giám đốc ACDC Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn không chỉ bà Gần mà nhiều NKT khó khăn khác sẽ được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới từ người thân, các tổ chức, chính quyền địa phương.
Tiếp tục “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Có mặt tại buổi trao quà cho NKT bị ảnh hưởng do bão lụt tại thị trấn Sịa chiều 25/11, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam chia sẻ: “Những món quà này là sự sẻ chia, ủng hộ, giúp đỡ từ người dân Hoa Kỳ đến các đối tượng yếu thế, khuyết tật Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các đợt bão lụt liên tiếp vừa qua. Trước những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi do thể chất và điều kiện của thiên tai, thời gian tới, USAID sẽ nỗ lực hơn nữa, huy động thêm nhiều nguồn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ khẩn cấp cũng như triển khai dự án dài hạn, góp phần tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung và cộng đồng NKT nói riêng”.
Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 NKT (chưa kể thương binh, bệnh binh), chiếm khoảng 2,5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có gần 21.000 người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng, chiếm 70% số NKT và 30% còn lại là NKT nhẹ.
Do bất lợi về sức khỏe và không có việc làm, thu nhập ổn định, hầu hết cuộc sống của NKT và gia đình rơi vào tình trạng nghèo khó, chủ yếu trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước, cộng đồng, các tổ chức từ thiện... NKT là một trong những nhóm đối tượng xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương.
Ngoài những hỗ trợ khẩn cấp, trao “xâu cá” cho NKT, nhiều tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng các chương trình kế hoạch để trao “cần câu”, tạo nguồn lực ổn định, tự chủ cho NKT. Trong đó, đặc biệt quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện về việc làm, vốn vay ưu đãi, mặt bằng... để NKT tiếp cận với các nguồn lực xã hội cơ bản để tự lập cuộc sống, đóng góp cho xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình, người thân.
Ngoài những dự án dành cho NKT, người yếu thế đã được thực hiện trên địa bàn, ACDC đang triển khai tại Thừa Thiên Huế dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn 2018 - 2021 do USAID tài trợ với tổng vốn gần 6 tỷ đồng. Thời gian qua, dự án tăng cường việc thực hiện các chính sách cho NKT tỉnh trong vấn đề y tế cũng như tiếp cận vật lý, qua đó chia sẻ niềm tin và nâng cao vị thế của NKT trong cộng đồng. Ngoài ra, dự án góp phần cải thiện việc thực thi các chính sách liên quan đến NKT; nâng cao năng lực thực thi chính sách về NKT cho các cơ quan liên quan tại địa phương; xây dựng các công trình giao thông công cộng, thiết chế phục vụ NKT trong cuộc sống...
Không riêng ACDC, nhiều tổ chức xã hội đang tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy, hỗ trợ NKT và những nhóm yếu thế khác trong cộng đồng được cung cấp dịch vụ hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống, hướng tới bình đẳng, khả năng sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, khả năng đóng góp cho xã hội... theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. (baothuathienhue.vn 06/12)
8. Khám, phát thuốc miễn phí cho 300 người dân ở A Lưới
Sáng 6/12, Huyện đoàn A Lưới cùng Bệnh viện Trung ương Huế và Bảo hiểm Nhân thọ Generali phối hợp tổ chức chương trình “Sát cánh bên miền Trung”, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân sau lũ lụt.
Tại chương trình, đoàn đã khám, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 300 người dân của xã Hồng Hạ, huyện A Lưới. Người dân đến khám thuộc nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau, được khám tổng quát hoặc các chuyên khoa như mắt, da liễu… theo nhu cầu.
Theo đại diện Ban thường vụ Huyện đoàn A Lưới, đây là một trong những hoạt động ý nghĩa trong chuỗi chương trình "Tình nguyện mùa đông năm 2020" của tuổi trẻ A Lưới. Tại chương trình, các đơn vị cũng lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. (baothuathienhue.vn 06/12)
9. Huế qua góc nhìn của nữ ca sĩ trẻ Thùy Linh
Đẹp đẽ, bình yên, sâu lắng nhưng vẫn lấp lánh những dòng chảy tươi trẻ, tinh nghịch, xứ Huế qua nhiều góc nhìn khác nhau của nữ ca sĩ Thuỳ Linh đã và đang đến gần hơn với nhiều người.
Đam mê
Làm nhân viên văn phòng 6 năm, nhưng giấc mơ âm nhạc luôn cháy bỏng trong huyết quản của nữ ca sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh (nghệ danh Linh Cáo). Nữ ca sĩ trẻ chia sẻ: “Tôi rất thích nghe nhạc, đặc biệt là Rap lúc còn học cấp 3 tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Năm 2010, tôi bắt đầu tập tành sáng tác, mong muốn tạo ra những giai điệu của riêng mình”.
Năm 2015, giấc mơ âm nhạc của Thùy Linh may mắn được chắp cánh. “Đưa nhau đi trốn”, một tác phẩm kết hợp ăn ý giữa Thùy Linh và ca sĩ Đen Vâu ra đời đã được nhiều người yêu thích. Ấn tượng hơn, ca khúc này đã đạt giải thưởng Zing Music Award 2016 ở hạng mục ca khúc Rap/Hiphop được yêu thích nhất. Cũng từ đây, những ca từ thân quen của bài hát đã trở thành trend, như Em ơi đi trốn với anh, Sớm thức dậy ở một nơi xa…
Giữa những ngày đam mê thôi thúc, Thùy Linh vẫn tiếp tục công việc văn phòng song song với làm nhạc. 9X xứ Huế cho biết, cô vẫn còn thiếu tự tin, băn khoăn giữa đam mê âm nhạc không thể tách rời với công việc mang lại thu nhập ổn định. Đến năm 2020, Thùy Linh chọn bước ngoặt lớn trên con đường âm nhạc của mình: “Đầu năm nay, tôi quyết định dừng công việc văn phòng rời Huế vào TP. Hồ Chí Minh. Tôi chọn âm nhạc để dấn thân vì không muốn lúc già đi, khi nghĩ về tuổi trẻ chỉ có thể thốt lên câu giá như hồi đó…”.
Trong chặng đường âm nhạc của mình, nữ ca sĩ 9X luôn cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Chất liệu MV của Thùy Linh ma mị bởi giọng hát sâu lắng, hình ảnh luôn được trau chuốt, đồng nhất với ca từ đẹp, mang lại một trải nghiệm mới. Một sản phẩm đậm nét cá tính giữa muôn vàn sản phẩm dòng nhạc underground (dòng nhạc ngầm có xuất phát điểm từ đam mê âm nhạc, chủ yếu xuất hiện trên mạng internet).
Xứ Huế trong từng MV
Trên con đường âm nhạc của cô ca sĩ 9X luôn có hơi thở của Huế. Đó là hình ảnh những làng quê yên bình, các lăng mộ cổ kính, danh lam thắng cảnh cho đến con người Huế hiền lành, đôn hậu. Chia sẻ về MV Những ngày đi lạc, Linh Cáo cho biết: “Tôi muốn giới thiệu đến mọi người một xứ Huế khác hơn so với những hình ảnh thường thấy. Những địa điểm lạ, như hồ Khe Ngang, cầu Ca Cút, chùa Huyền Không Sơn Thượng… Tôi hy vọng mọi người sẽ đến Huế nhiều hơn không chỉ vì những danh lam, thắng cảnh thường được nhắc đến mà còn vì ở chốn này nơi đâu cũng đẹp và bình yên”.
Đến MV Đôi mình đi bên nhau, vùng đất Huế lại hiện lên vô cùng lãng mạn với biển xanh, Đại Nội, cây cô đơn, cầu ngói Thanh Toàn. Tuy nhiên, sự lãng mạn ấy không làm mất đi những gam màu tươi trẻ, tràn nhựa sống. Đó là những trang phục với gam màu nóng nhiệt huyết, màn vũ đạo khỏe khoắn, tươi vui. Hòa chung với khung cảnh ấy, những o, những mệ “rặt” chất Huế đã làm cho các thước phim càng trở nên gần gũi và chân thật.
Khi quay MV này, Thùy Linh xúc động và ấn tượng với sự trong trẻo, nên thơ của chốn quê nhà. Linh nói: “Sáng sớm tại cây cô đơn thật sự rất đẹp và bình yên với tôi. Mặt trời chưa rõ hình hài, nắng ửng giăng ánh sáng lên đồng lúa, ở giữa là con đường nhỏ quanh co. Tuy chưa kịp trang điểm nhưng tôi và ekip vẫn quyết định quay vì khoảnh khắc đó thật sự rất ấn tượng”.
Qua rất nhiều sáng tác và MV ca nhạc, cô ca sĩ 9X luôn muốn gửi gắm tình yêu thương và lòng tri ân đến mảnh đất Cố đô. Cũng bởi chất liệu đặc biệt ấy, những sản phẩm âm nhạc của Thùy Linh phần nào mang dư âm, cốt cách Huế. Lời ca và tiếng hát của Thùy Linh trong trẻo để lại dư âm vang vọng trong lòng người nghe. Thùy Linh tâm sự: “Tuy tôi là nghệ sĩ under, nhưng vẫn muốn giữ lại những gì dịu dàng sâu lắng nhất có thể để truyền tải vào giai điệu của mình. Tôi muốn nhạc của mình từ các bạn trẻ đến các anh, chị, cô, chú đều có thể nghe và hiểu được”. Đến nay, hơn 20 nghìn người đã đăng ký theo dõi trang Facebook, 30 nghìn người đăng ký kênh Youtube của nữ ca sĩ.
Quyết định dấn thân vào con đường khó khăn hơn nên Thuỳ Linh chấp nhận đối diện với thử thách. Quê hương êm đềm được nữ ca sĩ trẻ gói ghém vào hành trang, tạo động lực cho những bước đi mới. Chuyên tâm sáng tác, rèn luyện thêm kỹ năng hát, Nguyễn Thị Thùy Linh đã và đang chuẩn bị cho dự án lớn kỷ niệm 10 năm gắn bó với âm nhạc của mình trong năm nay.
Thùy Linh mong mỏi: “Rất nhiều bạn trẻ ở Huế có tài năng trong những lĩnh vực như quay phim, chụp ảnh, dựng phim, ý tưởng sáng tạo, dancer… Tôi hy vọng, các bạn trẻ yêu mảnh đất này có thể dựa vào tài năng của mình, góp phần giúp hình ảnh Huế đến với mọi người nhiều hơn”. (baothuathienhue.vn 06/12)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Độc đáo lễ tuyên dương học sinh xuất sắc tại Quốc Tử Giám, Huế
Đây là lần đầu tiên, những học sinh có thành tích xuất sắc toàn diện được tuyên dương tại Quốc Tử Giám (Huế).
Ngày 6/12, tại Quốc Tử Giám, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tuyên dương “học sinh danh dự toàn trường”.
Đây là danh hiệu danh dự được trao thưởng cho học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong năm học.
Mục đích là nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích sự học và trọng dụng người tài đến với toàn xã hội.
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, học sinh danh dự toàn trường” là danh hiệu cao quý mà mỗi trường học chỉ có một học sinh được tuyên dương tại Quốc Tử Giám.
Đây là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta và là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô của đất nước.
Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.
Việc chọn Quốc Tử Giám làm địa điểm tổ chức tuyên dương khen thưởng học sinh danh dự toàn trường hàng năm nhằm giáo dục cho học sinh lòng tự hào, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện.
Trao thưởng cho các học sinh, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã biểu dương 367 học sinh.
Đây là ngọn cờ đầu của các trường trong phong trào học tập, thi đua, rèn luyện đạt danh hiệu học sinh danh dự toàn trường năm học 2019-2020.
Ngoài mục đích vinh danh các em học sinh có thành tích xuất sắc, buổi tuyên dương hôm nay còn nhằm hướng tới mục đích giới thiệu một di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị cao.
Đây cũng là dịp để tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam trong tiến trình xây dựng Huế là kinh đô áo dài Việt Nam.
Ông Thọ khẳng định, đối với mỗi quốc gia, dân tộc, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng.
Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng với thế giới, Giáo dục và Đào tạo được xác định là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển.
“Trong năm học vừa qua, học sinh Thừa Thiên Huế đã giành được nhiều huy chương, bằng khen tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia...
Tôi đặc biệt biểu dương, khen ngợi những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bằng nghị lực, ý chí và quyết tâm cao, đã vượt lên hoàn cảnh, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.
Các em chính là tấm gương sáng trong học tập, tu dưỡng, là tài năng về trí tuệ của tỉnh nhà và đất nước trong hiện tại và tương lai”.
Ông Thọ nhắn nhủ các em học sinh hãy lấy đó làm động lực trong học tập và rèn luyện để trở thành người con ngoan, trò giỏi.
Phát huy năng lực sở trường cá nhân, phải ra sức học tập để có kiến thức toàn diện về văn hóa, lịch sử để tự hào về quê hương nguồn cội.
Có kiến thức về công nghệ thông tin để tiến vào nền kinh tế số, làm chủ khoa học công nghệ, có ngoại ngữ giỏi để hội nhập với thế giới...(giaoduc.net.vn 07/12; sggp.org.vn 07/12; toquoc.vn 06/12; giaoducthoidai.vn 06/12; tienphong.vn 06/12; nhandan.com.vn 06/12; cand.com.vn 06/12; baotuctin.vn 06/12)
2. ĐH Huế có 10 giảng viên cơ hữu đạt tiêu chuẩn chức danh GS, phó GS
Chiều 6/12, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đã công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp lần thứ VI của HĐGSNN. ĐH Huế có 10 giảng viên cơ hữu đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS).
Ông Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ngoài cùng, bên trái) là giảng viên cơ hữu của ĐH Huế đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư
Theo đó năm 2020, có 339 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS gồm 39 ứng viên GS và 300 ứng viên PGS. ĐH Huế có 10 giảng viên cơ hữu đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, trong đó có 1 GS và 9 PGS. Ngoài ra, còn có 1 ứng viên đăng ký xét tại HĐGSCS ĐH Huế cũng đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đợt này (ứng viên Trần Kiêm Hảo, Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, PGS ngành Y học).
Trong danh sách nói trên, giảng viên cơ hữu của ĐH Huế đạt chức danh GS là ông Lê Đình Phùng (Trường ĐH Nông Lâm). Đối với 9 giảng viên cơ hữu của ĐH Huế đạt chức danh PGS, có 3 giảng viên thuộc Trường ĐH Nông Lâm; 1 giảng viên Trường ĐH Y Dược; 3 giảng viên Trường ĐH Khoa học; 1 giảng viên Trường ĐH Kinh tế và 1 giảng viên Trường ĐH Sư phạm.
Năm 2020 là năm thứ hai xét đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg với các yêu cầu cao hơn năm 2019 đối với các ứng viên, và là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37.
Tính chung cả nước, tỷ lệ ứng viên đạt tiêu chuẩn so với tổng số ứng viên nộp hồ sơ tại các HĐGSCS năm 2020 là 62,5% (trong đó tỷ lệ đạt của ứng viên GS là 50,6%, ứng viên PGS là 64,5%). Các con số tương ứng của HĐGSCS Đại học Huế là 73,3%; 100% và 71,4%. (baothuathienhue.vn 06/12)
3. Huế: Bất ngờ món quà của Chủ tịch tỉnh tại lễ vinh danh học sinh ưu tú
Món quà bất ngờ của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến không chỉ các em học sinh tự hào mà còn khiến các phụ huynh tham dự lễ rất vui mừng.
Sáng nay (6/12), tại Di Luân Đường thuộc di tích Quốc Tử Giám, số 1, đường Hai ba tháng Tám (TP.Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trang trọng tổ chức lễ vinh danh “Học sinh Danh dự toàn trường” của tỉnh năm học 2019-2020.
Được biết, đây là danh hiệu danh dự lần đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế dành trao thưởng cho các học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong năm học, nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích sự học, học giỏi và trọng dụng người tài đến toàn xã hội.
Buổi lễ đã vinh danh 367 học sinh phổ thông toàn tỉnh, trong đó bậc Tiểu học có 200 học sinh, THCS có 130 học sinh và THPT có 37 em.
Trang trọng hơn, giữa di tích Quốc Tử Giám, biểu trưng cho nền Quốc học của Việt Nam, những em học sinh được vinh danh lần này đều khoác trên mình trang phục áo dài truyền thống đã được ban tổ chức chuẩn bị trước đó.
Tại lễ vinh danh, tự hào về những thành tích các em đã đạt được ngoài tặng bằng khen, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn bất ngờ tặng các em những trang phục áo dài dự lễ này.
Món quà bất ngờ này khiến không chỉ các em học sinh tự hào mà còn khiến các phụ huynh tham dự lễ rất vui mừng.
“Huế đang trên tiến trình xây dựng kinh đô áo dài, đã được rất nhiều người ủng hộ. Việc được người đứng đầu tỉnh tặng trang phục truyền thống là món quà cực ý nghĩa thể hiện sự kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo tỉnh với các em. Là phụ huynh của các em, tôi rất lấy làm vinh dự và rất tự hào về điều này ”, một phụ huynh chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tân, người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế xúc động: “Hôm nay thầy rất vinh dự và tự hào về các em. Gia đình, bạn bè tự hào về các em, nhất là các thầy cô- những người trực tiếp dạy dỗ các em. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự tự tin, các em đã mang vinh dự cho trường và vị thế, uy tín của từng nhà trường các em đang học được nâng lên. Thầy khẳng định không có kết quả nào, không có thành quả nào mà không phải chịu sự gian truân, không phải bằng trí tuệ , không phải bằng sự tâm huyết, không phải sự đam mê, không phải tự nhiên, ngẫu nhiên đến được mà đó chính là sự miệt mài, bằng tất cả sự nỗ lực của các em”.
"Việc UBND tỉnh ban hành quy chế tuyên dương học sinh danh dự toàn trường chính là động lực cho các em học sinh trên toàn tỉnh nỗ lực nhiều hơn trong quá trình học tập và rèn luyện. Việc được vinh dự nhận bảng vàng học sinh danh dự toàn trường, được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp trao thưởng là niềm vinh dự tự hào cho các em. Trên tinh thần đó, lan tỏa tinh thần thi đua dạy tốt trong mỗi giáo viên, mỗi học sinh, cũng như sự chăm lo của bố mẹ cho việc học tập của con cái”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh. (nguoiduatin.vn 06/12)
Y TẾ
1. Bệnh nhân tim 7 năm "thập thò" cửa tử được ghép tim
Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa thực hiện thành công ca ghép tim đặc biệt mang lại sự sống cho bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn, suy tim 7 năm nay với nguồn tạng được hiến từ một người bị tai nạn giao thông dẫn đến chết não ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người được ghép tim là bệnh nhân T.Q.H (SN 1986, trú huyện Phú Vang) bị bệnh cơ tim giãn, suy tim EF: 19-23% đã 7 năm nay, đang điều trị tích cực nội khoa và chờ được ghép tim.
Sau khi nhận được thông tin một công nhân tại Vũng Tàu tai nạn không qua khỏi có nguyện vọng hiến tạng, vào chiều ngày 1/12, một êkíp bác sỹ của bệnh viện Trung ương Huế đã đến TP HCM phối hợp cùng bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nhận tạng.
Đến 13h35 chiều 2/12, quả tim được tách rời khỏi lồng ngực người hiến tạng tại bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó di chuyển bằng đường hàng không về sân bay Phú Bài lúc 16h45 chiều cùng ngày.
Lúc 17h15, tại bệnh viện Trung ương Huế, êkíp phẫu thuật bắt đầu quá trình ghép tim cho anh H.
Sau khi được phẫu thuật, đến nay bệnh nhân đã tự thở được, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tim tốt.
Điều đặc biệt của ca ghép tim xuyên Việt lần này là người tạng hiến không ở các thành phố lớn, không thuận tiện cho việc vận chuyển mà ở bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Do vậy, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế phải chạy đua với thời gian, tính toán kỹ và phối hợp đồng bộ cùng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh và bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội, để đảm bảo an toàn, đáp ứng thời gian bảo quản cho phép của tạng hiến.
Được biết, người hiến tạng là một thanh niên 30 tuổi, sống tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não rất nặng. Gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng với mong muốn một phần thân thể của người hiến tiếp tục được “sống,” cũng như để cứu nhiều bệnh nhân đang chờ ghép tạng. (baovephapluat.vn 06/12)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Không có ngoại lệ!
Ngay sau việc xử phạt của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã ký Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ ngày 27-11-2020.
Rốt cuộc, với hành vi "Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác" được quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 13, Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật; xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt vi phạm hành chính số tiền 500 triệu đồng.
Ngay sau việc xử phạt của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã ký Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ ngày 27-11-2020.
Vấn đề như vậy là đã rõ: Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như Bộ Công Thương (mà trực tiếp ở đây là Cục Điều tiết điện lực) đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam mà chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu Tháng cũng như nhiều cơ quan báo chí khác đã thông tin. Việc này đã thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nếu chính quyền các cấp, các bộ, ngành cũng quyết liệt xử lý nghiêm đối với các vi phạm như vậy, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân phớt lờ pháp luật như hiện nay.
Từ vụ của Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, độc giả hẳn còn nhớ gần đây, Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu Tháng cũng như nhiều cơ quan báo chí khác còn thông tin về 2 vụ việc điển hình khác về tình trạng coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp luật pháp.
Đó là vụ 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề đã hoàn thiện cơ bản, kèm đó là hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện đến 60% trong khi chủ đầu tư vẫn đang quá trình phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, xin giao đất, đóng tiền sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng ở dự án khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đó là vụ một "làng biệt thự" với hơn 50 căn xây cất trái phép trên đất lâm nghiệp (tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được chính quyền giao cho Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ, phát triển du lịch, định canh cho hơn 30 hộ đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống.
Với sai phạm ở dự án khu dân cư Tân Thịnh, các nhà báo đã nỗ lực liên lạc với các ngành chức năng và lãnh đạo các cấp liên quan nhưng cho đến nay hầu như vẫn chỉ nhận được sự từ chối hoặc lảng tránh. Câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.
Với sai phạm trong vụ "làng biệt thự" ở Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh này đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Dù vậy, đến nay việc xử lý vẫn chưa rõ thế nào. (cand.com.vn 07/12)
2. Người lao động thắng kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Toà án Nhân dân TP. Huế vừa đưa ra xét xử vụ án tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữa Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (đại diện theo ủy quyền của 27 lao động) với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Giao thông – Thủy lợi Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Công ty cổ phần COXANO).
Theo hồ sơ vụ kiện, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Công ty cổ phần COXANO, trong quá trình làm việc thường xuyên bị công ty nợ lương và nợ BHXH, BHYT, BHTN. NLĐ nhiều lần đề nghị với công ty về việc trả lương, đóng đầy đủ BHXH và cũng đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc nhưng công ty vẫn không giải quyết, quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tính đến ngày 30/6/2020, Công ty cổ phần COXANO còn nợ số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 4 tỷ đồng, tương ứng với thời gian nợ tiền từ tháng 4/2014. Trong thời gian đó đến nay, công ty không thực hiện việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ- BNN) với BHXH tỉnh.
Từ ngày 14/4/2018 đến ngày 25/6/2019, công ty đã có các quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều NLĐ, tuy nhiên, vẫn chưa thanh toán tiền lương và chưa đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tính đến ngày 25/6/2019, công ty còn nợ 995.474.877 đồng tiền lương của 27 NLĐ và nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật của 25 NLĐ với số tiền là: 1.703.906.600 đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng tính đến thời điểm tháng 9/2020) và tiếp tục trả lãi chậm đóng phát sinh kể từ tháng 9/2020 theo quy định của Luật BHXH Việt Nam.
Theo ông Trần Đăng Văn, công nhân lái máy, một trong số 27 NLĐ bị nợ BHXH, ông làm việc theo hợp đồng lao động là 36 tháng tại Công ty cổ phần COXANO từ tháng 1/2016 đến 16/4/2018, vì không đảm bảo quyền lợi nên ông đã làm đơn xin thôi việc và đã được công ty ra quyết định cho thôi việc. Nhưng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động cho đến nay, công ty vẫn chưa chi trả tiền lương, không thực hiện thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho ông theo quy định của pháp luật, vì lý do công ty đang nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Hiện, Công ty cổ phần COXANO còn nợ ông Văn tổng số tiền lương trên 32 triệu đồng và nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho ông Văn trên 28 triệu đồng, cộng thêm tiền lãi 13 triệu đồng. Không chỉ có ông Văn mà rất nhiều NLĐ của Công ty cổ phần COXANO vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đằng sau những khoản nợ do người sử dụng lao động không tuân thủ pháp luật để lại là nỗi khổ của NLĐ và gia đình họ.
Theo quy định, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định và cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ cho NLĐ. Nếu đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ thay đổi và phụ thuộc vào thời điểm đơn vị thực hiện chuyển nộp các chế độ cho cơ quan BHXH.
NLĐ đã có giấy ủy quyền cho Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế khởi kiện Công ty cổ phần COXANO đòi Công ty phải trả toàn bộ tiền lương và tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN nói trên. Ông Trần Nguyễn Hoài Trung, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công đoàn đã tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại giải đáp thắc mắc, chuẩn bị sẵn các hồ sơ, mẫu đơn khởi kiện, đơn đề nghị hòa giải, sau đó vận động NLĐ làm hồ sơ khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Với quy định hiện nay chúng tôi nghĩ chỉ còn cách là khởi kiện DN. Như vậy phần nào sẽ đòi lại được công bằng cho NLĐ”.
Sau một thời gian nỗ lực tư vấn, hỗ trợ và tập hợp hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp giúp công nhân lao động (CNLĐ), Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức tham gia phiên tòa bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ trong vụ kiện đòi nợ lương, chế độ BHXH đối với Công ty cổ phần COXANO. Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, TAND TP. Huế chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế buộc Công ty cổ phần COXANO phải có nghĩa vụ thanh toán nợ tiền lương của 27 NLĐ với tổng số tiền là 995.474.877 đồng; đồng thời, yêu cầu công ty phải có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền nợ lãi chậm đóng được tính đến tháng 8/2020 cho 25 NLĐ với số tiền trên 1,7 tỷ đồng và tiếp tục trả lãi chậm đóng phát sinh kể từ tháng 9/2020 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Như vậy, tất cả hồ sơ của NLĐ uỷ quyền cho cán bộ Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế khởi kiện đã thắng kiện DN với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 07/12)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thừa Thiên Huế: Cửa hàng của Công ty Hữu cơ Huế Việt là “Điểm bán hàng Việt Nam”
Sau khi được khảo sát, đồng thời dựa vào các tiêu chí của quyết định đề ra, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã chọn cửa hàng của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (46 Chu Văn An, Tp. Huế) để làm “Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế: Cửa hàng của Công ty Hữu cơ Huế Việt là “Điểm bán hàng Việt Nam”
Thực hiện Quyết định số 695/QĐ-BCT ngày 28 tháng 2 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt các dự án, nhiệm vụ và kinh phí năm 2018 thực hiện Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.
Sở Công Thương tổ chức khảo sát và đã chọn cửa hàng của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt - 46A Chu Văn An, Thành phố Huế phù hợp với các tiêu chí của Bộ Công Thương để xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Tại “Điểm bán hàng Việt Nam” thì 100% hàng hóa bày bán là hàng sản xuất trong nước, chất lượng bảo đảm, cụ thể: ống hút cỏ, đệm bàng, các sản phẩm nông sản và đặc sản trong và ngoài tỉnh...
Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, điểm bán hàng Việt tại 46A Chu Văn An, Thành phố Huế đưa vào hoạt động sẽ góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. (congthuong.vn 06/12)
2. Vinh Thanh xây dựng thành công mô hình nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với tất cả nỗ lực và quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vinh Thanh (Phú Vang) đã xây dựng thành công mô hình NTM, chú trọng phát triển kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Là một xã ven biển, có địa hình khá bằng phẳng, tiếp giáp với phá Tam Giang và biển Đông nên Vinh Thanh rất thuận lợi trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản.
Đặc biệt, hệ thống giao thông của xã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, liên kết các vùng miền. Xã có nhiều thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nguồn lao động tại địa phương dồi dào, có trình độ và năng lực, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy vậy, nhiều hộ gia đình có mức sống trung bình nên khả năng huy động sức dân để thực hiện các mục tiêu trong Chương trình xây dựng NTM còn nhiều hạn chế.
UBND xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của huyện rà soát cụ thể từng tiêu chí, đánh giá từng nội dung, xác định thứ tự ưu tiên và đề ra cụ thể những việc cần làm để đạt những tiêu chí; chú trọng phát huy nội lực Nhân dân trong quá trình thực hiện.
Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự đồng tình ủng hộ của toàn thể Nhân dân trong xã trong nhiệm vụ xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã tới thôn đoàn kết tích cực trong công việc phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM. UBND xã tổ chức phát động thi đua xây dựng NTM với sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo Nhân dân trên địa bàn; quán triệt trong cán bộ và Nhân dân phát huy cao độ tính dân chủ trong các phiên họp tại các thôn về nội dung chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, và triển khai nội dung xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hhàng năm, UBND xã trích từ ngân sách xã một phần kinh phí để in pa-nô, áp phích, băng rôn có nội dung tuyên truyền về xây dựng NTM ở các thôn để nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương và công tác phát triển và xây dựng NTM trên địa bàn toàn xã.
Xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 7 thành viên do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng Ban, Ban Quản lý gồm 24 thành viên do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý được phân công phụ trách từng thôn và từng công việc cụ thể để giúp đỡ các thôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM đến tận người dân được biết và thực hiện.
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM đến cuối tháng 12/2019, tổng kinh phí được phê duyệt tại Đề án NTM 69,73 tỷ đồng; tổng kinh phí thực hiện 263,6 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương của các cấp về xây dựng NTM và chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đây là chủ trương lớn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng xã nhà giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, hướng tới sự phát triển toàn diện trên tiêu chí chung, đối với cái mới phải dựa trên nền tảng của nông thôn cũ, lưu giữ những nét riêng về văn hóa xã hội của mỗi thôn.
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình về NTM trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, Vinh Thanh đã đạt cả 19/19 tiêu chí. Đây là thành quả lớn và rất đáng tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và tất cả người dân toàn xã. (baothuathienhue.vn 06/12)