Sáng ngày 3/12/2020, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế vừa trọng thể kỷ niệm 40 năm thành lập. Đến dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Bí Thư TW Đảng, nguyên trưởng ban Tư tưởng VH TW; đồng chí Vũ Mạnh Hà, Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương; đồng chí Phan Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH&TT cùng các đồng chí Nguyên là lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo ngành VH&TT qua các thời kỳ.
Diễn văn của Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tại lễ kỷ niệm đã nêu rõ, năm 1979, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã quyết định xây dựng Nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm bảo tồn di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cố đô Huế. Ngôi nhà số 7 - Lê Lợi là trụ sở Tòa soạn báo Dân được chọn để trở thành Nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, ngày 2/9/1979, Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng được khai mạc. Sau 01 năm hoạt động, ngày 16/9/1980, Bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức được thành lập (trên cơ sở Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh), đánh dấu bước khởi đầu mới cho một thiết chế văn hóa đặc biệt trên đất Cố đô.
Sau gần 20 năm thành lập, năm 1998, dự án xây dựng mới nhà trưng bày bảo tàng được Tỉnh Thừa Thiên Huế được phê duyệt và đi vào thực hiện. Đó là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển về cơ sở vật chất lẫn nội dung trưng bày. Công trình mang hình dáng bông Sen hồng bên bờ sông Hương đã được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2000). Nơi đây không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản và phát huy tác dụng các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của các cán bộ, đảng viên,các thế hệ học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cũng như du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Huế.
Các đại biểu dâng hoa lên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng
Bên cạnh đó, hệ thống di tích, địa điểm di tích lưu niệm về Người tiếp tục được đầu tư tu bổ, tôn tạo để phát huy tác dụng. Năm 2005, Nhà đa năng (nhà tưởng niệm, trưng bày bổ sung) tại cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ được khánh thành; Ngày 2/9/2005, công trình biểu tượng anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ năm 1908 cũng được xây dựng xong và đưa vào phát huy tác dụng; Năm 2008, 2010 lần lượt hai di tích cấp Tỉnh Am Bà và địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân cũng được trùng tu hoàn chỉnh. Các công trình trùng tu, tôn tạo bảo dưỡng các di tích trong hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế được quan tâm đầu tư thực hiện hàng năm luôn tạo diện mạo khang trang cho các di tích.
Từ khi công trình bảo tàng Hồ Chí minh Thừa Thiên Huế được khánh thành, mở cửa đón khách tham quan từ 19/5/2000, bảo tàng không chỉ là công trình văn hóa lớn của tỉnh về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh mà còn là một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục chính trị, truyền thống tại địa phương. Để phát huy có hiệu quả giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, góp phần tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đến các tầng lớp nhân dân, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tập trung đổi mới và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả. Trong đó đã đa dạng hóa hoạt động truyên truyền tại Bảo tàng, tuyên lưu động, triển lãm lưu động. Đổi mới hoạt động trưng bày triển lãm chuyên đề...
Ngày 17/7/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 04 di tích đã được xếp hạng quốc gia gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, Địa điểm Trường Quốc Học (thành phố Huế); Nhà lưu niệm Dương Nỗ, Đình Dương Nỗ (huyện Phú Vang).
Chương trình văn nghệ chào mừng tại buổi lễ
Trong 40 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III năm 2005; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của UBND tỉnh, nhiều năm liền là tập thể lao động xuất sắc. Ban chỉ đạo giải thưởng thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018 – 2020.
Nhân dịp kỷ niệm 40 ngày thành lập, một lần nữa bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lại vinh dự được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.