Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 03/12/2020
Ngày cập nhật 03/12/2020
TIN NÓNG
 

1.  Vì sao sạt lở ‘nhắm’ vào công trình của BQL Khu Kinh tế, Công nghiệp TT-Huế?

- Trong khi công trình đường đi bộ hơn 170 tỷ tan hoang như gặp động đất sau cơn bão 13 tại Lăng Cô chưa khắc phục xong, mới đây, thêm một vụ sạt lở lớn xảy ra ở một công trình khác tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) cũng do Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp (KKTCN) tỉnh TT-Huế đầu tư, quản lý.

Đến trưa 2/12, tuyến đường bộ du lịch dẫn vào khu du lịch Laguna nằm trong hệ thống đường du lịch ven biển thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Ban Quản lý KKTCN tỉnh TT-Huế) vẫn chưa thể thông suốt, do tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại hệ thống kè mái taluy dương bảo đảm an toàn giao thông, được một đơn vị trực thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đầu tư xây dựng, chưa thể khắc phục xong.

Trước đó, sau cơn bão số 13, công trình dự án đường đi bộ trị giá hơn 170 tỷ đồng tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, giáp ranh xã Lộc Vĩnh) trở nên tan nát như gặp động đất, bê tông nát vỡ như lu nghiền, dù đây chỉ là cơn bão khi ảnh hưởng vào đất liền địa bàn TT-Huế chỉ có mức gió ở mức cấp 8, cấp 9. Vụ việc khiến dư luận, người dân bức xúc.

Trong khi những thiệt hại, hư hỏng tại dự án đường đi bộ Lăng Cô chưa khắc phục xong, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa đưa ra được lý giải thực sự thỏa đáng, thuyết phục về sự cố hư hỏng, thì vào tối 30/11, tại công trình bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông (hệ thống kè mái taluy dương theo thiết kế kết cấu kiên cố) trên đường đèo dẫn vào khu du lịch Laguna (thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh) bất ngờ bị đổ sập.

Điều đáng nói, trên tuyến đường đèo này, trong đợt mưa lớn xảy ra từ cuối tháng 11 đến nay, chỉ có tại vị trí “công trình chống sạt lở” ở núi Cảnh Dương bị sạt lở. Còn tại các khu vực khác trên tuyến đường ven núi Phú Xuyên - Cảnh Dương, đường ven sông Bù Lu và đường dẫn vào khu du lịch đều không xảy ra tình trạng tương tự.

Qua hai vụ sạt lở xảy ra liên tiếp tại công trình, dự án thuộc quản lý của Ban Quản lý KKTCN tỉnh TT-Huế, dư luận, người dân không khỏi băn khoăn, thắc mắc vì sao các sự cố hư hỏng về hạ tầng lại “nhắm” vào các công trình đầu tư của Ban này tại Lăng Cô - Chân Mây, mà không phải những công trình khác?

Việc hư hỏng, mà khi tái đầu tư sẽ lại tiêu tốn tiền tỷ ngân sách này liệu có hoàn toàn do mưa bão, hay vì kém chất lượng, hoặc tắc trách, bất cập thậm chí yếu kém trong khâu tư vấn, khảo sát thiết kế công trình, cũng như những tính toán về đầu tư xây dựng… là những vấn đề đã đến lúc UBND tỉnh TT-Huế nên chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.

Liên quan công trình kè mái taluy dương tuyến đường vào khu du lịch Laguna bị sạt lở, vỡ nát, hư hỏng nghiêm trọng, ông Lê Văn Tuệ - Trưởng ban Quản lý KKTCN tỉnh TT-Huế, cho biết, công trình này được đầu tư từ năm 2012. Trong khi theo một nguồn thông tin khác, vị trí công trình sạt lở được đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để “chống sạt lở”, thi công trong năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, ông Tuệ cho biết, hàng năm, vị trí này được duy tư bảo dưỡng, chứ không có chuyện đầu tư xây dựng mới.

Trước thắc mắc, vì sao công trình "chống sạt lở" tiêu tốn nhiều tỷ đồng ngân sách nhưng lại không ngăn được sạt lở, công năng công trình là gì; ai là đơn vị tư vấn thiết kế, thi công… ông Tuệ không đưa ra giải đáp. (tienphong.vn 02/12)

 
 
 

2.  TT-Huế: Mái taluy tuyến đường ven biển Cảnh Dương sạt lở như động đất

Bên cạnh tuyến đường trăm tỷ ven đầm Lập An bị sóng đánh tan hoang, mới đây, mái taluy tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương là dự án của Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp Huế tiếp tục bị sạt lở.

Ngày 2/12, lực lượng chức năng vẫn đang khắc phục sự cố sạt lở mái taluy tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương, đoạn từ cầu sông Bù Lu vào khu nghỉ dưỡng Laguna, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).

Trước đó, mưa lớn đã khiến bị sạt đổ, gây ắc tách kéo dài trong chiều tối 30/11. Sự cố đã khiến mái taluy dương được thiết kế theo hệ thống khung dầm bê tông từng lớp cố định áp vào phía mặt núi để bảo vệ tuyến đường bị kéo đổ xuống đường tạo ra một hàm ếch lớn dài hơn 30m. Nhiều khu vực mái taluy đang chực chờ đổ sụp xuống đường.

Theo tìm hiểu của PV, mái taluy bị sạt nằm trên tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương thuộc hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Trong đó gói thầu số 06 "Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương"do Trung tâm quản lý, khai thác hạ tầng Khu công nghiệp - Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Công trình có giá trị hơn 4 tỷ đồng, được phê duyệt vào tháng 7/2018, hoàn thiện vào giữa năm 2019.

Thông tin thêm về Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban này cũng là chủ đầu tư dự án công trình "Đường phía Đông đầm Lập An" (huyện Phú Lộc) bị sóng đánh nát tươm dù chưa hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng mà An Ninh Tiền Tệ phản ánh trước đó.

Công trình có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, trong đó đoạn đường thi công có chiều dài 3,4km, với chi phí xây lắp 110 tỷ đồng. Mức đầu tư khủng, tương đương hơn 50 tỷ đồng cho 1km.

Sau khi báo chí phản ánh, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án để vào cuộc làm rõ.

Liên quan đến dự án "Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương", PV An Ninh Tiền Tệ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, để phối hợp cung cấp các thông tin xung quanh gói thầu này tới công luận. (antt.vn 03/12)

 
 
 

3.  Thừa Thiên – Huế: Sạt lở núi gây chia cắt tuyến đường vào khu du lịch Laguna

- Do ảnh hưởng của mưa lớn gây sạt lở bờ kè taluy dương, hàng ngàn mét khối đất đá tràn xuống đường gây chia cắt tuyến đường độc đạo vào khu du lịch Laguna tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế).

Tối 30/11, mưa lớn đã gây ra sạt lở nặng ở khu vực đồi núi Dốc ở ven sông Bù Lu thuộc xã Lộc Vĩnh. Nhiều đất đá với khối lượng lớn đã tràn xuống lấp một phần đường giao thông nối vào khu du lịch Laguna.

Tại hiện trường, mái taluy dương được gia cố bằng bê tông cốt thép đã bị trượt gãy, dẫn đến nhiều khối đất đá đồi núi bị trượt từ trên xuống dưới đường. Chiều dài tuyến đường bị đất đá vùi khoảng khoảng 100m. Vụ sạt lở đồi núi xảy ra vào buổi tối không có người qua lại, nên không gây thiệt hại về người.

Ngay khi xảy ra sạt lở, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc tổ chức cảnh báo, rào chắn không cho các phương tiện lưu thông qua lại và huy động các máy múc, máy đào đến để giải phóng hiện trường.

Do mưa vẫn lớn cùng với khối lượng đất đá lớn gây mất an toàn nên đến chiều 01/12, hàng trăm khối đất đá tràn xuống đường vẫn chưa được giải phóng. Khu vực sạt lở có nguy cơ tiếp tục sạt lở, việc thi công thông tuyến gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, đơn vị khẩn trương tiến hành thông tuyến một nửa phần đường để đảm bảo việc lưu thông của người và cảnh báo nguy hiểm khi qua lại tại vị trí này. Phần thi công lại công trình kè taluy dương, đơn vị sẽ báo cáo UBND tỉnh để có phương án khắc phục sửa chữa, thi công mới nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. (baoxaydung.com.vn 02/12)

 
 
 

4.  Thừa Thiên – Huế: Hàng loạt hệ thống thủy lợi thiệt hại nặng sau bão lũ

Mưa lũ liên tục trong tháng 10 và 11 vừa qua, khiến nhiều công trình hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều hồ, đập, mương, máng… đang cần nhanh chóng khắc phục nhằm phục vụ cung cấp nước sản xuất cho người dân.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 100/242 công trình do Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên – Huế quản lý bị hư hỏng, sạt lở, bồi lắp, trôi nhiều hạ tầng thủy lợi. Trong đó, đã gây sạt lở mái, sập tường kênh các loại với chiều dài hơn 1,4km; Sạt lở, vỡ đê bao bờ vùng dài 1,5km; Cửa bị hư hỏng khoảng 31,74m3; Đất cát bồi lấp lòng kênh khoảng 100.000m3; Rọ thép đá hộc các loại 450 cái…

Nhiều hồ đập ở huyện miền núi A Lưới, Nam Đông bị sạt lở làm đất đồi bồi lấp gây hư hỏng nhiều đoạn kênh mương. Hồ Khe Ngang (thị xã Hương Trà) bị sạt lở vách núi phía bờ tả tràn phí thượng lưu, với chiều dài 30m, rộng 10m; mái đá thượng lưu tràn chính bờ tả bị lún sụt 5m2; mái hạ lưu đập chính bị xói lở, lún sụt 4 vị trí ở chân đập và 3 điểm thân đập; đường quản lý tràn chính đoạn cống ngầm bị hư hỏng nặng; kênh chính hư hỏng 100m và kênh cấp 1 hư hỏng 80m. Hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) bị sạt vách núi vai phải đồi và chân taluy đường quản lý và kênh N2 bị hư hỏng nặng. Nhiều trạm bơm, kênh mương hư hỏng nặng… Tổng thiện hại ước tính khoảng 12 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho biết: Mưa lũ vừa qua đã làm hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hư hỏng rất nặng. Nhằm bảo đảm chủ động cấp nước tưới, tiêu phục vụ cho hơn 36.000ha lúa sản xuất nông nghiệp năm 2020 và chủ động khắc phục thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra, đơn vị sẽ tiến hành tu sửa tạm thời các công trình nhằm đảm bảo tưới, tiêu cho vụ tới. Về lâu dài, cần UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa, nâng cấp những thiệt hại do mưa lũ gây ra. (baoxaydung.com.vn 02/12)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  TT-Huế: Xác định 1 F2 và 12 F3 của ca nghi nhiễm Covid-19 ở TP.HCM

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xác định 1 F2 và 12 F3 của ca nghi nhiễm Covid-19 ở TP.HCM.

Chiều 2/12, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết liên quan đến các đối tượng F1 của ca nghi nhiễm Covid-19 tại TP.HCM, cơ quan chức năng tỉnh đã rà soát, xác định các đối tượng F2 và F3 là người ở tỉnh.

Theo đó, qua rà soát, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1 trường hợp F2 và 12 trường hợp F3. Trong số 13 người này có 1 trường hợp F3 trú ở thị xã Hương Thủy, còn lại đều trú ở huyện Phú Vang.

Ông Nguyễn Đình Bách cho hay hiện 13 trường hợp này đều đã được kiểm tra sức khỏe, riêng trường hợp F2 đã được xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính, đồng thời được đưa đi cách ly. Các trường hợp F3 đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Bách cho biết thêm trong sáng 2/12, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã họp triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19 và trong chiều 2/12, sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể.

Vào ngày 1/12, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý người cách ly và giám sát phát hiện Covid-19. Văn bản này yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19, định kỳ hàng tháng tự đánh giá và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với cơ sở y tế, Sở Y tế tỉnh yêu cầu duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, nhân viên y tế có tiếp xúc điều trị người bệnh nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi nặng, nhân viên lấy mẫu, nhân viên khoa hồi sức cấp cứu…

Văn bản này yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe của người nhập cảnh lưu trú trên địa bàn; kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép; phối hợp quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung, không để dịch bệnh lây chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng. (danviet.vn 02/12; tienphong.vn 02/12)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế tăng cường quản lý người cách ly và giám sát phát hiện Covid-19

Đối với các cơ sở cách ly tập trung và các khách sạn thực hiện cách ly y tế tự trả phí, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị nghiêm túc thực hiện các Quyết định của Bộ Y tế, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội quy tại khu cách ly của các đối tượng được cách ly.

Ngày 2/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản về việc tăng cường quản lý người cách ly và giám sát phát hiện Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn trước dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập và lây lan ở nước ta.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19, định kỳ hàng tháng tự đánh giá và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động tinh thần chống dịch với mức độ cao nhất, không được chủ quan, lơ là.

Đối với các cơ sở y tế, yêu cầu duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, có hay không có tiền sử dịch tễ liên quan Covid-19.

Lấy mẫu, xét nghiệm cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, nhân viên y tế có tiếp xúc điều trị người bệnh nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi nặng, nhân viên lấy mẫu, nhân viên khoa hồi sức cấp cứu, cán bộ công tác tại các cửa khẩu, hải quan, khu vực sân bay nơi có tiếp xúc với đối tượng nguy cơ.

Đối với các cơ sở cách ly tập trung và các khách sạn thực hiện cách ly y tế tự trả phí, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị nghiêm túc thực hiện Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19" và Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành " Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả".

Đề nghị các đơn vì này phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội quy tại khu cách ly của các đối tượng được cách ly. Không được để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly phải thường xuyên đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần với những người xung quanh.

Ngoài ra, yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại các huyện/thị xã/thành phố thực hiện giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe của người nhập cảnh lưu trú trên địa bàn. Triển khai và thường xuyên đánh giá việc thực hiện các bộ tiêu chí do Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.

Quản lý tốt người lưu trú trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, không để dịch bệnh lây chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống Covid-19 trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện đơn vị, cá nhân có vi phạm sẽ xử lý theo quy định./. (toquoc.vn 02/12)

 
 
 

3.  Thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 3/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để bàn, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và bão, lũ xảy ra, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân; sự quan tâm của Trung ương, các địa phương và đồng bào, chiến sĩ trong cả nước, công tác phòng chống dịch COVID -19 đã đạt nhiều kết quả; thiệt hại của bão lũ, từng bước được khắc phục; đời sống Nhân dân tiếp tục ổn định.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị, nhất là bằng các luận cứ khoa học để dự báo tình hình dịch bệnh, xu hướng phát triển khả thi của các ngành, lĩnh vực để thảo luận và quyết định những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng các chính sách, giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Huy động các nguồn lực, tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh các dự án, chương trình trọng điểm, các chương trình kích cầu du lịch, dịch vụ…

Về Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Tờ trình về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; dự thảo Chương trình công tác năm 2021 của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tờ trình về dự thảo Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy khóa XVI; dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2021 đề nghị các đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị hoặc tham gia trực tiếp bằng văn bản gửi lại bộ phận biên tập bổ sung, chỉnh sửa hoàn chỉnh và ban hành.

“Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng để quyết nghị các nghị quyết, các nội dung lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và đề ra các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2021. Do vậy, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể vào các nội dung, chương trình”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo.

Sau phần phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, các đại biểu tham gia hội nghị nghe Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn trình bày Tờ trình về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; dự thảo Chương trình công tác năm 2021 của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn công bố Quyết định chuẩn y Ủy viên UBKT Tỉnh ủy khóa XVI.

UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy - Phạm Thị Minh Huệ trình bày Tờ trình về dự thảo Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy khóa XVI; dự thảo chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2021.

Ngoài phiên họp nội bộ, hội nghị dành phần lớn thời gian để tập trung thảo thuận, cho ý kiến về các Tờ trình, Quy chế làm việc, nhất là Tờ trình về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, bàn và thông qua nhiều nội dung quan trọng khác.

Hội nghị diễn ra trong thời gian 1 ngày. (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
 

4.  Cuộc di dân lịch sử - Kỳ 1: Lời hứa trước dân

Phóng sự ngắn (TRT Huế 03/12)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020

Ngày hội Áo dài sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20-12, riêng Lễ hội Ẩm thực kéo dài đến ngày 23-12 tại đường Lê Lợi. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, ngày hội sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh TT- Huế.

Theo kế hoạch của Sở VH- TT TT- Huế, Ngày hội Áo dài sẽ tổ chức chuỗi hoạt động quảng diễn, trình diễn áo dài Huế, biểu diễn nghệ thuật, kết hợp với các hình thức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh áo dài; khuyến khích, huy động sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng.  Chương trình trình diễn áo dài và biểu diễn nghệ thuật sẽ trình diễn áo dài Nhật Bình, áo dài ngũ thân, áo dài học đường, công sở, thiếu nhi, giới thiệu các bộ sưu tập của các nhà thiết kế, áo dài 54 dân tộc và tổ chức không gian trưng bày áo dài truyền thống.

Không gian ẩm thực gồm các hoạt động giới thiệu, quảng bá gắn với các hoạt động thao tác, trình diễn chế biến món ăn, quảng bá nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Huế. Lễ hội Ẩm thực có sự tham gia của khoảng 70-80 gian hàng của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian, truyền thống, cung đình, ẩm thực chay… (cadn.com.vn 02/12)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Thừa Thiên - Huế tuyên dương 150 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ngày 2/12, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020.

Biểu dương những thành tích mà cán bộ, hội viên nông dân tỉnh đã đạt được, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nhấn mạnh, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là trọng tâm trong phong trào thi đua của các cấp hội nông dân cả nước.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội đổi mới nội dung, hình thức tổ chức vận động thi đua yêu nước; nâng cao ý thức trách nhiệm của nông dân về bảo vệ môi trường và sản xuất kinh doanh nông sản sạch, an toàn vì sức khỏe cộng đồng; phát triển sản xuất quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân kịp thời phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình, gương người tốt việc tốt, khen thưởng kịp thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Giai đoạn 2016-2020, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Năm năm qua, toàn tỉnh đã bình chọn được hơn 179.900 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 60,4% hộ đăng ký. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực, trở thành chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, chủ gia trại, trang trại có thu nhập cao, đạt từ 1 -2 tỷ đồng mỗi năm.

Điển hình như, hộ ông Nguyễn Năm, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền làm dịch vụ và nuôi trồng thủy sản, thu nhập hàng năm trên 1,3 tỷ đồng; ông Đỗ Sanh, ở xã Điền Lộc, huyện Phong Điền với mô hình canh tác nông nghiệp bền vững cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Tùy xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc với mô hình nông lâm nghiệp kết hợp thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng/năm. Ông Trương Công Lời ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang với mô hình trồng sen kết hợp nuôi vịt trời, chăn nuôi bò sinh sản thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm...

Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 35.190 lao động; giúp cây con giống, vật tư, tiền vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hơn 42.460 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 75,1 tỷ đồng, 180.120 ngày công, làm mới và sửa chữa 2.941 km đường giao thông nông thôn. Các cấp hội đã vận động hội viên tự nguyện hiến hơn 840.760 m2 đất để xây dựng đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa...

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, giai đoạn 2021-2025, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt phấn đấu hàng năm, toàn tỉnh có trên 60.000 hộ nông dân đăng ký, hơn 33.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh tăng bình quân từ 5-10%/năm; 100% nông dân được tuyên truyền, phổ biến về tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng Bằng khen 10 tập thể và 15 cá nhân. Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khen thưởng 8 tập thể, 117 cá nhân đạt thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020. (baotintuc.vn 02/12)

 
 
 

2.  Trao 1 tỷ đồng cho đồng bào vùng lũ

Chiều 2/12, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Chi nhánh Huế đã trao 1 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục sau lụt, bão cho các hoàn cảnh khó khăn do thiên tai trên địa bàn.

Theo đó, đoàn đã trực tiếp đến thăm hỏi và trao hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và các gia đình mất người thân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đoàn cũng hỗ trợ xây sửa các công trình công cộng thiết yếu như: Trường tiểu học Phú An huyện Phú Vang, nhà cộng đồng tránh bão lũ cho người dân xã Phong Bình… với mức hỗ trợ gần 300 triệu đồng mỗi công trình… Đoàn còn trao hàng ngàn con giống cho các hộ dân khó khăn huyện Phú Vang.

Được biết, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và các đối tác, doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã triển khai chương trình “Hành trình từ tâm”, đồng hành cùng đồng bào miền Trung sớm ổn định sau thiên tai với tổng số tiền trao tặng hơn 10 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
 

3.  Carlsberg sẽ luôn đồng hành cùng Huế trong các kỳ Festival

Ngày 2/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình có buổi tiếp và làm việc với ông Andrzej Bialasiewicz - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam liên quan đến công tác tài trợ cho Festival Huế. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính và Trung tâm Festival Huế.

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã thông tin về tình hình kinh tế -  xã hội cũng như các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; đồng thời cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Carlsberg hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Carlsberg trong bối cảnh chung hiện nay. Cảm ơn các doanh nghiệp nói chung trong đó có Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam đã cam kết hỗ trợ cho tỉnh trong việc tổ chức Festival Huế thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, Festival Huế đã có thương hiệu. Nếu tổ chức vào năm sau là 2021 trong điều kiện các quốc gia vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì hiệu quả sẽ không cao.

Nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân và các lực lượng tham gia Festival Huế, tỉnh thống nhất sẽ tổ chức Festival Huế vào năm 2022.

Ông Andrzej Bialasiewicz, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Huế trong các kỳ Festival; đóng góp cho sự phát triển về kinh tế, xã hội và lan tỏa những giá trị văn hóa Huế. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
 

4.  Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng chính xác, kịp thời

Nội dung này được khối thi đua, khen thưởng các huyện, thị xã và TP. Huế (gọi tắt là khối thi đua) đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng khối huyện, thị xã và TP. Huế năm 2020 do UBND TP. Huế tổ chức chiều 2/12.

Tham dự có TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng khối thi đua Hoàng Hải Minh; Trưởng Ban thi đua khen thưởng tỉnh Phan Đỗ Quốc Hùng; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã.

Năm 2020 diễn ra trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với liên tiếp các đợt bão lũ. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, các đơn vị trong khối đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp để vừa phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội. Đây là sự nỗ lực, đoàn kết, đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Ngay từ đầu năm 2020, khối thi đua đã tổ chức ký kết giao ước thi đua, thống nhất các tiêu chí, bảng điểm, phương pháp chấm điểm thi đua của khối và đánh giá các đơn vị qua 4 nội dung, đó là thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị; thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, phòng chống tham nhũng lãng phí, thực hiện công tác an ninh - quốc phòng, quản lý tài nguyên, môi trường; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng.

Sau phần thảo luận và chấm điểm từng đơn vị, khối thi đua bình chọn 3 đơn vị được nhận Cờ thi đua năm 2020, gồm các huyện: Phú Vang, Quảng Điền và Nam Đông. Hội nghị cũng đã chọn Trưởng khối thi đua năm 2021 là thị xã Hương Trà, Phó trưởng khối là huyện Phú Lộc.

Năm 2021, khối thi đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, như, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Một số chỉ tiêu phấn đấu đã được đề ra, như đảm bảo đời sống nhân dân, phòng ngừa dịch bệnh, thiên tai; chung sức đồng lòng, đoàn kết phát triển kinh tế xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của cả tỉnh... (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
 

5.  Nhân rộng nhà ở phòng tránh bão, lũ ở Quảng Điền

Quảng Điền là một trong những huyện vùng trũng được tỉnh đánh giá triển khai có hiệu quả về xây nhà ở phòng tránh bão, lũ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung (Quyết định 48).

Ngôi nhà phòng tránh bão, lũ của chị Hồ Thị Bồng ở thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước còn in dấu mực nước cao chừng một mét trong đợt lũ lớn, kéo dài vừa qua. Gia đình chị Bồng có 4 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo của huyện.

Chị Bồng tâm sự, chồng khiếm thị, hai con còn ăn học, đứa nhỏ mới lớp 8, mọi chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học đều do một mình chị lo toan, xoay trở. Điều kiện để xây một ngôi nhà kiên cố, phòng tránh bão, lũ là điều nằm ngoài ước mơ của gia đình. Cứ đến mùa bão, lũ, vợ chồng chị và các con lại âu lo, phải nhờ đến bà con lối xóm, chính quyền địa phương sơ tán.

Đầu năm 2020, gia đình chị Bồng được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quảng Điền vận động, cho vay 15 triệu đồng theo Quyết định 48, cộng với kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo của huyện và dành dụm đã xây dựng căn nhà đảm bảo an toàn, đủ điều kiện phòng tránh bão, lũ.

Các đợt bão, lũ lớn vừa qua, gia đình chị Bồng không còn phải sơ tán. Các vật dụng, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, áo quần, sách vở… đều đưa lên căn gác cao, không bị ẩm ướt, hư hỏng. Mọi sinh hoạt của gia đình trong suốt những ngày mưa lũ đều ổn định, khô ráo và đảm bảo an toàn.

 “Trước đây, gia đình tui thường phải sơ tán đến nhà người thân, xóm làng, công trình kiên cố phòng tránh bão, lũ. Bây giờ, trong các trận bão, lũ vừa qua, gia đình tui không chỉ có ngôi nhà kiên cố, trú tránh an toàn mà còn có thể giúp nhiều hộ khác đến trú tránh mỗi khi dự báo bão, lũ lớn tràn về”, chị Bồng nói.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ, là một trong những địa phương thuộc vùng thấp trũng của tỉnh, huyện Quảng Điền thường gánh chịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ lớn. Các hộ nghèo chưa có nhà kiên cố đều có nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản do bão, lũ. Cứ mỗi lần sơ tán, di dời rất bất tiện, cuộc sống của người dân xáo trộn, bất an.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền, ông Lê Vinh thông tin, quá trình triển khai, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền chủ động phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương, khuyến khích các hộ nghèo vay vốn xây nhà. Sau 6 năm triển khai Quyết định 48, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 410 hộ vay xây nhà với số tiền 6,150 tỷ đồng.

Ông Vinh kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu kéo dài chương trình này và nâng mức cho vay, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; đồng thời xem xét việc mở rộng đối tượng hộ cận nghèo có thể vay vốn để nâng cấp, xây nhà phòng tránh bão, lũ.

Ngoài nguồn vay từ ngân hàng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cần tăng cường vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ giúp người nghèo có thêm kinh phí xây nhà; tạo thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không bị tổn thương trước thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không chỉ người nghèo mà tất cả các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ, ý thức được sự cấp thiết phải xây dựng nhà phòng tránh bão, lũ đảm bảo ổn định cuộc sống, an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu bất thường. (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
 

6.  Linh hoạt trong học tập, làm theo Bác

Tập trung vào việc xây dựng tác phong công tác gần dân, sát cơ sở, lấy hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân làm thước đo, nhiều tập thể, cá nhân ở huyện Phú Lộc học tập, noi theo gương Bác với những cách làm hiệu quả.

Nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân

Lộc Hòa là xã còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Khi thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ủy xã xác định vấn đề cần tập trung thực hiện là gắn đôn đốc, kiểm tra đăng ký học Bác với việc tăng cường giám sát đối với các chi bộ, đảng viên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế hộ gia đình theo nghị quyết của Đảng ủy đề ra, tích cực chăm lo đời sống người dân.

Ông Trần Quang Dũng, Trưởng thôn Làng Đông, xã Lộc Hòa cởi mở: Từ chủ trương của Đảng ủy, nhiều đảng viên mạnh dạn tiên phong vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi heo, dê, bò đàn, trồng rừng kinh tế..., mỗi năm đem lại nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Mỗi đảng viên cũng đảm nhận giúp đỡ 1-3 hộ nghèo tùy theo điều kiện. Nhờ có đảng viên hỗ trợ, các hộ nghèo trong thôn mạnh dạn xin vay vốn đầu tư trồng rừng, xây chuồng trại phát triển chăn nuôi, góp phần giảm hộ nghèo của thôn xuống còn 8 hộ.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa Nguyễn Hữu Thuận phấn khởi: Các chi bộ, đảng viên tích cực thực hiện việc đăng ký học tập, làm theo Bác về chăm lo đời sống cho bà con thông qua nhiệm vụ phát triển kinh tế hộ gia đình theo nghị quyết của Đảng ủy đề ra, nên tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn hơn 3,9%.

Với chức năng chỉ đạo trực tiếp giải quyết các hồ sơ giao dịch tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) của huyện, Chi bộ Văn phòng HĐND - UBND huyện Phú Lộc đã gắn việc đăng ký học tập, làm theo Bác vào việc thi đua thực hiện nhiệm vụ. Các bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đảm bảo công khai, minh bạch; trách nhiệm và thời gian giải quyết công việc của mỗi cán bộ, công chức được phân định và ghi nhận rõ ở từng hồ sơ công việc.

Đến làm thủ tục tách thửa đất cho con tại TTHCC huyện Phú Lộc, chị Trần Thị Huế ở thị trấn Phú Lộc nhận xét: “Đội ngũ cán bộ, công chức ở đây có thái độ ứng xử và trách nhiệm giải quyết hồ sơ với tinh thần nêu cao tính phục vụ Nhân dân”.

Bí thư Chi bộ Văn phòng HĐND – UBND huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Trường cho biết: Đơn vị xây dựng kế hoạch học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận. Nhiều phong trào thi đua được phát động như chấn chỉnh tác phong trong quan hệ, tiếp xúc với Nhân dân, đáp ứng kịp thời các yêu cầu chính đáng của Nhân dân và đấu tranh loại bỏ những vi phạm tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu...

Mỗi địa phương, đơn vị ở Phú Lộc có mỗi cách làm, nhưng tựu chung là các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên đã thật sự gần dân, sát cơ sở, lấy hiệu quả công tác và việc chăm lo đời sống người dân làm thước đo, đánh giá.

Lan tỏa trong đời sống Nhân dân

Cùng với các tập thể, nhiều cá nhân có cách học tập, làm theo gương Bác với việc làm thiết thực, cụ thể, linh hoạt, vận dụng sáng tạo. Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Diệu ở thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy là một điển hình như thế.

Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lộc Thủy anh hùng, bản thân là CCB, nhận thấy trên địa bàn xã và các thôn việc đi lại của bà con Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời để góp phần xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động con cháu trong gia đình hỗ trợ xây dựng các tuyến đường giao thông ở các thôn Thủy Cam, Thủy Yên Thượng, Nam Phước, Thủy Yên Hạ với số tiền gần 700 triệu đồng; hỗ trợ thi công 2 nhà bia tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Lộc Thủy với số tiền 350 triệu đồng; xây dựng 2 nhà tình thương với số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ UBND xã Lộc Thủy đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác như mua sắm máy vi tính và máy in với tổng trị giá 250 triệu đồng... Vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, ông đều kêu gọi con cháu tặng cho bà con trong xã hàng ngàn suất quà, trị giá mỗi suất 300 ngàn đồng.

Trên cương vị Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Lộc Bình (Phú Lộc), Trung tá Lê Đức Phương, cán bộ Đồn biên phòng Vinh Hiền, BĐBP tỉnh tận tụy, hết lòng vì dân xã nghèo này.

Ông Lê Viết Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình kể: Những năm trước, bà con làm nghề đánh bắt quần quật tối ngày cũng không đủ ăn, do ngư cụ hạn chế, môi trường ô nhiễm. Trăn trở với đời sống của bà con và căn cứ vào điều kiện đặc thù ở địa phương, anh Lê Đức Phương bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con, từ đó tham mưu lên Đảng ủy các nhóm giải pháp về đẩy mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản và du nhập các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhờ vậy, kinh tế hộ gia đình ở Lộc Bình ngày càng phát triển.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc Lê Văn Thông khẳng định: Các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị và nhiều tập thể, cá nhân đã chủ động, sáng tạo, lựa chọn các nội dung, hình thức phù hợp, sinh động trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã đưa việc thực hiện học tập, làm theo Bác đi vào chiều sâu, đạt kết quả thiết thực, tạo được sức lan tỏa trong đời sống cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
 

7.  Hoa khôi Đoàn Hồng Trang diện áo dài thăm Đại Nội Huế

Hoa khôi miền Trung Đoàn Hồng Trang gây ấn tượng sâu sắc khi diện áo dài, hoá thân hình ảnh Nam Phương hoàng hậu.

Đoàn Hồng Trang sinh ra ở mảnh đất Thanh long Bình Thuận đầy nắng và gió. Cô giành danh hiệu Hoa khôi miền Trung năm 2016 khi chỉ vừa tròn 21 tuổi. Năm 2020, cô vượt qua nhiều ứng viên sáng giá để được đại diện Việt Nam dự thi Miss Eco International. Sau 4 năm đăng quang Đoàn Hồng trang đang ở độ chín muồi về nhan sắc. Người đẹp có nhiều thay đổi đáng kể từ ngoại hình, kỹ năng, phong cách thời trang cho đến cách ứng xử với truyền thông

Mới đây, Hoa khôi Đoàn Hồng Trang vừa có chuyến tham quan Huế và chụp ảnh thời trang trong khung cảnh cổ kính, trầm mặc của cố đô. Việc lựa chọn khung cảnh cổ xưa của Đại Nội Huế để thực hiện bộ ảnh, đã giúp mỹ nhân sinh năm 1995 xinh đẹp một cách kiêu kỳ, đầy chất thơ. Để toát lên cái hồn của BST lần này, Đoàn Hồng Trang đã cất công thực hiện bộ ảnh tại Đại Nội Huế - cung đình triều Nguyễn - nơi Hoàng hậu Nam Phương đã từng sinh sống. Tại đây, Miss Eco Vietnam đã giới thiệu phong cách áo dài truyền thống lấy cảm hứng từ hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu với những hoạ tiết chim phượng hoàng, hoa văn tứ thời, bát bửu ngọc bảo trân châu làm tăng thêm nét uy nghiêm và quyền lực của NTK Trần Thiện Khánh. Hai mẫu áo dài được khoác lên lần này cũng chọn kiểu sao cho giống nhất có thể những bộ Hoàng hậu thường mặc mà vẫn không quá “tầm tay” của mình.

Sở hữu chiều cao 1m72, số đo 86 - 60 - 92 cm nên khi diện trang phục cổ, người đẹp sinh năm 1995 luôn cảm thấy tự tin và rạng ngời. BST sử dụng vải phi bóng, đi kèm với những chiếc áo dài làm từ lụa với phần tà dài chấm đất, cổ đeo kiềng bạc, chân mang những đôi guốc mộc làm mê đắm lòng người. Về chất liệu và kiểu dáng, hai mẫu thiết kế theo phong cách Hoàng phục được làm từ chất liệu gấm lụa sang trọng thêu kim long bay lượn. Hoa khôi Đoàn Hồng Trang rất thích những gì thuộc về truyền thống của Việt Nam. Cô dự định cuối năm và những tháng đầu năm của năm 2021 sẽ có những dự án kết hợp du lịch và thời trang để chia sẻ cuộc sống. (laodong.vn 03/12)

 
 
 

8.  Nghệ sĩ Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn: Tôi cực kỳ háo hức với nhân vật của mình

Để hoá thân vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi mất nhiều thời gian, tập trung cao độ giảm cân sao cho có được thân hình mảnh mai. Tôi phải luyện tập thể thao, ăn uống theo chế độ đặc biệt để giảm từ 73kg xuống 62kg như hiện tại.

Nghệ sĩ Trần Lực đã chia sẻ về vai diễn sau 10 năm tái xuất điện ảnh, đó là vai Trịnh Công Sơn ở tuổi trung niên trong phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Bộ phim vừa được khởi quay tại Huế với bối cảnh tập trung nhiều nhất trên đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có gác Trịnh, con đường với hàng xà cừ cổ thụ thơ mộng, cầu Phủ Cam… “Âm nhạc và con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nổi tiếng. Vì thế, vai diễn này không hề dễ dàng, nhưng càng khó lại càng thách thức”, nghệ sĩ từng vào vai trong phim "Long thành cầm giả ca" tâm sự.

- Thưa anh, anh có thể chia sẻ cơ duyên từ đâu đưa anh đến với vai diễn này?

Cũng như các diễn viên khác, bộ phận casting gọi điện mời vào Sài Gòn thử vai. Tôi có hỏi là vai gì, họ trả lời vai Trịnh Công Sơn. Ngay lập tức tôi nhận lời, thu xếp công việc và bay vào TP. Hồ Chí Minh diễn thử.

- Anh đã chuẩn bị gì cho vai diễn này, thưa anh?

Khi nhận lời vai diễn này, tôi biết đó là vừa thách thức nhưng cũng là vinh dự. Tôi dành nhiều thời gian đọc những tài liệu về nhạc sĩ họ Trịnh, xem những clip về ông đời thường và trên sân khấu. Quan trọng hơn, tôi học nói giọng Huế, học tiếng Pháp và luyện lại đàn, hát những ca khúc của ông.

Và đặc biệt là gặp gỡ trò chuyện với chị Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chồng chị, là anh Nguyễn Trung Trực), để nghe anh chị ấy kể rất nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Phải mất thời gian, tìm hiểu kỹ thì mới thể hiện được tinh thần của nhân vật mà mình thể hiện.

- Anh có thể nói qua đôi chút về những bổi cảnh mà anh nhập vai?

Tôi nhập vai Trịnh Công Sơn trung niên, một người đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời: chiến tranh – hoà bình, được – mất trong tình yêu, trong cuộc sống. Nhưng trên tất cả là với Trịnh Công Sơn là gia đình (mẹ và các em), bạn bè, âm nhạc và những người phụ nữ làm trái tim ông rung động.

- Có một áp lực nào cho vai diễn này, và anh đã vượt qua nó như thế nào?

Tôi không cảm thấy áp lực bởi đây là vai diễn mà tôi rất yêu thích. Được hoá thân vào nhân vật là người mình ngưỡng mộ thì còn gì bằng. Thay vì bị áp lực, tôi cực kỳ hào hứng và háo hức với nhân vật của mình.

- Theo anh, cái khó và dễ ở vai diễn này là gì?

Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá Việt Nam. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ được mọi tầng lớp yêu thích, thần tượng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài.

Với những người yêu nhạc Trịnh, ông là huyền thoại, là tượng đài sừng sững trong tim họ nên việc thể hiện tinh thần, chất lãng mạn mơ màng nhưng ấm áp tình người của Trịnh là vô cùng khó khăn. Tôi sẽ tập trung cao độ và tin sẽ làm trái tim khán giả rung động với Trịnh Công Sơn của Trần Lực trên màn ảnh.

- Đến thời điểm này, vai diễn của anh đã cơ bản hoàn thành chưa? Trong quá trình nhập vai, anh có phải gặp sự cố hoặc có đoạn nào phải quay lại nhiều lần, vì sao?

Vai diễn của tôi đầu tháng 12/2020 mới quay. Hiện, tôi chuẩn bị cho vai diễn: tập đàn hát, nghiên cứu kịch bản, duy trì chế độ ăn uống để giữ “phom” người thanh mảnh…

- Anh cảm nhận như thế nào trong những ngày bộ phim khởi quay ở Huế, những nơi từng gắn bó ít nhiều với cuộc đời người nhạc sĩ họ Trịnh mà anh đang nhập vai?

Bối cảnh chính của tôi - Trịnh Công Sơn quay ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Giai đoạn trung niên ông sống ở đó là chính nên tôi không có cảnh quay ở Huế. Dù không có cảnh quay ở đó nhưng Huế là nơi qua lại nhiều lần và Huế trong tôi luôn có một cái gì đó ấm áp tình người, trầm mặc, phảng phất buồn… Giống như âm nhạc của Trịnh Công Sơn vậy.

- Cuối cùng anh muốn nói điều gì với người yêu điện ảnh đang trông chờ bộ phim “Trịnh và Em” với vai diễn mà anh nhập vai?

Đây là bộ phim được đầu tư và vận hành bởi các bạn trẻ cực kỳ chuyên nghiệp ở các khâu: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm nhạc, phục trang, hoá trang, bối cảnh… Đã lâu rồi tôi mới được làm việc trong không khí nhà nghề như phim “Em và Trịnh”. Tôi nghĩ bộ phim sẽ làm khán giả thoả mãn khi vào rạp xem! (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
 

9.  Nỗi lo sau bão, lũ của người dân vùng cao

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường bày tỏ, địa phương đang dốc mọi nguồn lực để kịp thời cứu đói cho dân và sửa chữa, dựng lại các nhà tốc mái, xiêu vẹo.

Sau bão lũ, rất nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hai huyện Nam Đông, A Lưới mất nhà, mất nguồn thu từ sản xuất.

Chị Hồ Thị Vát, người Cơ Tu, ở xã Thượng Quảng (Nam Đông) đứng trơ người bên đống tường vỡ vụn và mớ phế liệu cột, kèo trộn lẫn những tấm tôn rách nát - nơi trước đây là ngôi nhà mà bao nhiêu năm tích luỹ, vay mượn gia đình chị mới xây dựng được.

 “Vợ chồng con cái tui ở trong căn nhà này mới được mấy năm, chừ đang còn nợ tiền vay mượn làm nhà mà đã đổ nát hết rồi, phải đi ở nhờ. Làm răng mà trả được nợ khi tài sản chỉ còn hai bàn tay trắng” - chị Vát nghẹn ngào.

Chị Hồ Thị Hạnh, ở xã Thượng Nhật (Nam Đông) cũng cay đắng không kém. Gom góp bao nhiêu năm mới cất được căn nhà cấp 4, chưa trả xong nợ, giờ cũng thành một đống xà bần ngổn ngang. Chị Hạnh kể, chắt chiu mười mấy năm kể từ ngày cưới mới dành dụm được ít vốn liếng, nhờ đó để vay mượn thêm mới làm nổi căn nhà, nhưng cũng chỉ 4 bức tường chưa tô trét, mấy trụ bêtông và mái lợp tôn. Ngôi nhà đơn sơ như vậy, đã là mơ ước đời người của đồng bào nghèo nơi miền núi này, vậy mà chỉ sau một đêm, khi sáng ra lặng bão tìm về thì cơ ngơi chỉ còn là đống đổ nát. Không chỉ là nỗi đau vì thành quả lao động mất mát, mà còn nỗi lo vốn vay mượn không biết bao giờ trả được.

Đến các xã Hồng Hạ, Hồng Vân, Quảng Nhâm và thị trấn A Lưới (huyện A Lưới), dọc các khu vực chịu ảnh hưởng nặng của bão lũ, thấy rõ nhiều căn nhà tốc mái, xiêu vẹo.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, ông Hồ Viết Lương, xã có nhiều căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, rất nhiều nhà xiêu vẹo. Toàn xã có gần 90% số hộ sống bằng nghề rừng thì sau bão lũ, nhiều gia đình thiệt hại nặng do cây cao su và rừng tràm bị gãy đổ, vật nuôi bị chết... nên đẩy người dân vào nợ nần.

Anh Hồ Văn Lên, ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ, tặc lưỡi: “Nhà bị tốc mái hoàn toàn, vật dụng trong gia đình hư hỏng hết, đến mấy ha rừng cũng bị hư hại. Vốn vay đầu tư trở thành cục nợ, không biết lấy gì trả, làm sao dám nói chuyện đầu tư lại”.

Hai hộ gia đình ông Hồ Văn Tư và Lê Văn Rốc, ở thôn A Năm, xã Hồng Vân cũng sống bằng nghề rừng và chăn nuôi. Ngoài nhà cửa bị tốc mái hoàn toàn, số diện tích rừng và vật nuôi bị thiệt hại trong các đợt bão lũ vừa qua giờ là gánh nặng.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường bày tỏ, địa phương đang dốc mọi nguồn lực để kịp thời cứu đói cho dân và sửa chữa, dựng lại các nhà tốc mái, siêu vẹo. Đối với nhà bị sập hoàn toàn sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng, nhà bị hư hỏng trên 70% được hỗ trợ 15 triệu đồng và từ 30% đến dưới 70% sẽ được hỗ trợ với số tiền tương ứng... Ngay sau bão, chính quyền địa phương và người dân đang căng mình khắc phục hậu quả. Tất cả các chính sách, các chương trình của địa phương đều hướng sự ưu tiên đến các hộ đồng bào bị thiệt hại trong bão, lũ.

Ban Dân tộc tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ đồng bào bị thiệt hại trong bão lũ vừa qua, góp phần từng bước khôi phục sản xuất, giảm bớt khó khăn.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Ban Dân tộc tỉnh đang xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông lâm nghiệp cho các hộ đồng bào DTTS bị thiệt hại trong bão lũ để chuyển đổi sản xuất cho các hộ. Đồng thời, nghiên cứu chính sách, lồng ghép hỗ trợ về cây, con giống và phân bón, thức ăn chăn nuôi để các hộ khôi phục sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Trong các đợt bão lũ vừa qua, vùng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh bị thiệt hại với 51 căn nhà sập và hư hỏng nặng trên 70%. Số lượng nhà bị tốc mái từ 30% đến dưới 70% có gần 1.700 căn, trong đó A Lưới có gần 1.300 nhà và Nam Đông gần 400 căn nhà. Về sản xuất, bị thiệt hại hơn 2.500 ha rừng keo và hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; hơn 25 ha cây hàng năm, hơn 10 ha cây ăn quả bị gãy đổ, gần 30 ha rau màu các loại bị ngập úng, hằng trăm con gia súc, gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30ha ao cá bị nước cuốn trôi...(baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
Y TẾ
 

1.  Siết chặt sàng lọc, phân loại, phân luồng tại cơ sở y tế

Đó là một trong những nội dung được Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm trong công văn số3635/SYT-NVY ngày 1 / 12 / 2020 về việc tăng cường quản lý người cách ly và giám sát phát hiện COVID-19.

Theo đó, thực hiện Công điện số 1832/CĐ-BCĐ ngày 30/11/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc tăng cường giám sát và quản lý người nhập cảnh và Chỉ thị số 24/CT-BYT ngày 24/11/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ sở y duy trì thực hiện nghiêm các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ. Đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính. Lấy mẫu, xét nghiệm cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, nhân viên y tế có tiếp xúc điều trị người bệnh nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi nặng, nhân viên lấy mẫu, nhân viên khoa hồi sức cấp cứu, cán bộ công tác tại các cửa khẩu, hải quan, khu vực sân bay nơi có tiếp xúc với đối tượng nguy cơ.

Sở Y tế cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động tinh thần chống dịch với mức độ cao nhất, không được chủ quan, lơ là.

Đối với các cơ sở cách ly tập trung và các khách sạn thực hiện cách ly y tế tự trả phí, đề nghị nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội quy tại khu cách ly của các đối tượng được cách ly. Không được để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly phải thường xuyên đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần với những người xung quanh.

Tại Thừa Thiên Huế, liên quan đến bệnh nhân COVID-19 1347, tỉnh đã rà soát và xác định có 1 F2 và 12 F3. Trong đó, có một trường hợp F3 ở thị xã Hương Thủy, còn lại đều ở huyện Phú Vang. Cả 13 người đều đã kiểm tra sức khỏe. Riêng trường hợp F2 đã xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính, đồng thời cách ly tại điểm cách ly tập trung T3. Tại thời điểm trưa 2/12, trường hợp F1 của các trường hợp này là người đang ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã có kết quả xét nghiệm PCR. Các trường hợp F3 theo dõi tại nhà. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
 

2.  21 cơ sở lưu trú được tập huấn phòng chống dịch COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Việt Nam vừa mới ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, ngày 2/12, Sở Du lịch tổ chức đợt tập huấn phòng chống dịch bệnh cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh.

Đây là lớp tập huấn đầu tiên trong kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế được tổ chức, với sự tham gia của 50 học viên, đến từ 21 đơn vị lưu trú.

Tham gia lớp tập huấn này, các học viên được trang bị các kiến thức cơ bản và xử lý tình huống về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần giảm tối đa tác hại khi dịch bệnh xảy ra tại các đơn vị kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh; đồng thời tuyên truyền, nêu cao tầm quan trọng của việc ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh nói chung và phòng chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng.

Ngành du lịch hy vọng sau tập huấn, mỗi học viên sẽ biết cách bảo vệ, phòng ngừa và chăm sóc bản thân, gia đình cũng như cộng đồng; đồng thời cũng trở thành những tuyền truyền viên để người dân hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh tật. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
NÔNG NGHIỆP
 

1.  Hỗ trợ 6,5 tấn phân bón cho nông dân

Sáng 2/12, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình tặng phân bón hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn huyện Phong Điền.

Chương trình đã trao tặng 700 suất phân bón cho 700 hộ nông dân bị thiệt hại hoa màu, cây cối tại các xã Điền Lộc, Phong Hiền, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 bao phân bón 25kg. Đây là các địa phương bị thiệt hại nặng nề trong bão lũ.

Ngoài huyện Phong Điền, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí còn hỗ trợ 700 suất phân bón cho nông dân huyện Quảng Điền, 600 suất cho huyện Phú Vang và 600 suất phân bón cho nông dân thị xã Hương Trà. Tổng cộng là 65 tấn phân bón với kinh phí 650 triệu đồng đã được trao hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn tỉnh.

Đây là một hoạt động ý nghĩa của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) nhằm hỗ trợ kịp thời và chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con nông dân với mong muốn góp một phần nhỏ giúp bà con sớm tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Đẩy nhanh chuyển đổi số để hấp dẫn du khách

Dịch bệnh COVID-19 trong gần một năm gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD. Ngay lúc này, không còn cách nào khác, “hãy nắm chặt tay nhau cùng hành động” đó là thông điệp từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Du lịch năm 2020 vừa diễn ra tại Quảng Nam.

Rất nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế đã đưa ra giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực, liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá… Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch hiện nay là một trong những yếu tố sống còn. Và Thừa Thiên Huế đã phát triển du lịch thông minh trên “bệ phóng” của nền tảng đô thị thông minh.

Thời gian qua, Huế có rất nhiều ứng dụng giúp du khách trải nghiệm được du lịch thông minh bằng thực tế ảo vô cùng ấn tượng, hấp dẫn. Nổi bật trong số ứng dụng đó có thể kể đến chương trình “Đi tìm hoàng cung đã mất” tại Đại Nội, bằng công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian Hoàng cung Huế với các công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ  hàng trăm năm trước. Ngoài ra, còn có hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Tương tự, du khách cũng có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế…

Du lịch thông minh ở Huế những năm gần đây còn được thể hiện bằng phần mềm quản lý, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến. Trong đó,  phần mềm quản lý ngành du lịch đang được xây dựng có chức năng quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu gồm, dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nguồn lao động du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Phần mềm quản lý cơ sở lưu trú giúp liên thông dữ liệu giữa ngành du lịch, công an, thuế, thống kê, kế hoạch và đầu tư, tích hợp việc khai báo y tế trực tuyến, xuất mã QR code cho du khách sau quá trình đăng ký ở các cơ sở lưu trú…

Dù đã áp dụng công nghệ gắn với du lịch thông minh và đạt được những thành công cơ bản, nhưng ông Bình nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kết nối được chuỗi hệ thống. Trong đó, cơ sở dữ liệu được xem là “chìa khoá” để thực hiện được du lịch thông minh, đặc biệt là dữ liệu lớn trong ngành du lịch vẫn còn thiếu, các ứng dụng thiết yếu chưa đưa vào vận hành, thực hiện… “Vì thế, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về tài nguyên văn hóa và du lịch là rất quan trọng. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ mở rộng số hóa các nguồn dữ liệu về văn hóa, bảo tồn di sản, dữ liệu về y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thời tiết... để kết nối thông tin số liệu và tiếp cận điểm đến, dịch vụ thông qua các ứng dụng, công cụ phù hợp, theo kịp xu hướng công nghệ tiên tiến”, ông Bình nói về mục tiêu mà ngành du lịch vùng đất Cố đô hướng tới.

Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho rằng, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng. Vì thế, cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá. Quá trình chuyển đổi số được đơn vị này áp dụng trong quản lý nhân sự, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình quản lý để giảm chi phí vận hành tối đa, tối ưu hóa năng suất.

 “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung”, ông Hiệp khẳng định. Ngoài ra, ông hy vọng sẽ tạo ra động lực để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số, từ đó không chỉ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn tăng tối đa sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian quan đã có những tiến bộ trong chuyển đổi số, thế nhưng, việc triển khai vẫn còn chậm. Nhiều dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ đa phần do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển. Vì thế, các đơn vị liên quan cần tham gia tích cực vào các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải làm thế nào đó, dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các doanh nghiệp du lịch lớn mà với nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dân, du khách có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử.

Chưa khi nào việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch lại được quan tâm và thảo luận sôi nổi như thời điểm này. Dịch bệnh đã có tạo ra những rào cản, nhưng chính nó cũng thúc đẩy ngành du lịch phải tạo ra được những hướng đi mới, mang tính đột phá, thích nghi. (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
 

1.  Tăng nhiều tàu khách từ ga Sài Gòn đi Bình Định - Huế trước Tết

Đường sắt tăng nhiều tàu khách từ ga Sài Gòn đi các ga trong khu đoạn Bình Định - Huế trước Tết Tân Sửu 2021.

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trở về quê, thăm thân dịp trước Tết Tân Sửu 2021, công ty tổ chức chạy tăng cường các đoàn tàu khách từ ga Sài Gòn đi các ga trong khu đoạn Bình Định - Huế. Các đoàn tàu đều xuất phát ga Sài Gòn ngày 10/2/2021.

Cụ thể, tuyến Sài Gòn - Huế, chạy tàu SE38 xuất phát lúc 9h20, đến ga Huế lúc 9h05. Các ga đón, trả khách gồm: Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Bình Thuận, Nha Trang, Tuy Hòa, Diêu Trì, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế.

Tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, chạy tàu D2 xuất phát lúc 12h25, đến ga Đà Nẵng lúc 7h19. Các ga đón, trả khách gồm: Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Thuận, Tháp Chàm, Nha Trang, Diêu Trì, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng.

Tuyến Sài Gòn - Tam Kỳ, chạy tàu STK2 xuất phát lúc 16h10, đến ga Tam Kỳ (Quảng Nam) lúc 11h09. Các ga đón, trả khách gồm: Sài Gòn, Biên Hòa, Bình Thuận, Nha Trang, Diêu Trì, Quảng Ngãi, Tam Kỳ.

Tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi, chạy tàu SQ2 xuất phát lúc 21h10, đến ga Quảng Ngãi lúc 15h00. Các ga đón, trả khách gồm: Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang, Diêu Trì, Quảng Ngãi.

Tuyến Sài Gòn - Diêu Trì, chạy tàu SD2 xuất phát lúc 22h25, đến ga Diêu Trì (Bình Định) lúc 11h04. Các ga đón, trả khách gồm: Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Tháp Chàm, Nha Trang, Tuy Hòa, Diêu Trì.

Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, công ty tổ chức chạy thêm tàu tăng cường tuyến Sài Gòn - Vinh dịp Tết Tân Sửu.

Theo đó, chiều Sài Gòn - Vinh, chạy tàu SE16 xuất phát ga Sài Gòn lúc 9h20 các ngày từ 3/2 đến 9/2 và 16/2 đến 22/2/2021, đến ga Vinh lúc 18h12. Chạy tàu SE14 xuất phát ga Sài Gòn lúc 22h25 từ ngày 15/2 đến 21/2/2021, đến ga Vinh lúc 7h03.

Chiều Vinh - Sài Gòn, chạy tàu SE15 xuất phát ga Vinh lúc 23h05 các ngày từ 2/2 đến 8/2 và 15/2 đến 21/2/2021, đến ga Sài Gòn lúc 8h35. Chạy tàu SE13 xuất phát ga Vinh lúc 9h58 từ ngày 15/2 đến 21/2/2021, đến ga Sài Gòn lúc 18h28. (baogiaothong.vn 02/12; baochinhphu.vn 02/12)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Đi qua đường vắng, người phụ nữ bị dí dao cướp tiền vàng

Thấy người phụ nữ điều khiển xe máy một mình trên đoạn đường vắng 2 thanh niên liền áp sát, dùng dao khống chế rồi cướp 9 triệu đồng và đôi khuyên tai bằng vàng.

Ngày 2/12, Công an thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này bắt giữ 2 đối tượng Trương Phong Hào (20 tuổi, trú tại thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) và Lê Nguyễn Thắng (17 tuổi, trú tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) để điều tra làm rõ hành vi Cướp tài sản.

Trước đó, vào khoảng 5 giờ sáng ngày 7/11, Hào điều khiển xe môtô BKS 75F1-884.56 chở Thắng đi dạo các tuyến đường tìm sơ hở của người dân để cướp tài sản.

Khi đến đoạn đường Huyền Trân Công Chúa (thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế), phát hiện bà Trần Thị V. (47 tuổi, trú tại thị xã Hương Trà) đang điều khiển xe máy, lợi dụng lúc đường vắng người qua lại, 2 đối tượng đã bám theo, áp sát làm bà V. ngã xe, sau đó dùng dao khống chế cướp 9 triệu đồng và 1 đôi khuyên tai rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Sau khi sự việc xảy ra, bà V. đã trình báo lên cơ quan chức năng, ngay sau đó  Công an thành phố Huế phối hợp phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành điều tra truy xét.

Ngày 29/11, Hào ra cơ quan công an đầu thú, còn Thắng bị bắt ngay sau đó. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục cũng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. (giadinhvietnam.com 02/12)

 
 
 

2.  Tòa trả hồ sơ vụ bác sĩ bị truy tố hiếp dâm nữ điều dưỡng

Sau nhiều ngày nghị án, ngày 1-2, TAND TP Huế (TT-Huế) đã quyết định trả hồ sơ vụ án liên quan đến bác sĩ Lê Quang Huy Phương bị truy tố các tội danh: “Hiếp dâm”, “Cố ý gây thương tích” và “Bắt giữ người trái pháp luật” cho VKSND cùng cấp để  làm rõ một số chứng cứ trong vụ án. Có thể nói rằng, đây là phiên tòa “đặc biệt” bởi người dự khán đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước…

Theo chủ tọa phiên tòa, việc trả hồ sơ được căn cứ theo Điều 280 và Điều 299 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; căn cứ kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy thiếu chứng cứ dùng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và không thể bổ sung được tại phiên tòa. Theo đó, HĐXX yêu cầu VKSND TP Huế phải tiến hành giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định theo kết luận số 6906C09P6 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Cụ thể là chuyển toàn bộ file ghi âm âm thanh có thời lượng 1 giờ 13 phút 1 giây thành văn bản do nội dung giám định chưa đầy đủ. Thứ hai là phải giám định lại tỷ lệ thương tích của bị hại tại thời điểm bị thương tích do căn cứ để xác định tỷ lệ thương tích chưa rõ ràng, một số tài liệu do cơ quan điều tra thu thập gửi giám định để làm căn cứ giám định là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Thứ ba là tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, dựng lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại từ khi bị hại đến phòng 203 chung cư Đống Đa (TP Huế, nơi xảy ra sự việc) cho đến khi bị cáo ra về. Cuối cùng, lý do trả hồ sơ điều tra lại, HĐXX yêu cầu tiến hành đối chất giữa bị cáo, bị hại về những vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai.

Trước đó, vào chiều tối 27-11, sau hơn 2 ngày xét xử, HĐXX TAND TP Huế đã tiến hành nghị án. Sau 1 giờ nghị án, chủ tọa phiên tòa cho biết, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên HĐXX tiếp tục kéo dài thời gian nghị án. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Phương không đồng ý với cáo trạng truy tố của VKSND TP Huế. Các luật sư bào chữa cho Phương cho rằng căn cứ bắt giữ, căn cứ buộc Phương không đủ. Bên cạnh đó, luật sư cho rằng quá trình điều tra vụ án không khách quan; cáo trạng và lời luận tội, VKS đã bỏ đi những thông tin có lợi cho bị cáo… Do đó, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho VKS để điều tra lại toàn bộ vụ án, đồng thời đề nghị tạm thả bị cáo Phương.

Tuy nhiên, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, giữ nguyên quan điểm và khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo Phương là đúng người, đúng tội. Đại diện VKSND TP Huế cho rằng, suốt quá trình điều tra, truy tố và tại tòa Phương không nhận tội. Nhưng với các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được cho thấy Phương có hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phương tổng hợp hình phạt 3 tội danh từ 8 năm 3 tháng đến 9 năm 6 tháng tù.

Trong phần tranh luận tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phương đã đưa ra các căn cứ khẳng định bị cáo Phương không phạm tội như cáo buộc. Tham gia bào chữa cho bị cáo Phương, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, trong tài liệu luật sư thu thập được ở Trung tâm giám định dân sự còn có việc bị hại sờ vào bộ phận nhạy cảm của bị cáo và không có dấu hiệu bị cưỡng ép. Đối với bản ghi âm, luật sư Hướng cho biết các luật sư đưa ra một cơ quan độc lập để giám định thì thấy có mâu thuẫn, có trên 2.000 từ còn thiếu so với bản giám định được công bố… Còn theo luật sư Đỗ Văn Nhặn bào chữa cho bị cáo Phương thì vụ án không khách quan trong hoạt động thực nghiệm điều tra. Về việc kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại là 37%, các luật sư cũng cho rằng cần phải xác định lại…

Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Th. nhất trí với cáo trạng. Luật sư cho rằng hành vi của bị cáo Phương đã cấu thành tội hiếp dâm với tình tiết côn đồ, dùng vũ lực uy hiếp người khác. Đề nghị HĐXX xem xét áp dụng mức án cao nhất.

Theo cáo trạng của VKSND TP Huế, khoảng 10 giờ 30 ngày 17-9-2019, trong lúc chị Th. đang làm việc tại khoa da liễu Bệnh viện T.Ư Huế thì Lê Quang Huy Phương đã dùng thủ đoạn nhờ nhân viên khác đến làm việc thay cho chị T. và yêu cầu chị T. đến phòng riêng của mình ở chung cư Đống Đa (P. Phú Nhuận, TP Huế) để đưa liều thuốc đẹp da nhằm mục đích xâm hại tình dục đối với chị Th. Khi chị Th. vừa bước vào phòng Phương liền đóng cửa lại, trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng 13 phút, Phương đã có hành vi khống chế, giữ chị T., dùng vũ lực bẻ tay, trói tay, vật ngửa chị T. xuống nền nhà, dùng tay đánh liên tục nhiều cái vào vùng mặt và nhiều vùng khác trên cơ thể, dùng những lời lẽ đe dọa khác nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị Th. Tuy nhiên, do chị Th. chống trả quyết liệt và lợi dụng sự sơ hở của Phương ở phút thứ 49 để mở cửa chạy thoát ra ngoài kêu cứu nên Phương chưa thực hiện được hành vi giao cấu. Khi chị Th. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị Th. túm tóc kéo lê vào phòng tiếp tục dùng tay đánh, đấm liên tục nhiều cái vào vùng mặt của chị Th., rồi tiếp tục khống chế giữ chị Th. trong phòng của mình, mặc cho chị Th. nhiều lần van xin được về.

Cáo trạng cho rằng, quá trình Phương dùng vũ lực đã gây thương tích cho chị Th. với tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 37%. Ngày 23-9-2019, chị Th. có đơn yêu cầu khởi tố đối với Lê Quang Huy Phương. (cadn.com.vn 02/12)

 
 
 

3.  Ô tô tải bốc cháy dữ dội sau khi đâm dải phân cách

Rạng sáng nay (2/12), trên QL1 đoạn qua xã Phong Thu (Phong Điền) xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một xe ô tô tải cháy rụi.

Thời điểm trên, xe ô tô tải BKS 89C – 036.83 tỉnh Bắc Giang lưu thông trên QL1A theo hướng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh. Đến đoạn Km 792+330 QL1, thuộc địa phận xã Phong Thu thì bất ngờ đâm một đoạn dài dải phân cách cứng giữa QL1 rồi tiếp tục lao sang bên trái đường, lật nhào, xe nằm án ngữ gần 1/2 mặt đường QL1A và bốc cháy dữ dội. Tài xế cùng người đàn ông trên ô tô tải kịp thoát ra ngoài.

Nhận tin báo, Đội CSGT Công an huyện Phong Điền cùng lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đến hiện trường dập lửa, phân luồng giao thông, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Tại hiện trường, xe ô tô tải cháy trơ khung. Toàn bộ hàng hóa vận chuyển trên xe gồm nhiều gói hàng hóa, giấy tờ bị thiêu rụi. Theo tài xế, số hàng hóa trên xe là hàng bưu chính đang trên đường vận chuyển vào Nam. (baothuathienhue.vn 02/12)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Khởi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Ngày 2-12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khởi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Giai đoạn 1 dự án sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài từ 8 vị trí đỗ hiện nay lên 13 vị trí đỗ, trong đó 12 vị trí đỗ máy bay code C và 1 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 của dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và 4 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm.

Tổng vốn đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 1 là 494 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ACV. Theo kế hoạch, công trình sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 12-2021. (sggp.org.vn 03/12)

 
 
 

2.  Hướng đến xây dựng khu Công nghệ cao

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các sở, ban ngành, đơn vị Trung ương, địa phương để xây dựng hoàn chỉnh đề án khu Công nghệ cao (CNC), hướng đến xây dựng một khu CNC trên địa bàn tỉnh.

Khu công nghệ cao được quy hoạch hơn 719ha

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trong những năm đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, KH&CN.

Hiện tại, Sở KH&CN tập trung  “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực Đông Nam Á” và được giao phối hợp với Viện Chiến lược chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) xây dựng đề án thành lập khu CNC ở địa phương nhằm sớm trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian đến.

Theo đó, khu CNC được quy hoạch xây dựng trên diện tích gần hơn 719ha nằm trong tổng diện tích được khảo sát là 1.408,86ha tại khu vực xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, với tổng vốn dự toán đầu tư 7.480 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 2.620 tỷ đồng, địa phương 3.660 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.

Giai đoạn 2021- 2025 sẽ hoàn thành thủ tục phê duyệt và tiến hành quy hoạch 200ha để san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực cho CNC và Khu CNC cũng như trồng cây xanh tạo cảnh quan. Giai đoạn 2026- 2030 hoàn thiện dần các phân khu chức năng, như phân khu nghiên cứu-triển khai, phân khu giáo dục đào tạo, khu ươm mầm doanh nghiệp CNC, khu dịch vụ tổng hợp và tăng cường năng lực cho công ty xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư vào khu CNC.

Đồng thời, chọn các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển, như công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; lĩnh vực y dược... Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế ở địa phương về nguồn nhân lực KHCN; hạ tầng kỹ thuật, bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.

Việc hình thành khu CNC ở xã Lộc Thủy là một yếu tố quan trọng bởi nó nằm bên trục QL1A, có đường sắt Bắc-Nam đi qua; giữa hai sân bay và hai thành phố lớn Huế-Đà Nẵng. Vì vậy, khu CNC này không chỉ dành riêng cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển vùng kinh tế miền Trung và Tây Nguyên và có sức lan tỏa sang khu vực Đông Nam Á.

Chọn lựa giải pháp phù hợp

TS. Nguyễn Lê Hùng, Vụ CNC (Bộ KH&CN) chia sẻ, theo quy hoạch tổng thể các khu CNC trong cả nước, việc xây dựng đề án khu CNC tại ThừaThiên Huế có những lợi thế về giao thông, có cảng nước sâu Chân Mây, các khu đô thị lớn và các khu kinh tế mở lân cận ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và quỹ đất dồi dào  hơn 700ha. Xây dựng đề án dù mới là những bước khởi đầu, nhưng phải định hướng chiến lược trung và dài hạn cụ thể. Hình thành khu CNC cần một khối lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực. Thừa Thiên Huế phải chuẩn bị những yếu tố quan trọng là con người, vốn đầu tư và cơ chế chính sách của một khu CNC, trước mắt là khu CNC địa phương. Kinh nghiệm thực tế các khu CNC đã ra đời trước đây, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng khu CNC lâu nay rất khó khăn, phần lớn dựa vào ngân sách Trung ương, địa phương. Do vậy, khu CNC ở Thừa thiên Huế phải cần phải phân kỳ đầu tư có lộ trình rõ ràng, vận dụng nguồn lực nội sinh đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

PGS. TS Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban KH&CN và Quan hệ Quốc tế - Đại học Huế cho rằng, xây dựng khu CNC là điều mong muốn từ lâu của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu ở Thừa Thiên Huế. Quá trình xây dựng phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp với địa phương. Nội dung đề án đưa ra dịp này khá rõ, nhưng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư không nên “đóng” 3 lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và đầu tư phát triển lĩnh vực y dược. Bên cạnh đó là giải pháp phát triển nguồn nhân lực, ngoài việc vận dụng nguồn nhân lực địa phương, phải có kế hoạch đào tạo, cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực cao các nơi, nhất là các chuyên gia đầu ngành tại địa phương đang công tác, làm việc ở nước ngoài.

Nhiều ý kiến của sở ngành địa phương nêu quan điểm, việc xây dựng khu CNC theo đề án đưa ra cho thấy hết sức cần thiết, là tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, phải xác định quy mô diện tích quy hoạch quỹ đất, phân kỳ thời gian triển khai từng hạng mục cụ thể. Ngoài ra, phải chọn những lĩnh vực đầu tư có lợi thế phù hợp của địa phương, như đầu tư công nghệ sinh học, gắn sản xuất phát triển thủy hải sản; đầu tư thu hút chất xám khi nguồn nhân lực ở địa phương dồi dào.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, Thừa Thiên Huế đang quyết tâm xây dựng khu CNC. Đây là tiền đề cơ bản đưa Thừa Thiên Huế phát triển đột phá về kinh tế - xã hội bằng KH&CN. Vấn đề là cần có thông tin tham vấn tốt để tỉnh có định hướng đúng, phù hợp cho quy hoạch, hoạch định chính sách để xây dựng đề án khu CNC hoàn chỉnh, đúng mục đích, tiêu chí đề ra trên cơ sở khoa học và thực tế để trình Chính phủ xem xét, quyết định. (baothuathienhue.vn 03/12)

 
 
 

3.  11 sản phẩm "quốc hồn quốc túy" của Thừa Thiên Huế được vinh danh

Thừa Thiên – Huế vừa công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận cho 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2, năm 2020 thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2, năm 2020.

Cụ thể, công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận cho 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2, năm 2020 thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.  Trong đó có 1 sản phẩm thuộc sản phẩm đạt hạng 4 sao là Gạo hữu cơ An Lỗ và 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: Gạo thơm Thủy Thanh, Tinh dầu tràm Trường Hải, Mắm nêm cá cơm Mệ Em, Nước mắm cá cơm Xuân Anh, Nước mắm ruốc Làng Trài, Nước ớt Vinh Xuân, Nước mắm ruốc Hương Giang, Rượu Tà Rương Mão, Rượu Ô Lâu, Bưởi cốm Hương Thọ. Kết quả xếp hạng có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định.

Các sản phẩm đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm theo quy định. (baovephapluat.vn 02/12)

 
 
 

4.  Giao thông đối ngoại là động lực để Thừa Thiên Huế cất cánh

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định như vậy, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam- CTCP (ACV) về mở rộng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài vào sáng 2/12.

Tranh thủ từng ngày nắng

Báo cáo về tiến độ mở rộng Cảng HKQT Phú Bài, Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết, đến nay việc xây dựng nhà ga hành khách T2 với công suất 5 triệu hành khách/1 năm đang được khẩn trương triển khai, công tác quản lý tuân thủ theo quy định. Các hạng mục thi công nền đất và móng cọc nhà ga đang hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ; việc thi công nhà ga và các hạng mục phụ trợ sẽ tiến hành thi công vào tháng 1/2021. 

Theo tiến độ, nhà ga T2 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác quý IV/2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và mưa bão kéo dài nên dự án này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác quý 1/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Khẳng định đây là công trình hết sức đặc biệt quan trọng, là tiền đề phát triển giao thông đối ngoại, là động lực để Thừa Thiên Huế cất cánh. Do đó, việc mở rộng Cảng HKQT Phú Bài là xu thế tất yếu và cần phải tranh thủ từng ngày nắng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục. Đồng thời lưu ý, cần chú trọng đến việc xây dựng cảng hàng không mẫu của cả nước và quốc tế với cảnh quan đẹp, thân thiện. Các hợp phần cần nâng cao giá trị cảnh quan của tổng thể sân bay. Đảm bảo đồng bộ từ sân bay, lối ra, từ quốc lộ đến trung tâm TP. Huế. 

Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở lãnh đạo ACV và các đơn vị tư vấn cần xây dựng cảnh quan nhà ga dựa trên nền văn hóa truyền thống Huế, phù hợp với tiêu chí xanh-sạch-sáng, gắn với khí hậu và thổ nhưỡng, chọn những loại cây thân thiện với môi trường, có độ che phủ hợp lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có phương án điểm xuyến cây xanh làm sang trọng sân bay Phú Bài trên phương châm “4 mùa hoa”, sắp xếp bảng quảng cáo khoa học, hợp lý. Sớm triển khai hạng mục trồng cây cảnh quan để khi nhà ga hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ có cảnh quan đẹp.  

Mở rộng sân đỗ máy bay

Cùng ngày, tại Cảng HKQT Phú Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham dự lễ khởi công Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Bài do ACV tổ chức.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc ACV cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng HKQT Phú Bài giai đoạn định hướng đến năm 2030 đạt cấp 4E, công suất 9 triệu hành khách/năm. Vì vậy, nhu cầu tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng của Cảng HKQT Phú Bài là rất cần thiết.

Việc khởi công Dự án giai đoạn 1 sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Cảng HKQT Phú Bài từ 8 vị trí đỗ hiện nay lên 13 vị trí đỗ trong đó 12 vị trí đỗ máy bay code C và 1 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 của Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và 4 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm.

Công trình “Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Bài” là công trình khu bay của Cảng HKQT, do đó cấp công trình được xác định là cấp đặc biệt. Tổng vốn đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 1 là 494 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty. Theo kế hoạch, công trình sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 12 năm 2021.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không là nội dung quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông nhằm đa dạng hoá các phương thức vận tải, chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước, đây là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế địa phương nhanh và bền vững.

“Cùng với Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 đang được triển khai xây dựng, Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay khi hoàn thành phải góp phần đảm bảo đồng bộ cho hoạt động khai thác, vận chuyển bằng đường hàng không phục vụ người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành Hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”- Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ dự án nâng cấp đường lăn sân bay nhằm đảm bảo an toàn bay khi lưu lượng chuyến bay ngày càng tăng. Khẳng định tỉnh luôn đồng hành cùng ACV, đề nghị ACV phải đảm bảo quản lý tốt dự án, yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiến độ đưa dự án vào khai thác nhằm tạo khí thế cho năm đầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025). (baothuathienhue.vn 02/12)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.453.920
Truy cập hiện tại 1.077