TIN NÓNG
1. Xe trá hình Huế - Đà Nẵng lại nhờn luật, mặc sức tung hoành
Bị lực lượng liên ngành Đà Nẵng phát hiện chở khách sai quy định, tài xế xe trá hình nhận lỗi nhưng lại dở chiêu năn nỉ...
Ngày 23/11, liên ngành Đà Nẵng gồm TTGT - CSGT - CSTT lập chốt trên đường Tạ Quang Bửu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đón lõng xe trá hình trên tuyến Huế - Đà Nẵng.
9h sáng cùng ngày, Tổ công tác phát hiện xe khách BKS 43B - 050.46 do tài xế Nguyễn Văn L (SN 1991, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển chở 16 khách từ Huế vào Đà Nẵng nên dừng xe kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế L. trình ra lệnh vận chuyển của HTX kinh doanh vận tải AHP - Đà Nẵng và một bản hợp đồng vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, cả 2 loại giấy tờ nêu trên đều để trống danh sách hành khách, tên tài xế, biển số xe... Chỉ có đóng dấu của HTX nêu trên và chữ ký giám đốc HTX.
Lực lượng chức năng xác định lệnh vận chuyển và hợp đồng không đúng quy định. Tài xế L. nhanh chóng nhận lỗi vi phạm nhưng xin bỏ qua vì thời gian dài bị... ế khách. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ ra hoạt động xe trá hình trên tuyến đã diễn ra một thời gian dài, càng ngày càng hoạt động tinh vi, có dấu hiệu nhờn luật nên kiên quyết xử lý nghiêm.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế L. về lỗi điều khiển xe ô tô chở khách không có hợp đồng vận chuyển theo quy định. Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính đối với HTX kinh doanh vận tải AHP - Đà Nẵng về lỗi sử dụng xe kinh doanh vận tải khách nhưng không có hợp đồng vận chuyển.
15h10 chiều cùng ngày, Tổ công tác tiếp tục phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với xe khách loại 16 chỗ BKS 43B - 002.03 do tài xế Văn Đình Quang (trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển chở theo 12 hành khách theo diện hợp đồng. Tuy nhiên, xe khách này không niêm yết cụm từ "Xe hợp đồng" ở kính phía trước và phía sau xe theo quy định.
Nửa tiếng sau, xe trá hình 7 chỗ BKS 75A - 108.45 thuộc HTX Dịch vụ vận tải ô tô Tân Trường Phát chở theo 6 hành khách từ Huế vào Đà Nẵng. Qua kiểm tra, liên ngành phát hiện tài xế đã tự gom khách lẻ rồi chở vào Đà Nẵng như xe tuyến cố định. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế và HTX Dịch vụ vận tải ô tô Tân Trường Phát.
Thời gian qua, trước vấn nạn xe trá hình lộng hành trên tuyến Huế - Đà Nẵng, lực lượng chức năng 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã vào cuộc xử lý liên tục nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Cánh tài xế, chủ xe và cả các HTX đăng ký kinh doanh vận tải đã có dấu hiệu nhờn luật, liên tục vi phạm, thách thức cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh TTGT Đà Nẵng, Tổ trưởng Tổ liên ngành xử lý xe dù, bến cóc Đà Nẵng, từ 23/11, tổ liên ngành tái hoạt động và sẽ kéo dài trong thời gian tới, nhằm lập lại trật tự vận tải hành khách trên địa bàn...( atgt.vn 23/11)
2. Trân quý cổ vật - bài 2: Bảo vật thất thoát, trưng bày khó khan
Huế từng là trung tâm hội tụ nhiều cổ vật quý hiếm nhưng đến nay, rất nhiều trong số ấy đã bị tản mát khắp nơi. Trong khi đó, việc sưu tầm cổ vật rất khó khăn do cơ chế, kinh phí.
“Chảy máu” cổ vật
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, số lượng cổ vật quý giá của triều Nguyễn đã bị mất mát, lưu lạc khá nhiều. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, Huế từng nhiều lần bị mất cổ vật, tiêu biểu là vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Vụ mất mát lớn nhất trong lịch sử gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, Huế bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất. Những cổ vật quý này hiện phân tán, lưu lạc khắp nơi trong nước và nhiều nước trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, số lượng cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim triều Nguyễn.
Chẳng hạn, bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn vô cùng giá trị vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo sưu tầm, giới thiệu cũng được lưu trữ tại thư viện Anh quốc. Theo thông tin từ ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc thủ đắc và trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Nhiều món đồ sứ ký kiểu cũng được trưng bày trong các bảo tàng ở Paris, Brussels, London, Berlin, New York, Boston…
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, có không ít cổ vật quý hiếm của Huế được đưa đi nơi khác, do chủ nhân của chúng (đa số là các gia đình quý tộc cũ) chuyển nơi ở hoặc bán do hoàn cảnh khó khăn. Một dạng thất thoát đáng nói nữa là, nhiều cổ vật do người dân tình cờ phát hiện nhưng không báo với chính quyền, mà bán cho những người buôn bán phế liệu hoặc buôn bán cổ vật. Nhiều cổ vật dạng này đã “lặng lẽ” rời khỏi Huế.
Việc mất cắp cổ vật cũng xảy ra trong hệ thống di tích Cố đô Huế. Cuối năm 2013, tại điện Hòa Khiêm, lăng Tự Đức, kẻ trộm lẻn vào lấy đi nhiều cổ vật có giá trị, gồm: 2 lư xông trầm hình con nghê bằng đồng và 4 ché đựng rượu làm bằng sứ cao khoảng 60cm có tráng men, được trang trí tinh xảo với những hình ảnh rồng, nghê, phong cảnh… đến nay vẫn chưa tìm lại được.
Đề cập đến tình trạng thất thoát cổ vật, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng kể, thời điểm những năm 1990 đến 2000, nhiều cổ vật ở Huế vẫn còn bị trôi nổi. Nhiều gia đình bán nhưng các nhà sưu tập ở Huế không có điều kiện mua. “Một gia đình ở Huế bán chiếc tô là đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, vẽ cảnh chùa Thiên Mụ trên đó có bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chiếc tô đặc biệt quý, không ai có nhưng lúc ấy tôi không có điều kiện mua nên người ta bán cho nhà sưu tập ở TP. Hồ Chí Minh. Đến giờ tôi vẫn còn ray rứt”, anh Hoàng tiếc rẻ.
Rào cản
Năm 2014, việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mua được chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh trở thành sự kiện đầu tiên ghi nhận Việt Nam đấu giá thành công và đưa cổ vật quay về cố hương sau hơn 100 năm lưu lạc tại nước ngoài. Nhắc lại câu chuyện đấu giá đầy gay cấn hồi ấy, TS. Phan Thanh Hải (lúc ấy là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương. Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước; là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”.
Theo dõi các trường hợp cổ vật được hồi hương về Việt Nam, hầu hết đều là nỗ lực từ cá nhân các nhà sưu tập, người yêu văn hóa lịch sử và thương gia buôn bán cổ vật. Cá nhân chỉ cần có tiền, dự đấu giá và mua tùy theo túi tiền của mình. Còn cơ quan Nhà nước luôn phụ thuộc vào các quy trình pháp lý, dự toán và phê duyệt kinh phí... Trong khi các cuộc đấu giá diễn ra nhanh, giá cả biến động liên tục, cần phải kịp thời. Đây là rào cản trong nỗ lực mua và đưa cổ vật hồi hương.
Những lần tham gia đấu giá quốc tế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rất bị động. Trung tâm đã vuột mất cơ hội mua bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi trong phiên đấu giá tại Pháp năm 2010. Lúc ấy, trung tâm rất quyết tâm và tìm cách đấu giá để đưa bức tranh quý này về nước. Tại phiên đấu giá, bức tranh có giá khởi điểm 800-1.200 euro được đẩy lên 8.800 euro, vượt số tiền có thể cân đối của trung tâm 800 euro. Khi quyết định mua chiếc xe kéo vượt số tiền tỉnh có thể bố trí, ông Phan Thanh Hải đã tính đến việc liều mua trước, huy động đóng góp sau. Cùng phiên đấu giá chiếc xe kéo, trung tâm cũng vuột mất chiếc long sàng.
Bà Huỳnh Thị Ánh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chia sẻ, bà thường xuyên theo dõi và biết nhiều cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá tại Hồng Kông, Pháp, Mỹ... nhưng không thể tham gia vì những khó khăn về cơ chế, kinh phí. Việc mua cổ vật trong nước đã khó, huống chi đấu giá ở nước ngoài. “Việc sưu tầm cổ vật triều Nguyễn chúng tôi luôn đau đáu nhưng để đưa cổ vật hồi hương là một câu chuyện dài khi những vấn đề liên quan đến pháp lý, kinh phí, thủ tục tài chính cho việc sưu tầm cổ vật còn rất bất cập, nhất là trong những trường hợp phải quyết định nhanh như đấu giá”, bà Vân băn khoăn.
Chưa phát huy hết giá trị
Dù các bảo tàng đã nỗ lực trong tổ chức hoạt động, đổi mới trưng bày nhưng hệ thống bảo tàng còn khá đơn điệu, chưa thể trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch thực thụ, lượng khách tham quan vẫn khiêm tốn. Vì thế, chưa thể khai thác, phát huy hết giá trị của cổ vật, được xem là phần hồn của bảo tàng. Theo TS. Phan Thanh Hải, hệ thống bảo tàng công lập đang yếu vì đầu tư về cơ sở vật chất chưa đến nơi, đến chốn. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng mới, các bảo tàng còn lại đều tận dụng cơ sở vật chất cũ. Việc trưng bày hiện vật vẫn theo cách sơ đẳng nhất của công tác bảo tàng.
Địa điểm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chỉ trưng bày được 600 hiện vật. Ở các di tích trưng bày ít hơn vì không thể đảm bảo an toàn cho cổ vật trong không gian khá rộng lớn. Bảo tàng có cổ vật quý cũng không dám đem ra trưng bày thường xuyên, bởi khi trưng bày cổ vật quý phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế về không gian trưng bày, ánh sáng, công tác bảo vệ… Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hoàn toàn có thể sánh vai cùng nhiều bảo tàng quốc tế nhưng do cơ sở vật chất, không gian trưng bày không phù hợp nên chưa thể phát huy hết giá trị.
Bà Huỳnh Thị Anh Vân cho biết, do phải sử dụng điện Long An làm nơi trưng bày, lại không thể lắp điều hòa nên việc kiểm soát độ ẩm đảm bảo môi trường lý tưởng cho hiện vật, nhất là với hiện vật chất liệu vải, giấy khá khó khăn. Với những chất liệu dễ hư hỏng, bảo tàng phải có chế độ bảo quản riêng hoặc hạn chế thời gian tiếp xúc với không khí, môi trường bên ngoài. Cổ vật là linh hồn của bảo tàng, di tích, không đưa cổ vật ra trưng bày thì không góp phần làm sinh động không gian của di tích, đây là bài toán khó.
Bảo tàng Lịch sử vẫn đang sử dụng địa điểm di tích Quốc Tử Giám nên gặp nhiều khó khăn về diện tích trưng bày và lưu giữ hiện vật. Các phương tiện, trang thiết bị bảo quản hiện vật đã xuống cấp, hư hỏng. Kinh phí được cấp hàng năm còn ít nên chưa thể làm bảo quản trị liệu hàng loạt mà chỉ bảo quản hiện vật theo kiểu “cuốn chiếu”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bày tỏ: “Dù từng là kinh đô của Việt Nam, nhưng xưa nay Huế chưa từng được đầu tư xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa. Du khách đến Huế rất mong được chiêm ngưỡng, tìm hiểu cổ vật cung đình thời Nguyễn nhưng thất vọng vì các cổ vật đặc biệt quý hiếm, độc bản thời Nguyễn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các loại cổ vật cung đình bằng sành sứ, kim loại, gấm vóc, gỗ quý ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế rất nhiều nhưng tiếc là không đủ không gian trưng bày”. (baothuathienhue.vn 24/11)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Cử tri TP. Huế quan tâm đến hạ tầng dân sinh
Ngày 24/11, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND TP. Huế do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu làm trưởng đoàn và các ông Trương Quang Trung, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP. Huế có buổi tiếp xúc với cử tri các phường Phường Đúc, Vĩnh Ninh, Thủy Xuân và Thủy Biều.
Hội nghị ghi nhận 8 lượt ý kiến cử tri với nhiều nội dung tâm huyết về những vấn đề “nóng” hiện nay, như: dự án nhà máy nước Quảng Tế có một số hộ dân chưa được đền bù thỏa đáng; một số hệ thống đường trên địa bàn các phường Thủy Biều, Phường Đúc xuống cấp, cần được duy tu, chỉnh trang, nâng cấp; tình trạng khai thác cát trái phép dọc bờ sông Hương và các vấn đề khác, như: Giải quyết chế độ chính sách cho người có công, cải cách hành chính, xử lý rác thải…
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP. Huế - Trương Quang Trung giải trình một số vấn đề cử tri phản ánh. Thay mặt Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cảm ơn sự quan tâm cùng những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của cử tri các phường, đồng thời đề nghị UBND các phường, TP. Huế tiếp thu ý kiến cử tri, tập trung xử lý các vướng mắc còn phát sinh. Ngoài ra, các đại biểu trong đoàn cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cử tri và hứa sẽ nhanh chóng giải quyết, hoặc đề đạt lên cấp cao hơn để giải tỏa vướng mắc, ổn định đời sống cho nhân dân. (baothuathienhue.vn 24/11)
2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ diễn ra tại Huế
Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29, 30/11 tại thành phố Huế.
Lần đầu tiên Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1/12/1920-1/12/2020). Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày 29, 30/11 tại thành phố Huế.
Đây là thông tin được Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) công bố tại cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào chiều 24/11.
Hội thảo nhằm khẳng định và làm rõ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, suốt đời chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đồng thời bổ sung thông tin, tư liệu vào lịch sử danh nhân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thông tin thêm tại họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, sau gần 3 tháng triển khai chuẩn bị cho Hội thảo, Ban chỉ đạo Hội thảo đã nhận được 87 bài tham luận, trong đó có bài của các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, đặc biệt một số tác giả là nhân chứng và là người công tác trực tiếp, gần gũi với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh như bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu; TS Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, con trai Đại tướng Lê Đức Anh… Các bài tham luận đã được biên tập, in sách kỷ yếu Hội thảo.
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Các bài tham luận không chỉ làm rõ vai trò và những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng; những tư duy sáng tạo, quyết đoán về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đổi mới đất nước; phá thế bao vây cấm vận của các thế lực bên ngoài, mở rộng quan hệ đối ngoại; vai trò; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và xây dựng đất nước Campuchia mà đặc biệt còn khẳng định những quan điểm của ông về đấu tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…/. (vov.vn 24/11)
3. Thiên tai, trách nhiệm và lương tâm
Những ngày này, xã hội tập trung chú ý vào việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong hai vụ sạt ở đất tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Đó là sự việc rất đau lòng. Hơn tháng qua ai còn ai mất trong những vụ việc kinh hoàng đó?
Công việc tìm kiếm được tiến hành khẩn trương nhưng vô cùng gian nan vì rất khó tiếp cận hiện trường xảy ra tai nạn, khi vào được đến nơi thì đất đá vùi lấp, khó xác định được phạm vi tìm kiếm, phương tiện hỗ trợ cũng khó hoạt động trong địa hình vô cùng phức tạp ấy.
Vả lại, thời gian đã trôi qua quá lâu, khiến việc tìm kiếm đã khó lại càng khó thêm.
Vụ thứ nhất là vụ Thủy điện Rào Trăng 3, xảy ra vào ngày 12/10, trong vùng rừng núi xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã đước triển khai tới hiện trường.
Thật đau lòng là 17 công nhân bị coi là mất tích vào thời điểm đó cần tìm kiếm, thì lại có 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi trên đường vào nơi sạt lở cứu người. Đường rừng nguy hiểm khó đi, muốn vào tới nơi một mặt phải cắt rừng mà đi, một mặt phải cưỡi ca-nô lao trên dòng nước dữ. Trực thăng quân đội cũng đã được huy động để tìm kiếm. Rồi phải nắn cả dòng chảy của sông để đất lộ ra mà tìm kiếm. Thật quá đỗi gian nan.
Cho đến chiều 22/11, mới tìm được thêm 1 thi thể người bị nạn. Như vậy, cũng mới chỉ tìm được 6 người trên 17 người gặp nạn. Những người khác còn ở đâu nơi rừng sâu hiểm trở? Thật đau lòng.
Vụ sạt lở thứ hai tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), làm 9 người thiệt mạng và 4 người mất tích, xảy ra vào ngày 29/10. Phước Lộc là xã vùng cao, giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên tất cả những con đường tới xã đều đã bị sạt lở, vùi lấp nghiêm trọng khiến toàn xã bị chia cắt. Việc tiếp cận vô cùng khó khăn.
Cũng giống như Rào Trăng 3, các đợt cứu nạn ở đây thường xuyên bị gián đoạn do thời tiết xấu, hiểm nguy luôn rình rập người cứu nạn. Để tới được hiện trường, cả trăm con người đã phải băng rừng, lội suối, dò dẫm mà đi. Cho tới ngày 23/11, không thể chỉ dùng sức người với máy cưa, rựa, cuốc, xẻng rất thô sơ nên chính quyền đã đưa xe móc, xe ủi vào.
Nói thế để thấy, việc tìm kiếm nạn nhân ở vùng rừng sâu núi cao trong những vụ tại nạn là vô cùng khó khăn. Cũng từ đây, cho thấy cần phải có những giải pháp cụ thể, hành động cụ thể để hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn do sạt lở đất núi.
Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đất núi tưởng như vô cùng chắc chắn cũng bị nhão ra, thiếu gắn kết dẫn đến nguy cơ sạt lở. Nhưng người ta vẫn chủ quan. Chính quyền chủ quan, doanh nghiệp chủ quan, và kể cả người dân cũng có phần chủ quan. Nhưng không thể trách dân, vì không ai muốn sống ở nơi nguy hiểm, nhưng tự họ lại không thể lo được cho mình.
Vì thế, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Lãnh đạo địa phương dù không thể nắm rõ ràng chi tiết nhưng không thể không biết những vùng đất yếu, nguy cơ sạt lở cao ở địa phương mình. Nếu không biết là thiếu trách nhiệm.
Chỉ nêu một ví dụ, với tỉnh Quảng Nam, khu vực miền núi của tỉnh này hầu như mùa mưa lũ năm nào cũng xảy ra sạt lở. Xã biết, huyện biết và cấp cao hơn là tỉnh biết nhưng việc bố trí đất tái định cư để di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm chưa riết róng. Đặc biệt là với chính quyền cấp xã, gần dân, biết rõ lo toan của dân thì càng cần phải gắn bó số phận với dân hơn.
Nhân đây cũng xin được nói thêm ở một nơi cũng phải chịu đựng lũ lụt thường xuyên, đó là tỉnh Hà Tĩnh. Vùng núi cao của tỉnh này năm nào nước cũng dâng, năm nào cũng sạt lở nhưng không có người thiệt mạng do thiên tai, nếu có thì đó cũng chỉ là trường hợp hy hữu do bất cẩn chứ không phải do thiên nhiên giáng xuống.
Để người dân sống được an toàn trong vùng ảnh hưởng thiên tai, chính quyền liên tục cảnh báo, hướng dẫn, còn người dân thì chủ động ứng phó từ đó mà hình thành “kỹ năng sống” với hiểm nguy rình rập.
Thiên tai là bất thường, cũng khó có thể biết trước sẽ ập đến lúc nào, vì thế càng cần phải cảnh giác, cảnh báo, càng cần phải trách nhiệm, càng cần phải có giải pháp. Nhất là không thể khi xảy ra sự cố thì lại đổ hết cho “ông Trời”, còn mình thi vô can trước nỗi đau khôn xiết của đồng bào. Không thể mượn thiên tai để xóa đi trách nhiệm của con người.
Hiện công việc tìm kiếm những người gặp nạn ở Phước Lộc và Rào Trăng 3 đang rất gấp rút. Những nỗ lực của các lực lượng tìm kiếm người gặp nạn là rất đáng ghi nhận. Liệu còn tìm thấy ai trong khối đất đá khổng lồ câm lặng kia?
Chúng ta cùng hy vọng. Nhưng còn mong ước hơn là tai họa đừng xảy ra, con người được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có thể thoát hiểm, để cuộc đời không bị ngắt ngang một cách đau đớn. Và cũng để không còn phải huy động rất nhiều người vào những đợt tìm kiếm đầy khó khăn. Mà muốn thế, trách nhiệm cần phải nhiều hơn, nỗi thao thức về đồng bào của mình càng phải dày dặn hơn, lương tâm phải tự vấn nhiều hơn. (daidoanket.vn 24/11)
4. Cử tri A Lưới quan tâm vấn đề sinh kế sau bão lụt
Ngày 24/11, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh do ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh (khóa VII) tại 2 xã Hồng Thủy và Hồng Kim, huyện A Lưới.
Đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, Quốc phòng - An ninh năm 2020; Thông báo dự kiến thời gian, nội dung chương trình kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá VII.
Nhiều cử tri huyện A Lưới phấn khởi trước những kết quả đạt được trong năm 2020. Đồng thời, cử tri huyện A Lưới kiến nghị với HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến việc khắc phục sửa chữa hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân bị ảnh hưởng trong đợt mưa bão kéo dài thời gian qua; giải quyết một số vướng mắc về thiếu đất sản xuất; quan tâm các công trình nước sạch…
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu HĐND tỉnh và huyện A Lưới trả lời thỏa đáng. Riêng đối với kiến nghị ngoài thẩm quyền, các đại biểu đã tiếp thu, ghi nhận và sẽ trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp sắp tới. (baothuathienhue.vn 24/11)
5. Thủy điện Rào Trăng 3 sau sạt lở: Dừng hoạt động, chờ Bộ Công thương đánh giá tác động
Chiều 24-11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các lực lượng cứu hộ cứu nạn khẩn trương tìm kiếm 11 nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở tại khu vực nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, dự báo trên địa bàn những ngày tới có mưa vừa, mưa to và rất to nên lực lượng tìm kiếm đang chạy đua với thời gian, huy động tổng lực các lực lượng và phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân, với phương châm khẩn trương, hiệu quả song phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu hộ. Hoạt động tìm kiếm được triển khai theo nhiều hướng, nhiều khu vực, trong đó tập trung ở khu vực lòng sông Rào Trăng đã được nắn dòng.
Liên quan đến Dự án thủy điện Rào Trăng 3 có công suất 13MW do Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư, ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư cho biết đang dừng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng thời, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa phương tiện máy móc để các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích còn lại.
Cùng ngày, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Dự án thủy điện Rào Trăng 3 được Tổng cục Năng lượng (nay là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở tại Công văn số 1959/TCNL-TĐ ngày 26-7-2017 và thẩm định thiết kế kỹ thuật ở Công văn số 1324/ĐL-TĐ ngày 18-7-2018. Dự án hiện thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Tuy nhiên, từ ngày 6 đến ngày 13-10-2020, tại Thừa Thiên - Huế có mưa rất to trên diện rộng. Lúc 0 giờ 30 ngày 12-10 đã sạt lở đồi phía sau nhà điều hành thi công công trình, làm sập toàn bộ nhà điều hành, đất đá chảy trôi lấp toàn bộ lán trại, gây thiệt hại về người.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Dự án thủy điện Rào Trăng 3 tiếp tục thi công hay không thì địa phương phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố sạt lở từ phía Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) và các cơ quan chức năng liên quan. (sggp.org.vn 25/11)
6. ĐOÀN ĐBQH THỪA THIÊN HUẾ TIẾP XÚC CỬ TRI THỊ XÃ HƯƠNG THỦY
(Video quochoitv.vn 24/11)
7. Tạo khí thế mới, tinh thần mới
Các phong trào đã có sức tập hợp, thu hút các tầng lớp Nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt khó vươn lên, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ thực tiễn sinh động của phong trào Thi đua yêu nước (TĐYN) trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, các phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành, các đơn vị đã chủ động đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Nhiều phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, thực sự đi vào lòng dân, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp; nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng.
Các phong trào đã có sức tập hợp, thu hút các tầng lớp Nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt khó vươn lên, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn đã có nhiều đổi thay, tạo không khí phấn khởi, hăng hái thi đua trong các tầng lớp Nhân dân. An ninh - quốc phòng được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu và tiến bộ đó có sự đóng góp tích cực của công tác TĐKT nói chung và đặc biệt là phong trào TĐYN đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống anh dũng kiên cường trên quê hương Thừa Thiên Huế.
Việc tổ chức Đại hội TĐYN lần này là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thể hiện sự tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua.
Với nội dung trọng tâm là tổng kết công tác TĐKT và phong trào thi đua 5 năm qua, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đã đạt được; nhận diện những hạn chế, tồn tại; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác TĐKT và phong trào thi đua trong thời gian tới. Đồng thời, xác định những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay để áp dụng rộng rãi, tiếp tục làm cho phong trào thi đua của tỉnh ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; thực sự là động lực thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trong chặng đường tới.
Đại hội cũng là dịp để chúng ta khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần tự lực tự cường, truyền thống yêu quê hương, đất nước. Việc tổ chức Đại hội TĐYN sẽ tạo ra khí thế mới, tinh thần mới trong việc quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, để cùng đồng bào và Nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh. (baothuathienhue.vn 25/11)
8. Đoàn đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh dâng hương, báo công với Bác
Sáng 25/11, Đoàn đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V giai đoạn 2020 - 2025, thay mặt cho hơn 300 đại biểu tiêu biểu, xuất sắc phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, do UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh Phan Ngọc Thọ làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, báo công với Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đã thành kính dâng hoa lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong 5 năm qua, nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Huy động được sức mạnh tổng hợp và khả năng sáng tạo của từng cán bộ, đảng viên, người lao động, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Những thành tích đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Thừa Thiên Huế cả trong và ngoài nước. Những thành tích đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước.
Với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc tỉnh xin dâng lên Người và mong muốn được Bác ghi nhận để có thêm nguồn động lực tinh thần, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. (baothuathienhue.vn 25/11)
9. Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Lê Đức Anh
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.
Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 30/11, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên-Huế, với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu. Dự Hội thảo dự kiến có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng...
Hội thảo khẳng định, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, suốt đời chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, bổ sung thông tin, tư liệu vào lịch sử danh nhân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Vai trò đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; về thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; bình thường hóa quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế.
Qua đó, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền về tấm gương đạo đức, ý chí cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước; góp phần tri ân công lao, tôn vinh tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, nhân cách của đồng chí Lê Đức Anh vào xây dựng và phát huy phẩm chất “ Bộ đội cụ Hồ”; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: Làm rõ truyền thống quê hương, gia đình, thân thế, cuộc đời và quá trình công tác của đồng chí Lê Đức Anh từ nhỏ đến khi tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương; những năm tháng hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945; những cống hiến và đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; vai trò của đồng chí Lê Đức Anh trong quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh và xây dựng đất nước Campuchia.
Vai trò và những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng; những tư duy sáng tạo, quyết đoán về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đổi mới đất nước; phá thế bao vây cấm vận của các thế lực bên ngoài, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Những quan điểm của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về đấu tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khẳng định những giá trị tinh thần, bài học quý từ cuộc đời hoạt động cách mạng và trong cuộc sống đời thường của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương sáng để đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập, cống hiến, hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng; góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương Thừa Thiên Huế, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sửu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban Tổ chức Hội thảo đã chú trọng trong xây dựng chủ đề và “đặt hàng” 98 bài tham luận, trong đó, có các bài của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, một số địa phương, nhân chứng lịch sử... Trong số tham luận tại Hội thảo có tham luận của một số tác giả là nhân chứng và người công tác trực tiếp, gần gũi với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, như: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà – con trai Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (baochinhphu.vn 24/11)
10. "Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”
Ngày 24/11, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020).
Hội thảo nhằm khẳng định và làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, suốt đời chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, bổ sung thông tin, tư liệu vào lịch sử danh nhân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Hội thảo cũng nhằm làm rõ vai trò đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; về thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; bình thường hóa quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế.
Đây cũng là sự kiện phục vụ công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền về tấm gương đạo đức, ý chí cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước; góp phần tri ân công lao, tôn vinh tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, nhân cách của đồng chí Lê Đức Anh vào xây dựng và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” còn là dịp để nghiên cứu và phát triển lý luận về đấu tranh cách mạng; về quan điểm, tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đây là lần đầu tiên Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức. Sau gần 3 tháng triển khai, Ban Chỉ đạo Hội thảo đã nhận được 87 bài tham luận. Trong đó, có các bài của các đồng chí nguyên lãnh đạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, một số địa phương, nhân chứng lịch sử để biên tập, xuất bản sách phục vụ Hội thảo.
Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/11, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế./. (dangcongsan.vn 24/11)
11. Mới nhất từ hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Rào Trăng 3
Từ tối 23 đến sáng 24/11, tại khu vực Rào Trăng (Phong Xuân, Phong Điền, TT-Huế) có mưa lớn, gây ảnh hưởng công tác cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng chức năng đã tranh thủ, tận dụng từng khoảng thời gian tạnh mưa để tổ chức tìm kiếm 11 nạn nhân còn mất tích.
Trước đó, vào ngày 23/11, các lực lượng cứu nạn tỉnh TT-Huế tiếp tục tiến hành các mũi tìm kiếm 11 nạn nhân mất tích tại khu vực sông suối thuộc vùng dự án thủy điện Rào Trăng 3.
Khu vực tìm kiếm tập trung ở dưới lòng sông Rào Trăng và những vị trí nghi ngờ. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế, với tinh thần làm việc khẩn trương đi đôi với việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng làm nhiệm vụ, Ban chỉ đạo cứu hộ cứu nạn đã huy động 6 máy múc, 4 máy hút nước công suất lớn cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác tham gia công tác tìm kiếm.
Hoạt động tìm kiếm được tổ chức theo nhiều hướng, nhiều khu vực, bao gồm: hướng tìm kiếm theo phía bờ sông lên, hướng tìm kiếm ngược lại; hướng từ hiện trường sạt lở xuống bờ sông, trong đó tập trung đào và tìm kiếm khu vực dưới lòng sông.
Đến chiều tối cùng ngày, các lực lượng vẫn chưa tìm thấy thêm nạn nhân nào. Số thi thể được tìm thấy dừng lại ở con số 6/17 trường hợp mất tích trước đó.
Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phát hiện một số hiện vật như áo quần, gối, chiếu, màn, phản gỗ, giường sắt cá nhân, trụ, tường nhà, kèo nhà, sắt thép xây dựng và một số phương tiện máy móc cơ giới….
Dự báo trong những ngày tới, ở khu vực Rào Trăng có mưa vừa, mưa to và rất to, nên Ban chỉ đạo cứu nạn quyết định huy động tổng lực về phương tiện, nhân lực để tìm kiếm các nạn nhân.
Do khu vực dưới lòng suối theo phạm vi xác định tìm kiếm của giai đoạn 3 đã cơ bản thi công, đào tìm xong, nên trong theo kế hoạch, trong sáng 24/11, các lực lượng tiếp tục tìm kiếm ở một số khu vực khác có dấu hiệu nghi ngờ.
Tuy nhiên, từ tối 23 đến sáng 24/11, thời tiết tại khu vực Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 vẫn xuất hiện mưa liên tục.
Trước tình hình này, theo Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế, các lực lượng hiện tận dụng từng khoảng thời gian lúc trời ngớt mưa để triển khai công tác tìm kiếm.
Đồng thời, vẫn hết sức đề cao cảnh giác với điều kiện thời tiết bất thường, thường xuyên đề phòng cảnh giới, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho toàn bộ lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nỗ lực, quyết tâm làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3.( tienphong.vn 24/11)
12. Tôn vinh những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nước
Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020-2025 là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội, khẳng định sự phát triển của phong trào TĐYN và công tác thi đua khen thưởng (TĐKT); là ngày hội tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt.
Mang trái tim khỏe mạnh cho mọi người
Bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 5 người được bầu chọn công dân tiêu biểu toàn tỉnh năm 2019.
Những năm gần đây, bác sĩ Ân cùng đồng nghiệp của Trung tâm Tim mạch cứu chữa hàng ngàn ca tim hở, về phổi, mạch máu và can thiệp tim mạch... Đồng thời, tổ chức và tham gia khoảng 20 đợt khám bệnh tim miễn phí ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; giữ mối quan hệ với các hội, đoàn từ thiện trên khắp cả nước và nước ngoài để bảo đảm kinh phí phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 18 tuổi khắp mọi miền đất nước, chi phí cho các hoạt động này lên đến 6 tỷ đồng/năm; kêu gọi hỗ trợ một phần hay toàn bộ kinh phí phẫu thuật cho những trường hợp bệnh nhân tim lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong lĩnh vực ghép tạng, bác sĩ Ân phẫu thuật ghép thận cho gần 200 trường hợp bệnh nhân mỗi năm. Đặc biệt, bác sĩ Ân cùng kíp phẫu thuật của Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai thực hiện ghép tim xuyên Việt thành công cho 5 bệnh nhân bằng máy bay dân dụng, tạo dấu ấn to lớn của Việt Nam trên bản đồ ghép tim thế giới.
Bác sĩ Trần Hoài Ân là một trong hơn 300 điển hình trong phong trào TĐYN giai đoạn 2020-2025 của tỉnh
Về tập thể, có thể kể đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (HueIOC). Đến nay, HueIOC đã thí điểm và đưa vào vận hành hơn 10 dịch vụ. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền. Thành công đặc biệt nhất là ứng dụng Hue-S trên nền tảng đô thị thông minh đã phát huy tính tích cực trong phòng chống dịch COVID-19 và các đợt thiên tai bão lũ vừa qua. Qua Hue-S, người dân được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong những lúc khó khăn nhất, bế tắc nhất...
Qua thực tiễn phong phú và sinh động của các phong trào TĐYN, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích trong lao động, sản xuất được áp dụng trong thực tế; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp.
Tạo sự đồng thuận cao
Quán triệt tư tưởng về TĐYN của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong toàn tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng xanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,7 lần năm 2015…
Các ngành, các cấp, các địa phương trong toàn tỉnh đều có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực. Tiêu biểu là các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Ngày Vì người nghèo", "Dân vận khéo", "Dạy tốt, học tốt", "Vì an ninh Tổ quốc"... Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" đã có những cách làm hay, sáng tạo. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam với hội nhập và phát triển" tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc. Các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân quan tâm, giúp đỡ thiết thực đối với người nghèo và ngày càng có nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước có các hoạt động thiết thực, cụ thể trong hoạt động bảo vệ môi trường với sự lan tỏa ngày càng sâu rộng của các phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Đề án di dời, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân thuộc khu vực I Kinh thành Huế được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao...
Những kết quả đạt được trong phong trào TĐYN của tỉnh trong 5 năm qua là rất lớn, song cũng nghiêm túc nhận thấy rằng còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức. Việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn chậm, chưa thường xuyên. Đối tượng khen thưởng là người lao động trực tiếp còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm này đã phần nào làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua và công tác khen thưởng, làm cho phong trào thi đua chưa thực sự là động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. (baothuathienhue.vn 25/11)
13. Gắn công tác chuyên môn với các phong trào thi đua
Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh là một trong những đơn vị sẽ được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025.
Góp phần giữ vững an ninh trật tự
Những năm gần đây, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặt ra cho lực lượng Công an tỉnh nói chung và Phòng CSHS nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề.
“Với mục tiêu giảm tội phạm hình sự, không để tội phạm lộng hành, hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, địa phương, sự giúp đỡ nhiệt tình của quần chúng Nhân dân, nhất là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ của phòng, thời gian qua, chúng tôi đã lập được nhiều chiến công trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà”, Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh chia sẻ.
Liên tiếp thời gian qua, Phòng CSHS đã phá nhiều chuyên án lớn, bắt giữ nhiều đối tượng cộm cán, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Đó là, chuyên án bắt giữ đối tượng Nguyễn Hùng, trú tại tỉnh Khánh Hòa gây ra vụ giết người, cướp của tại xã Vinh Hải (Phú Lộc); chuyên án truy xét, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm, trú tại TP. Đà Nẵng cướp tài sản; chuyên án bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tiến, trú tại TP. Hải Phòng vận chuyển 30.000 viên ma túy tổng hợp từ TP. Hồ Chí Minh đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Riêng trong 2 tháng 5 và 6/2020, Phòng CSHS phối hợp với Cục Nghiệp vụ Bộ Công an phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao với số tiền hơn 100 tỷ đồng, bắt giữ 11 đối tượng; phá nhóm 4 đối tượng dùng website giả rút tiền ngân hàng của nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng…
Đẩy mạnh các phong trào thi đua
Bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSHS thường xuyên chú trọng đến các phong trào thi đua, như: phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”; học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân; xây dựng phong cách người Công an Nhân dân bản lĩnh…Qua từng phong trào thi đua cụ thể đã góp phần quan trọng để tập thể Phòng CSHS luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
“Ngày 20/10/2020, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Phòng CSHS Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã lập công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, Thượng tá Dương Văn Thoan, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh cho biết.
Từ công tác chuyên môn cũng như thực hiện các phong trào thi đua, Phòng CSHS Công an tỉnh đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm. “Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ và chính quyền địa phương; chỉ huy luôn gương mẫu, tiên phong, trách nhiệm và năng động để tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động bám, nắm tình hình; kịp thời động viên, khen thưởng nhằm kích thích sự phấn đấu, thi đua của từng cán bộ, chiến sĩ… là những bài học kinh nghiệm cũng là giải pháp để Phòng CSHS giành chiến công xuất sắc hơn nữa trong thời gian tới”, Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh đúc rút.
Trong 5 năm (2015 - 2020), Phòng CSHS trực tiếp điều tra, kết luận 186 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý gần 500 đối tượng; xác lập, phá thành công hơn 50 chuyên án… Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh cũng đã triển khai nhiều phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc như: Mô hình khu dân cư 3 không; vùng giáo an toàn về an ninh trật tự; xứ đạo bình yên; gia đình công giáo gương mẫu…góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 24/11)
VĂN HÓA
1. Làng Lương Văn đạt giải Nhất Liên hoan nghệ thuật quần chúng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa
Chiều 24/11, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa lần thứ VIII, năm 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức đã bế mạc tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh.
Thu hút sự tham gia của hơn 300 diễn viên quần chúng đến từ 9 đội nghệ thuật thuộc 9 huyện, thị xã và thành phố, liên hoan diễn ra trong không khí sôi nổi, nhiệt huyết và đa sắc màu của không gian nghệ thuật: ca múa nhạc và hoạt kịch.
Theo đánh giá của NSND. Nguyễn Ngọc Bình, Trưởng Ban Giám khảo, 40 tiết mục trong liên hoan được thể hiện truyền cảm và đầy sống động, nêu bật những vấn đề trọng tâm của đời sống văn hóa cơ sở, tạo nên một không gian sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật lành mạnh, sôi nổi.
Chương trình tham gia liên hoan được các đơn vị chuẩn bị công phu, có sự đầu tư về nội dung tư tưởng, kết cấu chương trình, công tác dàn dựng và biểu diễn đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Cấu trúc đa dạng của các thể loại trong chương trình cũng tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho liên hoan, nhất là các tiểu phẩm vừa mang tính thời sự, vừa đi vào cảm xúc của tình người.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các tập thể. Giải Nhất được trao cho đội nghệ thuật quần chúng làng Lương Văn, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. Ban tổ chức còn trao các giải A, B, C và khuyến khích cho các tiết mục. (baothuathienhue.vn 24/11)
2. NTK Viết Bảo sáng lập Không gian Áo dài Huế
Không gian Áo dài Huế do NTK Viết Bảo sáng lập với mong muốn góp phần định vị du lịch, văn hóa Huế qua hình ảnh chiếc áo dài.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình Ký họa di sản Cố đô Huế 2020 nhân dịp kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945-23/11-2020). Để khai trương Không gian Áo dài Huế tại địa chỉ số 7 Nguyễn Thi Phương - TP Huế, NTK Viết Bảo đã giới thiệu BST mới nhất của mình mang tên Áo dài và Hội họa Huế.
Với cảm hứng từ tác phẩm sơn mài Thiên - Địa - Nhân của họa sĩ Trương Bé, cảm nhận chất thiền trong tranh nữ họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, cùng các tác phẩm ký họa cố đô, NTK Viết Bảo đã tạo nên một cuộc "gặp gỡ" ý nghĩa trong BST Áo dài và Hội họa Huế.
Sự kết hợp của áo dài với những tác phẩm hội họa không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang giá trị tinh thần vô giá, biểu đạt được giá trị thẩm mỹ của một trang phục bao đời đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Nhờ công nghệ in nhuộm kỹ thuật số trên nền tơ tằm các tác phẩm Hội họa Huế tiêu biểu được NTK Viết Bảo lưu giữ toàn bộ những giá trị mỹ học khi chuyển thể lên tà áo dài. Tại Huế, NTK Viết Bảo cũng là một trong số ít các NTK luôn tiên phong trong các xu hướng.
Ngoài các buổi trình diễn áo dài trong Không gian Áo dài Huế, du khách có thể tham dự nhiều hoạt động trong khuôn khổ chương trình Ký họa di sản Cố đô Huế 2020 như vẽ trên áo dài, ký họa...
Tranh và áo dài được họa sĩ, nhà thiết kế sẽ được trao tặng cho BTC đấu giá cho quỹ hỗ trợ học sinh ở một số trường học bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế .
NTK Viết Bảo là Phó Chủ tịch Hội May Thêu thời trang tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh là đạo diễn Lễ hội Huế Dịu dàng về miền Hương Ngự (1 trong 7 Lễ hội chính thức của Festival Huế 2016); tham gia các sự kiện: APEC Việt Nam 2017, Dự án biểu diễn Xuống Đất gặp Trời trong lòng địa đạo Vĩnh Mốc do Sở VHTT tỉnh Quảng Trị tổ chức năm 2015 cùng họa sĩ Võ Xuân Huy; Festival Áo dài 2014 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Festival Áo dài 2014 tại Hoàng thành Thăng Long; Vietnamese Goods and Tourism Week in Thailand 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Tổng cục du lịch Việt Nam tổ chức, Áo dài trên con đường di sản tại Festival Huế 2019… Anh cũng là NTK thường xuyên có bộ sưu tập được giới thiệu tại Festival Huế từ năm 2008 cho đến Festival 2019.
Một số hình ảnh của BST "Áo dài và Hội họa Huế" được NTK Viết Bảo giới thiệu trong buổi khai trương "Không gian Áo dài Huế":(phunuvietnam.vn 24/11, thanhnien.vn 25/11)
XÃ HỘI
1. Hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội
Với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn từ chương trình cho vay NOXH đã giúp nhiều gia đình chính sách, công chức, viên chức thu nhập thấp có điều kiện xây dựng nhà ở ổn định, yên tâm làm việc, lao động. (Video baothuathienhue.vn 24/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. TT-Huế: Trường Phật học tổ chức tổng kết khóa, khai giảng
Sáng nay, 24-11, tại giảng đường Trường Trung cấp Phật học (TCPH) tỉnh Thừa Thiên Huế - tổ đình Báo Quốc (P.Phường Đúc, TP.Huế), Ban Giám hiệu Trường đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021 và tổng kết khóa IX (2017-2020).
Mở đầu buổi lễ, HT.Thích Đức Thanh, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệu trưởng đọc diễn văn khai mạc.
Hòa thượng cho biết, Trường TCPH Thừa Thiên Huế là hậu thân của Phật học đường Trung Việt, kế thừa sự nghiệp đào tạo Tăng tài - tạo nguồn nhân lực cho Giáo hội, qua đó củng cố, duy trì và phát triển Giáo hội. Từ đây đã cho ra đội ngũ Tăng Ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo lý của Đức Phật.
Báo cáo tổng kết, TT.Thích Thông Đạt cho biết, năm học 2020-2021 có 286 Tăng Ni sinh theo học cả nội và ngoại điển.
Riêng khóa IX được tuyển sinh năm 2017 với số lượng 190 Tăng Ni trúng tuyển. Sau 3 năm học, có 126 Tăng Ni đủ điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp và đạt kết quả 100%.
Sau khi tốt nghiệp, Tăng Ni sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Học viện Phật giáo VN tại Huế và Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Nhằm tạo điều kiện tốt cho Tăng Ni sinh học tập, Ban Giám hiệu đã đào tạo song song hai chương trình nội và ngoại điển.
Ngoài chương trình chính thức, nhà trường đã tổ chức các buổi học ngoại khóa và chương trình dã ngoại như: dã ngoại, thi báo tường, các công tác an sinh xã hội… để Tăng Ni sinh bổ túc kiến thức thực tế.
HT.Thích Đức Thanh đã trao bằng tốt nghiệp và phần thưởng đến các Tăng Ni sinh có thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại lễ tốt nghiệp, TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư đánh giá cao công tác dạy và học của Ban Giám hiệu và Tăng Ni sinh Trường TCPH tỉnh TT-Huế.
Thượng toạ Trưởng ban Giáo dục nói, giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực tích cực, giáo dục Phật giáo là con đường giáo hoá, cải biến tâm thức. Tăng Ni sinh trẻ là nguồn lực của Giáo hội trong tương lai.
Dịp này, Ban giám hiệu nhà trường đã trao phần thưởng cho các Tăng Ni sinh đạt kết quả xuất sắc và học bổng Trí Thủ đến các Tăng Ni sinh đang theo học tại trường. (giacngo.vn 24/11)
2. Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư thăm Học viện PGVN tại Huế
Sáng 24-11, tại cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN tại Huế, phái đoàn Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư có chuyến thăm và làm việc với Học viện.
Đoàn do TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư làm trưởng đoàn cùng chư tôn đức Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư.
Đón tiếp đoàn có HT.Thích Đức Thanh, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành viên Hội đồng Chỉ đạo Học viện; chư tôn đức Phó Viện trưởng: TT.Thích Nguyên Thành, TT.Thích Nguyên Đạt, TT.Thích Không Nhiên, ĐĐ.Thích Quang Tư, ĐĐ.Thích Hương Yên cùng Tăng Ni sinh viên.
Tại buổi buổi làm việc, TT.Thích Nguyên Thành đã trình bày khái quát quá trình hình thành, phát triển và phương hướng hoạt động của Học viện.
Phát biểu tại buổi làm việc, TT.Thích Thanh Quyết đã nhắc lại hình ảnh chư tôn đức tiền bối đã sáng lập và đưa Học viện có cơ sở như ngày hôm nay. Thượng toạ nhắc lại những kỷ niệm đã được gắn bó cùng chư tôn đức như cố Hoà thượng Viện trưởng Thích Chơn Thiện.
Thượng toạ Trưởng Ban Phật giáo T.Ư mong muốn Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sẽ tiếp tục là nơi đào tạo Tăng tài cho Giáo hội.
Dịp này, phái đoàn cùng Phật tử đã phát tâm hỷ cúng 200 triệu đồng đến Học viện. (giacngo.vn 24/11)
3. Hướng đến hiệu quả cao trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế tất yếu. Trước bối cảnh đó, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Quy trình bồi dưỡng nghiêm ngặt với nhiều mô đun
PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế cho biết, hiện nay, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đang là một trong bảy trường sư phạm do Bộ GD&ĐT chọn để tham gia chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông). Đến nay, đội ngũ cán bộ của nhà trường đã phối hợp Sở GD&ĐT của 10 tỉnh miền Trung trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho hàng nghìn cán bộ, giáo viên cốt cán các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Quá trình tập huấn, bồi dưỡng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo kế hoạch của Bộ GD & ĐT. Chỉ riêng quy trình xây dựng tài liệu đã trải qua 18 bước. Mỗi đối tượng cán bộ quản lý cán bộ, giáo viên sẽ có các mô đun bồi dưỡng khác nhau. Trong đó, có 9 mô đun bồi dưỡng thực hiện chương trình GDPT mới dành cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông mỗi cấp học để phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng và đáp ứng chương trình GDPT mới. “Các mô đun bồi dưỡng gồm: Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT”; “Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT”; “Quản trị tài chính trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình”; “Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở trường tiểu học/THCS/THPT”; “Quản trị chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT”; “Xây dựng văn hóa nhà trường ở trường tiểu học/THCS/THPT”; “Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT”; “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường tiểu học/THCS/THPT”; “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản trị trường tiểu học/THCS/THPT”. Mỗi mô đun sẽ có rất nhiều nội dung cụ thể”, đại diện Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ.
Quá trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới cho giáo viên cơ sở GDPT giai đoạn 2019 - 2021 cũng có 9 mô đun. Các mô đun bồi dưỡng này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học, trường THCS , trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm các nội dung bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 áp dụng trong cả nước. Chỉ riêng mô đun 1 là “Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018” đã có 6 nội dung: Tư tưởng chủ đạo và quan điểm phát triển Chương trình GDPT 2018; Mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học/THCS/THPT trong chương trình GDPT 2018; Kế hoạch giáo dục, nội dung Chương trình GDPT 2018; Phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018 theo chương trình GDPT tổng thể và chương trình giáo dục môn học; Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn học; Các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Gắn nhiệm vụ với từng cấp, đối tượng
Thông qua việc tập huấn bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ và giáo viên phổ thông cốt cán sẽ tiếp thu, vận dụng các kiến thức được tập huấn, bồi dưỡng vào việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Để việc đổi mới giáo dục hiệu quả, nhất là việc bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hiệu quả, chương trình bồi dưỡng phân định cụ thể nhiệm vụ của từng cấp.
Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, chương trình được phân thành 9 nhóm nhiệm vụ cho các cấp. Trong đó, nhiệm vụ của giáo viên phổ thông cốt cán là học tập các mô đun (với sự hỗ trợ của giáo viên phổ thông cốt cán). Họ sẽ trải qua 3 bước chính là chuẩn bị (hoàn thành hồ sơ cá nhân và đăng ký môn học); học tập (hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mô đun) và khảo sát (hoàn thành các khảo sát). Đối với giáo viên phổ thông cốt cán, nhiệm vụ chính không chỉ học tập mà còn hỗ trợ đồng nghiệp học tập các mô đun, trong đó có cả việc hỗ trợ giáo viên phổ thông hoàn thành hồ sơ cá nhân và đăng ký môn học, thực hiện các nhiệm vụ học tập, chấm bài tập cuối mô đun và xác nhận đồng nghiệp hoàn thành mô đun. Ngoài ra, phải hỗ trợ giáo viên phổ thông hoàn thành các khảo sát.
Trong khi giảng viên sư phạm chủ chốt có nhiệm vụ hướng dẫn giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ giáo viên phổ thông đại trà học tập các mô đun thì nhiệm vụ của cán bộ quản lý cơ sở giáo GDPT là học tập các mô đun (với sự hỗ trợ của cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán). Cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán sẽ có nhiệm vụ học tập và hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở GDPT học tập các mô đun.
Ở chương trình bồi dưỡng này, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán và hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở GDPT đại trà học tập. Trong khi đó nhiệm vụ của hiệu trưởng là quản lý bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Riêng phòng GD&ĐT sẽ quản quản lý bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở GDPT và Sở GD&ĐT cũng chịu trách nhiệm trong việc quản lý bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở GDPT.
Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, việc xây dựng các nhóm nhiệm vụ cho từng đối tượng theo một trình tự và liên kết chặt chẽ. Tuy mỗi nhóm có nhiệm vụ khác nhau những giữa các nhóm lại có mối liên hệ, đảm bảo áp dụng, vận hành chương trình tập huấn, bồi dưỡng đạt hiệu quả tốt nhất. (baothuathienhue.vn 24/11)
4. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dự lễ khai giảng Học viện Âm nhạc Huế
Ngày 24/11, Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VHTTDL) đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021 và trao bằng tốt nghiệp năm học 2019-2020. Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.
Tại buổi lễ, TS Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết, trong năm học 2019 - 2020, Học viện đã rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình đào tạo 9 ngành bậc trung cấp; hoàn tất biên soạn 4 giáo trình cấp Bộ. Đây là năm thứ 7 Học viện tổ chức tuyển sinh đại học chính quy theo đề án tuyển sinh riêng. Công tác tuyển sinh được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với tuyển sinh bậc trung cấp, Học viện cũng đã tiến hành nhiều phương thức, linh hoạt trong việc tư vấn và tuyển sinh. Trong bối cảnh khó khăn chung về nguồn tuyển sinh, công tác tuyển sinh của Học viện có nhiều khởi sắc, nhất là việc mở được 1 lớp trung cấp chính quy hệ 7, 9 năm tại Đà Nẵng với 36 sinh viên.
Quy mô tuyển sinh và đào tạo hệ không chính quy cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Sau một thời gian phải thu hẹp địa bàn đào tạo, Học viện đã kết nối liên kết đào tạo với các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An. Tổng số HSSV của Học viện là 749, trong đó HSSV hệ chính quy là 372, học viên hệ không chính quy là 377.
"Được sự quan tâm, đầu tư của Bộ VHTTDL, cơ sở vật chất, cảnh quan, bộ mặt của Học viện trở lên khang trang, sạch đẹp. Học viện đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng Nhà hát Sông Hương, khối nhà trong, sửa chữa tòa nhà 3 tầng để bố trí văn phòng các khoa và giảng đường, trang bị thêm nhiều loại nhạc cụ, trang phục cho dàn nhạc Dân tộc...phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn…", TS Hà Mai Hương thông tin.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2020-2021 của Học viện Âm nhạc Huế, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi lời chúc mừng đến tập thể thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, các em học sinh, sinh viên, học viên của Học viện. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cho đất nước, đáp ứng sự phát triển chung của Ngành và xã hội, đồng thời đứng trước những thách thức, bối cảnh của đại dịch covid-19, Bộ trưởng yêu cầu thầy và trò Học viện Âm nhạc Huế trong năm học 2020-2021, cần phát huy những thành tích đã đạt được, tăng cường đoàn kết, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tập trung thực hiện tốt yêu cầu của ngành Giáo dục về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tập trung mọi nguồn lực kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản và cơ cấu tổ chức của Nhà trường, đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ kế cận.
Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính tích cực, sự chủ động của người học theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19.
Chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo và công tác kiểm định chất lượng. Tập trung chuẩn bị kế hoạch sử dụng hệ thống cơ sở vật chất đang được đầu tư xây dựng một cách có hiệu quả; đảm bảo môi trường cảnh quan, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu của Học viện, thu hút người học, tăng cường công tác tuyển sinh, đảm bảo đủ chỉ tiêu theo kế hoạch. Triển khai thực hiện tốt Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
"Tôi tin tưởng rằng với truyền thống, kinh nghiệm đã có và sự nhiệt tình, tâm huyết của tập thể sư phạm, Học viện Âm nhạc Huế sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Được biết, cũng trong buổi lễ khai giảng năm học 2020-2021, Học viện Âm nhạc Huế đã khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc trong năm học 2019-2020 và các cá nhân, đơn vị đã đạt giải trong cuộc thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống" do Bộ VHTTDL tổ chức tại Đắk Lắk vào tháng 9 vừa qua./.( toquoc.vn 24/11, vanhoaonline.com.vn 24/11)
Y TẾ
1. THỪA THIÊN HUẾ: PHÒNG DỊCH BỆNH SAU MƯA LŨ
(Video quochoitv.vn 24/11)
2. Bệnh nhân mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người' tại miền Trung tăng đột biến
Thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện khám, điều trị tại cơ sở y tế này tăng đột biến từ đầu tháng 10 đến nay, gồm 28 ca chỉ trong hơn một tháng rưỡi, giữa điều kiện thời tiết bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung.
Được biết, tại Bệnh viện T.Ư Huế từ năm 2014 đến 2019 ghi nhận có khoảng 83 trường hợp chẩn đoán Whitmore. Từ tháng 1 đến 9/2020 có 11 bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ riêng từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, tại Bệnh viện T.Ư đã tiếp nhận điều trị 28 ca bệnh.
Với lượng bệnh nhân mắc Whitmore ghi nhận trong một khoảng thời gian ngắn kể trên, Bệnh viện T.Ư Huế cho rằng, có sự gia tăng đột biến về số ca mắc tại khu vực miền Trung. Trong đó, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; 50% đến từ TT-Huế, với các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy ghi nhận có người mắc Whitmore.
Theo Bệnh viện T.Ư Huế, sự gia tăng đột biến số lượng ca bệnh Whitmore trong thời gian tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở những vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt, do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei.
* Quảng Trị: 9 bệnh nhân mắc bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”
Chiều 23/11, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho hay vừa nhận được thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế thông báo có 9 bệnh nhân người Quảng Trị mắc bệnh Whitmore, thường được gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”. Đây là một loại bệnh hiếm gặp, không gây thành dịch. 9 người mắc bệnh ở nhiều địa phương trong tỉnh gồm TP Đông Hà 2 người, huyện Triệu Phong 2 người, huyện Hải Lăng 3 người, huyện Hướng Hóa 1 người, huyện Vĩnh Linh 1 người. (tienphong.vn 24/11)
3. Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và miền Trung: Đã có người tử vong
Đã có trường hợp bệnh nhân whitmore tử vong và Bệnh viện Trung ương Huế đã có văn bản thông báo tình hình cho ngành y tế các địa phương liên quan.
Chiều 23/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trước tình hình bệnh whitmore diễn biến phức tạp sau các đợt bão lũ liên tục ở miền Trung, Bệnh viện đã có văn bản thông báo tình hình để ngành y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình.
Theo đó, để các sở y tế và các bệnh viện trong khu vực kịp thời nắm bắt và chủ động trong việc thu dung điều trị bệnh nhân whitmore, Bệnh viện Trung ương Huế đã thông báo danh sách bệnh nhân ở các địa phương. Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị các sở y tế và bệnh viện các tỉnh cập nhật phác đồ điều trị bệnh whitmore tại Quyết định số 6101/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân xuất viện phải tư vấn kỹ việc điều trị duy trì tại nhà đúng quy định và kịp thời chuyển tuyến trên khi bệnh tiến triển nặng.
Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp hoặc qua hệ thống Tư vấn Khám chữa bệnh từ xa (Health Center) trong chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn cho các sở y tế hoặc bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong khu vực nếu có nhu cầu.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay tình hình bệnh whitmore tại khu vực miền Trung diễn ra phức tạp, đặc biệt là sau các đợt bão lụt liên tục xảy ra tại khu vực. Số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tháng 10 đến thời điểm hiện nay tăng gấp nhiều lần so với cả năm.
Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, số lượt bệnh nhân mắc bệnh whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến với 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi. Trong số này, Thừa Thiên Huế có 14 bệnh nhân, Quảng Trị 9 bệnh nhân, Quảng Bình 4 bệnh nhân…
Nhiều trường hợp vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, cụ thể gần 50% số trường hợp vào viện trong tình trạng cần phải hồi sức tích cực. Vừa qua đã có trường hợp bệnh nhân tử vong.
Bệnh melioidosis còn gọi là bệnh whitmore, do trực khuẩn gram âm burkhoderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với burkhoderia pseudomallei ). Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. Từ tháng 10/2020 đến giưã tháng 11/2020 có 30 bệnh nhân.
Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng 9, 10 và 11 như trên là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới vì số lượng ca bệnh whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc bịệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn burkhoderia pseudomallei.
Vi khuẩn whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn, hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn, uống nước có nhiễm khuẩn whitmore. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn.
Ở người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong. (danviet.vn 23/11)
NÔNG NGHIỆP
1. Nông nghiệp hữu cơ gặp khó
Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có bước tiến khởi sắc trên địa bàn tỉnh khi nhiều hộ dân tham gia mô hình có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các HTX, nông dân vẫn đối diện với khó khăn nhất định.
Tham gia chuỗi liên kết
Ông Nguyễn Văn Lịch là một trong nhiều hộ dân tham gia chuỗi liên kết giá trị chăn nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, tại xã Phong Thu (Phong Điền) từ năm 2016.
Ban đầu, hộ ông Lịch hợp tác nuôi 60 con lợn thịt bằng công nghệ vi sinh và an toàn sinh học (ATSH). Đến nay, trang trại của ông tuyển chọn được lợn nái lai tốt trong đàn. Qua 5 năm liên kết, hiện gia đình ông nuôi 10 lợn nái, sản xuất trên 200 lợn giống thương phẩm/năm để phục vụ chăn nuôi lợn thịt tại trang trại và cung cấp cho công ty tái đàn. Chăn nuôi lợn ATSH cho gia đình ông Lịch thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Nhờ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật nuôi ATSH, trang trại ông Lịch đã có được chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ nguồn phân hữu cơ dồi dào để bón cho 3 ha cây thanh trà và bưởi da xanh. Cây ăn quả phát triển rất tốt, chất lượng trái thơm ngon, không tốn kinh phí mua phân chuồng như mọi năm. Từ đây, gia đình ông Lịch đã thành lập được HTX cây ăn quả hữu cơ Bưởi Thanh Trà tại địa phương, liên kết được 30 hộ tham gia sử dụng phân hữu cơ, cho sản phẩm chất lượng, được nhiều nơi đặt mua.
Hiện nay, công ty tiếp tục giúp đỡ gia đình xây chuồng trại theo mô hình công nghệ mới với dây chuyền thức ăn tự động, mở rộng quy mô lên 30 nái và 400 lợn thịt/năm.
Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTX NN Đông Vinh (Quảng Vinh, Quảng Điền) cho biết, năm 2015, HTX ký hợp tác liên kết chuỗi sản xuất lúa hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, với 102 hộ dân tham gia.
Bước đầu, HTX được đơn vị này đầu tư đầu vào, bao tiêu đầu ra với diện tích 24ha lúa. Hiệu quả cho thấy, sản xuất lúa hữu cơ so với sản xuất lúa bình thường có lãi cao hơn từ 4,5-9 triệu đồng/ha/vụ. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm tổng diện tích trên 100 ha. Hàng năm, mô hình này tăng thu nhập thêm cho người nông dân từ 200- 230 triệu đồng.
Thiếu cơ chế thúc đẩy
Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết, trên cơ sở Tập đoàn Quế Lâm ký kết hợp tác liên kết mở rộng NNHC với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, những hộ nông dân tham gia mô hình như chúng tôi kiến nghị các cơ quan ban ngành cần có thêm chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ. Địa phương có thể liên kết, tạo điều kiện cho những hộ dân tham gia mô hình có điểm bán, phân phối thịt lợn sạch trên địa bàn để đảm bảo đầu ra, góp phần tuyên truyền mở rộng mô hình.
Tập đoàn Quế Lâm cũng cho mở rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ này đến những làng, xã chăn nuôi, để có thêm nhiều sản phẩm chăn nuôi ATSH bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo HTX NN Đông Vinh, hàng năm đơn vị này được Tập đoàn Quế Lâm thu mua lúa tươi và chế biến thông qua công nghệ máy sấy, giúp nông dân tiết kiện sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên, đến cao điểm của thời vụ công suất máy không đáp ứng được. HTX đã đề xuất địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy sấy nhằm giải phóng sức lao động đối với những hộ tham gia sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao, để HTX chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất có quy mô lớn hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Tại hội nghị xúc tiến phát triển NNHC mới đây, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, sản xuất NNHC vẫn còn nhiều khó khăn do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC chưa ổn định, do vậy đa số nông dân chưa có nhu cầu chuyển sang sản xuất NNHC.
Khảo sát tại các địa phương cho thấy, sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như chưa kết nối được nhiều.
Cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất NNHC còn thiếu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ…là một trong những trở lực ảnh hưởng đến phát triển sản xuất NNHC hiện nay.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai một số giải pháp trong thời gian tới như lựa chọn các sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ, phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất NNHC. Xây dựng mô hình NNHC theo chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng mô hình khuyến nông về sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm NNHC và các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đơn vị cũng tăng cường đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế về NNHC; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân, chế phẩm sinh học.
Chăn nuôi an toàn sinh học “vượt” qua dịch bệnh
Năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện các mô hình liên kết trong chăn nuôi ATSH theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh, thành với hơn 12.000 đầu lợn/lứa, tăng trọng bình quân 20kg/tháng, lãi so với nuôi đại trà bằng cám công nghiệp hơn 700.000 đồng/con. Với quy trình nuôi không sử dụng nước tắm, nước rửa chuồng (tiết kiệm được 1.400 lít nước/con/lứa), sử dụng đệm lót sinh học…“vượt”qua được dịch bệnh trong quá trình nuôi. (baothuathienhue.vn 25/11)
DU LỊCH
1. Khu chứng tích Lao Thừa Phủ mở cửa đón khách tham quan trước 22/12
Ngày 24/11, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết, Khu chứng tích Lao Thừa Phủ và không gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tỉnh sẽ được mở cửa đón người dân và du khách tham quan trước ngày 22/12.
Theo ông Lộc, mới đây, UVTV Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi kiểm tra cả hai địa điểm nói trên. Tại Khu chứng tích Lao Thừa Phủ trên đường Lê Lai, ông Bình đã kiểm tra quá trình tu bổ, bảo tồn và phục dựng lại các hạng mục và đề nghị đơn vị chủ quản sớm hoàn chỉnh, bố trí trưng bày, bảng giới thiệu, hướng dẫn… Ngoài ra, điều chỉnh hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Còn tại không gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tỉnh ở 268 đường Điện Biên Phủ, ông Bình yêu cầu khẩn trương triển khai các hạng mục của việc thi công trưng bày hiện vật ngoài trời nhằm sớm hoàn thành gian đoạn 1 trong dịp 22/12. Trong đó, chú ý cổng, hàng rào, không gian xanh và mỹ quan chung của khu vực… Bên cạnh đó, bố trí, sắp xếp bộ phận làm việc thích hợp tại đây. (baothuathienhue.vn 24/11)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Cô gái trẻ bị đánh ghen tàn nhẫn ở Huế lần đầu lên tiếng: Chỉ là anh em ngoài xã hội, không có quan hệ bất chính
Cô gái trẻ là nạn nhân trong vụ đánh ghen dã man ở Huế khẳng định bản thân và người đàn ông tên H chỉ là anh em xã hội, có mối quan hệ trong sáng.
Liên quan đến vụ đánh ghen dã man ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết đang hoàn thiện hồ sơ vụ án sau khi khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra về hành vi "làm nhục người khác".
Các bị can bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Thùy Trâm (SN 1992, trú tại 30/3/73 Bùi Thị Xuân, TP Huế), Nguyễn Thị Bé (SN 1983), Đặng Thị Thùy Trang (SN 1979) và Lê Công (SN 1991, cùng trú tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà).
Sau nhiều ngày im lặng, chị N.T.H (SN 1995, trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), nạn nhân bị hành hạ dã man trong vụ việc, đã lần đầu kể lại sự việc.
Chị H cho hay dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng sự việc vẫn khiến chị bàng hoàng, hoảng sợ khi nhớ lại. Theo chị H, thời điểm khoảng 19h30 ngày 16/11, chị cùng anh P.H đứng nói chuyện ở bờ kè xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) thì có 1 nhóm đi trên 2 xe máy xuất hiện.
"Nhóm này có 3 nam và 4 nữ trong đó có 5 người trực tiếp xông đến đánh tôi. Có người phụ nữ tàn tật đã dùng nạng chống chân để đánh vào mặt, một người phụ nữ khác dùng chiếc giày đánh vào vùng nhạy cảm. Riêng người đàn ông tên Công vừa xông vào đánh vừa có hành vi sàm sỡ trên người", chị H kể.
Theo chị H, nhóm người này đánh đập, hành hạ chị dã man trong hơn 20 phút chứ không chỉ 3 phút như clip được phát tán trên mạng xã hội. Chị H cũng khẳng định bản thân là người đã có gia đình, chồng con đàng hoàng.
"Tôi và anh H có quen biết nhau nhưng chỉ là mối quan hệ anh em ngoài xã hội. Nhóm người này nghi ngờ tôi có mối quan hệ bất chính với anh H nhưng hoàn toàn không có chuyện đó.
Vụ việc khiến tôi bị tổn thương, bức xúc nên mong rằng các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật", chị H chia sẻ.
Trước đó, một clip đánh ghen được phát tán lên mạng xã hội Facebook với clip dài gần 3 phút và được xác định xảy ra tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Trong clip, nạn nhân bị nhóm 5 người, trong đó 4 phụ nữ và một người đàn ông ghì chặt xuống nền đường. Nhóm người này lột hết áo quần của nạn nhân.
Tiếp đó, một người đàn ông liên tục chửi bới, đánh vào vùng mặt, vùng kín, vùng ngực của nạn nhân. Camera nhiều chiếc điện thoại cũng quay cận cảnh vào mặt và những khu vực nhạy cảm của nạn nhân.
Trong clip dài gần 3 phút, nạn nhân kháng cự yếu ớt và chỉ biết liên tục kêu "mẹ ơi, mẹ ơi cứu con" đồng thời van xin tha tội. Sự việc chỉ dừng lại khi một người trong nhóm lên tiếng đề nghị tha cho nạn nhân. Những người này sau đó buộc nạn nhân cam kết không được đến địa phương và dọa sẽ đánh chết nếu còn xuất hiện tại đây.
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng nhóm người đã thực hiện việc đánh ghen dã man, tàn nhẫn chưa từng có.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, nạn nhân trước đó đang ngồi chơi ở bờ kè ven biển xã Hải Dương thì bị nhóm người trên tấn công với lý do nghi ngờ "cướp" chồng người khác. Nạn nhân sau đó đã trình báo cơ quan công an.( toquoc.vn 24/11)
DOANH NGHIỆP
1. Doanh nghiệp đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế được vay vốn từ gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng
Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) vừa hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty CP Dệt may Thiên An Thịnh và giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy, Công ty CP Dệt may Thiên An Thịnh đã đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn tín dụng chính sách theo Quyết định số 32 ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được vay tiền để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động đảm bảo kịp thời, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy đã phân công cán bộ chủ động tiếp cận với người sử dụng lao động. Sau khi rà soát nếu đủ điều kiện vay vốn, đơn vị sẽ hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn vay một cách thuận lợi nhất.
Được biết, tại Thừa Thiên - Huế đã có hơn 300 doanh nghiệp được tuyên truyền về gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% theo Quyết định số 32 ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước đó, thực hiện chi hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký của 14 doanh nghiệp với 774 lượt lao động cùng số tiền là 1.393,20 triệu đồng. Sau khi thẩm định lại, cơ quan chức năng xác định chỉ có 2 doanh nghiệp với 264 lượt lao động đủ điều kiện hỗ trợ 475,2 triệu đồng. Còn lại 12 doanh nghiệp, 510 lượt lao động, 917 triệu đồng không đủ điều kiện hỗ trợ do doanh nghiệp có doanh thu, có tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 31/3/2020 lớn hơn phải trả cho người lao động. (baodansinh.vn 24/11)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Vietravel khởi công dự án “Tổ hợp du lịch và dịch vụ cao cấp” tại Huế
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, với nét kiến trúc đặc sắc, độc đáo, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021. Khi đi vào hoạt động sẽ hình thành chuỗi dịch vụ lữ hành và các dịch vụ bổ trợ có tầm vóc quốc tế. Đây sẽ là một trong những nơi cung ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch cao cấp, có quy mô nhất tại TP. Huế.
Ngày 24/11/2020, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng dự án “Tổ hợp du lịch và dịch vụ cao cấp Vietravel” tại số 01 đường Nguyễn Huệ, TP. Huế.
Dự án “Tổ hợp du lịch và dịch vụ cao cấp Vietravel” được thực hiện trên tổng diện tích 1.015,3m2, trong đó diện tích xây dựng là 701.4m2, diện tích giao thông, sân vườn là 313.9m2.
Theo phương án kiến trúc công trình và bản vẽ quy hoạch đã được phê duyệt, nơi đây sẽ xây dựng công trình chuỗi dịch vụ lữ hành và các dịch vụ bổ trợ có tầm vóc quốc tế với nét kiến trúc đặc sắc, độc đáo. Chiều cao của công trình là 26m, gồm: 6 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng lửng với tổng diện tích sàn xây dựng là 4.778,4m2.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 140 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đưa vào sử dụng là cuối năm 2021. Công trình khi hoàn thành, sẽ trở thành một trong những nơi cung ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch cao cấp, có quy mô nhất tại TP. Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, chia sẻ, lễ khởi công dự án là một trong các sự kiện đặc biệt quan trọng của Vietravel. Đây là công trình đầu tiên trong chuỗi dự án dịch vụ du lịch cao cấp phục vụ cho hệ sinh thái lữ hành của Vietravel.
“Khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cố đô Huế trở thành trung tâm thương mại du lịch dịch vụ của miền Trung, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Huế trong tương lai”, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, khẳng định.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, Vietravel đã phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dự án “Sáng và Sống” với chuỗi các hoạt động đầu tư mang tính chiến lược, nổi bật, như khánh thành Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài, tổ chức khai hỏa bắn súng thần công tại Kỳ Đài Huế vào tháng 2/2018, với 1.000 đèn led tạo sắc màu rực rỡ về đêm theo trục Kỳ Đài - Quảng trường Ngọ Môn.
Tháng 2/2019, Vietravel thành lập Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), chọn Sân bay Phú Bài làm căn cứ, hướng tới hoàn thiện chuỗi giá trị trong hệ sinh thái mang thương hiệu Vietravel; qua đó, tạo thêm thuận lợi giúp mở rộng, tăng cường liên kết xúc tiến du lịch tỉnh, cũng như khai thác hiệu quả nguồn khách du lịch đến Huế.
Cuối tháng 10/2020, Hãng hàng không Vietravel Airlines đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. (doanhnghiepvn.vn 24/11)
2. Kích cầu để huy động vốn.
Với tổng kinh phí hỗ trợ năm 2020 trên 500 triệu đồng, các đề án khuyến công (KC) góp phần giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TX. Hương Thủy thay đổi máy móc thiết bị, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lò nung do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 50% kinh phí phát huy giá trị, giúp DN sản xuất được các dòng tranh cỡ lớn phục vụ thị trường
Pháp lam là sản phẩm không chỉ trang trí trong cung điện, tôn miếu mà được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và được du khách ưa chuộng. Dựa trên kỹ thuật chế tác chung, hơn 20 năm qua, DN tư nhân Vẽ tranh pháp lam Cung Đình ở phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã sản xuất thành công các dòng tranh pháp lam. Đây là sự kết hợp tinh tế, giữa hội họa men trên chất liệu đồng.
Theo Giám đốc DN Nguyễn Phước Diễn, một bức họa phải mất 4- 5 ngày mới hoàn thành. Sau khi đồng được phủ lên một lớp men, người thợ phải trải qua các công đoạn phác thảo, vẽ màu men, đem nung ở nhiệt độ cao mới cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Nghệ thuật làm nên nét đặc trưng của tranh pháp lam Huế là ở màu men, song chất liệu đồng và công đoạn nung đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của tranh pháp lam.
Sau khi lò nung thủ công do DN đầu tư hơn 5 năm trước giờ đã lạc hậu do các công đoạn nung đều thực hiện thao tác thủ công nên màu tranh không đều, chất lượng tranh không ổn định, DN đã lập đề án xin hỗ trợ vốn KC để đầu tư thiết bị và được Sở Công thương phê duyệt. Hiện, lò nung đã đưa vào hoạt động với tổng kinh phí 112 triệu đồng, trong đó vốn KC hỗ trợ 50 triệu đồng.
Từ khi đưa lò nung vào hoạt động, DN sản xuất được số lượng lớn do lò có công suất nung lớn, đồng thời các tính năng điều chỉnh nhiệt độ, chế độ cài đặt các thông số kỹ thuật tự động nên tiết giảm nhân công. Đặc biệt, thiết bị có thể nung các loại tranh có kích cỡ lớn, từ 35 x 40cm và tiết kiệm điện nên đã giúp DN tiết giảm chi phí, góp phần giảm giá thành và tạo dòng tranh pháp lam cỡ lớn phục vụ nhu cầu trang trí của khách.
Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy Nguyễn Đắc Tập cho rằng, năm 2020, nguồn vốn KC tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn 4 đề án với tổng mức hỗ trợ gần 500 triệu đồng, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Nguồn vốn này đã tiếp sức, tạo động lực để các cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm vốn trang bị máy móc hiện đại thay thế các thiết bị lạc hậu, lỗi thời nhằm tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cho mặt hàng quà tặng và đặc sản Huế.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, Sở đã tuyên truyền về ý nghĩa hoạt động KC, qua đó động viên khuyến khích các cơ sở đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất, giải phóng sức lao động nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. (baothuathienhue.vn 24/11)
3. Cục Thuế Thừa Thiên Huế thu ngân sách đạt gần 100% dự toán
Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế Hà Văn Khoa cho biết tính đến 20/11/2020 thu ngân sách đạt 7.004,4 tỷ đồng, bằng 98,9% so với dự toán, bằng 98% so với thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Trong đó thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại là 5.078,6 tỷ đồng, bằng 81,9% so với dự toán, bằng 89,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Cục Thuế Thừa Thiên Huế, khả năng thu nội địa năm 2020 ước thu 7.462 tỷ đồng, đạt 105,4% so với dự toán, bằng 94,3% so với thực hiện năm 2019. Trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại ước thu 5.489 tỷ đồng, bằng 88,5% so với dự toán, bằng 87,9% so thực hiện năm 2019.
Theo ông Hà Văn Khoa, năm 2020 triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn do bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ ngày 23/1 và đầu tháng 7/2020 dịch Covid-19 tái bùng phát và bão lụt xảy ra liên tục từ tháng 9/2020 đã ảnh hưởng hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, một số ngành nghề do dịch bệnh đã phải ngừng nghĩ, hoạt động cầm chừng, một số ngành nghề kinh doanh gặp nhiều khó khăn...
Tại buổi làm việc với Cục Thuế Thừa Thiên Huế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn biểu dương kết quả thu trong 11 tháng đầu năm 2020 của Cục Thuế đã đạt 98,9%, cao hơn so với trung bình trung của cả nước.
Tổng cục trưởng lưu ý Cục Thuế Thừa Thiên Huế cần rà soát doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế mới.
Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế tiếp tục tập trung nguồn lực, khắc phục ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để thực hiện tốt công tác quản lý thuế, công tác quản lý nợ thuế, thanh tra kiểm tra, tiên phong trong áp dụng điện tử trong quản lý thuế, tăng cường quản lý thuế với hộ kinh doanh, làm tốt công tác UNT thuế, đẩy mạnh quản lý thuế bằng biện pháp điện tử để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp... (taichinhdoanhnghiep.net.vn 24/11)
4. Tập đoàn CMC muốn đầu tư phát triển công nghệ thông tin vào Thừa Thiên Huế
Chiều ngày 24/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã làm việc với Tập đoàn CMC về định hướng, đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cho biết, CMC mong muốn đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế về tổ hợp không gian sáng tạo CMC; đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực CNTT; đồng thời muốn hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển các lĩnh vực về CNTT, chuyển đổi số.
Trước đề xuất của Tập đoàn CMC, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ hoan nghênh việc Tập đoàn CMC đến tìm kiếm đầu tư và hợp tác với tỉnh về phát triển CNTT.
Theo ông Thọ, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang chú trọng phát triển thúc đẩy phát triển ngành CNTT trên cơ sở nền tảng văn hóa và tri thức; Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ươm tạo doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong nước và ngoài nước, góp phần xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành trọng điểm, quan trọng của Quốc gia; Tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam; Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: Viễn thông tài chính, ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục, đào tạo, y tế, an ninh, quốc phòng.
Đánh giá cao các ý tưởng đầu tư của Tập đoàn CMC, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tạo mọi điều kiện để CMC "đặt chân" đến Huế. Đề nghị các sở ngành liên quan hỗ trợ Tập đoàn trong việc khảo sát tìm kiếm địa điểm, tạo điều kiện về các thủ tục đăng ký kinh doanh để CMC có thể sớm triển khai dự án. (tinnhanhchungkhoan.vn 25/11)
5. Khôi phục thanh trà sau lũ
Bão lũ liên tiếp làm nhiều vùng thanh trà trên toàn tỉnh thiệt hại nặng. Chỉ riêng phường Hương Vân (Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền) đã có hơn 200 ha cây thanh trà của người dân chết hoặc ngập úng.
Dọn dẹp tàn dư
Sau nhiều trận lũ liên tiếp, bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) bị bồi lắng một lượng đất phù sa pha cát lớn, tàn dư cây trồng chết còn vương vãi cùng với rều rác. Ngay sau bão số 13, trời bắt đầu có nắng nhẹ, nước rút dần, cũng là lúc người trồng thanh trà bắt đầu dọn dẹp, chuẩn bị vụ trồng mới.
Với 20 cây thanh tra trồng ở bãi bồi Lương Quán đã cho trái bói đầu tiên, chỉ một trận nước lũ đã bị nhấn chìm. Tiếc bao công sức, những ngày sau lũ, bà Hoàng Thị Ty (TDP 10, phường Thủy Biều) cứ ra vườn trổ mương nước mong cứu cây. Nhưng lũ liên tiếp đã ngâm làm 100% cây thanh trà tại bãi bồi của bà Ty chết.
Những ngày này, tranh thủ có nắng, bà ra dọn dẹp vườn cây, cào rều rác, đắp lại mương thoát nước chuẩn bị đưa giống về trồng mới. Theo bà Ty, điều lo nhất hiện nay là bà con đang thiếu nguồn giống để tái tạo.
Hộ ông Võ Trần Tuấn Kiệt (TDP 10) cũng ra khu vực bãi bồi Lương Quán kiểm tra những cây bị ngập nhẹ, không vàng lá, nấm gốc, trước mắt dùng các biện pháp kỹ thuật phục hồi. Đối với những cây chết thì chặt bỏ, dọn cành, vệ sinh vườn để phòng chống nấm bệnh và gia cố lại mương thoát nước để xuống giống mới. Trận lụt từ tháng 10 đến nay, đã làm vườn thanh trà 4.000m2 (130 cây) của ông Kiệt bị ngâm nước lũ chết.
Quyền Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Võ Đăng Thái thông tin, Thủy Biều là địa phương có diện tích trồng thanh trà nhiều nhất TP. Huế với tổng diện tích khoảng 150 ha, trong đó có 147ha đã cho quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Đợt lũ ngày 9/10, do ngâm nước lâu nên trên 10 ha thanh trà dưới 5 tuổi trồng ở khu vực bãi bồi Lương Quán bị ngập, chết. Người dân rất cần nguồn giống tái tạo.
Gần 500 ha bị thiệt hại
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đợt bão lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay làm gần 500 ha cây trồng thanh trà bị thiệt hại. Trong đó, diện tích bị chết hoàn toàn khoảng 200 ha, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 5 tuổi. Sau lũ, cũng xuất hiện nhiều loại bệnh trên cây thanh trà như bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ với diện tích nhiễm khoảng 500 ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 40-50% tập trung ở Phong Thu, Hương Vân, TP. Huế.
Khôi phục sản xuất
Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều thông tin, hiện nay đối với những diện tích cây thanh trà sống sót qua lũ, chính quyền phối hợp với HTX NN Thủy Biều hướng dẫn kỹ thuật trước mắt cho người dân phục hồi vườn cây; đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây, phân bón để giúp người dân tái sản xuất sau lũ.
Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn nguồn giống bởi hiện tại giống cây thanh trà dùng trồng mới sau lũ đang thiếu do nông dân từ trước đến nay chỉ sử dụng nguồn giống từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế, không nhập giống từ ngoại tỉnh.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết, sau lũ, chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật về phối hợp với địa phương, HTX trên địa bàn có những hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân cứu vườn cây, khôi phục sản xuất sau lũ.
Theo đó, đối với cây ăn quả (cam, bưởi, thanh trà…) cần cắt tỉa cành, cây bị gãy đổ, xử lý vết gãy đổ bằng vaseline để hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm. Chống đỡ các cây bị đổ ngã, vun gốc để cây phục hồi phát triển. Khơi thông rãnh thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ trong vườn cây khi mưa lớn, xới xáo nhẹ, phá váng lớp đất bề mặt và tăng cường bón phân chuồng hoai mục khi trời nắng để tăng khả năng phục hồi cho cây sau lũ.
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người trồng có thể kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan. Đối với diện tích trồng mới, trồng dặm lại cây chết sau lũ lụt người trồng nên chú ý sử dụng nguồn giống có nguồn gốc ràng, đắp mô cao và trồng đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Sau khi phục hồi, trồng mới vườn cây, người trồng cần tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời. (baothuathienhue.vn 24/11)
6. Cách tiếp cận với chương trình vay vốn khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Cách tiếp cận với chương trình vay vốn khôi phục sản xuất sau mưa lũ. (Video baothuathienhue.vn 24/11)