Theo đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, do khác biệt về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu nên thu hoạch lúa tại A Lưới thường chậm hơn 20 - 25 ngày so với vùng đồng bằng. Giai đoạn hiện nay, các địa phương trong huyện đã thu hoạch khoảng 400 ha, còn khoảng 600ha lúa đang chín chờ thu hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá, vụ năm nay khá được mùa, đạt khoảng 57 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
Kiểm tra trực tiếp tại các cánh đồng lúa thuộc xã A Ngo (huyện A Lưới), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị chính quyền địa phương và người dân tập trung cao độ, bám sát vùng ruộng để thu hoạch, không để ảnh hưởng đến các diện tích lúa đã chín; ngành Nông nghiệp huyện cần có phương án, hướng dẫn người dân sẵn sàng thu hoạch khi lúa chín. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, mùa mưa bão đang đến gần, các đơn vị cần huy động lực lượng, lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó, tránh thiệt hại cho người dân; đồng thời, chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền người dân tuyệt đối không được đốt rơm rạ trên đồng, tránh gây ô nhiễm môi trường…
Cánh đồng lúa đang vào thời kỳ chín, gần thu hoạch của các xã có diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện A Lưới
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cho năm học mới tại Trường tiểu học A Ngo. Sau khi nghe báo cáo về kế hoạch tổ chức năm học mới, kế hoạch khai giảng của lãnh đạo nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị ngành giáo dục và các trường phải có phương án vừa đảm bảo không khí khai giảng nhưng vừa phải chú ý an toàn phòng, chống dịch.
"Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến đáng lo, nên tổ chức khai giảng phù hợp, giữ khoảng cách, chú ý các biện pháp phòng dịch cho cả giáo viên, học sinh (như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn)…". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.