(CTTĐT) - Chuyển đổi số, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện. Nhằm từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thanh toán liền mạch và tối ưu
Mới đây, tại Chợ Đông Ba, UBND tỉnh đã lựa chọn tổ chức ra mắt và phát động chương trình thúc đẩy thanh toán số với Hue – S. Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được chọn để triển khai thanh toán số trên Hue-S, qua đó phát đi thông điệp mạnh mẽ đến mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện chuyển đổi sang các phương tiện thanh toán hiện đại, nhiều tiện ích, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Bắt đầu từ tháng 10/2022 đến nay, các tiểu thương và người mua sắm tại chợ Đông Ba đã được đội ngũ nhân viên hướng dẫn trực tiếp cách đăng ký mở điểm chấp nhận thanh toán hoàn toàn miễn phí qua ví điện tử trên Hue-S và dùng chức năng này để thanh toán các loại phí khi mua sắm tại chợ. Đồng thời, tiểu thương được trang bị miễn phí các vật phẩm phù hợp có QR-Code để dùng cho việc thanh toán liền mạch trên Hue - S. Theo đó sau khi đã hoàn thành việc cài đặt trên điện thoại, mỗi quầy hàng sẽ được cấp một mã QR. Khách hàng khi mua chỉ cần quét mã và thanh toán trên điện thoại.
Với việc triển khai thanh toán số tại chợ Đông Ba, nhiều tiểu thương đã chấp nhận thanh toán bằng hình thức số qua ví điện tử trên Hue-S. Thông qua Hue-S, các tiểu thương và người mua hàng có thể thanh toán nhanh và sử dụng nhiều tiện ích: Thanh toán qua số điện thoại, thanh toán bằng mã QR, chuyển khoản; thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản ví điện tử trên Hue-S như tiền điện, nước, Internet, nạp tiền điện thoại; thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau.
Một tiểu thương tại Chợ Đông Ba, cho biết: “Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của Hue – S rất tiện lợi. Khách hàng có thể thoải mái đi chợ không ngại mang theo tiền vì có thể bị đánh rơi, tính toán tiền thừa,... Chỉ với 1 chiếc điện thoại, khách hàng và tiểu thương có thể thoải mái giao dịch không tiền mặt tại chợ. Với ứng dụng này, tôi có thể thoải mái chuyển tiền cho các nơi bỏ hàng hóa cho tôi bán một cách an toàn và tiện lợi”.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết một trong những thách thức trong thúc đẩy thanh toán số là kỹ năng và khả năng tiếp cận của người dân. Hiện nay, hệ thống các ngân hàng điện tử, ví điện tử hình thành rất nhiều; ngoài các tiện ích mang lại thì nó cũng tạo ra những bất cập cho mọi người trong việc phải sử dụng các loại hình khác nhau. Từ đó hình thành nhiều vấn đề như: Sử dụng nhiều tài khoản; phải nhớ và thực hiện nhiều thao tác giao dịch; đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thông tin cá nhân.
“Vì vậy, để sử dụng một ví điện tử thống nhất có thể liên kết giúp khắc phục các hạn chế, bất cập và tránh tạo ra rủi ro cho bà con, việc tích hợp ví điện tử trên Hue-S là một giải pháp liền mạch và tối ưu. Việc này hướng tới bảo vệ cho bà con và tập trung chỉ cần duy nhất một ứng dụng nhằm thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ trong liên kết ứng dụng”. ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Ví điện tử Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch, kết nối với 40 ngân hàng, cho phép người dùng thực hiện nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán nhiều loại hóa đơn dịch vụ tiện ích ngay trên nền tảng Hue-S mà không cần chuyển tiếp qua bất cứ ứng dụng trung gian khác. Đặc biệt, tính năng quét mã QR trên Hue-S đã được hợp nhất với tính năng thanh toán, cho phép người dùng có thể quét QR để mua sắm tại hơn 150.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Với phương châm may đo giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, Ví điện tử được “nhúng” ngay trên Hue-S, một ứng dụng được người dân Thừa Thiên Huế sử dụng hàng ngày. Với ví điện tử Hue-S, người dân trên địa bàn có thể dễ dàng đăng ký mở tài khoản và sử dụng dễ dàng. Người sử dụng có thể chuyển tiền vào ví hoặc sử dụng thẻ ATM của 40 ngân hàng nội địa và quốc tế để thanh toán, mua sắm một cách dễ dàng với ứng dụng Hue-S.
Bắt đầu khai thác từ cuối tháng 8, đội ngũ kỹ thuật viên của Sở Thông tin và Truyền thông Huế cùng công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) đã hoàn tất quá trình tích hợp vào cuối tháng 9 và bắt đầu giới thiệu dịch vụ tới bà con, tiểu thương ở Huế. Sau 3 tuần triển khai, đến nay số tài khoản ví điện tử được kích hoạt trên Hue-S đã đạt được trên 20.000 tài khoản.
Thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số toàn diện trên các ngành, lĩnh vực; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách để hỗ trợ, thu hút các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào quá trình triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Một số đơn vị đã bước đầu tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ này như một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị trong bối cảnh mới.
Hiện nay, nhiều ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử, ngân hàng điện tử… cũng phát triển mạnh mẽ, bên cạnh cung cấp các tiện ích thì cũng đem lại cho người dân một số khó khăn như phải sử dụng nhiều ứng dụng, nhiều tài khoản, gây rắc rối và nguy cơ rủi ro trong việc bảo mật an toàn thông tin cá nhân.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ví điện tử Hue-S ra đời nhằm mục tiêu phục vụ, bảo vệ thông tin cho người dân; tập trung nhiều dịch vụ trên một ứng dụng nhằm thúc đẩy chuyển đổi thống nhất về nhận thức trong xã hội. Áp dụng giải pháp thanh toán số trên nền tảng Hue-S có một ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, ban ngành liên quan tiếp cận các dịch vụ, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên Ví điện tử Hue-S. Hy vọng rằng với giải pháp này, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên toàn tỉnh sẽ quan tâm, tích cực triển khai đăng ký và sử dụng ví điện tử Hue-S. Đồng thời, nghiên cứu thêm nhiều giải pháp thanh toán tích hợp lên Hue-S như thanh toán học phí, thanh toán viện phí, nộp phạt trực tuyến, nộp thuế, phí, lệ phí… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.