Người mẫu ảo có thể trở thành những nhân vật có ảnh hưởng, không khác nào một influencer đích thực. Họ cũng có thể tham gia quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng, có thể tham gia các show diễn thời trang trên khắp thế giới. Nhưng khác với người mẫu thật, người mẫu ảo có vẻ đẹp, ngoại hình không tì vết, không scan-dal, không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác và họ không bị giới hạn bởi không gian, thời gian để có thể tham gia các show diễn khắp nơi trên thế giới. Thế giới đã có và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế, E.M Ơi – người mẫu ảo Việt Nam đầu tiên.
Vài năm gần đây, các hãng công nghệ đồ họa đang xâm chiếm thị trường thời trang bằng cách tạo ra hàng loạt người mẫu ảo phục vụ các nhãn hàng nổi tiếng. Người mẫu ảo là những nhân vật được tạo ra nhờ công nghệ CGI nhưng có lối sống thời thượng và tầm ảnh hưởng rộng lớn chẳng khác nào một influencer (người có ảnh hưởng) đích thực. Công ty quản lý sẽ lên kế hoạch xây dựng tên tuổi nhân vật của mình để kiếm hợp đồng quảng cáo từ các nhà tạo mốt và thương hiệu đình đám. Mạng xã hội Instagram trở thành nơi quy tụ nhiều gương mặt ảo với lượt theo dõi khủng, cạnh tranh công khai với người mẫu thật.
Các chuyên gia lý giải sức hút của người mẫu ảo đến từ ngoại hình hoàn hảo không tì vết, không bị tuổi tác ảnh hưởng, đời tư sạch sẽ và luôn nằm trong sự kiểm soát của các thương hiệu. Thế nhưng, người mẫu ảo cũng đem đến ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi truyền tải những vẻ đẹp nằm ngoài tầm với.
Một phút trước đang ở miền nam nước Pháp dự show diễn Thu-Đông của Jacquemus, năm phút sau lại có mặt tại Spanish Steps góp mặt trong show diễn của Valentino. Điều bất ngờ là, không có bóng dáng của một e-kíp hùng hậu cùng khối vali lỉnh kỉnh, mà chỉ có một người check-in đúng giờ, đúng địa điểm và đem về doanh số triệu đô la. Đó chính là lợi thế của một “người mẫu ảo”. Trước cả khi khái niệm Metaverse phổ biến, sự bùng nổ của công nghệ số đã làm nhiều nhà tạo mốt lóe lên ý tưởng về việc sở hữu ít nhất một mô hình ảo.
Việt Nam cũng xuất hiện người mẫu ảo đầu tiên – E.M ƠI. Cô nàng là đứa con tinh thần của Ogilvy T&A và Colory – một studio chuyên về đồ họa 3D và hoạt hình. Trên trang cá nhân với hơn 7000 người theo dõi, E.M thường xuyên cập nhật cuộc sống thường nhật với phong cách thời trang năng động. Không những thế, cô nàng còn bước đầu dấn thân vào giới thời trang qua màn hợp tác với các thương hiệu để có mặt trong bộ sưu tập “Back To The Future”.
Người mẫu ảo đầu tiên tại Việt Nam – E.M Ơi. (Ảnh: Ogilvy T&A)
E.M được định hướng trở thành một AI influencer, với tư duy và "bộ não" riêng để có thể tự học dữ liệu mới.
Theo trao đổi của chị Hiền, giám đốc sáng tạo và anh Giao — quản lý dự án tại Ogilvy T&A: Colory thực hiện phần hình và Ogilvy T&A đảm nhận phần nội dung. Hai bên thực hiện E.M như một cuộc thử nghiệm nhỏ, bởi trí thông minh nhân tạo vẫn còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều dự án lớn. Dung mạo của E.M không lấy từ một cá nhân cụ thể nào, mà sử dụng dữ liệu để tạo ra kết quả sau cùng. Từng điểm dữ liệu là hình ảnh của một bạn nữ Việt Nam thật, từ đó tạo ra rất nhiều bản mẫu khác nhau. Hiện E.M vẫn còn là một virtual influencer (người có ảnh hưởng trên môi trường ảo) với nội dung biên soạn bởi nhóm viết nội dung quảng cáo. Nhưng chúng mình định hướng E.M trở thành một AI influencer, có tư duy và "bộ não" riêng để có thể tự học dữ liệu mới và trong tương lai E.M sẽ có thêm giọng nói bằng cách giả lập một giọng nói thật hoặc phát triển một giọng nói riêng.