Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu của Việt Nam đang hướng tới. Xu thế này là lựa chọn khách quan khi toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh.
Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn, thách thức trong biến đổi khí hậu đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; đồng thời là động lực để thúc đẩy phát triển. Hơn lúc nào hết, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững.
Về định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế; trong đó tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như phát triển công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm… Hiện nay, tỉnh đang hỗ trợ cho Nhà máy Kanglongda tại Khu Công nghiệp Phong Điền xử lý nước tuần hoàn không thải ra môi trường,...
Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Hằng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện như: Tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom,…
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tăng trưởng xanh như: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế; dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các Đô thị Xanh)”. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch”; phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”;...
Thành phố Huế
Tăng cường các dịch vụ thiết yếu được cung cấp cho người dân
Về thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số nhằm mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2021, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển các dự án về công nghệ thông tin như kêu gọi đầu tư vào chuỗi công viên phần mềm Quang Trung ở khu đô thị An Vân Dương, xây dựng mới trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh với mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực công nghệ thông tin cho giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung số hóa dữ liệu toàn tỉnh phục vụ chỉ đạo điều hành ra quyết định của lãnh đạo thông qua hệ thống thông tin báo cáo, phân tích KTXH. Tái cấu trúc quy trình, ứng dụng trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý văn bản và điều hành công việc...
Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn; chuyển đổi số cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất, kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Tăng cường các dịch vụ thiết yếu được cung cấp cho người dân qua hình thức các dịch vụ đô thị thông minh; Công bố triển khai các nền tảng gồm: Hue-S; Học bạ điện tử; hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng du lịch thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt; Số hóa và chứng thực điện tử dữ liệu hộ tịch, căn cước công dân... Hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, chuyển đổi giải pháp điện toán đám mây cho hạ tầng hạ tầng dùng chung của tỉnh. Nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác ứng dụng CNTT chuyển đổi số trên nền tảng hạ tầng đảm bảo. Đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức; đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân; đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình học.