Tìm kiếm tin tức
Bộ Nội vụ ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0
Ngày cập nhật 20/01/2022
Nhằm kịp thời đáp ứng với thực tiễn phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam và tuân thủ các quy định mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các định hướng, mục tiêu, chương trình hành động, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Nội vụ giai đoạn 2020 - 2022 và 2023 - 2025, ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 892/QĐ-BNV ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 trên cơ sở cập nhật, bổ sung, phát triển từ Kiến trúc CPĐT của Bộ Nội vụ, phiên bản 1.0.
 
 
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn

Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 là tài liệu mô tả chi tiết các thành phần CPĐT của Bộ Nội vụ, thể hiện việc tham chiếu, kết nối các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin và các thành phần khác, tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam 2.0. Là công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

Sơ đồ giao tiếp ứng dụng

Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng CPĐT tại Bộ Nội vụ; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho công chức, viên chức, công dân, tổ chức; phát triển CPĐT của ngành, hướng tới ngành Nội vụ số, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Đối với lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 cung cấp tầm nhìn tổng thể về quá trình chuyển đổi, ứng dụng CNTT trong Bộ, những lợi ích và khả năng, tính khả thi trong việc cải thiện năng lực quản lý nhà nước, tiềm năng và vai trò của Bộ đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khác và với xã hội. Cung cấp định hướng và kết quả đạt được trong tương lai khi triển khai CPĐT cho Bộ, khả năng tối ưu hóa nguồn lực, tài nguyên và nhận diện các giải pháp cải thiện về các vấn đề hạn chế trong quản lý nhà nước và điều hành bộ máy. Bảo đảm tính bền vững của ứng dụng CNTT, tài nguyên thông tin, dữ liệu, từ đó phục vụ sự phát triển bền vững của Bộ, ngành. 

Đối với bộ phận xử lý nghiệp vụ chuyên ngành, Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 cung cấp định hướng và khả năng ứng dụng CNTT nhằm cải cách nghiệp vụ, tăng hiệu quả công việc. 

Đối với bộ phận lập kế hoạch ứng dụng CNTT, Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 giúp xác định lộ trình tối ưu trong việc lập kết hoạch triển khai ứng dụng CNTT, tối ưu hóa nguồn lực đầu tư; tránh việc đầu tư chồng chéo, trùng lặp các (hệ thống thông tin) HTTT/ cơ sở dữ liệu (CSDL) và xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm khi lập kế hoạch và đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. 

Đối với các chủ đầu tư dự án ứng dụng CNTT, Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 giúp xác định rõ mối quan hệ, các vấn đề liên quan trong các dự án đầu tư để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả. Đơn giản hóa trong một số tác vụ triển khai ứng dụng CNTT do đã có các chỉ dẫn, yêu cầu từ kiến trúc. 

Đối với việc triển khai ứng dụng CNTT, Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 cung cấp các thiết kế sơ bộ tổng thể, các tài nguyên có sẵn, khả dụng cho việc xây dựng các HTTT; đồng thời, chỉ dẫn các tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ áp dụng, đảm bảo sự thống nhất và tương thích giữa các HTTT trong các dự án khác nhau.

Giai đoạn 2020 – 2022: Rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy 

Giai đoạn này, Bộ Nội vụ sẽ ban hành các văn bản liên quan đến tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, định danh điện tử, công tác văn thư, lưu trữ điện tử. Kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. 

Đảm bảo năng lực, chất lượng hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu. 

 

 
Sơ đồ liên thông nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính

 

 

Đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử. 

Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 50% Cổng Dịch vụ công cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, tổ chức; thực hiện công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% Cổng Thông tin điện tử công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến. 

Đảm bảo 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi với các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 

Đặc biệt, rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử; đồng thời, kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 

Giai đoạn 2023 – 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

 
Giai đoạn này, Bộ Nội vụ tiếp tục phát triển các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; nghiên cứu, phát triển các giải pháp kết nối với các hệ thống thông tin của các nước trong khu vực ASEAN cũng như một số nước trên thế giới theo quy định, thông lệ quốc tế. 

Đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử. 

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tối thiểu 90% ngưởi dân và tổ chức hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 

Đảm bảo 60% các hệ thống thông tin có liên quan đến người dân, tổ chức đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. 

Hoàn thành 100% các ứng dụng/ CSDL/ các dịch vụ dùng chung trong ngành Nội vụ; được kết nối liên thông phục vụ xây dựng các HTTT, CSDL trong ngành Nội vụ theo Kiến trúc CPĐT Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0. Hoàn thành nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các HTTT, CSDL trong ngành Nội vụ; đảm bảo kết nối trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương hoặc thông qua nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. 

Tiếp tục triển khai xây dựng các CSDL quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ; các HTTT, CSDL chuyên ngành. Triển khai xây dựng kho dữ liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ, sử dụng các công nghệ BigData, AI để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo.

Các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hạ tầng kỹ thuật, các HTTT, các nội dung thông tin số trên không gian mạng của ngành Nội vụ. 

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách phục vụ xây dựng, vận hành, kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, an toàn an ninh thông tin cho các HTTT/ CSDL trong ngành Nội vụ. Hoàn thành 100% các quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu các CSDL chuyên ngành; 100% các quy định về kết nối, tích hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu; 100% các HTTT được triển khai có quy định về quy chế vận hành, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, dữ liệu.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin tổ chức tuyên truyên, phổ biến và hướng dẫn triển khai, tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và đánh giá mức độ triển khai, tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ bảo đảm đúng mục tiêu, nội dung đã ban hành.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tuân thủ triển khai ứng dụng CNTT theo Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả các nhiệm vụ được giao về Trung tâm Thông tin để tổng hợp trình Bộ trưởng./.

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.509.978
Truy cập hiện tại 4.141