Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025 dù mới được tổ chức lần đầu nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, cách triển khai bài bản, Hội thi đã tạo ra được sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia tích cực trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) toàn tỉnh. Thông qua hội thi giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội hiểu rõ hơn kiến thức về CCHC, từ đó phục vụ ngày càng tốt hơn những nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Triển khai bài bản, sâu rộng
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và các văn bản chỉ đạo khác liên quan, ngày 5/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về tổ chức hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025 trong cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ban Tổ chức đã giao cho các cơ quan chuyên môn theo dõi các lĩnh vực công tác CCHC gồm: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm với số lượng 80 câu hỏi về các các chỉ thị, Nghị quyết, quyết định, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về cải cách hành chính còn hiệu lực; tiến hành rà soát, thẩm định nội dung bộ câu hỏi và đáp án trước khi triển khai thi đảm bảo tính chính xác, nghiêm túc, khách quan.
Phó Giám đốc sở Nội vụ Trần Minh Long cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi, Sở Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức để triển khai các nội dung nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Theo nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức đã quyết định ban hành thể lệ, thành lập Ban Giám khảo, Tổ chuyên viên giúp việc và xây dựng, thẩm định Bộ câu hỏi trắc nghiệm, đáp án phục vụ Hội thi; xây dựng phần mềm, cung cấp tài liệu tham khảo, kết nối đường link trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn, đôn đốc của Ban Tổ chức Hội thi, các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí đã có các hình thức triển khai, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Hội thi đến toàn thể CBCCVC và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết nối đường link Hội thi trên Cổng thông tin điện tử tỉnh
Đây là lần đầu tiên, tỉnh tổ chức một Hội thi CCHC bằng hình thức trực tuyến nhằm phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng và các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về CCHC; phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền đến Nhân dân trong tỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC để người dân biết và giám sát việc thực hiện của cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước.
Giúp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt hơn công tác CCHC
Khác với hình thức thi trực tiếp, hội thi trực tuyến lần này được tổ chức hoàn toàn trên môi trường mạng. Đây là một hình thức mới để gắn việc nâng cao hiểu biết cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác CCHC với khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, tiết kiệm được thời gian, công sức của mọi người trong việc nghiên cứu tài liệu cũng như khi tham gia thi. Cán bộ, công chức, viên chức có thể tranh thủ nghiên cứu tài liệu ngoài giờ làm việc và tham gia thi mọi lúc bằng nhiều phương tiện khác nhau như máy tính để bàn, máy tính xách tay, Ipad, điện thoại thông minh… Điều này mang lại nhiều thuận tiện cho người thi, đặc biệt là tránh việc tụ tập đông người để hạn chế tiếp xúc khi diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thông qua Hội thi lần này, lãnh đạo tỉnh mong muốn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là dịp để cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC, hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh trong công tác CCHC là “lấy người dân làm Trung tâm, Doanh nghiệp làm Động lực, Nhà nước Kiến tạo”. Để làm được điều này, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật và tận tâm trong công cuộc CCHC, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân.
Hội thi thu hút sự tham gia tích cực trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh
“Thông qua hội thi, mỗi cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội hiểu rõ hơn kiến thức về CCHC. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện công tác CCHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, xây dựng cơ quan ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ hành chính công”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của công tác CCHC, hướng tới xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) xếp thứ 08/63 tỉnh/thành (tăng 9 bậc), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng đầu cả nước (tăng 9 bậc); Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 cả nước về; Chỉ số ICT xếp thứ 02 cả nước (02 năm liên tiếp); xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh đã triển khai hóa đơn điện tử, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với sản phẩm “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” tiếp tục được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam và được công nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2022.
|