Tìm kiếm tin tức
Cơ hội vươn tầm cho thành phố Huế mở rộng
Ngày cập nhật 14/02/2022
Thành phố Huế tiếp tục tạo bứt phá trong năm 2022
Thành phố Huế tiếp tục tạo bứt phá trong năm 2022
Cùng với việc thực hiện “mục tiêu kép” thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thành phố Huế quyết tâm triển khai các nhiệm vụ để xây dựng thành phố đến năm 2025 không có ma túy, trộm cướp, trẻ em thất học; có con người sống văn hóa, nhân ái và thân thiện; có đô thị xanh - sạch - văn minh; có chính quyền gần gũi, tôn trọng Nhân dân; có kinh tế phát triển đột phá trên nền tảng kết hợp giá trị văn hóa, di sản, tri thức và hội nhập.
 
 

Đã triển khai linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”

2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, NQ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, năm đầu triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt là năm thành phố Huế được mở rộng về địa giới hành chính theo NQ 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo điều hành với những giải pháp quyết liệt vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển KT-XH, thực hiện đạt và vượt 8/13 chỉ tiêu. Trong đó, nổi bật là thu ngân sách đạt 143% so với dự toán; hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 158 triệu USD (kể cả xuất khẩu tại chỗ)... Thành phố tích cực rà soát, xây dựng phương án sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tạo sinh kế cho người dân; tiếp tục thực hiện Kế hoạch “Tuyến phố văn minh thương mại”; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn góp phần hoàn thành kế hoạch trong năm và của cả nhiệm kỳ.

Trong năm, thành phố đã kịp thời triển khai các kế hoạch nhằm chủ động, linh hoạt, an toàn ứng phó có hiệu quả với phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển KT-XH, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19... đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, do diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp, đã làm ảnh hưởng một phần đến sự phát triển KT-XH và đời sống của Nhân dân, các chỉ tiêu về doanh thu du lịch, thu nhập bình quân đầu người, số lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm... chưa đạt. Việc thu hút vốn đầu tư và giải ngân còn gặp khó khăn; tiến độ và phương án thi công một số công trình chưa đảm bảo.

 

Hạ tầng khang trang, hiện đại ở khu dân cư Bắc Hương Sơ - thành phố Huế phục vụ tái định cư cho người dân trong "cuộc di dân lịch sử"

Hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế

Xác định mạng lưới hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật là huyết mạch để phát triển KT-XH, năm 2021, thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoàn thiện các DA hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, trong đó tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị theo hướng biển; quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực thành phố Huế mở rộng.

Trong năm, đã triển khai nhiều dự án (DA) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 200 tỷ đồng, như: chỉnh trang các công viên (Dã Viên, An Hoà, 23/8...), các tuyến đường xung quanh Đại Nội, đầu tư nâng cấp các tuyến đường dọc hai bờ sông Hương… Ngoài ra, đã triển khai 61 danh mục công trình, DA, trong đó có 19 công trình, DA hoàn thành, chuyển tiếp; 41 công trình, DA khởi công mới, trong đó có các DA trọng điểm mới như Cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân; chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo; bến xe Đông Ba phục vụ du lịch, dịch vụ về đêm... Tập trung xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Từ ngày 1/7/2021, thành phố mở rộng từ 27 lên 36 phường, xã với rất nhiều công việc phải làm. Nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa đô thị hiện hữu và các khu vực mới sáp nhập, thành phố tập nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các phường, xã mới sáp nhập, như: hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thu gom rác, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trên tinh thần vừa đảm bảo nguồn lực, vừa đảm bảo chọn được DA tốt, có định hướng ưu tiên rõ ràng, khả thi và hiệu quả. Để hoàn thiện hạ tầng đô thị ở các xã, phường mới sáp nhập và tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nhu cầu đầu tư và nguồn vốn, đến nay, có 2 DA đang triển khai và 11 DA chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 57 tỷ đồng.

Thích ứng an toàn, phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục khôi phục, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..., đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hoàn thiện chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; mở rộng quan hệ đối ngoại...

Trong đó, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến phát triển KT-XH. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 từ 4.000 - 4.200 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%, thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hằng năm từ 12 - 13%...

Tập trung thực hiện 6 chương trình và 8 DA trọng điểm, như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cấp 3 xã Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng thành 3 phường; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; di dời các hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế...  Các DA trọng điểm, như: nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội, chỉnh trang 2 bờ sông Hương, tuyến đường dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa, DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; các DA chỉnh trang đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực thành phố Huế mở rộng...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục đầu tư cho hạ tầng đô thị

Tạo đột phá trong phát triển KT-XH, năm 2022, thành phố tập trung phát triển kinh tế gắn với du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển theo các lĩnh vực kinh tế đêm gắn với ngày, kinh tế biển - đầm phá, kinh tế nông nghiệp; thực hiện hiệu quả Đề án Phố đêm Hoàng thành. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp sạch, đổi mới thiết bị công nghệ để sản xuất hàng hóa có sản phẩm chủ lực, chất lượng...

Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; cải thiện môi trường nước thành phố; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải, tưới nước rửa đường trên địa bàn. Thực hiện tốt NQ 05 của Thành ủy về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn văn hóa Huế với phát triển du lịch.

Trước những thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng Huế xứng đáng là Thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc; trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực và cả nước, xứng tầm đô thị hạt nhân là động lực phát triển, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị. Đưa Huế ngày càng phát triển toàn diện, bình yên, sang trọng và văn minh...

 
 
 
 
 
 
https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.518.820
Truy cập hiện tại 54