Tìm kiếm tin tức
Bảo vệ di sản văn hóa từ góc nhìn bình đẳng giới
Ngày cập nhật 11/11/2021
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Đó là chủ đề của Hội nghị - Hội thảo vừa được Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức vào ngày 9/11/2021 dưới hình thức trực tuyến tại Hà Nội và kết nối đến điểm cầu Thừa Thiên Huế với sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và các phòng chuyên môn; đại diện Ban Tuyên giáo; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Sở LĐ,TB&XH; Trung tâm BTDTCĐ Huế.
 
 

Hội nghị – Hội thảo “Bảo vệ di sản văn hóa từ góc nhìn bình đẳng giới” nhằm chia sẻ những nhận thức mới về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu nói riêng, di sản văn hóa nói chung;  Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và khích lệ sự tham gia của phụ nữ trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; Tăng cường sự kết nối trong mạng lưới khu vực về các hoạt động bảo vệ, tiếp cận di sản tư liệu theo đúng tinh thần của UNESCO và Chương trình Ký ức thế giới (MOW).

Hội thảo đã đánh giá về thực trạng quản lý, đặc biệt là công tác nhận diện, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng; Công tác bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị của các di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Chương trình Ký ức thế giới) sau khi được ghi danh; Chia sẻ về vai trò của phụ nữ cùng những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu nói riêng và di sản văn hóa nói chung.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ở Thừa Thiên Huế. Qua đó nêu lên thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ở Thừa Thiên Huế trong thời gian qua; một số bài học kinh nghiệm và kiến nghị nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ở Thừa Thiên Huế.

Năm bài học kinh nghiệm mà TS. Phan Thanh Hải nêu lên tại Hội thảo đó là: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hợp tác làm nổi bật giá trị, sự đa dạng của di sản tư liệu và đưa những giá trị đó đến cộng đồng; Thứ hai, dựng phim, phóng sự giới thiệu, quảng bá về giá trị độc đáo của di sản tư liệu trên truyền hình; Thứ ba, tổ chức trưng bày, triển lãm hệ thống di sản tư liệu; Thứ tư, tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm về di sản tư liệu; Thứ năm, tổ chức sử dụng và giới thiệu di sản tư liệu tại các lễ hội, các cuộc hội nghị, hội thảo... và phục vụ phát triển du lịch.

Người đứng đầu ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh thêm: Kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu phù hợp không chỉ giúp chúng ta giữ gìn được giá trị di sản độc đáo này mà còn đưa được di sản đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời, di sản tư liệu sau khi được UNESCO vinh danh, đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiệm vụ sắp tới của Ngành Văn hóa không chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị mà còn phải khai thác tốt, phù hợp và có hiệu quả các di sản tư liệu của Cố đô Huế thông qua sự phối hợp chung tay tham gia của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và toàn thể cộng đồng, góp phần “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa Huế nói chung và di sản tư liệu nói riêng chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Cố đô Huế.

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.524.191
Truy cập hiện tại 87