Thời gian gần đây, một số địa phương trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Theo cơ quan chuyên môn, đây là bệnh mới ở gia súc, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch vào thời điểm này đang rất cấp thiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh huyện Quảng Điền đã tiến hành rà soát tổng đàn trâu bò, dê đây là những đối tượng mắc bệnh viêm da nổi cục ở các tỉnh phía Bắc. Qua quá trình rà soát thống kê, hiện nay huyện Quảng Điền có tổng đàn gia súc 4.612 con, trong đó trâu bò 4.507 con, đàn dê 105 con. Xác định là loại bệnh nguy hiểm, trước tình trạng bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở xã Quảng Vinh và Quảng Phú với số lượng 12 con bò sinh sản và có lan rộng khi các chủ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện. Trước tình hình như vậy UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như đẩy mạnh phun tiêu độc khử trùng, bên cạnh đó biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế việc chăn thả rong, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại. Theo ông Phan Đình Tuyến – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trung tâm đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai tiêm vắc xin LMLM type O, A cho đàn trâu bò hơn liều 4.507, trong đó đã tiêm 2.100 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò. Bên cạnh đó định kỳ hàng tháng, hàng quý, Trung tâm tổ chức họp giao ban với các thú y viên để báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cho đội ngũ thú y viên phối hợp với UBND các xã tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ theo quy trình nuôi.
Chăn nuôi là tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế của người dân vùng nông nghiệp vì vậy trong thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn và phân bổ các loại vắc xin, hóa chất cho các địa phương tiêm phòng và khử trùng tiêu độc theo kế hoạch chung của tỉnh và huyện để tạo điều kiện cho người dân yên tâm chăn nuôi phát triển kinh tế.