Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 05/11/2020
Ngày cập nhật 05/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận 'thủy điện ảnh hưởng chức năng phòng chống lũ bão'

Chiều 4/11, giải trình trước Quốc hội về vấn đề thuỷ điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão.

ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) phản ánh: Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Ý kiến khác lại cho rằng, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án thủy điện có công suất nhỏ vì vừa thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận rất lớn.

“Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình trung, khi họ phá rừng, cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước”, bà Dung cho hay.

Bà Dung cũng cho biết, bình quân các nhà máy điện loại nhỏ cứ 1 MW sẽ tiêu tốn 1 đến 10 hecta rừng. Ví dụ, dự án vào Rào Trăng 3, công suất 11 MW chiếm mất 11 hecta rừng. Dự án Rào Trăng 4 có công suất 14 MW chiếm mất 168 hecta rừng bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Rõ ràng, khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung như phát biểu của Thủ tướng tại phiên thảo luận tổ là phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế phá rừng.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện có 429 đập và công trình thủy điện, trữ nước 56 tỷ m3, công suất 20.000 MW, chiếm 37% là nguồn năng lượng quan trọng. Thủy điện đóng góp nguồn điện, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có vai trò tích nước để cắt giảm và điều tiết lũ. Song cũng có những tác động tiêu cực của thủy điện về môi trường, đất, nước, khí hậu, đời sống dân sinh.

“Cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Trần Tuấn Anh, từ năm 2016, tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất của dự án đã giảm, quy định là không vượt quá 10 ha/1 MW nhưng thực tế chiếm dụng chỉ 1,9 ha/1 MW. Bên cạnh đó, đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa; 8 dự án thủy điện bậc thang. Ngoài ra, 213 dự án tiềm năng cũng được đưa ra khỏi quy hoạch.

Về vận hành thủy điện và an toàn hồ đập, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện có nhiều quy định pháp lý liên quan điều chỉnh hoạt động thủy điện gắn bảo vệ phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập, phân cấp và phân rõ trách nhiệm, quy trình. Dù vậy cũng không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập. Như thủy điện Hố Hô năm 2016 xả lũ vượt quá mức về hồ, lực lượng chức năng đã xử lý kiên quyết, thu giấy phép hoạt động và phạt.

Một lần nữa, không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, địa chất có tác động của con người thông qua dự án thủy điện và dự án khác, song ông Trần Tuấn Anh đề nghị, trước diễn biến dị thường của thời tiết, cần ứng phó, đưa ra cảnh báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Đồng thời, tiếp thu để tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. (daidoanket.vn 04/11)

 
 
 

2.  Sạt lở đất là “kẻ thù” nguy hiểm và rất khó dự báo

Liên tiếp trong thời gian qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra các vụ sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra sạt lở đất? Có thể dự báo được sạt lở đất hay không? Làm thế nào để phòng, tránh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất?

6 vụ sạt lở đất trong 1 tháng

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, liên tiếp xảy ra 6 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền Trung làm 95 người chết và mất tích. Đầu tiên là vụ sạt lở đất tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) ngày 12-10, khiến cho 17 công nhân chết và mất tích. Chỉ một ngày sau đó, xảy ra sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 chôn vùi 13 quân nhân và cán bộ địa phương.

Khi việc tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất ở Thừa Thiên Huế còn chưa xong, ngày 18-10, một vụ sạt lở đất kinh hoàng khác tiếp tục xảy ra tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 tử vong.

Chỉ 1 ngày sau, ngày 19-10, hiện tượng lún sụt, sạt lở ở khu vực xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình khiến cả Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo bị nứt, nghiêng, sập. Mọi người còn chưa hết bàng hoàng thì ngày 27-10 liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất tại Quảng Nam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến cho 47 người chết và mất tích.

Một điểm dễ nhận thấy là các vụ sạt lở đất thường diễn ra bất ngờ và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có một điểm chung là tất cả các khu vực xảy ra sạt lở đều có địa hình dốc lại vừa trải qua đợt mưa lũ lớn với lượng mưa từ 2 đến 3,5m bằng lượng mưa của cả một năm. Trong lịch sử, năm 1964 tại Quảng Nam cũng đã xảy ra vụ sạt lở cả cánh rừng nguyên sinh.

Phân tích về nguyên nhân xảy ra các vụ sạt lở đất nói trên, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân chính do là miền Trung có cấu tạo địa chất bất lợi. Đây là khu vực đồi núi cao, dốc vừa trải qua một thời gian dài khô hạn, kết cấu đất yếu sau đó lại hứng chịu một đợt mưa lớn, dồn dập.

Về địa chất, khu vực này có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét, trong điều kiện mưa lâu ngày, nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, kéo lực trượt xuống phía dưới. Cùng với đó, các hoạt động của con người như mở đường, san ủi đồi núi để làm nhà ở, trường học… cắt mất chân sườn dốc là một trong những nguyên nhân tác động khiến cho đất đá bị sạt lở.

Ông Thành cho biết thêm, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có vùng địa lý núi cao, sườn dốc, mưa tập trung thường xuyên xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay cả Nhật Bản có công nghệ cảnh báo sạt lở đất rất hiện đại nhưng năm 2017 cũng xảy ra sạt lở đất kinh hoàng ngoài dự báo.

Vấn đề đặt ra là làm sao cảnh báo sớm được cho người dân để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất. Ông Thành cho biết việc dự báo sạt lở đất rất khó và cần phải có nghiên cứu rất toàn diện. Trước hết cần có nghiên cứu về địa mạo, địa chất mới mới đưa ra được cảnh báo nguy cơ trên diện rộng. Cùng với đó, cần phải nghiên cứu các yếu tố dân sinh khác cộng với quan trắc lượng mưa mới ra được các điểm có nguy cơ sạt lở để xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho một khu vực là huyện, tỉnh, tuy nhiên việc cảnh báo chính xác khu vực nhỏ là rất khó.

Hiện nay, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất đối với các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ với tỉ lệ 1/ 50.000. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện, hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Việc tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, nơi tập trung cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn. "Chúng ta đã cảnh báo đến huyện rồi, bây giờ sẽ cố gắng cảnh báo đến xã", ông Thành nhấn mạnh.

Cần có lực lượng ứng phó mang tính chuyên nghiệp hơn

Bàn về biện pháp phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, ông Thành cho rằng, hiện nay, có thể dựa trên lượng mưa để có thể đưa ra cảnh báo về sạt lở đất. Các địa phương, cơ quan quản lý cần dựa trên bản đồ này để nhận biết khu vực nguy cơ sạt trượt cao, không bố trí định cư, định canh. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần lập vùng an toàn để khi có thiên tai thì dễ dàng sơ tán dân. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cần đặt mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn lên đầu, trồng rừng ở những nơi thường trượt lở đất đá.

Thực tế, công tác cứu hộ, cứu nạn các vụ sạt lở đất vừa qua cho thấy chúng ta còn khá lúng túng. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thẳng thắn nhìn nhận, tính chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ sạt lở đất của Việt Nam còn rất thấp thêm vào đó, trang thiết bị chuyên dùng rất ít.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới có hàng chục công ty tư vấn chuyên thiết kế cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, những công ty này xác định được ngay khối lượng và đưa ra các giải pháp khắc phục. "Tại nhiều quốc gia họ có sẵn những nhà thầu được bố trí ở các địa phương, khi có thiệt hại do thiên tai, những nhà thầu này cứ thế đến thi công khắc phục. Do đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được diễn ra nhanh chóng", ông Hoài nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chúng ta cần hơn một lực lượng mang tính chuyên nghiệp cao hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn. Lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp với mọi địa hình và thời tiết, có như vậy chúng ta mới bảo đảm cứu hộ nhanh, an toàn và bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ. (bienphong.com.vn 04/11)

 
 
 

3.  Thừa Thiên – Huế: Yêu cầu đánh giá mức độ an toàn thủy điện Rào Trăng 3

Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm đánh mức độ an toàn đối với khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Dự án thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty Cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư. Dự án đã được Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương (nay là Cục Điện lực và năng lượng tái tạo) thẩm định, thiết kế cơ sở tại Công văn 1959/TCNL–TĐ ngày 26/7/2017 và thiết kế kỹ thuật tại Công văn 1324/ĐL-TĐ ngày 18/7/2018.

Hiện nay, dự án đã thi công hoàn thành các hạng mục chính như: Khu đấu nối, hoàn thành công tác đào móng công tác xây dựng khoảng 95%, nhà máy và trạm phân phối điện 110kW. Hoàn thành công tác đào móng, hoàn thành công tác xây dựng, tuyến năng lượng. Đã thông hầm kỹ thuật, hoàn thành gia cố vỏ hầm, lắp đặt thiết bị nhà máy, trạm phân phối điện ngoài trời. Với nhà máy, đã hoàn thành 90% công tác lắp đặt thiết bị cơ khí, 90% công tác lắp đặt thiết bị điện và thiết bị khác, trạm phân phối diện 110kW ngoài trời. Công tác lắp đặt, đấu nối đạt 95%.

Theo Sở Công Thương, từ ngày 6 - 13/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có mưa rất to trên diện rộng, với lưu lượng từ 1.500 – 2.000mm có nơi cao hơn. Do vậy, lúc 00h30, ngày 12/10 đã xảy ra vụ sạt lở núi phía sau nhà điều hành thi công công trình thủy điện Rào Trăng 3, làm sập toàn bộ nhà điều hành và đất đá trôi đến làm lấp toàn bộ láng trại khiến 17 công nhân chết và mất tích. Ngoài ra, mưa lớn đã gây sạt lở khu vực nhà máy.

Ngày 30/10, UBND tỉnh tổ chức Đoàn kiểm tra các hạng mục công trình và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3. Qua kiểm tra, đoàn nhận thấy khu vực nhà máy thuộc dự án thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ sắp đến.

Nhằm có giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước và trong mùa mưa bão năm 2020, Sở Công Thương kính đề nghị Bộ Công Thương sớm có đánh giá mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án máy thủy điện Rào Trăng 3 theo đúng quy định hiện hành.

Như Báo điện tử Xây dựng đưa tin, nhận được tin báo vào lúc 12h ngày 12/10 xảy ra sự cố sạt lở đất tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn gồm có 21 người.

Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn đã tạm nghỉ tại Trạm Quản lý và bảo vệ rừng 67. Khoảng 1h ngày 13/10, xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, còn 13 người mất tích, hiện đã được tìm thấy và tổ chức mai táng. Riêng 17 công nhân mất tích mới tìm thấy 5 nạn nhân, còn 12 nạn nhân chưa tìm thấy. Đến nay, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm. (baoxaydung.com.vn 04/11)

 
 
 

4.  Huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) thiệt hại nặng nề sau bão số 9

Bão số 9 vừa qua dù không trực tiếp đổ bộ vào Thừa Thiên Huế song nó vẫn gây nhiều thiệt hại, trong đó huyện miền núi xa xôi của tỉnh này là Nam Đông nặng nề nhất, khi hàng trăm ngôi nhà tốc mái, nhiều diện tích cao su ngã đổ...

Theo đó, bão khiến 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước xói lở, sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp.

Hơn 2.500 ha rừng trồng keo và khoảng hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại; 20 con gia súc (trâu, bò, lợn), 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt...

Trong sự buồn bã, ông Nguyễn Ngọc Thuận (76 tuổi, thôn A2, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) cho hay, bão Xangsane năm 2006 cũng đã khiến nhiều diện tích cao su trên huyện thiệt hại, sau đó gia đình ông tiếp tục trồng.

“Mười mấy năm trồng, chăm sóc, mới được thu hoạch 3 năm nay. Cả vườn cao su chuẩn bị bước vào chu kỳ cho mủ nhiều nhất, giờ bị gió bão làm gãy, bật gốc la liệt, thiệt hại 70%. Nợ nần vẫn còn đó...”, ông Thuận rầu rĩ nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước khi bão tới, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sơ tán 1.595 hộ với 5.395 nhân khẩu đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn cũng đã triển khai và thực hiện tốt phương án ứng phó, xử lý tình hình mưa, lũ, bão. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, lực lượng để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do thiên tai gây ra.

“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn huyện đã có gió giật mạnh kèm mưa to đã gây ra thiệt hại lớn cho người dân. 10 trên 10 xã, thị trấn của huyện đều có thiệt hại về nhà cửa, cây trồng các loại, trong đó Hương Phú là xã chịu thiệt hại nhiều nhất, trụ sở xã này cũng bay mái...”, ông Hồ thông tin.

Kiểm tra tình hình tại huyện Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo huyện cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.

“Huyện cần thống kê, nắm lại số liệu thiệt hại của người dân, trong đó có các loại cây trồng như cao su, keo, tràm; có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ. Đồng thời qua đây cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn”, ông Lưu chỉ đạo.

Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện miền núi này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Nam Đông cần có khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, qua đó có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Được biết, huyện miền núi còn lại của Thừa Thiên Huế trong bão số 9 cũng thiệt hại, khi có 530 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 1 nhà bị sập. Nhiều địa điểm bị sạt lở, trong đó bị sạt lở taluy dương đoạn km 76+500; nhiều vị trí khác có nguy cơ sạt lở đoạn từ km 68-km77+800. Dọc đường HCM và các tuyến đường nội thị nhiều cây xanh đổ ngã... (baotainguyenmoitruong.vn 05/11)

 
 
 

5.  Thiệt hại do thiên tai ước khoảng 17.000 tỷ đồng

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể cơ sở hạ tầng).

Báo cáo về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký vừa được gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, khóa XIV vào sáng nay.

Bản Báo cáo cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Cụ thể, đã có tới 5 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) đổ bộ vào các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử.

Trong đó, cơn bão số 9 đi vào Biển Đông sáng 26-10, gió đạt đến cấp 14, giật cấp 17; trưa ngày 28-10 đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11 - 12 giật cấp 14 - 15, thời gian lưu bão kéo dài (6 tiếng), kèm theo mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An, Quảng Nam đến Bình Định. Đây là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và đổ bộ ngay sau khi khu vực miền Trung vừa mới bị tổn thương rất nặng nề do bão và mưa lũ trước đó.

Lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi mưa trên 3.000mm; một số nơi có mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị) 3.337mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 3.446mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 3.025mm. Mưa to đã gây lũ lớn trên toàn hệ thống sông trong khu vực.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 sông đã vượt mức lũ lịch sử gồm: sông Bồ (Thừa Thiên - Huế); sông Thạch Hãn, sông Hiếu (Quảng Trị), sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thu Bồn (Quảng Nam) và 10 sông khác ở mức báo động 3 đến trên báo động 3 xấp xỉ 2m…

Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 19-10, có trên 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày. Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với trên 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2-3m.

Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ.

Vẫn theo báo cáo nêu trên, thiệt hại do bão lũ rất nặng nề: 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9: 80 người). Trên 201 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà). Về giao thông, trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).

Chính phủ khẳng định, ngoài những giải pháp đã thực hiện, thời gian tới sẽ tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện tiếp tục tập trung tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, quá trình tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn - báo cáo nêu rõ.

Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau bão, lũ, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa bị cô lập, chia cắt giao thông. Hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người bị nạn. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng quân đội, công an và đoàn thể các cấp ở địa phương.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở... đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai. Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, phân bổ nguồn lực và có các giải pháp cụ thể về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các công trình giao thông, trường học, bệnh viện, nhà chống bão lũ cho người dân. (sggp.org.vn 04/11)

 
 
 

6.  Bộ Xây dựng khảo sát điểm ngập úng, sạt lở tại Huế và Quảng Trị

Ngày 3/11, đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã đi khảo sát công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị

Tại điểm khảo sát nhà chống lũ của bà Hồ Thị Lành – ngôi nhà được hỗ trợ bởi Chính phủ Việt Nam, GCF-UNDP thông qua dự án “Tăng cường khả năng chống chịu  với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” cho thấy đã phát huy nhiều tác dụng mùa lũ vừa qua. Với diện tích xây dựng 15m2 nhưng ngôi nhà kiên cố này đã giúp chủ nhà cũng như bà con hàng xóm vượt qua cơn lũ. Bà Lành cho biết: Nhà chống lũ của bà được xây dựng từ 2018, trong thời gian mưa bão vừa qua, ngôi nhà đã giúp gia đình vượt qua mùa bão lũ, thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực thực phẩm đến đây nhờ tích trữ hộ.

Tiếp tục kiểm tra bờ kè biển Vinh Hải, “điểm nóng” về sạt lở của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm gần đây, được biết, nhiều điểm sạt nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền, uy hiếp đời sống người dân. Tháng 10/2019, tuyến đê kè chống sạt lở ở Vinh Hải được thi công với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Kè có tổng chiều dài 2,52km, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, tường chắn sóng. Công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng đến đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân sống trong các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng; qua đó giúp phát triển kinh tế địa phương cũng như chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, công trình đã thi công được 2,5km và sắp tới tiếp tục triển khai thêm 1km nữa.

Trao đổi với đoàn công tác Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Thiên Định cho biết: Vừa qua, Tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại nhưng sạt lở đất ở Rào Trăng 3 gây thiệt hại lớn, gây đau buồn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh và quân đội. Hiện tại, lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm được 5/12 người mất tích tại đây bởi khối lượng đất sạt lở lớn, khiến công việc tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn.

Thêm đó, hiện tượng sạt lở ven bờ biển diễn ra hàng năm khiến xói mòn đất, nhưng do năm nay, chiều cường khá lớn gây xói mòn nhiều hơn. Do đó, tuyến đê kè chống sạt lở ở biển Vinh Hải phát huy hiệu quả tốt trong mùa mưa bão. Nếu tiếp tục thi công tiếp toàn bộ đê chắn sóng này theo đúng thiết kế sẽ phát huy hiệu quả lớn.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng thay mặt cán bộ, công nhân viên Bộ Xây dựng chia sẻ khó khăn, thiệt hại với bà con vùng lũ. Đối với riêng Thừa Thiên Huế, thì hơn chục năm nay không lo vấn đề ngập lụt. Nhưng thiên tai bất thường, lượng mưa quá lớn trong nhiều ngày liên tiếp đã dẫn đến ngập lụt nhiều vùng và sạt trượt công trường thuỷ điện đang thi công, gây thiệt mạng về người. Không may mắn, đoàn cứu hộ khi nghỉ tại trạm kiểm lâm cũng bị thiệt mạng do sạt lở đất. Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh, thiên tai hiện nay không dễ đoán định, đặc biệt, dự báo sạt lở đất khó hơn rất nhiều so với dự gió bão. Về mặt khoa học, cũng cần nghiên cứu kỹ để có biện pháp cảnh báo, phòng chống; có các giải pháp về lựa chọn địa điểm công trình…

Thêm đó, qua khảo sát, Đoàn nhận thấy hiệu quả của mô hình nhà vượt lũ, giúp dân độc lập 4 tại chỗ được. Tuy nhiên, xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan mới như hiện nay, thì cần phải nghiên cứu sớm. Qua công tác đã kiểm tra sát các vị trí xảy ra thiên tai nghiêm trọng miền Trung của Đoàn, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục.

Chia sẻ về tình hình khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sạt trượt với đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu vào ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Võ Văn Hưng đề xuất: Trước tình hình bão, lũ, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Trị có đề xuất, là tại những vùng ngập lụt, các công trình đầu tư công như trụ sở, trường học, trạm xá… nên xây cao tầng để sử dụng đồng thời là nơi tránh trú cho dân khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, về quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan chuyên môn khi làm quy hoạch cần chú trọng hơn nữa những nghiên cứu về sạt lở đất.

Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng sạt trượt, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia ông Nguyễn Thành Hưng cho biết: Hai đối tượng chịu tác động từ công tác quy hoạch và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai đó là: các công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và các khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng. Khảo sát những ngày qua, chúng tôi thấy rằng, công trình xây dựng tồn tại chục năm khi gặp thiên tai dị thường không thể lường trước được.

Công tác quy hoạch cần rà soát lại trên diện rộng, nhất là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Ở khu vực mới, cần khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng với tiêu chí phòng chống an toàn trước thiên tai bất thường như sạt lở đất. Trước đây, chúng ta đã đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc. Giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng. Mặc dù có thể kéo dài thời gian và chi phí nhưng việc đảm bảo tính mạng con người là quan trọng nhất.

“Tôi cho rằng công tác lựa chọn đất đai và địa điểm xây dựng cần được thực hiện thận trọng hơn nữa. Việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực đô thị mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn”- Ông Nguyễn Thành Hưng phân tích.

Qua chuyến khảo sát, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và đoàn công tác nhận định, các công trình đường xá dọc đường Trường Sơn Đông đã hình từ hàng chục năm nay, lẽ ra địa chất phải ổn định. Nhưng gần đây lại liên tục xuất hiện các điểm sạt trượt và tụ thuỷ. Đây là vấn đề địa chất cần chú ý. Việc lựa chọn đánh giá địa điểm xây dựng khu dân cư, doanh trại, Bộ Quốc phòng nên giao cơ quan chuyên môn lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch xây dựng chung của địa phương. Ngoài việc đảm bảo các yếu tố an ninh quốc phòng thì vấn đề sạt lở đất hết sức lưu tâm. Bộ Quốc Phòng nên có hướng dẫn về tiêu chí, vấn đề lựa chọn khảo sát chi tiết…đồng thời, đưa ra suất đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý: Khi làm nhà hay công trình, phải cần tránh làm gần khe tụ thuỷ, nghiên cứu xây dựng kè chặn dòng chảy đối với các công trình lớn, đông dân cư; quan tâm hơn đến bản đồ dự báo khu vực sạt lở và cần đưa vào hồ sơ quy hoạch xây dựng. Bộ Xây dựng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ đơn vị Bộ Quốc Phòng trong công tác chuyên môn.

Nhân dịp này, Đoàn cũng trao tặng 1 tỷ đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bão lụt tỉnh Quảng Trị và 100 triệu đồng chia sẻ khó khăn với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337.  (baotainguyenmoitruong.vn 04/11)

 
 
 

7.  Nhiều điểm neo đậu tàu thuyền ở Thừa Thiên Huế xuống cấp

Mặc dù mùa mưa bão đã đến với dự báo nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nhiều ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn khi nhiều điểm neo đậu tàu thuyền đã xuống cấp, bồi lắng, tự phát.

Gặp khó vì âu thuyền xuống cấp, bồi lắng

Phú Vang là huyện trọng điểm về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện trên địa bàn huyện có tổng số tàu thuyền đánh bắt có máy 1.156 chiếc, tổng công suất 112.485CV; trong đó tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên gần 300 chiếc, vì vậy nhu cầu neo đậu, tránh trú bão rất lớn. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện nhiều âu thuyền đã bị xuống cấp trầm trọng khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc đưa tàu thuyền tránh trú mỗi khi có mưa bão đến.

Tương tự, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang là nơi nghề biển đã mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân có nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn, năm 2000 âu thuyền Phú Thuận được xây dựng với nguồn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, công suất đậu đỗ khoảng 30-40 tàu. Năm 2003, trận bão lớn đã đánh sập hệ thống cầu cảng ở âu thuyền này khiến việc vận chuyển ngư lưới cụ, đi lại của ngư dân ra âu thuyền rất khó khăn.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, hiện ngư dân xã biển hết sức khó khăn khi âu thuyền trên địa bàn đã xuống cấp. Bên cạnh đó, âu thuyền đang bị bồi lắng nghiêm trọng, chỉ dung chứa được những tàu nhỏ ra vào, những tàu lớn khi gặp mưa bão phải “di tản” đi các địa phương khác.

Cùng tình trạng trên là âu thuyền Phú Hải được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí trên 40 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền của 3 xã và thị trấn của huyện Phú Vang (công suất dưới 400CV). Thế  nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, khu vực neo đậu, tránh trú bão này liên tục bị bồi lắng, công suất chứa đã “lạc hậu” gây khó khăn cho hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các địa phương đến tránh trú bão, đặc biệt trong đó có tàu sắt công suất lớn.

Bố trí 300 tỷ đồng nâng cấp, chỉnh trị luồng lạch

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, đơn vị đã và đang bố trí 300 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án nâng cấp, xây dựng Cảng cá Thuận An, dự án sửa chữa nâng cấp khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Phú Thuận và Phú Hải, đầu tư khu neo đậu ở vùng vịnh Hải Dương (thị xã Hương Trà) và nạo vét, chỉnh trị luồng lạch kết hợp đầu tư cảng cá ở Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).

Trong đó, dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) được triển khai xây dựng từ năm 2014, chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Công trình sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tiện lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300 CV).

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Cảng cá Thừa Thiên - Huế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão. Chi cục Thuỷ sản phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, xã vùng đầm phá ven biển kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, số lượng thuyền viên đi biển, ngư trường hoạt động, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế đảm bảo thông tin liên lạc giữa đất liền và ngoài khơi.

Được biết, hiện toàn Thừa Thiên - Huế có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển (trong đó có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ). Trên địa bàn tỉnh đã đóng mới 40 tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV, ngoài ra còn có hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Các điểm tránh trú hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão nhưng nhiều điểm xuống cấp hạ tầng, bồi lắng luồng lạch là một trong những khó khăn với ngư dân địa phương. (baophapluat.vn 05/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Kết nối yêu thương trong giông bão

Những ngày qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã sát cánh cùng chính quyền và nhân dân miền Trung kiên cường vượt qua khó khăn chống chọi với bão lũ. Ở những khu vực có địa hình phức tạp và xung yếu, nơi hiểm nguy, các anh đều có mặt kịp thời bảo toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Dầm mưa, lội nước cứu dân

Đoàn công tác của BĐBP Quảng Trị có mặt tại TP Đông Hà trong đêm 17/10, đêm những tiếng kêu cứu từ những nóc nhà bị ngập vọng lên cấp thiết. Trời vẫn mưa, nước liên tục dâng cao.

Đông Hà hôm ấy giữa bốn bề là nước. Trung tá Nguyễn Đức Trung (Trợ lý Công binh, Phòng Tham mưu BĐBP Quảng Trị) cùng nhiều đồng đội dầm mưa, lội nước cõng người già và trẻ em đến nơi an toàn trong suốt đêm 17/10 cho tới rạng sáng 18/10. Tại các huyện ven biển như Hải Lăng, Triệu Phong, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng có mặt kịp thời để hỗ trợ nhân dân sơ tán người và tài sản về trụ sở UBND xã hoặc đồn biên phòng. “Tuy có mệt do phải đội mưa, phải ăn mỳ tôm cầm hơi nhưng thấy nhân dân được an toàn là chúng tôi… hết mệt”, anh Trung nói.

Sáng 18/10, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ BĐBP lại nhận lệnh tiếp tục lên biên giới Hướng Hóa để phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ người dân. Hành trang vẫn là cuốc, xẻng, lương khô, mỳ tôm sống… Mưa tầm tã, khu vực Hướng Lập, Hướng Phùng và Hướng Việt (Hướng Hóa) tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi các ngọn đồi đất đỏ sũng nước, có thể xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở. Các anh phải cắt cử người cảnh giới tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời báo động cho mọi người. Số còn lại tập trung cõng từng người dân bị nạn, dìu những cụ già đau yếu và bế trẻ em vượt qua những rãnh nứt đang xé toạc mặt đất, đưa đến điểm an toàn.

Sau khi hàng ngàn người dân được sơ tán lên các đồn biên phòng, lương thực, thực phẩm của đồn có bao nhiêu lại dồn hết cho dân cứu đói. Từ 5 giờ sáng cho đến tối mịt, những căn bếp biên phòng luôn đỏ lửa phục vụ người dân trong cơn hoạn nạn. Khu vực nào nước rút, các anh lại tỏa về tranh thủ giúp dân dựng lại vách nhà, lợp lại tấm tôn, dọn dẹp bùn đất, rác thải các lớp học, trạm y tế…

Không để đồng đội chịu đau thêm

Chỉ chưa đầy một tháng, Phân đội chó cứu hộ, cứu nạn của Cụm 4 - Trường Trung cấp 24 BĐBP, liên tục làm việc tại các hiện trường sạt lở nghiêm trọng, đã vùi lấp hàng chục người. Trên những chiếc xe tải thùng, các chú chó phải hành quân xuyên đêm, từ nơi đơn vị đứng chân là Đakrong (Quảng Trị) đi Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) rồi quay về Hướng Hóa (Quảng Trị); vài ngày sau đi Trà My (Quảng Nam) rồi lại ngược về Rào Trăng.

Tham gia cứu hộ các chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quảng Trị) bị vùi lấp, BĐBP cùng những chú chó nghiệp vụ cẩn trọng dò dẫm, sục sâu trong bùn nhão và đất đồi đỏ quạch. Khi những chú chó nghiệp vụ xác định được dấu vết nghi ngờ, các chiến sĩ công binh phải bỏ lại xẻng, cuốc, chỉ dùng dao nhỏ và tay không để đào bới, vớt từng lượt bùn đất để tìm người. Chạm vào thi thể đầu tiên của đồng đội khi bàn tay đã trầy xước đến ứa máu, trung tá Nguyễn Đức Trung (Trợ lý Công binh, Phòng Tham mưu BĐBP Quảng Trị) rưng rưng nói: “Các anh ấy đã chịu đau đớn và lạnh lẽo suốt nhiều giờ đồng hồ, không thể để các anh chịu đau thêm một chút nào nữa. Chúng tôi dù có phải chịu tổn thương nhiều hơn nữa cũng vẫn sẵn sàng…”.

Những ngày qua, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, luôn có mặt tại những địa bàn nguy hiểm để trực tiếp chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho người dân và đồng đội. “Nhận lệnh từ cấp trên, BĐBP Quảng Trị ngay lập tức thành lập Ban chỉ huy tiền phương và cử cán bộ, chiến sĩ khẩn trương cơ động đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ tại các huyện Hướng Hóa, Đăk Rong, Triệu Phong, Hải Lăng. Nhiều đồng chí đã bị thương nhẹ hoặc xây xát khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt, trong ba ngày liền, chúng tôi đã cử hàng chục cán bộ chiến sĩ có sức khỏe, thông thạo đi rừng để gùi gạo, thuốc men, thực phẩm lên cho hai xã Hướng Lập và Hướng Việt bị chia cắt”, đại tá Lê Văn Phương cho biết thêm.

 Việc chồng thêm việc

  Khi các nhà hảo tâm cả nước hướng về đồng bào miền Trung, các chiến sĩ biên phòng việc lại chồng thêm việc. Có những đồn biên phòng một ngày đón tiếp hàng chục đoàn từ thiện. Đêm đến chỉ huy đồn mới có thời gian gặp gỡ, thống nhất với chính quyền địa phương về đối tượng nhận quà; cán bộ chiến sĩ hỗ trợ đóng gói, phân chia hàng hóa. Sau đó các anh tổ chức cho bà con nhận quà tại đồn hoặc chở quà và các nhà hảo tâm vào các điểm bị chia cắt để trao tặng trực tiếp. Có những đoạn đường không thể đi được, những dòng suối không thể qua, các anh lại làm tời kéo đưa hàng cứu trợ kịp thời cứu đói người dân.( tienphong.vn 05/11)

 
 
 

2.  Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Sau khi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng công bố rộng rãi, đã có nhiều ý kiến góp ý của cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. Đa số các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung của dự thảo văn kiện.

Nội dung dự thảo các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, công phu

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, trong số 156 lượt tham gia đóng góp ý kiến, tất cả các ý kiến tham gia thảo luận, góp ý đều xác định tốt tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng. Các cán bộ, đảng viên đã đầu tư thời gian, trí tuệ, nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để góp ý vào các dự thảo của Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Hầu hết, các ý kiến đều cơ bản nhất trí và cho rằng nội dung dự thảo các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, cô đọng, súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu; vừa có sự kế thừa của các nhiệm kỳ trước vừa có những bổ sung mới từ tổng hợp thực tiễn.

 Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến đều nhất trí với nhận định, đánh giá tổng quát, đó là: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Văn kiện đã nêu bật kết quả phát triển kinh tế-xã hội; công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng. Đồng thời, đề cập đến thành tựu trong công tác xây dựng Đảng, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch bộ máy của Đảng, tạo được lòng tin trong Nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội.

Về phần hạn chế, một số ý kiến đề nghị bổ sung nền kinh tế có chiều hướng phát triển tốt nhưng chưa vững chắc. Trên một số ngành, một số lĩnh vực, năng lực sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, chậm hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về giáo dục và đào tạo còn quá nhiều bất cập. Nhất là vấn nạn chạy theo thành tích, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Việc giải quyết đầu ra sau đào tạo còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hầu hết ý kiến nhất trí với nội dung trong dự thảo. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá của các thế lực thù địch”.

Đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp

Về Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hầu hết ý kiến nhất trí cao với những nhận định, đánh giá và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến đều cho rằng, báo cáo đã đánh giá, nhận định đầy đủ và sát, đúng tình hình. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và nổi bật như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Về củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp như: “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc”. Bởi vì trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản khác đều xác định giải pháp đó là đầu tiên để tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, nhưng trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này không đề cập, do vậy cần bổ sung để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ giữa các văn kiện về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đóng góp vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, hầu hết ý kiến nhất trí với những nhận định, đánh giá trong dự thảo báo cáo. Một số ý kiến tham gia đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 7%/năm, đề nghị điều chỉnh giảm xuống 6,5% - 7%/năm. Vì xuất phát từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước đều chịu sự tác động mạnh của dịch bệnh, xung đột cũng như sự cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt của các nước lớn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta… (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
 

3.  Đổ lỗi phải khách quan

Thiên tai lũ lụt là điều không ai mong muốn, nhưng qua đợt mưa lũ lịch sử gây tổn thất nặng nề cho các tỉnh miền Trung vừa qua, một số ý kiến vội vàng đổ tại cho sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, suy diễn này không khách quan, việc bình luận, quy chụp không chỉ mang tính chủ quan, mà còn thiếu trong sáng.

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, chiếm 40% công suất và 37% điện năng của hệ thống điện. Các hồ chứa thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, có đến 520 tỷ m3 nước từ các sông, suối từ bên ngoài lãnh thổ chuyển vào nước ta, nếu không có các hồ thủy điện, hàng trăm tỷ m3 nước sẽ trôi ra biển một cách hết sức lãng phí.

Xét về mặt hiệu quả vận hành, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện. Đồng thời, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải hơn các nguồn điện của các nhà máy nhiệt điện hoặc điện mặt trời, điện gió.

Mặt khác, các hồ thủy điện đã làm tốt chức năng phân lũ, chặn đứng được những cơn lũ thường xuyên xảy ra trên địa bàn cả nước. Thực tế, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, hồ thủy điện Quảng Trị cắt được 296m3 trên lưu lượng nước 1.400m3/s; Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552m3/s; Thủy điện Đắk Mi 4 cắt được 2.353m3/s trên lưu lượng đổ về 3.149m3/s; Thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam đã cắt được 50% lũ trên lưu lượng nước 17.000m3/s đổ về...

Bộ Công thương khẳng định, quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Nếu không có các hồ thủy điện cắt lũ, giảm dần lượng nước, tổn hại do mưa lũ gây ra còn lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy, sau trận mưa bão lịch sử ở miền Trung, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu thủy điện có gây thêm lũ lụt, sạt lở đất?

Nhiều nhà khoa học chỉ ra, khi mưa lớn thì thủy điện phải xả lũ nhưng lượng xả tối đa sẽ chỉ bằng lượng nước đổ về nên việc lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng là do lượng mưa quá lớn chứ không phải do thủy điện xả lũ. Đợt mưa kéo dài trong tháng 10 ở miền Trung nhiều nơi ghi nhận hơn 2.000mm là nguyên nhân chính dẫn tới lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, cả khu vực miền Trung nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy, nhiều đỉnh núi dốc, độ che phủ còn thấp, nên được xác định là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Mặt khác, khu vực này khô cạn kéo dài khi mưa xuống thì toàn bộ đất ngậm nước, không có nền tảng chắc chắn, sẽ tạo ra trượt đất, dẫn đến tổn thất bất ngờ.

Cần phải khẳng định, phát triển thủy điện nhỏ là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh chúng ta chưa đảm bảo đủ an ninh năng lượng, nhưng vấn đề cần quan tâm hiện nay là công tác quản lý đảm bảo chặt chẽ và khoa học, để phát huy tác dụng tốt thủy điện nhỏ.

Sự lo lắng, bức xúc của người dân là chính đáng khi việc phát triển thủy điện nhỏ chưa gắn liền với việc tái tạo và bảo vệ phát triển rừng, hay công tác bảo vệ môi trường, bồi hoàn trong quá trình thi công; quy trình vận hành xả lũ, thông tin trước khi thủy điện xả lũ còn nhiều bất cập...

Thiết nghĩ, để ứng phó với biến đổi cực đoan của thời tiết, Bộ Công thương cần rà soát lại tổng thể toàn bộ tất cả các thủy điện nhỏ. Nếu như báo cáo đánh giá tác động môi trường của tất cả những dự án thủy điện làm tốt, bài bản, khoa học, thì chắc chắn không xảy ra những thảm cảnh do tác động xấu của thủy điện đã gây ra. (bienphong.com.vn 04/11)

 
 
 

4.  Cứu dân là mệnh lệnh trái tim của người lính

Sau khi được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị, sức khỏe của Đại úy Lê Văn Dùy, Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị, cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang dần ổn định. Trong câu chuyện, anh nói rằng, dù biết có thể gặp nguy hiểm, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng đó là trách nhiệm của người lính, của cán bộ địa phương đối với nhân dân. 

Sau khi bị thương trong quá trình tìm kiếm người dân mất tích, phải hơn 1 tuần chờ đợi, khi thời tiết thuận lợi hơn, Đại úy Lê Văn Dùy cùng đồng đội của mình mới được máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đưa đi chữa trị. Trải qua cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế để chữa những vết thương trên cơ thể, sức khỏe của Đại úy Lê Văn Dùy đã dần ổn định. Khi đã bình tâm, anh kể lại câu chuyện mình gặp nạn trong quá trình tìm kiếm, cứu hộ người dân địa phương.

Những ngày giữa tháng 10, trên địa bàn xã Hướng Việt có mưa to kéo dài liên tiếp, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất lớn. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Đại úy Lê Văn Dùy cùng cán bộ địa phương phải chia nhau về từng bản đôn đốc bà con di dời khỏi những vị trí nguy hiểm, đến nơi an toàn.

15 giờ 30 phút ngày 17-10, chính quyền địa phương xã Hướng Việt nhận được nguồn tin có 7 người dân trong một gia đình bị mất tích khi đi tuốt lúa trên rẫy. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, một tổ công tác gồm đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã; Đại úy Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; Đại úy Trương Văn Thắng, Trưởng Công an xã và 4 cán bộ khác của xã Hướng Việt đã đội mưa, cắt rừng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích.

Khu vực làm nương rẫy của người dân địa phương cách xa khu dân cư, phải đến chiều tối cùng ngày, tổ công tác của chính quyền xã Hướng Việt mới đến khu vực nghi người dân bị mất tích. Khi họ vừa đặt những bước chân đầu tiên lên ngọn đồi trước mặt thì bỗng dưng đất đá ầm ầm đổ xuống. Dù mọi người đã hô hào nhau cố sức chạy, nhưng vẫn không thể kịp. Đại úy Dùy bị đất đá xô về phía rào chắn ven đường, trên đầu vẫn đội chiếc mũ bảo hiểm và bị vùi lấp, anh ngất đi trong chốc lát. Mấy phút sau, anh may mắn tỉnh dậy, dùng hết sức còn lại cố ngoi lên, để thoát ra khỏi bùn đất.

“Khi tỉnh lại, mình biết chân đã bị gãy, đau buốt xương nhưng vẫn cố gắng thoát ra khỏi lớp bùn đất ngập gần đến cổ. Bởi nếu không cố gắng thì đợt sạt lở tiếp theo, mình sẽ không còn cơ hội sống nữa” - Đại úy Lê Văn Dùy chia sẻ.

Một tay cố tìm cành cây để đẩy cơ thể thoát khỏi bùn đất, tay còn lại kéo theo chiếc chân đã bị gãy, Đại úy Lê Văn Dùy đã lê ra được đống bùn lầy khoảng 5m, rồi kêu cứu trong màn đêm mưa rét. Rất may cho anh, một số người thoát nạn và nhân dân địa phương đã đến tiếp ứng đưa anh ra ngoài. Trong đau đớn, anh vẫn cố định hình để chỉ cho mọi người biết vị trí đồng chí Hồ Văn Sinh và Trương Văn Thắng bị vùi lấp. Trên cơ sở đó, mọi người đã khẩn trương moi đất đá, cứu được đồng chí Hồ Văn Sinh đưa ra ngoài trong tình trạng bị thương rất nặng, còn Đại úy Trương Văn Thắng bị quá nhiều vết thương do đất, đá vùi lấp nên không qua khỏi. Sau đó, Đại úy Lê Văn Dùy và đồng chí Hồ Văn Sinh đã được đưa về Trạm y tế xã Hướng Việt để cấp cứu. Trời vẫn tiếp tục mưa to, mọi con đường dẫn về Hướng Việt đều bị sạt lở đất chia cắt, thông tin liên lạc cũng bị tê liệt, 2 cán bộ bị thương nặng không thể chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên để cứu chữa.

Không còn cách nào khác, BĐBP Quảng Trị đã kết nối thông tin quân sự với Đồn Biên phòng Hướng Lập để đội ngũ y, bác sĩ ở thành phố Đông Hà hướng dẫn quân y, y tế cơ sở cấp cứu cho các nạn nhân, tránh những biến chứng nặng. Trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men tại biên giới còn thiếu thốn nên biện pháp được chỉ định chủ yếu vẫn là kháng viêm và giảm đau. Do đó, vết thương phần mềm của đồng chí Hồ Văn Sinh có xu hướng nặng lên, bắt đầu hoại tử. Thời điểm đó, mọi ngả đường vào trung tâm xã Hướng Việt vẫn chưa thể lưu thông, phương án dùng trực thăng để đưa 2 cán bộ bị thương ra ngoài đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt nhưng cũng chưa thể thực hiện vì thời tiết quá xấu. Đến ngày 23-10, khi mưa ngớt, nắng lên, máy bay trực thăng mới tiếp cận được xã biên giới thả hàng cứu trợ và đưa được người bị thương ra ngoài, chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục cứu chữa.

Nghe tin chồng được chuyển vào Huế cứu chữa, chị Hoàng Thị Bông (vợ anh Dùy) đã sắp xếp việc gia đình để vào chăm sóc cho anh. Đôi mắt ngấn lệ, chị Bông chia sẻ: “Hơn mười năm làm vợ bộ đội, tôi đã quen với việc một mình gồng gánh việc gia đình. Nhưng lần này, nghe nói anh bị thương nặng khi đi cứu dân nên ruột gan tôi như có lửa đốt, điện thoại lại không liên lạc được, tôi nghĩ dại, lỡ anh có chuyện gì thì mình làm sao sống nổi”.

Biết tin anh Dùy bị thương trong quá trình đi cứu dân, nhiều người. Nén nỗi đau thể xác, Đại úy Dùy vẫn mỉm cười với mọi người và nói rằng, với trách nhiệm của người lính và cương vị của cán bộ chính quyền địa phương, anh sẽ có mặt khi nhân dân cần.

Được biết, Đại úy Lê Văn Dùy đã có 15 năm trong quân ngũ, được đào tạo rất bài bản và trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Anh mới nhận công tác tại địa bàn xã Hướng Việt từ đầu năm 2020 đến nay và luôn nhận được sự tin yêu của chính quyền, nhân dân địa phương. (bienphong.com.vn 04/11)

 
 
 

5.  Rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung

Ngày 4-11, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá khu vực miền Trung, tháng 10-2020. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Dự hội nghị còn có đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng cùng đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tại 83 điểm cầu trong toàn quân.

Báo cáo kết quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung trong tháng 10 vừa qua, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Trong tháng 10, khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng và bị thiệt hại nặng nề do các cơn bão số: 6, 7, 8, 9 và hoàn lưu bão gây mưa đặc biệt lớn dài ngày, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Do mưa lớn liên tiếp, dài ngày dẫn đến lũ dâng cao trên toàn 16 tuyến sông chính ở các tỉnh miền Trung đã gây ngập lụt trên phạm vi diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 19-10, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3 mét như huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình).

Mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất, đá tại nhiều nơi của huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thuộc địa bàn Quân khu 4; huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thuộc địa bàn Quân khu 5 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Cụ thể, đã có 234 người chết, mất tích (hiện còn mất tích 67 người). Bão và mưa, lũ cũng làm 681 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, 161.158 căn nhà khác bị hư hỏng, 383.040 căn nhà bị ngập hoàn toàn cùng hàng chục nghìn héc-ta hoa màu bị ngập hiện chưa có thống kê cụ thể.

Về công tác chỉ đạo và tổ chức ứng phó, ngay trước khi xảy ra mưa, bão, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm các chế độ trực 24/24 giờ tại Sở Chỉ huy; chủ động nắm chắc tình hình về mọi mặt, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống. Các cơ quan, đơn vị bảo đảm tốt công tác đón tiếp, bố trí nơi ăn ở cho nhân dân trong doanh trại…

Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo xuất cấp nhiều trang, thiết bị, phương tiện cho các tỉnh miền Trung thuộc địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 phục vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 32 bộ máy bơm, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 77,5 tấn lương khô, 20 xuồng cứu sinh, 200 máy phát điện, 4.750 áo phao cứu sinh và một số vật dụng dân sinh khác trị giá gần 100 tỉ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP khẳng định: Ngay sau khi co chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, bằng kinh nghiệm gắn bó và công tác lâu năm tại địa bàn rừng núi, biên giới, các đơn vị BĐBP đã chủ động rà soát, đánh giá cụ thể về địa hình, địa chất tại đơn vị để kịp thời di chuyển 35/77 vị trí đóng quân có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn. Hiện nay còn 42 vị trí, đang tổ chức canh gác 24/24 giờ, kịp thời phát hiện dấu hiệu lún, nứt, sạt trượt để nhanh chóng di chuyển, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản cho các đơn vị.

Sau bão và lũ đến nay, các đơn vị BĐBP từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã cử 164 lượt cán bộ quân y phối hợp với y tế địa phương tiến hành thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho 2.546 người dân, tổng trị giá 206 triệu đồng và tổ chức giúp dân khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở địa bàn các xã, phường biên giới, ven biển.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tốt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống Anh hùng của Quân đội. Trong khi đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đều có người thân, gia đình, vợ con ở hậu phương cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ, ngập úng gây ra; nhưng với tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm, cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong những ngày tháng 10 vừa qua, BĐBP đã điều động trên 10 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, 16 lượt chó nghiệp vụ, trên 500 lượt phương tiện trực tiếp tham gia ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, phối hợp với địa phương chằng chống, gia cố gần 2.000 căn nhà; sử dụng gần 6.000 bao cát chắn sóng tại đê, kè biển; hỗ trợ cho trên 1.800 người dân vào các đơn vị tránh, trú bão, mưa lũ đảm bảo an toàn; tặng trên 300 suất quà và gần 5 tấn gạo cùng các vật dụng, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung.

Chủ động tham mưu cho địa phương các cấp tiến hành khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng hoặc trong vùng nguy hiểm do ảnh hưởng trực tiếp của bão để kịp thời di dời gần 7.000 hộ với hơn 67.000 người dân đến nơi an toàn; cử 218 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia các lực lượng tổ chức cắm biển báo, canh gác, chốt chặn tại hàng trăm điểm sạt lở, ngầm tràn, khu vực nước chảy xiết để điều tiết giao thông, hướng dẫn nhân dân vòng tránh an toàn.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ của “đội quân công tác” và nhiệm vụ ứng phó với thiên tai tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Trong thời gian tới, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các văn bản, các thông tư, quyết định… và ban hành để hướng dẫn cụ thể, linh hoạt về các công tác như giải quyết chính sách, công tác phối hợp, bảo đảm ngân sách theo kiến nghị từ các cơ quan, đơn vị báo cáo lên, tập hợp, báo cáo kịp thời.

Đưa các nội dung huấn luyện, đào tạo vào các chỉ lệnh quân sự để trở thành pháp lệnh, thành quy định để tổ chức huấn luyện rõ chuyên trách, kiêm nhiệm nhưng phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Nghiên cứu giáo trình huấn luyện từng vùng, từng địa bàn cho phù hợp đặc thù thiên tai, mưa lũ tại khu vực đó, tránh việc huấn luyện dàn trải… không có chuyên sâu, chuyên trách. Đề nghị Tổng cục Chính trị tiếp tục nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm hiệu quả từ công tác cán bộ đến chế độ, chính sách.

Làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện tốt công tác dân vận để mọi người, mọi cấp tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Lấy phòng là chính, tạo ý thức tự giác phòng, chống cho người dân, trong đó lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị quân đội với vai trò là "đội quân công tác" phải là nòng cốt. Đồng thời biểu dương các cán bộ, phóng viên đã tham gia tuyên truyền trong đợt bão lũ vừa qua… (bienphong.com.vn 04/11)

 
 
 

6.  Tiếp tục sứ mệnh của người lính

Luôn bên dân khi thiên tai, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chia thành nhiều ngả, đến từng thôn, xóm để giúp dân khắc phục hậu quả bão, lũ.

Kịp thời

Nước lũ rút, nhiều xóm làng hiện ra với hàng trăm cây xanh gãy đổ, rác thải ùn ứ, bùn lầy dày đặc bịt kín các lối đi. Cơ sở vật chất các trường học, công trình công cộng hư hỏng nhiều do ngâm nước lâu ngày. Để kịp thời khắc phục hậu quả bão lụt, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến từng thôn, xóm để giúp dân.

Có mặt tại điểm Trường mầm non Họa Mi 1, xã Quảng Vinh từ rất sớm, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ 1, Bộ CHQS tỉnh đã cùng các giáo viên dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên trường. Lũ ngập sâu, lại ngâm nước lâu ngày nên hầu hết đồ dùng học tập, bàn ghế của các cháu đều bị bùn bám dày đặc. Thêm vào đó là cây xanh gãy đổ càng khiến cho cảnh trường trở nên tan hoang.

Người dội nước quét sân, người rửa bàn ghế, người dọn cây, rác thải…Với quyết tâm cao khắc phục hậu quả nhanh nhất nhưng công việc phải đảm bảo trọn vẹn, chỉ trong một buổi sáng, các chiến sĩ trẻ đã cơ bản trả lại khuôn viên sạch sẽ, tươm tất cho nhà trường trước khi hành quân đến địa điểm khác.

Những chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm hơn được giao nhiệm vụ lợp lại mái nhà cho các gia đình chính sách, neo đơn trong xã.  Bà Nguyễn Thị Diện (80 tuổi) ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh bộc bạch: "Do ảnh hưởng bão số 9 nên nhà tôi bị tốc mái nặng, đồ đạc ướt hết. Bão qua, các chú bộ đội kịp thời giúp lợp lại mái nhà, phơi đồ, nếu không hai ông bà già không biết phải xoay xở thế nào".

Ông Lương Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh cho biết: Trên địa bàn xã phần lớn các nhà dân đều bị ngập lụt. Vừa phải dọn nhà, vừa phải tham gia khắc phục lũ lụt ở các điểm công cộng, nhất là các trường học nên các lực lượng của địa phương rất vất vả.

May nhờ sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh nên đã giúp các hộ gia đình chính sách, neo đơn sớm ổn định cuộc sống. Các điểm trường đã được dọn dẹp tương đối để thầy và trò tiếp tục công việc dạy và học.

Để đến được xã Quảng Phú, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh phải lội bộ qua một quãng đường dài ngập nước. Các trường học trong xã đều bị ngập. Lũ rút, những bức tường bám đầy bùn đất. Những chiến sĩ trẻ tỏ ra chuyên nghiệp với công tác khắc phục lũ lụt nhanh chóng lau chùi sạch sẽ, loại bỏ hết bùn đất.

"Dọn cả ngày rất mệt, nhưng thương người dân vùng lũ nên chúng tôi ai cũng gắng sức”, Trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Tiểu đoàn Bộ binh 1 chia sẻ sau khi tham gia dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Trường THCS Quảng Phú (Quảng Điền).

 

Làm sạch đẹp nơi công cộng

Sau lụt, bão, những con đường ở TP. Huế ngổn ngang rác thải, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi nước rút, bão tan, những người lính đã kịp thời có mặt cùng tham gia dọn bùn, rác thải, trả lại cảnh quan môi trường, giúp các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn.

Còn tại xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy, một lượng lớn bèo, rác thải đã được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 xử lý, dọn dẹp sạch sẽ. Dòng chảy các con sông đi qua địa bàn xã cũng được khơi thông. Các tuyến đường liên thôn được nạo vét bùn đất, phát quang bụi rậm, dọn dẹp rác thải ứ đọng…

Thiếu tá Lê Doãn Anh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn Bộ binh 6, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để kịp thời dọn bùn khi nước rút, đơn vị đã chia lực lượng thành nhiều hướng. Khi về các địa phương, lực lượng vũ trang ưu tiên khắc phục lũ lụt ở các điểm công cộng như trường học, trạm xá và các hộ gia đình chính sách, neo đơn để đảm bảo cuộc sống người dân và học sinh sớm được đến trường trở lại. Nhiều địa phương nước còn ngập sâu như xã Quảng Thành, Quảng Lợi (Quảng Điền) đơn vị cũng sẽ bố trí lực lượng sẵn sàng tham gia dọn lũ khi nước rút để tránh ô nhiễm môi trương, dịch bệnh bùng phát vì bị ngập lụt quá lâu. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
 

7.  Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đã chỉ đạo như vậy khi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2020; công tác kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng và nhân sự từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII ngày 4/11.

13 chỉ tiêu đạt và vượt

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết HĐND huyện đã đề ra. Trong đó, các ngành thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, mạng lưới mở rộng, sản phẩm ngày càng đa dạng, kinh tế tập thể bước đầu phát triển.

Dịch vụ du lịch, lưu trú từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổng doanh thu ước đạt 2,5 tỷ đồng, giảm 9,7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 là 33 tỷ đồng. Tổng nguồn thông báo vốn năm 2020 thuộc ngân sách huyện quản lý là 85,7 tỷ đồng, đã giải ngân 37,5 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch vốn giao. Thu cân đối ngân sách 9 tháng đầu năm được 17,413/22,130 tỷ đồng, đạt 78,6%, ước thực cả năm đạt 100% theo dự toán giao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 13 điểm du lịch, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động với mức lương 2,5 - 3,5 triệu/người/tháng. Đầu năm 2020, toàn huyện có 2.538 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5%; có 1.943 hộ cận nghèo, chiếm 14,16%. Dự kiến đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 15 - 15,5% theo tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ cận nghèo 16,5% (tăng 2,34%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện A Lưới còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể bị đình trệ, tiến độ phục hồi chậm; một số dự án, công trình xây dựng cơ bản tiến độ triển khai chậm. Du lịch tuy đã được đầu tư nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa tạo được điểm nhấn thu hút khách trong và ngoài nước. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu nông sản còn nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện A Lưới tập trung phát triển rừng kinh tế, trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác bảo vệ rừng. Thúc đẩy việc chăm sóc 1.235 ha cao su nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Nhân rộng các mô hình hoa thương phẩm, rau sạch. Thực hiện tốt Đề án “Phát triển đàn bò giai đoạn 2016 - 2025”. Phát huy lợi thế nhãn hiệu tập thể đối với bò vàng A Lưới, vải Dèng, gạo Ra dư, nếp than. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới đã thành lập các Đảng bộ xã sáp nhập: Lâm Đớt (Đảng bộ xã Hương Lâm và Đảng bộ xã A Đớt), Quảng Nhâm (Đảng bộ xã Hồng Quảng và Đảng bộ xã Nhâm), Trung Sơn (Đảng bộ xã Hồng Trung và Đảng bộ xã Bắc Sơn). Đồng thời, kiện toàn cấp ủy mới theo đúng quy định đối với Đảng ủy các xã sáp nhập.

Sau đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Quyết định phân công, bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và thống nhất điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các cấp ủy đảng theo đúng phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng Chánh Văn phòng Huyện uỷ, hiện chưa bố trí được.

Trên cơ sở đề án nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các xã, thị trấn được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt, tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của các xã, thị trấn. Huyện đã kịp thời bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, và điều động công chức, viên chức lãnh đạo sau Đại hội Đảng các cấp, hoàn thành phê chuẩn bổ sung 11 chức danh chủ tịch, 13 phó Chủ tịch UBND xã.

Điều động, thuyên chuyển, biệt phái và tiếp nhận 187 cán bộ, công chức, viên chức. Sau Đại hội, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đi vào cuộc sống, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và thống nhất ban hành nhiều văn bản quan trọng.

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến đóng góp, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quốc Đoàn ghi nhận, đánh giá những nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện A Lưới trong thời gian qua; đồng thời khẳng định, sau Đại hội Đảng bộ huyện đã sắp xếp lại và dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện A Lưới cần rà soát lại những chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm để thực hiện đạt kết quả cao nhất. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ bản; khắc phục hậu quả mưa lũ. Tập trung lãnh, chỉ đạo sâu, sát việc hỗ trợ người dân bị thiệt hai do mưa lũ; xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn khẳng định, phân công từng người, từng công việc cụ thể để chủ động trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; tiếp tục sắp xếp đội ngũ cán bộ đúng theo quy định; quan tâm, chia sẻ, động viên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là ưu tiên cán bộ thôn, bản, xã biên giới; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến Văn kiện Đại hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; giám sát chặt người và phương tiện qua lại khu vực biên giới; kịp thời giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của người dân, tuyệt đối không để khiếu kiện, khiếu nại đông người. Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ.

Dịp này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn cũng đã đi kiếm tra một số công trình, dự án trọng điểm của huyện và thăm, tặng quà, động viên 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của huyện A Lưới. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Phát triển văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh

Sáng 4/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao để đánh giá hoạt động 10 tháng qua, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công tác văn hóa – thể thao thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phải tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức. Tuy vậy, Sở Văn hóa và Thể thao vẫn tranh thủ tổ chức được các giải đấu thể thao, sự kiện văn hóa vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Chỉ rõ những khó khăn trong hoạt động, đại diện các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, như: thư viện, bảo tàng, nhà hát, bố trí trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật; có chính sách thu hút nhân tài và đào tạo con người cho lĩnh vực văn hóa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao khắc phục khó khăn trong thời gian qua để tham mưu triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 54 đã xác định phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng di sản văn hóa, vì vậy, ngành văn hóa và thể thao cần xác định vai trò của mình trong thực hiện nghị quyết, đưa văn hóa trở thành động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh.

Trong công tác sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm hơn vấn đề quản lý Nhà nước về văn hóa và thể thao; tăng cường công tác giám sát, đánh giá, kiểm tra hoạt động văn hóa; khẩn trương hoàn thiện các đề án quan trọng; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ văn hóa và thể thao tại cơ sở; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Liên hoan phim Việt Nam diễn ra tại Huế trong năm 2021... (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Vì hạnh phúc người mù

Không chỉ trở thành “mái nhà chung” của người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh đã dần xóa bỏ được mặc cảm và tự ti, thắp lên ngọn lửa hạnh phúc cho hàng nghìn hội viên.

Chăm lo kinh tế

Sau những ngày bão lũ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh dịch vụ Toàn Tâm, huyện Quảng Điền được khôi phục. Thành lập vào năm 2018, nơi đây đã và đang tạo công ăn việc làm cho 22 lao động thường xuyên, trong đó có 10 lao động là người mù, 12 lao động là người khuyết tật trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tín, Phó Chủ nhiệm HTX Toàn Tâm, cho biết: “HTX chuyên sản xuất tăm tre, chổi đót, hương trầm, vòng hoa. Chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu thị hiếu, nâng cao chất lượng mẫu mã, từ đó tìm kiếm và mở rộng thị trường”.

Chỉ riêng sản phẩm nhang sạch, ngoài nhang quế, nhang trầm, thảo mộc, HTX còn đầu tư sản xuất nhang chất lượng cao. Việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh giúp HTX Toàn Tâm thu về 850 triệu mỗi năm, thu nhập của lao động có người đạt 2,2 triệu/tháng.

HTX Toàn Tâm là một trong ba HTX thuộc các cấp hội được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động, đến nay, các công ty và HTX đã góp phần tạo việc làm gần 200 người mù, người khuyết tật.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng tôi thành lập mới 2 HTX, duy trì hoạt động của Công ty TNHH 1TV Niềm Tin 17.4, các HTX, cơ sở sản xuất. Ngoài phát triển các mặt hàng truyền thống, công ty và các HTX tiếp tục khai thác các mặt hàng mới, đầu tư thiết bị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Đặc biệt, Công ty TNHH 1TV Niềm Tin 17.4 đã tiếp tục thực hiện hợp đồng, xuất khẩu 8 container hàng mành tre đan sang Pháp. Tổng doanh thu của công ty, 5 HTX, 3 cơ sở sản xuất trong 5 năm qua đạt trên 28,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động ngành nghề tiểu thủ công và dịch vụ năm 2019 đạt trên 2,7 triệu đồng/tháng, tăng 60% so với năm 2015.

Trong 5 năm qua, hội mở 29 lớp dạy nghề cho 402 học viên, phối hợp mở 1 khóa tập huấn nâng cao kỹ năng nghề xoa bóp cơ xương khớp  cho 40 học viên; tổ chức thành công 4 hội thi tay nghề với hơn 400 lượt thí sinh tham gia. Tháng 12/2019, CLB Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật được thành lập. Đây là địa chỉ giúp hội viên, người khuyết tật có cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh dịch vụ. Từ đó tiến đến thành lập Hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Mái nhà chung

Toàn tỉnh có hơn 1800 hội viên người mù, khiếm thị. Ngoài chăm lo kinh tế, Hội Người mù tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao đời sống tinh thần, giúp hội viên hòa nhập cộng đồng. Đại diện Hội Người mù tỉnh thông tin: “Nhiệm kỳ qua, hơn 1.300 cuốn tạp chí Đời mới của Hội Người mù Việt Nam, tập san của hội đến các tổ chức, đoàn thể và các hội viên. Hội đã vận động trao tặng 80 điện thoại thông minh, 300 radio, giúp hội viên xóa đói thông tin, tiếp cận công nghệ thông tin”.

Công tác đáp ứng nhu cầu học chữ của hội viên luôn được thực hiện sát sao, thiết thực. Giai đoạn 2015 - 2020, hội mở 5 lớp xóa mù và nâng cao cho hơn 70 hội viên. 3 lớp tin học, 4 lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh được vận hành tốt, cung cấp kiến thức công nghệ thông tin cho 115 cán bộ, hội viên.

Hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille, hội thi tin học dành cho người mù được tổ chức thường niên, thúc đẩy tinh thần thi đua, tạo phấn khởi học tập. 5 năm trở lại đây, đã có 5 em tốt nghiệp đại học, 11 em học trung cấp nghề, tốt nghiệp THPT, 34 em đang được nuôi dạy và học tập tại trung tâm. Đặc biệt, Nguyễn Thị Yến Anh (1 trong 4 thí sinh đại diện Hội Người mù Việt Nam tham dự Cuộc thi Kỹ năng đọc viết nhanh chữ Braille tiếng Anh Quốc tế lần thứ 2) đã được Chính phủ Úc cấp học bổng cao học ngành quản lý giáo dục.

5 năm qua, 104.009 suất quà trị giá hơn 27,1 tỷ đồng, 18 ngôi nhà tình thương đã được trao tặng cho hội viên. Ngoài sửa chữa nhà, hỗ trợ bò giống, chuồng trại, giếng, máy bơm nước, 692 lượt hội viên còn được hỗ trợ vay vốn. Hơn 9,6 tỷ đồng đã giúp nhiều hội viên có cơ hội phát triển trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh doanh nhỏ để ổn định cuộc sống.

Hiện, 10 CLB “Không có người sinh con thứ 3 trở lên” đang hoạt động tốt với hơn 200 cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Đến nay, hội đã phối hợp tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 6.000 lượt hội viên với cơ số thuốc trên 200 triệu đồng.

Nhiệm kỳ qua, với những nỗ lực không ngơi nghỉ, đời sống tinh thần và vật chất của hội viên ngày càng đảm bảo. Tỷ lệ người mù trong diện hộ nghèo đã giảm 8,2%, đời sống của hội viên ngày càng được cải thiện. Hội Người mù tỉnh đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ LĐ – TB&XH; nhiều huân chương, bằng khen của các cấp, các ngành cho các tập thể, cá nhân. (baothuathienhue.vn 05/11)

 
 
 

2.  Hơn 22.000 bộ sách giáo khoa, cuốn vở viết được gửi về miền Trung

Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ ngành giáo dục các tỉnh miền Trung đã được Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai thời gian qua, tối 4-11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục gửi một chuyến hàng hỗ trợ trị giá hơn 1 tỷ đồng về miền Trung.

Chuyến hàng lần này bao gồm 2.200 bộ sách giáo khoa mới; 200 bộ sách giáo khoa cũ; 20.000 cuốn vở viết; 12.000 bút viết; 250 bộ bàn ghế học sinh THCS-THPT; 100 bộ bàn ghế cho trẻ mầm non; 20 máy tính để bàn; cùng một số đồ dùng, đồ chơi trẻ em, truyện tranh, ba lô học sinh… với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã về miền Trung để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ngành giáo dục 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, là những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ vừa qua. Bộ đã trao tặng sách giáo khoa, bàn ghế học sinh, đồ chơi trẻ em cho ngành giáo dục 4 tỉnh, trị giá gần 10 tỷ đồng.

Vừa qua, công đoàn giáo dục Việt Nam đã có văn bản kêu gọi các đơn vị vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành; các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm quan tâm đến giáo dục cùng chung tay quyên góp hỗ trợ ngành giáo dục các tỉnh miền Trung. Sau 2 tuần triển khai, tổng kinh phí các đơn vị chuyển về công đoàn Giáo dục Việt Nam trên 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị công đoàn cơ sở đã thực hiện việc ủng hộ trực tiếp đến các tỉnh miền Trung hoặc gửi qua các kênh Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ và Đảng ủy Khối… với kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Ngoài việc tiếp nhận tiền mặt, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng bố trí điểm tiếp nhận các trang thiết bị, đồ dùng học tập từ các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi về. Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tổng hợp và vận chuyển toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng dạy học của các đơn vị và tiếp tục sử dụng kinh phí hỗ trợ mua bàn ghế, máy vi tính để gửi các trường học trong thời gian sớm nhất, giúp các thầy cô và các em học sinh ổn định việc dạy và học. (sggp.org.vn 05/11)

 
 
 

3.  “Phiên chợ 0 đồng” đồng hành cùng người lao động mùa lũ

Mô hình Phiên chợ “0 đồng” được duy trì thường xuyên và có hiệu quả là quá trình nỗ lực của tập thể cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế.

Mô hình ý nghĩa

Ngày cuối cùng của tháng 10/2020, khi hậu quả cơn bão số 9 vẫn còn hiệu hữu, những gian hàng “0 đồng” của LĐLĐ thành phố mở cửa trở lại tại trụ sở Công đoàn số 13 Lý Thường Kiệt, phường Phú Nhuận.

Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 các gian hàng “0 đồng” trở thành “địa chỉ nhân đạo” sẻ chia với đoàn viên, người lao động mỗi khi khó khăn.

Cầm trên tay giỏ hàng với đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, anh Đặng Văn Thông, đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô du lịch chia sẻ, tháng 10 vừa qua mưa bão triền miên, lại vắng khách du lịch nên thu nhập không được bao nhiêu. Cả nhà anh 4 người chủ yếu sống nhờ thu nhập của người vợ buôn bán ở chợ. Không riêng lần này, các phần quà của công đoàn đã nhiều lần giúp gia đình anh vơi bớt nỗi lo cơm áo. “Phiên chợ còn có cả sách giáo khoa và vở. Tôi tranh thủ xin vài cuốn còn thiếu cho cháu nhỏ ở nhà chứ đợt lụt vừa rồi nhà ngập nên sách vở ướt hết”, anh Thông hồ hởi khoe.

Không riêng đoàn viên các nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, phiên chợ lần này được tổ chức với hơn 600 phiếu mua hàng miễn phí chuyển đến đoàn viên, người lao động khó khăn tại các công đoàn cơ sở trực thuộc. Mỗi người sẽ nhận được gạo, mì tôm, áo quần, sách vở cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác với trị giá khoảng 400 nghìn đồng/suất.

Điểm đặc biệt của "Phiên chợ 0 đồng” chính là tinh thần sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn của đoàn viên, người lao động. Mỗi người chỉ lấy những món hàng cần thiết cho gia đình và nhường phần còn lại cho các hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng hoàn toàn không xảy ra hiện tượng chen lấn mà ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn đợi đến lượt.

Theo thông tin từ LĐLĐ TP. Huế, "Phiên chợ 0 đồng” được đơn vị tổ chức nhằm sẻ chia khó khăn với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai kéo dài thời gian qua. Tất cả hàng hóa của phiên chợ được vận động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm tài trợ, với tổng trị giá ước tính hơn 200 triệu đồng.

Gian hàng sách giáo khoa tại "Phiên chợ 0 đồng" được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm

Tiếp tục nhân rộng

"Phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bão lụt đánh dấu lần thứ 3 mô hình này được LĐLĐ thành phố triển khai. Với 2 lần trước, phiên kết hợp với ATM gạo để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID - 19.

Nổi bật là "Phiên chợ 0 đồng” diễn ra vào các ngày đầu tuần và kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 vừa qua, 1.000 phiếu nhận quà đã được LĐLĐ thành phố chuyển đến các đoàn viên, người lao động khó khăn cần giúp đỡ. Phiên chợ đã tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tiếp sức quyên góp, hỗ trợ tiền mặt và hàng hóa.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết, nguồn lực để tổ chức các "Phiên chợ 0 đồng” đều nhờ vào xã hội hóa mới có thể mở rộng phát triển và đa dạng hàng hóa hỗ trợ. Điều này đòi hỏi cán bộ công đoàn phải làm tốt vai trò “cầu nối” vận động, quyên góp và kết nối các nhà hảo tâm với hoàn cảnh khó khăn.

Việc vận động các doanh nghiệp và cá nhân chung tay hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sản xuất khó khăn không mấy dễ dàng, quan trọng nhất là phải tổ chức được các hoạt động ý nghĩa giúp đỡ đoàn viên, người lao động, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng mới có thể tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, các nhà hảo tâm.

Bà Đào Thị Mai Hường, một nhà hảo tâm thường xuyên đồng hành hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn chia sẻ, những hoạt động của Công đoàn thành phố luôn hướng đến những hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Người thật, việc thật”, chính điều đó đã tạo dựng được niềm tin với nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện.

Được biết, chỉ riêng "Phiên chợ 0 đồng” vừa qua, bà Hường đã hỗ trợ 6 tạ gạo, 140 thùng mì tôm, hơn 400 kg đường, hàng trăm chai dầu ăn và trực tiếp làm tình nguyện viên tận tay chuyển các phần hàng hóa hỗ trợ đến tay người lao động.

 Về định hướng phát triển của mô hình "Phiên chợ 0 đồng”, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế Hoàng Thị Như Thanh cho biết: “Thời gian tới, Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức quyên góp, vận động để duy trì các gian hàng “0 đồng”, trở thành địa chỉ tin cậy cho những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn”. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
 

4.  Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng hỗ trợ 300 triệu đồng khắc phục hậu quả bão lụt

Chiều 4/11, đoàn công tác của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng do Đại tá Trần Đăng Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty làm trưởng đoàn đến thăm và trao tiền hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả bão lụt.

Chia sẻ khó khăn với Thừa Thiên Huế, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đã trao số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng giúp người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Số tiền trên do Tổng Công ty và cán bộ công nhân viên quyên góp, trích ngày lương ủng hộ.

Thay mặt người dân tỉnh nhà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Dương Đình Luân cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng và cam kết sẽ phân bổ tiền ủng hộ đến những hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
 

5.  Tịnh xá Ngọc Túc, Ngọc Chánh tặng 350 phần quà tại Huế

Ngày 2-11, Ni sư Hiếu Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Chánh (tỉnh Đắk Lắk) cùng chư Ni và Phật tử tịnh xá Ngọc Túc, tịnh xá Ngọc Chánh đã đến một số địa phương bị ảnh hưởng bão lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và tặng quà cho người dân.

Theo đó, đoàn đã đến làng Dương Sơn (xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) - một trong những nơi ngập lụt nghiêm trọng nhất của tỉnh và đoàn đã trao tặng 150 phần quà và 500 ngàn đồng tiền mặt.

Ngoài ra, tại xã Hồng Vân, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), đoàn đã tặng 200 phần quà. Mỗi phần quà trị giá 700 ngàn đồng gồm 10kg gạo, 1 thùng mì và 500 ngàn đồng tiền mặt.

Tổng giá trị chuyến từ thiện khoảng 215 triệu đồng, từ sự đóng góp của các mạnh thường quân và bà con Phật tử tại tịnh xá. (giacngo.vn 04/11)

 
 
 

6.  Hơn 70 tỷ đồng từ TPHCM hỗ trợ bà con miền Trung

Ngày 4/11, Uỷ ban MTTQ VN TPHCM cho biết đến nay đơn vị đã tiếp nhận hàng hoá, tiền của từ các đơn vị hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua khó khăn do bão lũ. Tổng giá trị đến nay đã hơn 70 tỷ đồng.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TPHCM – Ban Cứu trợ THCM đã trích từ Quỹ Cứu trợ TPHCM số tiền gần 16 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi.

Ngoài ra, đơn vị còn trích 3,5 tỷ đồng hỗ trợ 35 gia đình các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (tỉnh Quảng Trị). Hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng xây dựng nhà cho gia đình ông Nguyễn Văn Bình (đã hy sinh), nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã hỗ trợ người dân mì gói, gạo, sữa, quần áo, thực phẩm, thuốc men, sách vở cho các em học sinh ở miền Trung với trị giá gần 7 tỷ đồng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TPHCM cho biết sẽ làm đầu mối phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thực hiện rà soát, khảo sát nhu cầu hỗ trợ, chăm lo cho người dân bị thiệt hại do bão, lũ (sửa chữa, xây dựng mới nhà ở; hỗ trợ phương tiện làm ăn; tổ chức khám chữa bệnh, đỡ đầu học tập…). Đặc biệt chú trọng chăm lo cho gia đình các chiến sĩ, người dân bị tử nạn, mất tích, thương tật trong bão lũ.

Sau khi có kết quả khảo sát, nhu cầu chăm lo và đề xuất của các tỉnh bị thiệt hại, Ủy ban MTTQ VN TPHCM sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố triển khai Kế hoạch hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai… (tienphong.vn 04/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Hơn 760 tân sinh viên Trường ĐH Khoa học bước vào năm học mới

Sáng 4/11, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 và chào đón hơn 760 tân sinh viên trúng tuyển vào khóa 44.

Năm học vừa qua, trường có 681 sinh viên được công nhận và trao bằng tốt nghiệp năm 2020, trong đó có hơn 150 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và loại giỏi.

Đến tháng 10/2020, trường đang quản lý và đào tạo 105 nghiên cứu sinh với 18 chuyên ngành tiến sĩ và 739 học viên cao học với 23 chuyên ngành thạc sĩ; đã có 17 nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 152 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Trong năm học 2019 - 2020, trường thực hiện và nghiệm thu 157 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.

Năm học 2020 - 2021, trường đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý và chuyên môn theo hướng tinh giảm bộ máy quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; Tiếp tục các công tác cho việc xây dựng, phát triển Trường ĐH Khoa học theo định hướng ĐH nghiên cứu… (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
Y TẾ
 

1.  Tặng 2.500 thẻ BHYT cho người dân vùng lũ

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân miền Trung, BHXH Việt Nam quyết định trích khoảng 2 tỷ đồng từ quỹ hoạt động tình nghĩa của ngành, để ủng hộ, tặng thẻ BHYT cho người dân tại các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

Đối tượng được tặng thẻ BHYT là những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình (nhưng chưa tham gia) tại 10 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão, lũ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum. Dự kiến tại mỗi tỉnh, thành phố sẽ có tối đa 250 thẻ BHYT được trao tặng cho người dân tại các huyện, xã bị thiệt hại nặng do bão, lũ.

Song song với hoạt động này, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân quyên góp tiền để mua thẻ BHYT tặng cho người dân bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua. (daidoanket.vn 04/11)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Nhà vô địch Tour de France và mục tiêu lớn tại Huế

Chiều 4/11, BTC Coupe de Huế thông tin, nhà vô địch Tour de France - Cadel Evans đang hướng tới mục tiêu cùng Huế trở thành trung tâm của các giải đua xe đạp đẳng cấp thế giới sau khi ký kết hợp tác với Laguna Lăng Cô để trở thành chủ nhà tổ chức Coupe de Huế 2021.

Tay đua người Úc - Cadel Evans cho biết, anh đã bị bất ngờ bởi sự chuyên nghiệp của Coupe de Huế 2019 cũng như kinh nghiệm thi đấu của các VĐV tham gia cuộc đua đường trường khắc nghiệt nhất Việt Nam nói trên.

“Từ góc độ của một tay đua, Coupe de Huế là một hành trình vô cùng độc đáo. Nếu phút trước bạn đang đạp xe trên những con đường bằng phẳng, thì ngay sau đó đã nhanh chóng băng qua những cánh đồng lúa với những đàn trâu, phút tiếp theo bạn lại đang leo lên những ngọn núi bao phủ bởi rừng rậm hoang sơ. Nó thực sự phấn khích”, Evans nói.

Coupe de Huế là một cuộc đua xe đạp đường trường 2 chặng 2 ngày, diễn ra lần đầu vào năm 2019 với chặng 1: vua leo núi Bạch Mã là cuộc đua với độ dốc trung bình 8,3% với hành trình 15,2km và chặng 2 Gran Fondo có hành trình từ 70km - 140km đi qua những nơi như tranh vẽ nằm giữa Huế và A Lưới. Trong 2 ngày thi đấu, những tay đua sẽ chinh phục đường đua với tổng chiều dài 155km và độ cao tổng cộng 3.100m.

Mặc dù cuộc đua năm 2020 bị hoãn do COVID - 19, nhưng ở năm 2021, Cadel Evans sẽ trở lại Việt Nam cũng như đồng hành cùng sự kiện này trong 3 năm tới. Với sự góp mặt của Cadel Evans trong vai trò đại sứ của Coupe de Huế, BTC đang hướng đến xây dựng Coupe de Huế trở thành điểm đến không thể bỏ qua ở Đông Nam Á xuất hiện trên lịch thi đấu của các giải đua hàng đầu trên thế giới trong kế hoạch 5 năm tới. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
 

1.  Nhiều tuyến đường nội đô xuống cấp

Những cơn bão và mưa lũ kéo dài gần đây khiến nhiều tuyến đường ở TP. Huế bong tróc, xuất hiện “ổ voi”, “ổ gà” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nguy hiểm

Vốn đã xuống cấp, lại thêm những trận lũ liên tiếp gần đây làm mặt đường trên tuyến Tăng Bạt Hổ, phường An Hòa (đoạn nối QL1A đến phía nam cầu Bạch Yến) xuất hiện ổ gà chằng chịt và nhiều điểm bị bong tróc. Dù người dân trong khu vực đã phối hợp lấy cát sỏi đắp vá tạm, nhưng mặt đường vẫn gồ ghề loang lổ.

Một người dân sống bên tuyến đường này chia sẻ, đây là tuyến giao thông thông huyết mạch, lượng người, phương tiện qua lại khá đông. Do hư hỏng, nhiều người không quen đường bị té xe.

Tuyến đường Tam Thai, phường An Tây hiện cũng loang lổ, xuất nhiều hố sâu tạo những cái bẫy cho người đi đường.

Anh Nguyễn Văn Huy, lái xe tải chở hàng vật liệu xây dựng cho biết: Đây là đoạn đường khá nguy hiểm, nhất là lúc nhập choạng tối, cánh lái xe như anh phải căng mắt để tránh ổ gà mấp mô nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho người tham gia giao thông. Sợ nhất là các anh chị có con nhỏ chở đi học mỗi sáng, lơ là một chút rất dễ té ngã.

Theo anh Huy, do đặc thù công việc, ngày nào cũng vận chuyển hàng hóa cho khách hàng nên chứng kiến nhiều tuyến đường ở TP. Huế bị xuống cấp, sạt lở hư hỏng sau mưa, như đường Tản Đà, Kim Long và một số tuyến ở KQH Hương Sơ, Kim Long...

Kinh phí sửa chữa hạn hẹp

Không riêng những tuyến đường xuống cấp nói trên, mà một số tuyến ở khu vực Thành Nội dù mới nâng cấp thảm nhựa 1-2 năm gần đây lại bị bong lóc từng mảng dài; đơn cử như tuyến đường Đoàn Thị Điểm.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, đơn vị quản lý giao thông nội đô cho biết, gần đây do mưa lũ kéo dài đã làm không ít tuyến đường hư hỏng nặng. Hiện đơn vị đã nắm tình hình và lên kế hoạch khắc phục sửa chữa thông qua nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm đã hợp đồng với Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế. Thời điểm này, thời tiết không thuận lợi, mưa liên tục nên phải chờ trời nắng ráo mới triển khai để đảm bảo chất lượng.

Kế hoạch là vậy nhưng qua tìm hiểu, hiện nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông nội đô của TP. Huế rất hạn hẹp nên giải pháp trước mắt chủ yếu là đắp vá "ổ gà", các điểm mặt đường bị bong tróc để đảm bảo an toàn giao thông.

"Về lâu dài để có tính bền vững và mỹ quan đô thị, TP. Huế đang đề xuất các cấp ngành từ Trung ương, địa phương hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa các tuyến đường đô thị một cách đồng bộ", ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế nói.

Thống kê của UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn thành phố có 49 tuyến/18km mặt đường bị bong tróc, sụt lún, sạt lở lề đường... Hệ thống đường liên phường, đường kiệt tại các phường thấp trũng, như Hương Sơ, Phú Hậu An Hòa, Thủy Biều, Kim Long... cũng rơi vào tình cảnh tương tự; hệ thống cầu, cống, kè  bị sụt lở, hư hỏng phải sửa chữa... ước tính thiệt hại hơn 85 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Phát hiện 17 nam, nữ đang phê ma túy trong nhà nghỉ

Sáng 4/11, Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phát hiện 17 nam, nữ đang phê, bay lắc tại nhà nghỉ H. đường Lê Hồng Sơn, phường Xuân Phú (TP. Huế).

Trước đó, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Công an phường Xuân Phú bất ngờ kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh nhà nghỉ H.

Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện tại phòng 301, 305, 401 của nhà nghỉ có 20 nam, nữ đang tụ tập “bay lắc”. Qua test nhanh có 17/20 đối tượng dương tính với ma túy.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm chủ nhà nghỉ và các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. (baothuathienhue.vn 04/11, kinhtenongthon.vn 04/11, baodansinh.vn 04/11)

 
 
 

2.  Chủ ‘tàu 67’ vỏ gỗ đầu tiên tại TT-Huế bị khởi tố về hành vi lừa đảo

Đối tượng Phan Văn Chinh (51 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) vừa bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chinh nguyên là Chủ tịch Chi hội Nghề cá Thuận An; từng được xem là ngư dân điển hình, người đi đầu thực hiện đầu tư “tàu 67” tại TT-Huế.

Chiều 4/11, Công an tỉnh TT-Huế thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Văn Chinh (51 tuổi, trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị bắt, Chinh từng là Chủ tịch Chi hội Nghề cá thị trấn Thuận An.

Thông tin ban đầu từ cơ quan công an, từ năm 2016 đến 2018, lợi dụng danh nghĩa Chủ tịch Chi hội Nghề cá thị trấn Thuận An, Phan Văn Chinh “lòe” với nhiều ngư dân địa phương về việc bản thân có khả năng giúp họ “xin” được vốn vay ưu đãi đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ (tàu 67), theo Nghị định 67 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản”.

Tin lời Chinh, ngư dân đã đưa tiền cho đối tượng này mà không biết mình bị lừa. Bản thân Chinh trên thực tế không có khả năng làm thủ tục hay “xin” được vốn đóng “tàu 67” như đã hứa với nhiều ngư dân ở Thuận An. 

Qua 3 năm, Chinh đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của 4 ngư dân tại địa phương, với tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Chinh dùng vào việc tiêu xài cá nhân.

Điều đáng nói, trong vài năm trở lại đây, Phan Văn Chinh trở nên nổi tiếng trên báo chí như là một điển hình ngư dân đi đầu trong việc đầu tư phương tiện đánh bắt, khai thác thủy, hải sản xa bờ.

Năm 2015, Phan Văn Chinh từng đầu tư và cho hạ thủy một chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất 700CV thực hiện theo chương trình “tàu 67”, với tổng trị giá gần 7,7 tỷ đồng. Phương tiện đánh bắt này của Phan Văn Chinh trở thành chiếc tàu cá vỏ gỗ đầu tiên tại TT-Huế đóng mới theo chương trình “tàu 67”. (tienphong.vn 04/11, baothuathienhue.vn 04/11, vietnamplus.vn 04/11)

 
 
DOANH NGHIỆP
 

1.  Tập đoàn BRG ủng hộ 2.000 suất quà đến người dân gặp khó khăn do mưa bão

Ngày 4/11, Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank đã trao 2.000 suất quà đến người dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão tại huyện Phú Vang thông qua UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

2.000 suất quà tương đương với 400 triệu đồng. Ngoài ra, dịp này, Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank cũng trao 3.000 suất quà, tương đương 600 triệu đồng đến người dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão tại Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến ghi nhận những đóng góp kịp thời của hai đơn vị trong việc giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Những phần quà này sẽ được phân bổ đến đúng đối tượng, những người dân thật sự khó khăn.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Huế, Giám đốc BRG tại tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa bão tại miền Trung được tập đoàn xác định là trách nhiệm của nhà đầu tư, nhất là đối với Thừa Thiên Huế. Đây cũng như là lời cám ơn với chính quyền và người dân trong việc đã tích cực hỗ trợ tập đoàn triển khai dự án Dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí tổng hợp và sân golf tại khi ở hai xã Vinh Thanh và Vinh Xuân, huyện Phú Vang.

Trong ngày 4/10, 2.000 suất quà đã được chuyển về huyện Phú Vang để trao đến người dân. (baothuathienhue.vn 04/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Phương án thiết kế công trình bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao (Huế): Đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh, trước khi trùng tu di tích

Đó là ý kiến của lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội thảo góp ý phương án thiết kế công trình bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao, thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, nhằm gìn giữ các yếu tố gốc, gia tăng tuổi thọ, tính bền vững công trình; phát huy giá trị di tích và đảm bảo an toàn theo Luật Di sản văn hóa.

Đàn Nam Giao nằm cách Kinh thành Huế khoảng 4km về phía nam, được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1806. Đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao Đàn, Trai Cung, Thần Trù và Thần Khố. Vào thời Nguyễn, đàn Nam Giao là nơi các vua tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hằng năm, riêng từ năm 1890 trở về sau thì cứ 3 năm cử hành một lần. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Giao triều Nguyễn là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới thời kỳ quân chủ, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đàn Nam Giao là công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng của hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là đàn tế duy nhất còn tồn tại tương đối nguyên vẹn và có quy mô lớn nhất so với các đàn tế cổ ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Di tích này thể hiện nét độc đáo mang thông điệp văn hóa, tín ngưỡng riêng của người Việt. Tuy nhiên, trải quan thời gian hơn 200 năm, đàn Nam Giao đã bị hủy hoại khá nghiêm trọng. Năm 1993, di tích này được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) quản lý. Trong các năm 1994-1996, công trình này đã được trùng tu một số hạng mục; một số hạng mục khác tiếp tục được trùng tu những năm về sau, tuy nhiên công trình vẫn chưa được bảo tồn, trùng tu hoàn chỉnh.

Cùng với những tác động của thời gian và thiên tai, đàn Nam Giao bị xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 10.2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích đàn Nam Giao, giai đoạn 1”. Dự án có tổng kinh phí gần 24 tỉ đồng do Trung tâm làm chủ đầu tư và thực hiện trong vòng 5 năm. Theo quyết định được phê duyệt trong giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung tu bổ, bảo tồn công trình Trai Cung chính điện; hệ thống tường thành, cổng, sân nền khuôn viên Trai Cung và La Thành 2 mặt Đông và Tây; thiết kế hệ thống điện chiếu sáng và tôn tạo cảnh quan sân vườn nhằm phát huy giá trị di tích…

Để có cái nhìn sâu hơn về dự án, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo góp ý về phương án thiết kế thi công công trình dự án nói trên. Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các Sở, ngành liên quan. Nhiều ý kiến nhận xét hồ sơ dự án đã được xây dựng khá công phu, mang tính khoa học và tuân thủ các quy định về Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra các góp ý tâm huyết đến Trung tâm và đơn vị tư vấn cho dự án. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT cho rằng, La Thành và cổng phía Đông do chưa phát lộ được vị trí gốc của các hạng mục này nên chưa thể đưa vào dự án tu bổ giai đoạn 1. Bình phong phía Đông của di tích vẫn còn, vì vậy nên có hạng mục tu bổ, chỉnh trang hạng mục công trình này để định vị quy mô của di tích đàn Nam Giao. “Đề nghị UBND tỉnh bổ sung dự án điều chỉnh tuyến đường Tam Thai ra ngoài khu vực di tích đàn Nam Giao để có thể đưa hạng mục tu bổ, phục hồi La Thành và cổng phía Đông vào giai đoạn 2”, ông Nguyễn Xuân Hoa góp ý.

Trước đó, Cục Di sản văn hóa (BộVHTTDL) đã có văn bản số 111/DSVH-DT gửi Trung tâm về thỏa thuận thiết kế bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1. Văn bản lưu ý, Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp thiết kế hàng rào và lối vào phía Đông (thuộc Giao đàn) di tích đàn Nam Giao; không phục hồi thích nghi tường La Thành phía Đông và cổng phía Đông theo mẫu tường vì hiện nay chưa phát lộ được vị trí gốc của các hạng mục này. Đồng thời yêu cầu Trung tâm bổ sung tư liệu củng cố cơ sở phục hồi bình phong tường thành nội và cổng hậu; bổ sung thiết kế nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích và chỉnh sửa thống nhất phương hướng tại các bản vẽ mặt bằng tổng thể.

Cũng tại hội thảo góp ý vừa qua, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến việc cần nghiên cứu thêm về bố trí nội thất tại Trai Cung, đảm bảo đầy đủ và chân xác của di tích và công năng của công trình. Chủ đầu tư cần xây dựng một dự án riêng để nghiên cứu về nội thất công trình, các hiện vật, tài liệu và phương án trưng bày, hệ thống bảng biển thuyết minh giới thiệu về công trình… nhằm tạo điều kiện khai thác, phát huy hiệu quả tốt nhất di tích đàn Nam Giao sau khi được trùng tu phục hồi. Ngoài ra, cần bổ sung phương án quy hoạch chi tiết hệ thống cảnh quan và cây xanh ở khu vực Trai Cung…

“Để hồ sơ dự án bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao đảm bảo tính khoa học, yêu cầu đơn vị tư vấn cần tiếp thu, bổ sung các nội dung góp ý của các nhà nghiên cứu để hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế thi công”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

 Trung tâm có gây khó dễ cho phóng viên?

Trong nhiều ngày qua, phóng viên Văn Hóa đã liên hệ với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để được cung cấp thêm những thông tin liên quan đến dự án “Tu bổ, bảo tồn di tích đàn Nam Giao”. Qua điện thoại, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm, kiêm Trưởng ban Quản lý dự án “hứa” sẽ cung cấp thông tin vào ngày 3.11 cho phóng viên. Tuy nhiên khi gặp, ông Tuấn không cung cấp mà chỉ giải thích rằng, hiện các nội dung liên quan về phương án thiết kế thi công công trình đang trình Sở Xây dựng thẩm định, nếu cung cấp rồi sau này Sở có điều chỉnh gì thì sẽ không chính xác.

Phóng viên cũng xin cung cấp văn bản về quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin, nhưng ông Tuấn cũng không đồng ý và cho rằng, dù là văn bản công khai nhưng muốn cung cấp thì phải đúng “quy trình”. Nội dung “quy trình” mà ông Tuấn nhắc đến là cơ quan báo chí phải có văn bản (đóng dấu đỏ) gửi đến Trung tâm để được cung cấp văn bản.( baovanhoa.vn 04/11)

 
 
 

2.  Đường đi bộ gỗ lim an toàn sau mưa lũ kéo dài

Trải qua nhiều ngày ngập trong nước cũng như phải đối mặt với dòng chảy nước lũ, đường đi bộ gỗ lim dọc theo bờ Nam sông Hương vẫn vững chắc, nguyên vẹn sau khi nước rút.

Sau nhiều ngày bị ảnh hưởng do mưa lũ, chúng tôi trở lại đường đi bộ gỗ lim dọc bờ Nam sông Hương khi dòng nước đục ngầu đã rút hẳn khỏi mặt đường lát bằng gỗ. Con đường ngay sau đó được các lao công vệ sinh môi trường dọn sạch bùn rác. Rất nhiều người cũng đã tìm ra đây để dạo bộ, tập thể dục sau những ngày con đường ngập do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài.

Điều khiến nhiều người trầm trồ là cây cầu vẫn nguyên vẹn, vững chắc và không hề có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp khi bị nước lũ ngâm chìm trong nhiều ngày qua. Đường đi bộ gỗ lim chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, đến thời điểm này gần hai năm và trở thành một trong những điểm đến ấn tượng, yêu thích của du khách và người dân. Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị khởi công, dự án này “gây bão” dư luận khi có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng bất hợp lý, bởi khu vực thực hiện dự án trên bờ Nam sông Hương thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, gây cản trở dòng chảy, gỗ lim sẽ không chịu đựng được, nhanh hư hỏng… Một số ý kiến đưa ra gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Nhưng ngay trong thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định rằng, việc chọn gỗ lim để lát mặt cầu là lựa chọn rất kỹ của cả nhà tư vấn của Hàn Quốc lẫn hội đồng phê duyệt của TP. Huế và tỉnh. Gỗ lim mới, đẹp, chịu được thời tiết ngoài trời, quan trọng hơn là chịu nước rất tốt so với các loại gỗ khác.

Việc xây dựng một công trình như thế cũng được tính toán tới việc thích ứng với thời tiết nói chung và bão lụt nói riêng. Nếu nước lũ dâng cao thì con đường sẽ chìm trong nước, nhưng chìm trong một vài ngày thì sẽ rút.

Thời điểm đó, ban quản lý dự án cũng giải thích gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) với ưu điểm nổi bật là rất cứng, chắc, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Việc sử dụng gỗ lim sẽ tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng riêng.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, trải qua rất nhiều trận mưa lũ, đặc biệt là trận mưa lũ gây ngập kéo dài trong tháng 10 vừa qua, đường đi bộ gỗ lim dọc theo bờ Nam sông Hương đến thời điểm này vẫn rất an toàn, chắc chắn. Điều này chứng minh rằng công trình nằm trong sự kiểm soát và tính toán về yếu tố bền vững.

Theo ông Bằng, ngay khi nước rút đến đâu đơn vị đã cho làm vệ sinh đến đó. Trong quá trình đó cũng kiểm tra hệ thống gỗ, lan can, cũng như hệ thống điện (đã được ngắt trước khi mưa lũ diễn ra). Tất cả rất kiên cố, không có hiện tượng gì khác thường.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có đánh giá lại, nhất là với kết cấu ở mặt dưới của sàn gỗ. Thời gian tới sẽ dùng các loại dầu để đánh lại bề mặt lan can và bề mặt gỗ để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho công trình, phục vụ người dân, du khách đến tham quan”, ông Bằng nói.

 Đường đi bộ dọc sông Hương với kết cấu bêtông cốt thép, trên lát gỗ lim dày 5cm. Gỗ lim nhập từ Nam Phi, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương bảo vệ rừng của Chính phủ Việt Nam. Toàn bộ số tiền do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo. (baothuathienhue.vn 05/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.445.257
Truy cập hiện tại 204