THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Điểm tựa của đồng bào
Trong đêm tối, khi mưa lũ làm hư hỏng những căn nhà, hàng trăm chiến sĩ biên phòng đã có mặt kịp thời, sát cánh cùng người dân vùng cao vượt qua khó khăn.
Trở lại ngồi nhà sau những ngày phải di dời do lũ ngập, gia đình ông Quỳnh Nót, trú tại thôn Ka Lô, xã A Roàng, huyện A Lưới chưa hết bàng hoàng.
“Đêm đó, mưa đổ như trút nước. Chỉ chưa đầy 30 phút, nước dâng vào nhà đến ngang đầu gối. Khi cả nhà đang cố gắng mở cánh cửa bị kẹt để đưa bố tôi là Quỳnh Nôm, đã hơn 70 tuổi bị liệt nằm trong phòng nhưng gặp rất nhiều khó khăn thì may có các anh biên phòng đến cứu kịp thời. Sau mưa lũ, họ lại giúp chúng tôi trở về nhà, khắc phục thiệt hại”, ông Quỳnh Nót nhớ lại.
Ở địa bàn huyện A Lưới, chưa bao giờ có lượng mưa lớn và ngập cục bộ như đợt mưa lũ nửa đầu tháng 10 nên nhiều người dân có phần chủ quan. Chính vì thế khi mưa lớn kéo dài, nước dâng nhanh, toàn huyện A Lưới đã có hơn 600 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để tránh lũ.
Đại uý Hoàng Minh Khích, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết: “Địa hình ở khu vực A Lưới đồi núi dốc, rất hiểm trở, chỉ cần lượng mưa lớn trong khoảng 4 - 5 giờ liên tục, các hộ gia đình ở vị trí trũng sẽ rất dễ bị ngập và cô lập, nhất là vào buổi tối, người dân thường ít cảnh giác. Vì thế, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện đã bố trí lực lượng tại các địa bàn xung yếu, thường trực 24/24 để chủ động ứng cứu, di dời người dân đến nơi an toàn khi lũ về bất ngờ”.
Chủ động triển khai có hiệu quả các phương án phòng, chống mưa bão, với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục hậu quả đến đó”, các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện A Lưới đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương giúp người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Một trong những công tác được tập trung khắc phục nhanh là lợp lại nhà cho người dân. Mưa gió khiến hàng chục căn nhà tại các xã bị tốc mái. Trong điều kiện mùa mưa, nếu những căn nhà không được lợp sớm, người dân sẽ thiếu chỗ ở. Nhiều gia đình lại có người già, việc khắc phục lại nhà khá khó khăn, đôi khi còn nguy hiểm với họ nên lực lượng các chiến sĩ biên phòng sẵn sàng có mặt kịp thời để giúp.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho hay: “Cùng toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang mà trụ cột là Bộ đội Biên phòng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp huyện biên giới A Lưới trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua. Trong lũ dữ, gian khó hiểm nguy, lực lượng biên phòng nắm bắt diễn biến thiên tai và huy động đông nhất, nhanh nhất lực lượng ứng cứu di dời dân và tài sản đến nơi an toàn. Sau mưa bão, lực lượng biên phòng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết đến những hộ khó khăn”.
Ở A Lưới, hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng dầm mình trong mưa bão để ứng cứu người và tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn; hay hỗ trợ họ khắc phục hậu quả sau mưa bão là những minh chứng sống động của nghĩa tình quân dân. Khi người dân cần, các anh luôn có mặt, màu áo xanh bình dị của Bộ đội Cụ Hồ trở thành hình ảnh thân thương, là chỗ dựa, niềm tin của bà con đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới A Lưới. (baothuathienhue.vn 03/11)
2. Tạo điều kiện để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho đất nước
Tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung cơ bản thể hiện trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là quan điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ. Cụ thể đó là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Tuy vậy, trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII chưa đánh giá đầy đủ vị trí, vai trò cũng như tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, trở thành nguồn nhân lực quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Trong khi đó, thực tế lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước.
Không những thế, những năm qua, công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực. Riêng trên địa bàn tỉnh, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, có 203 cán bộ nữ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị hành chính, 434 cán bộ nữ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị; đào tạo cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn đối với 34 cán bộ nữ. Nhiều chị đang tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng Đảng, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chương trình chuyên viên, chuyên viên chính... Nhìn chung, dù ở vị trí nào, các chị cũng thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Trên cơ sở đó, tôi mong muốn Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng thể hiện rõ hơn về công tác xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó lực lượng cán bộ nữ cần được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển năng lực hơn nữa, giúp đội ngũ cán bộ nữ thể hiện được vai trò, vị trí của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, tiến tới thực hiện có hiệu quả hơn nữa bình đẳng giới.
Trong thực tế hiện nay, để khẳng định vai trò của mình, bản thân đội ngũ cán bộ nữ phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu để chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; tận tâm, tận lực với công việc; vượt lên rào cản của định kiến giới, vượt lên chính bản thân để tự khẳng định mình. Quan trọng hơn là rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ nữ, nhất là vai trò người đứng đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có kế hoạch đào tạo cán bộ nữ mang tính chiến lược lâu dài và có tính đột phá; xây dựng chỉ tiêu cụ thể, chi tiết trong từng năm, từng nhiệm kỳ và nghiêm túc thực hiện. Trong đó, phải coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là khâu nền tảng. Nếu không, cán bộ nữ sẽ khó hội tụ đủ điều kiện để qui hoạch, bổ nhiệm.
Với vai trò của mình, Hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục chủ động tích cực trong việc tham mưu với các cấp ủy Đảng quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tích cực tham gia bồi dưỡng phát triển nguồn cán bộ nữ chủ chốt; tham mưu và đóng góp ý kiến về cơ cấu, số lượng nhân sự nữ, đưa các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và HĐND các cấp vào chương trình hành động. Tập trung phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở các cấp. (baothuathienhue.vn 03/11)
PHÁP LUẬT
1. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định trên quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định nêu rõ, những người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:
1- Các ngạch công chức và chức danh sau: Chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên; thẩm phán.
2- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.
3- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị định quy định rõ việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, Nghị định quy định bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như sau: Phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai; đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có).
Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp để bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Kê khai không trung thực bị xử lý nặng
Theo Nghị định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Nghị định cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Các hành vi vi phạm quy định trên nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo VPCP (baothuathienhue.vn 03/11)
2. Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh
Người làm công tác dược lâm sàng tham gia phân tích, giám sát việc sử dụng thuốc của người bệnh được khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.
Nghị định nêu rõ: Bộ phận dược lâm sàng thuộc khoa dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thực hiện các hoạt động dược lâm sàng tại cơ sở để phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.
Nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện các hoạt động dược lâm sàng tại nhà thuốc để phục vụ người mua thuốc trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức nhà thuốc.
Từ 200 giường bệnh trở lên phải bố trí 01 người phụ trách công tác dược lâm sàng
Về số lượng người phụ trách công tác dược lâm sàng và người làm công tác dược lâm sàng, Nghị định quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có từ 200 giường bệnh trở lên phải bố trí 01 người phụ trách công tác dược lâm sàng và phải có số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 200 giường bệnh nội trú và ít nhất 01 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dưới 200 giường bệnh hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải có ít nhất 01 người phụ trách công tác dược lâm sàng kiêm người làm công tác dược lâm sàng phục vụ người bệnh nội trú (nếu có) và phải có số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.
Nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có ít nhất 01 người làm công tác dược lâm sàng cho 01 địa điểm kinh doanh của nhà thuốc. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc có thể đồng thời là người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc.
Người làm công tác dược lâm sàng tham gia phân tích, giám sát việc sử dụng thuốc của người bệnh được khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hoạt động dược lâm sàng tại khoa dược
Theo Nghị định, khoa dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hoạt động dược lâm sàng theo quy định tại Điều 80 Luật Dược và được quy định cụ thể như sau:
1- Tư vấn trong quá trình xây dựng các danh mục thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả; 2- Tư vấn, giám sát việc kê đơn thuốc, sử dụng thuốc; 3- Thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người sử dụng thuốc và cộng đồng; 4- Tham gia xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc và giám sát việc thực hiện các quy trình này; 5- Phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 6- Tham gia theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc; 7- Tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học của thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các nghiên cứu khoa học khác về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Nghị định cũng quy định rõ lộ trình thực hiện, kể từ ngày 01/01/2021, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây phải tổ chức hoạt động dược lâm sàng: Bệnh viện, Viện có giường bệnh (gọi tắt là bệnh viện) bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa từ hạng I trở lên trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được xếp hạng tương đương với bệnh viện hạng I.
Chậm nhất đến ngày 01/01/2024, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện hạng II trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc tư nhân hoặc thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác phải tổ chức hoạt động dược lâm sàng.
Chậm nhất đến ngày 01/01/2027, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng trực thuộc tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc tư nhân hoặc thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các các bộ, ngành khác quản lý phải tổ chức hoạt động dược lâm sàng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Bãi bỏ Thông tư số 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện. Theo VPCP (baothuathienhue.vn 03/11)
VĂN HÓA
1. Miền Trung trong tôi
Với tinh thần “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, vào 20h ngày 12/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Miền Trung trong tôi” nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt.
Những ngày qua, các đợt mưa lũ lớn liên tục, kéo dài đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, mưa lũ đã vượt mức lũ lịch sử. Tại các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập, thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản.
Lũ lụt đã làm hàng trăm người chết, mất tích; hàng nghìn ngôi nhà bị sập, tốc mái hư hại; hoa mùa, tài sản của người dân bị mưa lũ cuốn trôi... gây nên những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ... liên tục đổ vào miền Trung khiến người dân rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn. Những hình ảnh đồng bào, chiến sĩ cả nước gồng mình chống chọi với thiên tai, bão lũ khiến trái tim ai nấy đều quặn thắt.
TS.NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chia sẻ: Chương trình nghệ thuật “Miền Trung trong tôi” là chương trình nghệ thuật đầu tiên do Ban chấp hành vừa mới được Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam khóa VII bầu ra chỉ đạo thực hiện. “Miền Trung trong tôi” cũng là tấm lòng, là tình cảm của các nghệ sĩ hướng về miền Trung thân yêu, với ước mong chia sẻ với đồng bào những đau thương, mất mát, mong bà con sớm khắc phục những khó khăn, ổn định cuộc sống.
Chương trình quy tụ 13 tác phẩm ca múa đặc sắc ấm áp tình người, mang đậm tính nghệ thuật do TS.NSND Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật; Tổng đạo diễn ThS Tuyết Minh và các biên đạo - nghệ sĩ là hội viên của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam dàn dựng và biểu diễn như: NSND Ngọc Bích, NSND Hồng Phong, NSƯT Tuấn Ngọc, Biên đạo Hoàng Sao, Biên đạo Nguyễn Hải Trường, Biên đạo Tạ Xuân Chiến, Biên đạo Tống Mai Len, Nghệ sĩ Thu Quỳnh, Đức Hiếu, nhóm nhảy Bnashor và Muca...
Chương trình được thực hiện dưới sự phối hợp của Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Công an Nhân dân, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của các ca sĩ khách mời: NSƯT Thanh Tâm, ca sĩ Thu Hường, ca sĩ Trang Trần, ca sĩ Cẩm Tú, ca sĩ Ngọc Khuê, tam ca nam của Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội...
Chương trình nghệ thuật “Miền trung trong tôi” được tổ chức cũng thay lời hiệu triệu tới toàn thể Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trên mọi miền tổ quốc cùng quý khán giả yêu nghệ thuật múa trong và ngoài nước chung tay cùng đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Được biết, chương trình “Miền Trung trong tôi” là chương trình không bán vé, huy động mọi sự hảo tâm, tri ân của các Chi hội, hội viên, nghệ sĩ và khán giả đến thưởng thức gây quỹ ủng hộ hướng về miền Trung thương yêu. Toàn bộ số tiền và nhu yếu phẩm từ chương trình sẽ được gửi tới Ủy ban TƯ MTTQ ngay sau đêm diễn để chuyển tới đồng bào miền Trung. (daidoanket.vn 03/11)
XÃ HỘI
1. TPHCM hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng các tỉnh miền Trung khắc phục bão lũ
Tính đến ngày 3-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Quỹ Cứu trợ TPHCM đã hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục bão lũ tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng và hàng hóa thiết yếu là hơn 5 tỷ đồng.
Chiều 3-11, đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đã đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao 125 triệu đồng và quần áo hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, bão lũ. Ông Mohan Ramesh Anand, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ sự chia sẻ đối với những khó khăn đồng bào các tỉnh miền Trung đang gánh chịu do bão lũ gây ra thời gian qua; mong muốn cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại các vùng lũ sớm được ổn định.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn cám ơn sự hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đang làm ăn, sinh sống tại Việt Nam đối với người dân các tỉnh miền Trung. “Những ngày qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chuyển tặng sự đóng góp, ủng hộ của người dân TPHCM đến đồng bào các tỉnh miền Trung. Mọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong lúc này đều rất quý, thể hiện sự tương thân tương ái, chung sức của cả xã hội đến đồng bào bị ảnh hưởng trong đợt bão lũ vừa qua. Trong những ngày tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục cử các đoàn đi thăm, động viên, chuyển tặng những đóng góp nghĩa tình của người dân TPHCM đến đồng bào các tỉnh miền Trung, trong đó có những phần quà thiết thực này của Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn độ tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn nói.
Chiều cùng ngày, đại diện Nhà hát kịch sân khấu 5B Võ Văn Tần đã đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao hơn 34 triệu đồng của các nghệ sĩ, khán giả ủng hộ trong các suất diễn vừa qua, gửi đến đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tính đến ngày 3-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Quỹ Cứu trợ TPHCM đã trích quỹ hơn 20 tỷ đồng, hàng hóa thiết yếu là hơn 5 tỷ đồng và hỗ trợ 35 gia đình các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn kinh tế, quốc phòng 337 (mỗi gia đình 100 triệu đồng); hỗ trợ kinh phí xây nhà 150 triệu đồng cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế), hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3. (sggp.org.vn 03/11)
2. Chia từng lô hiện trường để tìm kiếm 12 nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3
Đến chiều 3/11, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất thủy điện Rào Trăng 3 ở khu vực trên cạn đã hoàn tất. Các khu vực trên cạn đã được chia lô tìm kiếm rất cụ thể, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Lực lượng chức năng hiện triển khai bước tiếp theo là tìm kiếm dọc bờ suối.
Ngày 3/11, các lực lượng chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế) triển khai hướng tìm kiếm tiếp theo là dọc bờ suối và khu vực dưới chân núi.
Trước đó, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích triển khai ở khu vực trên cạn thuộc thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất. Các khu vực trên cạn đã được chia thành từng lô tìm kiếm rất cụ thể.
Công nhân thủy điện Rào Trăng 3 cùng tham gia vào công tác tìm kiếm. Từng lô sau khi hoàn tất tìm kiếm đều phải được xác nhận của lực lượng chức năng. Dù hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian, làm việc trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng kết quả tìm kiếm khu vực trên cạn vẫn chưa được như mong đợi.
Theo Trung tá Phan Thắng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế, với những nỗ lực của lực lượng cứu hộ cùng với phương tiện máy móc được huy động tối đa, hiện trường tìm kiếm những công nhân bị mất tích đã được thu hẹp.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cũng xác nhận, công tác tìm kiếm khu vực trên cạn, với việc phân lô tìm kiếm cụ thể, đã hoàn tất. Quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phát hiện trong đống đổ nát, sạt lở có những chiếc xe gắn máy, áo quần…, nhưng người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Ông Định cho biết thêm, trong ngày 3/11, công tác tìm kiếm được triển khai dọc bờ suối. Lực lượng chức năng và các phương tiện cơ giới tiến hành đào mương dẫn để nắn dòng sông Rào Trăng. Sau bão số 10, sẽ cho chặn dòng để đào tìm ở bên dưới đoạn suối này.
Phó Chủ tịch Phan Thiên Định còn đề nghị công ty Thủy điện Rào Trăng 3 phối hợp với lực lượng công an, quân đội tiến hành rà soát lại lòng suối từ Rào Trăng 3 đến Rào Trăng 4 để tìm kiếm dấu vết, làm cơ sở tính toán các phương án tìm kiếm trong giai đoạn tiếp theo.
Một mặt, các đơn vị chức năng cần theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động công tác ứng phó, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, hậu cần, phương tiện tại hiện trường. (tienphong.vn 03/11)
3. Rào Trăng, nỗi đau còn lại…
“Mong trời đừng mưa để con tui còn về”
“Mạ, con đi hới. Hắn cười tươi chào tui mà tui không nghe rõ nên tui chạy lên hỏi chi rứa, chi rứa, hắn hét to hơn “đi hới, đi hới”, tay vẫy vẫy. Tui biết mô đó là lần cuối được thấy hắn, được nghe hắn nói…”. Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của anh Ngô Viết Huy (sinh năm 1996, phường Thuỷ Châu, thị xã Hương Thuỷ, 1/17 công nhân hiện đang mất tích tại Rào Trăng 3), kể lại trong nước mắt về phút giây cuối được nhìn con trong lần về nhà sau cùng của anh vào đầu tháng 10 vừa qua.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Huy nằm cuối hẻm trên một quả đồi vắng vẻ, đường vào nhà mấp mô sỏi đá rất khó đi, khó tìm. Nhà vừa lợp lại mái, những tấm tôn cũ, han rỉ, chưa kịp dọn nằm quanh sân. Ngôi nhà lặng ngắt, không khí u uất bao trùm, người cha già trên 70 tuổi không muốn bắt chuyện. Ông lặng thinh, mắt nhìn sâu vào căn chòi vừa làm trước sân để lập bàn thờ vọng cho đứa con xấu số đang nằm đâu đó ở Rào Trăng. Người mẹ vẫn nói trong vô thức: “Trời mưa là tui lại khóc, trời mưa thì người ta phải dừng tìm kiếm, con tui lại tiếp tục lạnh lẽo giữa núi rừng”. Huy là con út, ba mẹ làm nông, nghèo khó. Huy tốt nghiệp cao đẳng công nghiệp điện, mới vào làm nhà máy điện Rào Trăng 3. Lương học việc mỗi tháng 4,5 triệu đồng, nhưng Huy đều góp lại để ba mẹ sửa nhà. Mẹ Huy mếu máo kể, hắn đưa tiền để thay cái mái tôn qua mái ngói, nói để ba mạ ở cho mát. Hắn còn khoe, “tháng 10 ni sẽ được nhận lương chính thức, 8 triệu đồng lận”. Bà Hoa nhìn di ảnh con, nước mắt chan chứa: “Vợ chồng tui không cần nhà đẹp nữa, chỉ cần con về… mưa lạnh ri mà”…
Hôm nghe tin Rào Trăng 3 bị sạt, vợ chồng bà Hoa như có điện giật trong tim, liên lạc với Huy cũng không được nhưng cả nhà vẫn nuôi hy vọng. Người thân chạy lên Bệnh viện Bình Điền đưa ảnh Huy cho những công nhân thoát nạn đang điều trị ở đây để hỏi thăm, ai nhìn ảnh cũng từ chối trả lời. Phải nói dối đây là thằng em nhà hàng xóm họ mới nói Huy là một trong những người mất tích. Tuyệt vọng nhưng không ai dám báo cho ba mẹ Huy, cuối cùng tin dữ cũng về. Huy ra đi khi tuổi đời mới 25, mới một lần dẫn người yêu về giới thiệu, còn ngại ngần nói với ba mẹ “công việc ổn định rồi tính, chứ nợ sửa nhà chưa hết…”. Khi tin dữ báo về có một cô gái trẻ âm thầm đến khóc trước bàn thờ!
“Hắn còn lạc mô đó trên rừng”
Không khí trong ngôi nhà anh Huỳnh Ngọc Quý, (sinh năm 1993, 1 trong 2 công nhân người Hương Thuỷ mất tích ở Rào Trăng 3) ở thôn Khe Sòng, xã Dương Hoà lạnh buốt. Không nhang đèn bàn thờ trong nhà, cũng không lập bàn thờ vọng ngoài sân vì mẹ của Quý (bà Nguyễn Thị Sen) vẫn hy vọng con trai mình còn lạc đâu đó trong rừng.
Bà Sen người nhỏ thó, hốc hác, mắt quầng thâm bởi hơn nửa tháng nay không đêm nào tròn giấc, cứ lắng nghe gió, nghe mưa, nghe tiếng động ngoài ngõ, trong sân, hy vọng anh Quý bất ngờ xuất hiện với nụ cười hiền lành, núm đồng tiền ăn sâu trên má… Gần 20 ngày đã qua, ngày 30/10, trên huyện cho người về đón thân nhân ra Rào Trăng bà cũng không đủ sức để đi…
Anh Quý là con út trong gia đình đông anh chị em, cũng là đứa con chịu thiệt thòi vì cha mất sớm. Các anh chị có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn. Quý sống với mẹ, là đứa con chịu thương chịu khó nhất nên vừa học anh vừa làm thêm nuôi mình và nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm. Học ngành điện tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, ra trường 6 năm là 6 năm anh vừa đi làm vừa học thêm về điện dân dụng.
Mong muốn có một công việc ổn định, hơn năm trước anh xin được vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Làm việc xa nhà hơn 50km nhưng để chăm mẹ, hàng tuần Quý vẫn về Dương Hoà, anh dành những đồng lương đầu tiên (chưa đến 5 triệu/tháng) của công nhân thử việc giúp mẹ sửa nhà.
Chị Trần Thị Tình, Trưởng thôn Khe Sòng cũng là hàng xóm kể: “Quý hiếu thảo lắm. Anh chị đều lấy vợ gả chồng hết rồi, riêng nó bảo muốn trả xong nợ đã rồi mới tính tới chuyện lập gia đình”. Tuần trước khi gặp nạn, do mưa lớn Quý không về được nhưng gọi điện về bảo mẹ đừng lo, trên này vẫn an toàn, nào ngờ… Người mẹ già chưa nguôi nỗi đau mất chồng giờ lại đau đớn trước tin dữ, nhưng bà vẫn không tin Quý đã đi. “Đêm mô, tui cũng thấy bà ra vào trước sân chờ chú Quý, mấy ngày có chịu ăn chi mô, tui qua nhắc mới uống chưa hết một phần bịch sữa. Cứ ri hoài thì chịu chi thấu”, chị Tình xót xa.
Nếu mẹ anh Quý vẫn một mực nghĩ con mình chưa chết thì ba mẹ của Huy khóc nấc, “chỉ mong bây giờ người ta tìm thấy nó, đưa nó về với gia đình… như thế sẽ đau nhưng 6, 7 năm rồi cũng giảm, chứ nó không về được chúng tôi chết không nhắm mắt”.
Tai nạn xảy ra, các anh Huy, anh Quý mãi mãi không về, nỗi đau khiến những người thân yêu của họ hiện tại không kịp nghĩ tới ngày mai. Nhưng, người đi cũng đã đi rồi, còn lại là hai gia đình với ba người già, bệnh tật ốm đau, nợ nần… lại phải mang nỗi đau quá lớn khi đứa con trụ cột của gia đình ra đi mãi mãi, là nỗi lo mà hàng xóm láng giềng lo cho ba mẹ của các anh.
Qua Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi kêu gọi các mạnh thường quân hãy chung tay giúp cha già mẹ yếu của hai anh Huỳnh Ngọc Quý và Ngô Viết Huy, để họ có cuộc sống ổn định và giúp vong hồn các anh được an ủi phần nào.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, TP. Huế. Bà Nguyễn Thị Hoa, tổ 4, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TP. Huế. Hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0914.078 282; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ gia đình anh Huỳnh Ngọc Quý/Ngô Viết Huy bị nạn tại Rào Trăng 3). (baothuathienhue.vn 03/11)
4. Hỗ trợ người dân vùng rốn lũ Huế, gia đình liệt sĩ Rào Trăng 3
Sáng nay, 53 suất quà được Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN hỗ trợ người dân rốn lũ Huế, gia đình CBCS hy sinh khi cứu nạn Rào Trăng.
Ông Lại Hồng Lục, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN trao quà hỗ trợ các hộ dân vùng rốn lũ Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế)
Lũ dữ đi qua, thiệt hại để lại
Gần 2 tuần sau đợt lũ dữ kỷ lục, cả vùng Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn vẹn nguyên cảnh hoang tàn, hư hại. Dọc đường liên xã, sân trường cấp hai, trụ sở UBND... nhiều điểm ngập sâu.
Chỉ tay về phía căn nhà cấp 4 xập xệ, ông Đặng Công Triệu (62 tuổi, thôn An Xuân Tây, Quảng An) đánh dấu vết ngập ngang người. Tranh thủ trời hửng nắng, ông Triệu tất tả vệ sinh giường, tủ, đồ dùng gia đình vấy vết bùn non.
"Nước ngập cả 10 ngày chú ơi, bà con giờ chẳng còn gì. Hoa màu chết thối, thóc gạo nảy mầm, nhiều đồ gia dụng hư hại", ông Triệu nói.
Cùng thôn An Xuân Tây, căn nhà nhỏ của bà Trần Thị Phượng (63 tuổi, An Xuân Tây) nhiều chỗ còn tốc mái, nắng chiếu xuyên nền.
Bà Phượng bảo: lũ lên từ ngày 8/10, bà ở 1 mình nên được sơ tán lên chỗ cao ráo. Lúc về thấy đồ đạc hư hại, gà vịt chết do lũ nhấn chìm.
"Lũ năm 1999 không bằng bây giờ. Nước lên nhanh, ngập sâu và kéo dài hơn tuần, khiến đời sống người dân thêm khó khăn", bà Phượng nói.
Trời nắng tạnh, nhưng toàn bộ đồng ruộng Quảng An vẫn còn ngập nước. Rác thải, cát tràn lấp nhiều thửa ruộng người dân. Ông Nguyễn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Quảng An cho hay, trận lụt năm nay không khác gì "đại hồng thủy". Toàn bộ địa bàn xã chia cắt hoàn toàn trong lũ dữ. Địa phương có đến hơn 2.200 hộ dân, thì có đến 70% bị ngập từ 1 đến 1,7m, còn lại ngập dưới 1m.
"Đặc biệt, lũ lên nhanh, ngập sâu và kéo dài gần 2 tuần lễ khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh tế của các hộ dân bị thiệt hại nặng nề. 100% hoa màu hư hại, hạ tầng giao thông liên thôn xã, cầu cống bị hư hại", ông Hiền nói.
Chia sẻ khó khăn người dân, sáng 3/11, Tổng công ty Quản lý bay VN trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ 40 suất tiền mặt (1 triệu đồng/suất) cho các hộ bị ngập sâu, gia cảnh đặc biệt khó khăn nơi rốn lũ Quảng An.
Ông Lại Hồng Lục, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN cho hay, đơn vị phát động đến toàn thể CBCNV, đoàn viên có các hoạt động đóng góp, thiện nguyện trao tặng tiền, nhu yếu phẩm với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng.
Theo đó, đoàn trao 40 suất quà (1 triệu đồng suất) cho người dân Quảng An (Thừa Thiên- Huế), 30 suất (500.000 đồng/suất) cho các hộ lũ lụt Hải Lăng (Quảng Trị), 22 suất (2 triệu đồng/suất) và 2 suất (5 triệu đồng/suất) cho các hộ hư hại, sập nhà Núi Thành (Quảng Nam), 56 suất (1 triệu đồng/suất) cho hộ dân vùng sạt lở Nam Trà My; trao tặng 30 triệu đồng cho trung tâm trẻ bị chất độc da cam trên địa bàn Đà Nẵng...
Trước đó, Tổng công ty Quản lý bay VN phối hợp Báo Giao thông trao 100 suất (trị giá 40 triệu đồng) cho các hộ dân vùng tâm bão số 9 ở Đức Lợi (Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Chia sẻ cán bộ, chiến sỹ tử vong khi cứu nạn Rào Trăng 3
Cùng ngày (3/11), đoàn công tác Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN trực tiếp đến nhà các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn cứu nạn, cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế thăm hỏi, trao 13 suất hỗ trợ.
Chị Ngô Thị Thanh Nhàn, vừa thắp hương lên bàn thờ chồng - Liệt sĩ, Đại úy Trương Anh Quốc (làng Hiền Lương, Phong Điền) vừa tất bật, đút ăn cơm trưa cho 2 con gái nhỏ. Lấy nhau 6 năm, hai vợ chồng chị Nhàn đang gắng gượng dựng ngôi nhà cấp 4 ở thành phố Huế để chồng tiện công tác, bất ngờ nhận tin dữ.
"Anh hi sinh khi cứu nạn Rào Trăng 3, giờ em một mình cố gắng nuôi dạy con nhỏ, hoàn thành tâm nguyện của anh, mong con cái trưởng thành", chị Nhàn nói.
Tại nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền), 2 con đang tuổi ăn học nén tiếc thương, thắp hương bàn thờ di ảnh cha. Trong gian phòng khách căn nhà cấp 4 cũ kỹ, treo nhiều bằng khen liệt sĩ Bình trong quá trình công tác. Tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Bình treo dưới Huân chương kháng chiến hạng Nhì bà Hoàng Thị Nhỏ (mẹ liệt sĩ Bình) và Bằng tổ quốc ghi công bác gái của Liệt sĩ Bình.
Trước đó, Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên cùng ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung đã trao 40 triệu đồng cho những gia đình chịu thiệt hại nặng của bão số 9
Đang làm khóa luận tốt nghiệp ngành báo chí (ĐH KHXH&NV Hà Nội), em Phạm Thiên Hà, con của liệt sĩ Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng thông tin truyền thông Cổng TTĐT- UBND Thừa Thiên - Huế về Huế chịu tang, hằng ngày cùng em gái Phạm Hoàng Anh (lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng) thắp hương di ảnh cha. Hà tâm sự, cha là trụ cột của cả nhà, anh dũng hi sinh khi cứu nạn người dân, chúng em cố gắng học thật tốt, trưởng thành để không phụ lòng cha.
Ông Trần Nguyễn Bảo Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Quản lý bay miền Trung (Tổng công ty Quản ly bay VN) cho hay, công đoàn tổ chức thăm hỏi, trao hỗ trợ 5 triệu đồng/suất cho 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi cứu nạn, cứu hộ Rào Trăng.
Chương trình mong muốn thông qua hoạt động này, góp phần nhỏ chia sẻ với những hi sinh, mất mát và khó khăn của gia đình các liệt sĩ. (baogiaothong.vn 03/11)
5. Nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân hướng về đồng bào miền Trung
Ngày 3/11, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, đã tiếp nhận được được hơn 16 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung gặp thiên tai.
Ngày 3/11, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, đã tiếp nhận được được hơn 16 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung gặp thiên tai. Trong đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và Ban cứu trợ tỉnh tiếp nhận được 9,7 tỷ đồng; hệ thống UBMTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp nhận được trên 6,3 tỷ đồng.
Về hàng hóa, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban cứu trợ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương thực hiện tiếp nhận hàng hóa của các mạnh thường quân ủng hộ, gồm: nhu yếu phẩm, gạo, mì gói, sữa, nước suối, quần áo sạch, thực phẩm đóng hộp…Tổng giá trị hàng hóa tiếp nhận gần 925 triệu đồng.
Để kịp thời chia sẻ khó khăn với các tỉnh miền Trung, tỉnh Bình Dương đã chuyển số tiền 3 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh đến tỉnh Thừa Thiên - Huế 1 tỷ đồng; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ ngày 2/11 đến 5/11, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương sẽ tham gia cùng đoàn cứu trợ của tỉnh đi thăm, tặng quà, chuyển hàng hóa cứu trợ trực tiếp cho 4.300 hộ đồng bào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do bão lũ gây ra với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều cá nhân, cơ quan đơn vị và mạnh thường quân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào miền Trung như: nhân dân tại phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An) tham gia gói 10.000 chiếc bánh chưng, bánh tét cứu trợ; đoàn của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương đã trao trực tiếp 1.300 phần quà cho các hộ bị thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Đồng thời, trao tặng cho các địa phương 291 máy lọc nước nhỏ để phát cho người dân và 20 máy lọc nước lớn để dùng tập trung ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 3/11, các em học sinh Hạnh Doanh lớp 6/6, Châu Anh lớp 6/7, Gia Linh lớp 7/4, Gia Nghi lớp 8/3, học sinh Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM tìm đến trụ sở Ban đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TPHCM nhờ Báo làm cầu nối tiếp nhận và trao tặng 5.000 cuốn tập cho các học sinh vùng bị ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung.
Em Châu Anh chia sẻ: “Thông phương tiện truyền thông, nhìn các bạn học sinh vùng lũ bị cuốn hết quần áo, sách vở, nhiều bạn không có đủ điều kiện mua lại sách vở, dụng cụ học tập mới để đi học, chúng cháu đã dùng tiền tiết kiệm của mình và kêu gọi sự chung tay của nhiều bạn khác để góp phần nhỏ bé giúp các bạn học sinh vùng lũ miền Trung sớm trở lại trường học.”. Tại buổi tiếp nhận, thay mặt Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Chu Ninh trân trọng ghi nhận những tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của các em học sinh Trường THCS Phan Văn Trị đã hướng về các bạn học sinh vùng lũ ở miền Trung thân yêu đang gặp khó khăn. Số lượng 5000 cuốn tập vở sẽ được chuyển đến hỗ trợ học sinh vùng lũ các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. (daidoanket.vn 03/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Học sinh miền Trung: Đến trường còn gian nan
Chưa vơi nỗi âu lo vì dịch Covid-19, hàng vạn học sinh miền Trung liên tiếp nghỉ học giữa chừng để tránh bão, chạy lũ. Việc tái thiết hoạt động dạy và học ở đây đang gặp muôn vàn khó khăn khi đường đến trường bê bết bùn đất, nhiều trường học không còn bàn ghế, học sinh không còn sách vở…
Trường lớp hư hỏng, sách vở không còn
Ngày 2-11, mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi tại Nghệ An nước vẫn chưa rút kịp nên học sinh nhiều trường chưa thể đi học trở lại. Khuôn viên nhiều trường học tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành ngập trong bùn non, rác, cây cối các nơi tràn vào. Cô Bùi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hà (huyện Thanh Chương), cho biết, trường giờ ngổn ngang nên chưa thể tổ chức dạy học trở lại.
Trong khi đó, đường đến trường của học sinh ở các xã trong huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn ngập trong bùn lầy nhão nhoét. Nhiều tốp học sinh phải đội cặp sách trên đầu vượt điểm ngập lụt cục bộ hoặc đường bùn lầy lội. Thầy Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua sân trường ngập sâu 2m, trong lớp học ngập 1,5m. Bàn ghế gỗ ép, trang thiết bị và đồ dùng học tập trong 22 phòng học và phòng chức năng tầng 1 chìm trong nước, hư hỏng nặng. Nhờ các chiến sĩ quân đội và công an giúp đỡ dọn dẹp nên sáng 2-11 học sinh trở lại trường tiếp tục học tập, nhưng vẫn còn bộn bề lắm. Nhiều em đến lớp không có sách vở.
Cô Lê Cảnh Phương Hạnh, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) thông tin, toàn bộ sách vở và đồ dùng học tập của học sinh; của trường bị hư hại vì mưa lũ. Nhà ăn, bàn ghế và các vật dụng phục vụ bán trú cũng hư hỏng nặng. Phải mất 2 ngày mới dọn dẹp cơ bản. Tuy nhiên trường vẫn cố gắng dồn lớp cho các em học chung với nhau bắt đầu từ sáng 2-11, song nhiều em vắng mặt vì không còn sách vở…
Bão số 9 gây mưa lớn khiến hàng trăm điểm trường, cơ sở giáo dục ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hư hỏng nặng nề, nhất là khu vực ven biển, miền núi. Đến sáng 2-11, nhiều trường chưa thể đón học sinh vì đang dồn sức khắc phục thiệt hại. Gặp chúng tôi, em Thời Phương Linh (học sinh lớp 6C Trường THCS Thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể, gió bão khiến nhà em bị tốc mái, hư hỏng nên toàn bộ sách vở đều hỏng không thể sử dụng được. Em Nguyễn Kỳ (lớp 6D, trường THCS thị trấn Châu Ổ) nói trong nước mắt: “Sách vở không còn, áo quần cũng bị bùn đất vùi lấp, rách nát. Sắp tới con không biết lấy gì để mặc tới trường. Trường con có rất nhiều bạn như vậy”.
Nỗi lo còn phía trước
Tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, học trò đến lớp với nỗi âu lo thấp thỏm khi bão số 10 sắp đổ bộ. Cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, trong tháng 10 vừa qua, nhà trường 3 lần cho học sinh tạm nghỉ học để tránh bão lũ. “Mỗi lần nước rút, tất cả cán bộ, giáo viên đều được huy động đi cào bùn, dọn trường lớp. Học sinh quay lại trường được vài ngày lại có lũ tiếp. Sách vở bị trôi mất, bị ướt rách, bàn ghế, thiết bị dạy học hỏng, nhà trường phải đi xin sách cũ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để bố mẹ mua sách cho các em”, cô Thủy chia sẻ.
Hiện nay, gần 100 trường học các cấp ở các địa phương miền Trung chưa có thông báo ngày đi học trở lại. Trong khi bão số 10 sắp đổ bộ khiến cho các em càng thêm lo lắng do sợ không theo kịp chương trình chung của cả nước. Việc mua sách giáo khoa thay thế sách giáo khoa bị ướt, rách cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1 đang là gánh nặng cho nhiều gia đình bởi qua hàng loạt đợt bão lũ, người dân ở miền Trung rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là trắng tay.
Chị Trần Thị Yến (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) buồn rầu, nói: “Vợ chồng làm nông, bao nhiêu lúa gạo, gà vịt bị mấy đợt lũ cuốn trôi hết. Sách vở 2 đứa con lớp 5 và lớp 3 bị rách nát. Bây giờ không biết lấy tiền đâu ra để mua sách vở lại cho các con, rồi còn áo quần, học phí. Sắp tới đây cái ăn còn khốn khó thì việc học của các con sẽ gian nan như thế nào”. (sggp.org.vn 03/11)
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho học sinh vùng lũ
Chiều 3/11, đoàn công tác của do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã thăm hỏi, động viên và trao sách giáo khoa, bàn ghế học sinh, đồ chơi trẻ em… trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có 225 phòng bị tốc mái; hư hỏng 542 bộ máy vi tính; 3.124 bộ bàn ghế học sinh… ước tính thiệt hại gần 80 tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục quyên góp và tiếp nhận các nguồn ủng hộ cho ngành giáo dục các tỉnh miền Trung. Trong đó, tập trung ưu tiên tặng sách, vở, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập... Cố gắng đảm bảo cho tất cả học sinh có sách, vở đến trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại của ngành giáo dục tỉnh, đồng thời ghi nhận, biểu dương sự chủ động, nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, của cán bộ, giáo viên và cấp ủy chính quyền đã chung tay khắc phục thiệt hại của bão lũ. Sắp đến, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cần nỗ lực hơn nữa, huy động các nguồn lực và lực lượng để tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện tốt chương trình kế hoạch năm học, sử dụng số hiện vật được hỗ trợ một cách kịp thời, đúng địa chỉ để động viên thầy và trò trong giai đoạn khó khăn này. (baothuathienhue.vn 03/11)
3. Ký túc xá sinh viên: Cần xã hội hóa phục vụ nhu cầu chỗ ở
Với khoảng 40.000 sinh viên nhưng chỗ ở nội trú hiện tại của Đại học (ĐH) Huế không quá 2.500 chỗ, nhu cầu về ký túc xá (KTX) cho sinh viên thực sự cấp thiết.
Mới chỉ đáp ứng 6%
Xa nhà để học, nhưng N.H. (sinh viên một trường thuộc ĐH Huế) lại chọn ở trọ và phải chắt bóp chi tiêu cho các khoản sinh hoạt. Hỏi về lý do không chọn ký túc xá, N.H. cho biết: “Do chi phí thấp hơn phòng trọ nên đầu năm học các KTX luôn đủ người. Khi đến đăng ký thì quản lý các KTX thông báo đã hết phòng”.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế thừa nhận, thực tế trên xảy ra ngay với năm học này. Đầu năm học 2020 - 2021, rất nhiều sinh viên tìm đến hỏi chỗ ở KTX nhưng đã hết phòng, dù đã dành một lượng phòng cho tân sinh viên.
Theo các khảo sát của Trung tâm Phục vụ sinh viên và các đơn vị của ĐH Huế, nhu cầu chỗ ở KTX khá cao. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Ông Hải phân tích, nếu tính trung bình mỗi phòng 4 sinh viên thì KTX Trường Bia chỉ đáp ứng tối đa 2.100 chỗ ở, KTX Tây Lộc khoảng 250 chỗ. Quy mô sinh viên toàn ĐH Huế hệ chính quy (chưa tính học viên sau ĐH và sinh viên hệ vừa làm vừa học) là hơn 40.000, trong khi con số trên mới chỉ đáp ứng khoảng 6%.
Trên thực tế, nếu so sánh với quy mô KTX của các ĐH, trường ĐH trong nước, con số trên thực sự còn rất “khiêm tốn”. Trong đó, KTX ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có sức chứa hơn 40.000 sinh viên. Ngay tại các KTX ĐH Đà Nẵng, sức chứa cũng đã đạt khoảng 7.000 sinh viên.
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, nguồn tuyển sinh viên ĐH Huế đến từ khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đời sống còn khó khăn nên nhu cầu chỗ ở giá rẻ nhiều hơn các vùng khác, đồng nghĩa nhu cầu về KTX rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề trên cũng chỉ là trăn trở.
Thiếu chỗ ở nội trú nảy sinh nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế đánh giá, tỷ lệ sinh viên ở nội trú thấp dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ sinh viên. Đối với sinh viên ở trọ bên ngoài, chỉ có thể nắm được thông tin địa chỉ chỗ ở các em qua cơ quan chức năng theo đăng ký tạm trú, việc quản lý, hỗ trợ sinh viên, trong đó có cả hỗ trợ trong mùa bão lụt cũng khó khăn. Trái lại, môi trường KTX theo hướng quy củ, nề nếp vừa thuận tiện nắm bắt tình hình sinh viên vừa tạo điều kiện nâng cao ý thức cho sinh viên hơn nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng, dù cả cán bộ, giảng viên và sinh viên đều mong muốn.
Kinh phí lớn, cần xã hội hóa
Đặt câu hỏi về việc xây dựng KTX, đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho rằng, vấn đề khó nhất liên quan đến kinh phí. Theo lãnh đạo ĐH Huế, nguồn ngân sách có hạn trong khi kinh phí để xây dựng KTX không hề nhỏ. Hằng năm, chỉ có thể phân bổ một phần kinh phí duy tu, sửa chữa các KTX và đáp ứng thêm cơ sở vật chất, để xây dựng thêm KTX bằng nguồn lực của ĐH Huế gần như không thể.
ĐH Huế đang hướng đến ĐH Quốc gia, trong đó mô hình KTX hiện đại đối với các ĐH lớn là rất cần thiết. Với sự tăng trưởng quy mô ngành nghề đào tạo cũng như số lượng sinh viên, học viên nên nhu cầu nơi ăn ở rất nhiều đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kịp thời để tạo điều kiện tốt chỗ ăn ở, giải trí, môi trường đạt tiêu chuẩn cho sinh viên yên tâm học hành và nghiên cứu khoa học.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, xu hướng trên thế giới, sinh viên ở KTX mang lại nhiều lợi ích cho họ và thuận lợi trong công tác quản lý hơn. Xây dựng thêm KTX cũng là mong muốn của ĐH Huế nhưng để làm rất cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và kêu gọi xã hội hóa.
“Theo xu hướng chung ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng cũng như nhiều nước trên thế giới, KTX rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ, vì thực tế sinh viên ở KTX cũng mang lại nguồn thu cho địa phương cũng như doanh nghiệp và thuận lợi cho công tác quản lý sinh viên”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Thực ra, quỹ đất để xây dựng KTX vẫn có. Ông Ngô Văn Tuấn, Phụ trách Ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết, trong khu quy hoạch đô thị ĐH Huế, vẫn dành khoảng 2,3 ha để xây dựng KTX. Ngoài ra, khu đất gần Trường ĐH Luật để làm dự án nhà ở sinh viên (đến nay chưa thực hiện được do chủ đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định) vẫn còn khoảng 2,5 ha. Vấn đề quan trọng ở kinh phí xây dựng, cần các nguồn lực, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hiện ĐH Huế đang nỗ lực và ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư, xây dựng KTX hiện đại cho sinh viên. Đồng thời, cũng có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến các ban, ngành chức năng của tỉnh để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người học trong bối cảnh ĐH Huế đang xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia.
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
1. Đoàn công tác Bộ Xây dựng khảo sát điểm ngập úng, sạt lở tại Thừa Thiên - Huế
Chiều 3/11, Đoàn công tác Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, trao tặng 1 tỷ đồng cho bà con nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ; đồng thời, tiến hành khảo sát nhà chống lũ xã Lộc An (huyện Phú Lộc) và kiểm tra bờ kè biển Vinh Hải.
Tại điểm khảo sát nhà chống lũ của bà Hồ Thị Lành – ngôi nhà được hỗ trợ bởi Chính phủ Việt Nam, GCF-UNDP thông qua dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” cho thấy đã phát huy nhiều tác dụng mùa lũ vừa qua. Với diện tích xây dựng 15m2 nhưng ngôi nhà kiên cố này đã giúp chủ nhà cũng như bà con hàng xóm vượt qua cơn lũ.
Bà Lành cho biết, nhà chống lũ của bà được xây dựng từ 2018, trong thời gian mưa bão vừa qua, ngôi nhà đã giúp gia đình vượt qua mùa bão lũ, thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực thực phẩm đến đây nhờ tích trữ hộ.
Một hộ dân xã Lộc An chia sẻ, mưa lũ vừa qua khiến nước ngập cao quá cửa nhà. Tuy nhiên, người dân đều được chính quyền địa phương thông báo để chuẩn bị phòng chống. “Gia đình chúng tôi lập tức xếp đồ đạc lên cao và di dời đi chỗ khác tránh trú. Người dân chúng tôi đều mong muốn sớm xây dựng được những căn nhà chống lũ để chống chọi lại thiên tai khắc nghiệt diễn biến phức tạp”.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra bờ kè biển Vinh Hải. Bờ biển Vinh Hải là “điểm nóng” về sạt lở của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm gần đây. Nhiều điểm sạt nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền, uy hiếp đời sống người dân.
Tháng 10/2019, tuyến đê kè chống sạt lở ở Vinh Hải được thi công với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Kè có tổng chiều dài 2,52km, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, tường chắn sóng. Công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng đến đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân sống trong các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng; qua đó giúp phát triển kinh tế địa phương cũng như chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, công trình đã thi công được 2,5km và sắp tới tiếp tục triển khai thêm 1km nữa.
Trao đổi với Đoàn công tác Bộ Xây dựng, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Vừa qua, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại nhưng sạt lở đất ở Rào Trăng 3 gây thiệt hại lớn, gây đau buồn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh và quân đội. Hiện tại, lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm được 5/12 người mất tích tại đây bởi khối lượng đất sạt lở lớn, khiến công việc tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Thêm đó, hiện tượng sạt lở ven bờ biển diễn ra hàng năm khiến xói mòn đất, nhưng do năm nay, chiều cường khá lớn gây xói mòn nhiều hơn. Do đó, tuyến đê kè chống sạt lở ở biển Vinh Hải phát huy hiệu quả tốt trong mùa mưa bão. Nếu tiếp tục thi công tiếp toàn bộ đê chắn sóng này theo đúng thiết kế sẽ phát huy hiệu quả lớn.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng thay mặt cán bộ, công nhân viên Bộ Xây dựng chia sẻ khó khăn, thiệt hại với bà con vùng lũ. Đối với riêng Thừa Thiên - Huế, thì hơn chục năm nay không lo vấn đề ngập lụt. Nhưng thiên tai bất thường, lượng mưa quá lớn trong nhiều ngày liên tiếp đã dẫn đến ngập lụt nhiều vùng và sạt trượt công trường thuỷ điện đang thi công, gây thiệt hại về người. Không may mắn, đoàn cứu hộ khi nghỉ tại trạm kiểm lâm đã hy sinh do sạt lở đất.
Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh, thiên tai hiện nay không dễ đoán định, đặc biệt, dự báo sạt lở đất khó hơn rất nhiều so với dự gió bão. Về mặt khoa học, cũng cần nghiên cứu kỹ để có biện pháp cảnh báo, phòng chống; có các giải pháp về lựa chọn địa điểm công trình…
Thêm đó, qua khảo sát, Đoàn nhận thấy hiệu quả của mô hình nhà vượt lũ, giúp dân độc lập 4 tại chỗ được. Tuy nhiên, xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan mới như hiện nay, thì cần phải nghiên cứu sớm. Qua công tác đã kiểm tra sát các vị trí xảy ra thiên tai nghiêm trọng miền Trung lần này, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục. (baoxaydung.com.vn 03/11)
2. Cận cảnh sạt lở bờ biển chưa từng thấy tại Thừa Thiên-Huế
Trong khi các điểm nóng sạt lở núi vùi lấp hàng chục người, gây tang thương đang là tâm điểm thì phía bờ biển, tình trạng sạt lở cũng xảy ra nghiêm trọng, biển đã gặm sâu vào đất liền đe dọa cuộc sống của người dân. ( Video thanhnien.vn 03/11)
3. Bão số 10 gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở từ Thừa Thiên Huế tới Phú Yên
Khả năng bão số 10 kết hợp với không khí lạnh gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung đến vài trăm mm từ 4-7/11. Mưa lớn sẽ khiến nguy cơ lũ trên sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Phú Yên là rất cao trong tuần này.
Thông tin trên được ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia chia sẻ với phóng viên vào ngày 3/11.
Phóng viên (PV): Đến thời điểm này, chúng ta đã cập nhật diễn biến cơn bão số 10 ra sao thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm: 11h, ngày 3/11 bão số 10 vẫn giữ cường độ gió cấp 8 và đang có xu hướng tăng cấp. Bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía Đông Đông Nam, di chuyển hướng về phía đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa.
PV: Với cường độ như vậy, bão sẽ gây những nguy hiểm gì thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm: Nguy hiểm đầu tiên cần lưu ý trên biển và trên đất liền đó là gió mạnh cấp 8-9, giật 12 và sóng biển cao 4-6m ở trong khu vực nguy hiểm do bão số 10. Các tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi trở vào đến Khánh Hòa có thể có gió cấp 8, giật cấp 11.
Do đặc điểm của bão số 10 là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh sẽ xảy ra ở vùng ven biển và đất liền từ ngày 4/11, khi bão còn cách bờ khoảng 300-400km. Điều này rất nguy hiểm đối với các hoạt động tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Khả năng bão kết hợp với không khí lạnh (KKL) gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung đến vài trăm mm từ 4-7/11. Mưa lớn sẽ khiến nguy cơ lũ trên sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Phú Yên là rất cao trong tuần này.
PV: Ông có khuyến cáo gì với người dân khu vực bão đi qua?
Ông Mai Văn Khiêm: Vì đây là cơn bão cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của nó sẽ chịu sự chi phối của hệthống ngoại lực là chính, có thể thay đổi tính chất rất nhanh. Đối với bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới thì các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độvà quỹ đạo của nó lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn bão số 9 vừa rồi.
Vì vây, bà con cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn ông! (dangcongsan.vn 03/11)
4. Bão số 10 gây mưa to trên diện rộng ở miền Trung từ ngày 4-7/11
Do bão số 10 có thể gây ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền từ ngày 4-11. Điều này gây nguy cơ cao đối với tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm đánh giá bão số 10 hết sức nguy hiểm cả ở trên biển và đất liền.
Bão số 10 kèm theo gió mạnh cấp 8-9, giật 11 và sóng biển dâng cao 4-6m trong vùng nguy hiểm. Các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do bão số 10 có đặc điểm là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên nhiều khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền từ ngày 4-11, khi bão còn cách bờ khoảng 300-400km. Điều này gây nguy cơ cao đối với tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Ngoài ra, nhiều khả năng bão sẽ kết hợp với không khí lạnh gây ra đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung với lưu lượng vài trăm milimet từ ngày 4-7/11.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, bão số 10 chỉ có sức gió mạnh cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của bão sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, khiến bão có thể thay đổi rất nhanh và khó dự báo.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.
Từ 1 giờ ngày 4-11 đến 1 giờ ngày 5-/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km; đến 1 giờ ngày 5-11 vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0-16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Từ 1 giờ ngày 5-11 đến 1 giờ ngày 6-11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Đến 1 giờ ngày 6-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Từ ngày 6-11 đến ngày 7-11, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực miền Đông của Campuchia.
Từ đêm 4-11 đến ngày 6-11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm/đợt; Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Từ ngày 5-7/11 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Trên biển, hiện bão số 10 đang hoạt động trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông, với không khí lạnh có cường độ ổn định.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 10 nên ngày và đêm 4-11, trên vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4-6 m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều 4-11 tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5 m, biển động mạnh.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1, riêng vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông cấp 3.
Thời tiết các khu vực ngày và đêm 4-11: Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng, gió nhẹ, sáng sớm và đêm và trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C, cao nhất 24-27 độ C, riêng khu Tây Bắc 26-29 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng, gió Đông Bắc cấp 2-3, sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C, cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Thủ đô Hà Nội không mưa, trưa chiều giảm mây hửng nắng, gió Đông Bắc cấp 2-3, sáng sớm và đêm và trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ C, cao nhất 24-27 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa rào vài nơi, riêng phía Nam từ chiều có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, cao nhất 23-26 độ C.
Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào rải rác và có nơi có dông; từ chiều phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to, gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 27-30 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi, từ chiều có mưa rào và dông rải rác, gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 30-33 độ C.
Theo TTXVN (bienphong.com.vn 04/11)
Y TẾ
1. Thầy thuốc trẻ Cần Thơ chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ miền Trung
Ngày 3-11, bác sĩ Cao Minh Chu - giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ - cho biết, Đội Thầy thuốc tình nguyện của Cần Thơ đang có chuyến khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà cho bà con vùng lũ tại Thừa Thiên Huế.
Với tinh thần chia sẻ với bà con vùng bị ảnh hưởng bão lũ, nhằm giúp bà con chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống sau khi nước rút, đoàn viên thanh niên, những thầy thuốc trẻ Cần Thơ đã xung phong lên đường ngay những ngày sau khi cơn bão số 9 vừa đi qua.
"Số lượng đăng ký đi đợt này khá đông, ai cũng trên tinh thần tự nguyện xung kích với mong muốn góp chút sức mình chia sẻ với bà con miền Trung; cuối cùng phải lọc lại số lượng 40 y, bác sĩ đi đợt này đảm bảo đầy đủ các chuyên khoa, chăm sóc sức khỏe cho bà con", bác sĩ Huỳnh Minh Phú - chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Cần Thơ - nói.
Trong lịch trình khám chữa bệnh và tặng quà từ 29-10 đến 3-11, đoàn đã thăm khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho trên 700 lượt người dân tại hai xã Hương Xuân (huyện Hương Trà) và xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài các loại thuốc điều trị, đoàn cũng chuẩn bị một số lượng lớn thuốc bổ và vitamin, cấp phát miễn phí. Đoàn còn trao tặng 700 suất quà (mỗi phần quà gồm tiền mặt, gạo, sữa cùng các nhu yếu phẩm) để trao đến các hộ gia đình khó khăn của hai địa phương này.
Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Cần Thơ còn tặng máy phát điện cho Trạm y tế xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), để phục vụ cho việc khám chữa bệnh tại trạm trong những lúc mưa bão, lũ lụt mất điện. Tổng giá trị cho hoạt động hỗ trợ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà lần này là trên 720 triệu đồng, cùng hiện vật là thuốc, gạo, mì gói, sữa, tập vở. (tuoitre.vn 03/11)
2. Xu hướng tất yếu nhưng cơ chế còn bất cập - Bài 1: Rèn sức người đứng đầu
Ưu điểm của chủ trương tự chủ ở bệnh viện công là động lực thúc đẩy các bệnh viện “thay da đổi thịt” về mọi mặt, người bệnh được hưởng lợi từ nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và được coi là những khách hàng thực sự. Nhưng mặt khác, chủ trương này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và các đơn vị đang cần được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp hơn để phát huy những ưu điểm trên.
Giải quyết được nhiều vấn đề, nếu ổn
TCTC tại các đơn vị y tế công lập có nhiều mức khác nhau, tùy theo năng lực: Tự chủ đảm bảo một phần chi thường xuyên; tự chủ chi thường xuyên; tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Tại Thừa Thiên Huế, phần lớn các đơn vị đang dừng ở mức tự chủ một phần chi thường xuyên, 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chưa có đơn vị nào đảm bảo tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn). Trong đó, Bệnh viện Mắt Huế thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ tháng 7/2019, trong khi Bệnh viện Phục hồi chức năng mới bắt đầu từ tháng 1/2020.
Kể từ thời điểm Bệnh viện Phục hồi chức năng tự chủ chi thường xuyên, ngoài phần ngân sách khoảng 7 tỷ đồng/năm chi lương cho viên chức và người lao động, Sở Y tế cũng không còn phân bổ kinh phí chi thường xuyên khoảng 800 triệu đồng/năm để đơn vị chi trả điện, nước, độc hại… Khoản chi này sẽ được bệnh viện cân đối thu chi từ nguồn thu viện phí của đơn vị. Trong 2 năm 2018 và 2019, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế đã tự chi trả lương toàn bộ cho viên chức và người lao động. Năm 2019, sau khi cân đối các khoản thu-chi, bệnh viện trích nộp 35% theo quy định khoảng 1,4 tỷ đồng.
Theo Bác sĩ cao cấp (BSCC) Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng, tự chủ chi thường xuyên giúp đơn vị giải quyết được nhiều vấn đề, nâng cao thu nhập cho người lao động nhưng chỉ là khi đơn vị hoạt động ổn định, khai thác tốt công suất hoạt động… Tuy nhiên, Bệnh viện Phục hồi chức năng đã gặp rủi ro ngay trong năm đầu tiên thực hiện tự chủ chi thường xuyên vì dịch COVID-19.
“Nếu không có COVID-19, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo các nguồn thu như những năm trước, đảm bảo đủ lương và có thu nhập tăng thêm đầy đủ cho CBNV. Riêng năm nay, mất gần 5 tháng COVID-19, công suất hoạt động của bệnh viện chỉ đạt mức 40%, các nguồn thu không đảm bảo nên bệnh viện gặp khó. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã thâm hụt hơn 1,2 tỷ đồng”, bác sĩ Hiền cho biết.
Tuy vậy, với tinh thần sống chung với dịch, Bệnh viện Phục hồi chức năng tiếp tục đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối thiểu các nguy cơ dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tranh thủ các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính tự chủ. “Chúng tôi chỉ hy vọng 3 tháng cuối năm, tình hình dịch COVID-19 có thể tạm ổn để làm việc, có thu nhập để đảm bảo các khoản chi cuối năm cho anh em”, bác sĩ Hiền bày tỏ.
Coi trọng sự hài lòng của người bệnh
Từ một Trạm Mắt ra đời năm 2005 với 15 nhân viên, thực hiện khoảng 200 ca mổ mỗi năm, đến nay Bệnh viện Mắt Huế đã là một trong những bệnh viện chuyên khoa hạng II, là một trong bốn bệnh viện chuyên khoa mắt hàng đầu của cả nước và vươn lên đơn vị y tế công lập đầu tiên của tỉnh thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Kiến trúc hiện đại và tọa lạc ở vị trí đẹp, Bệnh viện Mắt Huế có nhiều lợi thế để xây dựng môi trường y tế thân thiện “đẹp như công viên, sạch như ở nhà”, tạo được cảm giác gần gũi, dễ chịu cho người bệnh. Tại đây, tất cả các phòng bệnh được lắp điều hòa nhiệt độ và các phòng tiểu phẫu được trang bị máy sưởi ấm. Các khối nhà và khuôn viên bệnh viện được trang bị nhiều cây xanh, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp. Các khoa, phòng đều duy trì “5S” để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, gồm: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, sẵn sàng, săn sóc.
Chăm sóc người thân đang điều trị tại đây, cứ rảnh rỗi là bà Dương Thị T. (Phú Bài, TX. Hương Thủy) lại ra ngồi ngoài dãy ghế ngoài hàng lang hóng mát. Gió chiều thoáng lộng, lại mát mắt với những chậu trầu bà vươn lá xanh ngắt, bà T. vui vẻ: “Đi bệnh viện mà sạch sẽ như ri thì không chỉ người bệnh vui vẻ, mau khỏe mà đến người đi chăm cũng không chán. Yên tâm hơn nữa là khỏi ngại việc lại đưa bệnh về nhà sau khi ra viện”.
Trong hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân từng chọn Bệnh viện Mắt Huế làm nơi gửi gắm niềm tin, các bác sĩ, nhân viên nơi đây vẫn không quên được câu chuyện của ông Đoàn G. (hơn 90 tuổi). Ông Đoàn G. ngụ tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, được Bệnh viện Mắt Huế miễn phí toàn bộ chi phí cho ca phẫu thuật đục thủy tinh thể vừa qua. Trước khi đến Bệnh viện Mắt Huế, ông trải qua 2 ca phẫu thuật ở bệnh viện khác. Gia đình khó khăn, con cái làm ăn xa, ông G. tuổi cao sức yếu cũng đành phải đi viện một mình với sự lo lắng thường trực và nỗi sợ cô đơn. Nhưng bằng sự yêu thương đối với người bệnh và tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế, ông G. được bệnh viện lo ăn từng bữa, dìu đỡ những bước chân và được hỗ trợ toàn bộ chi phí, sắp xếp chuyến xe đưa ông về nhà. Ngày xuất viện, ông đến ôm lấy từng nhân viên của khoa và tạm biệt trong dòng nước mắt rưng rưng: “Cám ơn các con đã chăm sóc ông như ba của mình. Ba về, hôm nào ba lại lên thăm…”.
Khi thực hiện TCTC, người đứng đầu cơ quan có thể phát huy hết khả năng “thuyền trưởng” của mình. Điều này đúng với Bệnh viện Mắt Huế và Bệnh viện Phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Bệnh viện Mắt Huế có hơn 90 CBNV, hoạt động trong 13 khoa, phòng. Hàng năm, bệnh viện tổ chức khám cho hơn 60.000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật cho khoảng 6.500 trường hợp. Trước khi chính thức tự chủ chi thường xuyên, đơn vị thực hiện một phần tự chủ chi thường xuyên. 5 năm trở lại đây, bệnh viện tự chủ hoàn toàn việc trả lương và nay bệnh viện đang nỗ lực để tiếp tục đứng vững giữa “bão” COVID-19 và nhiều thách thức khác trong nhiệm vụ tự chủ.
“Chúng tôi vẫn đang tiến rất thận trọng trên lộ trình TCTC về chi thường xuyên. Chúng tôi nhận thức rất rõ bệnh nhân chính là khách hàng, là sự sống còn của bệnh viện. Để có bệnh nhân, chúng tôi phải tìm mọi cách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cung cấp được sản phẩm dịch vụ hài lòng người dân. Chỉ khi hài lòng, người dân mới tin tưởng và chọn lựa dịch vụ của chúng tôi, giúp chúng tôi tạo ra nguồn thu. Đó là yếu tố quan trọng nhất của một đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên”, BSCKII. Phạm Minh Trường - Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế nói.
TS. Nguyễn Nam Hùng, nguyên Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Mặc dù tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau, nhưng nhiệm vụ đầu tiên của các cơ sở y tế công lập là phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao là bảo đảm khám chữa bệnh cho tất cả người dân, từ người nghèo, người tham gia bảo hiểm y tế đến người có khả năng chi trả các dịch vụ. Hiện nay, ở tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế chưa thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế, chưa có liên danh liên kết trong công tác khám chữa bệnh nên không có tình trạng lạm thu, tăng giá dịch vụ y tế vượt mức quy định và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khám chữa bệnh. (baothuathienhue.vn 04/11)
THỂ THAO
1. Agribank đồng hành giải chạy VnExpress Marathon Huế
Ngân hàng Agribank cùng Ban tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để runner có trải nghiệm tốt nhất tại đường chạy VnExpress Marathon Huế vào ngày 27/12.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị ủng hộ, đồng hành giải chạy tại Huế từ những ngày đầu tiên phát động giải chạy. Không chỉ đóng vai trò nhà tài trợ chính, phối hợp cùng ban tổ chức chuẩn bị chu đáo nhất cho hành trình trải nghiệm của runner, Agribank còn liên tục kêu gọi, khuyến khích tập thể nhân viên tích cực tập luyện thể thao đi đôi với cống hiến.
Trên các cung đường VnExpress Marathon Huế vào ngày 27/12, hàng chục nhân viên Agribank khắp cả nước đã đăng ký bốn cự ly gồm 5 km, 10 km và 21 km và 42 km. Theo đại diện ngân hàng, các runner đều háo hức, tranh thủ tập luyện sau mỗi giờ tan sở để đủ sức lẫn kỹ năng chinh phục đường chạy dài.
"Việc tài trợ và tham gia giải chạy ở Huế là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của một 'ngân hàng vì cộng đồng', khuyến khích lối sống năng động đến mọi người. Giải chạy cũng động viên cán bộ toàn hệ thống tích cực tập thể thao, nâng cao sức khỏe, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực toàn diện, bên cạnh trau dồi kiến thức nghiệp vụ", đại diện Agribank nói thêm.
Anh Trung Tín (chi nhánh Huế) cho biết đã đăng ký cự ly 21 km và tập trung rèn sức bền vào mỗi buổi tối. Anh và nhiều đồng nghiệp vạch kế hoạch luyện tập chi tiết, các bài khởi động, tăng số km lên mỗi ngày, giãn cơ. Chế độ ăn uống phù hợp, nạp đủ nước và chất điện giải có thể các runner quen thuộc với các cự ly dài.
Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2020 do VnExpress phối hợp UBND tỉnh Thừa thiên Huế tổ chức vào ngày 27/12, với mong muốn mở ra sân chơi lành mạnh cho người yêu thể thao, nhất là chạy bộ. Sự kiện lần đầu đến với Huế, dự kiến thu hút hơn 5.000 VĐV từ trong và ngoài nước.
Runner sẽ chạy qua nhiều di tích, lăng tẩm và những cung đường cổ kính, rợp bóng cây xanh như: chùa Thiên Mụ, Đại nội, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền, trường THPT Quốc Học Huế và Hai Bà Trưng... VĐV và gia đình cũng có thể kết hợp tham quan, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đất cố đô. Tham khảo cung đường, chi tiết giải chạy tại đây. (vnexpress.net 04/11)
DU LỊCH
1. Gợi ý trải nghiệm du lịch Huế
Thừa Thiên - Huế Dù đến bất kỳ đâu, du khách nên xem dự báo thời tiết để có chuyến đi trọn vẹn và phù hợp với mục đích ban đầu.
Huế là điểm du lịch được nhiều người yêu thích. Một trong những yếu tố quyết định chuyến đi của bạn thuận tiện, đúng lịch trình và thoải mái là thời tiết. Cố đô không chia thành 4 mùa rõ rệt như các tỉnh miền Bắc mà có hai mùa chính là nắng và mưa.
Mùa nắng thường diễn ra từ tháng 1 đến tháng 8. Bạn có thể cảm nhận chút gió lạnh nhè nhẹ cùng mưa phùn dư âm Tết trong ba tháng đầu. Nắng gắt sẽ tập trung chủ yếu vào tháng 6, 7, 8. Nếu du lịch Huế thời gian này, bạn đừng quên trang bị áo khoác, kem chống nắng.
Mùa mưa Huế thường từ tháng 9 đến 12, trong đó tháng 9 và 10 tập trung những cơn mưa lớn do chịu ảnh hưởng của các dòng áp thấp và bão. Tháng 11, 12 là những ngày mưa đặc trưng cố đô - nhỏ và rả rích kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Nếu bạn là người lãng mạn và yêu mưa, hai tháng cuối năm là lựa chọn không tồi. Nếu có dịp, du khách nên thử cảm giác nhâm nhi tách cà phê dưới hiên quán cổ kính, lắng nghe nhạc Trịnh qua giọng hát Khánh Ly...
Nếu thích lịch sử và kiến trúc, quần thể di tích Cố đô Huế - nơi 13 đời vua triều Nguyễn trị vì - là điểm đến không nên bỏ qua. Ngoài Đại Nội, lăng tẩm được mọi người chú ý là lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... Ngoài ra, Cung An Định cũng thu hút cộng đồng du lịch khi liên tục xuất hiện trên phim và MV ca nhạc.
Nếu muốn tìm hiểu văn hóa tâm linh người Huế, du khách có thể thăm các chùa Thiên Mụ, Từ Hiếu, Từ Đàm, Diệu Đế, Thiền Lâm hay chùa Huyền Không Sơn Thượng...
Bên cạnh đó còn có nhiều địa điểm nổi tiếng khác đi vào thi ca như dòng sông Hương thơ mộng. Du khách có thể thực hiện tour khám phá dọc hai bờ sông, lần lượt đi qua lăng Gia Long, điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, chùa Thiên Mụ, Quốc Học Huế, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Cồn Hến...
Với sự phát triển của mạng xã hội, các cộng đồng du lịch hiện hoạt động khá sôi động. Người trẻ không ngừng tìm kiếm điểm check-in hấp dẫn, thỏa mãn về phần hình ảnh lẫn trải nghiệm. Nếu có thời gian, bạn nên trải nghiệm chèo sub trên sông Hương; ngắm hoàng hôn ở Phá Tam Giang và các bãi biển; chinh phục đỉnh núi Hòn Vượn; làm hương tại Thủy Xuân; ngắm sương khói lãng đãng trên dòng Ô Lâu ở làng cổ Phước Tích hay thưởng thức ẩm thực ở phiên chợ quê yên bình...
Nét ẩm thực Huế
Một phần không thể thiếu làm nên nét đặc trưng Huế là ẩm thực, với hàng trăm món ăn từ dân dã đến cao lương mỹ vị. Nếu đến cố đô, du khách nên thử hương vị bánh bèo, nậm, lọc, một bát bún bò, vài cái bánh xèo, nem lụi... hay ổ bánh mỳ Tràng Tiền về đêm.
Ẩm thực Huế khá đa dạng và phong phú. Với 5.000 đồng, bạn có thể thưởng thức hàng chục món khoái khẩu như bánh bao chiên, xôi gấc, cháo gạo, bánh ép... Nhiều khách đến cố đô thích cảm giác ngồi ngắm sông Hương, đồi Vọng Cảnh, nhâm nhi chén tào phớ (tàu hũ) bên hông chùa Thiên Mụ.
Huế cũng được xem là thủ phủ của các món chè, thạch. Bạn có thể thưởng thức món thạch đen, trắng với giá 5.000 đồng, đi kèm là đậu xanh, dứa ngâm, nước cốt dừa... Món này bán nhiều ở chợ Cống, đường Nguyễn Lộ Trạch, thạch dì Liễu đường Thạch Hãn hay các chợ nhỏ. Hoặc nếu thích chè heo quay, du khách có thể tìm đến quán mệ Tôn Đích trước công viên Thương Bạc... (vnexpress.net 04/11)
DOANH NGHIỆP
1. Tập đoàn Đầu tư Việt Phương hỗ trợ người dân gần 400 triệu đồng khắc phục hậu quả bão lũ
Sáng 3/11, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương cùng các đơn vị trong hệ thống đã trao 200 triệu đồng hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả lũ lụt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Tập đoàn.
Đại diện tập đoàn gửi lời chia sẻ với những thiệt hại, mất mát mà Nhân dân Thừa Thiên Huế gánh chịu sau đợt mưa lũ vừa qua, mong muốn số tiền hỗ trợ sẽ giúp người dân vùng lũ khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.
Trước đó, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương cùng các đơn vị trong hệ thống đã trao 1.250 suất quà với tổng trị giá hơn 192 triệu đồng cho bà con ở các xã thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền thông qua Công ty TNHH Premium Silica Huế.
Thay mặt lãnh đạo và Nhân dân trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình cảm ơn tấm lòng hảo tâm mà Tập đoàn Đầu tư Việt Phương dành cho bà con vùng lũ Thừa Thiên Huế, đồng thời cho biết, Uỷ ban MTTQ tỉnh sẽ quản lý, phân bổ hợp lý, đúng mục đích và đúng đối tượng số tiền hỗ trợ này. (baothuathienhue.vn 03/11)
2. Viettel hỗ trợ 3 tỷ đồng giúp Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả bão lũ
Chiều 3/11, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã trao 3 tỷ đồng hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế vượt qua khó khăn do bão lũ, sớm ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Tập đoàn.
Trong những ngày qua, Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân.
Theo thượng tá Phan Xuân Hồng, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế, kinh phí hỗ trợ từ nguồn đóng góp của cán bộ công nhân viên Tập đoàn nhằm giúp đỡ tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai. Đồng thời, mong muốn số tiền hỗ trợ sẽ giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Thay mặt lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình cảm ơn tình cảm sự sẻ chia kịp thời của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đối với bà con vùng lũ Thừa Thiên Huế, đồng thời cho biết, UBMTTQ tỉnh sẽ quản lý, phân bổ hợp lý, đúng mục đích và đúng đối tượng. (baothuathienhue.vn 03/11)
3. Dược Hậu Giang cùng 27 bác sĩ tình nguyện đến Huế giúp người dân vùng lũ
Thời gian qua, mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề cho Miền Trung. Người dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả. Với tinh thần tương thân tương ái, Dược Hậu Giang tiếp tục gửi những chia sẻ kịp thời đến miền Trung yêu thương.
Sáng 1/11, Dược Hậu Giang và đoàn thầy thuốc tình nguyện đã có mặt tại phường Hương Xuân (Thị trấn Hương Trà, huyện Hương Trà) và xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) để kịp khám và phát thuốc miễn phí cho người dân. Đây là hai nơi đầu nguồn lũ, chịu thiệt hại nặng nề nhất nhưng điều kiện tiếp cận y tế lại cực kỳ khó khăn.
Trận lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm, cuốn trôi nhiều tài sản và gây chia cắt giao thông nghiêm trọng đẩy người dân tại Hương Xân và Quảng Thọ vào tình trạng khó khăn. Chưa kịp khắc phục hậu quả, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão của cơn bão số 9, nhiều gia đình tại đây tiếp tục chịu nhiều hậu quả nặng nề. Người dân gặp khó khi vừa cạn kiệt tài chính, vừa bị cô lập sau bão. Nhiều cơ sở y tế cũng bị nước lũ tràn vào, gây hư hỏng thuốc dự trữ lẫn thiết bị y tế, chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu người dân.
Trước tình hình đáng báo động về sức khỏe của người dân, ông Huỳnh Minh Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, các dịch bệnh sau lũ quét, mưa bão (tiêu chảy cấp, bệnh hô hấp, viêm mắt, nấm tay chân, sốt xuất huyết...) mới chính là mối hiểm họa đáng lo hơn cả đối với người dân.
Do đó, việc hỗ trợ y tế cho người dân trong giai đoạn này có vai trò rất quan trọng. Đoàn đã huy động lượng lớn bác sĩ, triển khai kịp thời hoạt động khám chữa các bệnh phổ biến cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ tổn thương như người già và trẻ nhỏ.
Cùng với tài trợ của Dược Hậu Giang, 10 dược sĩ cũng đã sát cánh cấp phát miễn phí các loại thuốc thiết yếu nhất lúc này cho người dân. Trong đó, có đến 29 loại thuốc kháng viêm, giảm đau hạ sốt, tai mũi họng, dị ứng, kháng sinh, tim mạch, thần kinh, vitamin, khoáng chất, tiêu hóa, gan mật, kháng nấm, nhỏ mắt... với số lượng lớn.
Được khám tim mạch và phát thuốc thời điểm này, những người già neo đơn như vợ chồng ông Trần Tín (xã Quảng Thọ) như trút được nỗi lo. Ông tâm sự, bao ngày dầm mưa khiến sức khỏe ông bà đi xuống, nhưng do tuổi già sức yếu không thể đi lại xa, nên chỉ đành gắng gượng ở nhà. Nhờ có đoàn bác sĩ tình nguyện đến tận xã khám và phát thuốc đúng lúc, cả hai mới kiểm soát được chứng bệnh mạch vành.
Được biết, chương trình khám và phát thuốc miễn phí là hoạt động thường niên suốt 18 năm qua do Dược Hậu Giang và Đội thầy thuốc tình nguyện (Sở Y Tế TP Cần Thơ) phối hợp thực hiện. Doanh nghiệp cũng đã tài trợ hơn hàng chục tỷ đồng, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn hàng trăm ngàn người nghèo trên khắp mọi miền cả nước.
Cũng trong ngày 1.11, trong chương trình văn nghệ gây quỹ "Cần Thơ hướng về miền Trung" do Ủy ban Nhân dân TP.Cần Thơ chỉ đạo thực hiện với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Cần Thơ, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình TP.Cần Thơ, thay mặt Ban chấp hành Đảng ủy cùng toàn thể CB.CNV Công ty, Ban Tổng Giám đốc DHG Pharma quyết định trích 300 triệu đồng chia sẻ với đồng bào miền Trung. Đồng thời, công ty cũng hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho gia đình cán bộ công nhân viên đang sinh sống tại miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt. Tổng số tiền dành cho hoạt động lần này do toàn thể cán bộ công nhân viên công ty tự nguyện quyên góp ủng hộ.
Cả nước đang hướng về miền Trung, sự chung tay của DHG Pharma chính là sự chia sẻ đầy nhân văn. DHG Pharma mong rằng, sự ủng hộ này sẽ góp một phần nhỏ giúp vơi đi những khó khăn mà đồng bào miền Trung đang gặp phải. Rất mong người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống. (giadinh.net.vn 03/11)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Ổn định, phục hồi cuộc sống sau bão lũ
Cùng với việc tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến mới của thời tiết, huyện A Lưới đang dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Cùng ổn định cuộc sống
Mưa vừa dứt, căn nhà ông Lê Văn An (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) cũng nhanh chóng được dựng lại. Cả chục thanh niên cùng lực lượng các chiến sĩ biên phòng, dân quân… cùng nhau lợp lại mái nhà, dọn dẹp cây gãy đổ, bùn đất giúp ông An sớm trở lại cuộc sống thường nhật. Trong căn nhà vừa được sửa sang, ông An xúc động: “Nếu không được hỗ trợ, giúp đỡ, chắc phải mất thời gian dài, chúng tôi mới làm lại được nhà”.
Mưa bão trong tháng 10/2020 khiến hàng trăm căn nhà tại huyện A Lưới bị sập, tốc mái, hư hỏng; hơn 2.676 hộ/9.709 khẩu phải di dời để tránh bão số 9 hoặc nằm trong vùng nước ngập sâu và nguy cơ sạt lở cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ngay sau khi nước rút, các lực lượng đã hỗ trợ người dân sửa lại nhà bị tốc mái, dọn dẹp bùn đất, khắc phục sự cố sạt lở.
“Người dân cùng lực lượng công an, biên phòng, thanh niên, dân quân… chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân cùng các lực lượng còn vệ sinh môi trường, dọn dẹp các tuyến đường để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Nỗ lực của các đơn vị cùng sự đồng lòng của người dân nên nước rút đến đâu, công tác khắc phục được triển khai nhanh đến đó”, ông Hùng nói.
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Nước ngập ở nhiều căn nhà khiến lương thực của người dân bị ướt. Các đơn vị chức năng tại huyện A Lưới đã nhanh chóng kết nối các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm để người dân vượt qua giai đoạn khó nhất, động viên tinh thần để người dân “đứng dậy” sau mưa, lũ.
Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới cho biết, thông qua kênh kết nối của Mặt trận, đến cuối tháng 10/2010, đã tiếp nhận và phân bổ hơn 8.750 suất quà với tổng trị giá hơn 2,9 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ được phân bổ hợp lý về các địa phương chịu thiệt hại do mưa lũ, ưu tiên giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Lê Văn Nghếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn thông tin, từ gắn kết giữa người dân với thôn xã và từ xã với các ban ngành của huyện, khó khăn của người dân sau mưa lũ dần được giải quyết. Thiệt hại của người dân được các lực lượng rà soát kỹ và báo cáo lên huyện hằng ngày; từ đó các ban, ngành, đơn vị chức năng nắm được nhu cầu người dân. Đến nay, người dân không chỉ nhận được giúp đỡ về lương thực, nhu yếu phẩm mà một số trường hợp còn được hỗ trợ một phần kinh phí để sửa sang lại nhà cửa bị sập, hư hỏng.
Dốc sức khắc phục hậu quả
Bên cạnh các giải pháp cứu trợ, giúp đỡ khẩn cấp cho người dân, huyện A Lưới đặt ra nhiều giải pháp để khắc phục hệ thống giao thông, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị cho mùa vụ đông xuân.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, đợt mưa lũ dài ngày khiến gần 60 công trình thủy lợi, nhiều công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng. Nông nghiệp bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp người dân. Vụ đông xuân năm nay dự kiến bắt đầu sớm, từ khoảng ngày 20/12, vì vậy việc khắc phục hậu quả do mưa lũ trong nông nghiệp sẽ được làm khẩn trương.
“Rất nhiều địa phương có nhiều công trình về thủy lợi, nông nghiệp bị hư hỏng. Chúng tôi đang tiếp tục tập trung lực lượng rà soát kỹ để có hướng xử lý. Những khu vực bị bồi lấp nhiều, công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng không thể trồng lúa nước sẽ chuyển đổi cây trồng lương thực, chủ yếu sang cây ngô. Đối với những địa phương, khu vực có mức độ hư hỏng các công trình thủy lợi ít hơn, sẽ tập trung khắc phục, sửa chữa nhanh để phục vụ tưới tiêu cho vụ mới. Ngành nông nghiệp huyện và các địa phương cũng đang chuẩn bị nguồn giống cho vụ mới”, ông Lập khẳng định.
Các tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ăn và đi lại của người dân. Theo lãnh đạo huyện A Lưới, đối với nhiều đoạn đường bị sạt lở nặng, nhất là tuyến Quốc lộ 49A, đường Hồ Chí Minh, huyện đã có những kiến nghị với Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục hạ tầng, đảm bảo các công trình giao thông trọng điểm.
Trong điều kiện có thể, huyện đang chỉ đạo khắc phục sớm với một tuyến đường, công trình phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Với những khu vực nguy cơ sạt lở cao nhưng cần nguồn vốn và thời gian sửa chữa, huyện cũng bố trí lực lượng, phương tiện cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân. (baothuathienhue.vn 03/11)
2. Phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2021
Sáng 3/11, HĐND TP. Huế khóa XII, nhiệm kỳ 2016- 2021 khai mạc Kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 để thông qua các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (DA) dự kiến khởi công mới năm 2021 và Nghị quyết về điều chỉnh tổng quyết toán ngân sách năm 2019.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Huỳnh Cư nhấn mạnh, song song với công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ trong thời gian qua, từ kỳ họp chuyên đề lần thứ 8 đến nay, UBND TP. Huế và các phòng ban chuyên môn đã tích cực chuẩn bị hồ sơ tiếp theo cho các DA dự kiến khởi công mới trong năm 2021.
Đây là những DA có vai trò quan trọng trong việc góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cấp cơ sở trường lớp của ngành giáo dục, những DA mà cử tri thành phố đã nhiều lần kiến nghị qua các kỳ họp trước… Kỳ họp lần này với các Nghị quyết được thông qua sẽ tạo điều kiện cho thành phố tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của các DA theo quy định của Luật đầu tư công 2019.
Trồng, thay thế cây xanh đường phố là một trong số 12 DA được HĐND thành phố Huế thông qua tại kỳ họp lần này
Tại kỳ họp, HĐND thành phố nhất trí cao và thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 27 DA, gồm hạ tầng kĩ thuật khu dân cư Hổ Quyền – Voi Ré với tổng vốn đầu tư khoảng 95 tỷ đồng, phê duyệt chủ trương đầu tư nhóm các DA về trường học với 9 DA như: DA trường tiểu học Thủy Biều - hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng, trường THCS Duy Tân - hạng mục các phòng chức năng, DA trường mầm non I - hạng mục khối nhà 3 tầng 4 phòng học và 5 phòng chức năng, DA trường mầm non An Tây - hạng mục khối nhà 3 tầng 6 phòng học và 5 phòng chức năng… khoảng 89 tỷ đồng.
Ngoài ra, 12 DA thuộc nhóm các DA chỉnh trang đô thị cũng được HĐND TP. Huế thông qua ở kỳ họp này, gồm: DA nâng cấp đường Nguyệt Biều (giai đoạn 2); chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội); DA chỉnh trang vỉa hè đường Trần Cao Vân (từ đường Hà Nội đến đường Bến Nghé - Đội Cung); trồng, thay thế cây xanh đường phố năm 2021; DA cải tạo, nâng cấp kết nối trung tâm hệ thống đèn tín hiệu giao thông…
Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các DA dự kiến khởi công mới năm 2021 gồm 5 DA, trung tâm văn hóa phường Thuận Thành, hạ tầng kĩ thuật khu đất xen ghép tổ 4 – khu vực 2 - phường An Đông, hệ thống thu thoát khí và lớp phủ cuối cùng ô số 8 thuộc bãi chôn lấp rác số 2 Thủy Phương, cắm mốc giới theo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu khu Trung tâm văn hóa phía Tây Nam và DA cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch phân khu phường Kim Long với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 13,5 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 03/11)
3. Cần thu hút mọi nguồn lực - Bài 2: Cơ chế để thu hút đầu tư
Nguyên nhân dẫn đến hạ tầng giao thông trên địa bàn chưa đồng bộ là do hạn chế về vốn. Đây là bài toán mà Thừa Thiên Huế cần xây dựng cơ chế và những chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trong thời gian đến.
Nhu cầu vốn lớn
Theo lãnh đạo ngành GTVT địa phương, mấy năm nay, đơn vị mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Trung ương, lãnh đạo địa phương thực hiện phương châm không đầu tư dàn trải để chuyển sang đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần tạo hệ thống giao thông ở địa phương có những dấu ấn mới.
Ấn tượng nhất ngoài hệ thống đường cao tốc La Sơn-Túy Loan, Cam Lộ-La Sơn; hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng, Hải Vân 1 đã, đang ra đời, phải kể đến hệ thống cầu vượt phá Tam Giang- Cầu Hai, như Trường Hà, Tư Hiền, Hòa Xuân, Thuận An, Tam Giang; trong đó hai cầu Trường Hà và Tư Hiền là công trình cầu lớn nhất miền Trung.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng giao thông sắp đến rất lớn. Ngoài chú trọng duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông hằng năm, sở ưu tiên đề xuất những tuyến đường có tính liên kết để phát triển và tập trung vào những vùng khó khăn, cấp thiết để tạo động lực cho phát triển kinh tế của từng địa phương. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho giao thông giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 46.996 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư cho các công trình ở địa phương khoảng 27.245 tỷ đồng.
Hiện tại, DA đường ven biển từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc khoảng 127km; trong đó, có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên chiều dài còn 85km và nhiều công trình cầu cống trên tuyến với mức đầu tư trên 6.480 tỷ đồng đã khởi động. Đối với huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trong trung hạn và dài hạn cũng khá lớn. Thống kê sơ bộ, nhu cầu từ các địa phương trong việc đầu tư, nâng cấp làm đường và cầu cống lên hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại TP. Huế hiện đã đẩy mạnh nâng cấp chỉnh trang hệ thống các trục phố trung tâm kiểu mẫu, sắp đến, tiếp tục mở rộng tuyến ở cửa ngõ phía nam, đông, tây..., góp phần cho đô thị Huế theo hướng xanh- sạch- sáng, là đô thị thông minh, phát triển dịch vụ, du lịch xứng tầm một thành phố văn hóa di sản, cảnh quan.
Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý Đô thị Huế, một trong những khó khăn lớn nhất trong phát triển hạ tầng giao thông là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. TP. Huế đề xuất các cấp cần có cơ chế chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi đầu tư các tuyến đường giao thông theo quy hoạch...
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang chia sẻ, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn thời gian đến tập trung chủ yếu mở rộng các TL kết nối các xã vùng biển đến vùng trũng, ven phá. Nguồn lực đầu tư còn chờ vào quyết định cấp trên, song điều bức thiết nhiều năm nay địa phương mong muốn cần sớm nâng cấp, mở rộng tuyến TL10A, cầu Phú Thứ để kết nối đồng bộ với TL10G, TL10B,10C... góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện nghèo phát triển.
Đề xuất nhiều giải pháp, chính sách
Để thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến đường do địa phương quản lý, gần đây, ngành GTVT tham mưu UBND tỉnh đề xuất nhiều giải pháp, chính sách mời gọi, thu hút các nguồn lực.
UBND tỉnh đề nghị bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ trọng điểm ở địa phương, như công tác thẩm định an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông, rà soát quy hoạch lại hệ thống giao thông của địa phương... để có cơ sở điều tiết giao thông. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thời gian đến phù hợp quy hoạch vùng, quốc gia.
Ngành GTVT đã phác họa bức tranh tổng thể về các trục giao thông trọng điểm đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 trên cơ sở Quyết định 1174 của UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015; đồng thời có bổ sung điều chỉnh phù hợp thực tế hiện tại theo Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Theo đó, nhiều công trình mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, như đầu tư mở rộng nâng cấp các TL đi qua vùng đồng bằng, miền núi... đạt tiêu chuẩn cấp III đến cấp V; mở các trục từ TP. Huế đến vùng biển; đường ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc; đường Tố Hữu (TP. Huế) về cảng HKQT Phú Bài; các tuyến giao thông ngoài cảng chuyên dụng Điền Lộc (Phong Điền); cảng Thuận An (Phú Vang); đường Vành đai 3 nằm phía tây TP. Huế, hệ thống cầu bắc qua sông Hương, phá Tam Giang...
Ngoài ra, sẽ đầu tư một số tuyến ở khu vực hành lang kinh tế đông tây, kết nối với cảng biển Chân Mây và cửa khẩu Hồng Vân, Cu Tai ở vùng cao A Lưới... để tăng tính liên hoàn, thuận lợi, góp phần chiết giảm chi phí logistic trong kết nối giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng.
Để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cần có những cơ chế, chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vay ưu đãi nước ngoài, thu hút đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư)... nhằm tạo sự đột phá trong thu hút vốn tư nhân tham gia đầu tư. Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương bằng nhiều nguồn; trong đó có thể bằng nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông...
Do nguồn vốn hạn chế nên nhiều đường chưa được đầu tư kịp thời dẫn đến thiếu đồng bộ trong việc khớp nối. Quá trình triển khai các DA gặp nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng... ảnh hưởng đến tiến độ DA, như QL49B qua xã Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc); đường Phong Điền-Điền Lộc (Phong Điền)... (baothuathienhue.vn 03/11)
4. Nhà phòng chống lụt bão phát huy tác dụng
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 2.280 căn nhà ở phòng chống lụt bão (PCLB); trong đó dự án GCF hỗ trợ 545 căn. Năm 2020, 180/180 căn nhà được sự hỗ trợ của dự án GCF đã khởi công xây dựng, trong đó 176 căn đã hoàn thành.
Tránh trú tại chỗ
2020 là năm khu vực miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chịu tác động nặng nề của Lanina (hiện tượng nước biển ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường gây nên nhiều cơn bão trên Đại Tây Dương). Điều này liên tiếp gây ra nhiều trận lụt, bão lớn trong thời gian qua gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, dân sinh. Trong đó, cơn bão số 5 và số 9 khiến nhiều ngôi nhà trên địa bàn sụp đổ, tốc mái.
Các đợt lũ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm nay khiến nhiều gia đình mất hết tài sản. Tuy nhiên, vẫn có hàng ngàn hộ tự chủ được chỗ trú ẩn an toàn, bảo vệ được tính mạng, đảm bảo được tài sản gia đình. Trong đó, gần 2.300 ngôi nhà PCLB được xây dựng theo QĐ48 của Thủ tướng (chương trình xây dựng nhà ở PCLB) và sự hỗ trợ của dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (GCF) đã phát huy được tác dụng, giúp người dân thích ứng tốt hơn với mưa bão.
Trở lại thăm bà Nguyễn Thị Tháo (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) khi lũ vừa rút. Bà Tháo không giấu được phấn khởi. Trước đó, bà còn e dè nhận tiền hỗ trợ từ dự án GCF để xây nhà vì lo khoản tiền hỗ trợ không đủ xây dựng phải vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nay bà lại vui vì quyết định của mình.
Bà Tháo nói: "Rất may chính quyền địa phương vận động, tôi mới mạnh dạn nhận hỗ trợ rồi vay thêm một ít để xây nhà PCLB. Nhờ vậy, 2 trận bão lớn vừa qua, gia đình không thiệt hại. Còn mấy đợt lũ vừa rồi nước ngập sâu nhưng do nhà có sàn chống lũ, hai mẹ con chuyển tất cả đồ đạc lên gác nên không lo lắng chuyện phải di dời. Không chỉ bảo vệ được tài sản, tránh được mưa gió, căn nhà nhỏ này còn là nơi tránh trú cho nhiều nhà hàng xóm”.
Tiêu chí 3 cứng và 1 sàn chống lũ
Ông Đặng Văn Việt Phương, Điều phối viên dự án GCF tỉnh chia sẻ, sau khi tiết hành khảo sát và đối chứng sau bão, lụt, hầu hết các căn nhà được xây dựng theo dự án nhà ở PCBL đã khẳng định tăng được khả năng thích ứng cho người dân các vùng dễ tổn thương ven biển.
Một trong những tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà ở PCLB giúp tăng khả năng chống chịu trong mưa lũ chính là các ngôi nhà được xây dựng theo thiết kế mẫu quy định. Dù xây mới hay cải tạo đều phải nâng tầng làm sàn PCLB và phải đảm bảo có sàn vượt lũ cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Diện tích sàn sử dụng tối thiểu đảm bảo10m2, các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái xây dựng kiên cố, móng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch, đá, sắt, thép, gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc.
Ngoài ra, nhà trong vùng ngập lụt, đồng thời bị ảnh hưởng của bão phải thiết kế mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.
Theo đề án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 48 của Thủ tướng chính phủ về chương trình nhà ở PCLB, UBND tỉnh đã phê duyệt 3.906 hộ hưởng lợi, thời gian triển khai từ năm 2014-2016. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc trên địa bàn mới chỉ 1.792 hộ; tương đương 46% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại đề án của tỉnh.
Đến tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép tiếp tục gia hạn triển khai chương trình nhà ở theo QĐ 48 kéo dài thêm 4 năm (2018-2021) đối với Thừa Thiên Huế. Ngoài nguồn hỗ trợ QĐ48, dự án GCF hỗ trợ thêm 1.700 USD/hộ, tỉnh cam kết bố trí vốn đối ứng theo QĐ48 để thực hiện dự án trung bình 15 triệu đồng/nhà. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo được tiếp thêm nguồn lực hoàn thành chương trình này.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, các trận bão, lụt vừa qua một lần nữa chứng minh tính hiệu quả của những căn nhà PCLB. Việc xây những căn nhà này không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn mà còn chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Năm 2020-2021 trên địa bàn có 981 hộ có nhu cầu xây dựng nhà ở PCLB, ban quản lý dự án đang xây dựng kế hoạch xây dựng năm 2021 nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng dễ bị tổn thương ven biển. (baothuathienhue.vn 04/11)