|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Vì sao sạt lở đất nhiều như thế? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yếu tố đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét. Khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80% đến 90%, nhưng "mưa thối đất" tới hàng nghìn mm thì sẽ gây sạt lở. Mặt khác, khu vực sạt lở tại Trà Leng (Quảng Nam) không có thuỷ điện nào, tại Hướng Hóa (Quảng Trị) nơi 23 chiến sĩ bị vùi lấp thì cũng cách khu vực núi 1,6 km, tại Rào Trăng 3 khu vực sạt lở cách núi từ 200 m đến 300 m…
Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông còn công tác ở Quảng Nam, cũng từng xảy ra đợt mưa rất lớn, dẫn tới lở đất mặc dù “lúc đó rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được”. Lãnh đạo Chính phủ kể, cách đây 7-8 năm, khi còn làm Phó Thủ tướng, ông lên Lào Cai thấy lũ xuất hiện, mưa 2.000 mm trong mấy ngày khiến "hòn đá to bằng mái nhà cũng trôi hết". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện đợt mưa lũ vừa qua để đưa ra các giải pháp cần thiết, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất rừng. Quốc hội cũng đã ra nghị quyết nêu rõ, những công trình nào lấy đất rừng đều phải trình Quốc hội.
Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ phủ xanh rừng lớn, hơn 43%, đây là sự cố gắng và sắp tới phải làm tốt hơn nữa việc phủ xanh.
Tại thảo luận tổ Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân kích hoạt sạt lở là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục ở khu vực miền Trung.
Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.
"Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100 mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó, khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài", ông Trần Hồng Hà cho hay. Bên cạnh đó, hoạt động nhân sinh cũng là một trong những yếu tố gây ra vấn đề này.
Với những dạng tai biến thiên tai cực đoan, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa, ông Trần Hồng Hà nhận định.
Trước một số thông tin cho rằng hồ, đập, thủy điện ở miền Trung xả lũ gây ngập lụt cho một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thực tế, số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn không chứng minh điều đó.
Ví dụ, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28/10, nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây, chính nhờ hồ có khả năng điều tiết, chứa nước đã giúp cắt lũ tới 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28/10 là ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu. “Chúng ta duy trì kéo dài sang ngày 29 và 30/10 mới xả nước ở mức độ thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu. Mặc dù vẫn còn có vùng ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, nhưng đây là vấn đề khác mà chúng tôi muốn báo cáo đại biểu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Tư lệnh ngành công thương khẳng định chưa bao giờ lượng mưa lớn như vừa rồi. Theo báo cáo, miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm, thậm chí 3.000 mm.
“Với thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn, liên tục, khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng sụt lở gây tai nạn rất thương tâm, từ Rào Trăng 3 cho đến Trà Leng, gây thiệt hại lớn về người và của cho địa phương”, ông Tuấn Anh nhận định.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tác động của hoạt động kinh tế xã hội tới môi trường là vấn đề phải đánh giá kỹ. Song, ông khẳng định tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt.