TIN NÓNG
1. Người trồng cao su trắng tay sau bão số 9
Người dân huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vượt khó, phủ xanh những quả đồi trọc bằng những cánh rừng cao su xanh mướt. Thế nhưng, sau cơn bão số 9, họ phải lâm cảnh trắng tay vì nhiều diện tích cao su bị gió bão quật gãy…
Bão số 9 đi qua, chúng tôi lên xã Hương Phú, huyện Nam Đông và không khỏi xót xa khi chứng kiến những khoảnh rừng cao su xanh mướt ngày nào được người dân trồng 2 bên tuyến đường liên thôn, liên xã nay tiêu điều, gãy đổ la liệt do gió bão.
Ông Huỳnh Hoàng (76 tuổi, ở thôn Hà An, xã Hương Phú) đang dùng rựa để chặt bỏ những cây cao su gãy ngang thân. Hỏi chuyện, ông Hoàng buồn bã nói rằng, từ năm 1993, vợ chồng ông chọn hướng trồng cao su lấy mủ bán để phát triển kinh tế. Sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng cao su, bỏ công chăm sóc, vợ chồng ông lên đến 1,4ha. Thế nhưng, khi đến thời kỳ cây cao su cho mủ nhiều thì giờ coi như mất trắng.
Chung tình cảnh với gia đình ông Hoàng, ở thôn Hà An có hàng chục hộ dân trồng cao su và những diện tích rừng cao su này đều bị gió bão quật gãy. Ngồi bên vườn cao su ngã rạp, gãy đổ sau bão, bà Lê Thị Liên (52 tuổi) xót xa nói rằng, hơn 20 năm về trước, gia đình bà vay vốn để mua cây giống, phân bón trồng gần 2ha cao su. Cây cao su chỉ khai thác lấy mủ sau 10 năm tuổi nên qua nhiều trận bão khiến cao su bị gãy đổ, đến nay gia đình bà Liên vẫn chưa thu hồi được số vốn đầu tư vào vườn cao su.
“Hết cơn bão này qua lại cơn bão khác đến khiến vườn cao su của gia đình tôi tiêu điều. Vợ chồng tôi từ nay tay trắng vì bao vốn liếng dồn vào vườn cao su mất hết. Giờ cây nào không trồng lại được thì vợ chồng tôi đốn hạ lấy gỗ, còn về lâu dài, chúng tôi sẽ tính toán phương án chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng miền núi này”, bà Liên than thở.
Thống kê của UBND xã Hương Phú, toàn xã có khoảng 400 hộ dân trồng cao su với tổng diện tích gần 500ha. Trong đó cây cao su nội đồng được người dân trồng tập trung chủ yếu ở 3 thôn, gồm Hà An, Phú Nam, Đa Phú với diện tích 32ha, bị bão số 9 quật gãy đổ hơn 50%, gây thiệt hại nặng nề. Hiện, xã đang thống kê số hộ dân có diện tích cao su gãy đổ để có phương án hỗ trợ người dân tận thu gỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời sẽ kiến nghị các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giúp người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn.
Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, do ảnh hưởng của bão số 9, địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến 10 xã, thị trấn của huyện đều có thiệt hại về nhà cửa, cây trồng các loại, trong đó xã Hương Phú bị thiệt hại nặng nhất.
Cụ thể, ngoài làm 5 nhà sập, hơn 400 nhà dân và 5 trường học, trụ sở cơ quan tốc mái, bão số 9 còn làm 2.500ha rừng keo lá tràm, hơn 1.500ha cao su đang thời kỳ khai thác mủ, gần 30ha rau màu, hơn 25ha cây hàng năm và 10ha cây ăn quả gãy đổ… gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân ở địa bàn huyện.
Sau bão số 9, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương các xã phối hợp với lực lượng Công an xã và các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn giúp người dân lợp lại mái nhà, sửa chữa nhà cửa hư hỏng; thu dọn cây cối gãy đổ, vệ sinh môi trường để ổn định lại cuộc sống. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiểm tra, thống kê diện tích cao su, rừng keo lá tràm của người dân bị gãy đổ do bão để có phương án khắc phục... (cand.com.vn 01/11)
2. “Khát” sách giáo khoa
Lũ chồng lũ, bão chồng bão, học sinh ở Thừa Thiên Huế đang “khát” sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập để có thể trở lại trường sau khi nước rút. Trong lúc này, các em cấp tiểu học đang phải chật vật trong chuyện học khi toàn tỉnh có gần 6.000 bộ SGK bị ngâm nước.
Tranh thủ trời có nắng, chị Ngô Thị Ánh (Hương Toàn, TX. Hương Trà) đem SGK của con ra phơi. Nhìn các cuốn sách còn lấm lem bùn, chị buồn rầu: “Nước lên nhanh lại vào ban đêm nên mọi người trở tay không kịp. Từ sáng tới chừ lật từng trang sách, phơi được cuốn mô hay cuốn ấy chơ hai đứa con học tiểu học không biết lấy tiền mô ra mà mua lại”. Ở khu vực này, có trên 100 đứa trẻ không giữ được sách vở, mặc dù nhiều em đã kịp bọc nilon và gác lên cao. Tôi hiểu nỗi lo của chị Ánh, khi nước rút, có lẽ không giản đơn chỉ chuyện cơm áo gạo tiền mà những bộ SGK, áo quần đồng phục và những cuốn tập cho con đi học trở lại cũng trở nên bức thiết hơn lúc nào hết.
Một trong những khó khăn đối với ngành giáo dục ở vùng lũ chính là thiệt hại sách, vở, thiết bị dạy học của học sinh. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 26.000 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, ước tính thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Đặc biệt, học sinh tiểu học ở các địa phương bị ướt gần 6.000 bộ SGK và hàng ngàn cuốn SGK lẻ. ở Phong Điền thiếu 1.723 bộ sách giáo khoa, Quảng Điền: 1.400 bộ, TX Hương Trà: gần 700 bộ, Phú Vang: 357 bộ, Nam Đông: 231 bộ, A Lưới: trên 1.090 bộ... Trong đó, nhiều trường tiểu học như: số 1 Hương Văn, số 2 Hương Xuân, số 1 Hương Toàn, số 1 Hương Vinh, Văn An (TX. Hương Trà)… bình quân mỗi trường có đến gần 200 em thiếu SGK. Các trường tiểu học Phong Xuân, Hòa Mỹ, Trần Quốc Toản, Điền Lộc, Điền Hải (Phong Điền)… thiếu bình quân 100 cuốn SGK/trường học khiến việc dạy và học trở nên khó khăn.
Khó khăn hơn trong việc mua SGK cho học sinh vẫn là sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tính sơ bộ cũng có đến 1.200 bộ SGK lớp 1. Trong khi, mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau, có trường thì chọn Bộ Cánh diều, trường thì chọn Kết nối tri thức… Thế nên, không dễ dàng mua ngay được SGK dù năm học đã qua được 2 tháng. Giá cả lại “không mềm” khi chỉ tính 8 cuốn cũng tầm 200.000 đồng/bộ. Trong khi, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là trắng tay khi đồ đạc bị hư hại, tài sản bị vùi lấp trong đất đá hoặc bị cuốn trôi nên việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua sách vở cho con sẽ là một gánh nặng.
Nhiều gia đình bị lụt/ngập nước phải sơ tán nên không chỉ có SGK mà còn vở học, áo quần… của các em cũng không sử dụng được. Thế nên, giáo viên ở nhiều trường thuộc vùng thấp trũng khá chủ động trong việc tìm các nguồn để hỗ trợ sách cho học sinh trường mình. Những cuốn sách có khả năng “học tạm”, cô và trò lại lau bùn, sấy khô, phơi nắng… Một số trường sử dụng SGK trong thư viện, xin sách cũ để cho các em học. Chưa kể, nhiều giáo viên tự quyên góp, vận động bạn bè hỗ trợ sách giáo khoa cho trường mình. Dẫu vận động chưa được nhiều nhưng ít ra cũng giải quyết tình thế trước mắt, để hai em có thể học một cuốn sách trong thời đểm này.
Cô giáo Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Phong Điền) cho biết: Trường có 950 học sinh thì có đến 200 em bị ướt SGK không thể sử dụng được. Phụ huynh đều rất khó khăn không thể mua SGK cho con nên nhà trường đã đi xin sách cũ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để bố mẹ mua sách lớp 1 cho các em, đến nay, SGK cơ bản đã ổn định.
Bà Nguyễn Tâm Nhân, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: Trước tình hình cấp bách, Sở GD&ĐT kêu gọi các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm cung cấp SGK, vở, thiết bị dạy học cho các trường học. Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam thông báo tiếp nhận sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12, các dụng cụ học tập cho học sinh để phân phối cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề trong lụt, trong đó, có Thừa Thiên Huế. Hiện, sở cũng tiếp nhận SGK của một số tổ chức, cá nhân và sẽ chuyển kịp thời đến các trường bị thiệt hại nặng, không để xảy ra tình trạng “học chay” kéo dài.
Mục tiêu lớn nhất mà toàn ngành giáo dục hướng tới là sớm ổn định tình hình, đưa các em học sinh tới trường. Do vậy, ngành sẽ cố gắng cung cấp đủ sách giáo khoa cho các em có thể đi học, sau đó sẽ từng bước khắc phục các thiệt hại khác về cơ sở vật chất cho nhà trường và giúp đỡ các gia đình giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh gặp khó khăn. (baothuathienhue.vn 02/11)
3. Thừa Thiên Huế: Hơn 14km bờ biển sạt lở do mưa bão
Bão số 9 vừa qua đã khiến Thừa Thiên Huế thiệt hại nhiều mặt, trong đó có hơn 14km bờ biển tiếp tục bị sạt lở.
Sạt lở nặng
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, bão số 9 đi qua địa bàn không có người chết, nhưng bị thương 14 người, hàng ngàn nhà bị tốc mái. Thiệt hại nặng nhất nằm ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Hàng chục điểm trường ở huyện Phú Lộc cũng hư hỏng do bão.
Tại huyện Nam Đông, thống kê sơ bộ có 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà bị tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan bị hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước xói lở, sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp. Ước tính ban đầu có hơn 2.500 ha rừng trồng keo và khoảng hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại; 20 con gia súc (trâu, bò, lợn), 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt...
Tại huyện A Lưới, có 530 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 1 nhà bị sập. Nhiều địa điểm bị sạt lở, trong đó bị sạt lở taluy dương đoạn km 76+500; nhiều vị trí khác có nguy cơ sạt lở đoạn từ km 68-km77+800. Dọc đường HCM và các tuyến đường nội thị nhiều cây xanh đổ ngã...
Do ảnh hưởng của bão số 9 triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14km. Trong đó, đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km sâu vào 7-10m làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21, khả năng mở cửa biển mới rất cao. Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3,0 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ. Xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5km; xã Hải Dương, TX Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 1km; xã Phong Hải, huyện Phong Điền tiếp tục bị sạt lỡ bờ biển dài 3km chiều sâu xói lở từ 5-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ.
Bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; bờ sông Bồ đoạn qua thôn Bồ Điền, Phong An, huyện Phong Điền bị sạt lở 150m, sâu 5m.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai nên mức độ thiệt hại của bão số 9 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những thương vong về người, tài sản, các tuyến hạ tầng đường viễn thông, đường điện bị gián đoạn. Sạt lở nặng nề về bờ biển trên toàn tỉnh...
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa nhà của người dân bị tốc mái. Yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói, rét. Tiếp tục rà soát thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ chi tiết trên từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo, hộ yếu thế bị ảnh hưởng do bão, lĩnh vực nào cấp bách thì cần phải hỗ trợ ngay để người dân sớm ổn định cuộc sống. Huy động toàn lực lượng, hệ thống xã hội, sức dân để khắc phục hậu quả, ra quân tổng vệ sinh môi trường toàn tỉnh...
Kiểm tra tại huyện Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo huyện cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.
Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Nam Đông cần có khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn, để có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo huyện cần thống kê, nắm lại số liệu thiệt hại của người dân, trong đó có các loại cây trồng như cao su, keo, tràm…; có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ. Đồng thời qua đây cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn. (baotainguyenmoitruong.vn 01/11)
4. Sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại Thừa Thiên – Huế
Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ dài ngày vừa qua đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế càng gia tăng.
Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ dài ngày vừa qua đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế càng gia tăng, nhất là ở các địa điểm xung yếu biển ăn sâu vào đất hàng chục mét, uy hiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân, nguy cơ cao mở thêm cửa biển mới.
Giang Hải là xã bãi ngang ven biển của huyện Phú Lộc, có đường bờ biển dài 4km. Hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng phức tạp, hằng năm thường ăn sâu vào đất liền từ 10 – 15m, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống dân sinh của nhân dân trên địa bàn xã. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ.
Chỉ tay về phía biển ông Nguyễn Quang Tăng, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải chia sẻ: Phần bờ biển này ngày xưa là đất ruộng. Rồi biển xâm thực, mỗi năm một ít, có năm lấn vào đất liền hai chục mét, không biết vài năm nữa sẽ ra sao.
Nhất là khi bão số 9 đi qua, biển lại tiếp tục ăn sâu vào đất liền hơn chục mét, các hàng quán kinh doanh phục vụ khách tắm biển đã bị đánh sập hoàn toàn; tuyến Tỉnh lộ 21 cũng bị sóng đánh gây xói lở, đứt gãy gần cả cây số, ảnh hưởng đến giao thông, bà con đi lại rất khó khăn.
Sau bão số 9, tình trạng sạt lở bờ biển xã Giang Hải trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều đoạn xói lở sâu vào đến khu vực dân cư. Những hàng phi lao rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi cũng bật gốc, nằm chỏng chơ cạnh chân sóng.
Bà Mai Thị Mãn thôn 1, xã Giang Hải cho biết: Hàng chục năm nay, mỗi khi có mưa bão, người dân phải kéo nhau đi lánh nạn. Đợt bão này lớn, sóng đánh mạnh, quật ngã cây la liệt trên nhiều diện tích rừng phòng hộ, số rừng còn lại không biết có giữ qua được mùa mưa bão này không.
Hơn nữa, sóng lớn cát và nước mặn cũng tràn vô ruộng, không biết đến vụ Đông Xuân có làm được không. Mấy ngày trước bão, dân cùng bộ đội hàng trăm người đã làm đê chắn sóng rồi mà không ăn thua. Chúng tôi, mong muốn chính quyền cấp trên quan tâm, hỗ trợ xây dựng đê kè để người dân ven biển an cư lạc nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết: Do ảnh hưởng của các cơn bão và mưa lũ trên diện rộng, đặc biệt là bão số 9, tình trạng xâm thực bờ biển trên địa bàn xã lại trở nên nghiêm trọng; khiến 2 hecta diện tích rừng phòng hộ thiệt hại hoàn toàn; tuyến Tỉnh lộ 21 có 900m bị hư hỏng 100%, cát vùi lấp khoảng 2km, với khối lượng 350m3.
Đặc biệt là ở thôn Mỹ Cảnh và thôn 4 của xã bị xâm thực 20m, chiều dài khoảng 1km, có nguy cơ mở cửa biển, ảnh hưởng hơn 100 hecta sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và cuộc sống của khoảng 200 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Nhân dân, chính quyền xã Giang Hải mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng kè kiên cố 1,5 km còn lại trên toàn tuyến trên bờ biển.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 10 điểm bị sạt lở với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu của các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở nặng như: Đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7 - 10m, ảnh hưởng đến các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Phong Hải, huyện Phong Điền tiếp tục bị sạt lỡ bờ biển dài khoảng 3 km, chiều sâu xói lở từ 5 -10m, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân; xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 1 km.
Trước tình hình sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng,Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động vật tư, nhân lực để xử lý tạm thời các điểm sạt lở nặng bờ biển và di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, địa phương đã huy động hơn 1.000 người gồm người dân, dân quân, công an, cán bộ địa phương, chiến sỹ bộ đội biên phòng; các vật tư dự trữ như rọ đá, đá hộc, vải lọc, xử lý khẩn cấp chống xói lở cho 2,5km bờ biển. Xã Phong Hải, huyện Phong Điền cũng huy động lực lượng khoảng 700 người gồm cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng và người dân xử lý sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 1,5 km.
Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp cấp bách, gia cố tạm thời, chỉ giảm tải một phần nào mức độ tàn phá của thiên tai. Về lâu dài, địa phương cần có phương án để thực hiện kiên cố hóa các tuyến đê, kè trên bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Sau các đợt bão lũ vừa qua, do thủy triều lên cao, tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hường Trà; riêng khu vực Phú Vang, Phú Lộc có khoảng 2,5km bị sạt lở nặng cần xử lý khẩn cấp.
Trong thời gian qua, địa phương đã đầu tư xây dựng kiên cố hóa bằng bê tông các tuyến kè biển với chiều dài hơn 4km cho các đoạn xung yếu. Các đoạn kè này đã phát huy tác dụng rất tốt. Với diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa khoảng 3km bờ biển để hạn chế tình trạng biển xâm thực cũng như đảm bảo cuộc sống của người dân./. (bnews.vn 01/11; vietnamplus.vn 01/11; infonet.vietnamnet.vn 01/11)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Trưởng ban Dân vận Trung ương làm việc và tặng quà tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Bà Trương Thị Mai lưu ý, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phát huy hơn nữa phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống lụt bão, tập trung mọi lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên… để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, sớm ổn định đời sống.
Chiều nay (1/11), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế cho biết, thời gian qua, các trận bão lũ đã gây thiệt hại lớn đối với địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần “4 tại chỗ” các cấp ủy, chính quyền các cấp nỗ lực giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm của trung ương, các Bộ, ngành và các tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước kịp thời hỗ trợ cho người dân vượt qua những khó khăn trước mắt.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất ổn định đời sống và tìm kiếm 12 người còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời đánh giá cao công tác phòng chống bão lũ cũng như cứu trợ cho người dân thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Bà Trương Thị Mai lưu ý, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phát huy hơn nữa phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống lụt bão, tập trung mọi lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên… để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, sớm ổn định đời sống.
Theo đó, Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là ổn định đời sống người dân, không để dân bị thiếu đói, bị rét, với phương châm “ai khó khăn đều được giúp đỡ” và “ai là người khó khăn nhất phải được giúp đỡ trước”. Càng khó khăn, càng hoạn nạn thì cán bộ, đảng viên phải nêu gương, hy sinh quyền lợi vì dân, tạo niềm tin cho nhân dân. Thời gian tới mưa bão còn diễn biến phức tạp, chính quyền cần tập trung rà soát, di dời những hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng xung yếu đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…
Dịp này, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai cũng đến thăm, tặng quà cho 100 hộ dân bị thiệt hại nặng do bão lũ gây ra ở phường Hương Văn và Hương Vân, thị xã Hương Trà; thăm và động viên gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, đã hy sinh trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3./. (vov.vn 01/11; nhandan.com.vn 01/11; vietnamplus.vn 01/11; baotintuc.vn 01/11)
2. Đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở
Công an Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị có cách làm sáng tạo khi thực hiện song song và hoàn thành sớm hai đề án “Điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã” và “Kiện toàn lực lượng cảnh sát khu vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Hiệu quả công an chính quy về xã
Bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Pa Hy. Những năm trước đây, tại bản nổi lên tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai với một doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Vấn đề này kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm, gây mất an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.
Tháng 8/2019, Thiếu úy Lê Văn Khiết được điều động nhận nhiệm vụ tại Công an xã Phong Mỹ , cũng là người dân tộc Pa Hy, thấu hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện, anh cùng với những đồng chí công an chính quy khác tại xã đã tuyên truyền, vận động, giải đáp những thắc mắc để bà con hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương trao đổi với doanh nghiệp, thống nhất chủ trương giao lại đất cho hơn 10 hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Đề án “Điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã” là chủ trương lớn của Bộ Công an nhằm xây dựng lực lượng công an 4 cấp theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Sau khi có chủ trương triển khai thực hiện đề án, Công an tỉnh đã nhanh chóng bắt tay xây dựng kế hoạch, rà soát, lựa chọn đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí đề ra và chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành đề án này.
Tính đến nay, có 374 đồng chí công an chính quy được bố trí công an cấp xã, đảm bảo 100% xã, thị trấn đều có công an chính quy. Sau khi được bố trí về xã, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực bám địa bàn, bám cơ sở, tình hình ANTT tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Sau 1 năm, lực lượng công an chính quy tại xã đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký thường trú cho 2.156 hộ với 10.818 nhân khẩu; tiếp nhận 555 vụ, việc liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn, phối hợp với các đội nghiệp vụ của công an huyện giải quyết 409 vụ, việc. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an cấp trên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về ANTT, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý 68 trường hợp, phạt tiền hơn 81 triệu đồng.
Kiện toàn lực lượng cảnh sát khu vực
Song song với việc triển khai thực hiện đề án trên, ngày 1/7/2019, Công an tỉnh cũng triển khai đề án “Kiện toàn lực lượng cảnh sát khu vực (CSKV) công an Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Thực hiện đề án này trên cơ sở rà soát, đánh giá lại chất lượng CSKV trên toàn tỉnh để có sự điều chỉnh, bổ sung, thay thế, hoàn thiện đội ngũ CSKV; xây dựng lực lượng này ngày một lớn mạnh, tinh thông nghiệp vụ, gần dân, sát dân, thực sự là lực lượng nòng cốt, chiến lược trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Hiện nay, gần 100% khu vực trên địa bàn tỉnh đều được bố trí CSKV, so với trước đây tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đội ngũ CSKV được bổ sung, thay thế, tăng cường theo đề án đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: trình độ đại học trở lên, độ tuổi dưới 40, năng động, có trách nhiệm, quá trình phấn đấu tốt. Mặc dù chỉ mới tiếp cận, phụ trách địa bàn trong thời gian ngắn nhưng các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn để bám sát địa bàn ô khu vực, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ANTT. Qua đó, kịp thời phát hiện di biến động nhân, hộ khẩu. Chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSKV được nâng lên rõ rệt, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống các loại tội phạm...
Sau 1 năm triển khai thực hiện đề án, lực lượng CSKV toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.024 tin, tăng 983 tin so với trước khi triển khai đề án; đã phối hợp các đơn vị và trực tiếp xác minh làm rõ 468 vụ, việc với 819 đối tượng, đạt gần 94%, phạt tiền hơn 969 triệu đồng; vận động, thu hồi 14 súng cùng nhiều vật liệu nổ khác…
Việc xây dựng và triển khai thực hiện song song hai đề án này là sự sáng tạo của Công an Thừa Thiên Huế, phù hợp với thực tiễn tình hình ANTT tại địa phương. Lực lượng công an được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở phường, xã. Đây cũng là tiền đề cơ bản để lực lượng Công an tỉnh ngày càng sát dân, hiểu dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, kiềm chế gia tăng tội phạm, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho người dân (baothuathienhue.vn 02/11)
3. Xác định được danh tính thêm 3 nạn nhân tìm thấy tại Rào Trăng 3
Danh tính 5 nạn nhân tử vong do sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã được xác định.
Ngày 1/11, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm ADN, cơ quan chức năng tiếp tục công bố danh tính 3 nạn nhân tử vong đã được tìm thấy thi thể tại hiện trường sạt lở thuộc thủy điện Rào Trăng 3.
Đó là các nạn nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa (trú phường Phước Vĩnh, TP Huế), Nguyễn Bá Tuyến (SN 1989, trú xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trương Đình Nội (SN 1986, trú xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Trước đó, 2 nạn nhân đã được xác định danh tính và bàn giao gia đình lo hậu sự là anh Trần Văn Lộc (SN 1995, trú xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) và Đặng Hữu Phong (SN 1994, trú Xuân Hòa, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị).
Thi thể 3 nạn nhân vừa được xác định danh tính này đã được bàn giao cho gia đình tổ chức lo hậu sự.
Đến ngày 31/10, qua 20 ngày tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 12 người trong tổng số 17 nạn nhân bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trong ngày 31/10, do mưa lớn xuất hiện trên diện rộng tại Thừa Thiên Huế, để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng đã tạm thời dừng tìm kiếm, rút từ thủy điện Rào Trăng 3 về khu trú tránh mưa lũ thuộc thủy điện Rào Trăng 4. (baovephapluat.vn 02/11)
4. Xác định được danh tính 5 thi thể tìm thấy ở Rào Trăng 3
Đến ngày 31/10, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 mới tìm được 5 thi thể trong tổng số 17 nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Danh tính 5 nạn nhân tử vong đã được xác định và công bố.
Ngày 31/10, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, danh tính 5 thi thể được các lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy ở Rào Trăng 3 thời gian qua đã được xác định.
Trước đó, 2 nạn nhân đã được xác định danh tính và bàn giao gia đình lo hậu sự là anh Trần Văn Lộc (SN 1995, trú xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) và Đặng Hữu Phong (SN 1994, trú Xuân Hòa, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị).
Đến ngày 31/10, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng tiếp tục công bố danh tính 3 nạn nhân tử vong đã được tìm thấy thi thể tại hiện trường sạt lở thuộc thủy điện Rào Trăng 3.
Đó là các nạn nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa (trú phường Phước Vĩnh, TP Huế), Nguyễn Bá Tuyến (SN 1989, trú xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trương Đình Nội (SN 1986, trú xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Thi thể 3 nạn nhân vừa được xác định danh tính này đã được bàn giao cho gia đình tổ chức lo hậu sự.
Đến ngày 31/10, qua 20 ngày tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 12 người trong tổng số 17 nạn nhân bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trong ngày 31/10, do mưa lớn trên diện rộng ở Thừa Thiên Huế, để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng không thực hiện công tác tìm kiếm tại Rào Trăng 3. Lực lượng cứu hộ tạm thời rút từ thủy điện Rào Trăng 3 về khu trú tránh mưa lũ thuộc thủy điện Rào Trăng 4. (tienphong.vn 31/10)
5. Thu hẹp dần phạm vi tìm kiếm công nhân mất tích tại Rào Trăng
Để tranh thủ tận dụng thời tiết nắng ráo, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các lực lượng cần khẩn trương đẩy nhanh công tác tìm kiếm trước khi cơn bão số 10 có thể tiến vào khu vực miền Trung.
Ngày 1/11, các hoạt động tìm kiếm những công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được triển khai trở lại. Trong ảnh: Các máy xúc đang tích cực hoạt động để tìm kiếm 12 công nhân bị mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. (vietnamplus.vn 01/11)
6. Đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3
Lực lượng cứu hộ với phương tiện máy móc được huy động tối đa đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh công việc tìm kiếm trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.
Ngày 1/11, các hoạt động tìm kiếm những công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã được triển khai trở lại. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các lực lượng tranh thủ thời tiết nắng ráo, khẩn trương đẩy nhanh công tác tìm kiếm trước khi bão số 10 có thể tiến vào khu vực miền Trung.
Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, tại hiện trường đã xuất hiện nhiều vũng bùn đất sét khiến cho công tác tìm kiếm thêm phần khó khăn.
Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tá Phan Thắng cho biết với những nỗ lực của lực lượng cứu hộ cùng với phương tiện máy móc được huy động tối đa, hiện trường tìm kiếm những công nhân bị mất tích đang dần được thu hẹp. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh công việc tìm kiếm trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.
Do đã khoanh vùng và xác định những vị trí tìm kiếm, trong ngày 1/11, các lực lượng đã tập trung phương tiện máy móc đào bới tại những vị trí có khả năng cao tìm thấy các nạn nhân dưới lớp đất đá. Công tác tìm kiếm cũng được thực hiện rất thận trọng, khi có những dấu hiệu nghi ngờ, đội chó nghiệp vụ sẽ được huy động để cùng tham gia tìm kiếm.
Tuy nhiên, đến 17 giờ ngày 1/11, chưa có thêm thêm nạn nhân nào được tìm thấy. Những nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cùng mọi phương tiện cần thiết đã được huy động tối đa sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác này trong những ngày tới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm, chia sẻ và trao quà cứu trợ cho tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Sẻ chia những mất mát mà tỉnh phải hứng chịu do thiên tai gây ra, Chủ tịch Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam cho biết Trung ương Hội đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai; bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực, làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục bão lũ cho người dân; giúp bà con sớm khôi phục cuộc sống, kinh tế và sản xuất.
Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà tiền mặt cho 100 hộ dân nghèo tại xã Thủy Vân, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do ngập lụt trong đợt thiên tai xảy ra vừa qua. Đặc biệt, tại hai gia đình có công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn công tác đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và trao tặng các phần quà động viên gia đình nạn nhân vượt qua đau thương, mất mát.
Cảm động trước sự quan tâm, chia sẻ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thân nhân nạn nhân Phan Chí Thanh (phường An Cựu, thành phố Huế) đã bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc và mong muốn sớm vượt qua khó khăn. Anh Phan Chí Thanh (sinh năm 1995) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện nay, anh và 11 nạn nhân khác trong vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa được tìm thấy./. (vietnamplus.vn 01/11)
XÃ HỘI
1. Trao hỗ trợ cho nhân dân bản Sê Sáp
- Ngày 1-11, đoàn công tác Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ gồm lương thực và nhu yếu phẩm cho nhân dân bản Sê Sáp, huyện K’Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào.
Đoàn công tác của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ cho 49 hộ thuộc bản Sê Sáp, Lào, mỗi hộ gồm: 20kg gạo, dầu ăn, nước mắm, xúc xích, cá hộp và một số thuốc chữa bệnh thông thường như giảm đau, đau bụng, đau đầu...
Do mưa lũ kéo dài nên đường lên biên giới bị sạt lở nhiều điểm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm đã dùng xe máy để chở hàng từ đập thủy điện Sê Sáp tới Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái, từ đó bà con bản Sê Sáp sẽ tới nhận tại đường biên giới giữa 2 nước.
Trước đó, do tình hình mưa lũ kéo dài, các hộ dân bản Sê Sáp bị thiếu lương thực trầm trọng, ngày 29-10, UBND huyện A Lưới cũng ủy quyền cho Đồn Biên phòng Nhâm trao hỗ trợ 2 tấn gạo và 100 thùng mỳ tôm cho nhân dân bản Sê Sáp.
Ông Khăm Sin, Trưởng bản Sê Sáp xúc động nói: “Mấy tháng nay, do phải phòng, chống dịch Covid-19, cửa khẩu qua Việt Nam đóng nên người ở bản Sê Sáp không thể sang Việt Nam mua bán, đời sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dịp này trời mưa lâu, bà con không đi lao động được được nên nhiều gia đình không còn gì để ăn. Nay, có gạo, thức ăn và thuốc chữa bệnh của UBND huyện A Lưới, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, bà con sẽ không còn lo đói nữa. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền huyện A Lưới, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồn Biên phòng Nhâm đã hỗ trợ, giúp đỡ người dân bản Sê Sáp vượt qua khó khăn này”. (bienphong.com.vn 01/11)
2. Thừa Thiên Huế: Phân bổ hơn 10.000 kg lương khô cho các địa phương thiệt hại do mưa lũ
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định phân bổ lương khô cho các địa phương, đơn vị để hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Huế, các thị xã và các huyện căn cứ số lượng lương khô được phân bổ và tình hình thực tế của các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa lũ để hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phân bổ 10.500kg lương khô từ nguồn hỗ trợ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế để khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương: huyện A Lưới 1000 kg lương khô; Thị xã Hương Trà, Thị xã Hương Thủy, Huyện Phong Điền, Huyện Quảng Điền, Huyện Phú Vang, Huyện Phú Lộc, Huyện Nam Đông 800 kg lương khô; TP. Huế 400kg lương khô và 300kg lương khô cho Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Chỉ huy cứu trợ tại Thủy điện Rào Trăng 3.
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở LĐTB&XH phối hợp với Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng lập thủ tục giao, nhận số lượng lương khô nêu trên cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND TP. Huế, các thị xã và các huyện; chịu trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp kiểm tra và đôn đốc việc cấp phát, phân bổ số lượng lương khô đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và theo quy định; hoàn thành việc giao, nhận, phân bổ số lượng lương khô nêu trên đến hết ngày 05/11.
Quyết định nêu rõ, các đơn vị: Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Sở Chỉ huy cứu trợ tại Thủy điện Rào trăng 3 sử dụng lượng lương khô được phân bổ để sử dụng trong thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra.
Được biết, đợt mưa lũ tháng 10 này khiến Thừa Thiên Huế có ít nhất 30 người chết (12 người dân, 5 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 cán bộ chiến sĩ trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), vẫn còn mất tích 12 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm suốt hơn 3 tuần qua; 13 người bị thương. Hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập sâu. Trong khi đó bão số 9 vừa qua cũng khiến 14 người bị thương và hàng ngàn ngôi nhà hư hỏng... (baotainguyenmoitruong.vn 01/11)
3. Chia sẻ với đồng bào và công nhân các vùng bị thiên tai
Ngày 31-10, LĐLĐ TP Huế đã tổ chức "Phiên chợ 0 đồng" hỗ trợ đoàn viên - lao động khó khăn do ảnh hưởng bão lụt.
Hơn 600 phiếu mua hàng được ban tổ chức chuyển đến đoàn viên - lao động khó khăn tại các Công đoàn (CĐ) cơ sở trực thuộc. Mỗi đoàn viên - lao động sẽ nhận được gạo, mì tôm, áo quần, sách vở cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác, trị giá khoảng 400.000 đồng/suất. Đây là lần thứ 3 "Phiên chợ 0 đồng" được đơn vị tổ chức nhằm sẻ chia khó khăn với đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai kéo dài thời gian qua. Tất cả hàng hóa của phiên chợ lần này đều được vận động xã hội hóa từ nhiều nguồn do các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm tài trợ, với tổng trị giá ước tính hơn 200 triệu đồng.
* Qua vận động của CĐ Công ty TNHH ChangShin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), đến ngày 31-10, tập thể công nhân đã tự nguyện quyên góp được hơn 2 tỉ đồng nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Sắp tới, CĐ công ty sẽ trực tiếp về các tỉnh miền Trung để trao tận tay số tiền quyên góp cho người dân các vùng bị thiên tai. Trước đó, CĐ Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vừa trao 480 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhằm ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung. Đây là số tiền do tập thể công nhân tự nguyện đóng góp nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng thiên tai. (nld.com.vn 01/11)
4. Huế: Tập trung lực lượng dọn rác sau lũ
Để xử lý môi trường sau bão lũ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định huy động tổng lực các lực lượng làm vệ sinh môi trường trong 3 ngày từ 30/10 đến 1/11
Chúng tôi đã có mặt tại khu vực Cồn Hến (khu vực 6, phường Vỹ Dạ) nơi trọng điểm của rác thải sau bão lũ và cũng là địa chỉ mà UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND TP Huế chỉ đạo làm sạch môi trường khu vực này.
Phải nói rằng các lực lượng đã vào cuộc rất tích cực. Trong 3 ngày tổng vệ sinh nơi đây, đặc biệt là vào sáng ngày 1/11, hơn 200 nhân lực bao gồm lực lượng quân đội, công an, cảnh sát cơ động, Đoàn viên Thanh niên, dân phòng địa phương, công nhân công ty Môi trường- Đô thị… đã có mặt hầu hết mọi ngõ ngách của khu vực dưới sự chỉ huy của ông Trần Song- Phó chủ tịch UBND thành phố Huế.
Các lực lượng đã triển khai làm việc rất tích cực không nề hà lấm bẩn. Trung tá Phan Văn Thường chỉ huy lực lượng quân đội đã xắn tay vào cuộc cùng dọn dẹp, bốc hàng tấn rác bị chôn lấp dưới bùn trong các lòng hồ cạnh Chùa Pháp Hải
Phó chủ tịch UBND TP Huế Trần Song, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ Nguyễn Văn Phương cũng như các cán bộ chỉ huy, phân công công việc, tất bật tham gia dọn vệ sinh cùng các lực lượng …
Hiệu quả đã rõ nhưng như ông Trần Minh Quả- Chi hội Người Cao tuổi khu vực này cho biết “Người dân đây có thói quen xấu là hễ nước lụt vừa rút là nhà nhà đua nhau vứt rác thải và tất cả những đồ dùng bỏ đi ra đường. Nhưng thực tế rác không đổ ra sông được mà mắc lại xung quanh, nhất là vùng đất quanh khu vực chùa Pháp Hải vì nơi đây cây cối, rào chắn bao quanh, biến khu vực đuồi Cồn Hến là bãi chứa rác thải khổng lồ sau mỗi trận lụt”
Đại đức Thích Nhật Tuệ, chùa Pháp Hải nhận xét: Tôi thấy lạ là nơi đây ngày nào cũng có xe Công ty Môi trường- Đô thị đi lấy rác thì dù lụt hay không người dân cứ chất lại để khi nước rút thì có xe đến lấy, không cớ chi là cứ vứt hết ra môi trường. Vì nếu có trôi xuống sông cũng ảnh hưởng đến môi trường xanh- sạch- đẹp của thành phố. Trong lúc Chủ tịch Phan Ngọc Thọ luôn kêu gọi “Nhặt một cọng rác làm cho thành phố sạch hơn!”
Ông Hồ Văn Thắng, tổ 13 thì bức xúc “Cứ hễ sau mỗi trận lụt là khu vực tôi ở (gần cuối Cồn Hến) lại chứa hàng tấn rác thải của cả khu vực chảy về. Đề nghị chính quyền có biện pháp mạnh, không để tình trạng này tiếp diễn…”
Chúng tôi cho rằng những đề nghị trên là hợp lý. Chính quyền, các tổ chức, đoàn thể của phường Vỹ Dạ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường và nếu cần thì áp dụng biện pháp mạnh xử lý hành chính để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây. Như ông Trần Song, Phó chủ tịch UBND TP Huế nhận xét “Do công tác tuyên truyền của địa phương còn yếu nên ngay cả lực lượng hơn 200 người về làm tổng vệ sinh trong khu vực nhưng người dân tại chỗ thì lại không mấy gia đình cùng chung tay… Thật đáng buồn”
Chính quyền phường Vỹ Dạ cần áp dụng mọi biện pháp để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây
Chính quyền phường Vỹ Dạ cần áp dụng mọi biện pháp để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây
Với thực tế vấn nạn rác ở khu vực 6, phường Vỹ Dạ, chúng tôi cho rằng cả TP Huế đều đang làm rất tốt phong trào “Ngày chủ nhật xanh” nhưng Cồn Hến thì hầu như đứng ngoài cuộc. Chỉ một trục chính Ưng Bình nhưng vì không có hệ thống thoát nước nên người dân vẫn cứ gây nhau chuyện đổ nước ra đường; rác thải dồn đống vì không bỏ vào bao thì xe rác không chịu lấy…Vì vậy, như ông Hoàng Hải Minh, chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Sau làm vệ sinh thì thành phố sẽ cho làm hạ tầng nơi đây! Nhưng trước mắt chính quyền phường Vỹ Dạ cần nêu cao trách nhiệm, không thể để người dân Cồn Hến sống chung với môi trường ô nhiễm… (thuonghieucongluan.com.vn 01/11)
5. TT-Huế: Huy động tổng lực đoàn viên ra quân xử lý môi trường, giúp dân sau bão lũ
Lực lượng Đoàn viên thanh niên tại TT-Huế được huy động tổng lực, với quân số hàng nghìn người đã đồng loạt ra quân xử lý môi trường, làm vệ sinh sau bão lũ; kết hợp giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngày 1/11, Đoàn viên thanh niên thuộc nhiều lực lượng công an, quân đội, khối các cơ quan, phường, xã… trên địa bàn tỉnh TT-Huế đã được Tỉnh Đoàn TT-Huế huy động cùng với người dân, công nhân Cty Môi trường và Công trình Đô thị Huế, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế… tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý môi trường, làm vệ sinh sau đợt lũ kéo dài và bão số 9 vừa qua.
Đây là hoạt động hưởng ứng phát động của UBND tỉnh TT-Huế về việc tổng ra quân tổng vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh, khắc phục hậu quả lụt bão, kết hợp triển khai đề án ngày “Chủ nhật xanh”.
Trong đợt ra quân này, ngoài phong quang, thu gom rác thải và cây xanh đổ ngã tại từng cơ quan, công sở, các lực lượng còn tập trung dọn vệ sinh, xử lý môi trường tại nhiều khu dân cư, các tuyến đường, ao hồ, bờ sông, công viên…
Theo tinh thần phát động ra quân, việc xử lý môi trường, khắc phục hậu quả bão lũ không chỉ tập trung vào ngày “Chủ nhật xanh” mà tiến hành cả “tuần xanh”, “tháng xanh”… để sớm khôi phục lại cảnh quan, môi trường “xanh - sạch - sáng” vốn có của Huế; góp phần ổn định sinh hoạt, đời sống nhân dân sau thiên tai.
Hàng nghìn lượt ĐVTN thuộc nhiều lực lượng, cơ quan, đơn vị tại TT-Huế được huy động xử lý môi trường sau bão số 9.
Theo Tỉnh Đoàn TT-Huế, trong các đợt ra quân, đã có hơn 5.000 lượt đoàn viên thanh niên thuộc nhiều địa bàn, đơn vị, cơ quan và lực lượng vũ trang được huy động giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, kết hợp xử lý môi trường sau khi thiên tai dồn dập đi qua. (tienphong.vn 01/11)
6. Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk tặng quà hỗ trợ các tỉnh Quảng Ngãi và Huế
Sáng ngày 01/11, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến tỉnh Quảng Ngãi và trao phần ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại do bão số 9.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những thiệt hại do bão số 9 gây ra đối với tỉnh Quảng Ngãi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là một tỉnh còn nghèo, nhưng với tinh thần "tương thân tương ái", toàn tỉnh đã quyên góp được hơn 04 tỷ đồng qua tiếp nhận của Ủy ban MTTQ nhằm hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai vừa qua. Phần hỗ trợ tuy không lớn nhưng thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân tỉnh Đắk Lắk với mong muốn nhân dân miền Trung sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Đợt này, đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã trao số tiền 500 triệu đồng và 07 tấn gạo để tỉnh Quảng Ngãi khắc phục hậu quả thiên tai.
Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp hứng chịu những trận bão, lũ, đặc biệt là cơn bão số 9, với sức gió trên cấp 14 gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Toàn tỉnh có 13 người bị thương, 169 nhà bị sập hoàn toàn và gần 85.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Phúc Bình Niê kdăm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng đã đến thăm và trao hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế huế 500triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Kế hoạch, các đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục trao các phần hỗ trợ đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. (baodansinh.vn 01/11)
7. Thừa Thiên - Huế tiếp nhận cứu trợ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Ngày 1/11, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm, chia sẻ và trao quà cứu trợ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sẻ chia những mất mát mà đồng bào tỉnh Thừa Thiên - Huế phải hứng chịu do thiên tai gây ra, Chủ tịch Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam cho biết, Trung ương Hội đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đồng thời, mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực, làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục bão lũ cho người dân; giúp bà con sớm khôi phục cuộc sống, kinh tế và sản xuất.
Các cơn bão và mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 10/2020 vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho địa phương, làm 43 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập chìm trong biển nước. Rất nhiều hộ dân trắng tay, khốn đốn sau bão lũ.
Để chia sẻ những khó khăn của người dân Thừa Thiên - Huế, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/suất cho 100 hộ dân nghèo tại xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do ngập lụt trong đợt thiên tai xảy ra vừa qua.
Đặc biệt, tại hai gia đình có công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn công tác đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và trao tặng các phần quà tiền mặt trị giá 3 triệu đồng cho mỗi hộ nhằm động viên tinh thần nhân thân của nạn nhân vượt qua đau thương, mất mát.
Cảm động trước sự quan tâm, chia sẻ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thân nhân nạn nhân Phan Chí Thanh (phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc và mong muốn sớm vượt qua khó khăn. Anh Phan Chí Thanh (sinh năm 1995) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện nay, anh và 11 nạn nhân khác trong vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 chưa được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Cũng trong dịp này, 30 cán bộ thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hai do mưa lũ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng các phần quà thiết thực bao gồm tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nước sạch…
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho hay, thời gian qua, các cán bộ tỉnh hội đã cùng chính quyền tham gia phòng chống dịch COVID-19, hiến máu nhân đạo và giúp người dân ứng phó, khắc phục bão lũ. Dù gặp nhiều khó khăn, mất mát nhưng với tinh thần cộng đồng, họ đã cống hiến, làm tốt nhiệm vụ cao đẹp của người cán bộ Hội Chữ thập đỏ. Thời gian tới, Trung ương Hội sẽ hướng đến các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, phục hồi đời sống cho cán bộ hội các cấp.
Như vậy, tính từ khi cơn bão số 5 diễn ra đến nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều phần quà, hàng hóa và tiền mặt trị giá 2,1 tỷ đồng.
Dịp này, Đoàn công tác cũng đã trao tặng 3 bộ thuyền máy, xuồng, phao cho Đội ứng phó thảm họa tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đội ứng phó thảm họa huyện Phong Điền và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thay mặt chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cám ơn sự hỗ trợ, động viên đến từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; mong muốn Trung ương Hội cùng chung tay đẩy nhanh quá trình phục hồi, tái thiết cuộc sống người dân địa phương sau thiên tai trong thời gian tới.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thể hiện tốt uy tín và sự chuyên nghiệp trong việc điều phối, tổ chức các hoạt động cứu trợ, cứu nạn cũng như nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, chống thiên tai trong cộng đồng. Đối với các nguồn cứu trợ, tỉnh luôn chủ trương phân phối kịp thời đến tay người dân, đảm bảo cho bà con không bị thiếu đói, thiếu chỗ ở sau mưa lũ.
Đợt cao điểm bão lũ vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm tốt, bài bản công tác phòng chống và cứu hộ, cứu nạn, nhờ đó hạn chế được nhiều thiệt hại xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, "di chứng" của bão lũ để lại vẫn rất nghiêm trọng; nhiều người dân gần như mất hết của cải, nhà cửa; đời sống bà con bị đảo lộn nặng nề. Một số địa phương đến nay vẫn còn bị cô lập, chia cắt.
Đặc biệt, dù khẩn trương cứu hộ nhưng đã 19 ngày trôi qua, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa thể hoàn thành do điều kiện thời tiết khó khăn, nguy cơ sạt lở. Sự mất mát về người vẫn chưa hết nguôi ngoai trong lòng người dân Thừa Thiên - Huế.
Thời gian tới, người dân Thừa Thiên - Huế rất cần những tấm lòng thiện nguyện cùng sự hỗ trợ chung tay của xã hội để phục hồi sinh kế, ổn định cuộc sống một cách bền vững trước những biến động của thiên tai. (baotintuc.vn 01/11)
8. Người dân Thừa Thiên Huế: Xin cám ơn các anh công an của nhân dân!
Trong những ngày miền Trung chìm trong lũ lụt, trên màn ảnh nhỏ truyền hình, hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an trở nên quen thuộc với hàng chục triệu người dân cả nước khi họ không sợ gì bão lũ để đưa người dân đến nơi an toàn; đưa từng gói mì tôm để người dân cầm cự chống lụt, tham gia tìm kiếm cứu nạn…
Thực tế còn dữ dội hơn nhiều, khi chỉ trong vòng tháng 10, miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng liên tiếp gánh 2 cơn bão mạnh; 4 trận lụt lớn… Thiên tai ập xuống miền Trung gây nhiều hậu quả đau thương, tàn khốc. Trong những lúc hoạn nạn đó, vượt lên mọi hiểm nguy, cán bộ chiến sỹ Công an Thừa Thiên Huế đã ngày đêm bám sát địa bàn tiến vào vùng xung yếu, chia cắt, hiểm trở để cứu giúp những người bị nạn.
Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến công an phường Vỹ Dạ, Phú Hậu, Xuân Phú; công an thị xã Hương Thuỷ, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền… giúp dân chạy lũ. Trong cơn gió giật mạnh của bão số 6, công an phường Vĩnh Ninh, Phú Hoà.. điều xe tải hướng dẫn người đi đường tìm chỗ ẩn nấp
Ngay khi nhận thông tin sạt lở đất làm vùi lấp nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân thủy điện Rào Trăng 3, thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn công an tỉnh chạy đua với mưa lũ và thời gian, tìm mọi phương án tối ưu tiếp cận hiện trường nơi những người mất tích. Vượt lên mọi hiểm nguy mưa lũ, sạt lở, sóng gió, đường xa, lực lượng Công an Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế mở đường thủy tiến vào Rào Trăng 3.
Với việc thiết lập “cầu đường thuỷ” ngay trong những ngày đầu tiên, lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng đưa 24 người bị nạn về nơi an toàn và tìm kiếm, phát hiện đưa 2 thi thể về an táng; đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm, trang thiết bị khác phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Nhìn các chiến sĩ công an tay vác, lưng gùi hàng trăm thùng mì tôm, cả tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, nhiên liệu.. đi bằng “Cầu đường thủy” bắt đầu từ xã Hương Bình, (thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Bình đến đập thủy điện Rào Trăng 4, rồi từ đó đi đến thủy điện Rào Trăng 3 để cung cấp cho công nhân và lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở đây trong điều kiện mưa gió nguy hiểm khiến nhiều thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang mất tích tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 đã phải bật khóc.
Chúng tôi đã chứng kiến niềm vui, hạnh phúc của 2 chuyên gia Ấn Độ ở Công trình Thuỷ điện Rào Trăng 3 được các chiến sĩ công an cứu hộ đưa về an toàn. Chứng kiến người thân của các công nhân nước mắt lưng tròng ôm chặt thân nhân của mình khi được lực lượng công an đưa về như “chết đi sống lại”.
Trên trang tin điện tử, dù mưa lũ đang xảy ra, chúng tôi hàng ngày được phòng chính trị Công an tỉnh, công an thành phố cung cấp thông tin, hình ảnh lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố trực tiếp đến từng địa phương chỉ đạo công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai. Những bức ảnh người chiến sĩ công an các địa phương không ngại nguy hiểm, dầm mình trong mưa lũ di dời người và tài sản, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân; kịp thời đưa người bị nạn, ốm đau, thai phụ,.. đi bệnh viện đã giúp những nhà báo chúng tôi bổ sung vào các bài báo thêm sinh động.
Bão lũ đi qua, để lại hậu quả vô cùng nặng nề, để phần nào chia sẽ khó khăn, mất mát của người dân, mỗi một cán bộ chiến sỹ Công an lại tổ chức quyên góp; triển khai các hoạt động cứu trợ, giúp dân tu sửa lại nhà cửa, trường học…. Hàng tỉ đồng, hàng nghìn thùng mì tôm, nước uống, các nhu yếu phẩm khác… đã đến tận tay những người dân vùng lũ, thắp lên hơi ấm tình người.
Nghĩa cử của người chiến sĩ công an khiến đi đâu, đến đâu cũng được người dân nhắn gởi: Cám ơn các anh- Công an của nhân dân! (thuonghieucongluan.com.vn 01/11)
9. Thừa Thiên-Huế: Tiếp nhận trên 65 tỷ đồng tiền, hàng ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão lũ
Tính đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận trên 45 tỷ đồng và trên 20 tỷ trị giá hàng hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trên cả nước hỗ trợ, nhờ vậy đã góp phần giúp bà con bị thiệt hại do bão lũ sớm ổn định cuộc sống.
Sáng ngày 1/11, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Phúc Bình Niê Kdăm dẫn đầu đã đến thăm và trao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế số tiền 500 triệu đồng nhằm chung tay giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả bão lụt, thể hiện tấm lòng nhân ái của đồng bào, chiến sĩ cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu.
Tại buổi tiếp nhận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Nam Tiến cảm ơn nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk dành cho đồng bào vùng lũ.
Đồng thời, ông Nguyễn Nam Tiến cho biết, đến thời điểm này, chỉ tính riêng kênh của Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận trên 45 tỷ đồng và trên 20 tỷ trị giá hàng hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trên cả nước hỗ trợ, nhờ vậy đã góp phần giúp bà con bị thiệt hại do bão, lũ sớm ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi tiếp nhận hàng hóa, chủ yếu là nhu yếu phẩm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phân bổ ngay về các địa phương để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng do bão, lũ.
Riêng tiền mặt, Mặt trận tỉnh đã chuyển trên 40 tỷ cho các địa phương khắc phục hậu quả.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nhân dân các vùng vừa trải qua bão, lũ đang rất cần hỗ trợ để phục hồi sinh kế, chủ yếu là sản xuất rau màu và chăn nuôi. (daidoanket.vn 02/11)
10. Thừa Thiên Huế: Tổng vệ sinh môi trường sau lũ bão
Những ngày qua, hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường kết hợp triển khai Đề án “Ngày Chủ Nhật xanh” để khắc phục hậu quả lụt bão.
Khắp nơi ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác
Mưa lũ làm sinh hoạt của nhiều nhà dân bị đảo lộn hoàn toàn. Dù công tác thu gom rác thải đã được các địa phương thực hiện khá tốt và nhất là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được duy trì đều đặn, thường xuyên trên toàn tỉnh, nhưng môi trường sau lũ vẫn phức tạp do nhiều nguồn thải ứ đọng lâu ngày. Vì thế, ngoài thiệt hại, hư hỏng tài sản, điều người dân lo lắng hơn cả là nguy cơ xảy ra dịch bệnh, do môi trường bị ô nhiễm.
Do ảnh hưởng của các đợt bão, lũ quá nặng, trong khi đó nhân lực, phương tiện để dọn dẹp vệ sinh môi trường tại chỗ thiếu, nên đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn TP. Huế và các vùng thấp trũng ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang... vẫn còn bừa bộn rác thải, bèo, cây cối gãy đổ.
Ưu tiên hàng đầu của các địa phương trong những ngày qua là tập trung khắc phục, xử lý các công trình công cộng để phục vụ việc học tập của các em và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiếp đó là hỗ trợ, vận động bà con chủ động dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải, nhằm phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.
Sau khi UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương ra quân tổng vệ sinh môi trường sau lụt trong 2 ngày 31/10 và 1/11 kết hợp thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh”, hầu khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang và người dân đều có mặt tại các điểm bị ảnh hưởng do ngập lụt, gió bão trong những ngày vừa qua để dọn dẹp vệ sinh.
Ngoài các lực lượng của các phường, xã, thị trấn ở 9 huyện, thị xã, thành phố; hàng trăm công nhân, phương tiện của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế..., trong những ngày này còn có sự tham gia tích cực của hàng trăm đoàn viên, thanh niên, Đại học Huế, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh... Các lực lượng nhanh chóng tỏa về các địa phương để hỗ trợ người dân, chính quyền vệ sinh môi trường, lợp lại nhà cửa, dọn cây gãy đổ, vớt bèo, đắp đê bao chống sạt lở bờ biển...
Tập trung xử lý “điểm đen môi trường” tại cồn Hến
Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ - Nguyễn Hoài Phương cho biết, trong các đợt bão lũ vừa qua, gần như 100% nhà dân, đường giao thông ở cồn Hến ngập chìm trong biển nước. Do các đợt lũ kéo dài cộng thêm địa bàn thấp trũng, nên lượng bùn đất, rác thải từ các nơi đổ về cồn Hến quá lớn. Mặc dù bà con đã chủ động dọn dẹp, nhưng tại các vùng đất canh tác, khu đất công cộng còn quá nhiều rác tù đọng.
Xác định cồn Hến là một trong những “điểm đen” rác thải, bùn đất sau lũ, UBND TP. Huế đã huy động hơn 270 người tham gia dọn vệ sinh tại các tụ điểm rác ở cồn Hến.
Từ sáng sớm ngày 1/11, tại khu vực cồn Hến đã có rất đông các lực lượng công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cùng với công nhân Trung tâm cây xanh, bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên và người dân đã có mặt hầu hết mọi ngõ ngách của các khu dân cư tại cồn Hến để khẩn trương thu gom rác, cành cây, bùn đất với một không khí rất sôi động.
Ông Huỳnh Văn Hải, Trưởng ban công tác mặt trận tổ 13, phường Vỹ Dạ từ mấy hôm nay đều vác loa đi thông báo, kêu gọi, vận động người dân tham gia vệ sinh, dọn rác. Nhờ đó, các tuyến chính, tuyến kiệt, nhà dân đều được xịt rửa, dọn dẹp sạch sẽ hơn.
Tuy nhiên, điều mà ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế chưa hài lòng là trong khi nhiều lực lượng vất vả tham gia dọn vệ sinh thì người dân sở tại vẫn còn bàng quan, chưa có ý thức chung tay vì môi trường chung. Chỉ cần mỗi người dân cùng góp sức thì hiệu quả sẽ cao hơn, tình trạng rác thải nhếch nhác sau lũ sẽ sớm được xử lý...
“Hy vọng rằng, với sự đồng lòng, tinh thần tương thân, tương ái hướng về đồng bào vùng lũ, công việc khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường vẫn được các lực lượng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn sau lũ, nhằm góp phần sớm trả lại cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp và sinh hoạt bình thường cho người dân”, ông Song chia sẻ. (baotainguyenmoitruong.vn 01/11; cand.com.vn 01/11)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Tự chủ để nâng tầm Đại học Huế
Đó là một trong những vấn đề được PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi đánh giá tình hình tuyển sinh năm nay và xu hướng, giải pháp tuyển sinh trong bối cảnh tự chủ đại học (ĐH) những năm tới.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những khó khăn. Tuyển sinh chưa đồng đều giữa các đơn vị, ngành nghề đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có những giải pháp mà cơ cấu ngành nghề là một trong số đó.
PGS đánh giá thế nào về tình hình tuyển sinh năm nay của ĐH Huế so với các năm?
Năm nay, tuyển sinh ở bậc ĐH và sau ĐH cơ bản tốt và con số cụ thể tăng. Đối với bậc cao học, đợt 1 đã có 750 thí sinh trúng tuyển, đợt 2 đã có hơn 1.700 hồ sơ. So với chỉ tiêu đặt ra cả 2 đợt (2.400), có thể thấy tuyển sinh bậc cao học đạt và vượt chỉ tiêu, dù trong điều kiện dịch COVID-19 và lũ lụt phức tạp, không còn ưu tiên tuyển sinh, đào tạo tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ nhưng nguồn tuyển sinh vẫn cao và có thể cao nhất cả nước về tổng thể.
Năm nay cũng là năm tuyển sinh sau ĐH đạt hiệu quả cao nhất trong 5 năm trở lại, mặc dù điều kiện tiêu chuẩn bắt buộc có những khó khăn. Xét cụ thể, có một số đơn vị nổi trội, như Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Kinh tế. Nếu so sánh với các cơ sở giáo dục trong toàn quốc, ĐH Huế là một trong những đơn vị tuyển sinh thuộc tốp tốt nhất, kể cả với cả ĐH Quốc gia Hà Nội (2 đợt khoảng 2.400 thi sinh), ĐH Đà Nẵng khoảng 1.000 thí sinh.
Tuyển sinh sau ĐH tốt là một trong những điều kiện giúp tăng tỷ lệ học viên sau ĐH, hướng đến mục tiêu ĐH nghiên cứu với 20 – 30% học viên sau ĐH trong tổng chỉ tiêu các bậc đào tạo.
Về nghiên cứu sinh, dù theo Thông tư 08 (Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 - Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ), những điều kiện đầu vào rất khắt khe, nhất là về ngoại ngữ, công trình công bố trước khi làm nghiên cứu sinh, nhưng từ tháng 1 – 10/2020, đã có 32 nghiên cứu sinh trúng tuyển. ĐH Huế vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ, dự kiến trong năm nay sẽ tuyển được 50 nghiên cứu sinh. Hiện, cơ chế của ĐH Huế rất linh hoạt, có hồ sơ đủ điều kiện các tiêu chuẩn sẽ thành lập hội đồng để xét tuyển.
Riêng bậc ĐH, số lượng nhập học đến 23/10 (Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép gia hạn xác nhận nhập học) khoảng 9.500 thí sinh, tăng 5-8% so với năm 2019 và hiện nay đạt xấp xỉ 10.000 thí sinh của tất cả các phương thức. Đó là một con số lý tưởng đối với 1 ĐH Vùng (đạt khoảng 80% trong tổng chỉ tiêu khoảng 12.000).
Đặc biệt, không chỉ miền Trung – Tây Nguyên mà có nhiều thí sinh trúng tuyển ở các tỉnh, thành khu vực 2 đầu đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng... Thu hút được sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh, mưa lũ như vậy là điều đáng mừng.
Những đơn vị đã xấp xỉ đạt, đạt và vượt chỉ chỉ tiêu là các trường ĐH: Kinh tế, Ngoại ngữ, Y Dược, Luật và Khoa Du lịch. Những trường có khó khăn hơn là: Khoa học, Nông Lâm, Sư phạm, Nghệ thuật. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các trường đều tăng lượng thí sinh, đó là một tín hiệu tốt, nhất là sư phạm.
Đáng chú ý, năm nay có khoảng 5% những thí sinh xuất sắc, có giải thưởng cao đã vào học tại ĐH Huế ở nhiều ngành. Điển hình như thí sinh Hồ Việt Đức (đạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế 2020) trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược. Các năm trước, điều làm nhiều người trăn trở là những thí sinh này lại vào TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả tuyển sinh trên có liên quan đến việc xác định điểm chuẩn không, thưa PGS?
Nâng chuẩn là vấn đề ĐH Huế rất quan tâm. ĐH Huế cũng tính toán điểm chuẩn rất kỹ, dựa trên lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu đặt ra, tình hình thí sinh, nhất là kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm nay, gần như các ngành tối thiểu có mức điểm mỗi môn trong tổ hợp từ 5 điểm trở lên, có những ngành đòi hỏi mỗi môn 8 – 9 điểm trở lên, nhiều ngành của Trường ĐH Y Dược có mức điểm chuẩn đến 27,25 (răng hàm mặt), 27,55 (y khoa).
Đặc biệt, Trường ĐH Nông Lâm năm nay cũng có những bứt phá khi có những ngành lấy đến 18 – 19 điểm. Chúng tôi cũng nâng mức điểm chuẩn công nghệ thông tin (từ 13,5 năm 2019 lên 17 điểm năm 2020). Việc nâng điểm chuẩn thể hiện cam kết với tỉnh trong việc nâng chuẩn đầu vào và đầu ra về công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng.
Con số 80% đạt được trong tổng chỉ tiêu cho thấy vẫn còn những khó khăn, PGS nghĩ sao về vấn đề này?
Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh và hướng đến tự chủ, tuyển sinh ngày càng khó khăn.
Năm nay, có nhiều yếu tố chi phối, quyết định đầu vào: dịch COVID-19, lũ lụt trong giai đoạn xác nhận nhập học. Ngoài ra, ký túc xá hiện nay chưa đạt con số lý tưởng (chỉ đạt khoảng 10 – 15% so với tổng số sinh viên) cũng là một lý do. Xu hướng thế giới, sinh viên ở ký túc xá, điều kiện tốt hơn, quản lý cũng tốt hơn.
Học phí theo quy định của Nhà nước hiện nay, những ngành kỹ thuật cao, nhóm ngành kỹ thuật, y sinh học… mức trần học phí theo quy định còn thấp, đơn vị đào tạo phải lấy khoản khác đề bù hoặc không có khoản dôi dư để bổ sung phương tiện máy móc, thiết bị phần nào ảnh hưởng đến chất lượng. Hơn nữa, chất lượng và tính nổi bật trong đào tạo phần nào sẽ tác động ngược trở lại đến tuyển sinh.
Cơ cấu ngành nghề chưa đều, có những ngành vượt trội nhưng cũng có những ngành chưa đủ thí sinh, nhất là những ngành xã hội nhân văn, khoa học cơ bản, nghệ thuật.
ĐH Huế có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc ngành nghề rộng hơn, nhóm ngành lại; hạn chế những ngành hẹp khó thu hút thí sinh. Đồng thời, nhóm ngành, khối ngành theo hướng thuận lợi tuyển sinh. Tổ chức sắp xếp lại để có những ngành 1 – 3 năm đầu có thể học chung, sau đó những năm cuối mới tách ra. Cách làm này có thể giúp những ngành ít thí sinh vẫn có thể học bình thường. Để làm được điều đó phải cải tiến chương trình phù hợp và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này.
Hướng đến ĐH Quốc gia và xu hướng tự chủ là tất yếu, ĐH Huế làm sao giải quyết bài toán này gắn với tuyển sinh?
ĐH Huế đang hướng đến ĐH Quốc gia theo hướng tự chủ ĐH, định hướng nghiên cứu. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực tăng tỷ lệ sau ĐH cân đối với ĐH.
ĐH Huế xác định tự chủ về học thuật là ưu tiên số 1; từng bước tự chủ về tài chính, vì GD&ĐT là quốc sách hàng đầu nên cần được Nhà nước có chính sách ưu tiên để có định hướng chung. Những đơn vị tập trung tự chủ chi thường xuyên 100% được hướng tới là các trường ĐH: Y Dược, Ngoại ngữ, Luật, Kinh tế và Khoa Du lịch. Các đơn vị khác khoảng 70 – 80%. Riêng Trường ĐH Nghệ thuật vẫn cần cơ chế đặc thù và hỗ trợ của Nhà nước bằng nguồn ngân sách.
Chúng tôi đặt ra lộ trình và có giải pháp để thực hiện tự chủ. Càng tự chủ thì tác động tuyển sinh cũng tốt hơn. Tự chủ để nâng tầm ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, cộng với môi trường yên bình của Huế, thí sinh sẽ lựa chọn vào ĐH Huế. (baothuathienhue.vn 02/11)
THỂ THAO
1. Hơn 800 võ sĩ tham dự giải vô địch các CLB đội mạnh Karate toàn quốc
Sáng 1/11, tại Trung tâm Thể thao tỉnh khởi tranh giải vô địch các CLB đội mạnh Karate toàn quốc lần thứ XX - 2020. Đại diện lãnh đạo tỉnh đã đến dự.
Quy tụ hơn 800 VĐV đến từ 55 CLB của 41 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, tại giải, các VĐV tranh tài các nội dung: kata, kumite cá nhân và đồng đội ở 75 bộ huy chương qua 5 nhóm tuổi: 10 -11; 12 – 14; 15 – 17; trên 18 và trên 35 tuổi.
Tham gia với tư cách chủ nhà, Karate – do Thừa Thiên Huế góp mặt 49 VĐV, mục tiêu tranh chấp HCV ở nhóm 18 tuổi.
Theo nhận định, do có sự góp mặt của cả VĐV năng khiếu lẫn VĐV tuyển chọn từ các CLB nên khó để nhận định những đơn vị nằm trong top 3 đoàn dẫn đầu tại giải lần này.
Cũng tại lễ khai mạc, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, các HLV, VĐV, trọng tài và BTC giải đã quyên góp được 66 triệu đồng ủng hộ đồng bào Huế bị thiệt hại bởi những đợt thiên tai vừa qua.
Giải kết thúc ngày 5/11. (baothuathienhue.vn 01/11)
2. Chân sút A Lưới lần thứ 2 được HLV Park Hang-seo triệu tập
Chân sút Hồ Thanh Minh đã có mặt tại Hà Nội vào chiều 1/11 để hội quân cùng đội tuyển U22 Việt Nam. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, tiền đạo quê A Lưới được HLV Park Hang-seo triệu tập.
Sau lần tập trung cùng với 2 đồng đội ở CLB Bóng đá Huế từ 18 – 28/8, ở đợt tập trung thứ 3 trong năm của U22 Việt Nam, chỉ mình chân sút Hồ Thanh Minh được HLV Park Hang-seo triệu tập.
Là người Tà Ôi, sinh năm 2000 và trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Bóng đá Huế, ngoài bóng đá, Hồ Thanh Minh còn được biết đến là tay đập tấn công cự phách của bóng chuyền A Lưới và là VĐV từng giành HCV cự ly 100m tại giải điền kinh Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh.
Trong màu áo CLB Bóng đá Huế tại giải hạng Nhất 2 mùa qua, tuy thi đấu ở vị trí tiền đạo, nhưng thay vì được biết đến qua những bàn thắng, Hồ Thanh Minh lại được đánh giá cao trong vai trò “chim mồi”, thu hút sự chú ý của đối phương để tạo khoảng trống cho đồng đội lập công.
Có lẽ sau đợt ra mắt đầu tiên ở tuyển U22 Việt Nam, với khả năng tác chiến độc lập, thực chiến hiệu quả ở vị trí tiền đạo cắm do được thường xuyên đá chính trong màu áo CLB Bóng đá Huế cùng lối chơi kỹ thuật, tốc độ và sức bật, sức rướn không khác gì một VĐV điền kinh, Hồ Thanh Minh đã làm hài lòng ông thầy người Hàn quốc nổi tiếng khó tính nhưng rất tinh nhạy, phân minh trong tuyển chọn cầu thủ.
Với mục đích tiếp tục rà soát, đánh giá cầu thủ để xây dựng lực lượng hướng tới vòng loại U23 châu Á 2022 và SEA Games 31 năm 2021, tại đợt tập trung này, U22 Việt Nam sẽ tập hợp 33 cầu thủ, trong đó có 4 thủ môn, 9 hậu vệ, 14 tiền vệ và 6 tiền đạo.
Trong số 33 cầu thủ được HLV Park Hang-seo điền tên vào danh sách tập trung, đa số vẫn là những gương mặt đã hội quân từ đợt tập trung lần thứ 2 hồi tháng 8 vừa qua.
ĐT U22 Việt Nam bước vào buổi tập đầu tiên vào chiều 2/11 tại sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam và kết thúc giai đoạn 1 của đợt tập trung vào ngày 16/11 để trả các cầu thủ về CLB tham gia thi đấu vòng loại và VCK giải bóng đá vô địch U21 quốc gia 2020.
Giai đoạn 2 của đợt tập trung dự kiến diễn ra từ 20 - 28/12. (baothuathienhue.vn 01/11)
3. Vượt lũ để chạm đích
Chưa có mùa giải nào, bóng đá Việt Nam nói chung và Huế nói riêng lại phải vừa đá, vừa lo dịch bệnh, lại vừa lo chạy lụt một cách khổ sở như năm 2020 này. Có trận không đá được, như với Long An trên sân Tự Do ngập nước, các cầu thủ Huế phải vào tận Cần Thơ mượn sân bóng lớn nhất nước làm sân nhà trong trận đấu bù.
Với trận hòa Đăk Lăk ở lượt trận thứ 3 nhóm B giai đoạn 2, CLB Huế đã chính thức trụ hạng. Tuy nhiên nhìn lại kết quả những trận đấu gần đây của CLB Bóng đá Huế, người ta không khỏi chạnh lòng. Nó như con đò tròng trành giữ cánh đồng ngập nước ngày lụt. Sau khi bất ngờ thua Bình Phước và bị đẩy xuống nhóm B của V. League 2, thầy trò ông Dũng thi đầu trầy trật khi thua Cần Thơ 0 - 1, hòa Long An 0 - 0, hòa Đăk Lăk 1-1 và thua Đồng Tháp 0 - 3.
Trận đấu cuối cùng vào ngày 30/10 gặp Tây Ninh của Huế trên sân Tự Do chỉ còn thủ tục. Tấm vé xuống hạng là cuộc trốn chạy của 2 đội bóng miền Tây là Đồng Tháp và Long An, trong đó ưu thế đang thuộc về đội bóng chủ sân Cao Lãnh vừa liên tục có những chiến thắng. Đó cũng là tình thế của 2 đội Quảng Nam và Nam Định ở V. League 1 với quyền tự quyết điểm thuộc về đội bóng phía bắc có nhiều hơn 2 điểm trên bảng xếp hạng.
Trong cuộc chiến giành ngôi vô địch V. League 2, lợi thế bất ngờ đã thuộc về Bình Định khi ở cuộc đua nước rút, đội bóng đất võ lần lượt vượt qua 2 kình địch là Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa. Trong trận đấu cuối cùng (31/10), đội bóng của Hữu Thắng gặp Phố Hiến đã không còn mục tiêu ganh đua. Còn ở V. League 1, đó là cuộc chiến giữa 4 đội Hà Nội - Viettel - Sài Gòn và Quảng Ninh. Còn 3 trận nữa mới kết thúc nhưng xem ra không có cửa thắng dành cho cả Sài Gòn và Quảng Ninh.
Trở lại với đội Huế. Mục tiêu trụ hạng hoàn thành nhưng không hề dễ dàng. So với thứ hạng 6 mùa giải tước, hạng 7 (năm 2018) và đặc biệt là hạng 2 (năm 2017), bóng đá Huế đang có bước lùi. Từ chỗ ung dung ở thứ hạng cao, họ đang phải chật vật trong cuộc đua trụ hạng tại V. League 2. Đó cũng sự phản ánh chính xác về tình hình thực tế của đội bóng Huế ít được đầu tư, không có nhiều tham vọng, lực lượng mỏng dần với sự ra đi của các trụ cột trong khi chưa có những gương mặt trẻ xuất hiện nổi trội. Bởi thế, không ngoa khi bảo rằng, họ phải vượt lũ để chạm đích vào mùa giải này. (baothuathienhue.vn 01/11)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Giao thông cho phát triển: Cần thu hút mọi nguồn lực Bài 1: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông ở Thừa Thiên Huế được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương. Song, trước yêu cầu phát triển mới, hệ thống giao thông đường bộ ở địa phương cần tiếp tục đầu tư phát triển.
Giao thông đối ngoại thông suốt
Dành ít thời gian dạo quanh địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn, có thể cảm nhận được dấu ấn của nhiều công trình giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng gần đây.
Cao tốc La Sơn-Túy Loan tựa như con tàu vượt núi thuộc dự án (DA) đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các huyện Phú Lộc, Nam Đông dài hơn 36km, quy mô 4 làn xe với mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng đã hoàn thiện. Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam qua địa bàn Thừa Thiên Huế đang triển khai với chiều dài 62,5km (đi qua các địa phương Phong Điền, Phú Lộc; TX. Hương Trà, Hương Thủy). Mặt cắt ngang tuyến giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12m. Khi cao tốc Cam Lộ-La Sơn hoàn thành sẽ nối với tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan và hoàn thiện nhánh Đông đường Hồ Chí Minh kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Từ đây, một cơ hội lớn mở ra không chỉ giảm tải, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên QL1A qua địa bàn mà còn tạo tuyến giao thông liên hoàn giữa các vùng miền của các tỉnh khu vực miền Trung.
Nhiều tuyến đường như QL49B, nối từ TP. Huế lên phía tây miền núi A Lưới; La Sơn-Nam Đông cũng như nhiều trục ngang dọc, như Phú Mỹ-Thuận An, Chợ Mai-Tân Mỹ, Phong Điền-Điền Lộc... đã và đang triển khai kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền...và đến các cảng biển, nhà ga, sân bay, khu công nghiệp, làng nghề.
Nhiều công trình quy mô lớn đang ra đời ở Thừa Thiên Huế, như hầm đường bộ Hải Vân 2 có điểm đầu ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) và điểm cuối thuộc Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng với chiều dài hơn 12,6km. DA này do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt thực hiện từ năm 2016 với mức đầu tư hơn 7.296 tỷ đồng chuẩn bị đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
Năm 2019, Cảng HKQT Phú Bài khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T2 theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không của Chính phủ giai đoạn mới, định hướng đến năm 2030 trở thành cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). DA xây dựng bến số 2, số 3 cảng Chân Mây đang dần hoàn thiện, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50-70 nghìn DWT để tăng cơ hội phát triển kinh tế đường biển trong thời gian đến.
QL49B qua địa bàn xã Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang) chưa được mở rộng kìm hãm sự phát triển kinh tế và an toàn giao thông trong khu vực
Nhiều tuyến Tỉnh lộ còn bất cập
Với sự đầu tư của Trung ương, đến nay hệ thống giao thông đối ngoại ở Thừa Thiên Huế cơ bản được kết nối, liên hoàn. Tuy nhiên, hệ thống đường tỉnh nhiều nơi “bị thắt”, khiến việc thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương khó đạt như kỳ vọng.
Ai từng có dịp lưu thông trên TL10A, từ xã Phú Mỹ đến Phú Đa (Phú Vang), dài chừng 13km đều trong tình trạng căng thẳng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của một huyện vùng trũng, lượng người, phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày hàng nghìn lượt nhưng quá hẹp, xuống cấp. Sau những đợt mưa lũ hàng năm, tuyến này lại tiếp tục xuống cấp rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang nhận định, tuyến TL10A qua địa bàn là “đứa con đầu lòng” của Phú Vang, song suốt thời gian dài, cung đường huyết mạch này mãi “chưa lớn”. Gần 20 năm nay, lãnh đạo, người dân địa phương mong ước tuyến đường trên được nâng cao mở rộng nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng.
Tuyến TL10G dài khoảng 3,5km dù đã được mở rộng mặt đường 26m nhưng điểm đầu bị “thắt” bởi cây cầu Phú Thứ cũ và hẹp. Do hạn chế của cầu Phú Thứ, hiện nay, lượng giao thông ở Phú Vang cũng như mọi hoạt động trao đổi hàng hóa, phương tiện vận tải từ KCN Phú Đa với bên ngoài khó khăn, ảnh hưởng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tạo đòn bẩy phát triển KT-XH ở huyện vùng trũng này.
Tại QL49B qua địa bàn hai huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng nhỏ hẹp, hư hỏng, ùn tắc giao thông vào tầm cao điểm. Sở GTVT nhiều lần kiến nghị cấp trên và gần đây được Bộ GTVT quyết định phê duyệt đầu tư, nâng cấp với kinh phí hơn 761 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay đoạn từ thị trấn Thuận An đến Phú Hải dài gần 20km, chiếm gần 1/3 toàn tuyến vẫn như cũ vì nguồn vốn hạn chế, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) quá lớn. “QL49B qua địa bàn Phú Diên, Phú Hải hàng ngày có lưu lượng xe cộ lớn nhưng mặt đường như “lỗ mũi”, lại mấp mô rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông” . Anh Hoàng Văn Nghĩa, tài xế lái xe buýt Phương Trang thường qua lại đây phàn nàn.
Lãnh đạo huyện Phong Điền thông tin, dù có nhiều chương trình, DA đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông ở địa phương trong thời gian qua nhưng còn nhiều tuyến “huyết mạch” đang ở thế nhỏ hẹp, tạo những “nút thắt”. Đơn cử như hơn 20 km của QL49 qua địa bàn xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hải; TL11B An Lỗ-Phong Mỹ...TL6 dài gần 11km có điểm đầu QL1A (thị trấn Phong Điền đến TL4 ở xã Phong Chương) là những trục “xương sống” nối trung tâm huyện đến đồng bằng và ven biển nhưng quá hẹp, hàng chục năm nay về mùa mưa thường bị chia cắt, ách tắc giao thông. Nếu các “trục” này được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo cơ hội lớn cho kinh tế vùng đồi, đầm phá ven biển và KCN Phong Điền phát triển.
Ông Nguyễn Dương, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Phong Điền cho biết, nhiều năm qua, người dân địa phương luôn kiến nghị đề xuất nhưng diện mạo QL49 qua địa bàn Phong Hòa, Phong Bình và TL6 chưa được “thay áo”, chủ yếu “vá” những điểm hư hỏng mặt đường. Mới đây, bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, TL 6 mới nâng cấp mở rộng được hơn 2km từ QL1A nhưng bề mặt vẫn chưa tương xứng với trục “xương sống” theo quy hoạch. (baothuathienhue.vn 02/11)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa đi kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Huế. (phóng sự ngắn TRT Huế 01/11)
2. Thừa Thiên Huế: Phát triển du lịch cần gắn kết các doanh nghiệp để tạo sức mạnh
Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cần gắn kết các doanh nghiệp để tạo sức mạnh. Sở cũng nên chủ động, có sự kết nối chặt chẽ để khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp để tạo sự phát triển chung du lịch. Phối hợp với các huyện, thị nhằm khai thác những lợi thế ở địa phương để tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn đối với du khách.
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc với với lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh này ngày 30/10.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn đối với ngành du lịch. Liên tục từ đầu năm 2020 là những đợt dịch covid 19 và cả tháng 10/2020 là các đợt thiên tai (bão lũ), nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt 1.452.978 lượt, giảm gần 61% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là 551.833 lượt, giảm gần 65%. Doanh thu từ du lịch đạt 3.437 tỷ đồng, giảm gần 63% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2020 dự ước sẽ giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2019; nhiều nhiệm vụ, hoạt động của ngành bị ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong năm. Dự kiến năm 2020, du lịch Thừa Thiên Huế đạt khoảng 40% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ước đón khoảng 1,8 triệu lượt khách, khách lưu trú khoảng 1 triệu lượt khách và doanh thu du lịch ước khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trong 3 tháng cuối năm 2020, Sở Du lịch sẽ tiếp tục bám sát những nhiệm vụ, hoạt động được ban hành trong Kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm phát triển du lịch – dịch vụ năm 2020. Tiếp tục thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”. Tập trung giới thiệu quảng bá vào thị trường khách du lịch nội địa, ngắn ngày, thông qua các chương trình, hình thức quảng bá phù hợp trong tình hình mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, năm 2020 này là năm rất khó khăn đối với ngành du lịch, đặt ra vấn đề bây giờ là ngành Du lịch cần có kế hoạch làm gì, có sự gắn kết với các ngành đơn vị có liên quan để giải quyết những khó khăn hiện nay, trong khi dự báo trong năm 2021 cũng sẽ rất khó khăn do diễn biến dịch bệnh covid 19 vẫn còn phức tạp trên thế giới.
Trong bối cảnh chung đó, ông Bình đề nghị Sở Du lịch Thừa Thiên Huế có báo cáo đánh giá chi tiết tác động của dịch bệnh, thiên tai đến ngành du lịch để có giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Sở cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, như công tác tập huấn, đào tạo; bên cạnh đó Sở cần có đề xuất cụ thể với Tỉnh để có hướng hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong bối cảnh hiện nay.
Ông Bình - nhấn mạnh, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở cần gắn kết các doanh nghiệp để tạo sức mạnh. Ngoài ra, Sở cũng nên chủ động, có sự kết nối chặt chẽ để khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp để tạo sự phát triển chung du lịch. Về sản phẩm du lịch, Sở cần đánh giá, rà soát lại, khi mà đối tượng khách du lịch đã khác rồi. Phối hợp với các huyện, thị nhằm khai thác những lợi thế ở địa phương để tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn đối với du khách.
Bên cạnh đó, Sở cần thực hiện có hiệu quả việc vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch covid 19. Lưu ý đến kế hoạch kích cầu du lịch; lồng ghép với các chuỗi các hoạt động, sự kiện trong năm sau 2021. (congthuong.vn 31/10)