Thủ tướng giao ngành công thương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, vật liệu nhằm đảm bảo giá cả ổn định ở các địa phương vừa hứng chịu mưa bão.
Sáng 30/10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ chiến sĩ hy sinh, người dân thiệt mạng bởi thiên tai, bão lũ.
Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến những tổn thất, mất mát lớn lao của đồng bào miền Trung do thiên tai, bão lũ gây ra.
“Nước sôi lửa bỏng” vì miền Trung chìm trong mưa lũ
Thủ tướng cho biết tháng 10 là tháng xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đến nay, đã có 230 người chết, mất tích do mưa lũ, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội, công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị đất đá sạt lở, vùi lấp ở miền núi chưa tìm thấy.
“Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào ở miền Trung, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh”, Thủ tướng chia sẻ.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hỗ trợ tối đa cho người dân miền Trung - những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Ảnh: VGP.
|
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng càng khó khăn, càng thấy rõ tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào. Cả nước đã hướng về miền Trung, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn.
Thủ tướng giao ngành Công Thương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, vật liệu đảm bảo giá cả ở các địa phương vừa hứng chịu mưa bão phải được ổn định. “Từ giá tôn, ngói, xi măng, không được đẩy giá lên ở các vùng khó khăn này”, Thủ tướng yêu cầu.
Ông cho biết Chính phủ đã thảo luận và thống nhất hỗ trợ cho các gia đình có nhà bị sập, đổ, hư hỏng nặng một khoản tiền cần thiết. Thủ tướng đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về mức hỗ trợ cho gần 150.000 nhà bị tốc mái ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số địa phương khác.
Nhắc đến việc Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các địa phương sớm tiếp nhận các khoản hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng hoãn, giảm, giãn nợ theo quy định của pháp luật đối với những vùng bị thiên tai.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cả nước cần chung tay góp sức để hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Ông mong muốn người dân 2 miền Nam - Bắc đẩy mạnh hỗ trợ, sẻ chia với người dân miền Trung trong lúc khó khăn.
“Chúng ta phải tăng gia sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba để bù đắp cho sự tổn thất, mất mát của người dân miền Trung”, Thủ tướng nói.
|
Các tỉnh miền Trung đang chìm trong nước lũ, nhà cửa hư hỏng nặng nề, nhiều học sinh nghỉ học, đi lại vô cùng khó khăn. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Thủ tướng cũng lưu ý bộ, ngành chú trọng các nhiệm vụ ưu tiên như giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh dự án vốn ODA, tăng cường sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu.
“Phải thúc đẩy kinh tế - xã hội 2 tháng còn lại với mục tiêu tăng trưởng vẫn ở mức 2-3%, dù cho có thiên tai rất lớn. Phải giải quyết nhiều việc làm, thu hút đầu tư phát triển, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở vùng bị thiên tai”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Ông nhấn mạnh tình hình đang “nước sôi lửa bỏng” vì các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… chìm trong nước lũ, nhà cửa hư hỏng nặng nề, nhiều học sinh nghỉ học, đi lại vô cùng khó khăn.
4 nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), cũng có báo cáo nhanh tình hình ứng phó thiên tai tại phiên họp. Ông vừa có chuyến công tác nhiều ngày liên tục tại các tỉnh miền Trung để chỉ đạo ứng phó bão số 9.
Phó thủ tướng cho biết cơn bão đi quá nhanh với cấp độ mạnh nên đã gây hậu quả rất lớn.
“Mưa bão là kẻ thù đối mặt, còn sạt lở đất là kẻ thù không biết xuất hiện lúc nào, do đó ứng phó vô cùng khó khăn, nên thiệt hại sau bão là vô cùng lớn, không chỉ ở miền Trung mà các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng như vậy”, Phó thủ tướng nhận định về các sự cố do sạt lở đất.
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thực hiện 4 nhiệm vụ để khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: VGP.
|
Để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, Phó thủ tướng đề nghị tập trung một số công việc.
Việc đầu tiên là tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hiện công tác này đang được tập trung quyết liệt ở Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Nam Trà My. Tại xã Trà Leng, theo thông tin mới nhất, còn 16 người đang mất tích.
Thứ hai, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trước hết là sửa chữa nhà cửa với hàng chục nghìn ngôi nhà hư hỏng, tất cả nhà cấp 4 bị bay mái; hỗ trợ lương thực thực phẩm thuốc men. Cùng với đó, khắc phục hậu quả sau cơn bão, sửa chữa hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông, công trình trường học, bệnh viện, công sở, các công trình dịch vụ…
Thứ ba, tập trung ứng phó với bão lũ, cả cơn bão sắp tới, lũ đang lên ở miền Trung; rà soát tất cả khu vực nguy hiểm để sơ tán dân.
Thứ tư, tập trung phục hồi sản xuất. Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp tiếp tục tổng hợp yêu cầu của các địa phương để Thủ tướng Chính phủ có quyết sách phù hợp hỗ trợ khôi phục các hạ tầng thiết yếu, phục hồi sản xuất…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tháng 10 với 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới là hiện tượng dị thường chưa từng có trong lịch sử. Tất cả bão và áp thấp nhiệt đới đổ dồn vào miền Trung, lượng mưa lên tới 3.500 mm ở nhiều nơi.
"Bão số 9 là một trong hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, cùng với bão Xangsane năm 2006, thậm chí về tốc độ gió thì bão số 9 là lịch sử", Bộ trưởng Cường nhận định.
Ông đánh giá bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí lớn hơn cả bão Xangsane về tài sản, vì cùng cường độ nhưng bão số 9 đổ vào miền Trung - là nơi lũ chồng lũ, bão chồng bão trong thời gian dài nên sức chịu đựng kém.