TIN NÓNG
1. Bệnh nặng, nhà bão cuốn bay, anh Phúc không biết xoay sở thế nào
Chúng tôi đến căn phòng trọ rộng chưa đến 10m2 vợ chồng anh Trương Văn Phúc, 39 tuổi, quê ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vừa thuê sau cơn bão số 5 để gia đình 4 người có nơi tá túc tạm thời. Ngoài một vài vật dụng thiết yếu, gần như căn phòng trống trơn.
Nhà nghèo nên học chưa hết phổ thông, anh Phúc phải xa quê vào Lâm Đồng lập nghiệp. Làm thuê làm mướn, nhưng nhờ chăm chỉ nên anh được nhiều người quý và sống được trên đất khách. Năm 2008, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Tín, sinh năm 1984, quê ở Nam Định. Cùng cảnh xa phương lập nghiệp, vợ chồng tâm đầu ý hợp, vừa chăm chỉ, lại biết chi tiêu, nên vài năm sau ngày kết hôn anh chị đã xây được căn nhà nhỏ. Anh Phúc tiếp tục đi làm thuê, chị Tín ở nhà mở cửa hàng tạp hóa nhỏ vừa buôn bán vừa chăm con sau khi sinh nở.
Cuộc sống đang ấm êm thì giữa năm 2010, anh Phúc phát hiện bị suy thận mức độ 3. Cuộc chiến với bệnh tật kéo dài đến năm 2016, thì n anh Phúc không còn khả năng lao động nặng, nhà phải bán, vốn liếng cũng không còn mà bệnh anh thì ngày càng nặng hơn cần phải thay thận. Song, kinh phí để thay thận không chỉ là trăm triệu mà có khi là cả tiền tỷ, nên anh không dám nghĩ đến.
Biết rằng ba mẹ đã già, lại nghèo, nhưng chị Tín tính, mỗi tuần anh Phúc phải chạy thận 3 lần, ở Lâm Đồng chi phí hết 2 triệu đồng/lần; trong khi ở Huế chỉ 1 triệu đồng/lần. Để tiện cho việc chữa trị của anh Phúc, anh chị dựng lều tạm trên khu đất trống gần Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, vừa có chỗ che mưa che nắng cho các con, hàng ngày chị Tín nấu nồi bún bán trước cổng bệnh viện; còn anh Phúc những ngày không chạy thận có ai thuê gì vừa sức làm được là làm để kiếm được đồng nào hay đồng đó. Thế nhưng, cơn bão số 5 vừa qua đã làm hư hỏng chỗ ở của gia đình anh chị đã đành, đợt lũ vừa rồi kéo dài khiến gia đình anh chị lâm vào cảnh bế tắc.
Trước đây, gánh bún của chị Tín mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn đồng tiền lãi. Con trai đầu của họ là cháu Trương Nhật Minh năm nay học lớp 6, phải gửi lên nhờ nhà chùa nuôi để bảo đảm được việc học hành; hai cháu nhỏ một cháu đang học lớp 3, một cháu mới 4 tuổi đều cần được chăm sóc. Chị Tín thở dài: “Chi phí tằn tiện thế nào cũng không đủ, giờ phải thuê trọ 500 nghìn đồng/tháng chưa tính điện, nước… không biết chúng tôi gắng được đến ngày nào”.
Tiền chữa bệnh của anh Phúc từ ngày ra Huế đến nay nhờ cả vào sự kêu gọi của người quen, người thân và trên địa bàn. Liệu anh Phúc có đủ tiền để chạy thận và gia đình có đủ tiền chi phí ở mức thấp nhất hay không anh chị không thể chủ động được. Trước khó khăn của gia đình anh Phúc, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để anh Phúc có điều kiện chữa trị, kéo dài sự sống, các cháu nhỏ được đến trường.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: anh Trương Văn Phúc, số điện thoại: 0935270233 (hiện chưa có chỗ ở cố định nên không có địa chỉ). Hoặc: Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0378060314; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 - Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, tỉnh Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ anh Phúc, huyện Phong Điền). (baothuathienhue.vn 29/10)
2. Không chỉ là vì “nồi cơm” chung
Đặt xong một món hàng trên mạng, shop hẹn từ 3-5 ngày sẽ giao hàng. OK và chỉ còn chờ điện thoại của shipper (người giao hàng).
Ngặt nỗi, đâu biết hàng đến lúc nào mà chờ. Vậy nên việc mình thì mình cứ làm bình thường thôi. Bao giờ người ta gọi rồi hẵng hay.
Hôm ấy, chừng 10h sáng thì shipper gọi. Đúng lúc đang có việc ở xa. Tôi hỏi chiều em giao được không. Đầu dây kia trả lời OK. Vậy là suốt buổi chiều hôm ấy tôi “trực chiến”, không dám đi đâu, sợ nhỡ việc của shipper tội nghiệp. Các em giao hàng lương tiền đâu có bao nhiêu mà bắt người ta phải chạy đi chạy lại mãi.
Nhưng, đã chiều lắm rồi vẫn không thấy gọi. Tôi phải bấm máy gọi, đầu dây bên kia không thấy shipper trả lời. Tắt mặt trời, biết là hàng sẽ không tới. Thôi, đợi mai vậy.
Chiều hôm sau, điện thoại reo, và tôi ra nhận hàng. Gặp shipper, tôi phàn nàn sao hôm qua hẹn mà không thấy tới, làm tôi không dám bỏ ra ngoài, cứ ở nhà chờ cả buổi.
Shipper có vẻ ngạc nhiên: “Dạ, em đâu có gọi hẹn?”
Tôi mở nhật ký điện thoại, đây này, giờ ấy, ngày ấy….
Shipper phân bua: “Dạ, hôm qua là của người khác, không phải em. Hôm nay công ty giao thì em chuyển ngay đây ạ.”.
Tôi hiểu ra, và thấy rất ngạc nhiên. Hóa ra cái doanh nghiệp vận chuyển ấy hình như không có quy chế quy định gì cả, cứ ai đâu biết ấy. Hết ca chẳng cần bàn giao, chẳng cần báo cáo tình trạng hàng hóa có gì cần lưu ý… Làm ăn kiểu ấy, khách hàng phiền lòng, họ phản ánh với shop. Lặp đi lặp lại thì shop sẽ chuyển doanh nghiệp vận chuyển. Bây giờ doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa không thiếu, sơ sẩy là “chết” trong cuộc cạnh tranh chứ không phải đùa.
Doanh nghiệp phải có quy chế, và nhân viên phải thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với quy chế đó. Ấy không chỉ là vì “nồi cơm” chung, mà còn là vì đạo đức nghề nghiệp. Nếu như ngược lại, thì tương lai của doanh nghiệp và của cả người lao động là điều hoàn toàn có thể đoán trước. (baothuathienhue.vn 28/10)
3. Báo động sạt lở đất nhiều tỉnh miền Trung lên mức rất cao
Cơ quan chức năng đã nâng mức cảnh báo sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung lên mức rất cao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dù bão số 9 đã tan nhưng do hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường tiếp tục gây mưa lớn ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Lượng mưa trong hôm nay đến 31/10 phổ biến 200-400mm/đợt. Riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm. Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt.
Do mưa lớn tiếp tục kéo dài, hàng loạt địa phương ở miền Trung đối mặt với nguy cơ sạt lở đất rất cao. Cụ thể là các huyện:
Quảng Bình: Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh.
Quảng Trị: Hướng Hóa, Cam Lộ, Đăkrong, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh.
Thừa Thiên Huế: A Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà.
Quảng Nam: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Quế Sơn.
Quảng Ngãi: Trà Bồng, Ba Tơ, Đức Phổ, Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa.
Kon Tum: Sa Thầy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plong, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Tô, Tp. Kon Tum, Đắk Hà
Ngoài ra, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai cũng có nguy cơ sạt lở đất trung bình đến cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, việc cảnh báo sạt lở đất hiện nay chỉ có thể chi tiết đến từng huyện. Công nghệ của thế giới cũng như Việt Nam chưa thể dự báo chi tiết đến từng điểm và thời gian chính xác xảy ra sạt lở đất. Vì vậy, người dân, chính quyền địa phương các vùng có nguy cơ sạt lở cao cần hết sức cảnh giác, theo dõi các dấu hiệu có thể xảy ra khi sạt lở đất để nhận biết như mưa lớn nhiều ngày, nước sông suối chuyển màu đục, xuất hiện các vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, đăc biệt là khi có tiếng động lạ trong lòng đất.
Sạt lở đất được đánh giá đặc biệt nguy hiểm do có tính bất ngờ, không thể dự báo. Trong đợt mưa lũ kéo dài suốt tháng 10 ở miền Trung, rất nhiều vụ sạt lở đất gây thương vong lớn đã xảy ra như tại thủy điện Rào Trăng 3, vụ sạt lở Trạm kiểm lâm 67. Chiều qua, ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà Mỹ đã khiến 45 người mất tích, 4 người may mắn thoát nạn.
Vụ sạt lở đất khác xảy ra lúc 15h30 ở thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cũng khiến 8 người bị vùi lấp. Tối cùng ngày, lực lượng chức năng tại chỗ tìm thấy 7 thi thể, còn một người mất tích.(tienphong.vn 29/10)
4. Miền Trung, Tây Nguyên quay cuồng trong cơn bão kỳ dị nhất 20 năm qua
Chiều 28/10, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên, ở mức trên báo động 1, riêng thượng lưu sông Kôn (Bình Định) trên báo động 3.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNN, phát sinh lớn nhất sau bão là lũ lên rất nhanh, trong đó có sông Vệ (Quảng Ngãi) chiều qua đã lên báo động 3, tiếp tục lên cao. Công tác ứng phó, di dời người dân hạ du các sông ở Nam Trung bộ cần hết sức khẩn trương và làm ngay. Đồng thời, cần tập trung điều hành các hồ chứa một cách khoa học và chặt chẽ, đặc biệt là ở Bắc Trung bộ, bởi các hồ chứa thủy điện và thủy lợi ở khu vực này đã đầy nước.
Dự kiến, tối 28/10, tại Quảng Nam, trong trường hợp hồ Đắc Mi 4 xả 11.400m3/s trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11,2m, trên báo động 3: 2,2m, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m. Tại Quảng Ngãi, sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 7,5m, trên báo động 3: 1m; sông Vệ tại Sông Vệ lên mức 5,3m, trên báo động 3 khoảng 0,8m. Tại Bình Định, lũ đạt đỉnh vào tối 28/10; trên sông An Lão, tại trạm An Hòa đạt 25m, trên mức báo động 3: 1m; sông Kôn tại trạm Vĩnh Sơn đạt 75 m, trên mức báo động 3: 1m, hạ lưu ở báo động 1. Tại Kon Tum, sông Đắkbla tại Kon Tum lên mức 522,5m, trên báo động 3: 2m. Mực nước trên các sông khác ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai dao động ở mức báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 2.
Dự báo, từ đêm 28/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 2, báo động 3, sông nhỏ lên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả lên mức báo động 1, báo động 2.
Thủy điện lớn nhất Quảng Trị xả lũ
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị ở huyện miền núi Hướng Hóa xả lũ để điều tiết nước từ ngày 28/10. Theo thông báo, lưu lượng xả lũ tại thời điểm ban đầu là 40m3/s, sau đó được điều tiết theo lưu lượng lũ về hồ thực tế.
Đây là lần thứ 2 trong gần 20 ngày qua, thủy điện Quảng Trị xả lũ trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp kéo dài từ ngày 6-21/10. Trước đó, ngày 11/10, Cty Thủy điện Quảng Trị xả lũ với lưu lượng thông báo là 40m3/s. Chiều 28/10, Cty Thủy điện Quảng Trị cho hay, trước lúc mở cửa van cung đập tràn, Cty có cảnh báo bằng còi hụ. Cty đề nghị UBND 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thông báo cho UBND các xã, thôn và người dân sống dọc sông Rào Quán biết để phòng tránh.
Nhà máy Thủy điện Quảng Trị là nhà máy thủy điện lớn nhất ở tỉnh Quảng Trị với công suất thiết kế 64MW. Hồ chứa nước của nhà máy nằm ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, có dung tích 163 triệu m3. Ngoài nhiệm vụ phát điện, hồ chứa còn đảm nhận cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu đồng bằng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị cảnh báo, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và các xã phía tây 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng. Tại vùng đồng bằng, nguy cơ xảy ra ngập úng, ngập lụt vùng thấp trũng các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng. Nguy cơ xảy ra ngập lụt trên diện rộng do hoàn lưu bão số 9 ở Quảng Trị là rất lớn.
Chiều 28/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay, để ứng phó mưa lũ do bão số 9 gây ra, tỉnh này dự kiến di dời hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã di dời tại chỗ và di dời tập trung 6.355 hộ với 17.840 người đến khu vực an toàn để tránh bão.
Học sinh trong tỉnh được nghỉ học từ ngày 28/10. Theo ông Đồng, trong trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, tỉnh sẽ di dời hơn 15.300 hộ với hơn 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn. “Tỉnh còn dự kiến sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu”, ông nói.
Phú Yên: Nhiều nhà tốc mái
Ngày 28/10, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dù cơn bão số 9 không trực tiếp đi vào Phú Yên, song tại đây đã có những thiệt hại đáng kể, hàng chục nhà bị tốc mái.
Rạng sáng 28/10, tại tỉnh Phú Yên có mưa to tầm tã, gió rít liên hồi. Đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành căng dây, đưa lốp xe lên mái tôn để chằng chống nhà cửa.
Lực lượng quân đội, do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu, đã sử dụng 2 xe bọc thép đi kiểm tra các điểm xung yếu và công tác phòng chống bão số 9. Trung đoàn B888 đã tiếp nhận, lo chỗ ăn ở cho 14 hộ, 26 nhân khẩu cho đến khi hết bão số 9.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên, thiệt hại nặng nhất là khu vực thị xã Sông Cầu. Có 45 nhà bị sập, hư hỏng (trong đó có 1 nhà sập hoàn toàn, 5 nhà bị hư hỏng từ 50-70%, 39 nhà bị hư hỏng từ 30-50%). Diện tích nuôi trồng thủy sản (đìa nuôi cá mú, đìa tôm thẻ chân trắng…) bị vỡ bờ bao, xói lở là 27,2 ha. Có 2 chiếc thuyền nhỏ bị chìm; 12 trụ điện bị đổ, đường dây bị hỏng, làm mất điện tại 51/110 xã, phường, thị trấn. Ước tính, thiệt hại ban đầu là hơn 6,2 tỷ đồng.
Đứng ôm hai con nhỏ bên căn nhà bị tốc mái do bão, chị Nguyễn Thị Sương Mai (trú thôn Hòa Lợi, thị xã Sông Cầu) nghẹn không nói lên lời. “Khoảng 1 giờ sáng 28/10 thì gió bắt đầu thổi mạnh, do nhà cũ nên hai vợ chồng sợ sập không dám ngủ. Đến tầm 3 giờ thì nghe liên tiếp mấy tiếng rầm rầm, thế là hai vợ chồng ôm con bỏ chạy không dám ngoảnh mặt lại. Đến sáng nay quay về thì nhà cửa tan hoang, mái nhà không còn”, chị Mai kể. Chị nói rằng, do con còn nhỏ nên chị ở nhà trông con, chồng đi biển, thu nhập thất thường.
Quảng Bình: 1 tháng, 4 lần ngập lụt
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, ngày 28/10, ở tỉnh Quảng Bình có mưa to và gió khoảng cấp 7-8, khiến nước tràn đê làm ngập lụt một số làng mạc chỉ sau mấy ngày lũ rút.
Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, tại hai huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh một số vùng thấp trũng như các xã An Thuỷ, Lộc Thuỷ, An Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh…, nước bắt đầu tràn đê tấn công làng mạc. Trong lúc đó, ở thị xã Ba Đồn, nước trên sông Gianh cũng dâng cao và tràn vào 10 cồn nổi trên sông này. Đây là lần thứ 4 Quảng Bình ngập lụt trong vòng chưa đầy 1 tháng. Nhiều trường học chưa dọn dẹp xong trong trận lũ trước để đón học sinh thì nay lại ngập lụt. Dự báo, Quảng Bình có mưa lớn trong 1 hoặc 2 ngày tới, nguy cơ lũ chồng lũ. (tienphong.vn 29/10)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Thừa Thiên - Huế dỡ bỏ 'lệnh giới nghiêm' từ 20 giờ sau khi bão số 9 suy yếu
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có thông báo dỡ bỏ 'lệnh giới nghiêm', cho phép người dân đi lại bình thường từ 20 giờ ngày 28.10, sau khi bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thông báo dở bỏ lệnh giới nghiêm, cho phép người dân đi lại bình thường kể từ 20 giờ đêm nay (28.10), sau khi bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Riêng người dân H. A Lưới đến 22 giờ cùng ngày mới được đi lại bình thường.
Cùng với đó, lệnh dừng các phương tiện giao thông và người trên QL 1A tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đi từ các tỉnh phía bắc, không đi vào vùng tâm bão số 9 được áp dụng từ sáng sớm 28.10, cũng đã được Ban chỉ huy tiền phương PCTT và TKCN của Trung ương đóng tại Đà Nẵng dỡ bỏ. Các phương tiện được phép lưu thông trở lại từ 18 giờ 30 ngày 28.10. (thanhnien.vn 28/10)
2. “Dân vận khéo” quyết định thành công ở Xuân Lộc
Chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng, đó là công việc thường xuyên của Tổ dân vận thôn Xuân Lộc (Phong Xuân, Phong Điền).
Thôn Xuân Lộc có 160 hộ dân với trên 680 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ khi mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm (trên địa bàn thôn) đi vào hoạt động (năm 2013), nhiều hộ dân trong thôn chịu ảnh hưởng nặng về tiếng ồn, khói bụi, nứt nhà, ảnh hưởng ruộng vườn... Nhiều hộ dân bức xúc, tổ chức tập trung đông người yêu cầu mỏ đá ngừng việc nổ mìn, hỗ trợ người dân thỏa đáng.
Một thời gian dài, dưới sự vào cuộc của thôn, xã, huyện và tỉnh, nhiều hộ dân đã được đền bù, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, có một số ít hộ dân không đồng tình với sự hỗ trợ, giải quyết của huyện, xã và nhà máy trong sửa chữa nhà.
Sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Tổ dân vận thôn đã “gỡ vướng” nhiều trường hợp để Nhà máy Xi măng Đồng Lâm tiếp tục hoạt động. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Tám bị nứt nhà và sân hiên. Sau khi khảo sát, xã và nhà máy đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ để gia đình tự sửa chữa, khắc phục, nhưng ông Tám không đồng thuận. Sau đó, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm quyết định sẽ sửa chữa, gia cố lại nhà, nhưng gia đình ông Tám cũng không chấp nhận. Qua vận động, tuyên truyền của Tổ dân vận thôn; đồng thời buộc nhà máy cam kết về việc sửa chữa, gia cố lại nhà và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu nhà bị sập, gia đình ông Tám mới đồng ý để nhà máy sửa chữa lại nhà...
Thời gian sau đó, do khó khăn trong kinh phí di dời, nhiều hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng của việc nổ mìn, khói bụi tiếp tục tập trung đấu tranh đòi quyền lợi. Lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Tổ dân vận thôn Xuân Lộc đã “hóa giải” nhiều cuộc tập trung đông người cũng như ít người trên địa bàn thôn. Chỉ riêng trong năm 2020, Tổ dân vận thôn vận động thành công 3 vụ tập trung lớn (trên 20 người) và 6 vụ nhỏ (khoảng vài người).
Ông Trần Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Lộc cho biết, mỗi khi mỏ đá vôi Xi măng Đồng Lâm nổ mìn, gây tiếng ồn, khói bụi hay làm sụt lún ruộng vườn, nứt nẻ nhà cửa, xe chở đất, đá gây ô nhiễm, hư hỏng đường làng..., người dân trong thôn thường tập trung đông người để phản đối, gây mất an ninh trật tự. Những lúc như vậy, Tổ dân vận thôn, bao gồm bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trực tiếp đứng ra vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, đừng vi phạm pháp luật.
Ngay sau đó, thôn tổ chức họp dân lấy ý kiến để đề đạt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân bằng văn bản đến các cấp chính quyền và Nhà máy Xi măng Đồng Lâm. Nhờ vậy, mọi vấn đề vướng mắc đều được giải quyết, không để xảy ra điểm nóng.
Bà Nguyễn Thị Lanh ở thôn Xuân Lộc cho biết, do bức xúc vì nhiều lần bị ảnh hưởng bởi khói bụi nên bà đã cùng một số hộ dân trong thôn cùng nhau phản đối. Tuy nhiên, được sự vận động, tuyên truyền của bí thư, trưởng thôn và các đoàn thể, gia đình bà nhận thấy việc tập trung đông người là việc làm nhất thời. Muốn giải quyết hết những vướng mắc giữa dân và Nhà máy Xi măng Đồng Lâm thì phải đề đạt nguyện vọng với nhà máy để được giải quyết. Hơn nữa, các thành viên trong Tổ dân vận thôn khuyên giải nhẹ nhàng, có tình, có lý nên người dân nghe. Những vụ việc thôn đứng ra giải quyết cho dân đều đạt được kết quả như người dân mong đợi. Thời gian sau này, nhà máy đã cho nổ mìn trong thời gian thích hợp với lượng mìn nhỏ nên ít ảnh hưởng đến người dân hơn.
Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân khẳng định: Ngoài tuyên truyền, vận động Nhân dân ở gần khu mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Tổ dân vận thôn Xuân Lộc cũng đã vận động Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Nhân dân toàn thôn đã góp 448 ngày công, hiến đất, tài sản trên đất để nâng cấp 1,5km kênh mương nội đồng và bê tông hóa 2km đường giao thông nông thôn. Nhân dân cũng tham gia cải tạo vườn tạp, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Xuân Lộc ngày càng khởi sắc. (baothuathienhue.vn 29/10)
3. Không ngừng lớn mạnh
Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.
Đổi mới trong huấn luyện
Những ngày đầu tháng 10, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh miệt mài các bài luyện tập, huấn luyện để chuẩn cho đợt diễn tập vòng tổng hợp đại đội tăng với hai trận đánh là: Đại đội tăng tấn công địch phòng ngự ở địa bàn trung du và Đại đội tăng nằm trong đội hình của bộ binh, phòng ngự địch tấn công trong quân sự.
Tại thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn, không khí huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ hết sức sôi nổi với tiếng gầm của động cơ xe tăng, cùng khẩu lệnh dõng dạc của 7 kíp xe BT76 sẽ tham gia đợt diễn tập cuối tháng 10.
Theo Đại úy Lê Văn Phương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 3, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, trong đó xác định đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện. Đồng thời, bám sát phương châm vận dụng linh hoạt nguyên tắc huấn luyện của cấp trên đề ra. Đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện, diễn tập các cấp chặt chẽ gắn với các loại địa hình khác nhau, nhằm vận dụng nguyên tắc chiến thuật của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vào thực tiễn từng tình huống cụ thể.
Cùng với đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện. Từ đó kết quả huấn luyện, diễn tập của đơn vị đều đạt kết quả cao, 5 năm liền là đơn vị huấn luyện giỏi cấp quân khu.
Một trong những nét mới, đột phá trong công tác huấn luyện mà Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện trong năm vừa qua là triển khai và thực hiện thành công diễn tập cấp trung đội với nội dung bắn đạn thật và trung đội bộ binh tập kích địch phòng ngự. Qua cuộc diễn tập, trình độ, khả năng tác chiến của cấp trung độiđược nâng lên rõ rệt.
Nhiều sáng kiến hiệu quả
Góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khuyến khích tinh thần sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, cũng như làm cơ sở để lựa chọn những sáng kiến tiêu biểu tham gia hội thi các cấp, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ. Đã có nhiều sáng kiến được các đơn vị đưa vào ứng dụng có hiệu quả trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Điển hình như sáng kiến "Giá nâng hạ di động ly hợp chính xe tăng BT76" của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 3. Sáng kiến này dùng để nâng và hạ xe tăng khi tháo lắp, thực hiện được cả nơi địa hình khó khăn, vừa tiết kiệm thời gian và nhân lực. Hay sáng kiến "Thiết bị điều chỉnh hệ thống khí nén trên xe Thiết giáp BTR152" với hiệu quả cao, có thể tự động điều chỉnh áp suất của hệ thống khí nén, giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho xe khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong thực hành huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đến từng đơn vị, cá nhân cán bộ, chiến sĩ; tăng cường huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại giúp dân xây dựng nông thôn mới.
Để khích lệ tinh thần, ý chí phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ, Bộ CHQS tỉnh đã chú trọng công tác thi đua, khen thưởng. Nhờ vậy, chất lượng huấn luyện của các đơn vị được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Qua kiểm tra, có 100% khoa mục đạt yêu cầu, trong đó 78,6% đạt khá, giỏi (tăng gần 2% so với những năm trước).
Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao công tác huấn luyện, xây dựng LLVT không ngừng lớn mạnh, Bộ CHQS tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch huấn luyện bám sát phương châm đề ra, nhất là huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật tác chiến kết hợp với huấn luyện phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy rừng…và tăng cường các đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận. Tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác huấn luyện, tạo đột phá về mọi mặt. Đồng thời, đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp huấn luyện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng thực hành, gắn với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Đổi mới huấn luyện đảm bảo theo hướng đồng bộ, kịp thời, toàn diện, có trọng điểm. Qua đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo sức mạnh chiến đấu cao, góp phần xây dựng LLVT tỉnh không ngừng lớn mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn
Để cứu nạn công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và tìm kiếm đoàn cứu hộ mất tích, thời gian qua, Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng để tiếp tục công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đến ngày 15/10, các lực lượng đã tìm kiếm được 13 thi thể của cán bộ, chiến sĩ; trong đó có 3 cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh.
Hiện, Bộ CHQS tỉnh đang tích cực phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm số công nhân còn lại mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. (baothuathienhue.vn 28/10)
PHÁP LUẬT
1. Phạt 3-5 triệu đồng nếu bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi
Mức phạt này được quy định trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 15/11/2020. Nghị định cũng quy định tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm, như: bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; ép buộc, vận động người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi: bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại địa điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Hình phạt bổ sung đối với những vi phạm này là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến vi phạm trong thời hạn từ 1 - 3 tháng. Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi vi phạm. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới lấy chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”. Thông điệp này tiếp tục thông tin tới cộng đồng tác hại của việc sử dụng thuốc lá, kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe; xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.
Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, những năm gần đây, trên thị trường đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều có một số thành phần độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá này còn mới đối với thị trường tiêu dùng, nhất là tại Việt Nam.
ENDs hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan (dung dịch điện tử), tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. HTPs sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Theo các chuyên gia, việc quảng bá HTPs là sản phẩm không đốt cháy nên không tỏa khói, từ đó giảm tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường là không chính xác. Cả ENDs và HTPs đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây tác hại cho người chung quanh do hút thuốc lá thụ động.
Không chỉ gây tác hại về sức khỏe, ENDs, HTPs cũng gây những ảnh hưởng về mặt xã hội. ENDs hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ. Bán hàng qua mạng là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Tỷ lệ sử dụng ENDs của thanh thiếu niên lứa tuổi 13 đến 15 ở các nước thu nhập thấp và trung bình khá cao và đang gia tăng song song với thuốc lá điếu. Mặt khác, ENDs và HTPs làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. ENDs có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. (baothuathienhue.vn 29/10)
VĂN HÓA
1. Đêm nhạc “Thương về miền Trung”
Tối 28/10, tại Nhà hát Sông Hương đã diễn ra chương trình âm nhạc “Thương về miền Trung” do Công ty TNHH Gia Bảo Event-Media tổ chức.
“Thương về miền Trung” là đêm nhạc thiện nguyện dành trọn tình yêu cho miền Trung thương yêu, nơi đã và đang gánh chịu những tổn thất nặng nề sau những cơn bão, lũ vừa qua.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: Quang Linh, Đức Tuấn, Hoàng Bách, Trung Quân Idol, Tịnh Uyên, X2X Band, Xuân Phương… Các ca sĩ, nghệ sĩ đã gửi đến khán giả những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, như: Để gió cuốn đi, Một tình yêu, Vệt nắng cuối trời, Thương về miền Trung, múa đương đại “Vọng”…
Đạo diễn chương trình Đoàn Quốc Duy chia sẻ, đêm nhạc “Thương về miền Trung” nhận được rất nhiều sự hưởng ứng nhiệt tình từ các nghệ sĩ, không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn để đến ngay vùng lũ biểu diễn, quyên góp cho đồng bào quê hương.
Với đêm nhạc này, toàn bộ ekip và các nghệ sĩ đều tham gia với tinh thần thiện nguyện. Toàn bộ doanh thu bán vé và tiền quyên góp của khán giả, mạnh thường quân đều sẽ được Ban tổ chức trao tận tay đến người dân vùng lũ ngay sau khi chương trình kết thúc.
Chương trình còn tổ chức bán đấu giá 3 bức tranh, thu được 48 triệu đồng. (baothuathienhue.vn 29/10)
XÃ HỘI
1. Gõ cửa từng xe dừng tránh bão ở Huế để tặng cơm miễn phí
Được người dân thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) trao tận tay suất cơm nóng khi dừng xe tránh bão trên quốc lộ 1, anh Đào Trung Hiếu cảm thấy xúc động và biết ơn.
Do ảnh hưởng của bão số 9, nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1 bị gián đoạn từ đêm 27/10.
Trên đường giao hàng vào Đà Nẵng, xe của anh Đào Trung Hiếu (29 tuổi, quê Thanh Hóa) bị kẹt lại ở đoạn qua thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) từ 3h sáng 27/10. Các xe xếp hàng dài cả cây số để dừng chân tránh bão, tài xế phải nghỉ ngơi tại chỗ.
Do lường trước tình hình thời tiết xấu, anh Hiếu chuẩn bị mì tôm để ăn trên xe. Khoảng 11h trưa 28/10, khi trời vẫn mưa và có gió lớn, nam tài xế bất ngờ thấy nhiều người dân địa phương gõ cửa từng xe đang dừng tránh bão để tặng các tài xế suất cơm nóng, nước sạch và sữa.
“Cầm trên tay suất cơm có thịt, chút rau, tôi rất cảm kích và biết ơn tấm lòng của bà con Huế. Trong mưa bão, chỉ cần có bấy nhiêu cũng đủ thấy ấm lòng”, anh Hiếu nói với Zing.
Nam tài xế thông tin tới gần 19h tối 28/10, tuyến đường mới hết bị phong tỏa, các xe được lưu thông trở lại.
Người dân thị trấn Lăng Cô nấu những suất ăn miễn phí tặng các tài xế phải dừng tránh bão trên quốc lộ 1.
Bão số 9 (Molave) quần thảo trên đất liền các tỉnh thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định gây mưa lớn, gió giật mạnh. Trong tình hình khó khăn, nhiều câu chuyện về tình người, sự sẻ chia liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội.
Chia sẻ với Zing, anh Đông (26 tuổi, sống tại khu vực cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết mưa trút xuống nơi anh ở từ đêm 27/10, gió bắt đầu mạnh dần từ 6h sáng 28/10.
Từ trưa 27/10, chính quyền địa phương đã đi nhắc nhở người dân di tản, tránh bão. Biết tin khách sạn ở gần nhà mở cửa đón bà con tới tránh bão, 19h tối cùng ngày, anh Đông cùng bố mẹ mang theo điện thoại, chút mì tôm, nước suối đến xin trú nhờ.
“Bà con quanh đây cứ nhà ai không kiên cố là vô khách sạn trú. Mọi người đi chủ yếu người không, không đem đồ gì cả. Giờ có khoảng 50 người đang ở đây”, anh Đông cho hay.
Theo anh Đông, ngoài khách sạn, từ tối 27/10, nhiều trường học quanh vùng cũng mở cửa để bà con có thể tới tránh, trú.
“Bắt đầu từ sáng nay, mái hiên với ngói bay quá trời. Giờ tôi chỉ mong sao bão nhanh qua cho bà con đỡ khổ”, anh nói. (zingnews.vn 29/10)
2. CSGT và người dân Huế phát cơm miễn phí cho hành khách mắc kẹt do bão số 9
Lực lượng công an ở Trạm Cảnh sát giao thông Phú Lộc đã cùng với người dân địa phương chuẩn bị hàng nghìn xuất cơm hộp kèm theo nước uống, sau đó mang tới từng xe cho tài xế và các hành khách bị mắc kẹt trên Quốc lộ 1A.
Theo báo Lao Động, ngày 28/10 Đại úy Trần Hải Dương - Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc, (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, ngay từ sáng sớm, đơn vị đã chốt chặn tại khu vực lối dẫn vào hầm đèo Hải Vân để ngăn không cho các người và các phương tiện qua hầm đèo Hải Vân. Đồng thời, hướng dẫn các tài xế tìm chỗ an toàn để đậu xe và tránh bão.
Hiện, hơn 1200 phương tiện, gồm nhiều xe tải và xe khách đường dài đang dừng trên đoạn đường từ Nam đèo Phú Gia đến Km 894 và đoạn từ Bắc đèo Phú gia đến Km 862. Đoàn xe bị ách tắc kéo dài tới 10km.
Do bị kẹt lại khu vực này từ đêm 27/10, nhiều tài xế không kịp chuẩn bị nên bị thiếu đồ ăn, thức uống, trong khi phần lớn các hàng quán ven đường đều đã đống cửa để tránh bão.
Trước tình hình đó, lực lượng công an ở Trạm Cảnh sát giao thông Phú Lộc đã cùng với người dân địa phương chuẩn bị hàng nghìn xuất cơm hộp kèm theo nước uống, sau đó mang tới từng xe cho tài xế và các hành khách trên xe.
Đại uý Trần Hải Dương thông tin thêm: "Trạm đã huy động 100% quân số điều tiết giao thông tại thị trấn Lăng Cô từ Km 894 trở ra hướng bắc; phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nấu cơm và phát nước miễn phí cho các lái xe tránh bão”.
Hoạt động này sẽ vẫn được tiếp tục cho tới khi bão tan và các xe được phép lưu thông trở lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc, địa phương này vẫn đang có mưa và gió rất to, dòng xe tiếp tục ùn ứ và chưa biết khi nào có thể thông tuyến. Trong thời gian này, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với người dân cung cấp cơm miễn phí cho các tài xế đang bị mắc kẹt. (phapluatnet.nguoiduatin.vn 29/10)
3. EU hỗ trợ 35,6 tỉ đồng cho người dân vùng lũ miền Trung
Khoản viện trợ này sẽ tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách của những người bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Liên minh châu Âu sẽ cung cấp một khoản viện trợ trị giá 1,3 triệu euro (hơn 35,6 tỉ đồng Việt Nam) để trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền trung Việt Nam từ đầu tháng 10.
“Khoản viện trợ này là minh chứng cho sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Việt Nam, mà nhiều người trong số họ đã bị mất nhà cửa, sinh kế và đồ đạc trong sự tàn phá của những đợt lũ.” ông Olivier Brouant, phụ trách chương trình ứng phó nhân đạo của EU tại khu vực sông Mekong đã nói. “Khoản viện trợ của EU sẽ giúp các đối tác của chúng tôi trong công tác trợ giúp tới những người bị tổn thương nhất, đảm bảo rằng họ sẽ có đủ phương tiện để trải qua thời điểm khó khăn này.”
Khoản viện trợ này, được cung cấp thông qua chương trình Công cụ Ứng phó Khẩn cấp quy mô Cấp tính của EU (ALERT), sẽ hỗ trợ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, Save Children và World Vision trong công tác thực hiện cứu trợ. Công tác này sẽ bao gồm phân phát các bộ thiết bị làm sạch vệ sinh, và các vật dụng cứu trợ cần thiết khác, đảm bảo việc tiếp cận nước sách, các thiết bị làm sạch và tăng cường các công tác vệ sinh. Tiền mặt cũng sẽ được cung cấp cho người dân giúp họ mua thực phẩm và những thứ cần thiết khác. Những nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế nhất, bao gồm các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ và những người bị khuyết tật sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt./. (vov.vn 28/10)
4. Hỗ trợ cái người dân cần
Em hiểu sự rưng rưng ấy – Bình nói – Bà con cảm động vì được nhường cơm, sẻ áo lúc hoạn nạn, thiên tai địch họa…
Hôm đó, trên đường ra Tứ Hạ, Bình chỉ những hàng xe khách, xe tải nối dài trên tuyến đường, lưng xe có dòng chữ Hướng (hoặc thương) về miền Trung rồi nói với tôi “Em thấy mình xúc động thật sự đó chị. Mà không chỉ ở một đoạn đường này đâu. Nó nối dài suốt từ trong Nam ra tới tận Hà Tĩnh lận!”. Trong câu chuyện lan man sau đó, chúng tôi cũng đã nói nhiều về điều này, về sự đùm bọc và chia sẻ của người dân khi bà con gặp hoạn nạn; nói về một trong những tính cách của người con nước Việt, khi yêu thương luôn được trao đi…
Sự hỗ trợ ngay lập tức và kịp thời cho bà con vùng chịu đựng bão lũ ngay sau đó đã là ngọn lửa ấm loang ra khắp các địa phương trong cả nước, bằng rất nhiều hình thức hỗ trợ và tương trợ lẫn nhau. Từ những gói mì tôm, suất ăn, chai nước đến gạo, dầu ăn, thuốc uống, thuộc sát khuẩn, xuồng, phao chống lũ, cả những phần tiền để bà con có thể mua vài vật dụng cần thiết cho gia đình. Về phía mình, tôi nghĩ sẽ khó có thể diễn tả bằng lời sự cảm động rưng rưng của người dân khi nhận về những phần quà cứu trợ.
Em hiểu sự rưng rưng ấy – Bình nói – Bà con cảm động vì được nhường cơm, sẻ áo lúc hoạn nạn, thiên tai địch họa… nhưng bà con còn có cả niềm lo âu chưa biết làm thế nào để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thương như cũ, khi mọi thứ đã bị mưa lũ cuốn trôi. Đó mới là vấn đề cần hơn sau những hỗ trợ bước đầu.
Những điều Bình nói làm tôi hiểu cách mà bạn doanh nhân trẻ cất công từ TP. Hồ Chí Minh lao ra miền Trung ngay sau khi lũ rút. Bình không mang theo gì nhiều, nhưng đã cùng với anh em đến tận những nơi trũng thấp nhất hoặc bị thiên tai tàn phá nhiều nhất ở Huế, Quảng Trị và Quảng Bình để khảo sát xem người dân cần gì nhất để tái thiết cuộc sống. Bàn ghế cho học sinh ở Hải Lăng, giống lúa, giống rau, giống heo, gà, vịt… là những món đã được nhóm của Bình liệt kê trong danh sách. Quan điểm mà Bình xây dựng là các loại giống này phải được người địa phương chọn lựa, xác nhận để có thể thích nghi ngay với khí hậu và thổ nhưỡng của những nơi cần giúp đỡ. Ít nhất thì cũng giúp bà con đỡ công chăm sóc hơn, phát triển nhanh hơn và yên tâm hơn.
Trong câu chuyện sau đó nữa, Bình cho hay, em sẽ đích thân ra vùng lũ, vùng bị sạt lở để hỗ trợ bà con. Ngoài phần hỗ trợ từ mình, em hy vọng sẽ có sự góp sức của bạn bè trong giới ở Sài Gòn. “Giúp được cái bà con cần trong dài lâu cũng là việc cần làm. Em tin bạn bè anh em của mình sẽ cùng ghé vai vào, vì ngay từ bây giờ, đã có rất nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, email… để xác lập vấn đề này.” (baothuathienhue.vn 28/10)
5. Nghĩa cử của người dân thị trấn Lăng Cô trong bão số 9
Đến trưa 28/10, hàng trăm phương tiện và hàng ngàn hành khách đã bị kẹt trên địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) do hầm Hải Vân đã phong tỏa bởi bão số 9.
Theo ông Trần Đình Vui - Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đúng 3h sáng 28/10, lực lượng chức năng đã phong tỏa hầm Hải Vân, mục đích không để người và phương tiện qua hầm hướng từ Bắc vào Nam để đảm bảo an toàn khi từ Đà Nẵng đến Phú Yên là nơi tâm bão số 9 đổ bộ.
Cũng vì vậy mà từ thời gian trên cho đến trưa 28/10, hàng trăm phương tiện cơ giới, chủ yếu là xe tải, xe khách cùng hàng ngàn hành khách đã phải tạm dừng ở thị trấn Lăng Cô, khiến một đoạn QL1A khoảng 4km, đoạn ngang qua thị trấn tính từ tổ dân phố Lập An đến cửa hầm Hải Vân tắc nghẽn, các phương tiện chỉ có thể lưu thông ½ phần đường.
Do hàng quán trên trục đường này đã đóng cửa để tránh trú bão số 9 nên trong thời gian từ rạng sáng đến trưa 28/10, nhu cầu về thực phẩm, nước uống là rất bức thiết với hàng ngàn người đang bị kẹt lại trên xe.
Trước tình hình này, với tinh thần tương thân tương ái, rất nhiều người dân trên địa bàn thị trấn Lăng Cô đã không quản ngại mưa gió cùng nhau đem cơm, bánh bao, bánh lọc, nước uống và cháo dinh dưỡng để tiếp tế miễn phí đến từng xe, trong đó có nhiều người già và trẻ em với số lượng lên đến khoảng 5 ngàn phần.
Nghĩa cử này tiếp tục lan tỏa khi có một số hàng quán trên trục đường này mở cửa và treo biển miễn phí để tiếp tục hỗ trợ những ai đang bị kẹt tại đây.
“Do không biết chính xác khi nào bão tan nên chúng tôi đang huy động bà con và các nhóm thiện nguyện trên địa bàn tiếp tục chuẩn bị lương thực, thực phẩm để hỗ trợ các hành khách, tài xế, giúp họ yên tâm và ấm lòng trong thời điểm chờ bão tan”, ông Nguyễn Hữu Lai, một người dân địa phương đang tiếp tế cơm, bánh lọc cho các hành khách chia sẻ.(baothuathienhue.vn 28/10)
6. Phật giáo Q.Gò Vấp chia sẻ với người dân Quảng Nam, Huế
Đoàn cứu trợ của Ban Trị sự GHPGVN quận Gò Vấp và chùa Linh Sơn Hải Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cùng các mạnh thường quân đã có chuyến cứu trợ bà con bão lũ tại tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế trong các ngày 18 đến 21-10 qua.
Tại Quảng Nam, đoàn đã tặng 300 phần quà tại hai xã Prao và Arooi, thuộc huyện Đông Giang. Đây là huyện miền núi, ít được tiếp nhận quà cứu trợ; do dưới ảnh hưởng của bão lũ, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông nhiều nơi gần như tê liệt, các khu vực dân cư bị cô lập bởi mực nước dâng cao.
Ngoài ra, tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đoàn đến thăm và hỗ trợ 5 căn nhà bị lũ quét hư sập hoàn toàn tại xã Đại Hưng, ủng hộ số tiền 40 triệu đồng; đồng thời cúng dường 20 triệu đồng để tu sửa chùa Tứ Hiệp bị ngập và hư hại nặng do bão lũ,... Sau đó, đoàn tặng quà và tịnh tài đến 60 hộ dân tộc bị ảnh hưởng bão lũ tại đây.
Tại vùng rốn lũ gần cửa biển Phá Tam Giang, xã Hương Phong và Hải Dương - thị trấn Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), đoàn được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao 300 phần quà cho bà con bị ngập lũ. Mỗi phần quà trị giá 600 ngàn đồng gồm: 400 ngàn đồng tiền mặt và thực phẩm các loại.
Sau chuyến cứu trợ đợt 1, TT.Thích Tắc Bạch, Chánh Thư ký BTS GHPGVN Q.Gò Vấp cho biết, ngày 2-11 đoàn sẽ tiếp tục cứu trợ bà con vùng bão lũ đợt 2 tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. (giacngo.vn 28/10)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Gửi yêu thương bằng tiếng Anh
Tranh thủ từng chút thời gian rảnh rỗi, Phan Thị Mau, cô gái Huế đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng đã mở những lớp học tiếng Anh online miễn phí.
Mau được sinh ra và lớn lên tại Vinh Hiền (Phú Lộc). Gia đình gắn bó với thuyền chài và cũng chính con thuyền ấy đã góp phần biến ước mơ được dạy học của Mau thành hiện thực. Phan Thị Mau kể: “Năm 2015, mình tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, sau đó vào Nam giảng dạy. Kiên trì 2 năm nhưng cảm giác thiếu thốn quê hương vẫn luôn hiển hiện. Mình quyết định trở về và làm việc tại Đà Nẵng”.
Lập nghiệp ở vùng đất mới nhưng Phan Thị Mau vẫn luôn đau đáu về quê hương. Tuổi thơ bên đầm phá mênh mông trù phú nhưng vất vả, cô gái 9X hiểu sự thiệt thòi của trẻ em nơi đây. Cũng từ đó, Mau trăn trở, mong muốn mang lại điều mới mẻ, một phương pháp học mới dành cho các bạn nhỏ ở quê nhà.
Tháng 8/2020, Mau mở 4 lớp dạy tiếng Anh online miễn phí cho các bạn nhỏ vùng Khu III (Phú Lộc) qua Zoom. 9X Vinh Hiền cho biết: “Phần mềm trực tuyến này được sử dụng dễ dàng, chỉ cần điện thoại thông minh, máy tính hoặc máy tính bảng kết nối internet là mình đã có thể trao đổi và gửi tài liệu cho các bé”.
Ban đầu, Mau dạy cho 4 lớp với gần 20 bé (từ 4 – 7 tuổi) theo học. Do công việc bận rộn, lịch giảng dạy và lịch học của cô trò chồng chéo nên chỉ còn 1 lớp tiếp tục học qua Zoom. Không nản lòng, cô gái sinh năm 1992 tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy. Mau nói: “Các bé sẽ được tiếp cận 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo phương cách mới. Đó là trao đổi trực tiếp, học tập theo chủ đề, chơi game vừa vui vừa học và làm những bài tập về nhà sinh động”.
Mỗi tháng, lớp học sẽ hoàn thành một chủ đề. Mỗi chủ đề được lồng ghép nhiều hình ảnh, sắc màu và chữ cái liên quan. Sau mỗi bài học, cô và trò sẽ vừa học vừa chơi với những trò chơi nhỏ. Mau chia sẻ: “Tôi chọn thiết kế game trên PowerPoint vì nó khá đơn giản nhưng hiệu quả cao. Theo cách vừa học, vừa chơi này bé sẽ ghi nhớ lâu và hứng thú hơn với những gì được học”.
Những bài giảng sinh động, thu hút của Mau đã cho quả ngọt. Không chỉ siêng năng học tập, tiến bộ rõ rệt mà các bé đều “ngóng” đến giờ giảng. Háo hức với Anh văn, nên cứ 11 giờ trưa thứ hai và thứ tư hàng tuần, cô và trò vùng đầm phá đều vui vẻ dạy – học trên Zoom. Dù đi học, đi làm về vất vả, nhưng ai cũng mong sớm được dạy, được học, quên cả mệt, cả cơn đói cồn cào. Từ lớp học online giản dị này, Phan Thị Mau và các cô, cậu bé vùng quê ngày càng thương quý nhau. Lớp học ảo đã hóa thành lớp học thật dù cô và trò chưa từng gặp mặt, dù gặp nhau không thông qua bảng đen phấn trắng.
Chia sẻ về dự định, Phan Thị Mau cho biết: “Mình muốn mang phương cách học tiếng Anh này trở về nhà bằng cách mở trung tâm ngoại ngữ. Ngoài đam mê, đó còn là niềm hạnh phúc vì được sẻ chia kiến thức, truyền đạt những gì mình đã được học cho các bé những mầm non tương lai của vùng đầm phá quê mình”. Lập kế hoạch, vạch định sẵn về không gian, địa điểm, phương pháp giảng dạy, giáo trình tài liệu…, Phan Thị Mau đang từng bước hiện thực hóa mong ước. Trên con đường ấy, tấm lòng và nhiệt huyết của cô gái trẻ chính là sức mạnh, chiếc cầu nối gắn kết cô gái 9X với quê hương. (baothuathienhue.vn 27/10)
2. A Lưới: Nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn đường sạt lở
Sáng 28/10, UBND huyện A Lưới phát đi thông báo nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn Km76+500 trên tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới cho đến khi có thông báo mới.
Cụ thể, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn, đoạn Km76+500 trên tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới bị sạt lở ta luy dương. UBND huyện A Lưới yêu cầu nghiêm cấm các phương tiên lưu thông qua đoạn đường trên nhằm đảm bảo an toàn cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, huyện A Lưới cũng tuyên truyền người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường trong giai đoạn mưa bão, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ.
Hiện, các lực lượng đang trực để cảnh báo, tuyên truyền người dân không nên đi lại, đặc biệt là qua các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới cho biết, đến trưa 28/10, toàn huyện đã di dời 1.897 hộ/7.113 khẩu (số hộ di dời tập trung 544 hộ/2.004 khẩu).
Do ảnh hưởng bão số 9 huyện A Lưới bị mất điện do cây cối đổ vào đường dây điện 35KV. (baothuathienhue.vn 29/10)
3. Đảm bảo kế hoạch học tập cho tân sinh viên
Dịch bệnh và mưa lũ khiến kế hoạch tuyển sinh, nhập học và năm học mới của tân sinh viên bị đẩy lùi thời gian. Trước bối cảnh đó, các trường đại học (ĐH) có nhiều phương án đảm bảo kế hoạch học tập cho những người mới bước vào giảng đường ĐH.
Điều chỉnh kế hoạch
Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải đẩy lùi thời gian kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học (ĐH). Bên cạnh đó, đợt mưa lũ dài ngày vừa qua tiếp tục khiến công tác nhập học bị “chậm tiến độ”. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, do mưa lũ, Bộ GD&ĐT cho phép gia hạn thời gian xác nhận nhập học đến ngày 20/10. “Sự thay đổi đó dẫn đến kế hoạch nhập học và bắt đầu năm học mới của tân sinh viên có những điều chỉnh theo hướng lùi về mặt thời gian”, TS. Nguyễn Công Hào phân tích.
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết, sau khi xác nhận nhập học, thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học để bắt đầu năm học mới. Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài tại miền Trung, các cơ sở đào tạo tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ nhập học cho thí sinh vùng ngập lụt muộn hơn vài ngày để đảm bảo công bằng, đúng quy định.
Đến cuối tháng 10/2020, tân sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại một số trường bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, so với mọi năm, thời gian học đã chậm hơn khoảng 1,5 tháng, vì vậy cũng có những điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo khung chương trình và kế hoạch học tập học kỳ 1 cũng như toàn năm.
Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, sinh viên các khóa trên (từ năm 2 trở lên) đã học từ 24/8, trong khi tân sinh viên nhập học muộn. Mỗi học kỳ có 15 tuần đào tạo. Để đảm bảo tiến độ, dự kiến trong giai đoạn sắp tới, có thể tăng từ 2 lên 3 tiết/tuần, từ đó có thể rút ngắn được 5 tuần, đảm bảo tiến độ chung.
Lợi thế hình thức đào tạo hiện nay theo tín chỉ, vì vậy, việc điều chỉnh kế hoạch học tập sẽ có những thuận lợi. PGS.TS. Trần Thanh Đức cho hay, thông thường học kỳ 1 thường bố trí 15 tín chỉ. Với điều kiện thời gian nhập học muộn hơn, trường xem xét giảm số tín chỉ học kỳ 1 xuống còn 12 tín chỉ, đồng thời sẽ tăng số tín chỉ tương đương sang học kỳ 2. Ngoài ra, nếu trước đây bố trí tuần sinh hoạt công dân đầu khóa vào những ngày trong tuần thì hiện nay sẽ linh động sắp xếp vào những ngày cuối tuần.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, sinh viên sẽ được tổ chức học tập trước, sau đó dự kiến khai giảng vào tháng 11/2020 (muộn hơn khoảng 1 tháng so với mọi năm), phương án đào tạo có thể kết thúc năm học muộn hơn nhưng vẫn đảm bảo có khoảng thời gian nghỉ giữa 2 học kỳ. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Công Hào, các trường hiện có 1 – 2 tuần dự phòng trong khung thời gian đào tạo. Khoảng thời gian đó cũng có thể giúp các trường điều chỉnh, đảm bảo kế hoạch giảng dạy.
Sẽ tập huấn cho tân sinh viên học trực tuyến
Đối với tân sinh viên, ưu tiên số một vẫn là đào tạo trực tiếp tại giảng đường, song, để chủ động trong công tác đào tạo trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, các trường sẽ chủ động tập huấn, hướng dẫn cho tân sinh viên làm quen với hình thức đào tạo trực tuyến.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, phương án hướng đến là có thể tập huấn sớm ngay sau khi tân sinh viên vào học nhằm tăng khả năng thích ứng hình thức đào tạo trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh hay những trường hợp không thể tổ chức học tập trung tại trường, có thể học qua online. Việc tập huấn sớm sẽ tránh tình trạng bị động, chưa thực sự hiệu quả như đợt học trực tuyến do dịch COVID-19 đầu năm 2020.
Sau quá trình hướng dẫn và cho sinh viên làm quen với hình thức học trực tuyến, có thể tăng cường giảng dạy một số môn lý thuyết qua hình thức đào tạo trực tuyến, đảm bảo được kế hoạch đào tạo hợp lý. Lợi thế hiện nay giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ thông tin nên sẽ dễ dàng trong việc hướng dẫn phương thức đào tạo mới, bên cạnh hình thức đào tạo trực tiếp.
Đại diện các trường cho rằng, tùy điều kiện thời tiết những ngày tới, sẽ có những điều chỉnh kế hoạch đào tạo, phương án đào tạo phù hợp, vừa đảm bảo tiến độ chung, vừa đảm bảo được chất lượng giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. (baothuathienhue.vn 28/10)
4. Học sinh đi học trở lại từ chiều nay (29/10)
Những trường đủ điều kiện đảm bảo an toàn và không thuộc vùng bị ngập lũ sẽ đi học vào chiều nay (29/10).
Lãnh đạo các phòng, Giám đốc các trung tâm và Hiệu trưởng các trường trực thuộc căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị thông báo cho học sinh đi học trở lại đối với các trường đủ điều kiện đảm bảo an toàn và không thuộc vùng bị ngập lũ.
Sáng nay các trường tiếp tục triển khai làm vệ sinh trường lớp và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại học bình thường. (baothuathienhue.vn 29/10)
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
1. Thành phố Huế vắng hoe sau khi bão Molave đi qua
Mặc dù không nằm trong tâm bão đi qua nhưng người dân thành phố Huế cũng rất hạn chế ra đường, các tuyến phố hầu như vắng bóng người.
Mặc dù cơn bão Molave đã đi qua nhưng sức gió tại thành phố Huế vẫn rất mạnh, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa lớn. Mưa gió gây khó khăn cho việc di chuyển trên các tuyến phố nên phần lớn người dân đều rất hạn chế ra đường. (giadinh.net.vn 28/10)
2. Ảnh hưởng của bão số 9, toàn huyện A Lưới bị mất điện
Do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to kèm theo gió mạnh đã khiến đoạn Km 76+500 trên tuyến Quốc lộ 49A Huế - A Lưới bị sạt lở, nhiều cây xanh bị gió quật gãy đổ vào đường dây điện 35KV khiến toàn huyện A Lưới bị mất điện.
Ngày 28/10, UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn khiến đoạn Km 76+ 500 thuộc tuyến Quốc lộ 49A Huế - A Lưới bị sạt lở taluy dương.
Để đảm bảo an toan cho người và phương tiện, UBND huyện A Lưới đã nghiêm cấm các phương tiện ô tô, xe máy lưu thông qua đoạn KM 76+ 500 cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, huyện này cũng khuyến cáo người dân không ra đường trong thời điểm mưa bão để đảm bảo an toàn, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ.
Cùng ngày, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến cây xanh gãy đổ vào đường dây 35KV khiến toàn huyện A Lưới bị mất điện.
Trước đó, ngày 27/10, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời, sơ tán 19.671 hộ dân với 65.890 nhân khẩu đến những vị trí an toàn để tránh trú bão số 9. (daidoanket.vn 28/10)
3. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỪA THIÊN HUẾ ỨNG PHÓ BÃO SỐ 9
( Video quochoitv.vn 28/10/2020)
4. Nhiều cây xanh gãy đổ chắn ngang trên quốc lộ 1 ở Thừa Thiên - Huế do bão số 9
Ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến cho nhiều cây xanh trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bị gãy đổ. Lực lượng chức năng đang tiến hành cưa gọn cây gãy, phân luồng giao thông.
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào sáng nay, ảnh hưởng của gió bão chậm hơn so với dự báo, sức gió đo được ở hồi 10h30 là cấp 8.
Nhiều cây xanh trên tuyến Quốc lộ 1 bị gãy đổ, chắn ngang đường.
Lượng mưa tập trung phần lớn tại địa bàn huyện Phú Lộc và Nam Đông. Đây là hai địa phương gần với thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam chịu tác động trực tiếp của bão số 9.
Hiện nay, sức gió vẫn đang không ngừng tăng lên, gió rít và giật mạnh hơn, mây đen di chuyển nhanh bao phủ bầu trời. Tại Quốc lộ 49 đi qua huyện A Lưới vào sáng nay đã xảy ra tình trạng sạt Taluy dương tại Km75+500. Hiện lực lượng chức năng đang cố gắng khắc phục.
Lực lượng chức năng cưa, dọn các cây gãy đổ.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã xuất hiện tình trạng cây xanh bị gãy đổ, chắn ngang đường gây ách tắc giao thông. Lực lượng chức năng đã gấp rút triển khai lực lượng tổ chức cưa các cây gãy đổ, giải phóng mặt bằng, điều tiết giao thông trên tuyến.
Trong khi đó, tại khu vực ven biển hiện đang có mưa rất to, lượng mưa lớn, gió rất mạnh và sóng đánh cao, các hộ dân sống sát bờ biển đã được di dời từ sớm. Hiện lực lượng công an vẫn đang túc trực tại đơn vị để sẵn sàng ứng cứu khi cần. (giadinh.net.vn 28/10)
5. Bão số 9: Cây đổ la liệt bít kín Quốc lộ 1 qua Phú Lộc - Thừa Thiên Huế
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Thừa Thiên Huế xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh kể từ rạng sáng 28/10, có nơi, gió lớn giật đến cấp 7 gây đổ ngã nhiều cây cối. Đáng chú ý, trên tuyến Quốc lộ 1 cùng nhiều con đường tại huyện Phú Lộc, cây xanh đô thị đổ ngã la liệt trùm ra đường bít kín lối lưu thông.
Ngay trong sáng 28/10, công an huyện Phú Lộc phối hợp lực lượng phản ứng nhanh địa phương đã kịp thời ra quân giải phóng hiện trường cây cối đổ ngã, thu dọn các chướng ngại vật, phân luồng giao thông, nhằm bảo đảm an toàn đi lại trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn huyện này.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, từ sáng sớm đến chiều nay, 28/10, vùng đất liền tỉnh này có gió mạnh đạt cấp 8- 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4- 6m. Cấp độ rủi ro thiên tai được nâng lên mức độ 3.
Do chịu ảnh hưởng của bão số 9, trong ngày 28/10, tại TT-Huế có mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm. Gió to, mưa lớn gây nguy cơ sập đổ nhà cửa, cây cối tại địa bàn tỉnh này. (tienphong.vn 28/10)
6. Bão số 9 làm ít nhất 83 người chết và mất tích
57 người chết và mất tích ở trên bờ khi bão số 9 đổ bộ, còn trên biển thì 26 ngư dân vẫn đang mất tích từ trước khi cơn bão vào. Như vậy, ít nhất 83 người chết và mất tích.
Theo báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay 29-10, cơn bão số 9 cùng mưa lũ đã làm ít nhất 2 người chết (Gia Lai: 1 người; Quảng Nam: 1 người) cùng 55 người mất tích do sạt lở núi (trong đó tại huyện Nam Trà My là 53 người và 2 người ở huyện Phước Sơn).
Có 28 người bị thương ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Quảng Ngãi, Bình Định). Bão đánh sập hơn 2.555 ngôi nhà và thổi tốc mái 88.591 nhà ở nhiều địa phương từ Nam Trung bộ tới Tây Nguyên.
Ngoài gây lở núi, vùi lấp hàng chục người ở Nam Trà My - Quảng Nam thì ở trên biển, bão đánh chìm 9 tàu cá tại Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam.
Trong 9 tàu chìm có 2 tàu của Bình Định mà Báo SGGP Online đã đưa tin từ chiều 27-10. Sáng nay, Ban chỉ đạo Trung ương báo cáo 26 ngư dân vẫn mất tích.
Ban chỉ đạo Trung ương thông tin, lúc 0 giờ 51 phút nửa đêm 28-10 về sáng 29-10, tàu kiểm ngư KN467 của Cục Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận được tàu cá BĐ-98658-TS của Bình Định hoạt động ở gần tàu cá BĐ-96388-TS bị nạn (trên tàu có 12 ngư dân).
Tàu BĐ-98658-TS đã tham gia cứu hộ tàu chở 12 ngư dân bị nạn nhưng do sóng lớn, mây mù nên không thể tiếp cận mục tiêu.
Hiện sức khỏe của 4 thuyền viên trên tàu BĐ-98658-TS bình thường.
Quảng Ngãi: Đưa các công nhân làm tại đập dâng sông Trà Khúc vào bờ
Sáng 29-10, lực lượng quân sự, dân quân, biên phòng điều ca nô đưa các công nhân đang làm tại đập dâng sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi) vào bờ an toàn.
Thông tin ban đầu, các công nhân đang làm việc trên công trình đập dâng sông Trà Khúc đã bị cô lập khi bão số 9 đổ bộ. Nước sông dâng cao nên các công nhân đã không thể vào bờ. Đến sáng 29-10, lực lượng quân sự, dân quân, biên phòng đã túc trực, điều ca nô để đưa các công nhân vào bờ an toàn.
Công nhân Nguyễn Trọng Tâm (tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Đến 18 giờ đêm hôm qua (ngày 28-10), nước sông Trà Khúc bắt đầu lớn, chúng tôi phải dời qua đồi cao hơn. Đến đêm khuya thì nước đứng lại, một số người về thu dọn đồ đạc. Sáng nay, chúng tôi được cứu hộ về lại bờ”. Nhóm công nhân của ông Tâm có khoảng 20 người. Rất may, nhóm công nhân đều an toàn. Hiện công tác cứu hộ đang tiếp tục.( sggp.org.vn 29/10)
7. Hàng loạt ngôi nhà huyện miền núi Thừa Thiên-Huế tốc mái
Bão số 9 đã khiến hàng loạt ngôi nhà của người dân tại 2 huyện A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bị tốc mái.
Đến tối ngày 28-10, lãnh đạo hai huyện A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) cho biết mưa lớn kèm theo gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến rất nhiều nhà dân của hai huyện này bị hư hỏng.
Được biết, hiện có khoảng 100 nhà bị tốc mái, tuy nhiên, đây chưa phải là số liệu cuối cùng vì việc thống kê vẫn đang được tiến hành. Hiện gió đã giảm nhưng mưa lớn tại khu vực này vẫn tiếp diễn.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cũng cho biết bão số 9 ngoài làm nhiều ngôi nhà tốc mái thì nhiều diện tích cao su và keo tràm bị gãy đổ. Số thiệt hại này nằm rải rác nhiều xã và hiện chưa thể thống kê.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh này cho biết do ảnh hưởng của bão số 9 nên tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, mưa rất to, với lượng phổ biến 80-270mm, có nơi cao hơn như Thượng Nhật 338mm, Nam Đông 486mm.
Dự báo, trong đêm nay và ngày mai 29-10, ở Thừa Thiên - Huế còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. (plo.vn 28/10)
8. Bão Molave khiến 4 người bị thương, hàng chục nhà tốc mái, nhiều diện tích cây trồng hư hại
Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến thời điểm này, chưa có thiệt hại về người, song bão số 9 khiến nhiều nhà dân bị tốc mái. Mưa lớn nhiều ngày qua khiến hệ thống đê điều bị hư hỏng. Lực lượng chức năng bước đầu đã triển khai các hoạt động khắc phục, ổn định đời sống người dân.
Ngày 28/10 toàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, với lượng phổ biến 80-270mm, có nơi cao hơn như Thượng Nhật 338mm, Nam Đông 486mm.
Do ảnh hưởng của bão số 9 triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14km. Trong đó, đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km sâu vào 7-10m làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21, khả năng mở cửa biển mới rất cao. Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3,0 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ. Xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5km; xã Hải Dương, TX Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 1km; xã Phong Hải, Phong Điền tiếp tục bị sạt lỡ bờ biển dài 3km chiều sâu xói lở từ 5-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ.
Bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; bờ sông Bồ đoạn qua thôn Bồ Điền, Phong An, huyện Phong Điền bị sạt lở 150m, sâu 5m.
Công an tỉnh đã lập các chốt chặn hướng dẫn người dân thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h đêm ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới.
Lực lương quân sự huyện Phong Điền giúp dân giằng chống nhà cửa tại xã Phong Hải trước khi bão Molave đổ bộ vào đất liền
4 người bị thương gồm: Ông Nguyễn Công Thịnh (SN 1994, trú tại thôn Hòa Bắc, xã Phong Mỹ), ông Nguyễn Hữu Hiền (SN 1998, trú tại thôn Mỹ Phú, xã Phong Chương), ông Lê Quang Lụt (SN 1962, trú tại thôn Phú Lộc, xã Phong Chương), ông Phan Lê Anh Kết (SN 2003, trú tại thôn Hiền An, xã Phong Xuân) bị ngã và bị thương phải cấp cứu tại Bệnh viên Trung ương Huế cơ sở 2. Riêng ông Lụt bị gãy tay được bó bột và ở tại nhà.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, bão Molave làm nước biển dâng cao, khiến các bao cát, vải lọc chắn sóng tại bờ biển xã Phong Hải bị hư hỏng, cuốn trôi. Đến nay, huyện Phong Điền đã di dời gần 3.000 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu; trong đó di dời tập trung tại 13 điểm 250 hộ, 766 nhân khẩu. Hiện tại, nước sông Bồ, sông Ô Lâu đang lên. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai, ứng cứu khi có yêu cầu.
* Tại huyện Phú Lộc: Cây gãy đổ, nhà bị tốc mái, toàn huyện bị mất điện
Thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Phú Lộc cho biết, do Đà Nẵng, Quảng Nam trở vào đến Phú Yên hiện đang là tâm bão, nên cấp trên có lệnh tạm thời đóng cửa hầm đèo Hải Vân để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện đi qua. Vì vậy, trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Phú Lộc xảy ra ách tắt giao thông kéo dài trên 6km. Chính quyền địa phương và các, ban, ngành chức năng sở tại đã vận động người dân nấu hơn 1.000 suất cơm để hỗ trợ cho hành khách đang ách tắc trên đường.
Trước đó, các Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phối hợp với các địa phương ven biển nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.
Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sườn núi, vùng sạt lở ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng thấp trũng hạ du Hồ Truồi, Hồ chứa nước Thủy Yên đến nơi trú ẩn an toàn. Tổng số hộ dân ở các địa bàn xung yếu được sơ tán, di dời đến nơi an toàn khoảng 3.967hộ, với 12.464 nhân khẩu.
Hiện tại, các địa phương bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt, các bến đò ngang đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 suy yếu, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên trong đêm nay (28/10) và ngày mai 29/10, Thừa Thiên Huế còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Đến cuối giờ chiều 28/10, mực nước trên sông Hương, tại Kim Long là +1,74 m dưới báo động II là 0,26m.
Trên sông Bồ, tại Phú Ốc là + 2,41m dưới báo động II là 0,59m.
Mực nước tại đập Thảo Long: +1,4m (do nước dâng do bão mực nước hạ du các sông đang dâng cao).
* Nam Đông: Mưa lớn và gió giật mạnh
Theo thông tin ban đầu, toàn huyện mất điện do nhiều nơi cột điện bị gãy, nhiều hộ dân và một số trụ sở cơ quan bị hư hỏng phần mái. Tại Hương Xuân và các xã khác, nhiều diện tích cây cao su và cây ăn quả như chuối, cam gãy đổ hàng loạt khiến các hộ dân thiệt hại nặng về kinh tế. Do tình hình bão số 9 vẫn còn diễn biến phức tạp nên công tác thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố đang gặp nhiều khó khăn.
UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ khuyến cáo không ra khỏi nhà và các nơi trú ẩn an toàn đến khi có thông báo mới. Trước đó, UBND 10 xã, thị trấn đã hoàn tất sơ tán 1595 hộ/5395 khẩu sống tại nhà cấp 4, nhà có nguy cơ tốc mái, đổ sụp và vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
*A Lưới: 41 nhà bị tốc mái, hư hỏng
Trong số 41 nhà bị tốc mái, xã A Ngo có 5 nhà, xã Trung Sơn 15 nhà; xã Lâm Đớt 13 nhà; xã Hương Nguyên 4 nhà; xã Sơn Thủy 2 nhà; Hồng Thượng xã 2 nhà.
Mưa bão khiến đoạn KM 76+500 Quốc lộ 49A bị sạt lở; nhiều vị trí khác trên tuyến Quốc lộ 49A có nguy cơ sạt lở là đoạn từ km68 - km77+800. Ngoài ra, có 1 con trâu xã Lâm Đớt bị trôi. Huyện A Lưới mất điện từ 4 giờ 30 sáng đến hiện tại.
Đến nay, toàn huyện đã di dời 2.371 hộ/8.182 khẩu (số hộ di dời tập trung 848 hộ/2.944 khẩu) để tránh bão và nguy cơ ngập lụt, sạt lở.
* Phú Vang: Một số xã thấp trũng như Phú Mậu, Phú Dương, thị trấn Thuận An… ngập cục bộ
Một số con đường ở xã Phú Mậu ngập cục bộ
Trước đó, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn (nhất là các địa bàn xung yếu ven biển) đã làm tốt công tác tuyên tuyền, phòng chống bão. Chính quyền các cấp phối hợp các lực lượng quân đội, công an…, di dời 3.248 hộ dân đến nơi an toàn. Tàu, ghe, thuyền, ngư lưới cụ của ngư dân tại các xã vùng biển, đầm phá đã được đưa vào nơi neo đậu, neo buộc an toàn. Những điểm sạt lở, xâm thực tại xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An đã được kè chắn, gia cố.
Hiện, địa phương duy trì lực lượng ứng trực 24/24, chuẩn bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sảng tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, khuyến cáo người dân tối nay không ra đường, để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản.
*Quảng Điền: Nhiều tuyến đê bao, kênh mương hư hỏng
Bão số 9 khiến nhiều ngôi nhà ở các vùng ven biển, đầm phá bị tốc mái, nhiều cây xanh đổ gãy. Mưa lớn kết hợp các công trình hồ chứa điều tiết nước khiến nhiều vùng thấp trũng bị ngập. Nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn các xã: Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành... ngập sâu.
Mọi hoạt động giao thông đi lại đều bằng xuồng, sản xuất kinh doanh tạm ngừng, điện lưới tạm ngừng cấp. Các lực lượng đã tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi có gió mạnh, nước lũ dâng cao theo phương châm tự quản tại chỗ.
Ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Điền thông tin, lãnh đạo huyện thường xuyên kết nối thông tin, liên lạc với các địa phương, theo dõi sát sao diễn biến, tình hình tại các khu vực dân cư, hộ gia đình, các công trình, sẵn sàng tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn, cứu trợ lương thực thực phẩm trong tình huống khẩn cấp. Các ban ngành, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra khẩn cấp tại các khu dân cư, khu vực ven biển, đầm phá, ven sông và các công trình xung yếu ngay sau khi bão đi qua.
Ảnh hưởng bão số 9 gây mưa lớn kết hợp lũ lớn kéo dài thời gian qua làm nhiều tuyến đê bao, kênh mương bị xói lở, hư hỏng, bồi lấp nghiêm trọng. Qua kiểm tra, thống kê bước đầu, một số tuyến đường và đê kè quan trọng bị hư hỏng, sạt lở nặng. Trong đó kể đến tuyến đê kết hợp đường giao thông Nho Lâm - Nghĩa Lộ, đoạn qua (xã Quảng Phú và Quảng Thọ); đê kênh Diên Hồng (xã Quảng Phước và thị trấn Sịa); kè sông Bồ tuyến qua Phú Lương B (xã Quảng An); đê ADB Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương (xã Quảng Vinh)... Ước thiệt hại về đê bao, thủy lợi trên địa bàn huyện Quảng Điền khoảng 41 tỷ đồng.
Phó phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục thiệt hại, nạo vét kênh mương, sửa chữa trạm bơm, kịp thời sản xuất vụ đông và chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân sắp tới.
Phương án của huyện Quảng Điền lúc này là khắc phục, gia cố tạm thời các công trình bị hư hỏng do mưa lũ còn dài, nguy cơ hư hỏng vẫn còn xảy ra. Huyện cũng đã đề xuất cấp trên hỗ trợ 24,5 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê kè kết hợp giao thông quan trọng và 20 tỷ đồng khắc phục sạt lở các tuyến kênh mương, các trạm bơm phục vụ sản xuất vụ đông - xuân...
Nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ học ngày 29/10
Cụ thể, các trường ĐH: Khoa học, Nông Lâm, Ngoại ngữ, Sư phạm thuộc ĐH Huế đã có thông báo cho sinh viên nghỉ học ngày 29/10. Trường ĐH Phú Xuân cũng thông báo cho sinh viên nghỉ học ngày 29/10.
Trong thời gian nghỉ học, các trường khuyến cáo sinh viên theo dõi và thực hiện theo các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chức năng, hạn chế ra bên ngoài trong trường hợp không thực sự cần thiết.
Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, các trường sẽ thông báo để sinh viên đi học trở lại theo kế hoạch từ ngày 30/10. (baothuathienhue.vn 28/10)
9. Nhiều tuyến bờ biển Huế sạt lở nặng, 4 người bị thương
Do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho nhiều tuyến bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nặng với chiều dài hơn 14 km.
Chiều tối 28/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tại địa bàn tỉnh đã có gió mạnh liên tục, trong đó tại TP Huế có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8; tại A Lưới có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; Nam Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Thuận An, Phú Vang có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7.
Bão số 9 khiến nhiều cây xanh ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gãy đổ, hàng chục nhà dân tốc mái.
Qua thống kê bước đầu, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 người bị thương, gồm: ông Nguyễn Công Thịnh (SN 1994, thường trú thôn Hòa Bắc, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) bị thương khi giằng chống nhà cửa vào chiều 27/10; anh Nguyễn Hữu Hiền (SN 1998, trú thôn Mỹ Phú, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) gãy cột sống do ngã khi giằng chống nhà cửa; anh Phan Lê Anh Kết (SN 2003, thường trú tại thôn Hiền An, Phong Xuân, huyện Phong Điền) gãy tay và tất cả đều được điều trị tại cơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế. Riêng ông Lê Quang Lụt (SN 1962, trú tại thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) bị gãy tay khi giằng chống nhà cửa hiện đã bó bột và điều trị tại gia đình.
Nhiều đoạn bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nặng do bão.
Ngoài ra, ảnh hưởng bão số 9 còn làm 33 nhà dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế tốc mái; QL 49A sạt lở ta luy dương đoạn Km 76+500; nhiều vị trí khác có nguy cơ sạt lở đoạn từ Km 68 đến km 77+800; gió mạnh giật cấp 9, cấp 10 làm cây cối gãy đổ sà vào tuyến đường dây gây sự cố làm mất điện tại 8 huyện, thị xã với 118/145 phường, xã, thị trấn.
Hơn 1.200 phương tiện giao thông "mắc kẹt" trên tuyến QL1A đoạn qua huyện Phú Lộc do chưa thể lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân.
Do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho nhiều tuyến bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nặng với chiều dài hơn 14 km. Trong đó tập trung ở các đoạn xung yếu qua các xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) với chiều dài hơn 4 km, sâu vào 7 - 10m làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21, khả năng mở cửa biển mới rất cao; sạt lở bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) dài hơn 3 km, sâu vào 7 đến 10m gây ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Phú Diên tiếp tục sạt lở hơn 2 km; xã Phú Hải (huyện Phú Vang) sạt lở 1,5 km; xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) sạt lở 1 km; xã Phong Hải (huyện Phong Điền) sạt lở 3 km…
Lực lượng Trạm CSGT Phú Lộc điều tiết giao thông trên QL1A vào chiều 28/10 do hàng trăm thương tiện giao thông dừng đỗ tránh bão.
Ngoài ra, bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) tiếp tục sạt lở với chiều dài khoảng 100m; bờ sông Bồ đoạn qua thôn Bồ Điền, Phong An (huyện Phong Điền) bị sạt lở 150m, sâu 5m.
Để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ 0h30 sáng 28/10, hầm đường bộ Hải Vân đóng chiều Bắc - Nam và đến 6h30 thì đóng 2 chiều qua hầm đường bộ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện không đi vào vùng tâm bão. Đến chiều tối cùng ngày, các phương tiện giao thông vẫn tiếp tục dừng đỗ trên tuyến QL1A đoạn từ Nam đèo Phú Gia đến Km 894 và đoạn từ Bắc đèo Phú Gia đến Km 862, thuộc huyện Phú Lộc.
Theo Trạm CSGT Phú Lộc, ước tính có hơn 1.200 phương tiện đang dừng đỗ trên QL1A qua địa bàn Phú Lộc vì chưa thể lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân. Trạm CSGT Phú Lộc đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân ven đường hỗ trợ thực phẩm, nước uống cho các tài xế và hành khách trên xe. (cand.com.vn 28/10)
10. Kẹt xe 20 giờ liền ‘chưa có đường ra’ tại Thừa Thiên Huế vì mưa bão
Hơn 20 giờ trôi qua, tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 1 ở phía bắc hầm đường bộ Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên Huế) vì mưa bão vẫn chưa được giải tỏa. Các phương tiện nối đuôi nhau chờ vào hầm hoặc vượt đèo dài hơn 10km, vắt qua địa bàn nhiều xã, thị trấn.
Phòng tránh bão số 9, từ 0h30 sáng 28/10, hầm đường bộ Hải Vân đã đóng chiều từ Huế đi Đà Nẵng, đến 6h30 đóng hoàn toàn 2 chiều để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện không đi vào vùng tâm bão.
Việc đóng hầm đã làm hơn 1.200 phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa ùn ứ phía bắc hầm Hải Vân đoạn qua thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc).
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã túc trực trên tuyến này 24/24h từ tối 27/10 để tuyên truyền, vận động các tài xế không đi vào vùng có bão. Đồng thời, điều tiết, sắp xếp vị trí và phân luồng các phương tiện để hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ có thể xảy ra.
Tại những địa điểm có cây cối gãy đổ, lực lượng CSGT đã triển khai cưa cắt, thu dọn, giải phóng mặt bằng ách tắc để thông tuyến.
Đến tối 28/10, do hoàn lưu bão số 9 còn diễn biến rất phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện di chuyển trên QL 1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa có thông báo mới về việc thông tuyến qua hầm. Theo dự báo, các phương tiện vẫn tiếp tục tạm dừng nghỉ trên tuyến QL 1 đoạn qua thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.
Để hỗ trợ hành khách, tài xế không bị đói do kẹt xe giữa mưa bão, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân tổ chức đặt nấu hơn 1.000 suất cơm, nước đóng chai, bánh mì để cấp phát miễn phí cho những người có nhu cầu vào trưa 28/10.
Đến tối cùng ngày, CSGT cùng các lực lượng khác và người dân địa phương tiếp tục hỗ trợ hành khách, tài xế về các suất ăn, nước uống để họ yên tâm trú tránh hoàn lưu bão trước khi di chuyển an toàn vào Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam. (tienphong.vn 28/10)
Y TẾ
1. Tăng cường chăm sóc sức khỏe cộng đồng dân cư vùng lũ
Đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng đầu tháng 10 vừa qua tại miền Trung được xác định là thảm họa thiên tai cần đặc biệt chú ý, nhất là công tác kiểm soát, chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau lũ. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khống chế, không để dịch bệnh bùng phát và truyền nhiễm trong cộng đồng dân cư ở vùng lũ.
Sau lũ, gần như ngay lập tức, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, dịch tễ ở địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bắt tay ngay vào chăm sóc sức khỏe và phòng dịch. Đối với các cơ sở y tế bị lũ nhấn chìm, cần có biện pháp phục hồi ngay cơ sở khám chữa bệnh, kể cả khám chữa bệnh lưu động. Với mục tiêu cả nước hướng về miền Trung, công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ mới chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt, còn nguy cơ thiên tai tàn phá sức khỏe người dân về lâu dài thì chưa ai dám phán đoán mức độ thiệt hại. Vì vậy, các lực lượng cứu hộ và người dân vừa trải qua thảm họa thiên tai cần được trang bị đầy đủ các kiến thức y tế để phòng bệnh và các phương án chăm sóc sức khỏe. Công tác phòng ngừa càng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại lâu dài.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là người liên tục phát đi các khuyến cáo phòng bệnh. Ông cùng các đồng nghiệp xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết về phương án phòng ngừa, dự đoán các bệnh phát sinh sau lũ và chuyển đến người dân một cách nhanh nhất qua truyền hình, mạng xã hội trực tuyến... Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt nói: “Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, các đoàn cứu trợ đến miền Trung rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng lương thực, thực phẩm, chúng ta cần giáo dục y tế sức khỏe và có sự quan tâm đặc biệt đến những nguy cơ rất lớn về bùng phát dịch bệnh có thể phát sinh ở vùng lũ”.
Khi lũ rút đi, gần như các bệnh truyền nhiễm sẽ xuất hiện ở địa phương và nguy cơ trở thành các đợt dịch bệnh loang rộng, đặc biệt là bệnh lây truyền qua nguồn nước không sạch. Khát nước sạch giữa vùng nước mênh mông là tình cảnh người dân vùng lũ phải đối mặt. Việc cứu trợ bằng nhiều nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ trong thời gian bao lâu mới được đưa tới tay người dân, thực phẩm ẩm mốc, nhiễm khuẩn, quá hạn... đều rất nguy hiểm.
Dầm mình sinh hoạt trong lũ dài ngày khiến người dân kiệt quệ sức khỏe, những người mắc bệnh mạn tính bị cách ly trong lũ không được tiếp cận với thuốc khiến bệnh trở nên nặng hơn. Người dân ăn uống, nấu nướng trong các căn nhà ẩm mốc bị ngâm nước lâu ngày cũng là môi trường độc hại, hủy hoại hệ hô hấp.
Các chuyên gia y tế đánh giá, một điều ít ai nghĩ tới là phần lớn người dân vùng lũ sẽ chịu thêm một cơn tai biến nữa đó là vấn đề sức khỏe tâm thần sau lũ. Sự mất mát về người và của, nuối tiếc cuộc sống trước đây, hoặc lo lắng về sinh kế lâu dài đều ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, nguy cơ căng thẳng thần kinh trầm trọng dẫn tới nhiều hệ lụy. Chưa kể một số vấn đề về sức khỏe sinh sản rất thiết thực và thông thường, mà theo các y, bác sĩ là thực trạng rất “tế nhị” thường rất khó nói cũng sẽ trở thành vấn đề lớn sau lũ.
Danh mục các bệnh được dự đoán sẽ phát sinh sau lũ gồm có bệnh truyền nhiễm do véc-tơ (do chuột, côn trùng, muỗi) như tiêu chảy, sốt xuất huyết. Việc tập trung đông người ở các nơi tránh lũ, hoặc nhận hàng cứu trợ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh hô hấp cấp. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng khác phải kể đến như bệnh tai mũi họng vì sinh hoạt nước bẩn, viêm da, viêm kết mạc mắt, sởi, viêm màng não, uốn ván, bệnh lây qua xác động vật... Chính các lực lượng cứu hộ cần có kiến thức về các loại bệnh, các cơ sở y tế ở xã, phường, huyện cần nhận biết ngay lập tức các triệu chứng bệnh có thể phát triển thành dịch, hay không phát triển thành dịch để phòng ngừa ngay từ ban đầu. Việc cấp cứu thảm họa cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe người dân về lâu dài.
Trong bối cảnh lũ chồng lũ, thiên tai ập đến bất ngờ, khốc liệt, điều quan trọng nhất là mạng sống con người. Tuy nhiên, thứ bào mòn dần sức sống của cộng đồng dân cư vùng lũ lại không thể nhìn thấy ngay được.
Khi lũ rút đi, giai đoạn tiếp theo sẽ là mầm bệnh xuất hiện từ các vùng nước ngập đọng, xác súc vật chết bị thối rữa. Thực tế đã minh chứng, sau mưa, lũ lụt, các loại bệnh như bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, nước ăn chân... lan ra diện rộng có thể tạo thành dịch nguy hiểm. Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng vừa triển khai phân bổ hóa chất khử khuẩn cho các đơn vị để phục vụ công tác khắc phục hậu quả. Không ai khác, các lực lượng tại chỗ cũng sẽ là những người sát cánh cùng người dân vượt qua giai đoạn hậu lũ khó khăn này. (bienphong.com.vn 29/10)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Hue-S bổ sung thêm công cụ “Phòng chống bão lụt”
Sáng 28/10, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, nhằm tăng cường giải pháp giúp người dân phòng chống bão lụt hiệu quả, IOC đã tích hợp các chức năng cung cấp thông tin, cảnh báo và các công cụ trên nền tảng Hue-S.
Theo đó, ngoài số điện thoại đường dây nóng 19001075 triển khai có hiệu quả lâu nay trong phòng chống dịch COVID-19 và phòng chống bão lụt, IOC tiếp tục tích hợp thêm công cụ “Phòng chống bão lụt” với nhiều ứng dụng tiện ích, giúp người dân nắm bắt kịp thời để phòng trách bão lụt an toàn.
Đó là các thư mục về “Yêu cầu hỗ trợ”: Trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến bản thân, người dân kích hoạt chức năng này để được hỗ trợ nhanh.
“Thông báo cảnh báo”: Cung cấp thường xuyên thông tin bão lụt và cảnh báo nguy hiểm để người dân nắm và phòng tránh an toàn.
“Camera trực tuyến”: Hệ thống camera sẽ được kích hoạt trực tuyến để người dân theo dõi tình hình các tuyến đường hiện tại.
“Phản ánh ngập lụt”: Khi phát hiện các điểm ngập lụt, người dân dùng chức năng này để cập nhật giúp chia sẻ thông tin cho cộng đồng.
“Theo dõi lượng mưa”: Hệ thống thông tin giúp người dân nắm tình hình lượng mưa trên toàn tỉnh theo thời gian thực.
“Mực nước trên sông”: Thông tin giúp người dân nắm nhanh tình hình mực nước của sông Hương và sông Bồ hiện tại.
Ông Nguyễn Xuân Sơn đề nghị mỗi người dân cần cài đặt Hue-S ở địa chỉ: https://huecity.vn/caidat để thường xuyên cập nhật và tương tác thông tin. (baothuathienhue.vn 28/10)
2. XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ LÀ TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC
(Videoquochoitv.vn 28/10)
THỂ THAO
1. Bắn cung Huế có cơ hội dự tranh SEA Games 21
Giải vô địch các đội mạnh bắn cung quốc gia 2020 vừa kết thúc sáng 28/10 tại Sóc Trăng. Đây là giải đấu nhằm tuyển chọn VĐV xuất sắc tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam năm 2021.
Diễn ra từ 23/10, giải vô địch các đội mạnh bắn cung quốc gia 2020 quy tụ gần 200 VĐV đến từ: Thừa Thiên Huế, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và chủ nhà Sóc Trăng tham gia tranh tài cung 1 dây và cung 3 dây ở các nội dung: cá nhân, đôi nam, đôi nữ, đôi nam - nữ, toàn năng, đồng đội nam, đồng đội nữ với cự ly: 90m, 70m, 50m và 30m.
Góp mặt 7 VĐV cung 1 dây, sau gần 1 tuần đua tranh, bắn cung Thừa Thiên Huế xuất sắc giành 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Tất cả 5 huy chương này đều có tên của cung thủ chủ lực Nguyễn Thị Thanh Nhi, trong đó, tấm HCV cá nhân của Thanh Nhi ở cự ly 70m.
Theo HLV trưởng Bộ môn bắn cung tỉnh - Lại Đăng Quang, đây là giải đấu nhằm tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games 31 nên tính cạnh tranh rất khốc liệt. Và thành tích của Nguyễn Thị Thanh Nhi cho thấy nữ cung thủ này đang có phong độ rất ổn định, luôn nằm trong top 3 cung thủ xuất sắc nhất cả nước. Điều này hứa hẹn Thanh Nhi có nhiều hơn cơ hội được góp mặt tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực vào năm sau.
Cũng tại giải đấu này, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các VĐV, HLV, trọng tài, khán giả đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. (baothuathienhue.vn 28/10)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Bình yên cho những chuyến tàu
Bất kể nắng mưa, đêm hay ngày, những công nhân sửa chữa đường sắt, tuần đường… luôn có mặt trên những cung đường sắt ở Thừa Thiên Huế để kiểm tra, khắc phục sự cố.
Làm việc không kể đêm ngày
Những ngày mưa lũ mới đây, chúng tôi theo chân các công nhân ở Đội đường sắt Huế 4, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên kiểm tra, bảo dưỡng các cung đường sắt ngập nước và xuống cấp qua địa bàn TX. Hương Trà. Mưa, gió nhưng nhận lệnh, họ khẩn trương chia từng nhóm vào cung đường vừa bị nước lũ tràn qua tại khu vực ga Văn Xá, La Chữ. Người nào việc nấy, vừa vận chuyển đá, vừa vá đường, nhóm lại kiểm tra bu lông ốc vít các tà vẹt... Các thao tác kỹ lưỡng nhanh, gọn, an toàn từ điểm này đến điểm kia...Nhóm trưởng (xin không nêu tên) chia sẻ, đây là công việc đặc thù trước khi nhận lệnh đã định lượng công việc để điều quân xử lý và bất chấp mưa gió để không gián đoạn thời gian tàu chạy. Vừa khắc phục xong, các công nhân di chuyển nhanh về khắc phục thay thế hệ thống tà vẹt nằm phía nam cạnh chắn Nam Giao - vị trí nhân viên tuần tra phát hiện có dấu hiệu đường ray không an toàn khi mưa, bão số 5 vừa tan.
Anh Hồ Văn Phương, đội trưởng giới thiệu, đơn vị có 178 người được chia thành nhiều tổ với nhiệm vụ tuần đường, gác chắn đường ngang, duy tu bảo dưỡng sửa chữa hạ tầng đường sắt... theo phân công gần 50km (từ Phong Điền đến TX. Hương Thủy). Trong cung đường này có nhiều cầu, cống lớn nhỏ, như Phò Trạch, Đồng Lâm, Hiền Sĩ, Sông Bồ, Dã Viên... Nghe thì đơn giản nhưng chứng kiến công việc của đội mới thấy hết được sự vất vả.
Do ảnh hưởng mưa lũ và cơn bão số 5 làm xói lở nền và trơ cung đường sắt gần 10m tại vị trí 656 ở địa bàn xã Phong Thu (Phong Điền) vào tối 8/10, làm gián đoạn các chuyến tàu bắc nam. Nhiều giờ liền giữa đêm tối mưa và lạnh, hơn 50 công nhân Đội Đường sắt số 4, phối hợp với các đơn vị chức năng dốc sức vận chuyển đá, rọ thép xử lý nền mái taluy; đồng thời lấp vá lại đường sắt cho tàu qua lại an toàn sau đó...
Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi thì hầu như ai cũng không muốn bỏ nghề. Thậm chí có những công nhân trẻ, như em Nguyễn Văn Phong (Quảng Phú, Quảng Điền); Dương Văn Phú (Hương Xuân, Hương Trà)... đã cảm nhận được những khó khăn, cực nhọc của nghề nhưng cảm thấy hạnh phúc khi hàng ngày được chứng kiến những đoàn tàu thông suốt, an toàn chạy qua những cung đường do họ duy tu, bảo dưỡng.
Anh Võ Văn Doan, với hơn 20 năm trong nghề, hiện là Cung trưởng Văn Xá (Đội Đường sắt số 4) chia sẻ, chuyện anh em trong đơn vị thức trắng đêm thực hiện nhiều đợt duy tu, sửa chữa ở các cung đường sắt bị mưa lũ lấp kín là bình thường. Có trường hợp bị trầy tay, trật chân khi tham gia duy tu, sửa chữa trong điều kiện mưa lũ, đêm tối nhưng ngày mai được điều động đi sửa chữa các cung đường khác họ vẫn vui vẻ. Biết là vất vả, cực khổ, độc hại nhưng 3 ngày ở nhà không nghe tiếng tàu là thấy… nhớ.
An toàn cho những chuyến tàu
Cung đường sắt đi qua Thừa Thiên Huế hình thành từ thời Pháp, dài hơn 101km nhiều đoạn đã xuống cấp, nhiều nơi phải leo các triền dốc và qua nhiều cầu cống, nên thường xảy ra tình trạng ray bong, rỗ mặt lăn, nứt dầm, lún mố..., có thể gây ra nhiều sự cố bất ngờ, nhất là trong mùa mưa bão. Cung đường này đi qua thành phố, nhiều thị trấn, trường học; có nhiều đường ngang, đường dân sinh tự phát, lưu lượng người qua lại rất đông, tình hình vi phạm hai bên hành lang đường sắt chưa được khắc phục, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn chạy tàu (ATCT).
Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu bắc-nam qua lại, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên (đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng đường không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn cung đường qua địa bàn Quảng Trị), những năm qua đã tăng cường kiểm tra công tác tuần đường, thực hiện tốt các quy định về nghiệm thu, phúc tra, sửa chữa các đoạn đường xấu, tăng cường chống xóc lắc ở những đoạn đường bong ray, dộp mặt lăn. Công tác sửa chữa khẩn cấp các mố, trụ cầu và đảo ray ở những đoạn bị hư hỏng cũng được thực hiện một cách kịp thời, nhanh chóng, nhất là trong mùa mưa lũ.
Công ty đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, công ty thường phối hợp với lực lượng chức năng hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị kiểm tra định kỳ các tuyến đường ngang; tuyên truyền, vận động các hộ dân sống 2 bên đường sắt ký cam kết tham gia công tác bảo vệ an toàn giao thông đường sắt...
Kỹ sư Nguyễn Thiết Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên chia sẻ, đơn vị hiện có hơn 340 cán bộ công nhân làm việc ở 4 đội tuần tra, gác chắn, duy tu, bảo dưỡng đường sắt... Mấy năm nay được sự quan tâm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị có nguồn lực hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, đặc biệt công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng cầu đường, giảm số điểm xóc lắc, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt bắc nam qua lại trên địa bàn.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chất lượng đường, cầu, hầm… do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý đạt loại tốt trong khu vực và cả nước, trạng thái cầu đường luôn ổn định, đảm bảo ATCT. (baothuathienhue.vn 29/10)
DOANH NGHIỆP
1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần gì? Kỳ I: Những điểm “nghẽn”
Có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế… nhưng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN- SME) Thừa Thiên Huế đang gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).
Lĩnh vực hoạt động của các SME đa dạng và phong phú, trải dài ở hầu khắp các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến các dịch vụ thuần tuý. Nhưng như thực trạng chung của các DN trong cả nước, DNVVN ở Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp và chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình.
“Tắc” ở đâu ?
Thừa Thiên Huế có gần 7.000 doanh nghiệp (DN), song thực tế chưa đến 4.000 DN đang hoạt động; 98% là DN nhỏ, siêu nhỏ. Khối SME đóng góp trên 1.300 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách từ DN.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (HDNT) tỉnh Trần Đức Minh nhận định, gặp phải nhiều rào cản trong quá trình hoạt động SXKD nên không ít DN nhỏ, siêu nhỏ “ốm yếu” và “chết yểu”; nhất là những DN mới thành lập trong những năm gần đây. Thực tế, rất nhiều DN không có “sinh nhật” lần thứ hai, ba sau khi gia nhập thị trường.
Những rào cản đó là khó khăn về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị - điều hành… Nhiều chủ DN có tầm nhìn ngắn, chỉ thấy “bức tranh màu hồng” khi mở DN, trong khi lộ trình phát triển dài hạn, chiến lược kinh doanh rất hạn chế.
Giám đốc Công ty CP Hồng Đức Trần Minh Đức cũng cho rằng, vốn vẫn là bài toán nan giải với DN. Do khó khăn tiếp cận vốn từ ngân hàng, DN phải chấp nhận sử dụng các kênh vốn có chi phí cao. Vay vốn tại ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, phương án SXKD, trong khi đây là điểm yếu của các SME.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ các khoản vay của DNVVN so với tổng dư nợ tín dụng ở các nước phát triển là 45%. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay các SME trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 30%.
“Nhằm đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các yêu cầu thế chấp chặt chẽ, trong khi nhiều DN có tài sản nhưng không đủ giấy tờ hợp pháp, hợp lệ để làm thủ tục. Hay một số tài sản vô hình (nhãn hiệu DN, tài sản sở hữu trí tuệ) của DN chưa có cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho phép được sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu khát vốn của DN”.
Nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực của các DNVVN còn thấp. Theo đánh giá của Giám đốc Công ty Hồng Đức, hệ thống đào tạo của Huế chưa sát với thực tế, nhân sự phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng vận dụng vào thực tiễn. DN khi tuyển dụng nhân sự phải đào tạo lại mới vào guồng, nắm công việc được.
Việc chi trả chi phí không chính thức là một gánh nặng khác mà các SME phải đối mặt.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, có 7,1% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, trên 60% DN đạt được kết quả sau khi chi trả chi phí này và hơn 58% DN cho rằng có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục.
Khảo sát một số DN tại Thừa Thiên Huế, chi phí này là có, dù minh bạch đến đâu và “phí này ngày càng tăng”. Đây là những khoản phí DN phải chi nhưng không thể có hoá đơn chứng từ để hạch toán vào chi phí SXKD của mình.
Giám đốc một DN xây dựng dẫn chứng, ngay việc nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa vẫn cần phí “gầm bàn”. Ở cơ quan tiếp nhận, về nguyên tắc, công chức không được liên hệ với người nộp hồ sơ, nhưng ở đây, người tiếp nhận gọi điện trực tiếp cho DN yêu cầu lên “gặp” để hướng dẫn bổ sung. Thậm chí, ngay trong một sở, khi đến thực hiện thủ tục, các phòng, ban cũng có ý kiến khác nhau, không thống nhất. DN phải gửi phí “bôi trơn” mới được giải quyết nhanh.
“Thứ nữa là khung pháp lý, hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề về thủ tục hành chính, nhất là hệ thống quy định rất nhiều thủ tục, qua nhiều khâu, nhiều bước, gây phiền hà cho DN”, vị Giám đốc DN xây dựng thẳng thắn.
Một tồn tại cố hữu của các DN Thừa Thiên Huế, theo nhìn nhận của các CEO SME là không có tính liên kết; nếu có, cũng rất yếu. Cứ “mạnh ai nấy làm”, chưa chia sẻ mục tiêu chung để tham gia vào một chuỗi giá trị. Điều này khiến các DN khó hợp tác và tận dụng được nguồn lực từ khách hàng, nhà đầu tư.
“Đòn chí mạng” từ đại dịch
COVID-19 ập đến. Cả thế giới bị đại dịch “giam lỏng”. Giữa bối cảnh thị trường chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, sức ép đến từ sụt giảm sức mua của thị trường lẫn áp lực tài chính nội tại, nhiều DN đã gặp phải khủng hoảng, đứng bên bờ vực phá sản.
Thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng đến tình hình SXKD của DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn, lữ hành…Trong đó, gần 60% DN giảm quy mô kinh doanh, 16,8% DN ngừng hoạt động và hơn 2% DN phải chuyển đổi ngành nghề khác. Chỉ có 1,7% DN hoàn thành kế hoạch, nhưng có đến 41,7% số DN có mức doanh thu giảm từ 50% trở lên. Trên 10 ngàn lao động dịch vụ du lịch thất nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 25/9, toàn tỉnh có 464 DN và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 41% so với cùng kỳ; 183 DN giải thể/chấm dứt hoạt động.
Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này là doanh thu bị giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội trong khi DN vẫn phải “gánh” nhiều khoản chi phí hàng ngày, áp lực nuôi bộ máy. “Đầu vào” khó khăn khi giao thương bị thắt chặt, “đầu ra” hạn chế do sức mua giảm mạnh kèm theo những thách thức về dòng tiền, nguồn nguyên liệu đang “giáng những đòn chí mạng” khiến nhiều DN “tê liệt”.
Là DN có “tên tuổi” với 21 năm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ Lê Xuân Phương thừa nhận, từ tháng 3 đến nay, công ty “lỗ triền miên, lỗ nặng”, giờ đang “cầm cự” với thu nhập chưa đến 1/2. “Chúng tôi vẫn cố gắng trả lương bằng 60-70% cho nhân viên. Tuy nhiên, đơn vị phải bù lỗ”.
Sau đại dịch lần 1, nhiều DN vẫn cố vực dậy, đầu tư kinh doanh, nhưng dịch COVID-19 tái bùng phát khiến khả năng phục hồi của DN “một đi không trở lại”.
“DN du lịch, đặc biệt là nhà hàng có đến 70% đóng cửa. Hơn 80% khách sạn “ngủ đông”. Nhà nghỉ, hostel cho khách Tây thì chết hẳn”, ông Phương thông tin.
Trước khi COVID-19 ập đến, MotorVina đang trong thời kỳ hoàng kim, nhân viên làm không hết việc, trên 90% khách hàng của công ty là khách quốc tế.
Giám đốc Công ty MotorCycle Nguyễn Xuân Kiên cho hay, đại dịch làm DN “trở tay không kịp”. Đầu tư khách sạn nhưng hoạt động chưa bao lâu phải tạm dừng, homestay cũng chỉ sống thoi thóp. Vắng khách Tây, trong khi nhu cầu khách Việt không lớn nên hàng chục motor phân khối lớn phải thanh lý. Đội ngũ hơn 30 quản lý, nhân viên chưa kể cộng tác viên phải cho nghỉ dài hạn… là những khó khăn mà MotorVina đối mặt. “Giờ mình đang tính chuyện tái cấu trúc tất cả, kể cả bản thân”, Kiên nói.
Đến nay, phần lớn DN đều phải giảm, giãn lao động. Một phần được cho nghỉ việc tạm thời, hưởng lương cơ bản theo chế độ của Luật DN. Một số được điều động đi làm, nhưng giãn thời gian. “Điều đáng mừng, rất nhiều DN cố gắng duy trì lực lượng lao động để đợi sau dịch COVID-19 có thể nhanh chóng quay trở lại SXKD”, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội DN tỉnh, tình hình SXKD trong thời gian tới của DN vẫn khá ảm đạm và chưa có nhiều hướng cải thiện.( baothuathienhue.vn 28/10)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Tránh thiệt hại thủy sản nuôi mùa bão lũ
“Điệp khúc” thủy sản chết, lũ cuốn trôi là câu chuyện đã cũ, kèm theo bao thiệt hại, mất mát. Đã đến lúc cần cơ cấu lại khung lịch thời vụ hợp lý, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu, lũ lụt.
Hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản bị ngập
Ông Nguyễn Văn Sử cũng như nhiều người dân xã Giang Hải (Phú Lộc) bỗng chốc trắng tay khi trận lũ lớn bất ngờ tràn về, khiến hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ngập chìm trong biển nước. Một lượng lớn thủy sản phục vụ nhu cầu thị trường tết đã bị cuốn trôi. Trước khi nước lũ dâng cao, người dân kịp be bờ, gia cố đê bao, chắn lưới bảo vệ; tuy nhiên trong tổng diện tích 223 ha bị ngập có đến hơn 30% bị thiệt hại hoàn toàn.
“Những năm gần đây, các diện tích cao triều ít ngập nên năm nay nhiều hộ chủ quan, một phần thủy sản còn nhỏ và một lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết nên chưa thu hoạch. Không ngờ lũ lớn quá, ngập hoàn toàn gây thiệt hại nặng”, ông Nguyễn Thanh Liên ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long thông tin, địa phương có diện tích nuôi thủy sản cao triều, hạ triều rất lớn. Trận lũ đặc biệt lớn bất ngờ đổ về cộng với triều cường dâng cao làm ngập toàn bộ diện tích trên địa bàn 1.465ha. Số diện tích thủy sản của huyện bị ngập, thiệt hại trong trận lũ này chưa từng xảy ra kể từ sau trận lũ lịch sử 1999.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PPTT&TTCN tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, các huyện Phong Điền, A Lưới, thị xã Hương Thủy có khoảng 50 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt, hàng chục lồng cá nuôi trên sông bị lũ ngập, cuốn trôi. Tại Phong Điền có hai hồ nuôi ốc hương tại xã Điền Hương với diện tích 1.000 m2, thả nuôi 4,5 tháng (250 con/kg) do mưa quá lớn, độ mặn giảm đột ngột nên bị chết với số lượng khoảng 1,5 tấn.
Lũ lớn đàn cá bố mẹ tại Trại Giống thủy sản nước ngọt Cư Chánh bị trôi, ước khoảng 20kg (50% tổng đàn); cá giống (2-3cm/con) chờ nghiệm thu bị trôi khoảng 8.000-10.000 con. Một lượng ngao bố mẹ tại bãi ngang Phú Hải bị trôi khoảng 70kg (70% tổng đàn + chi phí thức ăn). Đàn cá giống tại Tân Mỹ bị trôi ước tính khoảng 15kg (50% tổng đàn + chi phí thức ăn).
Cơ cấu thời vụ hợp lý
Theo ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền), các biện pháp giằng neo lồng bè như lâu nay chỉ mang tính nhất thời, không an toàn. Phương án này chỉ đảm bảo an toàn trong các trận lũ nhỏ, còn lũ lớn thì không thể. Chưa kể, nguồn nước bạc, đỏ ngầu từ đầu nguồn đổ về khiến cá lồng nuôi trên các sông bị chết. Cách đây mấy năm, tại các xã Quảng Thọ, Quảng Phú đã từng thiệt hại hàng chục tỷ đồng do cá diêu hồng chết hàng loạt.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX. Hương Trà), ông Trần Viết Chức cho rằng, lũ lụt đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực thường bị thiệt hại lớn do lũ ngập, cuốn trôi. Hằng năm, các địa phương yêu cầu, hướng dẫn thu hoạch trước khi lũ đến nhưng người dân vẫn thiếu chủ động, do nhiều loại thủy sản còn nhỏ, hoặc giữ lại nuôi phục vụ tết… Đã đến lúc phải cơ cấu lại khung lịch thời vụ cho nuôi trồng thủy sản, tránh thiệt hại do lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc yêu cầu, các cấp, ban ngành cần sớm nghiên cứu các biện pháp quy hoạch vùng nuôi thủy sản một cách hợp lý. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất. Hệ thống điện, nước, đê bao, thủy lợi… đảm bảo cấp nước sản xuất, thoát nước trong mùa mưa lũ. Nuôi cá lồng trên các sông, đầm phá cần phải khảo sát các điều kiện như độ sâu hợp lý, môi trường đảm bảo không bị ô nhiễm…
Nhiều loại thủy sản nuôi lâu nay, người dân thường thả giống vào tháng 2-3 kéo dài đến cuối năm mới thu hoạch. Hoặc nuôi cá lồng trên các sông thường thả nuôi từ đầu năm, kéo dài đến cuối năm. Với lịch thời vụ này sẽ “dính” cả thời điểm nắng nóng và bão lũ.
Theo TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế, ngoài quy hoạch vùng nuôi, cơ sở hạ tầng cần phải tính toán ngay về khung lịch thời vụ. Trong điều kiện nguồn vốn, thời tiết, hạ tầng đảm bảo, với nuôi tôm và nuôi xen ghép có thể nuôi hai vụ chính/năm; đồng thời ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm thúc đẩy thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, kịp thời thu hoạch. Mỗi mùa vụ nuôi đảm bảo chỉ kéo dài trong vòng 4-5 tháng.
Ngay sau mùa lũ, bà con cần cải tạo ao hồ, xuống giống đảm bảo sau 4-5 tháng thu hoạch. Đến tháng 6 (qua đỉnh điểm nắng nóng) bắt đầu thả nuôi vụ hai, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 phải hoàn thành thu hoạch. Đối với cá lồng nuôi trên các sông Bồ, Đại Giang, Ô Lâu, kể cả các hồ thủy lợi, thủy điện… nên thả giống ngay sau khi mùa lũ đi qua, đến tháng 7-8 tiến hành thu hoạch sẽ tránh lũ lụt. Để đảm bảo thu hoạch đúng tiến độ, người dân có thể thả giống kích cỡ lớn hơn so với trước đây nhằm đảm bảo sinh trưởng tốt, thu hoạch đúng khung lịch thời vụ.
Theo Sở NN&PTNT, trước mắt, các địa phương, người dân cần tuân thủ quy hoạch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng hợp lý, quy định về kích cỡ, mật độ thả giống…đảm bảo thủy sản sinh trưởng tốt, thu hoạch kịp thời, tránh mưa lũ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ thất thường, ngành thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý. Ngành thủy sản sẽ có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống thủy sản cho vụ nuôi sắp đến. (baothuathienhue.vn 28/10)