Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 26/10/2020
Ngày cập nhật 27/10/2020
TIN NÓNG
 

1.  Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi

Rừng đang “chảy máu” khắp nơi do phá rừng lấy gỗ, làm thủy điện, khai thác khoáng sản, lấy đất sản xuất…

LTS: Những ngày qua, người dân miền Trung đang phải vật lộn với trận lũ kinh hoàng trong lịch sử. Trận lũ lụt này đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn, kể cả về người và tài sản. Câu chuyện lũ lụt luôn được cho là do thiên tai nhưng ngoài thiên tai thì nạn “chảy máu” rừng cũng chính là nguyên nhân góp phần gây ra những thảm họa này.

Tính đến ngày 25-10, mưa lũ, sạt lở đất tại miền Trung đã làm 130 người chết và 18 người mất tích. Trong đó, sạt lở đất làm chết 64 người, lũ lụt 64 người, tai nạn trên biển tám người và nguyên nhân khác 12 người. Và đến ngày 24-10, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy 5/17 nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở núi ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế). Đây là một trong những câu chuyện đau lòng nhất từ vụ sạt lở thủy điện cướp đi sinh mạng rất nhiều người.

Thủy điện nhỏ tàn phá rừng

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), cho biết tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến khoảng 200 ha rừng bị mất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học vì tiếng ồn của các nhà máy, dự án làm đứt gãy nhiều con đường di cư của động vật.

Riêng dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ngày 30-10-2008 được cấp phép xây dựng với công suất lắp máy 11 MW trên sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha. Năm 2016, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với dự án này. Trong lần điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án được thay đổi từ Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3. Tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên gần 409 tỉ đồng. Dự án được thay đổi công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng theo đó nâng lên hơn 46,25 ha.

Sau hai đợt tiến hành thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2016 và  2019), UBND tỉnh đã thu hồi tổng cộng 46 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý là 44,4 ha. Đất sông ngòi, kênh rạch, suối là 1,7 ha. Như vậy, một thủy điện với công suất 13 MW đã khiến 44,4 ha diện tích đất rừng trong khu bảo tồn bị mất.

Từ phá rừng lấy gỗ…

Những năm gần đây, nạn phá rừng cũng diễn ra liên tiếp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Vào tháng 6-2020, từ nguồn tin của người dân địa phương, chúng tôi đã tiếp cận hiện trường một vụ phá rừng có thể nói là nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai).

Ghi nhận của PV sau nhiều ngày men theo các đường nhỏ, vượt nhiều dốc đi hơn chục cây số đường rừng là một “đại công xưởng” với hàng trăm cây rừng bị đốn hạ, nằm ngổn ngang ở nhiều khu vực rừng. Nhiều cây lớn vài người ôm bị đốn hạ và cưa xẻ ngay tại rừng, nhiều cây lớn khác bị cưa gốc nằm trơ trọi. Cạnh đó là những bãi gỗ xẻ nằm chồng lên nhau mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Đi vào sâu bên trong còn có cả khoảnh lớn rừng bị đốn hạ và cưa xẻ trong tình trạng tương tự.

Liên quan đến vụ phá rừng này, cơ quan chức năng xác định vị trí ở các tiểu khu 120, 122 nằm trên địa bàn xã Đắk Smar và xã Sơ Pai (huyện Kbang), thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý. Qua kiểm tra, lực lượng chức trách xác định có 26 cây gỗ (bằng lăng, gội tía) tại các tiểu khu 120, 122 bị khai thác trái phép với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 71 m3, 12 cây gỗ bằng lăng bị khai thác trái phép tại tiểu khu 122 (địa giới hành chính xã Đắk Smar, huyện Kbang, thuộc rừng phòng hộ) với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 31 m3. Công an đã bắt giữ sáu người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, vào tháng 11-2019, từ nguồn tin của người dân, chúng tôi đã tiếp cận và phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khu vực rừng đặc dụng Nam Kar (huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Tại khu vực này có những gốc cây lớn, có cây hơn hai người ôm vừa được cưa xẻ, bên cạnh là nhiều phách gỗ có đường kính hơn 60-80 cm, dấu cưa còn rất mới. Tiếp tục đi, chúng tôi lại phát hiện nhiều cây cổ thụ có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm bị cưa, nhiều súc gỗ lớn nằm chồng lên nhau. Đáng nói là có những tấm ván gỗ dày khoảng 30-40 cm được khéo léo lấp bởi bụi rậm và trên những con đường mòn có nhiều vết rất mới của dấu kéo gỗ…

Ngay sau khi chúng tôi phản ánh vụ việc, cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc kiểm tra, khởi tố vụ án. Đến tháng 1-2020, cơ quan chức năng đã khởi tố sáu người liên quan trong vụ án để tiến hành điều tra. Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 9 và tháng 10-2019, nhóm người này đã vào các tiểu khu 1023, 1024, 1025 của rừng đặc dụng Nam Kar (do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý) cưa hạ hơn 40 m3 gỗ thuộc nhóm III đến nhóm VIII.

… đến phá rừng lấy đất sản xuất

Theo các báo cáo, đến hết năm 2010 toàn tỉnh Hà Tĩnh còn hơn 210.000 ha rừng tự nhiên, giảm hơn 4.800 ha so với năm 2006. Và 10 năm qua, diện tích rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh tăng khoảng 7 ha. Tuy nhiên, đất lâm nghiệp giảm hơn 3.500 ha.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm, công an và bảo vệ rừng đã phát hiện, xử lý hơn 92.000 m2 rừng tự nhiên bị chặt phá. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Viết Lệ (trú huyện Hương Khê) về tội hủy hoại rừng. Lệ nhờ một số người chặt phá 25.190 m2 rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ tròn là 54,1 m3 để trồng cây keo.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng Hà Tĩnh là tỉnh ở miền Trung có độ dốc cao. Độ che phủ rừng của Hà Tĩnh đạt 52%, tỉnh hiện có 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có 116 ha rừng phòng hộ, 74 ha rừng đặc dụng, 169 ha rừng sản xuất, rừng tự nhiên 217 ha. Theo ông Việt, diện tích rừng này đã tham mưu và được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch ba rừng, mục tiêu đảm bảo vấn đề ngăn ngừa biến đổi khí hậu và ảnh hưởng thảm họa khác như thiên tai, bão lũ hằng năm. Đồng thời cũng có diện tích đất rừng để sản xuất phát triển kinh tế.

Tại Nghệ An, với diện tích rừng hơn 1.160.000 ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nước nhưng thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ phá rừng tự nhiên. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hải Âu, Phó Phòng quản lý bảo vệ rừng - bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 532 vụ phá rừng với diện tích bị thiệt hại gần 194 ha. Trong đó đã có 34 vụ được khởi tố. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo đã giao cho người dân hoặc các tổ chức quản lý.

Mới đây, vào tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đối với thông tin báo chí phản ánh về phá rừng tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, Thủ tướng giao các bộ NN&PTNT, TN&MT kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM và nhiều tờ báo phản ánh gần đây tại Phú Yên liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn liên quan trực tiếp nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8-2020, nhiều người ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân đã chặt hạ, phát trắng cây rừng, lấn chiếm đất trái phép.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng xác định có 53,6 ha rừng bị phát dọn, lấn chiếm. Trong đó có gần 11,5 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng này do UBND xã Phú Mỡ quản lý. Các khu rừng bị phá cách trụ sở UBND xã Phú Mỡ chỉ hơn 4 km. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 40 người tham gia phá rừng, trong đó có 13 cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ.

Đầu tháng 9, trong quá trình điều tra vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phát hiện một khu rừng khác bị phá với quy mô lớn, hậu quả nghiêm trọng hơn tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Kết quả điều tra ban đầu xác định lâm tặc đã mở con đường vào rừng rộng 3 m, dài gần 1 km, đốn hạ hơn 200 cây gỗ lớn. (plo.vn 26/10)

 
 
 

2.  QUY HOẠCH, PHÁT TRIỂN DU LỊCH: Tránh lối mòn, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Rất bất ngờ khi lâu nay vẫn tồn tại bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng không hề được đề cập và cũng không trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của du lịch Huế.

Kỳ vọng nhiều, nhưng...

Tên gọi đầy đủ của quy hoạch này là “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thời điểm chưa tách sở) làm đơn vị chủ quản; đơn vị tư vấn là Akitek Tenggara (Singapore). Kinh phí để thực hiện quy hoạch này khoảng 470 nghìn USD được kỳ vọng giúp du lịch Huế sớm lấy lại vị thế trên “bản đồ” du lịch cả nước. Tháng 7/2013, quy hoạch được hoàn thiện.

Ngoài những định hướng phát triển, trong nội dung quy hoạch, Akitek Tenggara đưa ra 10 dự án trọng điểm với mục tiêu sẽ làm thay đổi du lịch Huế. Cụ thể là những khu định cư “nông - thị” kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch; những khu định cư “nông - thị” kết hợp với du lịch sinh thái; nâng cấp Sân bay Phú Bài; dự án Làng sinh thái ở đầm Lập An; Khách sạn nổi Vinh Thanh; Khách sạn nổi Thuận An; dự án “Venice trên những cánh đồng lúa” ở đầm Cầu Hai; Khu nghỉ mát trên đồi Bạch Mã; Làng mưa và nghệ sĩ Lương Quán, dự án Trung tâm MICE (hội nghị) và biểu diễn nghệ thuật, truyền thông, có sức chứa tới 2.000 người. Đơn vị này cam kết sẽ hỗ trợ Huế cụ thể hóa ít nhất 3 dự án trong danh sách trên.

7 năm trôi qua, tất cả 10 dự án trọng điểm mà Akitek Tenggara đề xuất cho Huế, không có bất kỳ dự án nào khởi động. Điều khó hiểu không dừng ở đó, khi quy hoạch không được ngành du lịch đề cập đến suốt nhiều năm qua. Ngay trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy năm 2016 cũng không có nội dung nào đề cập đến quy hoạch, dù quy hoạch ra đời trước đó chỉ 3 năm. Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc điều hành Khách sạn Azerai La Residence thông tin, từ năm 2015 về trước, tại các cuộc làm việc với tỉnh và ngành các định hướng, góp ý chuyên môn đều dựa trên quy hoạch. Nhưng đã rất lâu, trong các cuộc làm việc, hay sự kiện lớn đều không hề đề cập nữa. “Có lẽ, quy hoạch này đã không còn áp dụng”, ông Minh hoài nghi.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, trên thực tế, quy hoạch này đã không còn được áp dụng. Quy hoạch năm 2013 khác với các quy hoạch trước chính là ở 10 dự án trọng điểm mà phía đơn vị tư vấn sẽ hỗ trợ thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là việc đầu tư, đưa Sân bay Phú Bài thành sân bay lớn của khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư hạ tầng sân bay theo hình thức xã hội hóa thời điểm này chưa có trong tiền lệ và bị ràng buộc quá nhiều quy định. Sau thời gian dài bế tắc, đại diện của hãng hàng không muốn đầu tư ở Phú Bài bị kỷ luật, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khiến 10 dự án đề cập trong quy hoạch cũng không được đối tác hỗ trợ triển khai.

Điều thắc mắc nữa là đã trải qua 7 năm, quy hoạch tổng thể nêu trên không được sơ kết, đánh giá để có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ôm đồm, thiếu tính thực tiễn

Thiếu tính thực tiễn là mấu chốt dẫn đến không thành công của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Huế vào năm 2013. Trước hết là xã hội hóa đầu tư sân bay, việc chưa lường hết khó khăn và những vướng mắc trên thực tế khiến mọi việc vượt quá tầm kiểm soát. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Du lịch cũng nhìn nhận, về khách quan, 10 dự án trọng điểm trong quy hoạch phần lớn chưa thể hiện tính khả thi.

Văn hóa - di sản lâu nay vẫn được xác định là sản phẩm nền, cốt lõi, là “thỏi nam châm” hút khách và chính là lợi thế so sánh lớn nhất, duy nhất trong cả nước mà Huế sở hữu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển dịch vụ bên trong Quần thể Di tích Cố đô Huế không theo kịp với tốc độ phát triển của du lịch. Những sản phẩm chưa tạo ra cuộc “cách mạng”. Nguồn thu từ dịch vụ tại quần thể di sản chỉ chiếm khoảng 1%.

Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng một quy hoạch phát triển dịch vụ ở di sản. Mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu nguồn thu dịch vụ đạt tỷ trọng 30% so với nguồn thu bán vé tham quan. Đến nay, việc phát triển dịch vụ ở di sản còn ít. Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thẳng thắn đánh giá, bản quy hoạch trước đó đã quá ôm đồm nhiều dịch vụ. Các sản phẩm khi triển khai chỉ đáp ứng nhu cầu xem, khám phá, chứ chưa khơi dậy tính tò mò, hưởng thụ…

Trong quy hoạch dịch vụ ở khu vực Đại Nội năm 2012, lấy khu vực Phủ Nội Vụ làm điểm chính để quy hoạch toàn bộ dịch vụ kinh doanh, trong đó có khu trưng bày và kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm thủ công truyền thống, giải khát và ẩm thực cung đình... Hình thành một nhà hàng cung đình đạt tiêu chuẩn 5 sao để làm nơi đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia, giới doanh nhân và những du khách muốn thưởng thức tinh hoa ẩm thực cung đình Huế. Đồng thời, kết nối các điểm Nhà hát Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, phủ Nội Vụ, vườn Cơ Hạ - Hậu Hồ... để tạo thành chuỗi dịch vụ.

Ông Mai Xuân Minh cho hay, về năng lực của trung tâm không thể triển khai dịch vụ quy mô như thế, đòi hỏi có nhà đầu tư. Nhưng khó nhất là thu hút đầu tư để khai thác dịch vụ trong di sản. Thông thường, sau khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, sẽ xây dựng đề án. Giữa hai bên thấy phù hợp sau đó mới tiến hành các thủ tục cần thiết khác để đầu tư. Khi chi tiết hóa dự án bằng các hạng mục cụ thể lại mắc ở những quy định của Luật Di sản. Một nguyên nhân khác là các nhà đầu tư thường muốn sở hữu tài sản, tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn đầu tư. Nhưng những gì thuộc di sản thì không thể có quyền sở hữu, nên nhiều nhà đầu tư ban đầu đã đồng ý, sau đó bỏ cuộc. Hoặc có đầu tư, cũng chỉ quy mô nhỏ lẻ, dịch vụ đơn giản, không tạo được điểm nhấn.

Năm 2017, sản phẩm “Đại Nội về đêm” được xây dựng, khai thác song lại “đứt gánh nửa chừng” vì nhiều lý do. Nhìn thẳng vào sự thất bại này, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, khi tổ chức đã quá ôm đồm, hình thành nhiều không gian, nhưng lại làm “không tới”. Đây là bài học kinh nghiệm lớn. (baothuathienhue.vn 25/10)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra khắc phục lũ lụt vùng thấp trũng

Chiều 24/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi kiểm tra khắc phục lũ lụt tại các địa bàn vùng thấp trũng, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, phải rà soát, không để học sinh thiếu sách vở, áo quần, trường lớp an toàn mới đón học sinh đi học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện còn nhiều điểm trường học sinh chưa thể đến lớp. Đợt lũ lần này nước dâng cao, nhanh, nhiều thiết bị dạy học, sách vở dù đã được các trường học kê cao nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Khi nước bắt đầu rút, trong điều kiện nhiều giáo viên, phụ huynh vẫn bị cô lập, điện chưa có, việc dọp dẹp trường học gặp nhiều khó khăn. Những ngày qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang có mặt tại vùng ngập lụt hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo dọn dẹp.

Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc thọ ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động vào cuộc khắc phục hậu quả lũ lụt. Quan điểm nhất quán là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đến lớp. Những trường nào nước rút, hoàn thành công việc dọn dẹp, sửa sang và đường sá đi lại thuận lợi mới được tổ chức dạy học trở lại. Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, trường học chủ động điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp lịch dạy bù.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Sở Giáo dục, nhà trường, các địa phương rà lại soát lại cơ sở vật chất, hạ tầng trường lớp; đồng thời, nắm số lượng học sinh có sách vở bị ướt do ngập lụt, thiếu sách vở đến trường, kịp thời có phương án hỗ trợ, không để em nào không có sách vở, áo quần khi đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý công tác quản lý học sinh sau khi tan trường. “Sau mỗi buổi học, giáo viên phải dặn dò học sinh tuyệt đối không đến những nơi như sông, suối, ao hồ và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các trường mầm non, việc tổ chức quản lý các cháu trước nguy cơ té nước ao hồ quanh trường phải đặc biệt quan tâm ở mức cao nhất, không để sảy ra những sơ suất đáng tiếc”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra các hệ thống, đường sá, đê điều, ruộng vườn bị bồi lấp, bị hư hại do mưa lũ, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khắc phục để triển khai vụ đông xuân.

Không chủ quan với bão số 8

Mặc dù dự báo hướng đi của bão số 8 không vào địa bàn tỉnh, nhưng các địa phương vẫn không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó.

Dự báo từ chiều tối 24/10 đến 26/10, do ảnh hưởng của bão số 8, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương, ban ngành, các chủ công trình không chủ quan, lơ là, chủ động ứng phó bão số 8 và mưa lũ có thể xảy ra.

Đến chiều tối 24/10, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn ngập nước. Hoạt động cứu trợ người dân các vùng ngập lũ vẫn tiếp tục diễn ra với quyết tâm không để hộ nào thiếu đói. Cùng với công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu trợ lương thực, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó bão số 8.

Ảnh hưởng bão số 8 nên vùng biển Thừa Thiên Huế biển động mạnh, các địa phương yêu cầu, hướng dẫn ngư dân chủ động kiểm tra, giằng neo tàu thuyền an toàn. Các địa phương ven biển Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Trà đã được hỗ trợ, phân bổ vật tư, thiết bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai gia cố, hạn chế tối đa sạt lở bờ biển; chủ động sơ tán các hộ ven biển có nguy cơ mất an toàn do sạt lở.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền cũng như các chủ công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh cho biết, các đơn vị vẫn tiếp tục tuân thủ quy trình điều tiết mực nước trong hồ để đón các đợt lũ mới, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, mùa mưa bão được dự báo vẫn còn kéo dài nên lương thực, thực phẩm đảm bảo phục vụ đời sống Nhân dân đang được các cấp, ban ngành quan tâm. UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ, phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia và 4 tấn lương khô từ nguồn hỗ trợ của Quân khu 4 cho các huyện, thị xã và thành phố Huế phục vụ cứu trợ cho Nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các địa phương căn cứ số lượng gạo, lương khô được phân bổ và tình hình thực tế của các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa lũ để hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định. Cơ quan chức năng, đoàn thể có trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc việc cấp phát, phân bổ gạo, lương khô đảm bảo quy định, hoàn thành việc giao, nhận đến hết ngày 31/10/2020.

Trao tặng 2 ca nô và 500 triệu đồng cho người dân vùng lũ

Ngày 24/10, tại Bến thuyền cầu Dã Viên, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Huế đã tổ chức trao tặng 2 chiếc ca nô và 500 triệu đồng của Hội DNT Việt Nam cho UBMTTQVN tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh để cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt.

Theo đó, 2 ca nô được giao cho Hội DNT tỉnh quản lý, số kinh phí được Hội DNT tỉnh phân bổ, trao quà cho các địa phương ảnh hưởng bão lụt vừa qua trên địa bàn tỉnh.

Từ 18/10 đến nay, Hội DNTVN – HDNT Huế và một số doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng đồng hành đã trao gần 1.400 suất quà là nhu yếu phẩm, áo phao… với tổng trị giá 310 triệu đồng, tặng 4 máy phát điện với tổng giá trị 30 triệu đồng.

Hiện, còn 6 máy phát điện sẽ được Hội DNT tỉnh tiếp tục trao cho người dân các địa phương thời gian tới và số tiền còn lại sẽ dành cho việc hỗ trợ xây nhà, sửa nhà cho các hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai vừa qua.

Cùng ngày, Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới phối hợp với các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trao tặng gần 1.100 suất quà cho người dân các địa phương bị ngập lụt, sạt lở.

Trong gần 1.100 suất quà, có 350 suất quà (mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng) do phòng PA02 – Công an tỉnh trao tặng cho người dân các xã: Quảng Nhâm, Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Hồng Bắc, A Roàng và Hồng Thượng. Ngoài ra, phòng PA02 – Công an tỉnh cũng trao tặng 10 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình ở xã Trung Sơn bị sập nhà hoàn toàn có thêm kinh phí để xây dựng lại nhà và 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình nhà bị tốc mái ở xã Hồng Thủy. Tổng kinh phí hỗ trợ và tặng quà cho người dân khoảng 260 triệu đồng.

Đại diện Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới và Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện A Lưới cũng trao thêm 300 suất quà (300 nghìn/suất) cho các hộ dân ở xã Hồng Thủy, Hồng Kim, Hồng Bắc. Bên cạnh đó, còn có 200 suất quà (mỗi suất 300 nghìn đồng) của chùa Sùng Quang (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ người dân xã Hồng Thượng; 200 suất quà của một nhóm từ thiện tại Huế (mỗi suất 300 nghìn đồng) cho người dân xã Hồng Thượng, Phú Vinh và 20 suất quà (300 nghìn đồng/suất) của Bưu điện A Lưới trao tặng cho người dân xã Hồng Thủy. (baothuathienhue.vn 25/10)

 
 
 

2.  Công tác tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện một cách quyết đoán

Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế khi đến hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (ngoài cùng bên phải) chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: CTV

Chiều 24-10, lực lượng tìm kiếm tại hiện trường đã tìm được thi thể nạn nhân thứ 5 trong số 17 người mất tích. Việc tìm kiếm diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, do khối lượng đất sạt lở ước tính khoảng 2 triệu m3. Các lực lượng không thể tìm kiếm từ dưới chân đống sạt lở, vì sẽ kích thích cho khối sạt thêm dốc trượt. Bộ đội công binh Lữ đoàn 414 đã khoan phá khối đá để thông đường.

Trước đó, sáng 24-10, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cùng đoàn cán bộ của tỉnh đã đến hiện trường để chỉ đạo trực tiếp và thăm hỏi lực lượng đang thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.

Dự báo trong những ngày tới sẽ có mưa lớn, do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị công tác tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện một cách quyết đoán với phương châm vừa tìm được các nạn nhân mất tích nhưng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tiếp tục hỗ trợ tỉnh để đẩy nhanh việc tìm kiếm những công nhân còn mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Hiện tại, do ảnh hưởng của bão số 8 nên trên vùng biển Thừa Thiên Huế có sóng to, gió lớn. (bienphong.com.vn 25/10)

 
 
 

3.  Tìm thấy thi thể thứ 5 trong số 17 công nhân gặp nạn tại Rào Trăng 3

Chiều 24-10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 24/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thêm 1 thi thể công nhân mất tích trong vụ sạt lở vùi lấp tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó vào khoảng 16h cùng ngày, thi thể thứ 5 được lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm thấy gần vị trí phát hiện 2 thi thể công nhân vào ngày 23/10, khi lực lượng tìm kiếm sử dụng xe múc để đào đất đá ở khu vực sạt lở.

Hiện thi thể được đưa ra ngoài để làm thủ tục xét nghiệm ADN và xác định danh tính, sau đó sẽ bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 24/10, đã có 5 trong số 17 công nhân bị mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 được tìm thấy thi thể. Cũng trong sáng cùng ngày, lực lượng Công binh Quân khu 4 đã hoàn tất việc phá tảng đá lớn khoảng 30m3 án ngự trên tuyến đường 71 đoạn từ Thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Điền) đến Thủy điện Rào Trăng 3. Hiện còn 12 công nhân mất tích đang được lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực tìm kiếm.

Trong sáng 24/10, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh và đại diện lãnh đạo Quân khu 4 cùng các đơn vị có mặt tại hiện trường sạt lở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thị sát, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các công nhân còn mất tích. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị bổ sung số lượng cảnh khuyển tham gia hỗ trợ tìm kiếm để sớm đưa các nạn nhân về gia đình. (congan.com.vn 24/10) 

 
 
 

4.  Mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng

“Xác định trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy về việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng; đưa phong trào “Đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng” trở thành hoạt động thường xuyên, rộng khắp” là một trong những nội dung yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch 165 -KH/TU ngày 20/8/2020.

Kế hoạch 165-KH/TU về “Quán triệt và tổ chức thực hiện thông báo Kết luận 173-TB/TW ngày 06/4/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng” cũng lưu ý các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở nhiều nội dung quan trọng.

Ngoài ra, gần 10 năm trước (ngày 30/12/2010), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 02-CT/TU về chỉ đạo việc đặt mua và đọc báo chí của Đảng; năm 2011, 2016 có các công văn tiếp tục chỉ đạo nội dung này.

Nhiều đơn vị quan tâm

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, trong những năm qua, việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng được các cấp ủy Đảng, tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng, các cơ quan, đơn vị duy trì đều đặn và thực hiện nghiêm túc. Nguồn kinh phí được phân bổ đặt mua báo, tạp chí của Đảng được các cấp ủy quan tâm, sử dụng đúng nguyên tắc, mục đích. Nhiều TCCS Đảng, cơ quan, đơn vị còn đặt mua báo Đảng theo nguồn kinh phí tự chủ tùy theo nhu cầu.

Số lượng đặt mua Báo Nhân Dân, Báo Thừa Thiên Huế và Tạp chí Cộng sản của các chi, đảng bộ trong năm 2019 là 20.600 tờ, trong đó Báo Thừa Thiên Huế được đặt mua chiếm trên 54%.

Trong quý III/2020, những đơn vị cấp huyện đặt mua Báo Thừa Thiên Huế có số lượng cao là TP. Huế (979 tờ/kỳ), huyện Phú Vang (318 tờ/kỳ), Phong Điền (356 tờ/kỳ). Thấp nhất là huyện Nam Đông (31 tờ/kỳ), thị xã Hương Trà (168 tờ/kỳ), thị xã Hương Thủy (177 tờ/kỳ)

Các cơ quan, đơn vị đặt mua Báo Thừa Thiên Huế cao là Công an tỉnh (30 tờ/kỳ), Công an TP. Huế (47 tờ/ kỳ), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (30 tờ/kỳ), Công ty Điện lực tỉnh (24 tờ/kỳ); Bộ đội Biên phòng tỉnh (18 tờ/kỳ); phường An Cựu (26 tờ/kỳ)…

Hầu hết các sở, ban, ngành và các đảng bộ trực thuộc, các doanh nghiệp, ngân hàng đều mua đủ báo cho các phòng chức năng và chi bộ trực thuộc, nhất là Báo Thừa Thiên Huế.

So với năm 2013 (khi triển khai Kết luận 29-KL/TW, ngày 25/8/2012 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW), tổng số báo, tạp chí của Đảng được đặt mua giảm trên 5.700 tờ. Nguyên nhân chủ yếu là do bạn đọc đang dần chuyển sang đọc báo online, các trang điện tử; một số nơi chưa có sự quan tâm về kinh phí đặt báo...

Chấn chỉnh, phê bình những đơn vị thực hiện chưa tốt

Việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng đã góp phần giúp nhiều cấp ủy, TCCS Đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, nắm bắt tình hình và áp dụng vào thực tiễn công tác. Tuy vậy, vẫn còn một số cấp ủy Đảng chưa thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chưa xem trọng việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Có những Đảng bộ phường, xã từ nhiều năm nay chưa bao giờ mua đủ Báo Thừa Thiên Huế cho các chi bộ trực thuộc, trong đó TP. Huế có phường Vĩnh Ninh (đặt mua 1 tờ/kỳ), phường Xuân Phú (2 tờ/kỳ), Thủy Biều (2 tờ/kỳ)… Một số sở, ban, ngành chỉ mua 1 tờ dùng cho cả cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Trong khi một số cán bộ, đảng viên hưu trí tự đặt mua để đọc. Đáng chú ý, một số TCCS Đảng chưa sử dụng hợp lý nguồn kinh phí để đặt mua báo, tạp chí của Đảng, còn sử dụng vào các mục đích khác…

“Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt; chấn chỉnh, phê bình những đơn vị thực hiện chưa tốt” là yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với nhiệm vụ đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Sau khi có Kế hoạch 165 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch quán triệt và tổ chức thực hiện. Điển hình như Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện từ giữa đầu tháng 9 vừa qua. Với sự quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hy vọng “phong trào “Đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng” trở thành hoạt động thường xuyên, rộng khắp” như yêu cầu đề ra.

Về phía các báo, tạp chí của Đảng, mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt các thông báo kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương trong lĩnh vực báo chí, xuất bản do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, báo Đảng các địa phương, các nhà xuất bản cần nâng cao chất lượng ấn phẩm nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Đảng, tạo sức hấp dẫn với độc giả và cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống một cách nhanh, chính xác trên mọi lĩnh vực. (baothuathienhue.vn 26/10)

 
 
 

5.  Dùng tay bốc từng viên đá, miếng đất tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3

Sau khi các máy đào múc đi lớp đất đá phía trên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng tay bốc từng viên đá, miếng đất để tìm kiếm các nạn nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại (25/10), đã trải qua gần 13 ngày kể từ ngày xảy ra vụ sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) khiến 17 công nhân bị vùi lấp.

Công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân đã được lực lượng chức năng nỗ lực triển khai mấy ngày qua. Hiện tuyến đường 71 độc đạo dẫn vào khu vực sạt lở đã được thông tuyến để đưa các phương tiện cơ giới vào tìm kiếm.

Sau khi các máy đào múc đi lớp đất đá phía trên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng tay bốc từng viên đá, miếng đất để tìm các nạn nhân.

Hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 5 thi thể và đã được đưa ra ngoài giám định ADN xác định danh tính.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương và Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn Quân khu 4 đã có lệnh rút toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, tạm dừng việc tìm kiếm tại đây.

Theo dự báo, từ chiều 25/10 ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 sẽ có mưa to. Mưa lớn dự báo sẽ kéo dài đến ngày 29/10.Trong ngày 25/10 lực lượng tìm kiếm đã tạm dừng việc tìm kiếm để sửa chữa máy móc. Đến chiều cùng ngày, toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn rút về TP.Huế bằng đường thủy để đảm bảo an toàn.

Sau khi thời tiết tạnh ráo toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 trở lại để tìm kiếm cứu nạn. (nguoiduatin.vn 26/10)

 
 
 

6.  TT-Huế mưa lớn: Không đưa người vào Rào Trăng 3 nếu không quá cấp thiết

Do tác động của bão số 8, từ chiều 25/10, tại TT-Huế có mưa lớn gây ảnh hưởng công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Theo chỉ đạo từ ban chỉ huy tìm kiếm, lực lượng cứu hộ sẽ rút về thủy điện Rào Trăng 4, tạm thời không đưa người lên Rào Trăng 3 nếu không quá cấp thiết.

Sáng 25/10, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan công tác cứu hộ, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cho hay: theo dự báo từ cơ quan khí tượng thủy văn, từ 13h chiều nay, mưa sẽ to dần lên cho đến ngày mai do ảnh hưởng của bão số 8. Từ ngày 27, 28/10, thời tiết ở TT-Huế sẽ tiếp tục có mưa to do ảnh hưởng của một cơn bão mới (bão số 9).

Trước tình hình này, Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn đã chỉ đạo khẩn các lực lượng ngay từ sáng 25/10 phải cho rà soát, tập trung sửa chữa các trang thiết bị hư hỏng trong quá trình cứu hộ; thu xếp hiện trường để phòng, chống bão.

Do dự báo nguy cơ sạt lở núi và nước lũ dâng qua tràn sẽ cao, Ban chỉ huy yêu cầu tạm thời không đưa người vào thủy điện Rào Trăng 3 nếu không có việc quá cấp thiết.

Toàn bộ lực lượng cứu hộ phải tập trung về thủy điện Rào Trăng 4 trước 13h chiều nay (25/10) để đảm bảo an toàn, sẵn sàng chờ lệnh triển khai khi thời tiết thuận lợi.

Được biết, lực lượng tìm kiếm bằng chó nghiệp vụ của quân đội đã sẵn sàng nhận lệnh. Đội chó nghiệp vụ này đã đến Huế, tạm thời ở lại đây để cơ động làm nhiệm vụ khi lực lượng chức năng tái triển khai công tác cứu hộ.

Theo ông Phan Thiên Định, để bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế phối hợp Đài khí tượng thủy văn sẽ cập nhật thông tin thời tiết từng giờ. Nếu điều kiện thời tiết nguy hiểm, Sở chỉ huy tiền phương sẽ cảnh báo khẩn để rút lực lượng cứu hộ, cứu nạn ra khỏi thủy điện Rào Trăng 4.

Liên quan công tác cứu hộ cứu nạn công nhân mất tích do sạt lở đất, đến sáng 25/10, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 5 thi thể nạn nhân tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Hiện vẫn còn 12 công nhân mất tích.

Sau khi tìm kiếm được thi thể thứ 5 (thi thể nằm ở trên cạn), lực lượng chức năng đã thực hiện khoanh vùng vị trí cụ thể ở khu vực dưới suối để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong thời gian tới; với quyết tâm cao nhất, bảo đảm an toàn nhất.(tienphong.vn 25/10)

 
 
 

7.  Vượt sông trong đêm đưa thi thể nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 về bệnh viện

Sáng 25-10, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã đưa thi thể cán bộ công nhân tìm thấy ở khu vực sạt lở kinh hoàng Thủy điện Rào Trăng 3 về bệnh viện ngay trong đêm qua để giám định ADN, xác định danh tính.

Trước đó, vào khoảng 17 giờ chiều 24-10, lực lượng cứu nạn cứu đã tìm thấy thêm 1 thi thể cán bộ công nhân mất tích tại Thủy điện Rào trăng 3. Sau khi phát hiện thi thể, làm thủ tục vệ sinh, xử lý hóa chất mặc dù trời đã tối lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an Thừa Thiên - Huế quyết tâm đưa thi thể về ngay trong đêm bằng đường thủy.

Vượt qua chặng đường hàng chục kilomet đường sông thác ghềnh, nguy hiểm, ban đêm hạn chế tầm nhìn, vào lúc 21 giờ cùng ngày, thi thể nạn nhân đã cập bến đò ngã ba Trại, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà trước khi di chuyển bằng xe cứu thương đến Bệnh viện Quân y 268 để làm các thủ tục theo quy định. 

Đến sáng 25-10, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng đã tìm thấy 5 thi thể trong tổng số 17 cán bộ công nhân mất tích sau vụ sạt lở vùi lấp nhà điều hành, lán trại công nhân đang thi công công trình Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. (sggp.org.vn 25/10; giadinh.net.vn 25/10)

 
 
 

8.  Tăng cường lực lượng tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết để đẩy nhanh việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện rào Trăng 3, sáng nay 25/10, một tổ công tác tăng cường của Quân khu 4 và đội chó nghiệp vụ có mặt tại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi tuyến đường bộ lên Rào Trăng 3 đã được thông tuyến, ngay từ sáng sớm 24/10, các đơn vị quân sự, công an, dân sự tiếp tục tăng cường quân số và điều động tất cả các phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben (khoảng 10 chiếc) vào thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Việc tìm kiếm nạn nhân mất tích theo ba hướng song song, gồm 2 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ bờ suối lên hiện trường sạt lở và 1 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ khu vực bị sạt lở xuống bờ suối. Lực lượng tìm kiếm đã đào bới hàng trăm m3 đất đá. Đến cuối giờ chiều đã tìm kiếm được thêm 1 thi thể của công nhân mất tích.

Như vậy, đến nay đã tìm kiếm được 5/17 thi thể công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó 2 thi thể đã xác định danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.

Trong ngày, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cùng với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đến kiểm tra hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Chỉ đạo tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng với địa hình hiểm trở, khối lượng đất đá lớn và dự báo trong những ngày tới sẽ có mưa lớn, do vậy công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ phải thực hiện một cách nhanh chóng, quyết đoán với phương châm vừa tìm được các nạn nhân mất tích nhưng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ. Đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 tiếp tục hỗ trợ tỉnh để đẩy nhanh việc tìm kiếm những công nhân còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. (baochinhphu.vn 25/10) 

 
 
 

9.  Công tác tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3 phải tạm dừng vì bão số 8

Do ảnh hưởng của bão số 8, dự báo khu vực Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to và nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, các công trình đang thi công… Vì vậy, công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 phải tạm dừng.

Theo đó, ngày 25/10 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, do ảnh hưởng của bão số 8 gây ra mưa vừa và mưa to trên địa bàn vì vậy lực lượng cứu hộ tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 phải tạm thời rút ra bên ngoài để đảm bảo an toàn.

Lực lượng cứu hộ sẽ di chuyển đến thủy điện Rào Trăng 4 trước 13h00 chiều cùng ngày và sẵn sàng chờ lệnh tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm những người mất tích khi thời tiết thuận lợi.

Liên quan đến công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại vụ sạt lở đất ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, chiều ngày 24/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi tuyến đường bộ lên Rào Trăng 3 đã được thông tuyến, ngay từ sáng sớm, các đơn vị quân sự, công an, dân sự tiếp tục tăng cường quân số và điều động tất cả các phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben (khoảng 10 chiếc) vào thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Việc tìm kiếm nạn nhân mất tích theo ba hướng song song, gồm 02 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ bờ suối lên hiện trường sạt lở và 01 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ khu vực bị sạt lở xuống bờ suối.

Đến cuối giờ chiều ngày 24/10 đã tìm kiếm được thêm 1 thi thể của công nhân mất tích. Như vậy, đã tìm kiếm được 5/17 thi thể công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó 2 thi thể đã xác định danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng. (kinhtenongthon.vn 26/10; baogiaothong.vn 25/10; sggp.org.vn 25/10; toquoc.vn 25/10; vnews.gov.vn 25/10)

 
 
 

10.  Thừa Thiên Huế: Tập trung khắc phục lũ lụt, chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa bão

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ trong ngày 25/10 đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 8 và số 9.

Khắc phục hệ thống đê điều, giao thông sạt lở

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác đã đến hiện trường đoạn đường QL49B đang bị hư hỏng do mưa lũ thuộc địa bàn xã Phú Dương, huyện Phú Vang.

Theo đại diện ngành Giao thông vận tải (GTVT) cho biết thì trong đợt mưa lũ vừa qua, cường độ nước chảy mạnh quá mức chịu đựng của kết cấu mặt đường, đã làm mặt đường bị bong bật, xói lở. Hiện ngành đã chỉ đạo thông đường, san gạt các điểm sạt lở, lắp dựng lại các biển báo bị hư hỏng.

Sau khi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành GTVT và các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại hệ thống giao thông, dọn dẹp cây xanh, rác thải trên toàn tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.

Tiếp đến, đoàn công tác kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở các xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Thuận (huyện Phú Vang). Đợt mưa lũ vừa qua, bờ biển qua địa bàn tỉnh tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10 km; đặc biệt bờ biển tại các xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương sạt lở nghiêm trọng 4km cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư.

Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh chính quyền sở tại đã nỗ lực huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác gia cố đê kè nhằm giảm thiểu sạt lở tại các bờ biển. Đồng thời chỉ đạo tăng cường các rọ đá, huy động thêm lực lượng quân đội, biên phòng nhằm tiếp tục gia cố các điểm xâm thực. Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do tính cấp thiết của việc phòng chống thiên tai, tỉnh đã đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để thực hiện các dự án xử lý khẩn cấp xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương dài 2,5km với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra các hệ thống đê điều, ruộng vườn bị bồi lấp, bị hư hại do mưa lũ tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khắc phục để triển khai vụ đông xuân.

Không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của mưa bão

Hiện nay trên biển đông xuất hiện cùng lúc 2 cơn bão số 8 và số 9. Trước diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cơn bão, tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các khu neo đậu, các cảng. Có phương án tổ chức tìm kiếm các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua; tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão, không được chủ quan nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển đến nơi an toàn; sơ tán dân các vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị.

 “Các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào” – ông Thọ nhấn mạnh.

Cùng với đó, triển khai cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. Gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.

Công an tỉnh, Sở GTVT rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra. Lực lượng vũ trang tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện huy động khi có yêu cầu.

Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; các chủ đập thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du. (baotainguyenmoitruong.vn 25/10)

 
 
 

11.  Huế mưa lớn trở lại, tạm dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3

Do ảnh hưởng của bão số 8, lực lượng cứu hộ được yêu cầu tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân ở Rào Trăng 3 và di chuyển về thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo an toàn.

Trưa 25/10, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa bàn tỉnh đang có mưa to do ảnh hưởng của bão số 8. Vì vậy, ban chỉ huy đã yêu cầu lực lượng cứu hộ thu xếp hiện trường để phòng chống bão, tạm thời không đưa người vào Rào Trăng 3 do nguy cơ sạt lở, lũ qua tràn sẽ cao.

Trước 13h, toàn bộ lực lượng cứu hộ sẽ di chuyển về tại thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo an toàn, sẵn sàng chờ lệnh triển khai khi thời tiết thuận lợi.

Theo Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng tìm kiếm bằng chó nghiệp vụ tạm thời ở lại TP Huế để cơ động lên tìm kiếm khi thời tiết thuận lợi hơn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Đài khí tượng thủy văn cập nhật thông tin thời tiết từng giờ, nếu có nguy hiểm sẽ cảnh báo để rút lực lượng cứu hộ rời khỏi Rào Trăng 4.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để đẩy nhanh việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện rào Trăng 3, dự kiến ngày 25/10, một tổ công tác tăng cường của Quân khu 4 và đội chó nghiệp vụ có mặt tại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Tại Quảng Trị, công tác tiếp cận, cứu trợ người dân ở những địa bàn còn bị chia cắt, cô lập cũng đang gặp nhiều khó khăn do mưa lớn.

Từ chiều 24/10, điểm sạt lở tại Km166 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi từ tỉnh Quảng Bình vào hai xã bị cô lập hoàn toàn là Hướng Lập, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã được khắc phục và thông xe tạm thời. Xe ô tô bán tải có thể đi vào được xã Hướng Lập nếu trời không mưa. Tuy nhiên, sáng 25/10 do ảnh hưởng của bão số 8, ở hai xã Hướng Lập và Hướng Việt đã có mưa to. Đồn biên Phòng Hướng Lập thuộc Biên phòng Quảng Trị khuyến cáo: Các đoàn cứu trợ hoãn chuyến đi đến hai xã Hướng Lập, Hướng Việt do có nhiều điểm sạt lở núi.

Xã Hướng Lập có hơn 1.640 dân, Hướng Việt có gần 1.750 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc từ ngày 17/10, do đường vào các xã này là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Đoàn công tác 23 người gồm lực lượng Biên phòng Quảng Trị và cán bộ y tế huyện Hướng Hóa, đã băng rừng 30km để tiếp cận xã Hướng Việt, nhằm hỗ trợ người dân hai xã bị cô lập. Đoàn đã cấp phát khẩn cấp 5 tấn gạo, 1.000 thùng mì cứu trợ cho người dân hai xã nói trên.

Đến nay, nhiều xã ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa vẫn bị chia cắt cô lập. Tại huyện Hướng Hóa, ngoài hai xã Hướng Việt, Hướng Lập vẫn đang bị chia cắt còn có các xã Hướng Sơn, Húc, Ba Tầng, Hướng Linh, Hướng Lộc phương tiện cơ giới không vào được trung tâm xã do đường bị sạt lở. Tại huyện Đakrông, nhiều thôn ở 4 xã: Hướng Hiệp, A Vao, Tà Long, Ba Nang bị chia cắt do sạt lở đất, ô tô không vào được, xe máy cũng rất khó khăn. Mưa trở lại do ảnh hưởng của bão số 8 khiến nguy cơ sạt lở đất ở vùng miền núi, đường thêm lầy lội, nước sông, suối có thể dâng cao… khiến việc tiếp cận để cứu trợ người dân thêm khó khăn và nguy hiểm.

Về ứng phó với bão số 8, tỉnh Quảng Trị có trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên, đều đã nhận được thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão để vào nơi tránh trú an toàn. (infonet.vietnamnet.vn 25/10; cand.com.vn 25/10; giaoducthoidai.vn 25/10)

 
 
 

12.  Giám đốc sở không được bầu Tỉnh ủy viên: Không tâm tư

Nhiều giám đốc sở ở Thừa Thiên-Huế dù không nằm trong danh sách Tỉnh ủy viên khóa mới nhưng không cảm thấy tâm tư, vẫn yên tâm công tác tốt.

Chiều ngày 24/10/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Phan Văn Thông - Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho biết, dù bản thân không nằm trong danh sách Tỉnh ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 2021 - 2025 nhưng bản thân không cảm thấy vấn đề gì.

"Tôi cảm thấy không vấn đề gì, vẫn công tác bình thường và cảm ơn sự quan tâm của người dân" - ông Thông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế dù cũng không nằm trong danh sách Tỉnh ủy viên khóa mới nhưng tâm lý tỏ ra rất thoải mái.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trong buổi bế mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Ông Đông chia sẻ: "Không phải giám đốc sở nào cũng nằm trong danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ. Việc có trở thành Tỉnh ủy viên hay không cũng không ảnh hưởng tới quá trình công tác tại sở".

Theo ông Đông, bản thân ông vẫn cố gắng công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ mà người dân mà tố chức giao phó trên cương vị Giám đốc Sở Nội vụ.

Được biết, trong danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên - Huế khóa 2021 - 2025 có tới 11 giám đốc sở không nằm trong danh sách Tỉnh ủy viên.

11 giám đốc sở ở Thừa Thiên - Huế không được bầu vào danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ gồm: Sở Nội vụ, Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Khoa học & công nghệ, Du lịch, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Ngoại vụ, Thông tin & truyền thông, Tài nguyên & môi trường, Tư pháp, Xây dựng.

Trong buổi họp báo thông tin về kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, theo quy định của trung ương, không phải sở, ngành nào cũng phải có trong cơ cấu cấp ủy, mà quan trọng là các đồng chí cấp ủy phải phát huy năng lực của mình.

"Có điều này chúng tôi hết sức băn khoăn, đó là một số ngành trọng yếu nhưng không có trong cơ cấu.

Như ngành giáo dục, trong lịch sử luôn có trong cơ cấu, nhưng cấp ủy nhiệm kỳ này đã có Đại học Huế là đại diện cho giáo dục; y tế trong cấp ủy đã có Bệnh viện Trung ương Huế là đại diện. Ngành khoa học - công nghệ có đưa vào nhưng không trúng cử" - ông Lưu chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Lưu, có một số vị đang là giám đốc sở nhưng vì liên quan đến chính trị nội bộ nên không đảm bảo tiêu chuẩn vào Ban chấp hành.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho rằng, để đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan, sau khi kết quả đại hội được Trung ương phê chuẩn, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa mới sẽ tiến hành sắp xếp lại bộ máy. (baodatviet.vn 25/10)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Video: BTV xúc động bật khóc trên sóng VTV khi nhắc đến thai phụ bị lũ cuốn

Câu chuyện một thai phụ tử nạn do lũ cuốn trên đường tới bệnh viện sinh nở tại Thừa Thiên Huế vẫn khiến BTV Tuấn Dương xúc động khi nhắc lại.

Tối 25/10, trên sóng VTV1, chương trình đặc biệt của Đài THVN "Mưa lũ lịch sử miền Trung" đã mang đến cho khán giả góc nhìn toàn cảnh, hình ảnh ấn tượng và xúc động nhất về thiên tai vừa qua.

Trong suốt chương trình, rất nhiều câu chuyện, hình ảnh ấn tượng sẽ khiến khán giả rơi nước mắt. Đó là những hình ảnh mà các phóng viên hiện trường của chúng tôi gửi chất liệu về. Như hình ảnh người dân ngâm mình trong lũ trong suốt bao nhiêu ngày, hình ảnh người chồng mất vợ vì lũ dữ, hình ảnh nhìn đồng đội hi sinh trong cơn sạt lở đất...

Đặc biệt, trong chương trình có nhắc đến hoàn cảnh của anh Nguyễn Đắc Tài, người chồng cùng tuổi với vợ khóc than, vật vã, liên tục cúi lạy trời đất ban phép màu cho người vợ bị dòng nước lũ cuốn trôi trên đường đi sinh con khiến ai cũng đau xót. Sự việc xảy ra sáng 12/10 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Được biết, khoảng 8 giờ ngày 12/10, chị Hoàng Thị Phượng (35 tuổi, trú thôn Phường Hóp, xã Phong An, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chuyển dạ và cùng chồng trên đường đến bệnh viện để sinh nở thì gặp tai nạn lật thuyền, giữa dòng nước lũ xiết khiến thai phụ bị lũ cuốn.

Đến 13h ngày 12/10, thi thể sản phụ Hoàng Thị Phượng mới được tìm thấy cách vị trí ghe lật 100m.

Câu chuyện này dù được chia sẻ cách đây hơn 10 ngày, nhưng khi nhắc lại BTV Tuấn Dương đã không kìm được xúc động mà rơi nước mắt ngay trên sóng truyền hình trực tiếp.

Trước đó, BTV Tuấn Dương được khán giả yêu mến qua các chương trình chính luận và bản tin Thời sự 19h. Sắp tới, anh sẽ đảm nhận vai trò một trong những MC của chương trình Việt Nam hôm nay - một chương trình mới do Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện. (baogiaothong.vn 26/10)

 
 
 

2.  Nhiều hàng hóa cứu trợ đến với người dân Thừa Thiên – Huế

Hàng trăm hàng hóa, vật tư, trang thiết bị cứu trợ được Bộ NN-PTNT, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Cục cứu hộ - Cứu nạn chuyển cấp cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 25/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận và phân bổ hàng hóa, vật tư, trang thiết bị từ nguồn Trung ương xuất cấp; các nguồn hỗ trợ Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai đến người dân vùng thiệt hại nặng do thiên tai và lũ lụt trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong đợt mưa lũ này, Bộ NN-PTNT đã chuyển cấp cho tỉnh Thừa Thiên - Huế 250 tấm bạt nhựa và 50 máy lọc nước do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ; 500 bộ dụng cụ sửa nhà và 650 bộ dụng cụ làm bếp từ nguồn viện trợ của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp cho tỉnh Thừa Thiên - Huế: 2 máy phát điện loại 30KVA, 3 xuồng cao tốc các loại, 28 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo, 1.000 phao tròn, 30 phao bè.

Cục cứu hộ - Cứu nạn trực tiếp bàn giao 3 xuồng cứu sinh, 36 máy phát điện loại 5-7 KV, 1.000 áo phao, 10 máy bơm chữa cháy và 10,5 tấn lương khô.

Ngay sau khi tiếp nhận, UBND tỉnh Thừa Thiên -  Huế đã phân bổ ngay các hàng hóa, vật tư, trang thiết bị này về các đơn vị, địa phương để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân khặc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sông và sẵn sáng ứng phó với các đợt thiên tái phía trước..

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ và 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Tính đến ngày 22/10, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận 29,3 tỷ đồng, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận 5,4 tỷ đồng. (nongnghiep.vn 25/10)

 
 
 

3.  Phó Giám đốc Sở kêu gọi gần 500 triệu hỗ trợ nạn nhân Rào Trăng 3

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế đã kêu gọi được gần 500 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân Rào Trăng 3.

Cảm thông sâu sắc trước những tổn thất, mất mát, đau thương của nhiều gia đình có người thân bị hy sinh và mất tích trong vụ sạt lở đất tại Trạm Kiểm lâm 67 và Thủy điện Rào Trăng 3, nhất là những trường hợp cán bộ, công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã tự nguyện đứng ra kêu gọi anh chị em và bạn bè đồng nghiệp... đóng góp hỗ trợ để giúp gia đình họ vượt qua nỗi đau, thời điểm khó khăn này.

Chỉ trong hơn một tuần kêu gọi trên mạng xã hội thông qua tài khoản facebook Nguoi Rung, ông Tuấn đã huy động được gần 430 triệu đồng, từ  anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp và tổ chức, cá nhân gần xa trong và ngoài nước, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ với số tiền lớn nhất là 170 triệu đồng, cá nhân thấp nhất là 300 nghìn đồng. Mọi hoạt động, thông tin hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân đều được ông Tuấn công khai minh bạch trên trang facebook cá nhân của mình.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, trong chiều 24/10, đích thân ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cùng vợ là bà Trần Bích Ngọc đã đến viếng gia đình 5 công nhân: Phan Chí Thanh, Lê Văn Phú, Huỳnh Ngọc Quý, Nguyễn Vũ Đăng Khoa và Ngô Viết Huy (ở thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), đồng thời chuyển tiền hỗ trợ của quý ân nhân cho từng gia đình (25,3 triệu đồng/gia đình).

Đây là những sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp ngành điện vừa tốt nghiệp và mới được tuyển dụng vào làm việc cho nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 một vài tháng thì gặp nạn. Ông Tuấn xót xa: “Thật đau lòng khi nhìn di ảnh của các em và chứng kiến nỗi đau lớn lao mà ba mẹ, anh chị em của các em đang chịu đựng. Đau xót hơn khi đến thời điểm này cả 5 trường hợp trên đều chưa tìm thấy thi thể”.

Ông Tuấn cho biết, ngày 25/10, ông tiếp tục đi huyện Triệu Phong và Gio Linh (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) để viếng thăm 5 gia đình nạn nhân khác.

Đồng cảm trước nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng thiện nguyện, nhân ái của ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, tài khoản facebook Khanh Lstore  xúc động: “Nguoi Rung - Một trong những địa chỉ mà anh chị em có thể hỗ trợ đồng bào miền Trung vào lúc này. Quá tuyệt anh Nguoi Rung ạ! Chúc anh cùng bà con miền Trung luôn bình an”.

Trước đó, khi đột ngột nghe tin nhà báo Phạm Văn Hướng, 1 trong số 13 người trong đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế  gặp nạn và hy sinh ông Tuấn không khỏi bàng hoàng tin đó là sự thật và nhanh chóng tìm cách giúp các con gái của liệt sĩ Phạm Văn Hướng là cháu: Phạm Thiên Hà và Phạm Hoàng Anh sớm vượt qua nỗi đau và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Ông Tuấn bộc bạch: “Hướng à, anh biết em chẳng bao giờ muốn việc này, như cách em đã sống, anh biết... Nhưng thôi hãy cho anh tự làm an lòng anh, Hướng nhé! Và, bạn bè anh họ cũng muốn góp sức giúp hai cháu vượt qua sự khó khăn khi em vắng nhà mãi mãi”.

Trong status Góc chia sẻ trên facebook của mình, ông Tuấn đã kêu gọi lòng hảo tâm hỗ trợ cho hai cháu: Phạm Thiên Hà và Phạm Hoàng Anh, con gái của liệt sỹ Phạm Văn Hướng – đã hy sinh khi tham gia Đoàn cứu hộ vụ Rào Trăng 3 với tổng số tiền nhận được gần: 75 triệu đồng và vợ chồng ông đóng góp 5 triệu để có tổng số là 80 triệu đồng.

Được biết, trong đợt đại dịch Covid-19 và tháng 2/2020, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, là một trong những người cùng với nhà báo Nguyễn Đăng Hậu thành lập Nhóm thiện nguyện ATM GẠO HUẾ với sự chung tay, hỗ trợ của nhiều thành viên khác. Việc thành lập ATM GẠO HUẾ đã góp phần giúp đỡ cho bà con nghèo trên địa bàn thành phố Huế và các huyện miền núi của Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động mất việc làm, không có nguồn thu nhập.

Việc làm của ông Tuấn không chỉ nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ tâm nguyện của một con người trong gia đình có truyền thống hoạt động thiện nguyện, nhân ái mà còn lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội, được anh em bạn bè động nghiệp trân trọng quý mến. (nongnghiep.vn 25/10)

 
 
 

4.  Quà cứu trợ, tặng sao cho khéo?

Việc cứu trợ người khó khăn hoạn nạn là rất đáng quý. Để phát quà thật công bằng, không để người quá nhiều, người không có là không hề đơn giản.

Nhà báo Ngô Hồng Thủy, Trưởng văn phòng đại diện của Báo Giao thông tại Cần Thơ trao quà hỗ trợ cho người dân ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trước những thiệt hại to lớn và đời sống cơ cực của bà con một số tỉnh miền Trung trong đợt lũ vừa qua, người dân cả nước đã có những nghĩa cử cao đẹp, hàng trăm đoàn thiện nguyện đã trực tiếp về với bà con để chia sẻ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Điều này thật đáng quý và nó cho thấy, trong khó khăn hoạn nạn, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ bao đời nay của cha ông ta lại càng được phát huy và nhân lên gấp bội.

Tuy nhiên, qua việc nhiều đoàn thiện nguyện ồ ạt về các địa phương, mà trong đó có thể có những đoàn chưa tìm hiểu kỹ về tình hình nơi đó, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cứu trợ nên đã có những câu chuyện xảy ra ngoài mong muốn.

Đơn cử như tại Thừa Thiên - Huế, trong đợt lũ năm nay, người dân nhiều vùng đã nhận được quà hỗ trợ đủ loại chứ không chỉ có mì tôm như trước, nào gạo, dầu, mắm muối, nào cá khô, bánh chưng và cả rau xanh…

Ấy vậy nhưng có một thực tế là các đoàn đi phát quà rất ngẫu hứng, mỗi đoàn một kiểu, mỗi thôn một cách, dẫn đến người được hỗ trợ nhiều thì quá nhiều, kẻ khó lại được rất ít.

Đầu tiên phải kể đến cách thức phát quà theo hộ khẩu, cách này khiến nhiều người ngụ cư thiệt thòi nhất. Người đại diện thôn, căn cứ gia đình nào có hộ khẩu tại thôn, lập danh sách đọc từng tên cho nhà hảo tâm phát quà.

Có rất nhiều nhiều nhà ở thôn khác, xã khác đến lập nghiệp chưa chuyển hộ khẩu về thôn mới, đành tủi thân đứng nhìn người khác hào hứng nhận quà.

Tiếp đó là kiểu phát quà theo kiểu ai có mặt thì nhận. Tại thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, có nhà anh Trương Đình Dũng, vợ bỏ đi, anh sống cảnh gà trống nuôi con với mẹ già 84 tuổi trong túp lều.

Trận lụt vừa qua vách lều cũng trôi mất, mái lều sập mất một nửa, hai cha con nằm trên chiếc giường ngập nước. Ấy vậy mà, từ đầu mùa lụt đến nay, anh mới chỉ nhận được 300 nghìn đồng tiền của các nhà hảo tâm.

Anh kể: “Có lần tôi nghe thông báo đi nhận quà cứu trợ, tôi nhờ một người đi nhận giúp, tuy nhiên họ về bảo ai có mặt mới được nhận. Tôi liền lội nước tới chỗ phát quà, thì quà đã được phát hết. Tôi đành tủi thân đi về”.

Một cách phát quà nữa là tập trung hết vào một địa phương theo hiệu ứng truyền thông. Một vị lãnh đạo xã kể, xã ông có một thôn bị cô lập và truyền hình, báo chí về viết bài.

Đến khi các nhà từ thiện tới chỉ yêu cầu chính quyền đưa họ ra thôn đó làm từ thiện mà ít quan tâm đến thôn khác. Thế là quà dồn về cho một thôn, còn mấy thôn khác ngập lụt không thua kém thì chỉ lẻ tẻ vài đoàn từ thiện tới...

Thậm chí, có nơi còn phát quà theo kiểu đồng hương làng, xóm. Làng nào có nhiều người lập nghiệp phương xa, họ thành lập nhóm đi quyên góp tiền, sau đó họ về phát nguyên cho thôn, xóm quê hương họ.

Ấy vậy mới có chuyện, hai thôn cách nhau chỉ một chiếc cầu, thôn bên kia mỗi gia đình trong 2 ngày đã nhận được hơn 2,2 triệu đồng, chưa kể quà, còn thôn bên này mỗi gia đình chỉ được khoảng 500 nghìn đồng, dù dân nghèo hơn, nước ngập sâu hơn…

Vẫn biết, việc cứu trợ người khó khăn hoạn nạn là rất đáng quý và để phát quà thật công bằng, không để người quá nhiều, người không có là không hề đơn giản.

Tuy nhiên, nếu như các đoàn thiện nguyện bớt chút thời gian tìm hiểu, liên hệ với chính quyền địa phương để biết được những hoàn cảnh nào cần được giúp đỡ, những vùng nào thiệt hại nặng nhất, cần hỗ trợ nhất... thì hay hơn biết bao.

Nói như ông Phạm Hữu Hiệp, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng An, huyện Quảng Điền, nếu các đoàn từ thiện liên hệ với chính quyền địa phương thì chính quyền còn điều tiết cho bà con nhận quà tương đối đồng đều và công bằng.

 “Nhưng các đoàn từ thiện tự phát, họ thích phát quà đâu là phát, không hề liên hệ chính quyền. Mà chính quyền địa phương cũng không thể cấm họ được. Nếu cấm dân mình họ cũng chẳng để yên”, ông Hiệp chia sẻ. (baogiaothong.vn 26/10) 

 
 
 

5.  Thừa Thiên - Huế: Hồ, đập tiếp tục điều tiết nước để đón lũ

Trước ảnh hưởng của bão số 8 gây mưa lớn diện rộng, các hồ đập ở Thừa Thiên - Huế tiếp tục điều tiết nước để đón lũ mới.

Hồi 16h ngày 24/10, vị trí bão số 8 khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Thông tin trên được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra hôm nay (25/10).

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ tối ngày 24/10 tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, vùng ven biển có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 9, sóng cao từ 2-4m. Tình hình thời tiết trong những ngày cuối tháng 10 còn diễn biến phức tạp, có thể tiếp tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới, mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó với bão số 8, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã yêu cầu: Các huyện, thị xã, TP. Huế khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua; tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão; tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển đến nơi an toàn; sơ tán dân các vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị.

Gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, công sở, các khu công nghiệp, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn tại các khu neo đậu; có phương án tổ chức tìm kiếm các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này. Theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước, hệ thống đường cao tốc...

Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện (đặc biệt là các hồ vùng cát, hồ đang thi công dỡ dang và hồ thủy điện mới tích nước) tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du;

Các chủ đập thực hiện nghiêm túc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du.

​Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện huy động khi có yêu cầu. (nongnghiep.vn 25/10) 

 
 
 

6.  Thừa Thiên Huế phân bổ hàng hóa hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt

-Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Hôm nay (25/10), Tổng cục Dự trữ Nhà nước phối hợp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ đến các địa phương trong tỉnh phục vụ ứng phó, khắc phục do lũ lụt.

Tại buổi lễ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã bàn giao 2 máy phát điện loại 30KVA, 3 xuồng cao tốc, 28 nhà bạt các loại, 2.000 áo phao, hơn 1.000 phao tròn, phao bè. Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng bàn giao 3 xuồng cứu sinh, 36 máy phát điện loại 5 đến 7KV, 1.000 áo phao, 10 máy bơm chữa cháy và hơn 10 tấn lương khô cứu trợ đồng bào vùng lũ.

Cũng tại buổi tiếp nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển đến tỉnh Thừa Thiên Huế 250 tấm bạt nhựa, 50 máy lọc nước do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản hỗ trợ; 500 bộ dụng cụ sửa nhà và 650 bộ dụng cụ làm bếp từ nguồn viện trợ của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, UBND tỉnh đã phân bổ hàng hóa, vật tư, trang thiết bị này về các đơn vị, địa phương để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống.

 “Ban chỉ đạo cũng đã mời một số đơn vị như: quân sự, công an, bộ đội Biên phòng, các địa phương lên tiếp nhận. Đồng thời, phải có kế hoạch để triển khai nhanh chóng, phân bổ về cơ sở để khắc phục hậu quả cũng như chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện, các địa phương đã triển khai phân bổ đến người dân bị ảnh hưởng mưa lũ./. (vov.vn 25/10)

 
 
 

7.  Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận chủ động ứng phó với bão số 9

Ngày 25-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 161/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận.

 Theo đó, hiện nay, trên vùng biển phía Đông Philippines đã xuất hiện cơn bão Molave và sẽ đi vào Biển Đông trong ngày 26-10 - cơn bão số 9. Dự báo bão sẽ di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Bộ. Cơn bão được nhận định có đường đi và cấp độ tương tự như bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hoà tháng 11-2017, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, nhất là tỉnh Khánh Hòa.

Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận thường xuyên theo dõi thông tin về cơn bão và thực hiện việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; trong đó thông báo, hướng dẫn chỉ đạo chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ việc di chuyển tránh trú; hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai di chuyển, neo đậu tại các cảng; tại khu neo đậu tránh trú, cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu, không để người ở lại trên các tàu khi bão đổ bộ; rà soát, bố trí phương tiện ứng trực, sẵn sàng cứu hộ tàu khi có sự cố.

Cùng với đó, cơ quan chức năng rà soát, có phương án bảo vệ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản; kiên quyết đưa người dân vào bờ, không để lại ở trên các lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ; trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn. Chính quyền cơ sở phải kiểm tra việc chấp hành của người dân, bố trí lực lượng bảo vệ tài sản dân đi tránh trú.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức các tỉa cành cây. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm bốn tại chỗ để đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày. Triển khai đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố nêu trên kiểm tra, rà  soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cách, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Kiểm tra, ra soát các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chính quyền các cấp tổ chức thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả đối tượng bị ảnh hưởng của cơn bão để chủ động đối phó. (qdnd.vn 26/10)

 
 
 

8.  Bùn đất lấp tới cổ, vẫn cố ngoi lên chạy

Đó là lời kể của Đại úy Lê Văn Dùy, tại Bệnh viện Trung ương Huế vào sáng 24-10 với phóng viên Báo Biên phòng. Đại úy Lê Văn Dùy là cán bộ BĐBP Quảng Trị tăng cường về xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Anh bị thương ở chân khi cùng đoàn công tác của xã Hướng Việt vào rừng tìm kiếm 7 người dân mất tích.

Đại úy Dùy cho biết, chiều 17-10, khi anh em cán bộ địa phương đang trực chiến phòng chống lụt bão, có người dân chạy lên UBND xã báo cáo có 7 người dân đi làm rẫy ở trên núi và mất tích. Sau khi nghe tin, lãnh đạo UBND xã Hướng Việt hội ý nhanh và lao vào rừng ngay lập tức.

Đoàn người đi tìm kiếm gồm có Phó Bí thư, Chủ tịch xã, cán bộ công an, dân quân... Lúc đi mọi người không hề biết rằng, có một trận lở đất, lũ quét cực lớn từ trên núi sẽ ùa xuống lấp cả ngôi làng.

Đoàn cán bộ xã chia thành 2 tốp tiến lên núi, khi tới vị trí cách khu vực 7 người dân bị nạn 50 mét thì bất chợt cây, đất, bùn đá như một dòng thác ùa xuống. Tình thế lúc đó rất khó chạy thoát vì bên phải đoàn người là vực sâu, bên trái là núi cao.

Đại úy Dùy bị nước hất ngã sấp, chỉ trong nháy mắt, người anh đã bị chôn sâu dưới bùn lầy. Cố gượng dậy trên đôi chân đau nhói thì đất, đá lại tiếp tục phủ lên người.

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã cũng bị bùn lấp ngập tới cổ. Và nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia cứu nạn tới giờ vẫn chưa hết, đó là mọi người nắm tay của ông Sinh để “nhổ” ông ra khỏi bãi bùn đá, nhưng không thể nhấc ra nổi. Sau đó ông Sinh bị trôi dạt theo khe suối và được tìm thấy vào sáng hôm sau.

Riêng Đại úy Trương Văn Thắng, cán bộ công an xã Hướng Việt thì bị đất lấp đến 2 lần. Lần thứ nhất thì anh Thắng chui ra được khỏi bùn lầy và được mọi người hỗ trợ, nhưng sau đó cả núi bùn ùa xuống đẩy anh Thắng xuống khe đá gây vỡ xương chậu, dập xương sườn, anh Thắng bị thương quá nặng nên đã không qua khỏi.

Còn Đại úy Dùy và ông Sinh được đưa về điều trị tại Trạm y tế xã Hướng Việt. Tuy nhiên, những ngày sau đó, xã Hướng Việt bị cô lập với bên ngoài, nên việc điều trị gặp khó khăn.

Chiều 23-10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã tiếp cận xã Hướng Việt đang bị cô lập để tiếp tế lương thực cho người dân, đồng thời chở Đại úy Lê Văn Dùy (bị gãy chân) và ông Hồ Văn Sinh (bị đa chấn thương) vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.

Hiện nay Đại úy Dùy đã được đưa xuống phòng điều trị của Khoa Chấn thương chỉnh hình để người nhà vào chăm sóc. Riêng ông Hồ Văn Sinh vẫn nằm ở Phòng hồi sức cấp cứu để các y bác sĩ theo dõi. (bienphong.com.vn 25/10)

 
 
 

9.  Áp thấp nhiệt đới gây mưa to từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 25/10, do ảnh hưởng của bão số 8, ở Hoành Sơn (Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 30-80 mm.

Vào 19 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 30-70mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Về diễn biến bão số 9, đến 19 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 19 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão số 9 trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên), từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 19 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 360 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo: Từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ (200-350 mm/đợt).

Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to (trên 500 mm/đợt).

Trong thời gian trên, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra cao đến rất cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cụ thể của cơn bão rất mạnh này để chủ động phòng tránh. (vietnamplus.vn 26/10; baotintuc.vn 26/10)

 
 
 

10.   142 người chết và mất tích do mưa lũ

Tính đến 17h chiều nay (24/10), đã có 123 người chết và 19 người mất tích do mưa lũ. Thừa Thiên Huế là địa phương thiệt hại nhất với 30 người chết và 13 người bị thương.
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ PCTT), có 60 người chết và mất tích do sạt lở  đất, 69 người do lũ, 8 người bị tai nạn trên biển và 5 người do nguyên nhân khác.
Về nhà ở có 813 nhà hư hỏng và 362 nhà bị ngập. Cùng với đó 716 ha lúa bị ngập; 3.962 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.168 con gia súc và 740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Các tuyến đường còn sạt lở ách tắc đến nay gồm: Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 15 điểm (Q.Bình 5 điểm, Q.Trị 10 điểm); Quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve - Cha Lo) tỉnh Quảng Bình; Quốc lộ 9B (đường HCM Tây - Chút Mút), Quốc lộ 9C (Km38-Km39), Quốc lộ 9E (Km25+700 - Km30), Quốc lộ 15 (Km562+200 ngập nước tại ngầm tràn), tỉnh Quảng Bình.
Về  điện lực, kể từ khi xảy ra mưa lũ đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 267 xã, cụ thể: Hà Tĩnh 74 xã, Quảng Bình 85 xã, Quảng Trị 72 xã, Thừa Thiên Huế 26 xã, Quảng Nam 10 xã. Hiện nay, còn 28 xã còn bị cắt điện, gồm: Hà Tĩnh 6 xã, Quảng Bình 8 xã, Quảng Trị 10 xã, Thừa Thiên Huế 1 xã, Quảng Nam 3 xã.
Về tình hình hồ chứa và đê điều, hiện khu vực Trung Bộ có 28 hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết qua tràn, trong đó: khu vực Bắc Trung Bộ: 12 hồ; duyên hải Nam Trung Bộ: 16 hồ. Hồ thủy lợi: Khu vực Bắc Bộ có 2.543, trung bình đạt 90% dung tích thiết kế, 81 hồ hư hỏng nặng, 51 hồ đang thi công; Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, trung bình đạt 75-95% dung tích thiết kế; 55 hồ hư hỏng nặng; Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, trung bình đạt 30% đến 90% dung tích thiết kế; 24 hồ hư hỏng nặng, 31 hồ đang thi công. Hệ thống đê các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có tổng chiều dài 2.611km, gồm 810km đê biển, đê cửa sông và 1.651km đê sông, 74 vị trí xung yếu.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, ngày 24/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện còn 1 tàu cá mang số hiệu BĐ 97126 có 4 lao động của tỉnh Bình Định đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, khu vực tâm bão đã đi qua (giảm 04 tàu cá của Quảng Ngãi đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm), chủ tàu báo cáo tàu không bị hỏng máy và vẫn an toàn, giữ liên lạc thường xuyên, đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo báo cáo của Bộ giao thông vận tải, các tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi có tổng số 525 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các khu vực cảng biển. (baochinhphu.vn 24/10) 
 

 
 
 

11.  Cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ ở Miền Trung: Hãy nhìn lại phía sau

Những ngày qua, tại vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị, mọi cảm xúc dường như dồn vào hết những mái nhà ngập lút dưới dòng lũ, những bóng người chơi vơi trên nóc nhà, mà ít chú ý đến những ngôi nhà nổi vượt hẳn lên. Ít quan tâm, rằng đó chính là những nhà phao mà Dự án Nhà chống lũ của nhóm bạn trẻ đã âm thầm kêu gọi quyên góp, tài trợ và lắp đặt cho người dân.

Bằng thời điểm này năm 2007, tôi theo đoàn của Tổ chức DW, một tổ chức phi chính phủ do EU tài trợ, ra vùng đầm phá Thừa Thiên - Huế để dự khánh thành những ngôi nhà chống bão được tài trợ xây dựng tại đây. Đoàn chỉ có mấy phóng viên đi theo, có lẽ bởi sự kiện ít “hot”?! Những căn nhà chống bão mới xây dạng cấp 4 nhìn bên ngoài cũng không có gì đặc biệt, thậm chí tuềnh toàng. Ấn tượng nhất, theo những người điều hành Dự án phòng chống thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung của DW, đó là những ngôi nhà này có thể chống chịu gió bão cấp 12. Và chi phí xây dựng chỉ tầm dưới 30 triệu đồng!

Cũng cuối năm đó, tôi đi cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) - một tổ chức phi chính phủ của Anh tại Việt Nam đến một số nơi tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Sơn Trà tại thành phố Đà Nẵng. Cũng để chứng kiến những ngôi nhà chống bão được tổ chức này tài trợ vừa mới xây dựng, và gia cố sửa chữa xong. Cơn bão lịch sử Sangxane hồi năm trước đó quét qua đây, dấu tích đổ nát còn hiện diện khắp nơi. Sự vui mừng, hồ hởi của người dân nghèo những nơi ấy về ngôi nhà mới an toàn, là điều đọng lại lâu bền nhất.

Về lại Đà Nẵng, tôi tìm gặp thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, khi đó là Phó giám đốc Trung tâm tư vấn kiến trúc miền Trung - tác giả của mẫu nhà chống bão rẻ tiền này, để tìm hiểu về “bí mật” bên trong mẫu nhà. Anh mở những bản vẽ, ảnh chụp, nói về những giải pháp kết cấu trụ, móng, mái, giằng tường bê tông,… mà anh không quản nguy hiểm lặn lội ra giữa mưa bão để chứng kiến, ghi chép, chụp ảnh.  

Giờ thì không rõ Nguyễn Thanh Bình đang ở đâu, làm gì. Nhưng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có hàng ngàn ngôi nhà chống bão được các tổ chức quốc tế xây mới, hàng chục ngàn ngôi nhà được sửa chữa, gia cố theo giải pháp an toàn bão cấp 12 của anh. Với người dân nghèo miền Trung, nhất là thời điểm hơn chục năm về trước, ngôi nhà rẻ tiền đó chính là nơi cứu sinh cho cả gia đình, khi mỗi năm phải hứng chịu dăm, bảy trận bão lớn nhỏ.

Tôi có một người bạn, cũng là người em thân quý tên là Võ Tiên Lâm quê gốc Quảng Nam, và là cháu nội nhà văn Võ Quảng, từng nhiều năm là thành viên Quỹ hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung (gần đây đổi thành Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai). Giữa cảnh ngập lụt kinh hoàng tại các tỉnh bắc miền Trung những ngày qua, đọc được dòng trạng thái trên trang facebook của Lâm, thấy vừa ấm lòng, mà cũng chạnh buồn. 

“Hôm nay tình cờ nhìn qua cái bài ảnh, với những cánh tay nhô lên từ mái nhà, người dân chèo những chiếc thuyền tự chế bằng bàn, bằng lốp xe, chợt nghĩ chắc mình không thấy ngạc nhiên, xót xa như mọi người, chả hiểu tại sao.

Những ngày đi khắp miền Trung, song hành cùng bão lũ, vui nhất là những đợt tập huấn cho các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp thôn, xã. Nòng cốt của các đội chính là những người gắn bó chặt chẽ với địa phương, được cấp thuyền, phao cứu sinh, áo phao, loa điện cầm tay. Nhiệm vụ của họ là khi bão lũ về, nước lên sẽ tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đưa người dân đến những công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, hay những nơi tập kết dân của địa phương.

Mỗi lớp học kéo dài khoảng 3 ngày, chủ yếu là học thực hành sơ cấp cứu, điều khiển thuyền, sử dụng phao, áo phao, phối hợp cứu người trong bão lũ. Sẽ có một ngày học trong lớp với các giảng viên giàu kinh nghiệm, sau đó là thực hành ở sông, suối hay biển, tùy theo địa hình thực tế.

Nhìn những tấm ảnh rồi đây sẽ được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, mình chỉ nghĩ là sẽ không còn những hình ảnh như thế, dù bão lũ có to đến đâu nếu mỗi xã có được một công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai. Ngày mình còn làm, giá một công trình như thế rơi đâu khoảng 2 tỷ rưỡi. Và mỗi xã có được một đội xung kích cứu hộ, cứu nạn. Cái này thì giá rẻ lắm.

Cả nước đang hướng về miền Trung. Rồi sao? Một tháng nữa. Một năm nữa. Cứ mãi hướng về, cứ mãi cứu trợ thế à?

Bức ảnh ở phía dưới là một người mình cực kỳ ngưỡng mộ. Tấm ảnh này là mình chụp ông. Suốt hơn 10 năm qua, 14 tỉnh miền Trung in dấu chân ông. Nhưng quan trọng nhất, những gì đang diễn ra ở miền Trung chứng minh những chương trình ông dành cho miền Trung suốt hơn 10 năm qua là cực kỳ thiết thực và giàu ý nghĩa.

Nếu Quỹ phi chính phủ mà ông lập ra và đồng hành đến tận ngày hôm nay nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với con số gần 300 tỷ đồng, tin rằng mỗi mùa mưa lũ, tin buồn từ miền Trung đã ít hơn rất nhiều”.

Người mà Lâm nhắc đến, chính là ông Phan Diễn, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Thường trực Ban Bí thư. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, ông đứng ra vận động thành lập Quỹ hỗ trợ Phòng, tránh thiên tai miền Trung dành cho đồng bào 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đến năm 2018, Quỹ đổi tên thành Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai, mở rộng hoạt động trên cả nước. Hơn chục năm trời cho đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, trực tiếp vận động tài trợ, và lặn lội đến khắp những nơi thiên tai hạn hán, bão lũ hoành hành trên mọi miền đất nước.

Có tận mắt thấy những ngôi nhà đa năng vừa sinh hoạt cộng đồng lúc bình thường, vừa là nơi ẩn tránh cho 300 người cùng lúc do Quỹ xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi,.. mới hiểu được giá trị và ý nghĩa sinh tồn mà từng đồng tiền của các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ vào Quỹ đã mang lại cho người dân.

Giữa phong trào “nhà nhà cứu trợ” bão lũ đang diễn ra, xin nhìn lại phía sau, quan tâm hơn tới những dự án cộng đồng, những con người đã và đang âm thầm đem lại cho người dân vùng thiên tai hạn hán, bão lũ điều kiện sống an toàn, và sinh kế thật sự bền vững.              

Gần 300 tỷ đồng mà Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai vận động được suốt hơn 10 năm qua đã làm được biết bao việc. Từ xây dựng hàng trăm công trình cộng đồng phòng chống thiên tai, trường học vùng lũ, đến thành lập, tập huấn và trang bị các thiết bị, dụng cụ cho các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp thôn/xã. Từ xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm ở các vùng trọng điểm lũ lụt; trồng rừng ngập mặn phòng hộ, bảo vệ đê biển; hỗ trợ phụ nữ vùng thiên tai sinh kế bền vững, và giúp học trò nghèo an tâm đến trường, đến các hoạt động cứu trợ khẩn cấp,… (tienphong.vn 26/10)

 
 
 

12.  Cảm phục “Cây chổi bạc” toàn quốc

“Tôi mong tất cả mọi người dân chấp hành việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định để công việc của chúng tôi bớt nặng nhọc và góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế luôn xanh - sạch - sáng”. Đó là lời nhắn gửi của chị Trần Thị Huệ, tổ trưởng tổ 7, tổ Vệ sinh môi trường, Xí nghiệp môi trường Bắc sông Hương, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế - người từng đoạt “Cây chổi bạc” toàn quốc.

Không ngại khổ

6h sáng 16/10, nữ “thủ lĩnh” Trần Thị Huệ và các thành viên trong tổ đã có mặt tại chợ đầu mối Phú Hậu. Nhìn bãi rác ngổn ngang với xác động vật, nệm, bàn ghế hư đến rau củ quả thối, bao bì ni lông… trôi lẫn trong nước lũ, chị Huệ quyết định không làm riêng theo địa bàn phân công mà tập trung làm cuốn chiếu. "Ba người 1 xe, 2 người 2 bên bốc nhặt rác bỏ lên xe chở về tập kết, nước rút đến đâu dọn sạch đến đó", chị Huệ vừa dứt lời, mọi người bắt tay ngay vào việc. Trước khi thu dọn rác, các thành viên không quên sửa lại chổi, kiểm tra bánh xe.

Chị Huệ chọn điểm vừa nhiều rác, vừa nước ngập cao nhất. Chưa đầy 15 phút, một xe đã chất đầy rác. Các chị đi đến đâu, đường phố sạch đẹp đến đó. “Với lượng rác như thế này, nếu không tăng ca làm ngày, làm đêm thì mất cả tuần mới dọn sạch được, ô nhiễm lắm. Vì vậy, chúng tôi quyết tăng ca, nỗ lực hoàn thành trong vài ngày tới”, chị Huệ nói.

Nhà chị Huệ ở Phú Thượng (Phú Vang). Địa bàn tổ chị phụ trách gồm 3 phường: Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Cát (TP. Huế). Những ngày ngập lụt, nhiều anh em ở tổ nhà xa không đi được, nữ tổ trưởng vẫn lần theo tuyến đường có thể đẩy xe được, thay các thành viên đảm nhận công việc.

Dưới cánh tay chắc khỏe của nữ tổ trưởng, những tấm chăn, chiếu rách ngấm nước lụt nặng trĩu được chị nhanh gọn vứt lên thùng xe. “Nghề quét dọn vệ sinh môi trường giúp tôi luyện cơ bắp chắc khỏe”, chị chia sẻ.

Vượt qua nghịch cảnh

Chị Huệ thu hút người đối diện với làn da đen rắn, khỏe khoắn so với tuổi 52 của mình. Đôi mắt của "nữ chiến binh rác" bỗng chùng lại khi nhớ về quãng thời gian 15 năm trước. Lúc đó, chị là một phụ nữ nội trợ chân yếu tay mềm, chỉ quanh quẩn bếp núc. Kinh tế trụ cột trong nhà đều một tay chồng chị gánh vác. Cuộc sống đang êm ấm thì không may chồng chị lâm bệnh nặng và qua đời, để lại người vợ không việc làm với 4 đứa con nhỏ. Lúc đó, chị nghĩ mình sẽ ngã qụy mất, nhưng may mắn được nhận vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế. Chị bén duyên với nghề từ đó.

Chị Huệ nhớ lại: "Phải đẩy xe rác rong ruổi khắp các con đường, thường xuyên ngửi mùi hôi thối, nên thời gian đầu đi làm, tôi lúc nào cũng trong cảnh nước mắt chan mồ hôi".

Nhưng rồi, chính cái nghề vất vả, nặng nhọc đó lại giúp chị có việc làm ổn định, có thu nhập để lo cho các con, chị lại thấy mình may mắn. Thực tế đó giúp chị có thêm động lực, yêu thích dần với công việc. Chị không nề hà với bất cứ loại rác nào, chăm chỉ làm bằng tất cả tâm huyết, quyết tâm trả lại mặt bằng sạch, đẹp nhất có thể sau khi xe rác đi qua. Về nỗi buồn, chị kể, có những hộ dân không đổ rác đúng nơi quy định, không đổ rác đúng giờ, có người còn đứng từ tầng cao vứt rác xuống khi xe rác đến, có khi suýt đụng đầu người thu gom. Nhưng chị lại vui bởi nhiều người dân đến giờ xe rác của chị đi qua, họ lại rót nước ra mời, có người còn mời vào nhà chơi, động viên.

Không chỉ chuyên tâm vào công việc chuyên môn, chị Trần Thị Huệ còn biết quan tâm đến đồng nghiệp. Thấy anh Hồ Văn Hùng có hoàn cảnh khó khăn, vợ ốm đau và đã qua đời, một mình anh nuôi con, chị Huệ quyên góp và vận động chia sẻ, động viên bố con anh. Hay khi biết vợ chồng anh Hồ Viết Quảng ở huyện lên Huế thuê nhà trọ ở để đi làm, chị Huệ lại kêu gọi đồng nghiệp chung tay cho anh Quảng mượn tiền mua đất, rồi viết đơn xin “Mái ấm Công đoàn” để vợ chồng anh được an cư.

Nữ tổ trưởng trách nhiệm

Với tinh thần trách nhiệm vì công việc, cũng như với đồng nghiệp, 2 năm sau, chị được bầu làm tổ trưởng công đoàn và năm 2014 chị được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ làm tổ trưởng.

Đảm nhận thêm vai trò mới, chị Huệ thêm trách nhiệm. Ngoài công việc chính là thu gom rác, chị quản lý, kiểm tra, đôn đốc để 20 thành viên trong tổ ai cũng làm việc theo tinh thần trách nhiệm cao nhất. Sau khi hết ca làm, chị chạy quanh tất cả các tuyến đường do các thành viên đảm nhận kiểm tra rồi mới yên tâm ra về.

Với đặc thù làm từ 16h chiều đến 1h sáng, trong lúc nhiều thành viên lại ở xa, lo cho sự an toàn của đồng nghiệp, chị quán triệt cho toàn bộ thành viên về đến nhà sau ca làm đều phải nhắn tin để chị yên tâm. Quan trọng hơn, nữ tổ trưởng luôn gương mẫu, những địa bàn chị phụ trách luôn không để rác ùn ứ, luôn sạch đẹp.

Với những nỗ lực của mình, chị Trần Thị Huệ đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2017, tại giải thưởng "Cây chổi vàng" lần thứ nhất, do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những nữ lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chị Trần Thị Huệ vinh dự được nhận giải Bạc. Chị cũng từng được tham gia buổi gặp gỡ và đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Với chị, thành tích đó là sự động viên. “Đằng sau những đêm không ngủ, những năm không biết đêm giao thừa ngày Tết ở nhà như thế nào là chúng tôi đã mang đến một bộ mặt thành phố xanh, sạch, đẹp và môi trường trong lành sau bão,lũ. Hơn hết, chính công việc này đã giúp tôi có điều kiện nuôi con ăn học nên người”, chị Huệ chia sẻ.

Thương mẹ vất vả, các con chị Huệ đều chăm ngoan, học giỏi, đã có 3 người tốt nghiệp đại học và một người đang là sinh viên năm 3. Trong đó, con trai nhì của chị Huệ đang là giảng viên Trường đại học Kinh tế Huế và vừa nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại  Australia. (baothuathienhue.vn 26/10)

 
 
 

13.  Huế yêu cầu thủy điện xả nước đón lũ

Ngày 25-10, Huế mưa lớn trở lại do ảnh hưởng của bão số 8. Thừa Thiên Huế đang cố gắng điều tiết nước ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.

Men theo con sông Bồ, chúng tôi về lại vùng rốn lũ Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền), hai xã chịu ảnh hưởng nặng nề trong trận lũ lịch sử vừa qua tại Huế. Những căn nhà vẫn xơ xác, ngổn ngang.

Bắt đầu cuộc sống bình thường

Trên tuyến đường về xã Quảng Thành, Quảng An, nhiều đoàn cứu trợ vẫn nối tiếp về với bà con. Nhưng hôm nay không còn là mì ăn liền nữa mà thay thế vào đó là gạo, là áo quần, sách vở và có cả những cái chăn ấm, chiếu mới.

Người dân làng Kim Đôi (xã Quảng Thành) sau khi dọn lũ lại bắt đầu tỏa đi khắp các ngả đường của huyện Quảng Điền với nghề truyền thống mua bán ve chai. Cái nghề khá vất vả nhưng đã giúp nhiều gia đình nuôi con ăn học thành tài.

Chị Phạm Thị Liễu (làng Kim Đôi) ba tuần nay chưa đi làm, mọi sinh hoạt trong gia đình đều cầm cự, mắm muối qua bữa nhờ các đoàn cứu trợ. "Xong lũ rồi phải đi làm thôi. Năm nay dịch COVID-19, rồi giờ lụt, phải đi làm để còn có tiền cho cháu ăn học" - chị Liễu chia sẻ.

Nhiều người dân các huyện Phong Điền, Phú Vang cũng đã bắt tay vào làm việc trở lại sau gần 3 tuần tạm ngừng do ảnh hưởng của lũ.

Cho thủy điện xả lũ trước, di dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết dự báo do ảnh hưởng của bão số 8 và bão số 9 nên tỉnh sẽ có mưa lớn, lượng mưa cả đợt khoảng 500 - 600mm. Hiện nay nỗi lo lớn nhất trong đợt mưa bão ở tỉnh Thừa Thiên Huế đó là việc sạt lở đất, lũ quét.

Hiện tỉnh đã lên kế hoạch di dân ở những nơi dễ xảy ra sạt lở, ngập úng lâu này với hơn 7.000 hộ dân. Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại danh sách những người dễ bị tổn thương trong mưa bão để sớm có phương án đưa những người này đi sơ tán.

"Do tình hình dự báo mưa diễn biến phức tạp, chúng tôi đã cho các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tiến hành xả nước điều tiết để đón lũ với hi vọng không để lũ trên các sông ở đợt mưa này vượt mức báo động III" - ông Hùng nói. (tuoitre.vn 26/10)

 
 
 

14.  Tiếp cận xã Hướng Việt bị cô lập, 2 cán bộ bị thương được đưa về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị

Sáng 23-10, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã tiếp cận xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bằng đường bộ. Đây là địa phương đã bị cô lập nhiều ngày qua và người dân đang gặp nhiều khó khăn do sạt lở đất, giao thông chia cắt.

Trước đó, ngày 22-10, Sư đoàn 372 Quân chủng Phòng không-Không quân cũng điều động máy bay trực thăng tiếp cận theo hướng đường không đưa Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ BĐBP tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt bị gãy chân và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, bị chấn thương về Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.

Tối 17-10, nhận được tin báo về việc 7 người dân địa phương mất liên lạc khi đi rẫy, chính quyền địa phương đã tổ chức tìm kiếm. Trong khi lên rẫy, đoàn tìm kiếm gặp lũ quét. Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt hy sinh. Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ BĐBP tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt bị gãy chân. Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã bị chấn thương. (bienphong.com.vn 24/10)

 
 
 

15.  Thêm 600 triệu đồng được CATP Hà Nội trao tặng nhân dân, CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau Công an các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cùng đoàn công tác đã đến trao 600 triệu đồng tặng nhân dân và CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Cùng đi với đồng chí Phó Giám đốc CATP có đại diện một số phòng chức năng của CATP và Trưởng CAH Gia Lâm.

Đón tiếp Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng có Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng chỉ huy các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh.

Trong không khí thân mật, gần gũi, chia sẻ, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng đã gửi lời thăm hỏi, động viên trước những mất mát, hy sinh và thiệt hại của nhân dân cũng như CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang phải gánh chịu do cơn bão lũ vừa qua.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: Ngay sau khi bão lũ dồn dập vào các tỉnh miền Trung, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã phát động chiến dịch trong toàn CATP Hà Nội quyên góp nửa ngày lương ủng hộ nhân dân, CBCS Công an 7 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Ngãi.

Đây không những là món quà trân quý mà Đảng ủy, Ban Giám đốc cũng như toàn lực lượng CATP Hà Nội gửi tới nhân dân, CBCS gặp khó khăn của 7 tỉnh miền Trung, mà còn thể hiện sự gắn bó keo sơn, tinh thần tương thân tương ái, đồng đội… trong lúc khó khăn, gian nan, vất vả. Số tiền hơn 4 tỷ đồng mà CBCS CATP Hà Nội đóng góp sẽ phần nào giúp nhân dân, CBCS Công an 7 tỉnh miền Trung vơi bớt nhọc nhằn, khó khăn, vượt qua thách thức, chiến thắng mưa lũ, đảm bảo tuyệt đối ANCT, TTATXH, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau lũ dữ.

Đón nhận và xúc động trước tình cảm, sự quan tâm, động viên, thăm hỏi của Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng và lãnh đạo, CBCS CATP Hà Nội, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã trân trọng gửi lời cảm ơn tới Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng như cá nhân Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng và các thành viên trong đoàn công tác.

Đại tá Hoàng Văn Thành cũng thông tin nhanh với Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng và đoàn công tác của CATP Hà Nội về tình hình mưa lũ cũng như những thiệt hại về người, tài sản xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân gặp khó khăn của CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, sau khi đón nhận tình cảm và sự hỗ trợ quý báu của Đảng ủy, Ban Giám đốc cũng như tập thể CBCS - CATP Hà Nội, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ gửi tới nhân dân và CBCS của đơn vị gặp khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 24-10, sau khi tuyến đường bộ lên Thủy điện Rào Trăng 3 đã được thông tuyến, ngay từ sáng sớm, các đơn vị quân sự, công an, dân sự tiếp tục tăng cường quân số và điều động tất cả các phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben (khoảng 10 chiếc) vào Thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Việc tìm kiếm nạn nhân mất tích theo ba hướng song song, gồm 2 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ bờ suối lên hiện trường sạt lở và 1 lực lượng tìm kiếm theo hướng từ khu vực bị sạt lở xuống bờ suối. Lực lượng tìm kiếm đã đào bới hàng trăm m3 đất đá; đến cuối giờ chiều đã tìm kiếm được thêm 1 thi thể của công nhân mất tích. Như vậy, đến nay đã tìm kiếm được 5/17 thi thể công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, trong đó 2 thi thể đã xác định danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.

Để đẩy nhanh việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, một tổ công tác tăng cường của Quân khu 4 và đội chó nghiệp vụ đang trên đường vào Thừa Thiên Huế; dự kiến sáng mai sẽ có mặt tại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Gần một tháng qua, tỉnh liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài; lượng mưa có nơi vượt 1.000mm. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Bão lụt đã làm cho Thừa Thiên Huế thiệt hại hơn 1.126 tỷ đồng; 30 người chết, 13 người mất tích, 36 người bị thương. Thiệt hại lớn về nông - lâm nghiệp, các công trình cấp nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, điện lực, giáo dục, y tế; đặc biệt là sạt lở hơn 10km bờ biển và hư hại nhiều đường giao thông...

Trước đó, CATP Hà Nội đã trao cho Công an các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị mỗi nơi 600 triệu đồng, để giúp đỡ nhân dân, CBCS gặp khó khăn, thiệt hại do mưa lũ. (anninhthudo.vn 25/10)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Vòng 4 nhóm B giải hạng Nhất mùa giải 2020: Đồng Tháp – CLB Bóng đá Huế: Trắng tay trên sân Cao Lãnh

Dù đã hết mục tiêu khi trụ hạng sớm trước 2 vòng đấu, nhưng chuỗi 5 trận liên tiếp chỉ hòa và thua của CLB Bóng đá Huế khiến người hâm mộ ngày càng thất vọng.

Làm khách trên sân Cao Lãnh chiều 25/10 trong khuôn khổ vòng 4 nhóm B, ngay từ phút đầu khai cuộc, CLB Bóng đá Huế liên tục chịu sức ép từ những pha dâng cao đầy tốc độ của đội bóng đang khát điểm Đồng Tháp cùng sức nóng từ trên phía khán đài.

Tuy ít phút sau, CLB Bóng đá Huế có không ít cơ hội nguy hiểm, trong đó đáng chú ý là những pha đột phá và dứt điểm của Trần Thành nhưng Đồng Tháp vẫn là đội mở tỷ số trước.

Phút 11, từ quả phạt góc bên cánh trái cùng những pha lộn xộn trước khung thành, dù thủ thành Tiến Tạo đã phá được bóng ở pha dứt điểm đầu tiên, nhưng ở tình huống tiếp theo, sự xuất hiện của Cảnh Anh bên phía Đồng Tháp cùng cú sút căng đã đánh bại thủ môn CLB Bóng đá Huế.

Sau bàn thua sớm, các học trò HLV Nguyễn Đức Dũng nhanh chóng dâng cao. Đáng tiếc, dù có nhiều tình huống tấn công đa dạng nhưng hàng công của CLB Bóng đá Huế vẫn không thể xuyên thủng hàng phòng ngự chơi kín kẽ của đại diện miền Tây Nam bộ.

Liên tục dâng cao nhưng không ghi được bàn thắng cùng sự thiếu tập trung ở hàng thủ đã khiến CLB bóng đá Huế phải trả giá. Từ phút 22 đến 24, Đồng Tháp 2 lần khiến thủ môn Tiến Tạo tiếp tục vào lưới nhặt bóng để nâng tỷ số lên 3-0. Đó cũng là kết quả cuối cùng của hiệp đấu đầu tiên, bất chấp những cố gắng của các học trò HLV Nguyễn Đức Dũng.

Những điều chỉnh về đấu pháp lẫn nhân sự ở hiệp hai phần nào giúp CLB Bóng đá Huế chơi máu lửa hơn. Bên cạnh đó, khả năng phát động tấn công của hậu vệ cánh cùng bọc lót của tuyến tiền vệ đã hạn chế được sức ép của đội chủ nhà, giúp hàng công CLB Bóng đá Huế yên tâm hơn trong việc tìm kiếm bàn thắng rút ngắn cách biệt.

Tuy nhiên, trước lối chơi áp sát khá rát và tập trung của đội chủ nhà, CLB Bóng đá Huế đành chấp nhận bại trận với tỷ số 0-3 trước Đồng Tháp ở lượt đấu áp chót mùa giải 2020 này.

Đã trụ hạng trước 2 lượt trận nên trận thua trước Đồng Tháp không ảnh hưởng đến suất ở lại giải hạng Nhất mùa sau. Dẫu vậy, với 2 trận hòa, 3 trận thua sau 5 vòng đấu liên tiếp, trong khi mùa giải 2020 chỉ còn 1 vòng đấu nữa là kết thúc, CLB Bóng đá Huế đang khiến người hâm mộ ngày càng thất vọng về phong độ của mình. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự quan tâm của khán giả Cố đô ở trận đón tiếp Tây Ninh vào ngày 30/10 tới.

Trong khi đó, sau chiến thắng trước CLB Bóng đá Huế, Đồng Tháp tạm thời thoát khỏi vị trí chót bảng, đồng thời có quyền tự quyết khi chỉ cần hòa ở trận chiến cuối cùng của mùa giải trước Long An vào ngày 30/10 tới là có thể trụ hạng.

Phía trên BXH, 1 suất thăng hạng V – League mùa sau sẽ là cuộc cạnh tranh giữa Bình Định (32 điểm) và Bà Rịa – Vũng Tàu (31 điểm). Cả 2 cùng được chơi trên sân nhà vào ngày 31/10 trước những đội bóng không còn khả năng cạnh tranh, trong đó Bình Định đón tiếp Phố Hiến, còn Bà Rịa – Vũng Tàu gặp Khánh Hòa BVN. (baothuathienhue.vn 25/10)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.   “Phủ sóng” nước sạch nông thôn

Đến năm 2025, tỷ lệ người dân dùng nước sạch toàn tỉnh sẽ đạt gần 100% là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ miền núi

Đầu tháng 10, người dân 2 xã vùng cao Thượng Nhật, Hương Hữu (huyện Nam Đông) đã đón dòng nước sạch. Theo anh anh Kiên Văn Thuận, thôn 1, xã Hương Hữu, gia đình chỉ đóng hơn 200 ngàn đồng để đảm bảo cố định đồng hồ đúng quy trình kỹ thuật, các chi phí còn lại đều được Công ty CP cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) hỗ trợ nên gia đình cũng không lo lắng gì nhiều. Vui nhất là nguồn nước sạch về tận nhà, từ nay không phải vất vả hàng ngày đi gánh nước về sử dụng.

450 gia đình 2 xã Thượng Nhật, Hương Hữu đã có nước sạch sử dụng. HueWACO cũng đang tiếp tục khảo sát lắp đặt cho 200 hộ.

Thời điểm đầu những năm 2000, tỉnh chủ trương tập trung nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (CTMTQG) nối mạng nước máy đô thị về nông thôn. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh chỉ có 45.467 hộ sử dụng nước sạch, chiếm 35% dân số toàn tỉnh, chủ yếu cấp nước đô thị. Nhờ lồng ghép vốn CTMTQG (35%) với vốn đầu tư của HueWACO (35%) và Nhân dân đóng góp 30% (chủ yếu là công đào và lấp đất các tuyến ống); hỗ trợ 400.000 đồng/hộ đầu tư các tuyến ống cấp nước vào các kiệt, xóm; lắp đặt nước miễn phí theo Nghị định 117 (2009)... tỷ lệ cấp nước nông thôn dần được cải thiện.

Theo ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO, trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn, HueWACO sử dụng vốn tự có để nâng cấp, cải tạo nhà máy cũ và chào thầu lãi suất cạnh tranh vay ngân hàng thương mại gần 183 tỷ đồng để xây dựng các nhà máy mới như Đơn nguyên 2- Quảng Tế 2 (2009), Nam Đông (2009), Lộc An (2012), Lộc Trì (2012), Điền Môn (2013), Phong Thu (2014), Hương Phong (2014) và tại các xã miền núi như Đông Sơn (2012), Hồng Thủy (2013), Xuân Lộc… Trong đó, thi công nối mạng xã Hồng Thái, Hương Nguyên (A Lưới), hệ thống cấp nước (HTCN) sạch 5 xã vùng dưới huyện Nam Đông… Đến nay, tỷ lệ cấp nước sạch, an toàn toàn tỉnh đạt 91% với trên 1 triệu dân, 86% dân số khu vực nông thôn với 10.000 hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được tiếp cận nước sạch.

Đến đầm phá

Nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch cho trên 90% dân số vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra, HueWACO triển khai thực hiện dự án (DA) nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh không phân biệt đô thị và nông thôn từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, 364 tỷ đồng đầu tư về khu vực nông thôn, chiếm 48% giá trị của DA, 130 tỷ đồng (30%) đầu tư cho khu vực khó khăn, các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và miền núi như Quảng Ngạn, Vinh Giang, Vinh Xuân, Vinh Hiền, Vinh Thanh, Phú Diên…  

DA đã đưa vào sử dụng 700 km (100%), áp lực nước trên toàn mạng tăng thêm từ 1,8-2,4 bar, trên 225.000 đấu nối, tương đương 900 ngàn dân (86% toàn tỉnh) được hưởng lợi, lắp đặt mới 19.543 hộ.

Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước, nhưng khi thực hiện DA, ADB chỉ cho vay đầu tư 5 vùng, 3 vùng còn lại là Nam Đông, A Lưới, Chân Mây do hiệu quả kinh tế thấp nên không được vay vốn ADB.

Theo tính toán của HueWACO, đầu tư cho 3 khu vực này, suất đầu tư rất cao do địa hình hiểm trở, mật độ dân cư thưa thớt nên rất khó khăn trong công tác cấp nước. Tính trung bình suất đầu tư vùng nông thôn gấp 3 lần so với đô thị (25 triệu đồng/hộ đối với đầu tư nhà máy xử lý nước; suất đầu tư 10,2 triệu đồng/m3/ngày đêm gấp 2,5 lần so với suất đầu tư theo quyết định của Bộ Xây dựng là 4 triệu đồng/m3/ngày đêm), thậm chí có nơi cao gấp 20 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị. Trong khi, lượng nước tiêu thụ chỉ bằng 1/4 so với đô thị, giá bán thấp bằng 78% giá thành, gần 1.000 hộ nghèo, cận nghèo cũng được giảm giá nước từ 15-20% và nhiều hỗ trợ khác. HueWACO đang triển khai cơ chế bù chéo giá nước đối với các vùng (dự kiến năm 2020 là gần 84 tỷ đồng).

HueWACO đề xuất UBND tỉnh đưa các DA cấp nước của 3 vùng này vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017- 2020 và 2021-2025, sử dụng 205 tỷ đồng nguồn khấu hao tài sản nhận nợ, thuê tài sản và nguồn cổ tức vốn nhà nước tại Công ty cổ phần mà HueWACO nộp ngân sách. Riêng trong năm 2020 đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thượng Long công suất 2.000 m³/ngày đêm và lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch D50-D225 HDPE dài 43,6km và 2.400 đồng hồ nước cho các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Xuân với tổng mức đầu tư 50,8 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của HueWACO là 7,3 tỷ đồng.

Trong khi chờ DA Nhà máy Thượng Long đi vào vận hành, chủ động cấp nước cho các xã vùng cao, HueWACO chủ động đề nghị UBND huyện Nam Đông bàn giao và nâng cấp HTCN nông thôn tại Hương Hữu, Thượng Nhật. Từ đây, HueWACO đầu tư lắp đặt tạm thời 2 trạm xử lý nước cơ động sử dụng lọc áp lực 2 cấp và đấu nối hệ thống đường ống cấp nước cho 2 xã Hương Hữu, Thượng Nhật.

Ông Trương Công Nam thông tin, theo kế hoạch thực hiện các DA thuộc nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, để đồng bộ với quy hoạch cấp nước toàn tỉnh, HueWACO sẽ nâng cấp mở rộng HTCN thị trấn A Lưới và các xã phụ cận; tại các địa phương thuộc Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc… với tổng kinh phí dự kiến gần 100 tỷ đồng.

Với hệ thống cấp nước hiện có với 4.850km đường ống chính từ DN50-DN1200, cùng với xây dựng Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm) và các DA cấp nước đầu tư công trung hạn khi hoàn thành sẽ giúp Thừa Thiên Huế có hạ tầng kỹ thuật cấp nước đồng bộ, hoàn chỉnh, đảm bảo an ninh nước, cấp nước an toàn cho gần 100% dân số toàn tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. (baothuathienhue.vn 25/10)

 
 
 

2.  Ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau lũ

TX. Hương Trà đang dốc sức triển khai các biện pháp ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Góp sức

Cơn bão số 5 trong tháng 9 và 2 trận lũ mới đây gây hậu quả nặng nề trên địa bàn thị xã Hương Trà. Gần 120 ha rau màu ngập chìm trong nước, 250 ha sắn bị ngập úng, hơn 20 tấn lúa bị ướt. Nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Bão làm trên 8.300 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm ha rừng kinh tế, cao su, cây ăn quả bị gãy đổ…

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, ngay sau khi nước rút, UBND thị xã chỉ đạo các địa phương bắt tay khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Phường Hương An là một trong những địa phương chịu thiệt hại khá lớn với gần 75ha hành lá mất trắng, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND phường Hương An Phan Phước Thìn bày tỏ, nhiều diện tích trồng hành ở nơi cao nhưng lũ vẫn nhấn chìm. Điều đáng lo nhất, tới đây, Hương An không đủ giống để trồng lại.

Ngay sau khi nước rút, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể diện tích bị thiệt hại. “Trước mắt, chúng tôi đang xem xét những hộ ở nơi cao, có thể “bảo vệ” được 1- 2ha hành lá sẽ tiến hành giữ giống, sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau lũ”, ông Thìn bày tỏ.

Tại phường Hương Văn, người dân chưa khắc phục xong hậu quả bão số 5 (với gần 1.300 nhà dân bị tốc mái) thì 2 trận lũ liên tiếp làm hơn trăm ha sắn bị ngập úng, ảnh hưởng gần 1.500 nhà dân, trong đó, khoảng 300 hộ ảnh hưởng nặng.  Ngay sau lũ, phường triển khai hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm cho các hộ thiệt hại, bị cô lập từ các nguồn của tỉnh, thị xã, địa phương và các tổ chức cá nhân.

Hiện, dọc bờ sông Bồ thuộc khu vực xóm Cầu - Cửa Khâu ở TDP Giáp Tư, phường Hương Văn sạt lở nghiêm trọng (từ bờ vào 50m). Sau khi cho di dời khẩn cấp hộ ông Lê Đình Hà, 5/7 hộ còn lại cũng nằm trong diện cần di dời vì có nguy cơ cao.

Chủ tịch UBND phường Hương Văn Nguyễn Xuân Chinh thông tin, sẽ đưa các hộ này đến ở tạm tại Nhà văn hoá cộng đồng của phường khi cần di dời khẩn cấp. Trước đó, phường đã có quy hoạch đất tái định cư cho hộ nghèo nhưng ở khu vực cách xa các hộ dân xóm Cầu (đa số làm nghề sông nước) nên nếu đưa vào đây sẽ khó cho họ mưu sinh.

 “Về lâu dài, UBND Hương Trà đã giao Hương Văn xây dựng quy hoạch đất tái định cư. Chúng tôi đang tìm phương án để đề xuất phù hợp”, ông Chinh nói.

Tại Hương Toàn, 100% hộ dân ở 11/11 thôn ngập từ 0,3 – hơn 2m. Cả xã bị chia cắt. Đến 20/10, nhiều thôn người dân vẫn đi lại bằng ghe, thuyền như Triều Sơn Trung, Cổ Lão, An Thuận, Giáp Kiền, Giáp Tây…

Trong những ngày mưa lũ, hàng ngày, đò của xã đều di chuyển qua 11 thôn để nắm tình hình. Rất may, Hương Toàn không có thiệt hại về người.

 “Trước mắt, ưu tiên của chúng tôi là chăm lo đời sống của người dân, ổn định cuộc sống, đảm bảo vấn đề môi trường sau lũ, chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay khôi phục sản xuất”, Bí thư Đảng uỷ xã, ông Tống Hồ Thanh Xuân cho hay.

Đồng lòng

Khi bà con và chính quyền địa phương đang vật lộn trong gian khó, Chủ tịch UBND TX. Hà Văn Tuấn chèo ghe vào vùng rốn lũ để trao tận tay những thùng mì gói cứu đói khẩn cấp các hộ dân đã bị nước vây cô lập nhiều ngày. Đồng thời quyết định xuất dự trữ của địa phương hỗ trợ mì gói, nhu yếu phẩm khẩn cấp chuyển về cho dân; đưa hàng cứu trợ của tỉnh phân phối nhanh đến tận tay cho bà con, “không để xảy ra trường hợp đói, rét”. Với những hộ mất nhà ở, chính quyền các địa phương đã bố trí nơi ăn ở tạm thời, tính phương án về lâu dài cho bà con.

Hiện, việc khôi phục sản xuất ở những nơi cơn lũ đi qua được thị xã, các địa phương ưu tiên triển khai: Rà soát, kiểm tra những công trình hạ tầng giao thông, công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp hư hỏng, sạt lở, từ đó huy động nguồn lực tại chỗ và phối hợp với các ban ngành, đơn vị để sửa chữa, khắc phục. Với những công trình lớn, có tính chất phức tạp, UBND thị xã sẽ có văn bản gửi tỉnh hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp.

Ông Hà Văn Tuấn chia sẻ: “Sau khi lũ rút, sẽ lo trước những việc liên quan đến con người. Đầu tiên là việc ổn định đời sống người dân, dọn dẹp vệ sinh các trường để học sinh đi học trở lại, khôi phục lại các trạm y tế để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh, hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do bão, lũ. Giúp dân khôi phục sản xuất để đảm bảo sinh kế, rà soát để hỗ trợ giống, cây trồng cho bà con phục vụ sản xuất vụ đông xuân”.

Bí thư Thị uỷ Hương Trà Nguyễn Tài Tuệ cho biết: “Về lâu dài, thị xã sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thống kê để hỗ trợ những hộ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sạt lở như hộ ông Hà hay trường hợp sập nhà ở Hương Hồ. Chắc chắn những hộ này sẽ cho di dời vào một khu tái định cư nào đó phù hợp để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”. (baothuathienhue.vn 26/10)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.447.720
Truy cập hiện tại 876