Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 22/10/2020
Ngày cập nhật 23/10/2020
TIN NÓNG
 

1.  Bí ẩn vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 gần thủy điện Rào Trăng 3

"Vụ sạt lở ngày 13/10 tại tiểu khu 67 (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) khiến 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh có nhiều điều cần làm rõ về mặt khoa học".

Đó là ý kiến của TS Vũ Văn Bằng - nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - một nhà địa chất công trình có nhiều năm kinh nghiệm trao đổi với phóng viên Đời Sống&Pháp Luật/Người Đưa Tin Pháp Luật.

“Truy tìm nguyên nhân là hết sức cần thiết để có thêm cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho việc đề ra các giải pháp phòng chống thiên tai ở nước ta”, TS Vũ Bằng, chuyên gia về cơ học đất nền móng, nói.

Có một khác biệt và dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường là vị trí sườn núi sạt lở gây thương vong lớn ở hai địa điểm sạt lở cách nhau 14 km và gần thủy điện Rào Trăng 3 khác nhau hoàn toàn.

Tại trạm điều hành của thủy điện Rào Trăng 3 cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 10 km, đất đá ở sườn núi đổ ập gần như tại chỗ; hai vị trí sạt lở và người bị vùi lập gần như ở một chỗ, tức là ngay dưới chân đồi.

Trong khi đó, tại điểm xảy ra tai nạn thứ hai là trạm kiểm lâm tiểu khu 67, căn nhà cấp bốn mái tôn xanh của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Bồ cùng 13 sỹ quan bị vùi lấp cách khá xa vị trí quả núi sạt lở chứ không sát nhau như trường hợp nêu trên.

Toàn cảnh khu nhà xây kiên cố được thay thế bằng một bình nguyên mênh mông bùn đất và dường như không bị bao bọc bởi bất cứ quả núi đất nào gần đó.

Thượng tá Ngô Nam Cường, một trong những nhân chứng sống sót trong trạng thái bị tường nhà đè lên, kể lại ông và đồng đội nghe tiếng nổ ầm thì nằm xuống và, khoảng 5 giây sau, bật đèn pin lên thì thấy đất đá tất thảy đều đã lừng lững xung quanh. Vài phút sau, những người sống sót lại nghe loạt tiếng ầm ầm không biết từ đâu vọng lại.

Một quan chức địa phương cho hay khu nhà trạm Kiểm lâm 67 nằm bên trái tuyến đường 71 đi vào Rào Trăng 3; nó nằm ở địa thế không quá dốc và xung quanh trạm có rừng tự nhiên nhưng là rừng tự nhiên nghèo.

Mặc dù không tiếp cận hiện trường, TS Vũ Bằng với nhiều chục năm kinh nghiệm khoan các vùng đất đá bở rời miền núi vẫn mạnh dạn nhận định: “Suy xét sơ bộ thì tôi thấy cơ chế dịch chuyển và gây tiếng nổ của lớp đất đá có thể thế này: Khối đất đá di chuyển khỏi chân núi sạt lở dù chỉ vài trăm mét kiểu gì cũng đòi hỏi lực đẩy cực lớn. Trên một bề mặt đất không có độ dốc rõ rệt, lực đẩy cực lớn ấy phải đạt một gia tốc cũng phải cực lớn trong khoảng thời gian cực ngắn”.

 “Tôi hình dung cái gây ra lực đẩy bất thường ấy chỉ có thể là khối nước khổng lồ. - TS Bằng, người có nhiều chục năm kinh nghiệm về địa chất công trình ở Việt Nam, phán đoán tiếp - Chỉ có khối nước khổng lồ chuyển động cực nhanh và mạnh mới có thể đưa lượng đất đá khổng lồ kia như bay trên mặt đất vượt trong chớp mắt một quãng đường hẳn cũng có ma sát rất lớn bởi thảm thực vật tự nhiên và bề mặt đất đá gồ ghề”.

Nói tóm lại, khả năng chỉ riêng đất đá sạt lở tự vận động bằng nội lực trên nền đất rừng gần như không có độ dốc “thực sự rất khó hình dung”. Nếu chỉ thuần túy do đất đá, sẽ rất khó giải thích hiện tượng nhân chứng nghe tiếng nổ ầm và gần như ngay sau đó nhìn thấy đất đá trước mặt mình.

“Tiếng nổ ầm ấy có thể là kết quả va chạm mạnh của dòng lũ bùn lặng lẽ phá tung tường nhà của trạm kiểm lâm. - TS Bằng tiếp tục phán đoán và thừa nhận các phán đoán của ông có thể sai hoàn toàn - Còn nếu sau đó nghe thấy tiếng nổ ầm thứ hai thì đấy có thể là do các khối đất đá rơi xuống dòng chảy mạnh dưới chân núi”.

Được hỏi khối nước khổng lồ kia nếu có thì từ đâu ra, TS Bằng cho rằng về lý thuyết có thể có ba khả năng. Khả năng thứ nhất là do dòng chảy bề mặt của nước mưa tích tụ dưới chân núi và có thể chính dòng chảy này làm sạt lở chân núi rồi kéo theo khối đất đá đi luôn. Khả năng thứ hai có thể do khối đất đá bên sườn núi tự lở do thấm quá nhiều nước mưa và bị dòng chảy có sẵn dưới chân núi đẩy đi. Khả năng thứ ba, “tôi chỉ phỏng đoán vì không có mặt ở hiện trường”, khối đất đá trượt lở làm bộc lộ túi nước lớn trong lòng núi.

Nhiều chục năm chuyên thăm dò nước ngầm ở các vùng núi có địa hình khác nhau, TS Bằng nhận thấy có nhiều túi nước khổng lồ ẩn sâu giữa các khe đá. Cuối cùng ông cho rằng có thể xem vụ trượt lở đất còn đầy bí ẩn ở trạm 67 gần giống như một trận lũ quét hay lũ ống dù quãng đường của dòng lũ không dài.

 “Tại khu vực Rào Trăng 3, sản phẩm phong hóa thành phần chủ yếu là cát, sạn bở rời. Vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn, mềm hoặc chỉ cứng một phần, khả năng liên kết kém. Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được cảnh báo có nguy cơ trượt lở đất đá cao”, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường). (nguoiduatin.vn 21/10)

 
 
 

2.  Quốc lộ 49B bong tróc từng mảng lớn

Khi nước lũ rút, mặt đường quốc lộ 49B đoạn qua xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị hư hỏng nghiêm trọng, bê tông nhựa bong tróc, vỡ thành những mảng lớn.

Theo người dân địa phương, đợt lũ vừa qua làm tuyến quốc lộ này ngập nước. Khi nước rút, người dân thấy mặt đường bị hư hỏng, lớp bê tông nhựa bong tróc từng mảng lớn.

 “Tôi chưa bao giờ thấy tuyến đường nào bị hư hỏng như thế này. Cả một đoạn đường dài bị bong từng lớp bê tông, hư hỏng rất nặng nề khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn”, một người dân cho hay.

 “Chúng tôi rất lo sợ khi đi qua đoạn đường này nhưng vì có công việc phải giải quyết nên bắt buộc phải đi qua", anh Nghĩa (trú TP Huế) cho biết.

Theo quan sát, vị trí hư hỏng cả trên mặt đường và phía ngoài ta luy. “Lần đầu tiên tôi thấy mặt đường nhựa bóc lật lên thế này", một người dân trú ở xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) nói.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận những địa điểm hư hỏng (đoạn đi qua xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) thuộc Dự án nâng cấp sửa chữa đường bộ do đơn vị làm chủ đầu tư.

Đoạn quốc lộ này do Công ty cổ phầm Đường bộ I Thừa Thiên - Huế thi công từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2016 hoàn thành. Dự án nâng cấp sửa chữa có số vốn hơn 5 tỷ đồng.

Chứng kiến hàng trăm mét quốc lộ bị bong tróc, nhiều người nghi ngờ chất lượng công trình không đảm bảo.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải lý giải do mưa lớn diễn ra tại địa phương từ ngày 7-14/10 khiến lũ ở các sông dâng cao. Nước lũ cuốn mặt đường ở đoạn km41 - km43, đoạn phía nam cầu Tam Giang với chiều dài khoảng 1,5 km.

"Kết cấu mặt đường đoạn bị phá hoại là bê tông nhựa dày 5 cm trên lớp cấp phối đá dăm bù vênh, hai bên lề bịt vữa và bê tông xi măng. Đợt lũ lịch sử vừa qua, cường độ nước chảy mạnh quá mức chịu đựng của kết cấu nên mặt đường bị bong bật, xói lở", một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế lý giải.

Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nhà thầu phối hợp với đơn vị liên quan san gạt thông đường một vệt, dọn rêu rác, bèo lục bình, lắp dựng lại các đảo giao thông, biển báo bị hư hại. Đơn vị này cũng đã báo cáo vụ việc cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam biết để có phương án sửa chữa. (zingnews.vn 22/10)

 
 
 

3.  Di sản Huế đối diện với nguy cơ xuống cấp do mưa lũ

- Trong những đợt lũ vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Dù đã lên phương án bảo vệ chu đáo nhưng nhiều công trình di tích và vùng đệm vẫn bị tác động, trong đó những yếu tố cấu kiện gỗ, vôi vữa bị ngâm lâu trong mưa lũ có nguy cơ hư hại, xuống cấp.

 Lượng mưa trong các đợt lũ đầu tháng 10.2020 tại Thừa Thiên Huế rất lớn và kéo dài quá nhiều ngày khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích đã bị nước lũ tràn vào và ngập sâu, như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng cung Huế nước dâng ngập cả 1m. Ngoài ra, nhiều di tích khác dọc sông Hương cũng bị nước lũ tràn gây ngập nặng các đường đi, vùng đệm như lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị…

Thách thức

Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (viết tắt Trung tâm), hiện có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau đang được thực hiện tại các điểm di tích. Trước khi nhận được thông báo về mưa lớn, Trung tâm và các đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích một cách chi tiết nên bị ảnh hưởng không đáng kể.

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, việc ngâm nước lũ lâu sẽ khiến cho tuổi thọ của công trình suy giảm. Riêng các công trình đang trùng tu, việc thời tiết không thuận lợi dẫn đến tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng, trong đó đáng kể là dự án tu bổ, tôn tạo mặt Nam hộ thành hào kinh thành Huế. Trải qua những đợt lũ như vừa qua cũng đã bộc lộ một vấn đề đáng lưu tâm, có ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích. Đó là hệ thống thoát nước của Kinh thành Huế do nhiều nguyên nhân tác động đã bị suy giảm công năng. Cụ thể là các hồ trong Kinh thành Huế, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã bị người dân san lấp, lấn chiếm làm nhà ở. Bên cạnh đó, việc người dân xả rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống các ao hồ, cống rãnh đã khiến cho nhiều đoạn cống bị ách tắc. Từ những nguyên nhân chính đó đã làm giảm khả năng lưu thông của dòng chảy, khiến nước không thể thoát ra được và dẫn đến bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc.

“May mắn là thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã và đang có những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Hy vọng rằng, trong thời gian tới hệ thống thoát nước của Kinh thành Huế sẽ phát huy tốt hơn công năng vốn có của mình, góp phần bảo vệ các di tích”, ông Nhật nói.

Cắt cử lực lượng trực 24/24h

Hệ thống di tích Huế, nhiều công trình có kết cấu chính là gỗ và vôi vữa nên dưới tác động của thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa lũ kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Ngay từ trước mùa mưa lũ hằng năm, Trung tâm đều đánh giá kỹ lưỡng tình hình và xây dựng các phương án phòng chống khoa học, phù hợp. Đồng thời cắt cử các lực lượng túc trực 24/24h để theo dõi tình hình, nhằm thông báo và khắc phục kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Chính vì thế qua nhiều đợt bão, lũ lớn vừa qua, các công trình di tích thuộc Di sản Huế bị ảnh hưởng không đáng kể.

Ngay sau khi nước rút, Trung tâm đã nhanh chóng triển khai lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Các điểm di tích đã được dọn dẹp sạch sẽ và đón du khách tham quan trở lại. Ngay trong phạm vi khoanh vùng của di tích bị ngập lụt, từ thời điểm nước đang rút dần, Trung tâm đã cắt cử lực lượng cùng với các phương tiện hỗ trợ để khắc phục, dọn dẹp vệ sinh với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”. “Đối với các đường dẫn vào các điểm di tích không thuộc quyền quản lý, chúng tôi cũng luôn phối hợp cùng chính quyền địa phương, ban ngành liên quan, cùng các đoàn thể khắc phục, dọn dẹp, vệ sinh ngay sau khi nước lũ rút. Đảm bảo an toàn, đi lại thuận tiện nhất cho du khách tham quan và người dân sống cạnh di tích”, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm thông tin.

Mùa mưa tại Huế, mỗi đợt mưa thường kéo dài với lưu lượng nước lớn nên làm tăng tải trọng mái, dẫn đến tình trạng thấm dột ở hầu hết các di tích, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển trên công trình, cũng như trên các loại hiện vật trưng bày ở nội thất, đồng thời cũng là tác nhân gây mối mọt, tiêu tâm các cột gỗ. “Mỗi mùa mưa lũ hằng năm, chúng tôi đều lên các phương án bảo vệ cấp thiết các công trình di tích bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa. Công tác kiểm tra chống mối mọt cũng được triển khai hằng quý. Đối với các công trình chưa được tu bổ, chúng tôi lập phương án gia cố, chống đỡ. Nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, các di tích vốn được xây dựng bằng đa số cấu kiện gỗ này vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ”, một lãnh đạo Trung tâm nhấn mạnh. (baovanhoa.vn 21/10)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Tăng cường xe, máy, cố hết sức cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3

Sở GTVT Thừa Thiên - Huế điều 4 xe xúc bánh xích, 2 xe xúc bánh lốp, một máy ủi vào hiện trường.

Báo cáo Chủ tịch tỉnh, trong cuộc họp Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 21/10, lãnh đạo Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết, hiện 4 xe xúc bánh xích, 2 xe xúc bánh lốp, 1 máy ủi lật đã được điều vào hiện trường Rào Trăng 3.

4 xe đang trên đường, còn cách Rào Trăng 4 khoảng 3 km. Một số xe đang nằm rải rác trên đường 71, thi công gia cố các điểm sạt lở do các trận mưa trong những ngày vừa qua. Một số phương tiện khác đã tập kết bên ngoài xã Phong Xuân, sẵn sàng tham gia tìm kiếm tại Rào Trăng 3 sau khi thông tuyến.

Cập nhật từ Sở chỉ huy tiền phương cho hay, đường từ Tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông 4 km. Đang có một cống tràn cách Rào Trăng 4 khoảng 2 km, nếu mưa lớn, phương tiện gầm thấp không di chuyển được.

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt về công tác cứu hộ cứu nạn 15 người còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Theo dự báo thời tiết, từ 21 đến 24/10 lượng mưa vẫn thấp. Do đó, ông Thọ yêu cầu các lực lượng cứu hộ cứu nạn tranh thủ từng giờ, từng ngày, huy động thêm lực lượng, phương tiện, vật tư để thông đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3.

Đường 71 là độc đạo nối Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3. Đây là con đường còn lại từ thời chiến tranh. Để vận chuyển xe cơ giới hạng nặng, nhiều trang thiết bị cùng nhân lực tham gia tìm kiếm tại Rào Trăng 3, buộc phải thông tuyến đường này mới triển khai được.

 “Bằng mọi cách phải rút ngắn thời gian thông tuyến đường 71 vào Rào Trăng 3 nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng thi công, phấn đấu hai ngày tới sẽ thông tuyến đường 71 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm người mất tích”, ông Thọ yêu cầu.

Hiện các lực lượng quân sự, công an, dân sự… tiếp tục duy trì 100 người cơ động tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 triển khai cứu hộ cứu nạn.

Cụ thể, Công an Phòng cháy chữa cháy đã đưa hai máy bơm công suất lớn lên Rào Trăng 3. Mưa đã giảm tại Thừa Thiên - Huế. Lực lượng giao thông, công binh đang mở một đường mới để tiếp nhận hàng hóa, vật chất theo đường thủy lên đường 71 khoảng 45 m, dự kiến xong trong hôm nay.

Đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 đã thông khoảng 7 km. Còn đoạn giữa 3 km chưa thông và có hai điểm sạt lở lớn, sập một phần đường nhựa. (baogiaothong.vn 21/10)

 
 
 

2.  Đại hội Đảng bộ TT-Huế: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng tỉnh trở thành thành phố T.Ư

Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phát huy sức mạnh toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.

Chiều 21/10, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế (41A Hùng Vương, thành phố Huế), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã tiến hành phiên trù bị.

Phiên trù bị đã quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của Đại hội, trách nhiệm của đại biểu. Phiên trù bị cũng đã thống nhất bầu Đoàn Chủ tịch gồm 15 người, bầu Đoàn Thư ký gồm 3 người, bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 7 người.

Phiên này cũng đã thông qua chương trình chính thức của Đại hội, quy chế làm việc của Đại hộ, quán triệt quy chế bầu cử, báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phổ biến công tác tổ chức phục vụ Đại hội.

Sáng 22/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sẽ khai mạc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại Đại hội, các đại biểu sẽ dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ngoài ra, tại Đại hội cũng diễn ra hoạt động tổ chức quyên góp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lụt thời gian qua.

Chủ đề của Đại hội là "Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương". Phương châm của Đại hội là "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển".

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, có tổng số 350 đại biểu tham dự. Số đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc là 304 đại biểu, chiếm 86,86%. Số đại biểu dương nhiên là 40 đại biểu, chiếm 13,14%. Trong tổng số 350 đại biểu tham dự Đại hội, có 30 đại biểu là tiến sỹ (chiếm 8,86%). Trong đó có 2 đại biểu là giáo sư, 13 đại biểu là phó giáo sư.

Về công tác nhân sự, Đại hội dự kiến sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 50 người.

Theo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Có 15/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xấp xỉ đạt, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tỉnh đã kiên trì thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển.

Nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng và cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu, hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập thực tế bình quân đầu người ở mức cao của khu vực…

Tuy còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  là động lực quan trọng để Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế xây dựng, phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ phát huy sức mạnh toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á. (danviet.vn 21/10)

 
 
 

3.  Đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với nhiều đột phá mới trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ TT-Huế đang nỗ lực phấn đấu sớm đưa địa phương trở thành phố đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Một trong những lĩnh vực được xem là đột phá của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong nhiệm kỳ qua đó là xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh. Đây là minh chứng cụ thể ghi nhận những thành công bước đầu của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc phát triển chính quyền điện tử, tạo bước đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và là cánh tay nối dài giữa người dân và chính quyền.

Là địa phương luôn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai nhưng thông qua việc triển khai các nghị quyết một cách quyết liệt, nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên-Huế đã có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,5%/năm và là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Từ những kết quả đã đạt được cùng với nền tảng văn hóa và quần thể di sản thế giới, tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết tâm xây dựng Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Phát huy và phát triển hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn di sản và kinh tế, nâng cao đời sống người dân là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên-Huế trong nhiệm kỳ mới. Để đạt được kết quả nay, đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đang quyết tâm, nỗ lực, hoàn thành sớm các nhiệm vụ trong tâm mà nghị quyết đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. (vtv.vn 21/10)

 
 
 

4.  Dự kiến ngày 22-10 khôi phục sóng điện thoại ở thủy điện Rào Trăng 3

Trong ngày 21-10, lực lượng thông tin và viễn thông của quân đội đã khắc phục đường truyền mạng di động tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Dự kiến trong ngày 22-10 sẽ xin băng thông của Viettel để nối lại sóng di động tại khu vực thủy điện này.

Thông tin trên được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại cuộc họp về tìm kiếm cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 chiều 21-10.

Trước đó, khu vực thủy điện này đã bị mất sóng di động hoàn toàn do bão số 5 và vụ sạt lở đất hôm 12-10 gây ra. Việc khôi phục sóng điện thoại sẽ phục vụ liên lạc của các công nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang ở lại khu vực thủy điện.

Hiện nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực triển khai lực lượng để tìm kiếm 15 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Bên cạnh đó, lực lượng công binh, dân sự của quân đội cũng cố gắng làm việc ngày đêm để nối lại tuyến đường bộ đi từ thủy điện Rào Trăng 4 lên thủy điện Rào Trăng 3 đang bị sạt lở vô cùng nghiêm trọng.

Hiện ở khu vực thủy điện này còn có hơn 10 xe cơ giới, 3 nhà bạt cấp trung đội và giàn đèn để phục vụ công tác làm đường, tìm kiếm cứu nạn ban đêm.

Một máy khoan đá cỡ nhỏ cũng đã được Quân khu 4 cấp tốc điều động từ Nghệ An và Huế trong đêm nay để sáng mai kịp đưa lên thủy điện Rào Trăng 4 bằng đường thủy. Chiếc máy này sẽ được công binh dùng để khoan những tảng đá lớn đang nằm chắn ngang đường 71 rồi nhồi thuốc nổ vào bên trong.

Việc dùng thuốc nổ đánh sập đá để thông đường cũng đang được tính toán rất kỹ, tránh gây thêm tác động lên khu vực đồi núi dọc đường 71 có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Dự kiến trong ngày 22-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ đưa thêm lương thực lên khu vực thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo cho toàn lực lượng sử dụng trong vòng 2 tuần tới.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, từ nay đến ngày 24-10 thời tiết ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 sẽ rất thuận lợi, có nắng và ít mưa. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ tận dụng khoảng thời gian "vàng" này để nỗ lực tìm kiếm 15 người đang mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. (congnghe.tuoitre.vn 21/10)

 
 
 

5.  Ngày mai phá đá để mở đường vào Rào Trăng 3

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Quân khu 4 tính toán phương án phá tảng đá 20 tấn để thông đường lên thủy điện Rào Trăng 3.

Tối 21/10, Ban chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn Rào Trăng 3 cho biết sẽ thực hiện phương án nổ mìn phá tảng đá nặng 20 tấn đang chắn ngang đường 71 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Theo đó, việc nổ mìn sẽ được thực hiện theo hình thức phá từng mảnh nhỏ để tránh chấn động mạnh đến địa chất xung quanh. Kế hoạch thực hiện trong ngày 22/10.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Quân khu 4 điều người, thiết bị di chuyển lên đường 71 ngay trong đêm 21/10, để có tính toán phương án phá đá.

Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử thêm chuyên gia để khảo sát đoạn sạt lở nghiêm trọng, làm mất chân đường nhằm lên phương án xử lý. Trong trường hợp không giải quyết được Sở GTVT Thừa Thiên - Huế sẽ kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ xử lý.

Hiện, lực lượng cứu hộ duy trì khoảng 100 người gồm quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Còn tuyến đường từ tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông suốt. Riêng đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 đã thông khoảng 7 km. Trên đường 71 vẫn còn 3 km chưa thông vì có 2 điểm sạt lở lớn. (zingnews.vn 21/10)

 
 
 

6.  Quyết tâm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

- Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn được người dân quý mến vì phong cách làm việc xông xáo, cởi mở và gần dân. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ông Phan Ngọc Thọ đã có những chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua cũng như định hướng phát triển sắp tới của tỉnh nhà.

Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn: “Thứ nhất, dân sống sung túc hơn. Thứ 2, xã hội bình yên và thứ 3, chính quyền thân thiện hơn để người dân hài lòng”.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020?

- Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,3 - 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.100 USD, đứng thứ 3 của Vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 105.180 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 3,75%/năm.

Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân của cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác bảo vệ môi trường được tăng cường.

Quốc phòng, an ninh được được giữ vững. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được quan tâm; bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở những thành tựu đó, ông rút ra được bài học gì trong công tác chỉ đạo, điều hành?

- Bài học rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành đó là: Phải nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu; giải quyết hợp lý, hợp tình, dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại.

Đổi mới tư duy, trong đó bao gồm tư duy về phát triển, tư duy về huy động nguồn lực, tư duy phục vụ và tư duy về chuyển đổi số. Đối với tư duy phát triển, giữ vững mục tiêu nhanh và bền vững, lấy sự khác biệt làm thế mạnh trong hợp tác và cạnh tranh phát triển. Đối với tư duy huy động nguồn lực, xem sự đổi mới và sáng tạo là nguồn lực vô tận để tạo ra sự đột phá, khơi dậy lòng tự hào và sự đồng thuận trong dân là sức mạnh bền lâu.

Đối với tư duy phục vụ đó là chuyển mạnh từ tư duy hành chính “xin - cho” sang tư duy “phục vụ” trong hoạt động của cơ quan nhà nước, lấy sự hạnh phúc, hài lòng của người dân là mục tiêu của công việc, của hành động; cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân  và chính quyền hướng tới xây dựng chính quyền “Phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả”.

Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh thông thoáng, công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng CNTT, hướng tới môi trường “Làm việc không giấy tờ; họp hành không tập trung; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt”.

Tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy ý thức, lòng tự hào về quê hương, khát khao cống hiến trong các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, bình đẳng, bác ái và thực hiện các phong trào “Làm cho Huế đẹp hơn”, “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng”, “Nói không với túi nilon sử dụng một lần”, “Huế  - 4 mùa hoa”...

Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng vẫn chưa tạo được cú hích mạnh. Tỉnh sẽ có những giải pháp đột phá, cụ thể nào để thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?

- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một trong những khu kinh tế ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật.

Có vị trí địa chính trị thuận lợi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây. Với các lợi thế đó, từ khi được thành lập đến nay, Khu kinh tế đã thu hút được 48 dự án đầu tư, vốn đăng ký 80.000 tỷ đồng.

Hiện tại, trên địa bàn Khu kinh tế có 22 dự án đi vào hoạt động (chiếm 46%), vốn đầu tư thực hiện khoảng 16.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động, doanh thu năm 2019 khoảng 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng.

Đô thị Huế đang phát triển nhanh, bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường.

Từ năm 2016, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý tiến hành rà soát, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến; đến nay đã tiến hành chấm dứt hoạt động 18 dự án với vốn đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 730ha.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng công khai, minh bạch danh sách, thông tin dự án kêu gọi đầu tư và các tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như: đô thị, logistics, cảng biển, công nghiệp phụ trợ.

Thứ hai, xác định công tác quy hoạch là cơ sở, là tiền đề quan trọng để thu hút các dự án đầu tư.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục cho nhà đầu tư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, để chuẩn bị đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các quốc gia trên thế giới, Khu kinh tế cũng như các KCN của tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải…

Thứ năm, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp nghề để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp khi vào đầu tư.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có ý nghĩa quyết định sự phát triển của Thừa Thiên - Huế trong những năm tới. Xin ông cho biết những chương trình trọng điểm nào mà tỉnh cần tập trung chỉ đạo?

- Vào ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo ra những tiền đề, định hướng quan trọng để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong những năm đến, tình hình thế giới, trong nước vừa có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Vì thế, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt, năng động, sáng tạo để phát triển Thừa Thiên - Huế nhanh, bền vững hơn, bản sắc hơn trong giai đoạn tới.

Mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Trong đó tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm sau: Chương trình phát triển đô thị; Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện tốt mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân sẽ chủ động, nhạy bén nắm bắt thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của địa phương. Với quyết tâm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. (baophapluat.vn 22/10)

 
 
 

7.  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức phiên trù bị

- Chiều 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TT-Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức phiên trù bị với sự tham dự của 350 đại biểu chính thức.

Tại phiên họp này, các đại biểu đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự đại hội; Thông qua Chương trình chính thức và Quy chế làm việc của đại hội; quán triệt Quy chế bầu cử; phổ biến công tác tổ chức phục vụ đại hội; Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia Dự thảo các văn kiện trình đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước khi bắt đầu phiên trù bị, các đại biểu dâng hoa trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Trường Lưu, Uỷ viên Trung ương  Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh TT- Huế đề nghị các đại biểu dự Đại hội tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm trong chấp hành, thực hiện chương trình, nội dung của Đại hội chính thức, nhất là trong việc thảo luận, biểu quyết, bầu cử, quyết định những vấn đề quan trọng của Đại hội, làm cho đại hội Đảng bộ tỉnh lần này thực sự là Đại hội của đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, vì sự phát triển bền vững...

Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, Đđại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TT- Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 21 đến 23/10. (baophapluat.vn 21/10)

 
 
 

8.  Điều thiết bị đi trong đêm để phá đá mở đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3

Thừa Thiên Huế điều động thêm chuyên gia, máy móc khẩn trương xử lý các điểm sạt lở, đá khủng trên đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3.

Huy động thêm nhiều thiết bị

Ngày 21/10, công tác thông đường 71, tìm kiếm tại chỗ nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được lực lượng cứu hộ cứu nạn gấp rút triển khai trong mưa bão đang cận kề.

Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, đã điều động thêm các phương tiện máy ủi và máy đào, tập trung khắc phục các điểm sạt lở để sớm thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 và 4, phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, các lực lượng công binh, công an tỉnh tập trung tại Rào Trăng 3 để thực hiện tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Hai máy bơm nước công suất lớn cũng được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đưa lên Rào Trăng 3 bằng đường thủy để hỗ trợ xịt trôi khối đất đá trên bề mặt giúp tìm kiếm các nạn nhân.

Trong khi đó, sáng 21/10, trời mưa lớn, tuyến đường 71 xuất hiện thêm các điểm sạt lở, các ngầm tràn nước chảy xiết khiến nỗ lực thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong ngày 21/10, các phương tiện được điều động vận chuyển ống cống loại 1,5m phi 100 vào để “hàn khẩu” vị trí đường 71 bị sạt lở đứt đường ngày hôm qua (đoạn Km 13). Vị trí sạt lở đứt đường này dài hơn 10m, rộng 15m, sâu 5-7m. Tuy nhiên, trời mưa to, đường 71 khá hẹp, nhiều đoạn cua, dốc nguy hiểm nên việc vận chuyển các bi cống lớn này vào đến điểm sạt lở gặp nhiều khó khăn.

Các thiết bị phục vụ công tác cứu hộ vận chuyển bằng đường thủy đang được xe máy múc đưa lên bờ...

“Mỗi xe chở 3 ống nhưng vào đến giữa chừng phải điều thêm xe để tăng bo từng ống một vào”, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Hiện nay, Sở GTVT và các đơn vị đang tiếp tục vận chuyển bi cống vào, tập trung hàn khẩu vị trí sạt lở đứt, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý khối đá nặng trên 2 tấn sạt lở, lăn xuống nằm án ngữ trên đường 71 (đoạn Km 18 để vào thủy điện Rào Trăng 4).

Với quyết tâm nỗ lực thông đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3, trong những ngày vừa qua, nhiều máy móc thiết bị của các đơn vị đã tập trung nỗ lực thông đường 71 theo cả 2 hướng: từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 và từ thủy điện Rào Trăng 3 ra thủy điện Rào Trăng 4. Tuy nhiên, đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 cũng vừa xuất hiện khối đá lớn sạt lở khiến nỗ lực thông đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 thêm phần khó khăn.

Được biết, trong ngày 21/10, các đơn vị tiếp tục duy trì lực lượng khoảng 100 người gồm quân sự, công an, dân sự và hàng chục phương tiện cơ giới thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Sở GTVT đã điều động thêm 2 kỹ sư cầu đường chỉ huy tại hiện trường và tập trung các phương tiện xe ben, xe xúc, máy ủi xử lý các điểm sạt lở để thông tuyến đường 71. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng đã mở tuyến đường từ đập thủy điện Rào Trăng 4 xuống bến thuyền để vận chuyển thiết bị nặng phục vụ thi công.

Nổ mìn xử lý tảng đá lớn án ngữ trên tuyến đường 71

Tại cuộc họp rà soát công tác thi công thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 vào chiều tối nay (21/10), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định và Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4 yêu cầu tiếp tục huy động, sửa chữa phương tiện hiện có tại thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy mạnh việc tìm kiếm tại chỗ; tăng cường thực hiện các giải pháp nghiệp vụ xác định điểm nghi ngờ để tìm kiếm công nhân mất tích.

Đối với việc xử lý tảng đá lớn án ngữ trên tuyến đường 71, thực hiện phương án nổ mìn theo hình thức “ăn dần” phá từng mảnh nhỏ để tránh chấn động mạnh đến địa chất xung quanh. Giao lực lượng quân sự chỉ đạo công binh hỗ trợ triển khai thực hiện; phấn đấu hoàn thành trong ngày 22/10.

Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định yêu cầu Sở GTVT cử thêm chuyên gia để khảo sát đoạn sạt lở nghiêm trọng, làm mất chân đường, bên cạnh sườn núi cao có nguy cơ sạt lở rất lớn để lên phương án xử lý. Trường hợp khó khăn sẽ đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ xử lý.

Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Quân khu 4 điều người, thiết bị đi ngay trong đêm nay (21/10) để kịp sáng 22/10 lên đường 71 tính toán phương án phá đá mở đường để sớm thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3. (baogiaothong.vn 21/10)

 
 
 

9.  Nguy cơ cao sạt lở đất ở vùng núi Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay, 22-10, mực nước trên sông Kiến Giang vẫn ở mức cao. Ngập lụt tiếp tục diễn ra ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nguy cơ cao sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, 22-10, lũ sông Kiến Giang (Quảng Bình), các sông ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đang xuống. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Kiến Giang, các sông ở Thừa Thiên Huế và sông Thu Bồn (Quảng Nam) tiếp tục xuống, sông Vu Gia (Quảng Nam) dao động theo điều tiết của hồ chứa.

Chiều nay, 22-10, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,05m, trên BĐ3 0,35m; Trên sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 2,3m, trên BĐ1 0,8m; Trên sông Hương tại Kim Long xuống mức 1,2m, trên BĐ1 0,2m;

Đến sáng mai, 23-10, mực nước tại Kim Long xuống mức BĐ1; Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dao động ở mức 7,2m, trên BĐ1 0,7m; Trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu xuống mức 1,8m, dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại các huyện ở Hà Tĩnh: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc. Quảng Bình: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch. Quảng Trị: Đăkrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh. Thừa Thiên Huế: A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền.

Ngập lụt tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đặc biệt tại các huyện ở Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh; Quảng Bình: Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.

Cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển

Ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) đang có mưa dông, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông đang có mưa bão. Gió Đông Bắc trên Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Dự báo ngày và đêm nay, 22-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 8 nên ở vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, phần phía đông của khu vực giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông mạnh; vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có mưa bão. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, riêng vùng biển phía đông gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-4m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.  (nhandan.com.vn 22/10)

 
 
 

10.  Chung sức, chung lòng xây dựng Thừa Thiên Huế giàu đẹp

Vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu bày tỏ tâm huyết, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến:

Huy động tối đa sức dân

Đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV thì xảy ra sự cố môi trường biển, giữa cuối nhiệm kỳ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, năm cuối lại gặp đại dịch COVID-19 làm chúng ta phấn đấu rất nhiều mới đạt được 12/13 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội XV đề ra. Song, theo tôi đó là sự phấn đấu rất đáng trân trọng trong điều kiện chúng ta có xuất phát điểm không cao so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Phía Mặt trận tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới trong vận động quần chúng để tạo ra sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong 5 năm vừa qua. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung phát huy cao độ sự đồng thuận này để tạo sức mạnh tổng hợp, huy động sức mạnh trong và ngoài tỉnh để thực hiện mục tiêu này.

Muốn thực hiện mục tiêu đó phải có một chương trình, kế hoạch phát triển chi tiết, cụ thể, khả thi, và phải tạo ra sự đồng thuận của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương. Đặc biệt, huy động sự hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân trong thực hiện đường lối của tỉnh trong những năm tới.

Làm tốt công tác đối ngoại Nhân dân, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của địa phương. Đồng thời, cần thực hiện tốt vai trò giám sát phản biện xã hội, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm cho hoạt động của Mặt trận sát, đúng với tinh thần của Nghị quyết Đại hội XVI, góp phần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên phải nâng cao khả năng hoạt động và công tác tổ chức vận động cán bộ, hội viên của mình.

TUV, Bí thư Thị ủy Hương Trà Nguyễn Tài Tuệ:

Phát huy thế mạnh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là động lực, là niềm tin vững chắc để các cấp, các ngành và Nhân dân toàn tỉnh hăng hái thi đua, nỗ lực hết mình trong công tác, học tập, lao động, sản xuất để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế.

Nhân dân thị xã Hương Trà kỳ vọng, Đại hội sẽ có những định hướng, quyết sách cụ thể nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 54 đã nêu.

Với trách nhiệm của mình, tham dự Đại hội, tôi sẽ cố gắng phát huy trí tuệ, đóng góp vào các nội dung, văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thị xã Hương Trà lần thứ XIV cũng đã xác định những định hướng trong phát triển của thị xã 5 năm đến gắn liền với mục tiêu cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã sẽ tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn thị xã phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hương Trà như: dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông nghiệp sạch… để cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TUV, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu:

Các giải pháp đã khẳng định quyết tâm lớn của tỉnh

Với tư cách đại biểu chính thức dự đại hội, tôi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ là nền tảng cho sức bật phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương nhanh nhất có thể.

Từ báo cáo chính trị và thực tiễn ở Thừa Thiên Huế cho thấy, các yếu tố cần cho sự phát triển đã hội tụ được.

Mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025 rất hệ trọng, quyết định đến sự hình thành một diện mạo mới mà nhiều nhiệm kỳ trước người dân xứ Huế luôn mong mỏi - trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu ấy đã được cụ thể hóa qua 6 chương trình trọng điểm và 13 nhiệm vụ. Với việc xác định 4 nhóm giải pháp đột phá chiến lược đã khẳng định quyết tâm lớn của tỉnh để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cả 4 nhóm giải pháp đột phá chiến lược đều liên quan trực tiếp ở những mức độ khác nhau về con người, thể hiện ở những cụm ngữ sau: “đô thị di sản” trong nhóm 1, “nguồn nhân lực” ở nhóm 2, “đổi mới sáng tạo” ở nhóm 3 và “giá trị văn hóa và con người Huế” ở nhóm 4. Điều đó cho thấy, vấn đề con người - yếu tố cốt lõi của sự phát triển và thành công đã được nhận diện.

Theo cảm nhận của riêng tôi, mỗi khi nhận biết, nhận định đúng về con người – nhân lực thì chắc chắn sẽ tạo được sức bật lớn từ đặc trưng của xứ sở - Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế.

Với vai trò, trách nhiệm của một Bí thư Huyện ủy vùng dân tộc thiểu số – biên giới, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh nhà sẽ “Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Phát triển” như chủ đề Đại hội đưa ra. (baothuathienhue.vn 22/10)

 
 
 

11.  Lấy mẫu ADN người thân để xác định danh tính 17 nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở Rào Trăng 3

- Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế vừa lấy mẫu ADN người thân của 17 công nhân gặp nạn trong vụ sạt lở núi tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) để xác định danh tính chính xác các nạn nhân.

Ngày 21/10, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để xác định danh tính các nạn nhân của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo chính xác, Trung tâm pháp y tỉnh đã lấy mẫu ADN người thân của 17 nạn nhân.

Theo đó, khi lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể của một công nhân nào đó, kết hợp với kết quả ADN của người thân các công nhân, thì sẽ sớm có kết quả danh tính công nhân tử vong và sớm bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Được biết, trong số 2 thi thể công nhân được tìm thấy ở hiện trường, có một nạn nhân đã xác định được danh tính và bàn giao cho gia đình lo hậu sự là anh Lê Văn Lộc (25 tuổi), trú xã Nam Nung, H.Krông Nô, Đắk Nông).

Hiện, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đang dồn toàn bộ lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm 15 công nhân còn mất tích. Mặc dù lực lượng này vẫn đang cố gắng từng giờ để tìm kiếm các nạn nhân, tuy nhiên, khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên công tác tìm kiếm cũng gặp khó khăn.

Trong hôm qua (20/10), do tuyến đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều điểm sạt lở mới do mưa lớn tại km 13 gây chia cắt con đường và 1 tảng đá lớn nặng khoảng hơn 20 tấn đã án ngữ tại km 18.

Hiện công tác tìm kiếm các công nhân đang mất tích vẫn đang được tích cực triển khai

Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở GTVT tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng công binh thực hiện phá nổ tảng đá lớn đang án ngữ trên đường 71 này và quyết tâm thông tuyến lên Rào Trăng 4 để cơ động lên Rào Trăng 3.

Cũng trong hôm qua, lực lượng cứu nạn cũng đã tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ, lương thực thực phẩm, máy phát điện, trang thiết bị, xăng, dầu, cuốc xẻng... từ thủy điện Rào Trăng 4 sang thủy điện Rào Trăng 3 bằng cầu đường thủy trong điều kiện có mưa lớn. (toquoc.vn 22/10)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Dịch vụ chuyển xe máy bằng thuyền, xe ba gác ở Huế đông khách

Nước lũ ở Huế đã rút nhiều ngày nay, nhưng nhiều xã thấp trũng ở thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền vẫn còn ngập. Dịch vụ thuyền, xe ba gác vận chuyển xe máy, người qua điểm ngập mấy ngày qua rất đông khách.

Ngày 21-10, trời Huế không mưa, nước lũ đã rút khá sâu so với ngày hôm qua, tuy nhiên các xã thấp trũng vẫn còn ngập, giao thông chia cắt. Người dân đi lại buộc phải tăng bo qua điểm ngập bằng dịch vụ thuyền hoặc xe ba gác.

Tại cây xăng Hương Vinh (thị xã Hương Trà), mỗi ngày có hơn 10 thuyền máy và 3 chiếc xe ba gác làm dịch vụ vận chuyển xe máy và người qua điểm ngập nặng phường Hương Vinh (thị xã Hương Trà) để về các rốn lũ ngập sâu như Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền), Hương Vinh, Hương Phong (thị xã Hương Trà).

Chị Lê Thị Nhung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) sáng đi xe máy từ nhà vào Huế để mua thuốc cho con trai. Chị Nhung cho biết do đoạn Hương Vinh còn ngập sâu nên người dân muốn vào Huế phải đi thuyền qua đoạn ngập. Giá một lượt đi cả người và xe máy là 50.000 đồng. Cả đi và về tốn 100.000 đồng.

"Hôm nay nước hạ nên quãng đường ngập ngắn lại. Chủ thuyền thường chạy vòng ra cánh đồng, nhưng trên thuyền không ai mặc áo phao cả. Mấy ngày trước ngập sâu tôi đi 200.000 đồng/lượt cả người và xe. Lũ lụt, ngập đường thường có việc gấp, quan trọng người dân mới đi lại. Mấy ngày nay các chủ thuyền chạy liên tục, có người thu nhập cả mấy triệu mỗi ngày. Tuy nhiên làm công việc này cũng vất vả", chị Nhung nói.

Không những thuyền máy, hôm nay có thêm nhiều xe ba gác cũng gia nhập "đội quân" vận chuyển xe máy qua điểm ngập lụt. Giá của xe ba gác tương đương với giá thuyền nhưng ngồi xe ba gác cảm thấy an toàn hơn, khỏi phải chạy vòng ra giữa cánh đồng mênh mông nước mà không có áo phao rất nguy hiểm. Nhiều xe máy kích cỡ lớn, có giá trị thường chọn xe tải hoặc xe ba gác hơn là đi thuyền máy. (tuoitre.vn 21/10)

 
 
 

2.  Lặng người những bàn thờ lập sẵn đón công nhân mất tích ở Rào Trăng 3 trở về

 “Mấy hôm nay tôi luôn cầu nguyện, trời đừng mưa nữa để lực lượng cứu hộ sớm thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3. Như vậy con tôi mới sớm về với mẹ… chứ ở đó lạnh lắm”, bà Lương mếu máo.

Bà Phạm Thị Lương, mẹ công nhân Phan Chí Thanh -  là 1 trong 15 người đang mất tích ở Rào Trăng 3 đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Đã 10 ngày đã trôi qua, kể từ đêm nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở khiến 17 công nhân vùi lấp. Lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể 2 công nhân, trong đó một nạn nhân đã xác định là anh Lê Văn Lộc (SN 1995, trú xã Nam Nung, huyện Krong Nô, Đăk Nông).

15 công nhân còn lại vẫn đang mất tích. Nhiều ngày qua, lực lượng chức năng cùng quân đội đang nỗ lực triển khai các phương án tìm kiếm.

Trong đó, nhóm cứu hộ đường thủy với 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia; nhóm cứu hộ đường bộ đã thông tuyến 71 vào tới thủy điện Rào Trăng 4, còn 3km nữa sẽ thông vào thủy điện Rào Trăng 3.

10 ngày rồi, tôi không hy vọng cháu nó còn sống

Gia đình công nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa (SN 1997, trú tại số 166 Ngự Bình, TP Huế) - là 1 trong 15 công nhân đang mất tích ở Rào Trăng 3- cũng ngày ngày hương khói cho anh, di ảnh được làm sẵn.

Ông Nguyễn Đình Hoàng thắp hương cho con trai Nguyễn Vũ Đăng Khoa đang mất tích ở Rào Trăng 3

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chật hẹp, nhiều mảng tường bong tróc vì thấm nước mưa, người thân mắt đỏ hoe ngồi thất thần mong ngóng...

Di ảnh của Khoa đã được gia đình lập sẵn. Mọi việc hậu sự đã được chuẩn bị đón cậu con trai duy nhất trở về...

Ông Nguyễn Đình Hoàng (cha của Khoa) tâm sự "từ khi nghe tin con trai gặp nạn, tôi cùng vợ chạy ngược xuôi từ hiện trường sạt lở đến bệnh viện để nghe ngóng tin con trai nhưng đều vô vọng".

"Mẹ nó cứ khóc lịm rồi lại ngất đi. Cả tuần nay, mẹ cháu phải lên bệnh viện truyền nước, để các bác sĩ chăm sóc vì kiệt sức. Nỗi đau này quá lớn đối với gia đình tôi”, ông Hoàng gạt nước mắt chia sẻ.

Ông Hoàng cho biết, cách đây 5 hôm, ông cùng vợ đã được Trung tâm pháp y tỉnh lấy mẫu ADN, để sau này khi tìm thấy thi thể các công nhân sẽ sớm xác định danh tính.

 “10 ngày rồi, tôi không hy vọng cháu nó còn sống. Gia đình cũng lập bàn thờ để có thể nhang khói cho cháu được ấm áp nơi rừng thiêng nước độc kia.

Mong sao lực lượng cứu hộ sớm tìm thấy thi thể cháu, gia đình sớm làm tang lễ, để cháu an nghỉ nơi chín suối”, ông Khoa nấc nghẹn.

Bà Võ Thị Ni (mẹ của Khoa) nằm bẹp trong phòng, lộ rõ vẻ tiều tụy vì nhiều ngày nay đã khóc cạn nước mắt. Bà Ni kể, vào cái đêm định mệnh đó, Khoa có gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm sức khỏe. Nhưng thời tiết xấu, tín hiệu điện thoại chập chờn nên cả nhà chỉ nghe được vỏn vẹn một câu: “Mẹ ơi, ở đây mưa to lắm” rồi mất hẳn liên lạc.

Theo bà Ni, gia đình cũng không khá giả, bản thân hai vợ chồng cũng có nhiều bệnh trong người, chồng làm thợ hồ, bà làm công nhân may nên thu nhập cũng bấp bênh.

Vì nhà nghèo, em gái còn đi học, cách đây năm rưỡi, Khoa vừa ra trường đã xin đi làm công nhân kỹ thuật vận hành điện ở thủy điện Rào Trăng 3. Với đồng lương 4 triệu đồng/tháng, Khoa gửi về 2 triệu để phụ giúp gia đình.

"Thằng bé chăm lắm, còn hứa nếu được ký hợp đồng chính thức ở công ty sẽ dành dụm để sửa nhà cho ba mẹ. Vậy mà, giờ không biết cháu ở phương trời nào. Chỉ mong, lực lượng cứu hộ tìm thấy cháu, chứ như thế này chắc tôi không sống nổi”, bà Ni nghẹn ngào.

Gia đình đã lập bàn thờ cháu Thanh được 5 hôm nay...

Chung cảnh ngộ, gần 10 ngày qua, ông Phan Hữu Thắng (ba của Phan Chí Thanh, công nhân đang mất tích ở Rào Trăng 3) cùng gia đình cũng đứng ngồi không yên ngóng chờ tin tức người con trai.

 “Hiện giờ gia đình tôi không biết phải làm sao, gần 10 ngày qua con trai duy nhất của gia đình vẫn mất tích. Quá nóng ruột, tôi đã xin lực lượng chức năng vào hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy, để có thể giúp một tay cho cuộc tìm kiếm nhưng không được đồng ý”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng kể, gia đình đã lập bàn thờ cháu Thanh được 5 hôm để nhang khói cho ấm áp và cũng cầu nguyện sớm tìm thấy cháu.

 “Đau đớn quá chú ơi, cả cuộc đời tôi cày cuốc làm việc để kiếm tiền nuôi nấng con khôn lớn. Cháu Thanh mới vào Rào Trăng 3 làm được 2 tháng thì gặp tai nạn. Biết thế này tôi đã không cho cháu đi, để rồi tôi mất đi đứa con trai duy nhất”, ông Thắng bật khóc.

 “Mấy hôm nay tôi cầu nguyện, mong trời đừng mưa để lực lượng cứu hộ sớm thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm ra con tôi…

Con ơi về đi, ở đó lạnh lắm!”, bà Phạm Thị Lương ngồi bên bàn thờ con trai Phan Chí Thanh cầu nguyện. (vietnamnet.vn 22/10)

 
 
 

3.  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tặng quà người dân ở Thừa Thiên-Huế

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, cứu chữa người bị thương...

Chiều 21/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thăm và tặng quà bà con bị thiệt hại do mưa lũ tại phường Hương Sơ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chia sẻ những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra cho bà con cũng như tỉnh Thừa Thiên-Huế,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc ứng phó với mưa lũ, khẩn trương khắc phục thiệt hại, kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ, đặc biệt là công tác cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, cứu chữa người bị thương, bố trí nơi ăn chốn ở cho những gia đình bị cuốn trôi nhà cửa, không để xảy ra thiếu đói, không có chỗ ở.

Đối với dự án di dời dân cư ở khu vực I kinh thành Huế, với sự đồng lòng của bà con và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay đã hình thành khu dân cư mới đẹp, khang trang, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân cũng như bảo tồn hệ thống di sản.

Thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp cần xây dựng khu tái định cư thành khu phố kiểu mẫu, bà con tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tặng 20 suất quà, mỗi suất trị giá 25 triệu đồng cho các hộ nghèo thuộc dự án di dời dân cư khu vực I, hệ thống kinh thành Huế; Công đoàn Văn phòng Quốc hội cũng hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do mưa lũ 50 triệu đồng./ (vietnamplus.vn 21/10)

 
 
 

4.  Thừa Thiên – Huế: Người dân an cư trong nhà phòng, tránh bão lũ

Những ngày qua, mưa lũ đã nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt vẫn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi bão lũ về.

Những ngày đầu tháng 10, ở Thừa Thiên – Huế phải gánh chịu đến 3 trận lũ liên tiếp, đến nay, nhiều vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy vẫn còn chìm trong nước lũ. Nhiều tài sản, vật dụng đều bị trôi, số còn lại do ngâm nước lâu ngày cũng bị hư hỏng. Mưa lũ đã nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà ở các vùng thấp trũng tại Thừa Thiên – Huế khiến lực lượng chức năng phải di dời người dân đến những nơi an toàn, nhà cao tầng…

Khu vực huyện Quảng Điền được xem là rốn lũ, hàng năm, đều gánh chịu nhiều thiệt hại về lũ lụt. Thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, tại huyện Quảng Điền, UBND tỉnh phê duyệt 535 hộ nghèo được xây dựng nhà, đến nay đã có có 478 hộ đã triển khai.

Tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Cần – thôn Thành Trung, xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) cho biết: Hàng năm, cứ đến mùa mưa lũ gia đình rất lo lắng không biết di dời đi đâu để phòng, chống lụt bão. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ cho căn nhà phòng, chống bão lũ, gia đình rất yên tâm. Khi có mưa lũ gia đình đều chuyển tất cả các vận dụng lên chòi chống lũ để bảo quản, khi nước lũ lên cả nhà lên đó ở. Đợt lũ vừa rồi nước vào nhà khoảng 1m, cả nhà đã lên chòi chống lũ ăn ở, sinh hoạt rất an toàn.

Bà Phạm Thị Cam - ở thôn Phú Lương B, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cho hay: Trong trận lũ vừa rồi, nhiều nhà dân trong xã đã trôi hết vật dụng, các thực phẩm bị ướt hết do ở nhà thấp tầng, không có chòi chống lũ khiến người dân rất bị động. Khi nước lũ lên nhanh người dân không thể di chuyển lương thực, quần áo, các phương tiện… lên nơi cao được khiến tất cả đều bị ngập nước. Từ khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh trú bão, lụt gia đình cảm thấy không còn lo lắng khi mùa mưa bão về.

Ông Hồ Ngọc Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết: Bão số 5 đi qua, huyện đã tổ chức buổi kiểm tra các nhà ở theo Quyết định số 48 tất cả đều vững chắc, móng – tường – mái đều đảm bảo, không có nhà nào hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng. Trong trận lũ đầu tháng 10, nhờ có nhà chống lũ nên người dân rất yên tâm không lo ngại chuyện tài sản bị ngập nước.

Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế, thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt 3.906 hộ, đến nay đã có 2.280 hộ xây dựng hoàn thành. Ngoài số hộ thực hiện Quyết định số 48, tỉnh đã lồng ghép với chương trình nhà ở chống bão DWF để sớm hoàn thành chương trình.

Theo ông Hồ Ngọc Anh Tuấn, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung nhìn chung rất hiệu quả. Nhà xây dựng với số tiền không lớn, nhưng giải pháp nhà tránh lũ, bão rất an toàn, hiệu quả cao. Ở vùng thấp trũng như huyện Quảng Điền, hàng năm khi có thông báo bão lũ, địa phương phải đến vận động những hộ nghèo, neo đơn không có nhà kiên cố đến những nơi cao ráo để tránh, trú bão lụt. Từ khi có chương trình hỗ trợ nhà phòng chống bão lụt rất nhiều hộ nghèo được an toàn về tính mạng và tài sản, công tác ứng cứu cũng giảm bớt áp lực. (baoxaydung.com.vn 21/10)

 
 
 

5.  Kiên định mục tiêu “Trung tâm y tế chuyên sâu”

- Với mục tiêu xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các thiết chế y tế chuyên sâu, Thừa Thiên Huế chú trọng đầu tư ngày càng hoàn chỉnh mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, được người dân tin tưởng.

“Chỉ nói được một câu: Tuyệt vời!”

Sự tuyệt vời ấy được bà Nguyễn Thị Kiều Anh (TP. Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ. Từ Quảng Trị, một tháng nay bà Kiều Anh vào Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc chồng là ông Nguyễn Q. V. bị u thực quản. Sau ca phẫu thuật, ông V. đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại Khoa Ngoại nhi và Cấp cứu bụng.

Từ tháng 5/2020, sau khi một phòng khám dịch vụ tại TP. Đông Hà nghi ngờ ông V. có khối u trong thực quản, gia đình bà Kiều Anh quyết định vào Bệnh viện Trung ương Huế để khám, xác định và tìm hướng điều trị. Từ đó đến nay, tuy không liên tục tại viện và được chuyển điều trị qua các khoa, nhưng đến đâu bà Kiều Anh cũng cảm nhận được sự yên tâm để sát cánh, động viên chồng lạc quan điều trị.

 “Ông V. là người đầu tiên trong gia đình chúng tôi đến điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế. Lạ người lạ chốn nhưng vô đây rồi, cả nhà yên tâm hẳn vì không quá xa nhà, lại có bác sĩ giỏi và có nhiều kỹ thuật tốt. Ở đây, dù có lo lắng cho sức khỏe của chồng nhưng nhờ có bác sĩ thường xuyên hỏi thăm, các điều dưỡng, hộ lý ai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu, nên chúng tôi cảm thấy rất an tâm”, bà Kiều Anh vui vẻ. Nằm trên giường bệnh, ông V. không thể nói nhưng luôn yêu thương nhìn về phía vợ và gật đầu mỗi lần bà cười. Sự ấm áp lan tỏa cả phòng bệnh.

Từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình), chị Hoàng Thị Hiền cũng không chần chừ, đưa con gái Nguyễn Hoàng Hà T. (12 tuổi) vào Bệnh viện Trung ương Huế sau những cơn đau đầu kéo dài. Tại thời điểm nhập viện, Hà T. đau đầu dữ dội. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bé bị viêm màng não do vi khuẩn, tình trạng rất nguy hiểm. Hơn một tháng được theo dõi điều trị tại Trung tâm Nhi, Hà T. đã khỏe mạnh nhiều, tỉnh táo và rất vui vẻ.

Nhìn con cười trên giường bệnh, chị Hiền lạc quan: “Mình đưa con vô thẳng Bệnh viện Trung ương Huế không phải vì không tin tưởng các bệnh viện tuyến dưới. Thấy con đau đầu dữ dội mình rất sợ, chỉ nghĩ phải vào Huế và vào nhanh nhất có thể mà thôi. Từ xa về đây, cái chi cũng lạ nhưng được các cô các bác trong khoa quan tâm, hỏi han thường xuyên nên rất ấm áp, không có chi phải lo lắng nữa”.

Kiên định với mục tiêu

Những năm gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. So với thời điểm 5 năm trước, tổng số lần khám bệnh lên đến 3,2 triệu lượt, tăng 28%; tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 30%; tổng số trung, đại phẫu và phẫu thuật đặc biệt tăng 15%. Bệnh viện Trung ương Huế đã tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các nguồn lực quốc tế, đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở mang tầm chiến lược với 10 trung tâm và khu nhà kỹ thuật cao ODA Nhật Bản, tạo diện mạo một bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, Bệnh viện Trung ương Huế đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết đề ra: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh nhà và khu vực; điểm sáng trong triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, ngang tầm khu vực và quốc tế, như: Ghép tim, gan, thận, tế bào gốc, giác mạc, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi 3D, 4K, điều trị ung thư...

Bên cạnh Bệnh viện Trung ương Huế - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát lại hệ thống y tế để y tế địa phương sánh vai, xứng tầm với y tế Trung ương, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các thiết chế y tế chuyên sâu. Tạo điều kiện để phát triển Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới y tế gắn với chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; 100% trạm y tế đạt chuẩn, có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế công cộng; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế sẽ rà soát hệ thống y tế địa phương để từng bước hình thành các tuyến, điểm điển hình trong khám chữa bệnh. Đây sẽ là những vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế, được Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ để phát triển. “Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng y tế thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng với 5 mũi đột phá: đào tạo nguồn nhân lực, phát triển IT trong y tế, phát huy vai trò khám chữa bệnh, xây dựng các trung tâm nghiên cứu xứng tầm và nghiên cứu phát triển đông y”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 21/10)

 
 
 

6.  Chung sống với thiên nhiên- liệu còn kịp?

Năm nào cũng thế, cứ dịp này là nước ta bị lụt. Năm nay mới miền Trung bị. Tôi vừa về quê ở Huế giỗ mẹ, cũng biết là sẽ gặp lụt nhưng không nghĩ nó kinh thế. Là hai ngày đầu thì không sao. Sau đấy có một đêm mưa suốt đêm, và hôm sau cứ thế nước lừ lừ lên.

Cũng nói luôn là, người Huế đã rất thông minh khi mỗi ngôi nhà rường đều có cái rầm thượng, hay gọi là cái rương cũng được, rất đẹp, như một phần của ngôi nhà, cũng chạm trổ tinh vi, con tiện sắc sảo. Và nhiệm vụ của nó chỉ là... chứa đồ khi lũ đến. Đồ người Huế thì hai thứ quý nhất là gạo và sách, sẽ ưu tiên lên đấy đầu tiên.

Thế rồi tôi bay vào Sài Gòn trong cơn mưa trắng trời, tưởng là sẽ không bay được. Hai ngày sau thì liên tục các tin đau lòng xuất hiện. Những là cái tàu Vietship bị sóng đánh khi đang neo ở bờ biển Quảng Trị, bị nạn cách bờ chưa đầy một cây số, ban ngày người trên tàu nhìn thấy bờ và người trên bờ nhìn thấy tàu, thế mà rồi chục con người đúng là "hồn treo cột buồm" mất 3 ngày mới cứu vào được, có một người bị chết. Mà phải tận trực thăng bay mấy chuyến rồi đặc công nước ra tay.

Rồi một chị phụ nữ 35 tuổi ở xã Phong An, Phong Điền, ở ngay bên quốc lộ 1, đến ngày sinh chồng đưa đến bệnh viện, gặp chỗ nước sâu, nhờ cái đò đưa qua chỗ ấy, rồi lật đò, trôi ngay xuống... ruộng. Chồng và anh lái đò chỉ biết đứng gào khóc. Đau xót vô cùng!

Và cái tin mới nhất khi tôi ngồi viết bài này là một cái thủy điện ở xã Phong Xuân, Phong Điền, cũng chả xa xôi gì, nhưng suốt một đêm một ngày mà vẫn chưa tiếp cận được sau khi nghe một cú điện thoại chập chờn cấp báo nhà điều hành thủy điện bị đất đè. Phó tư lệnh quân khu 4 và đoàn cứu hộ cũng bị đất đè.

Tổng cộng người đã bị chết và mất tích cũng nhiều rồi. Tôi nghĩ phải có cách thích ứng thế nào chứ năm nào cũng thế, cứ đến mùa bão lũ là lại thon thót.

Nhưng rõ ràng là cũng không thể chống trời. Chúng ta đã bao nhiêu năm chống trời. Chống lụt chống bão là chống trời chứ gì nữa. Chống thế quái nào được, một là tránh, hai là tìm cách chung sống hòa bình với thiên nhiên. Ví dụ những ngôi nhà của người xưa ở vùng miền Trung mà tôi có dịp tiếp xúc. Nhà lá mái Bình Định là một ngôi nhà chứng tỏ sự hết sức thông minh của con người trước tự nhiên.

Bà con biết mình ở vùng rốn khắc nghiệt. Mùa hè thì cháy da, mùa mưa thì thối đất, thì lũ lụt nên làm ngôi nhà để đảm bảo có bão lũ vẫn ung dung tự tại, mùa đông thì ấm mùa hè thì mát và nó là những ngôi nhà cực đẹp chứ không phải tạm bợ như bây giờ một số bà con vùng cát làm như hầm để bao giờ có bão thì chui xuống. Những ngôi nhà lá mái Bình Định ấy tồn tại hàng mấy trăm năm.

Nhưng giờ chúng ta muốn hòa bình với tự nhiên cũng chả được nữa. Rừng đã kịp hết, Thủy điện thành những quả bom nước và bản thân nó cũng chống tự nhiên kinh khủng? Đã trở thành kẻ thù của nhau rồi.

Nhưng chả lẽ lại năm nào cũng thế.

Đến bây giờ, sau khi cả nước ta cơ bản đã phủ thủy điện ở chỗ nào có thể ngăn nước làm thủy điện, thì người ta mới phát hiện ra rằng, thủy điện không hay như nhiều người đã từng tưởng. Nó không thân thiện với môi trường mà hủy hoại môi trường rất ghê, nó không an toàn mà gây ra rất nhiều "tiềm năng nguy hiểm", nó cũng không thân thiện mà đang bị dân kêu rất dữ, thậm chí là quyết liệt phản đối.

Chả cứ dân, nhiều Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thậm chí cả trên diễn đàn Quốc hội, nhiều lần vấn đề thủy điện đã được mang ra mổ xẻ, và chủ yếu là, kêu về thủy điện, phản đối thủy điện. Và cái vụ thủy điện Rào Trăng 3 ở Phong Điền, Huế mà tôi nhắc ở trên là ví dụ. Cứ hùng hục đào lõm vào núi. Rồi thì nước chảy... núi mòn. Đến một ngày nó sập xuống. Cũng sáng nay, thấy VTV đưa tin, cột điện cao thế Bắc Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi lũ, nó bị xói chân, giờ lấy bạt phủ để nước không ngấm rồi... tính sau.

Có cảm giác bây giờ ai cũng có thể làm thủy điện, cứ có tiền là làm thủy điện. Cũng có người bảo, không nhất thiết người bỏ tiền làm thủy điện phải phân biệt thế nào là roto thế nào là stato, đâu là cửa nhận nước đâu là đập tràn, mà đã có đội ngũ kỹ thuật lo, mình chỉ việc bỏ tiền là xong. Là xong, nên mới xảy ra những vụ như ở Đăk Mek, Đăk Glei, Kon Tum, người ta đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác thay cho bê tông cốt thép, kết quả là 109 mét tường ở đập thượng lưu bị vỡ, một người chết, đến mấy năm chưa xử lý xong hậu quả.

Hay như vụ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) vỡ không chỉ một lần mà đến 2 lần, tàn phá không biết bao nhiêu tài sản của dân. Thủy điện An Khê Ka Nak thì liên tục lên diễn đàn Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai và cả Quốc hội, mà một đại biểu Quốc hội của Gia Lai là ông Huỳnh Thành đã phải thống thiết mà rằng, đây là "sai lầm thế kỷ". Nó khiến con sông Ba hùng vĩ vắt ngang Tây Nguyên, sổ xuống sông Đà Rằng giờ cạn khô đáy, lòng sông trở thành nơi bò gặm cỏ và ô nhiễm khủng khiếp, khiến cả vùng hạ lưu, trong đó có thị xã An Khê giờ thành những vùng khô khát.

Nhưng không hẳn chỉ khô khát, bởi thi thoảng, "hứng chí" nửa đêm thủy điện lại xả nước phát, cả thị xã lại chìm trong nước... Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà năm nào đấy, 2 cô giáo ở huyện K'bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô. Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy và nước xả từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường.

Tỉnh Quảng Nam, nghe nói giờ là địa phương có nhiều thủy điện nhất nước, thì năm nào đến mùa lũ là cả tỉnh lại thon thót vì đến mấy quả bom nước lơ lửng trên đầu, trong đấy "vĩ đại" nhất là 2 quả bom Phú Ninh và Sông Tranh. Năm nào xong mùa lũ lại cũng có những bài báo ca ngợi sự thông minh can đảm của một đồng chí lãnh đạo nào đó đã bình tĩnh khôn khéo, trong những giờ khắc quyết định đưa ra những mệnh lệnh sáng suốt để cứu hàng vạn dân không bị nhấn chìm trong bom nước. Năm nào xong mùa lũ cũng có những tiếng thở hắt ra để reo lên: "Thoát rồi...".

Và cũng té ra, để làm thủy điện, rừng đã phải "hy sinh" rất nhiều và theo đấy, môi trường văn hóa của khu vực ấy cũng bị biến đổi theo hướng tiêu cực rất ghê. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Những ngôi làng tái định cư thủy điện, đố ai nghĩ đấy là làng và cho các ông bà làm nên những "ngôi làng" ấy vào ở, họ có dám ở không?

Thực ra phải nói một cách cay đắng rằng: về cơ bản, rừng Tây Nguyên không có "cửa" nữa dù Thủ tướng đã ra lệnh, mấy lần rồi thì phải, là "đóng cửa rừng", bởi chỗ nào cũng là "cửa" rồi, và cũng về cơ bản, Tây Nguyên đã hết rừng. Nhà nước và nhân dân cùng... phá rừng, rừng tan tác, rừng trơ trụi, rừng hoang mang, rừng trọc lếu... Rừng không chỉ có gỗ, mà nó gồm cả một hệ thống các loại động thực vật dằng dịt trong ấy, nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, đối nghịch nhau, tranh giành nhau... mà sống và cùng sống.

Và con người, cũng hàng vạn năm có hơn, cũng hài hòa với rừng như thế. Hàng vạn năm rừng biếc xanh, rừng thăm thẳm, rừng bạt ngàn, rừng tầng tầng lớp lớp... thế mà chỉ mấy chục năm qua, chúng ta đã biến rừng thành những quả đồi trọc lốc, thành những thảm cao su, tiêu, cà phê... mà ta cũng gọi là... rừng, trong đấy, vụ triệt hạ 50 ngàn héc ta rừng để trồng cao su là đau đớn và tàn nhẫn nhất. Và người ta đã làm gần xong.

Chủ trương là dùng rừng nghèo để trồng cao su, nhưng khi phá nào ai phân biệt được giàu nghèo, và trồng cao su thì người ta cũng đã trồng trên... giấy. Trong khi các nhà khoa học, những người Tây Nguyên yêu rừng thì cho rằng: Rừng dẫu nghèo thì vẫn là rừng, cao su có bạt ngàn ra đấy, có thẳng tắp ra đấy, có vàng trắng như đang gọi đấy, thì vẫn không thể là rừng...

Một bác sĩ đã phải thốt lên: "Hàng triệu tấn bom không phá được rừng Tây nguyên. Ấy vậy mà dollar rải xuống, rừng không còn một cây". Khá nhiều người buồn bã: "Giờ rừng chỉ còn cỏ tranh và cúc quỳ chẳng ma nào ngó thì đóng làm gì nữa"...

Rừng bị phá nó không chỉ là rừng bị phá, mà nó làm đảo lộn toàn bộ đời sống văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Những người coi rừng là một phần cuộc đời mình, gắn bó với mình như con người với ngôi nhà, hôm nay coi rừng như một đối tượng để kiếm tiền, nó khiến cho xã hội chuyển dịch rất lớn, phá tan giềng mối, phá tan kết cấu buôn làng, từ đấy làm hỏng các mối quan hệ tốt đẹp từ ngàn đời...

Cái vụ năm nay mưa chưa bao nhiêu mà đồng bằng đã lụt nó liên quan rất mật thiết tới rừng Tây Nguyên. Còn rừng, cả Tây Nguyên như cái thùng chứa khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng điều tiết nước cho đồng bằng. Hết rừng, nước mưa cứ thế thông thống chảy xuống. Và nó làm nên những điều mà chúng ta đã thấy mấy hôm nay, và nhiều năm trước đó nữa... Và thực ra, giờ, không chỉ còn đồng bằng bị lũ và lụt nữa. Đến hôm nay, Tây Nguyên đã có mấy người chết rồi, ở Gia Lai và Lâm Đồng... (cand.com.vn 21/10)

 
 
 

7.  Cotana Group ủng hộ đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt

Sáng ngày 20/10/2020, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đoàn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Cotana Group đã trao tặng số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả lũ lụt.

 Gần một tháng nay, mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế. Những thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Thừa Thiên Huế là quá nặng nề, làm nhiều người thương vong, hàng chục người còn mất tích và chưa thể liên lạc được. 

Mưa lũ đã làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, với tinh thần tương thân tương ái, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana (Cotana Group) đã trích ngân sách ủng hộ 1 tỷ đồng để hỗ trợ chính quyền và đồng bào Thừa Thiên Huế giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, Cotana Group cũng trao tặng 200 suất quà cho CBCNV của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế có hoàn cảnh khó khăn chịu thiệt hại trong trận lụt vừa qua.

Trước đó, ngày 19/10, sau chuyến khảo sát thực địa và tìm hiểu thực tế tình hình khó khăn cũng như nhu cầu của bà con sau cơn lũ, đại diện Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cotana Group đã mang trao tận tay bà con tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền và xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy 500 suất quà gồm gạo, dầu ăn, mì chính và thuốc. Toàn bộ phần kinh phí mua quà là sự đóng góp ủng hộ của CBNV Cotana Group và các đối tác, bạn hàng của tập đoàn.

Vào ngày đoàn Cotana Group đến với bà con, mặc dù mưa đã ngưng và nước đã rút, nhưng để mang được những phần quà đến tận tay bà con, đoàn phải di chuyển hàng và người bằng ghe và xuồng máy giữa biển nước mênh mông.

Cụ thể, tại xã Phong Chương, đoàn đã trao quà cho bà con tại thôn Man Nê và Phú Lộc. Đây là hai thôn bị chia cắt và chịu hậu quả ngập lụt nặng nề nhất của xã Phong Chương.

Cotana Group không chỉ là đơn vị thầu xây dựng và nhà đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam mà còn là doanh nghiệp luôn hướng cái "tâm" tới cộng đồng.

Được biết, Cotana là một tập đoàn xây dựng có cơ duyên gắn bó với mảnh đất cố đô qua một số dự án bất động sản lớn. Ngay khi nghe tin bà con tại Huế chịu hậu quả và thiệt hại nặng nề do bão lũ, Cotana Group đã rất kịp thời đóng góp vật chất, nhu yếu phẩm với mong muốn chung tay cùng UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, khôi phục lại cuộc sống sinh hoạt thường nhật. (toquoc.vn 22/10)

 
 
 

8.  Bộ đội giúp nhân dân ổn định cuộc sống sau bão lũ

Với phương châm nước rút đến đâu giúp dân tới đó, hiện nay lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung mọi nguồn lực giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.

 Huy động cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841 khắc phục hậu quả mưa lũ

Sáng 21-10, dù mưa vẫn chưa ngớt, nhưng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 cùng với cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Hương Trà đã có mặt tại các khu vực trọng yếu để giúp nhân dân dọn dẹp sau bão lũ. Dọc tuyến từ Quốc lộ 1 vào tới phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, dấu tích của bão số 5 vẫn rất nặng nề. Vườn cây ăn trái của các hộ dân, cây cối đổ gẫy ngổn ngang do lũ ập tới quá nhanh, đáng kể nhất là hàng chục héc-ta thanh trà đang tới mùa thu hoạch đã bị thiệt hại hoàn toàn.

Nhờ sự chủ động kế hoạch và phối hợp các lực lượng, công tác khắc phục hậu quả và dọn dẹp sau lũ ở thị xã Hương Trà diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa rồi, phường Hương Vân là địa bàn bị ngập sâu nhất trong các phường thuộc thị xã Hương Trà vì vậy thiệt hại là rất nặng nề. Cụ thể, diện tích cây thanh trà thiệt hại khoảng 70%, các loại cây trồng khác như chuối, đu đủ... thiệt hại gần như 100% gây khó khăn lớn cho sinh kế của người dân.

Để giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống, sau khi nước lũ rút, xã đã huy động lực lượng tại chỗ tổng dọn vệ sinh, khơi thông kênh mương... Mấy ngày hôm nay, có các anh bộ đội về giúp nên địa phương cơ bản đã giải quyết được công việc vệ sinh trạm xá, trường học. Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của các đơn vị lực lượng vũ trang. Các đồng chí đã giúp đỡ địa phương giải quyết khối lượng công việc rất lớn”.

Cách đó không xa tại gia đình ông Trần Công Thái, khu phố Sơn Công 1, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, gần một tiểu đội thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19 đang giúp gia đình tổng dọn vệ sinh, sắp xếp, sửa chữa lại nhà. Khi đoàn công tác tới thăm, ông Thái chống gậy, nặng nhọc đứng dậy chào hỏi. Bệnh tật của tuổi già cùng với sự vất vả trong những ngày bão lũ làm cho ông thêm tiều tụy. Ông Thái chia sẻ: “Năm nay tôi đã 84 tuổi, bệnh tật nhiều lắm. Hai ông bà sống với nhau, nhưng bà đang nằm viện. Các con đều lập nghiệp nơi xa nên không giúp được gì nhiều. Trong đợt bão lũ vừa qua, may có bà con xóm làng và lực lượng dân quân đến giúp dọn dẹp, chuẩn bị. Tuy nhiên, nước lũ dâng lên quá cao, nhà ngập hơn 2m khiến đồ đạc trong nhà hỏng hết”.

Khu vườn rộng hàng trăm mét vuông được trồng cây thanh trà và chuối của gia đình ông Thái đều mất trắng do nước lũ. “Với hoàn cảnh của tôi nếu không được bộ đội giúp, thì không biết đến lúc nào gia đình mới ổn định lại cuộc sống”, ông Thái nói trong nghẹn ngào.

Để kịp thời giúp đỡ người dân trên địa bàn ứng phó với bão lũ trong thời gian qua, Ban CHQS thị xã Hương Trà đã có kế hoạch rất cụ thể. Trước và trong lũ, cử lực lượng xuống địa bàn bám nắm cơ sở giúp đỡ địa phương giải quyết các tình huống cấp bách, đặc biệt là những vùng xung yếu, ngập sâu; điều động phương tiện, cử cán bộ theo các đoàn vận chuyển hàng cứu trợ kịp thời cho bà con nhân dân, không để dân đói dân rét. Khi nước rút tới đâu, đơn vị chủ động cắt cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng tăng cường của Sư đoàn 968 tiến hành dọn vệ sinh giúp người dân sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chỉ huy lực lượng giúp Trường Tiểu học Hương Vân dọn vệ sinh sau lũ, Thượng úy Nguyễn Trung Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 cho biết: “Chấp hành kế hoạch của cấp trên, nhằm giúp đỡ nhân dân vùng bị bão lũ sớm ổn định cuộc sống, sư đoàn đã điều động 300 đồng chí về giúp thị xã Hương Trà và thành phố Huế. Theo yêu cầu của địa phương, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi tập trung làm vệ sinh các công trình công cộng; sửa chữa, khơi thông kênh mương, đường sá bị hư hỏng nặng; dọn vệ sinh các trường học và giúp đỡ các gia đình chính sách... Quá trình thực hiện nhiệm vụ đơn vị gặp những khó khăn nhất định như: Lực lượng phân tán khó quản lý chỉ huy; nước lũ rút chậm, có nơi vẫn ngập sâu nên rất dễ gây mất an toàn; nước lũ ngập sâu mang theo nhiều bùn và rác. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống”.

Cô Phạm Thị Hương Giang, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Vân (thị xã Hương Trà) cùng với giáo viên và gần 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 đang dọn vệ sinh khuôn viên nhà trường. “Bão và lũ năm nay quá lớn! Dù nhà trường đã có bước chuẩn bị trước, nhưng nước lũ lên cao làm 2 cơ sở của nhà trường bị ngập sâu. Hiện nay, các vật dụng của học sinh như chăn màn, gối, đồ dùng sinh hoạt đều bị ướt. Sau khi nước rút, được sự giúp đỡ của bộ đội nên chúng tôi đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, kê lại bàn, sắp lại lớp... để đón các em đến trường. Thầy cô giáo và các em học sinh trường chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các anh bộ đội. Việc làm của các anh đã tô thắm thêm hình ảnh “anh Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng các em học sinh cũng như thầy cô giáo chúng tôi”, cô Giang chia sẻ.

Ngoài các lực lượng thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân ổn định cuộc sống sau bão lũ, vẫn có khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 414, Lữ đoàn Thông tin 80, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và một số lực lượng của địa phương đang mở tiếp cận, tìm kiếm những người mất tích tại khu vực nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. (qdnd.vn 21/10)

 
 
 

9.  Thừa Thiên- Huế: Đoàn cứu trợ có nhiều hoa hậu, á hậu đến huyện Phú Lộc

- Chiều 21/10, Báo Tiền Phong, Công ty Sen Vàng, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Huế cùng các hoa hậu, người đẹp bắt đầu đợt cứu trợ đồng bào miền Trung, với điểm xuất phát là huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Đoàn công tác đã tranh thủ từng phút để kịp thời đến với từng hoàn cảnh khó khăn, mất mát trên khúc ruột miền Trung yêu thương.

Ngay khi vừa đáp xuống TP. Huế, không để đồng bào vùng lũ Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình phải chờ đợi thêm trong thiếu thốn, khó khăn bủa vây; đoàn cứu trợ đồng bào miền Trung do báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức, với sự chung tay của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế cùng nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm... quyết định về ngay huyện Phú Lộc (Thùa Thiên-Huế) khi trời đã nhá nhem.

Đoàn cứu trợ đồng bào miền Trung do báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức, với sự chung tay của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế cùng nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại huyện Phú Lộc

Gần 18 giờ chiều 21/10, nhiều người dân tập trung về trụ sở UBND hai xã Lộc Điền và Lộc An để nhận quà. Nhiều người bày tỏ niềm hi vọng, tri ân và cảm kích trước hoạt động thiện nguyện không kể đêm ngày của đoàn công tác. Theo họ, hoạt động ý nghĩa này góp phần xoa dịu, khỏa lấp những mất mát, thiệt hại, đau thương mà nhiều người dân tại miền Trung đang phải gánh chịu.

Trong buổi đầu tiên cứu trợ tại Thừa Thiên-Huế, Báo Tiền Phong, Công ty Sen Vàng, Công ty Đầu tư Huế - Sài Gòn phối hợp Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế đã trao 181 suất quà với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng cho người dân 2 xã Lộc Điền, Lộc An - nơi vừa chịu hậu quả nặng nề của bão số 5 và lũ lụt kéo dài nhiều ngày.

Theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, với tinh thần lá lành đùm lá rách hướng về người dân gặp nạn miền Trung, Báo Tiền Phong, Công ty Sen Vàng (TP.HCM) phối hợp phát động quyên góp, ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào gặp nạn.

Đợt phát động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Cho đến ngày 21/10, ban tổ chức đã nhận được 9 tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều hiện vật ý nghĩa khác. Từ sự ủng hộ, hỗ trợ này, Báo Tiền Phong, Công ty Sen Vàng và các đơn vị, doanh nghiệp bắt đầu tổ chức thăm hỏi, trao quà động viên, chia sẻ với bà con vùng lũ lụt, thiên tai.

Tại Thừa Thiên-Huế, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Huế (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) đã tích cực đồng hành cùng chương trình. Doanh nghiệp này đã dành hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và công nhân các khu công nghiệp tại Thừa Thiên-Huế.

Được biết, trong đoàn công tác thiện nguyện lần này còn có sự tham gia của nhiều hoa hậu, á hậu, người đẹp của các cuộc thi như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam…

Họ sẽ đồng hành cùng ban tổ chức đến với nhiều vùng thiên tai xứ Huế, đến với những vùng lũ ngập sâu ở Quảng Trị, Quảng Bình để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với từng hoàn cảnh khó khăn của đồng bào miền Trung thương yêu.

Thành phần tham gia công tác cứu trợ tại Thừa Thiên-Huế:

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2020.

Bà Phạm Thị Kim Dung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Thương mại Sen Vàng, Phó trưởng Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2020.

Chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Huế.

Ông Đỗ Quang Thành, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn- Huế.

Hoa hậu Việt Nam 2016, Đỗ Mỹ Linh.

Hoa hậu Việt Nam 2018, Trần Tiểu Vy.

Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, Lương Thùy Linh.

Á hậu trang sức, Thái Như Ngọc.

Người đẹp Nhân ái, Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Miss Đại học Huế 2020, Võ Thị Ý Nhi. (thuonghieucongluan.com.vn 22/10)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Vòng 3 nhóm B giải hạng Nhất quốc gia 2020: CLB Bóng đá Huế - Đắk Lắk: CLB Bóng đá Huế trụ hạng trước 2 lượt trận

Trận đấu trong khuôn khổ vòng 3 nhóm B giữa CLB Bóng đá Huế - Đắk Lắk chiều 21/10 trên sân Tự Do là một trận đấu khá kỳ lạ khi cả 2 CLB đều không có nổi 1 tình huống phạt góc trong suốt 2 hiệp đấu.

Tuy nhiên, điều này chỉ là “tình huống phụ” cũng như không ảnh hưởng nhiều đến tính chất của trận đấu.

Sau 3 trận liên tiếp chỉ toàn hoà và thua, trên sân nhà, CLB Bóng đá Huế nhập cuộc đầy quyết tâm trước đại diện đến từ Tây Nguyên hòng tìm kiếm một chiến thắng để lấy lại niềm tin của khán giả Cố đô.

Dẫu vậy, sau nhiều lần ép sân nhưng không ghi được bàn, đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Dũng phải nhận bàn thua sau pha dứt điểm của một cầu thủ Đắk Lắk ở phút 19.

Kết thúc hiệp một với tỷ số 1 – 0 nghiêng về Đắk Lắk, sang hiệp 2, CLB Bóng đá Huế liên tục dâng cao nhằm tìm kiếm bàn thắng quân bình tỷ số, nhưng trước hàng thủ chơi khá tập trung của đối phương, phải đến phút 81, đội chủ sân Tự Do mới giữ lại được 1 điểm sau pha lập công của Tuấn Tài.

Không giữ trọn 3 điểm trên sân nhà, nhưng sau trận hoà này, CLB Bóng đá Huế đã có 17 điểm, đứng thứ 8 trên BXH, đồng thời trụ hạng trước 2 vòng đấu. Tuy nhiên, đây rõ ràng đây không phải là kết quả mà người hâm mộ mong đợi.

Một thông tin liên quan, trước khi trận đấu này diễn ra, BTC địa phương đã quyết định “xả cổng” không bán vé vào sân, đồng thời phát động quyên góp để ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. (baothuathienhue.vn 21/10)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Xử lý nghiêm việc lợi dụng thiên tai để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lợi bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao…

Theo đó, Tổng cục yêu cầu các Cục QLTT: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt, cập nhật diễn biến thị trường, theo dõi sát nguồn cung – cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây sốt giá không đúng thực chất.

Qua kiểm tra, nắm bắt địa bàn một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, những ngày qua, tình hình thị trường nhìn chung ổn định, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… không biến động lớn.

Riêng các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, có tăng giá nhẹ. Một số nơi mặt hàng mì ăn liền, đồ ăn đóng hộp khan hiếm cục bộ do nhu cầu tích trữ phòng chống lũ lụt dài ngày của người tiêu dùng và tình hình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do mưa lũ.

Đặc biệt, Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lợi bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng cao su… để các lực lượng cứu nạn, cứu hộ và người dân có đủ phương tiện xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. (thuonghieucongluan.com.vn 21/10)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng

Theo kế hoạch triển khai chương trình Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 được UBND tỉnh ban hành ngày 21/10, đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng.

Theo đó, tỉnh sẽ phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, đến năm 2025, 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với Quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (Ngoại trừ các văn bản Mật theo quy định); 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng.

Cùng với đó, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt hợp nhất từ hệ thống Trung ương. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành.

60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và đưa vào khai thác hiệu quả. Đồng thời, xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội... (baothuathienhue.vn 22/10)

 
 
 

2.  Vùng đầm phá xa mà gần

- Hàng loạt cây cầu băng đầm vượt phá được xây dựng và công cuộc tái định cư dân vạn chài gắn với sắp xếp nò sáo, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng của vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á: Tam Giang - Cầu Hai.

Nhờ có hàng loạt cây cầu xuất hiện như: Hòa Xuân, Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền cùng nhiều nhánh đường mới mở hoặc được nâng cấp, làm cho phía “bên tê” đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước đây vốn xa ngái nay hóa gần.

Kể từ khi có cầu Trường Hà, Tư Hiền, tôi đã có nhiều dịp quay trở lại. Đó là những ngày cả vùng "bên ni lẫn bên tê" đầm phá chung tay góp sức làm nên cuộc cách mạng mới: thay đổi phận người khi quyết định chuyển hết cư dân các vạn chài sống lênh đênh trên sông nước lên bờ tái định cư.  Thật ra, đây chỉ là sự tiếp nối của việc làm đầy nhân văn, chủ yếu dành cho những hộ bị mất thuyền đang thật sự lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau thảm họa của trận bão lớn năm1985. Chính sự đổi đời của những gia đình được lên bờ tái định cư năm ấy đã gieo hy vọng cho hàng vạn con người đang sống thấp thỏm, chông chênh nơi các vạn chài.

Để tạo lập cuộc sống mới cho hàng vạn con người vốn chỉ quen sống trên sông nước, ngoài tìm vị trí phù hợp để cấp đất cho họ, Nhà nước còn phải đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm xá, đưa điện, đưa nước về tận nơi; kèm theo đó là tổ chức dạy nghề, vẻ bày cách sống văn minh nhằm giúp bà con tái hòa nhập với cộng đồng và đoạn tuyệt với tập quán lạc hậu.

Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã có 60 khu tái định cư cho trên 2.700 hộ bà con vạn chài lần lượt xuất hiện. Những hộ lên bờ, ngoài được cấp đất (150-200m2/ hộ), xây dựng cơ sở hạ tầng còn được Nhà nước và Mặt trận hỗ trợ 14,5 triệu đồng.

Bị mất vợ và 3 con trong trận bão 1985 nhưng mãi đến năm 2009 mới được lên bờ nên anh Trần Văn Minh ở khu tái định cư Phước Lập (Quảng Điền) xúc động: Không còn nơm nớp lo sợ bão lụt được như ri là sung sướng lắm rồi!

Hạnh phúc của lớp người “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, nói như cụ Phạm Tạ ở thôn 14 xã Quảng Công (Quảng Điền) mới thấm thía. Cụ kể, trước đây vì nghèo nên người ở nôốc, khi chết thường không sắm được hòm; cũng vì nghèo nên không mua được đất để chôn, vì vậy phải đợi đêm xuống tìm nơi thưa vắng, thường là giáp ranh của các làng mới đem lấp vội. Thương cha, thương mẹ nhưng không dám khóc. Không mồ, không mả là vì thế. Không nhớ ngày đơm tháng kỵ, không chạp, không giỗ là vì thế.

Sau khi được đưa lên bờ, được Nhà nước tạo điều kiện, vẻ bày làm ăn nên cháu con ông ngày mỗi khấm khá. Với tư cách là Trưởng họ, cụ Phạm Tạ quyết làm hai việc: Vận động con cháu xây nhà thờ và lập quỹ khuyến học.

Cùng với việc tái định cư, Thừa Thiên Huế chủ trương phải sắp xếp lại nò sáo trên vùng Tam Giang-Cầu Hai. Chủ trương sắp xếp lại nò sáo của tỉnh phù hợp với mục tiêu mà IMOLA- Dự án quỹ ủy thác cho FAO do Chính phủ Ý và Việt Nam đồng tài trợ lúc bấy giờ đang triển khai ở Thừa Thiên Huế.

Dựa vào việc phân định và chia vùng mặt nước, thông qua vận động của cả hệ thống chính trị, IMOLA giúp các huyện định vị sắp xếp lại nò sáo và tiếp đó là cắm mốc phân vùng, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản.

Nhờ liên tục đôn đúc, kiểm tra cũng như kiên trì vận động, thuyết phục cùng các chính sách hỗ trợ kịp thời, cuối cùng từ Phong Điền đến Phú Lộc, chỉ trong thời gian ngắn có gần 700 trộ sáo được giải tỏa và sắp xếp lại.

Nếu trước đó, một trộ sáo dài đến nửa cây số, miệng bao chiếm rất lớn, sau khi sắp xếp mỗi trộ sáo đều được thu hẹp, nhờ vậy mà mặt nước phá Tam Giang, đầm Cầu Hai trở nên thông thoáng hơn.

Tuy năng lực khai thác giảm nhưng hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Năm 2008, sản lượng thủy sản đánh bắt của dân làng Nghi Xuân chỉ được hơn 100 tấn, thì bước sang năm 2009, năm đầu tiên tiến hành sắp xếp lại nò sáo thì sản lượng khai thác của làng tăng gấp đôi: 210 tấn và năm sau, năm 2010 sản lượng thủy sản khai thác tăng lên 450 tấn.

Lượng cá tôm tự nhiên của đầm Cầu Hai hồi phục nhanh chóng, môi trường nước được cải thiện nên phong trào nuôi xen ghép tôm với cua, đặc sản cá nước lợ có điều kiện phát triển. Cùng với thành lập các chi hội nghề cá và giao quyền sử dụng mặt nước cho họ quản lý, đến nay, sau khi tái cơ cấu cả vùng phá Tam Giang - Cầu Hai hình thành 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do các chi hội nghề cá quản lý.

Nhờ nghiêm cấm khai thác nên thực vật thuỷ sinh ở các khu bảo vệ phát triển tốt, tạo điều kiện để các loại đặc sản nước lợ như cua xanh, ghẹ vàng, tôm đất và các loại cá: ong, nâu, hanh, hồng, dìa, mú... đã hồi sinh mạnh mẽ. Theo khảo sát của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Quang Vinh Bình, bình quân thu nhập của mỗi hộ ngư dân vùng đầm phá đạt từ 6-10 triệu đồng/tháng.

Cùng với khai thác nguồn thủy sản tự nhiên, trong vòng mươi năm trở lại đây ở Tam Giang-Cầu Hai hình thành nghề nuôi cá nước lợ, đặc biệt là vùng ở vùng gần cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Ngoài nuôi các loại cá đặc sản như: mú, dìa, hồng, nâu... ngư dân vùng cửa biển Tư Hiền còn nuôi thêm cá vẩu, vốn sinh sản ở biển, cuối mùa mưa, cá con thường dạt vào đầm Cầu Hai và ngư dân vớt đem nuôi.

Mới đây, tại vùng nước lợ Lộc Bình, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế “trình làng” con cá mú nghệ từ 25kg, sau 3 năm nuôi thử nghiệm đã cân nặng 55kg. Việc nuôi cá mú nghệ trong môi trường nước lợ, trên thật tế không mới, bởi trước đó, có ngư dân của Vinh Hiền sau khi ra biển đánh bắt được giống cá này đưa về nuôi nặng 80kg mới bán và giá 1kg đến nửa triệu đồng.

Với việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị ngành GTVT sớm xây cầu vượt cửa biển Thuận An cho thấy đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai sẽ tiếp tục khởi động ở quy mô lớn và đa dạng hơn. (baothuathienhue.vn 22/10)

 
 
 

3.  Nâng giá trị rừng sản xuất

- Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) tỉnh, ông Võ Văn Dự đánh giá, trồng rừng bền vững và hợp pháp giúp tăng giá trị cho cây keo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường. Điều này không chỉ góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình, mà còn đóng góp rất lớn vào mục tiêu giảm phát thải nhà kính, bảo vệ rừng tự nhiên vốn là môi trường sống của con người và động thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu, lũ lụt ngày càng khắc nghiệt.

Toàn tỉnh có 311.206 ha rừng; trong đó rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay khoảng 57,37%. Tiềm năng và lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC là rất lớn.

Thu lợi 250-300 triệu đồng/ha

Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) Hòa Lộc (Phú Lộc) nhẩm tính, rừng trồng truyền thống với mục đích bán gỗ dăm, sau 4-5 năm thu hoạch có giá chỉ 80-120 triệu đồng/ha. Trong khi đó, RGL có chứng chỉ FSC sau hơn 7 năm trồng khai thác, đạt sản lượng bình quân từ 200-220 m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, có giá từ 250-300 triệu đồng/ha; có lô giá trị lên đến 380 triệu đồng/ha. Chu kỳ rừng trồng gỗ lớn có FSC chỉ dài hơn 2 năm, nhưng lợi nhuận lại cao hơn từ 150-200 triệu đồng/ha so với rừng gỗ nhỏ.

Sau hơn 2 năm thành lập HTXLNBV, ông Thê đã vận động thêm 30 thành viên tham gia trồng RGL với 351 ha, nâng chi hội lên 55 thành viên với tổng diện tích 540 ha được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân từ rừng trồng, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Thành công và bài học kinh nghiệm về trồng rừng kinh tế của tỉnh phải kể đến Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp – WB3. Kết quả của dự án là tiền đề quan trọng hình thành các nhóm hộ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; phát triển RGL, liên kết tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ FSC và thành lập các HTXLNBV.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng trong tái cơ cấu lâm nghiệp, tỉnh ban hành kế hoạch, đầu tư phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2017-2020. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha rừng của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân đã được cấp và đang duy trì chứng chỉ rừng FSC.

Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) tỉnh, ông Võ Văn Dự cho rằng, trong bối cảnh quản lý đất lâm nghiệp như hiện nay, con đường tích tụ ruộng đất thích hợp nhất để hình thành vùng nguyên liệu tập trung của từng chuỗi giá trị là hình thành các HTXLNBV, mà các xã viên là các lâm hộ có quy mô sản xuất với mức hạn điền nhỏ. Việc thành lập HTXLNBV ở các địa phương, tiến đến hình thành liên hiệp các HTXLNBV là hướng đi phù hợp trước yêu cầu mới.

Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới thành lập 19 HTXLNBV với 393 hộ thành viên, chỉ đạt 3% so với tổng số 13.097 hộ lâm dân trên toàn tỉnh, quản lý và sử dụng 13.904,39 ha rừng trồng sản xuất. Toàn tỉnh hiện nay mới có gần 3.000 ha rừng của các hộ lâm dân tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Thúc đẩy “vai trò bà đỡ”

Ông Võ Văn Dự đánh giá, việc thành lập hệ thống HTXLNBV là hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế HTX, làm vai trò “bà đỡ” cho mô hình trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, bước đầu cho thấy nhận thức của phần lớn các hộ lâm dân về vai trò của HTXLNBV chưa đầy đủ, năng lực quản trị và điều hành của bộ máy còn hạn chế. Tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai còn phân tán, manh mún; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến còn thiếu và yếu; trình độ thâm canh rừng của người dân chưa cao. Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất thấp, nguồn tài chính của các HTX và nông dân còn hạn chế...

Trước yêu cầu phát triển kinh tế rừng, FOSDA đang xây xựng đề án phát triển hệ thống HTXLNBV tỉnh giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu, giải pháp chủ yếu là từng bước hình thành chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng, tạo điều kiện cho các lâm hộ cải thiện đời sống, làm giàu từ rừng, góp phần an sinh xã hội, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ rừng tự nhiên.

Hai trong số các yếu tố được xem là cơ bản, quan trọng nhất trong phát triển rừng trồng gỗ lớn, FSC theo chuỗi giá trị là phát triển hệ thống HTXLNBV và tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu sản phẩm. Phấn đấu từ năm 2020-2025, toàn tỉnh xây dựng và hoàn thiện 3 mô hình điểm về phát triển HTXLNBV (đạt mục tiêu cụ thể theo quy định); thành lập mới 14 HTXLNBV; củng cố, định hình và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cơ bản cho 33 HTX.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm tiêu thụ trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ là cơ hội lớn thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản. Các loại sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước chủ yếu là dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, đồ gỗ, ván dăm... với tổng doanh thu (năm 2019) đạt 1.344.575 triệu đồng.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản toàn tỉnh năm 2019 chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính trong vòng 5 năm (2015-2019), kim ngạch xuất khẩu lâm sản hầu như không tăng, trong khi sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng trưởng trong khâu trồng rừng nguyên liệu. Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ toàn tỉnh chiếm 49,24% (trong khi tỷ lệ dăm trên tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 của cả nước chỉ khoảng 12%).

Điều này đòi hỏi cần có giải pháp, thu hút đầu tư cho chế biến sâu, tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm công nghệ cao; giảm mạnh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế (dăm); tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả về số lượng, chất lượng và giá trị. Đây cũng chính là “điểm cuối” của chuỗi liên kết, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp khu vực hộ gia đình, cá nhân và HTXLNBV phát triển trong tương lai.

Thông qua FOSDA, Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững tại cơ sở, các HTX liên kết, hợp đồng cung cấp gỗ với các Công ty CP chế biến lâm sản Minh An và Công ty CP chế biến lâm sản Hòa Nga. Đến nay, sản lượng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC tại các HTX LNBV mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và công suất của các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 21/10)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.448.925
Truy cập hiện tại 1.187